PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Từ Tất Đạt Đa (Siddharta) đến Bu Đa (Buddha).

Ảnh lấy trên Internet.

"Từ Tất Đạt Đa (Siddharta) đến Bu Đa (Buddha)", cái tựa nghe có vẻ "ghê gớm" quá, thực sự có biết bao nhiêu điều để nói chỉ nội trong mấy từ ghi trên, và chắc chắn điều đó nằm ngoài khả năng hiểu biết và "viết lách" của bản thân tôi. Cuối tuần, ngoài hai ngày nghỉ bình thường, được nghỉ... giỗ (giỗ Tổ) thêm một ngày, viết đôi ba câu theo cách suy nghĩ đơn giản, gọi là để vui cùng bạn bè...
Tất Đạt Đa hay còn gọi là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddharta Gautama), Thích Ca Mâu Ni, là một hoàng tử của vương quốc Ca Tì La Vệ (một nước nhỏ xưa thuộc Ấn Độ, nay thuộc xứ Nepal), cha của ngài là quốc vương Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Gia (sinh được 7 ngày thì hoàng hậu mất). Theo ghi chép của sử liệu Phật giáo Trung Hoa, Tất Đạt Đa đản sinh năm 565 trước công nguyên, ngài tạ thế năm 486 TCN, vị chi ngài sống được 80 tuổi cũng có sách chép ngài thọ 86 tuổi, khi năm bảy chục năm trước người ta còn nói "Thất thập cổ lai hy", 70 tuổi xưa nay hiếm thì ở vào thời của ngài cách nay trên hai ngàn năm, ngài sống đến 80 hoặc ngoài 80 phải nói là rất hiếm. Truyền thuyết khi ngài mới sinh ra có rất nhiều sách vở, kinh sách nói đến, chẳng hạn lúc ra đời ngài phóng đại trí quang minh soi khắp mười phương thế giới, có hoa sen vàng từ dưới đất nổi lên hứng hai chân. Một tay chỉ trời một tay chỉ đất, ngài đi vòng quanh bảy bước mắt nhìn bốn phương nói "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn", đại khái là trên trời dưới đất chỉ có mình ta... Đấy là truyền thuyết chép trong sách vở lúc Tất Đạt Đa mới sinh...
Là con vua, lại được vua cha chọn làm Thái tử để truyền ngôi nên Tất Đạt Đa được dạy dỗ cẩn thận, kinh điển Bà La Môn ngài thuộc làu làu (lúc này thì chắc chắn chưa có... Phật giáo), ngài cũng được luyện tập võ nghệ cỡi ngựa bắn cung... nghĩa là chẳng bao lâu ngài đã trở thành một con người tài giỏi văn võ song toàn, thông minh đĩnh ngộ. Khi trưởng thành ngài được vua cha hỏi cưới công chúa nước láng giềng con vua Thiện Giác tên Gia Du Đà La, sinh được một người con trai tên La Hầu La. Những tưởng cuộc đời của thái tử Tất Đạt Đa sẽ êm đẹp nơi cung điện như thế, nhưng khi trưởng thành những gì ngài nhìn thấy trong cuộc sống bất an và đầy xáo trộn của xã hội lúc bấy giờ làm ngài nghi hoặc, những con người nghèo khổ cùng cực, những phiền muộn của sinh, lão, bệnh, tử... nơi những con người trong khắp kinh thành của vua cha dấy lên trong ngài những suy tư về một kiếp người... Và đến năm hai mươi chín tuổi ngài quyết định xuất gia tu hành, để mong tìm được con đường giải thoát cho những đau khổ và phiền não của thâm tâm.
Trong một đêm khuya với một con ngựa trắng thái tử Tất Đạt Đa lặng lẽ rời khỏi kinh thành. Nơi chốn rừng sâu thoạt tiên ngài cởi bỏ bộ quần áo thường mặc nơi cung điện, thay vào bộ trang phục đơn sơ của kẻ tu hành, cạo sạch râu tóc chứng tỏ sự quyết tâm tu hành, vua Tịnh Phạn khi biết ngài đã quyết ra đi, đành phải chọn một người trong hoàng tộc tên Trần Kiều Như và năm thanh niên đi theo làm tuỳ tùng cho ngài. Trong sáu năm Tất Đạt Đa theo học với những bậc trí giả Bà La Môn, những nhà tư tưởng lừng lẫy, sống cuộc sống khổ hạnh nơi rừng sâu, thân xác kiệt quệ... nhưng rồi ngài vẫn không sao tìm được con đường giải thoát tinh thần mà ngài hằng mong muốn... Khổ hạnh chỉ là vô ích, và ngài đã rời khỏi khu rừng khổ hạnh.
Tất Đạt Đa xuống dòng sông Ni - Liên - Thiền tắm gội sạch sẽ, và tiếp nhận một bát sữa bò do một cô mục đồng dâng cúng, dần dần ngài khôi phục thể lực. Lúc này những người trong hoàng tộc cùng đi theo ngài tu hành thấy ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh, lại uống sữa bò do một người con gái dâng, cho rằng ngài đã mất niềm tin, họ rời bỏ ngài trong thất vọng. Còn lại một mình Tất Đạt Đa đến dưới gốc cây Bồ đề bên bờ sông Ni - Liên - Thiền, hướng về phương Đông, trải chiếu cỏ và thề "Ta nay nếu không chứng được vô thượng đại giác thì dù có thịt nát xương tan, cũng không rời khỏi nơi này". Trải qua bảy ngày đêm trầm tư trong thiền định, ngài đã chiến thắng được phiền não, vào thời khắc của một buổi rạng sáng ngài hoát nhiên đại ngộ, thấu tỏ được cội nguồn của khổ não đời người, và đạt được niềm an lạc, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Vào giờ khắc ấy Tất Đạt Đa đã trở thành Bu Đa, tức Đức Phật, kẻ Giác Ngộ...
Việc ngài quyết định ngồi thiền định trầm tư bảy ngày đêm và đắc đạo dưới gốc cây Bồ đề, cũng có kinh sách chép rằng, khi ấy Thiên đế đem cỏ Tường Thoại trải toà cho ngài ngồi, thiên ma sợ ngài thành đạo nên kéo đến quấy rối, hiện thành nữ nhân lôi kéo, nhưng ngài vẫn an nhiên tự tại, và ngài đã đạt đạo... Sau khi trở thành Phật (Buddha, kẻ Giác ngộ), Đức Phật đã đi thuyết giảng thêm 45 năm, cũng có sách chép 49 năm để cứu độ chúng sinh, tư tưởng của ngài đã được các đệ tử, những người theo ngài về sau, đúc kết viết lại thành rất nhiều bộ kinh sách đồ sộ, còn lưu truyền lại cho đến ngày nay, và là tiền đề để một tôn giáo lớn là Phật giáo ra đời...
Trước khi nhập diệt ngài đã nói trước những người đi theo ngài "Từ trước đến nay ta chưa hề thuyết giảng điều gì". Một câu nói có vẻ kỳ lạ, có thể mang tính ẩn dụ, một công án của Phật giáo về sau, hay đấy đơn giản chỉ là một sự thật mà ở vào giờ phút cuối cùng ngài mới nói...
Có lẽ tôi không bàn nhiều về những gì kinh sách đã chép, hoặc vô vàn những truyền thuyết quanh cuộc đời của Đức Phật, 72 phép thần thông biến hoá, chốn niết bàn hoan lạc hoặc chốn địa ngục trừng phạt, hay luân hồi... tin hay không là tuỳ thuộc ở suy nghĩ của mỗi người. Đối với câu chuyện thái tử Tất Đạt Đa trở thành Đức Phật nêu trên tôi có chút suy nghĩ: Tất cả những gì quan trọng nhất đểTất Đạt Đa đạt được Giác ngộ, thoát khỏi phiền não và luân hồi, An lạc tâm thần, không phải nằm trong những truyền thuyết, kinh sách... hoặc chỉ trong 7 ngày đêm trầm tư thiền định, đó là kết quả từ quãng thời gian khi ngài trưởng thành, nhìn thấy, suy nghĩ và luôn bị dằn vặt về nỗi khổ của con người, cộng thêm 6 năm khổ hạnh sống đời sống của một sa môn Bà La Môn nơi rừng thẳm. Cuối cùng là bát sữa bò cúng dường của cô gái mục đồng đã đem lại sức lực, sự minh mẫn, và 7 ngày đêm trầm tư, đã như tiếng chuông thức tỉnh để Tất Đạt Đa nhìn và thấu hiểu được chính Con Người của mình... Trước khi ngài trở thành Phật thế giới quanh ngài đầy đau khổ, sau khi ngài đạt đạo những đau khổ ấy không hề thay đổi, nhưng điều quan trọng nhất, tâm thức, cái nhìn của ngài về thế giới, về con người, về chính bản thân mình đã thay đổi. Và thái tửTất Đạt Đa đã trở thành Bu Đa, Đức Phật, kẻ Giác ngộ...



--> Read more..

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Tam thập nhi lập.

Tam thập nhi lập; (三十而立)
Tứ thập nhi bất hoặc; (四十而不惑)
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; (五十而知天命)
Lục thập nhi nhĩ thuận; (六十而耳順)
Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ. (七十而從心欲,不踰矩)
(Luận Ngữ)

Tự nhiên tôi nhớ đến câu "Tam thập nhi lập" trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử, một trong Tứ Thư của nướcTrung Hoa xưa kia. Tôi không có ý muốn diễn giải nhiều về chữ nghĩa, nhất là có liên quan đến Hán tự, cái chữ vuông vuông, vì đây là sở trường của ông bạn Bulukhin, và của cả chị Huynhtran, đọc lý giải của hai bạn là đủ sướng rồi.
"Tam thập nhi lập", hiểu nôm na đại khái là người ta đến 30 tuổi mới có thể tự lập, tạo nên sự nghiệp cho bản thân mình. Ấy là nói về suy nghĩ của cái thời xa xưa, thời của ngài Khổng Tử còn bôn ba đây đó tạo dựng cơ nghiệp, chứ thời buổi bây giờ, có khi mới nứt mắt, những thiếu gia con cái của đại gia, theo chân cha mẹ,  đã đứng đầu một doanh nghiệp, hay chẳng làm gì cả mà đã xe hơi nhà lầu mấy cái, đô la đầy túi, ăn chơi, sự nghiệp chót vót... Đọc câu trên của Khổng Tử, tôi lại miên man nghĩ đến cuộc đời của Nhị vị anh hào vang danh kim cổ, đó là Đức Phật và Chúa Jesus... Có điều gì đó đúng như câu của ngài Khổng Tử.
Đức Phật, người sáng lập ra Phật giáo có tên là Kiều Đạt Ma Tất Đạt Đa, sách vở chép rằng ngài sinh năm 565 và tạ thế năm 486 Trước Công Nguyên, khoảng trong thời Xuân Thu của Trung Hoa, cũng cùng vào thời của Khổng Tử (551 - 479 TCN). Ngài sinh trưởng trong một gia đình Hoàng tộc, được giáo dục và có truyền thống tốt, ngài đã được vua cha chọn làm người kế vị trị vì đất nước sau này. Mọi việc cứ êm ả qua đi, đến tuổi trưởng thànhThái tử Tất Đạt Đa cưới một nàng công chúa nước láng giềng, sinh con đẻ cái. Nhưng sự đời lại không theo ý muốn của vua cha, năm 29 tuổi ngài từ bỏ cung điện trong một đêm khuya, vào tận trong rừng sâu tìm thầy học đạo. Trải qua sáu năm trời khổ hạnh, làm một thày tu Bà La Môn ngài đã qua muôn vàn đắng cay, thân xác héo mòn bạc nhược mà chẳng đạt được điều gì. Cuối cùng thì ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh, bước ra khỏi rừng, nhận lấy và uống hết một bát sữa cúng dường của một cô gái. Sức khoẻ hồi phục, ngài Thiền định dưới gốc cây bồ đề trong bảy ngày đêm, và ngài đã đạt được Giác Ngộ... Tính theo ngày tháng thì lúc ấy Đức Phật được ba mươi lăm tuổi...
Cuộc đời của Đức Chúa Jesus có hơi khác, ngài sinh ở Bethlehem xứ Judea, cách nay hơn hai ngàn năm (theo lịch là 2012 năm), bởi bà Maria vợ của một người thợ mộc tên Juse. Khi ngài chào đời có một ngôi sao sáng xuất hiện, báo tin cho ba nhà thông thái biết đó là dấu hiệu giáng sinh của đấng Messiah, Đấng Cứu Thế, hay vua của dân Do Thái, và các nhà thông thái đã theo dấu của ngôi sao sáng, mang lễ vật đến với hài nhi Jesus. Chúa Jesus là một đứa trẻ và một thanh niên bình thường, phụ cha làm nghề thợ mộc cho đến năm 30 tuổi. Sau đó ngài đã cùng 12 vị tông đồ (môn đệ) đi khắp xứ Palestine để rao giảng Phúc âm trong vòng 3 năm, cho đến năm 33 tuổi ngài bị bắt và bị hành hình trên cây thập tự giá như chúng ta đã biết. Tôi sẽ không nói nhiều ở đây lý do vì sao chúa Jesus bị người La Mã đang thống trị lúc bấy giờ bắt và giết, vì có rất nhiều truyền thuyết quanh cái chết của Chúa, chẳng hạn, thực sự Jesus đi rao giảng về một Nước Trời, hay qua đó ngài là một người yêu nước muốn tập hợp lại những người dân, chống lại chế độ thống trị của người La Mã trên giải đất Palestine lúc đó, và phương châm của ngài có phải là bất bạo động, khi có lần ngài quở trách Peter một môn đồ của ngài vì đã dùng gươm chống lại những kẻ đến bắt ngài, "Hãy nạp gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm thì sẽ bị chết vì gươm" (Matthew 26:52).
Đức Phật và Chúa Jesus, hai người có ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong suốt hơn hai ngàn năm nay, đúng là đã "Tam thập nhi lập".
--> Read more..

"Hãy từ bỏ chiến thắng và thất bại, bởi người chiến thắng sẽ gieo mầm thù hận, và khiến kẻ thua trận đau khổ". Đức Phật.

--> Read more..

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Một trăm tờ vé số.

Buổi sáng ngày nghỉ tôi ngồi nơi một ghế đá trong công viên nhìn mọi người qua lại, trên cao qua những vòm lá là bầu trời xanh, và nắng... nắng của một ngày cuối tháng ba. Một bà cụ ngồi xuống ghế ở phía đầu bên kia, bà cụ đi bán vé số, nhỏ người, móm mém, có lẽ đã ngoài bảy mươi hoặc hơn nữa không chừng, nhưng trông vẫn còn nhanh nhẹn... Bà cụ đếm những tờ vé số cầm trên tay, đợi cho cụ đếm xong tôi nói "Bà cho con một tờ". Bà cụ chìa cho tôi mấy tờ vé số và tôi rút ra một tấm, gởi tiền cho cụ. Tự nhiên cụ nói với tôi "Người ta nói tôi già rồi đi bán làm chi cho khổ, sao không ở nhà coi cháu, phụ con cái, hay đi ở giúp việc nhà cho người ta, đi bán thế này nắng mưa...". Tôi chưa biết nói sao thì cụ đã tiếp " Con cháu tôi nó cũng nói thế, nhưng tôi không thích đi làm công cho ai hết, từ nhỏ đến giờ, tính tôi thẳng lắm cái gì không phải là tôi nói ngay, cho nên có khi người ta không ưa, đi bán thế này ngày nào khoẻ thì đi, không khoẻ thì ở nhà chẳng ai nói được mình...".
Tôi để bà cụ nói và chỉ nhìn cụ, bà cụ nói rặc giọng miền Nam, chính gốc, giọng nói của cụ còn rất khoẻ, bà cụ tiếp "Bán một trăm tờ giấy (vé) số tôi lời được hai mươi ngàn đồng, có hôm tôi bán được nhiều hơn, nhưng bán được một trăm tờ là tôi đủ tiền ăn rồi...". Có lẽ ý cụ muốn nói với hai mươi ngàn tiền lời của một trăm tờ vé số cụ đã đủ tiền ăn trong một ngày, và với cụ thế là đủ...
Bà cụ dợm đứng lên nhưng vẫn nói tiếp "Thôi chú ngồi chơi tôi đi bán tiếp đây". Tôi cám ơn và chào bà cụ, khi bà cụ đã đi khỏi tôi nhìn lại tờ vé số trên tay mình, bán một trăm tờ vé số như thế này cụ được lời hai mươi ngàn đồng, một số tiền có lẽ là rất nhỏ trong thời buổi gạo châu củi quế này, có khi còn chưa đủ tiền ăn một tô phở hay uống một ly nước trong quán, nhưng với bà cụ bán vé số là đã sống được một ngày, và chắc là bà cụ đã vui và hài lòng với điều ấy...
--> Read more..

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Thế giới không ma quái.

Tôi đọc lại bản dịch cuốn sách Chiếc Lexus và Cây Ô liu của Thomas L. Friendman, một cuốn sách tôi đã từng thích thú khi lần đầu đọc cách nay khoảng 2 năm, cho đến đoạn cuối khi gấp cuốn sách lại, và tôi muốn chép lại nơi đây đoạn cuối đó.

"Tôi mở đầu cuốn sách này bằng một cuộc đối thoại giữa Cain và Abel, và tôi xin kết thúc cuốn sách bằng một trao đổi về Tháp Babel. Tháp Babel thì sao? Chẳng phải đó là giấc mơ của các nhà chủ trương toàn cầu hoá ngày nay - một thế giới trong đó chúng ta có cùng một hệ tiêu chuẩn kế toán? Chính do sự đồng dạng đó mà những người trong Kinh thánh có thể xây dựng được toà tháp Babel - một toà tháp vươn được tới Thiên đàng. Tôi đã nói về điều này trong một buổi chiều với giáo sĩ Marx; đặt ly cà phê xuống, ông ngẩng lên và hỏi tôi, "Liệu tháp Babel có phải là phiên bản gốc của Internet?" Sau cùng thì Internet cũng là một loại ngôn ngữ đại chúng, nằm bên ngoài khuôn mẫu của bất cứ nền văn hoá nào. Đó là một mô hình liên lạc đại chúng và ít nhất về bề ngoài, cho phép chúng ta hiểu được nhau, dẫu cho chúng ta không cùng chung một ngôn ngữ. Và nó cho phép chúng ta kết nối với rất nhiều hạng người - những người mà chúng ta chưa từng chia sẻ dưới một tán cây ô liu.
Nhưng Đức Chúa đã làm gì đối với tháp Babel? Ngài chặn nó lại. Và làm cách nào mà ngài chặn được nó? Bằng cách buộc những người trên đó nói những thứ ngôn ngữ khác nhau, vì thế họ không còn hợp tác với nhau nữa. Vì sao Đức Chúa làm như vậy? Giáo sĩ Marx giải thích, "Đức Chúa làm như thế một phần là do những người trên tháp đang vượt qua những giới hạn của họ, cố gắng xây tháp vươn tới Thiên đàng, thách thức quyền lực của ngài. Nhưng Ngài cũng đã thiêu huỷ toà tháp vì Ngài thấy việc con người có chung một ngôn ngữ và quan điểm sẽ dẫn đến hiện tượng phi nhân tính. Vì làm như thế mọi người sẽ để mất đi những đặc điểm riêng của họ. Do vậy Ngài đã phá di toà tháp bắt mọi người phải nói các thứ tiếng khác nhau."
Đó là cách Đức Chúa buộc mọi người phải quay lại với những cây ô liu của họ. Những cây ô liu phản ánh những cá tính riêng và đặc điểm riêng của con người, gắn bó với một chốn nương thân, một cộng đồng, một nền văn hoá, một bộ tộc và một gia đình.
Vâng, toàn cầu hoá và Internet giúp kết nối những người xưa nay chưa từng biết đến nhau - giống như mẹ tôi và những người bạn chơi bài cùng bà đang sống bên Pháp. Nhưng thay vì tạo nên những cộng đồng mới, công nghệ Internet thường chỉ đưa đến những cảm giác ảo về sự kết nối và gắn bó. Cũng giống như hai linh kiện được kết nối với nhau. Liêu chúng ta có thể gắn bó với người khác thông qua email hay ván bài trên Internet hay các chat room? Liệu cái công nghệ kỹ thuật cao này có tiếp tay cho chúng ta vươn ra thế giới trong khi tránh cho chúng ta trách nhiệm làm những công việc cộng đồng và quan hệ trên thế giới thực? Tôi đã từng trò chuyện và gặp gỡ nhiều người từ khắp thế giới khi đi trượt tuyết ở Colorado. Tôi vẫn đi trượt tuyết, và ngày nay mọi người đều đã có điện thoại di động. Vậy là thay vì gặp gỡ người khác trong các thang máy trượt tuyết, giờ đây tôi lại nghe được những người đó tán chuyện với bạn bè của họ từ khắp nơi trên thế giới. Tôi rất ghét chuyện đó. Email không thể dùng để xây dựng tình cộng đồng - tham dự một cuộc họp phụ huynh mới là xây dựng cộng đồng. Chat room không thể xây dựng được cộng đồng - phối hợp láng giềng của bạn để đề nghị toà thị chính mở cho một trục đường mới: đó mới là xây dựng cộng đồng. Liệu chúng ta có thể xây dựng những cộng đồng trong không gian điện toán để thay thế những cộng đồng thực sự của chúng ta? Chắc là không thể được. Chính vì thế mà tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu một ngày nào đó thức dậy và phát hiện Internet bị Đấng Tối Cao phá nát, giống như điều Ngài đã làm đối với toà tháp Babel ngày nào.
Tôi cứ nghĩ mãi đến người bạn trẻ người Kuwait mà tôi đã gặp ở quán cà phê Internet ở Kuwait City, anh ấy nói với tôi, "Khi còn là một sinh viên, chúng tôi không có Internet. Lúc đó chúng tôi chỉ có một vài giáo sư có đầu óc phóng khoáng và thường chúng tôi hay đến nhà họ tụ tập và bàn chuyện chính trị. Giờ đây, một sinh viên có thể ngồi nhà mà nói chuyện với toàn thế giới." Nhưng, anh ấy thú nhận, anh và các vị giáo sư nọ không còn tụ tập cùng nhau như ngày trước. Đó là một điều nguy hiểm - hậu quả của việc Internet hoá các xã hội, khi công nghệ đó chiến thắng trong cuộc sống của chúng ta: một ngày nào đó dân chúng thức dậy và nhận thấy họ không muốn giao thiệp với ai khác nếu không thông qua máy ví tính. Khi điều đó xảy ra thì con người sẽ dễ trở thành nạn nhân của những bậc giáo điều và những giấc mơ tôn giáo thời đại mới. Những phần tử đó nảy sinh và bắt đầu rao giảng cho chúng ta cách thức lên hệ tâm hồn, thể xác và những cây ô liu. Đó là lúc chúng ta sẽ thấy những phản ứng chống lại sự đơn điệu và tiêu chuẩn hoá - dân chúng khác biệt nhau một cách lấy lệ, không còn do sự khác biệt về gốc rễ lịch sử hay truyền thống.
Cân đối giữa chiếc xe Lexus và cây ô liu là điều mà mỗi xã hội cần phải thực hiện mỗi ngày."

Rất may là tôi vẫn rất thích thú tán gẫu với bạn bên tách cà phê, chứ không phải qua bàn phím chat...

Saigon tháng 3/2012.

--> Read more..

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Tiếng và Miếng.

Thứ Tư, 21/03/2012, 04:25 (GMT+7)

Lùm xùm xung quanh cuộc thi ảnh Nét đẹp Cần Thơ

TT - Những ngày qua, giới nhiếp ảnh TP Cần Thơ xôn xao việc hai “lão làng”“rinh” 8/11 giải cuộc thi ảnh nghệ thuật Nét đẹp Cần Thơ năm 2011 (giải vừa được trao ngày 15-3).

Hai vị "lão lãng" ấy là ông Tô Hoài Vũ (chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Cần Thơ) và bà Trương Ánh Hồng (nguyên phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Cần Thơ)

Triển lãm “Nét đẹp Cần Thơ” tại trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Cần Thơ ít người đến xem - Ảnh: Chí Quốc

Theo đó, ông Vũ đoạt một giải nhất, hai giải ba, một giải khuyến khích và bà Hồng đoạt hai giải nhì, hai giải khuyến khích. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Cần Thơ đề nghị giấu tên cho biết giới nhiếp ảnh Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất bức xúc vì hai “lão làng” đã không nhường sân chơi cho các tay máy trẻ, trong đó có những tay máy muốn tích điểm từ các cuộc thi này để trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh VN.

“Ý kiến của anh em là nếu tiếp tục như năm nay họ sẽ không muốn đi thi nữa vì sợ đấu không nổi” - nghệ sĩ này nói.

.......

(Trích Tuổi Trẻ 21/3/2012)


Hì hì, đọc tin trên ngày hôm nay cùng với tin trên báo của mấy ngày trước, chủ tịch Hội nhà văn cũng của Cần Thơ đạo văn để đi dự thi văn học và đoạt giải mà thấy ngộ. Hình như người ta bây giờ mong muốn có tiếng, và có miếng bằng đủ mọi cách. Một đương kim chủ tịch Hội nhiếp ảnh, và một nguyên phó chủ tịch Hội, ẵm tới 8/11 giải thưởng trong năm, cũng của Hội nhiếp ảnh thì thật hết biết, các năm trước cũng thế...

Nghỉ chơi là phải... 

--> Read more..

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Tự tôn.

Trọng tài ngoại và vấn đề “tự tôn dân tộc”


Quyết định không thuê trọng tài (TT) ngoại của VFF và Ban TT thoạt nghe tưởng là “dũng khí”, nhưng lại khó chấp nhận được trong bối cảnh đội ngũ TT nội mắc sai sót liên miên.

“Là người Việt Nam, chúng ta sẽ cảm thấy không được bình thường lắm, thấy lòng tự tôn dân tộc bị ảnh hưởng nếu phải thuê TT ngoại. Vào thời điểm này chưa thích hợp để thuê TT ngoại” - đây là phát biểu của Trưởng ban TT Dương Vũ Lâm. Còn Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ giải thích: “Việt Nam được đánh giá có nền bóng đá phát triển, nếu mời TT ngoại thì sự tự tôn dân tộc sẽ giảm đi ít nhiều. Cũng cần cân nhắc kỹ vì nếu lỗi của TT ngoại lại giống hệt lỗi của TT nội thì sẽ xử lý thế nào?”.


Đọc trên báo Thanh Niên hôm nay (17/3/2012), hì hì, thỉnh thoảng ngồi cà phê giở tờ báo đọc chơi đỡ buồn, lại gặp những tin trời ơi, hoặc dở hơi như thế này. Mấy ngày trước thì một thứ trưởng GTVT nằng nặc đòi thu phí quốc lộ 1A đoạn về miền Tây, để "điều tiết" những xe không chịu đi đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, vì nhà xe cho rằng việc thu phí đường cao tốc là quá cao, một kẻ bình thường nhất cũng thấy (và biết rõ), về mặt pháp lý, và cả luân lý, việc thu phí một con đường mà người dân đương nhiên được đi, vì con đường này được xây dựng bằng ngân sách nhà nước, không do một cá nhân hay tổ chức nào bỏ tiền ra, là cực kỳ vô lý. Báo chí cũng nói, mấy năm nay trạm thu phí của cầu Đồng Nai nằm ở địa phận Biên Hoà, Bình Dương giáp với Saigon lại ở tận... Bình Thuận, cách đó trên một trăm cây số, đọc xong ngớ ngẩn, ủa sao người ta lại làm được việc này hà!!! Còn chuyện muốn tăng giá điện, nước chẳng hạn, người muốn tăng vô tư nói, tăng giá để cho... bằng với nước người ta, mà (chắc cố tình) không nghĩ rằng mức thu nhập của người dân mình vẫn còn thua xa các nước trong khu vực, chưa nói đến các nước Âu, Mỹ...

Trở lại chuyện trọng tài bóng đá, và những phát biểu đầy lòng tự tôn của những vị có thẩm quyền về bóng đá VN ở trên đây mà... ú ớ, bao nhiêu năm nay ở ta thuê mướn HLV ngoại cho đội tuyển bóng đá quốc gia, cầu thủ ngoại, các nước chung quanh ta cũng thế, ngay cả nước Nhật hùng mạnh và đầy lòng tự hào dân tộc cũng mướn trọng tài ngoại về điều khiển trận bóng cho thêm tính công bằng, nay chuyện trọng tài nội lùm xùm mãi bao nhiêu năm, nay muốn chấn chỉnh người có trách nhiệm lại nói thế...

Mà lạ, ở xứ ta người có thẩm quyền hình như muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói... hùhù! .


--> Read more..

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Dế cỏ.

(Ảnh trên Internet).

Buổi chiều nay Saigon có một cơn mưa kha khá, cơn mưa trái mùa vào giữa tháng 3, lúc trời đang nóng và nắng muốn đổ lửa trên mặt đường, dẫu sao cơn mưa cũng làm dịu đi cái oi bức của những ngày chuẩn bị vào hè này.
Tối nay dưới chỗ khu nhà tôi ở có một chú dế mèn gáy vang inh ỏi cả một góc sân, có lẽ cơn mưa ban chiều đã đánh thức chú dế từ một chỗ trú ẩn ngóc ngách nào đó. Chú dế mèn, chắc hẳn là còn non tơ, mới trải qua những ngày tháng ấu trùng nằm im dưới lớp cỏ. Với tôi những chú dế mèn hay những tiếng gáy vang của những chú dế mèn luôn cuốn hút tôi, từ thuở ấu thời... Từ thuở nhỏ, cái thời lê la đất cát vào dịp hè tôi thường cùng đám trẻ nhỏ đi bắt những con dế mèn về nhốt trong những cái hộp thiếc đựng bánh, mà thuở đó phải nằn nì mãi mới xin được nơi người lớn, được con dế đá ác chiến là phải biết, hàng ngày phải xin thêm vài cọng giá hay cọng xà lách khi mẹ đi chợ về làm cơm dưới bếp cho chúng ăn, ban đêm có khi để trong nhà chúng gáy inh ỏi làm mất giấc ngủ của người lớn, thế là đành phải mang xuống bếp, hoặc ra hiên sau nhà để chúng ở đấy, và những giấc ngủ tuổi thơ của tôi vào mùa hè, thường là trôi đi với những tiếng dế gáy vang đó...
Không hiểu sao lớn lên, khi đã bước xuống cuộc đời tôi vẫn mê tiếng những con dế gáy vang. Ngày xưa, có những ngày ở trong một làng Thượng trên cao nguyên, tôi thường thức dậy vào những buổi sớm, ra một sườn đồi lắng nghe muôn ngàn những con dế hát ca dưới cỏ, thật không gì thú vị bằng một buổi sớm vắng lặng, không gian, cây cỏ còn ướt đẫm sương mai, một mình lắng nghe những âm thanh của đất trời, của những chú dế, và muôn loài côn trùng khác... Rồi trở về thành phố, bây giờ thì trẻ con không còn mấy đứa đi bắt hay chơi những con dế nữa, nhưng thỉnh thoảng vào dịp đầu mùa mưa, vào hè, khoảng tháng 4 tháng 5, tôi vẫn bắt gặp một ông trông kiểu nhà quê vùng ven, chở đàng sau chiếc xe gắn máy cà tàng cái lồng lưới vuông vuông bên trong chứa những chú dế than, dế lửa gáy rả rích trước một cổng trường tiểu học, hay ở một góc phố, và thường tôi cũng sẽ ghé lại nhìn ngắm nhìn những chú dế trong lồng hồi lâu...
Những kỷ niệm về một thời ấu thơ với những chú dế cỏ, với tôi luôn ngọt ngào...

--> Read more..

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Ký ức tháng 3.

Tháng 3, nước Nhật mới tưởng niệm một năm thiên tai giáng xuống đất nước của họ... Chiến tranh và căng thẳng vẫn đâu đó trên thế giới, lò lửa Trung đông chực chờ bùng nổ, và đối đầu quân sự gia tăng khắp nơi... Tháng 3 người dân xứ mình chóng mặt với vật giá leo thang, xăng dầu, giá gas, thực phẩm ngất ngưởng... Tháng 3 bà già chết rét, câu thành ngữ nói về khí hậu của miền Bắc VN, vẫn còn lạnh căm, trong khi ở miền Nam nắng nóng cháy da, buổi trưa ra ngoài đường như đi trong cái lò lửa... Với tôi, đã lâu tháng 3 là khoảng thời gian khó khăn nhất trong năm, bởi những ký ức tháng 3, của một thời...
Đó là tháng 3 của năm 1975, trọn một tháng 3 của năm 75 tôi đã sống trong địa ngục, nếu có ai đó nói rằng địa ngục có thật, bắt đầu từ đầu tháng 3 năm 75 đó khi những đơn vị đầu tiên của quân đội Saigon rút khỏi Tây nguyên, đúng hơn là một cuộc bỏ chạy hỗn loạn. Để về được đến Saigon tôi đã đi bằng xe cơ giới, lội bộ, lên thuyền, ghe, cả xe lửa và được trực thăng bốc giữa rừng... qua sông, suối, đèo núi hiểm trở đầy bom mìn, súng đạn và chết chóc... Tôi cũng không muốn nói nhiều về chốn địa ngục có thật ấy... Nhưng tôi muốn nói về một người bạn cùng trang lứa, chơi với nhau từ thời còn để chỏm vì ở gần nhà, cho đến khi tôi và bạn bước xuống cuộc đời...
Đến tuổi lúc bấy giờ gần như tất cả những thanh niên đều phải nhập ngũ (có lẽ ở miền Bắc cũng thế), tôi vào một đơn vị bộ binh, tuy không đến nỗi phải trực tiếp cầm súng, nhưng cũng thường xuyên phải đi theo những đơn vị tác chiến khắp vùng Tây nguyên, những đồn biên giới, những làng Thượng, thị trấn heo hút, hoặc những cứ điểm không có tên gọi, chỉ là những con số toạ độ khô khan trên bản đồ quân sự, để nếu cần thì gọi phi pháo... Còn người bạn hàng xóm thuở nhỏ của tôi may mắn hơn, ông thân sinh ra bạn có một chức vụ khá khá lúc bấy giờ lo cho bạn vào không quân, thuộc loại lính kiểng. Trong khi tôi ở xa nhà, may ra một năm về phép thăm gia đình được vài ngày thì bạn đóng ngay ở phi trường Biên Hoà, trong một đơn vị trực thăng vận tải, và bạn có thể vù về nhà vào mỗi cuối tuần.
Câu chuyện về những ngày cuối của bạn cũng vào tháng 3 năm 75, do những nữ tu của một tu viện TCG tại Buôn Mê Thuột tìm đến nhà bạn kể lại sau đó vài tháng... Mở đầu cho việc kết thúc 20 năm chiến tranh là trận đánh thị xã Buôn Mê Thuột lúc bấy giờ, và chiếc trực thăng của người bạn thuở nhỏ của tôi bị trúng đạn rơi trong phi vụ chuyển quân khi hai bên còn đang giằng co. Bạn bị thương nặng lết vào được tu viện của những nữ tu. Không đủ phương tiện và cũng không thể mang bạn đi đâu, bởi lúc đó chiến sự nơi này đang diễn ra ác liệt, những nữ tu nhân ái đã phải chôn bạn ở một góc tu viện sau mấy ngày cố gắng cứu chữa. Cũng may bạn theo đạo TCG, và trước khi chết, các nữ tu đã làm đầy đủ các phép đạo và luôn cầu nguyện cho bạn... Khi tìm đến nhà của bạn, kể lại câu chuyện, những nữ tu tốt bụng cũng trao lại đầy đủ giấy tờ và một vài vật dụng cá nhân cần thiết của bạn...
Tôi vẫn luôn mong đừng bao giờ chiến tranh trở lại...
--> Read more..

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

"Chúng tôi sẽ không quên những người thân yêu, bạn bè, những đồng nghiệp đã mất trong thảm họa. Và chúng tôi cũng không quên sự ủng hộ nhiệt tình và sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế dành cho Nhật Bản. Với những điều này, chúng tôi cảm thấy một sự biết ơn sâu sắc và mãi mãi cảm kích" Thủ tướng YOSHIHIKO NODA bày tỏ trong bài viết “Xây dựng một Nhật Bản mới một năm sau động đất” trên tờ Washington Post ngày 10-3

--> Read more..

Những bạn trẻ hát tiếng Anh.

Ở entry trước khi nói về cuộc thi Tìm kiếm tài năng trên truyền hình, anh  bạn Toro ở Hà Nội có comment nói "Có điều đặc biệt là hầu hết các bạn trẻ đều hát hay bằng những bài tiếng Anh, chứ không hát bằng ca khúc VN... Buồn hay vui bác?!". Thật ra câu hỏi của Toro gồm cả buồn lẫn vui. Trước hết tôi muốn nói về nỗi buồn, buồn không phải vì các bạn trẻ này chỉ hát tiếng Anh không hát bằng tiếng Việt, mà như Toro đã nói tiếp ở comment kế "Buồn chút xíu về nền âm nhạc VN hiện nay ít ca khúc hay, nhất là những ca khúc cho thanh thiếu niên."
Đúng như anh bạn Toro nhận xét, những ca khúc bây giờ, đa số, kể cả dành cho thanh thiếu niên, đều quá dở, gần như những bài hát được làm ra chẳng có mấy ai hát, và dĩ nhiên sẽ chẳng được ai nhắc đến, bởi nhiều thứ, giai điệu lộn xộn, hát không ra hát, nói không ra nói, ca từ luộm thuộm, nhiều khi vô nghĩa, thật không thể tưởng tượng được những lời hát như thế này được đưa vào bài hát (tôi nhớ không biết có chính xác không?) "...bà xã tôi năm bờ oăn, năm bờ oăn...", hoặc "...lại đẹp trai nhất vùng...". Những bài hát được hát, được nghe một lần, và không ai muốn nhớ đến nữa... Một trong những khả năng lớn nhất của âm nhạc là gợi nhớ đến ký ức, không có gì khó hiểu khi những người đã lớn tuổi (như thế hệ của tôi) luôn nhớ đến những Suối mơ, Buồn tàn thu... (Văn Cao), Em đến thăm anh một chiều mưa... (Tô Vũ), Con thuyền không bến... (Đặng Thế Phong), Dư âm... (Nguyễn Văn Tý), Tình ca, Bà mẹ Gio Linh... (Phạm Duy), hay Tình nghệ sỹ, Thu quyến rũ... (Đoàn Chuẩn)..., bởi đây là những bài hát một thời tuổi trẻ của họ, giai điệu mượt mà, lời hát nhẹ nhàng, tình cảm... Dĩ nhiên không thể bắt những bạn trẻ bây giờ thích những bài hát của hơn nửa thế kỷ trước...
Cái vui khi thấy bây giờ nhiều bạn trẻ hát, hiểu, và giao tiếp được bằng tiếng Anh (có thể nói tiếng Anh bây giờ đã trở thành ngôn ngữ quốc tế), giỏi tiếng Anh (hoặc giỏi ngoại ngữ) thường là các bạn trẻ năng động, có tri thức (tôi muốn nói đến "tri thức" chứ không phải "trí thức" là những người được coi là có bằng cấp), rất lạ lùng là những người giỏi ngoại ngữ và có tri thức ấy, lại thường là giữ được bản sắc VN, không lai căng và mất gốc... Giỏi ngoại ngữ, đấy chính là chìa khoá để các bạn trẻ mở cánh cửa đưa đất nước hoà nhập với thế giới...
Và điều cuối cùng như Toro đã viết tiếp "mà ở ta, ngành nào, lãnh vực nào cũng thế, phải không ạ...".
--> Read more..

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Một năm sau ngày động đất và sóng thần tại Nhật Bản.

Còn khoảng một tuần nữa là kỷ niệm một năm ngày động đất và sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản (11/3/2011), còn nhớ năm ngoái vào ngày 11/3 này cả thế giới đã đau lòng nhìn thiên tai tàn phá nước Nhật, những hình ảnh được phát  đi trên những phương tiện truyền thông khiến thế giới bàng hoàng. Chắc mỗi chúng ta vẫn chưa quên những hình ảnh như thế này, chiếc tàu "đậu" trên nóc một ngôi nhà, một hình ảnh khác là chiếc máy bay chiến đấu trông như một món đồ chơi của trẻ con bị quăng quật ở góc nhà, và những chiếc xe hơi hay những ngôi nhà bị cuốn trôi như những chiếc lá trên đường phố. Cùng với những thảm hoạ đến từ thiên nhiên thì nước Nhật phải gánh chịu thêm một thảm hoạ nhân tạo, đó là chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ, và nhiều người tình nguyện tham gia cứu nhà máy điện đã bị nhiễm chất phóng xạ.


Cứ tưởng nước Nhật sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể vượt qua được thảm hoạ này, vậy mà người Nhật đã đứng ngay dậy, từ những đổ nát, không một lời than van khiến cả thế giới phải khâm phục, một năm trôi qua, thời gian có lẽ khá ngắn ngủi, chắc chắn những gia đình sẽ còn tưởng nhớ những người thân không may đã mất, nhưng xã hội Nhật đã hồi sinh... Điều gì đã làm nên sự thần kỳ đó...?
Có lẽ câu trả lời không gì khác hơn là "Tinh thần Nhật", đó là tính kỷ luật, ý chí, tinh thần đoàn kết, sức chịu đựng, luôn đặt lợi ích của cộng đồng, quốc gia, lên trên lợi ích của bản thân... Cũng như sự thất bại của người Nhật trong Thế chiến thứ hai, cùng với việc chiếm đóng của người Mỹ, và sự xâm lấn của đồng đô la cũng như nền văn hoá Mỹ, chắc chắn sẽ có những thay đổi nơi người Nhật, nhưng vẫn còn những thứ không thể thay đổi được, đó là tinh thần tôn giáo cơ bản của người Nhật, đối với họ là "Thần Giáo",  con đường của những Vị Thần. Cũng như người Trung Hoa, chúng ta thường biết đến những câu chuyện về những Thiền sư, tu tập theo Phật giáo, nhưng cũng giống như Trung Hoa, chưa bao giờ Phật giáo là tôn giáo chính ở nước Nhật, cả nghìn năm họ đã vay mượn đạo đức và triết lý của Khổng, Lão, tôn giáo và nghệ thuật từ những nguời Phật giáo, và kỹ thuật, công nghệ phương Tây thời hiện đại...

Người Nhật tìm thấy sự tĩnh lặng và cảm hứng trong cái đẹp của môi trường, vườn Nhật chẳng hạn, rất nhiều khi chỉ là một khoảnh sân cát trắng và những phiến đá, cái đẹp đối với họ tưởng chừng rất đơn giản, nhưng hoàn toàn không hời hợt, chừng như tất cả tinh hoa của đất trời ẩn dấu trong những hạt cát và những phiến đá, tựa như một bài thơ Haiku của người Nhật, mà nhà thơ, thiền sư Basho là tiêu biểu:
Nhiều chuyện
Làm nhớ lại
Hoa Anh đào

Hay như một bài thơ Haiku khác:
Tịch liêu
Thấu xuyên vào đá
Tiếng ve kêu

Người Nhật cũng luôn tìm thấy sự tĩnh lặng bởi thiên nhiên, sông, suối, tiếng nước chảy róc rách, những cánh hoa Anh đào mỏng manh trước gió... Đối với họ Thánh đường không phải là những giáo đường, những chánh điện, mà chính là một bầu trời đêm, ở đó chỉ có tiếng gió xào xạc qua những lá cây, cùng bản hoà âm điền dã của muôn vật...


Họ luôn cảm thấy sự lôi cuốn bởi thiên nhiên, tinh tú, trăng, tiếng kêu của ếch nhái, côn trùng... Họ có những buổi lễ và liên hoan khá lạ lùng đối với những người ngoại quốc, chẳng hạn vào một buổi tối đầu thu, Hoàng đế và hàng ngàn thần dân yên lặng ngồi nghe những tiếng kêu của các loại côn trùng, hoặc có khi họ dành cả một buổi chiều tối để ngắm trăng, hay cả giờ để chỉ ngắm một bông hoa, một nhánh cây khô, hay những chiếc lá úa..., và vào mùa hoa Anh đào nở hoa, những người Nhật thường đóng cửa tiệm, đi đến công viên hay về miền quê để ngắm nhìn hoa Anh đào nở...
Ở những đền đài, mà cả ngàn năm nay kiến trúc vẫn không hề thay đổi, không hề có sự can thiệp thô bạo hay ngốc nghếch của con người, nhà cửa của người Nhật cũng luôn giữ được sự sạch sẽ, tinh khiết, họ luôn có những máng nước nơi những ngôi đền, để người đến hành lễ rửa tay, súc miệng trước khi bước vào đền...
Ngày xưa tinh thần Võ sĩ đạo luôn hiện diện nơi người Nhật, họ sẵn sàng quên, thậm chí hy sinh bản thân mình cho đất nước, cho những người khác, cho người chủ của họ, và ngày nay chúng ta cũng vẫn thấy họ ứng xử như thế, trong thảm hoạ mà dân tộc họ phải chịu đựng...
Một năm thảm hoạ của họ đã trôi qua, có một cái gì đó, cho dẫu không thích nhưng tôi vẫn phải kính trọng người Nhật...


--> Read more..