PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Nhảy nhót.




Không biết cu cậu con trai tôi giống ai lại khoái nhảy nhót? . Bây giờ có nhiều thứ nhảy, thỉnh thoảng xem trên truyền hình thì thấy, chẳng hạn cuộc thi nhảy nhót gì đó đang diễn ra trên truyền hình, đủ mọi cách nhảy, nhảy tưng tưng, nhảy lộn tùng phèo, nhảy như... lên đồng... đủ cả. Mấy năm nay từ ngày ham nhảy nhót (cu cậu nhảy Dancesport, gọi nôm na là Khiêu vũ thể thao), thỉnh thoảng cu cậu cũng đăng ký đi dự thi, đủ thứ, giải thành phố hạng phong trào thiếu niên, rồi lên giải chuyên nghiệp thanh niên, mấy cái giải của sinh viên học sinh, thấy mang về đủ thứ huy chương, cúp, vương miện, bằng khen... Thỉnh thoảng tham dự cái giải nào khá khá (mấy cái giải thành phố mở rộng), lại nhờ bố mẹ đi quay phim, chụp hình, như các bạn đã thấy... Rồi bây giờ tốt nghiệp xong đại học, ban ngày đi làm, buổi tối lại đứng lớp dạy nhảy nhót... Có hôm gần nửa khuya mới mò về nhà, làm bà mẹ đứng ngồi không yên...

Vừa rồi trong 2 ngày 27 và 28 tháng 9 (2 buổi tối), cu cậu tham gia thi đấu tại giải vô địch Dancesport TP HCM năm 2012 mở rộng, tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng quận 11, với 2 nội dung Rumba và Chachacha - Rumba, đều lọt vào chung kết, Rumba thì được Huy chương vàng, còn Chachacha - Rumba thì được Huy chương bạc, kể ra cũng bõ công bố mẹ dầm mưa đi quay phim chụp hình cổ vũ... .







Tiện đây tôi cũng post lên một vài hình ảnh của các cặp đôi khác thi đấu trong những điệu nhảy khác như điệu Valse lả lướt, Tango, Chachacha, Samba, Jive trẻ trung, Rumba tình tứ... mà tôi đã chụp...


                                                                  Valse

                                                                   Valse

                                                                   Jive

                                                                    Jive

                                                                  Tango

                                                                  Tango

                                                                   Valse

                                                                 Samba
--> Read more..

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Người xưa dùng chữ...



Lan man đọc lại mấy cuốn sách, mới hay người xưa dùng chữ rất hay, chỉ là những từ để chỉ vài loại vũ khí, những công cụ ngày xưa dùng trong chiến tranh, nhưng dùng mỗi từ lại mỗi khác ý nghĩa, chẳng hạn mấy thứ binh khí dưới đây:

- Can qua: Can là cái mộc để đỡ, từ điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi chú là không dùng chữ Can một mình. Qua là khí giới có mũi nhọn dùng để đâm, có sách chép là "giáo", có sách chép là "mác", sách Địa chí văn hóa TP HCM trong Phần Sài Gòn thời tiền sử chép "Qua là loại vũ khí để tấn công tác dụng chủ đạo của nó là bổ, chém, và móc, có người cho rằng nó phát triển thành kích". Từ điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng ghi chú chữ Qua không dùng một mình.

Hai chữ "Can qua" có nghĩa bóng là việc chiến tranh, các cuộc chiến tranh. Truyện Kiều: "Giấn thân vào đám can qua", từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh chép "Giấn thân vào áng can qua". 

- Mâu thuẫn: Mâu sách vở chép là khí giới có cán, mũi nhọn dùng để đâm, cái giáo. Thuẫn là cái mộc để đỡ, từ điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng chép là không dùng chữ Thuẫn một mình. 

Mâu thuẫn cũng là từ để chỉ khí giới đâm và đỡ như Can qua, nhưng Can qua có nghĩa bóng là "Chiến tranh", thì mâu thuẫn lại có ý nghĩa là "Trái ngược với nhau". Nước Sở có người bán cái mâu và cái thuẫn. Y khoe rằng, cái mâu của tôi rất nhọn, bất cứ vật gì cũng có thể đâm thủng được; đến khi quảng cáo cho cái thuẫn lại nói, cái thuẫn của tôi có thể ngăn cản được mọi thứ binh khí. Có người hỏi "Nay nếu dùng cái mâu của anh để đâm cái thuẫn của anh thì sao?". Người kia không thể nào đáp được, về sau những điều trái ngược nhau thì gọi là mâu thuẫn. (Hàn Phi Tử).

- Tang bồng hồ thỉ: bây giờ người ta quen dùng chữ "Tang bồng hồ thỉ" để chỉ "Chí khí giang hồ của người làm trai". Theo Tự điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức, và Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh viết là "Tang hồ bồng thỉ". Tang là cây dâu, Hồ là cây cung. Từ điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi chú chữ Tang và chữ Hồ không dùng một mình. Bồng là một thứ cỏ để dùng làm mũi tên. Thỉ là mũi tên để bắn cung. Học giả An Chi trong mục "Tang hồ bồng thỉ và tang bồng hồ thỉ" của "Bách Khoa Tri Thức - Hỏi đáp Đông Tây" trên mạng cũng có giải thích rõ hơn về điều này, theo cú pháp chữ Hán phải viết "Tang hồ bồng thỉ" chứ không phải là "Tang bồng hồ thỉ", các từ điển như Hán Việt (Đào Duy Anh), Tự điển Việt Nam (Hội Khai Trí tiến Đức), như tôi đã có và đã dẫn, và nhiều từ điển khác như Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, Hán Việt tân tự điển của Nguyễn Quốc Hùng... cũng đã viết là "Tang hồ bồng thỉ".

Như vậy là phải viết "Tang hồ bồng thỉ" mới đúng, cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng, cung - tên cũng là khí giới của người xưa, dùng để săn bắn, đánh trận, nhưng được hiểu theo nghĩa bóng để chỉ chí khí làm trai của người xưa. Xưa bên Tàu khi sinh con trai thì dùng cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng bắn bốn phương, và lên trời, dưới đất, để cầu cho đứa bé sau này lớn lên vùng vẫy ngang dọc bốn bể, ý nói sẽ lập được công trạng hiển hách... 

Như ta đã thấy, tuy cùng là các từ ngữ để chỉ vũ khí của người xưa, khi dùng tùy theo trường hợp được hiểu theo những nghĩa bóng khác nhau, rất hay và phong phú...


Sách tham khảo:
- Địa chí văn hóa TP HCM, GS Trần Văn Giàu chủ biên, Trần Bạch Đằng, Lê Trung Khá, Võ Sĩ Khải, Nguyễn Đình Đầu, Nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 1987.
- Tự điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức.
- Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh.
- Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in năm 1974.
- Tầm nguyên Tự điển của Bửu Kế, Nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 1993.



--> Read more..

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Nghề và Làng nghề xưa...

                                                    Chợ xưa ở Kẻ Bưởi.


                                                       Môt gia đình xưa.


                                                            Tết trung thu.


                                        Một cửa hàng bán lồng đèn trung thu.


                                                           Bán đồ đồng.


                                                         Nghề làm giấy.


                                             Cửa hàng bán đồ dùng gốm sứ.


                                                             Quay tơ.


                                                           Nghề thêu.


                                                            Nghề mộc.


                                                         Nghề khảm, cẩn.


                                                           Gánh hàng hoa.


Nhắc đến Thăng Long - Kẻ Chợ - và Hà Nội xưa mà chỉ nói thoáng qua về những Làng nghề hẳn là một thiếu sót, Sài Gòn với chỉ khoảng hơn 300 năm lịch sử, thì Thăng Long đã có cả ngàn năm, và trước đó thì Thăng Long đã là một vùng đất có thành lũy rồi... Gắn bó với kinh thành hẳn nhiên là vua chúa, quan lại, binh lính, và người dân... Cùng với những bộ phận này chắc chắn phải có một thành phần khác, rất quan trọng, là những người thợ thủ công khi xưa, làm ra những sản phẩm cung ứng cho kinh thành, cho xã hội...

Có lẽ nghề đúc đồng là một nghề đã có từ rất lâu đời, sách sử và ngành khảo cổ đã cho biết về những chiếc trống đồng khi xưa, khi đánh lên trong chiến tranh đã làm thất điên bát đảo giặc phương Bắc, cả vạn mũi tên đồng tìm được nơi thành Cổ Loa xưa, để có thể giả định là tuy truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương (257-207 TCN) xây thành và làm nỏ thần là chuyện hoang đường, nhưng chuyện làm được những chiếc nỏ bắn được nhiều mũi tên đồng một lúc của An Dương Vương là có thật...

Nghề làm giấy hẳn cũng phải là một nghề xa xưa, bởi ngay từ thế kỷ XV, dưới triều đại của Hồ Quý Ly (1400-1407) đã có tiền giấy, và nhiều loại giấy để ghi chép hay dùng vào những việc khác. Những triều đại vua chúa cũng đã dùng loại giấy rồng, một loại giấy đặc biệt làm ra để nhà vua dùng sắc phong thần thánh, hay những người có công... Những loại giấy này đều do những làng nghề lúc bấy giờ cung ứng...

Những nghề liên quan đến cuộc sống nói chung không thể không nói đến nghề dệt, lụa, the, lĩnh, nghề làm gốm chén bát dùng thường ngày, nghề mộc, nghề thêu thùa, nhiều nghề khác... và cả nghề kim hoàn mà thời xưa chủ yếu là để phục vụ cho tầng lớp vua chúa, quan lại...

Những làng nghề xưa ở Kinh thành Thăng Long và những vùng phụ cận phục vụ cho đời sống, có thể kể:

- Ngũ Xã: làng đúc đồng ở bên bờ hồ Trúc Bạch cạnh Hồ Tây (Hà Nội), xưa gồm 5 làng hợp lại. Vào khoảng năm 1425-1427 thời nhà Lê, theo lệnh của triều đình, dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Diên Tiên, và Dao Niên thuộc huyện Văn Lâm (Hải Dương) và Thuận Thành (Bắc Ninh), vốn có nghề đúc đồng cổ truyền được triều đình huy động về kinh đô để lập "Trường đúc tiền và đồ thờ" cho triều đình lúc bấy giờ. Dân 5 làng về cư ngụ ở Kinh thành bên bờ hồ Trúc Bạch lập nên làng mới lấy tên là Ngũ Xã, sau khi lập làng họ họp nhau lại thành phường nghề, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã.

- Bưởi: còn được gọi là Kẻ Bưởi, đây là một vùng gồm nhiều làng nằm bên Hồ Tây, nơi có những làng nghề nổi tiếng ngày xưa như Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái... với nghề dệt lĩnh, làm giấy... Lĩnh vùng Bưởi từ thời Lý đã được dùng trong triều đình và cống sang Trung Hoa. Giấy dó Bưởi có nhiều loại dùng sắc phong, để viết, và nhiều việc khác... Ở Kẻ Bưởi củng có làng An Phú, có nghề làm kẹo mạch nha nổi tiếng...

- Nghĩa Đô: trước thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc huyện Cầu Giấy (Hà Nội). Nghĩa Đô xưa có nghề làm giấy "sắc" nổi tiếng. Giấy "sắc" là một loại giấy đặc biệt dùng làm "sắc phong" của nhà vua, làm bằng vỏ cây dó lụa, màu vàng được tạo ra từ hoa hòe, những nguyên liệu khác để vẽ chi tiết rồng, hoa văn, họa tiết trên giấy là vàng, bạc, kim nhũ. Loại giấy này chỉ làm dành riêng cho triều đình không bán ra thị trường, nên được quản lý và kiểm soát rất chặt chẽ...

- Nghi Tàm: trước thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội), có nền văn hóa lâu đời. Vào đời vua Lý Thần Tông (1128-1138) đã xây ở đây một hành cung cho công chúa Từ Hoa và các cung nữ học nghề tằm tang, canh cửi.
Ngoài nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi, Nghi Tàm còn được biết đến với nghề trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh nổi tiếng... Lúc đầu Nghi Tàm chuyên trồng 3 loại cây cảnh chính là đào, quất, cúc. Vì đất hẹp người đông, nên cây đào, quất đã được chuyển sang trồng ở Nhật Tân Tây Hồ. Khi nói đến hoa cúc, ít nơi nào có các loại hoa cúc đẹp bằng hoa trồng ở làng Nghi Tàm... 

- La Khê: làng nghề dệt gấm nổi tiếng xưa thuộc Hoài Đức, Hà Tây, xưa gọi là Kẻ La gồm 7 làng (La Khê, La Cả, La Tinh, La Dương, La Phù, Văn La và Ỷ La), gấm Kẻ La nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam thượng...

- Bát Tràng: nằm trên vùng đất cổ ven đô, làng Bát Tràng đã có hơn 500 năm nổi tiếng với nghề làm gốm sứ. Dân làng Bát Tràng vốn gốc từ làng Bồ Bát huyện Yên Mô (Ninh Bình), sau những đợt di cư cách nay sáu, bảy trăm năm, người dân tụ tập về đây lập nên làng mới lúc đầu gọi là Bạch Thổ phường, sau đổi thành Bát Tràng phường, và cuối cùng là Bát Tràng, sản phẩm chính là bát đàn, ấm, chén, đôn, đĩa, lọ, chậu... ngoài ra còn có cả gạch Bát Tràng, như đã thấy trong câu ca dao: "Ước gì anh lấy được nàng/ để anh mua gạch Bát Tràng về xây", ở đây là "Xây dọc rồi lại xây ngang/ xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân...", một hình ảnh khá thơ mộng...

- Bình Đà: làng có nhiều tên gọi cũ: làng Bùi, Bảo Cựu, Bảo Đà, nằm ở ngã ba sông Hát và sông Đỗ Động, có nghề làm các loại pháo như pháo màu, pháo mặt trời, pháo thăng thiên, pháo đại, pháo chuột, pháo dây, pháo xiết, pháo ném... từ năm 1919, xưa để đáp ứng trong những dịp lễ, tết... nay không còn nữa.

- Đồng Kỵ: thuộc xã Đồng Quang (Tiên Sơn, Bắc Ninh), xưa cũng có nghề làm pháo...

- Châu Khê: thuộc tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội 40 km, có nghề hàng bạc nổi tiếng. Thế kỷ XV vua Lê Thánh Tông giao cho thượng thư bộ Lại là Lê Xuân Tín lập một xưởng đúc bạc nén tại kinh đô Thăng Long, ông liền về quê hương của mình là làng Châu Khê, tổng Thị Tranh, huyện Đường An lựa chọn thợ giỏi, đưa lên phường Động Các ở kinh đô, lập xưởng đúc Tràng đúc, nay ở phố Hàng Bạc...

- Chiếc: tên Nôm của làng Nhân Hiền (Thường Tín), có nghề thợ mộc, bao gồm cả thợ ngang và thợ chạm. Thợ ngang làm phần kiến trúc, còn thợ chạm làm phần chạm trổ, điêu khắc. Thợ Chạm làng Chiếc xưa đã tham gia làm những công trình nổi tiếng như Văn Miếu, đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh), chùa Đậu (Hà Tây)...

 - Đông Hồ: ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), có nghề in tranh dân gian truyền thống, xưa làng làm nghề vàng mã, sau nổi tiếng bằng nghề in tranh điệp, còn gọi là tranh tết, với những tranh "Gà", "Lợn", "Đánh ghen", "Hứng dừa", "Thày đồ cóc", "Đám cưới chuột"... Tranh Đông Hồ đã có lịch sử 500 năm nay...

- Chuôn: còn gọi là Chương Mỹ thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Tây) có nghề khảm trai trên gỗ...

- Chuông: còn gọi là làng Phương Trung Thanh Oai (Hà Nội), có nghề làm nón từ bao đời này...

Ngoài ra còn rất nhiều những làng nghề khác để phục vụ cho Kinh thành như nghề nhuộm của người dân ở phố Hàng Đào. Nguồn gốc là người ở làng Đan Loan Cẩm Bình (Hải Dương), đến lập nghiệp cách nay 4 - 5 thế kỷ. Theo sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, thì phường "Hàng Đào nhuộm điều" lúc bấy giờ, màu đỏ (đan, đào, điều) là được ưa chuộng nhất... Còn có làng Thanh Trì thuộc xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì Hà Nội có nghề làm bánh cuốn ngon nổi tiếng... Có làng Vác thuộc Thanh Oai Hà Nội có nghề làm lồng chim Họa mi...

Những làng nghề xưa này vẫn có những nơi còn tồn tại và phát triển nghề của minh cho đến tận ngày nay, như gốm Bát Tràng, như nghề đúc đồng Ngũ Xã... hoặc có những nghề chỉ còn sản xuất cầm chừng như dệt lụa... và cũng có những làng nghề đã mất hẳn như nghề làm pháo...


Sách tham khảo:
- Từ điển Việt Nam Văn hóa Tín ngưỡng Phong tục, Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo, NXB Thông Tin xuất bản năm 2009.
- Hình ảnh lấy trên Internet.
--> Read more..

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Thăng Long - Kẻ Chợ. (2)

                                                            Ảnh Internet.




Kẻ Chợ - Chốn đô hội...

Nếu Thăng Long là tên chính thức đã bao đời, thì Kẻ Chợ tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long, và cũng là tên gọi Thăng Long của những người ngoại quốc đến từ phương Tây khi xưa, những giáo sĩ, nhà buôn Tây phương khi ấy đã gọi kinh thành Thăng Long là Checho (Kẻ Chợ), cùng với một tên khác là Tonquin (hay Tunquin), gọi theo tiếng Việt là Đông Kinh, và người Nhật gọi Kẻ Chợ là Coxi. 

Kẻ Chợ là một từ ngữ cổ của tiếng Việt như chúng ta đã thấy trong Kẻ Sặt, Kẻ Láng, Kẻ Bàng... Từ "Kẻ" ở đây là để chỉ "nơi, chốn" chứ không phải để gọi "người", như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức in tại Hà Nội năm 1931, một quyển tự điển tiếng Việt xưa chỉ xuất bản sau quyển tự điển "Đại Nam Quấc Âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của 35 năm, đã giải thích "Kẻ-chợ": chốn đô hội. Kinh thành Thăng long xưa là chốn đô hội, tấp nập... quy tụ từ vua quan, tới dân chúng, những người ngoại quốc đến giao tiếp, buôn bán...


Nói đến Kẻ Chợ có lẽ không thể không nhắc đến một từ ngữ khác là "Đàng Ngoài", mà những người Tây phương ở vào những thế kỷ trước, qua sách vở, đã gọi là "Vương quốc Đàng Ngoài", như "Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài" của Jean-Baptiste Tavernier, một người Tây phương đã viết:

Phía Đông vương quốc này giáp với tỉnh Quảng Đông, là một trong những tỉnh tốt nhất của Trung Quốc.

Phía Tây, xứ này giáp với vương quốc Brama.

Phía Bắc tiếp giáp với hai tỉnh khác của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây.

Phía Nam là Đàng Trong và vịnh lớn cùng tên.

Đàng Trong, người Tây phương thời ấy gọi là Cochinchine.

Như chúng ta đã biết thời vua Lê và Trịnh - Nguyễn phân tranh, thì sông Gianh (tên xưa là Linh Giang) ở vị trí tỉnh Quảng Bình, là ranh giới phân chia giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong...

Trở lại từ "Kẻ Chợ", Từ điển Việt Nam Văn hóa Tín ngưỡng Phong tục của Vũ Ngọc Khánh-Phạm Minh Thảo đã viết:

KẺ CHỢ: Tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long, Hà Nội trước đây. Thời xưa Kẻ Chợ là chỉ phố phường dân cư của kinh thành thời Lê Trịnh để phân biệt với khu Hoàng thành nơi ở của vua quan. Thế kỷ 17, 18 các lái buôn và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam thường gọi Thăng Long là Kẻ Chợ...

Tôi cũng xin trở lại một chi tiết khác đã viết ở entry trước sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã chép: Năm Gia Long thứ tư (1805) đổi Thăng Long (rồng bay lên) thành Thăng Long (hưng thịnh)... Cũng Đại Nam Nhất Thống Chí có viết tiếp: Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), bỏ Tổng trấn Bắc Thành chia đặt các tỉnh. Cắt huyện Từ Liêm của tỉnh Sơn Tây về phủ Hoài Đức. Lấy ba phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam thành lập tỉnh Hà Nội... Như vậy, đến năm 1831 thì tên gọi Thăng Long sau 26 thay đổi ý nghĩa, từ "rồng bay lên" thành "hưng thịnh", đã không còn, thay vào đó là Hà Nội cho đến ngày nay...

Như chúng ta đã biết, qua 800 năm là kinh đô của đất nước, từ thời Lý cho đến triều Nguyễn, kinh thành Thăng Long, mà trong thế kỷ 17, 18... quen gọi là Kẻ Chợ, và sau này là Hà Nội, luôn phát triển, đi đôi với kinh thành là sự hình thành của dân cư đô thị, các làng nghề cung cấp sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công cho kinh thành, nhất là cho tầng lớp vua quan... Như Ngũ Xã là làng nghề tập hợp
thợ đúc đồng của 5 xã, có sách chép là người của 5 xã Châu Mỹ, Đào Mai, , Điện Tiền, Đông Viên, và Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh xưa, chuyên đúc bạc tiền, đồ pháp khí (dụng cụ thờ cúng) cho triều đình và dân chúng..., đồng thời các làng nghề khác cũng phát triển mạnh mẽ, nghề dệt lụa, tơ tằm, các nghề thủ công, ở vào thế kỷ XVII, XVIII, các tàu buôn ngoại quốc, phương Tây, Nhật Bản, Trung Hoa, Chiêm Thành, Xiêm La... đã vào buôn bán ở Kẻ Chợ với những sản phẩm chủ yếu là hàng tơ lụa, xạ hương, trầm hương, đồ gốm...

Ở Kẻ Chợ cũng tập hợp những làng nghề thủ công khác như nghề làm đồ trang sức vàng, bạc, nghề in, nghề làm giấy, với làng Yên Thái bên Hồ Tây, nổi tiếng với giấy Dó cùng câu ca dao "Nhịp chày Yên Thái mặt gương tây Hồ", Nhịp chày Yên Thái" là tiếng chày giã bột làm giấy khi xưa của người dân Yên Thái... Có nghề làm quạt, nghề nấu rượu... Trong Đại Nam Nhất Thống Chí cũng đã chép: Gặp những khi có việc tang, việc tế thường làm rất xa xỉ, tranh nhau làm cỗ bàn cho to để khoe khoang (bánh có cái bề mặt to đến một thước), và mời làng xóm đến ăn uống. Nếu rượu thịt không được đầy đủ, thì có thể bị chê trách. Đó cũng là một thói quen lãng phí. Nói đến việc ăn uống, thì trong Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính cũng đã viết, người Việt những việc hỷ như đăng khoa, bổ quan, người lên lão hay thọ, người ra làm chánh phó tổng, lý dịch, cưới vợ, làm chủ nhà cửa... đều mở tiệc mời dân làng đến uống rượu... Như vậy xem ra cái tục lệ ăn uống của người Việt đã có từ thời xa xưa rồi, nay vẫn còn đó...

Ở Kẻ Chợ cũng có những làng nghề liên quan đến chuyện ăn uống, đã đi vào cao dao:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn.


Vòng: là làng Vòng (Dịch Vọng), có nghề làm cốm nổi tiếng xưa nay. Người làng Vòng ủ cốm bằng lá đáy, khi bán cốm lại được gói bằng lá sen, hương vị của cốm và sen trở thành khó quên với biết bao nhiêu người...

Mễ Trì: thuộc huyện Từ Liêm, xưa Mễ Trì tên là Anh Sơn, có gạo Tám ngon có tiếng tiến cống vua, nên được ban cho tên Mễ Trì, có nghĩa là ao gạo, còn có tên là Mễ Sơn (núi gạo).

Bần: còn có tên là Yên Nhân (Anh Nhân), nay là thôn Cộng Hòa, xã Văn Phú, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, nổi tiếng với nghề làm tương.

Láng: còn gọi là Kẻ Láng, là tên Nôm của trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ, nay là phường Láng Hạ, Láng thượng thuộc quận Đống Đa Hà Nội nổi tiếng với nghề trồng các loại rau, trong đó có húng Láng...

Nói đến làng nghề ở Kẻ Chợ, có lẽ không thể không nhắc đến Lệ Mật, một làng cổ truyền có nghề bắt rắn và chế ra các loại rượu ngâm, các loại thuốc chữa bệnh, và sản phẩm mỹ nghệ từ da rắn. Xưa thôn Lệ Mật thuộc xã Lệ Mật, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Rắn bắt được chủ yếu dùng để ngâm rượu, thường ngâm theo bộ, tam xà (3 con: hổ mang, cạp nong, rắn ráo), hoặc ngũ xà (thêm rắn cạp nia và hổ mang chì). Những người cầu kỳ có khi ngâm tới bộ 7, hoặc 9 con trong một bình rượu to, đặt trong nhà như một vật trang trí. Ngoài ra làng Lệ Mật còn dùng rắn nấu thành cao và sấy khô thành bột, có tác dụng bồi bổ cơ thể, trị các bệnh về tê thấp... Tác giả Tây phương Tavernier đã viết về loại rượu ngâm này "Họ rất chuộng và coi đó là một thứ thuốc bổ có công dụng đặc biệt, nhất là khi người ta đã bỏ vào đấy rắn và bọ cạp"...

Trên đây tôi đã nói sơ lược về Kẻ Chợ, chốn đô hội một thời thuộc kinh thành Thăng Long khi xưa. Nói đến Thăng Long - Kẻ Chợ mà không nhắc đến Hà Nội, có lẽ là một điều thiếu sót lớn, tuy gần như chẳng biết gì về Hà Nội, nhưng cũng qua sách vở tôi cũng thử "liều" viết đôi dòng... Hà Nội với năm Cửa Ô và Ba mươi sáu phố phường, với tiếng xe điện leng keng một thời, với liễu rủ Hồ Gươm. Nhưng Nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai, khi nhớ về Hà Nội không hiểu sao ông cũng thường viết về những món ăn, như "gạo mới chim ngói", như món "cá rô don", nấu với rau cải bỏ mấy nhát gừng, như nhãn Hưng Yên, như nhót, mận, rượu nếp và lá móng... Trong quyển sách các món ăn miền Bắc của Băng Sơn và Mai Khôi cũng có nói đến những món ngon Hà Nội xưa nay, chẳng hạn như món "phá xang", lạc rang của chú Tàu què bên Hồ Gươm nay không còn nữa, món bánh tôm Hồ Tây ở đường Cổ Ngư, nghe nói xưa tên là đường Cố Ngự lâu ngày đọc trại đi mà thành, món bún thang của hàng bà Ẩm nơi chợ Đồng Xuân, hoặc món xôi lúa bán vào buổi sáng trên đường phố Hà Nội của người vùng Mai Động, yên Phụ... Món bún ốc ở phố Nhà Chung, hay phủ Tây Hồ, món bún chả Hàng Mành... Đậu phụ Mơ làng Mai Động...

Cuối cùng điều tôi muốn nói đến là Hà Nội không chỉ có các món ăn, mà còn có cả cà phê với câu thành ngữ "Cà phê Hà Nội, hát bội Quảng Nam" ở các phố Nguyễn Hữu Huân, Hàng Cá, Triệu Việt Vương, Nguyễn Du, ngõ Hàng Hành... Và có lẽ tôi sẽ hẹn với các bạn ở Hà Nội, hy vọng sẽ được đi uống cà phê với các bạn vào một ngày không xa...

Sách tham khảo:

- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, HANOI - Imprimerie Trung-Bac Tan-Van 1931, Yiễm Yiễm Thư Quán in lại phát hành tại Saigon năm 1968.
- Đại Nam Nhất Thống Chí, Cao Xuân Dục - Lưu Đức Xứng - Trần Xán, bản dịch Hoàng Văn Lâu, Nhà xuất bản Lao Động - Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2012.
- Từ điển Việt Nam Văn hóa Tín ngưỡng Phong tục, Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2009.
- Từ điển Địa Danh Văn Hóa và Thắng cảnh Việt Nam, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết, Nhà xuất bản hoa học Xã hội, xuất bản năm 2004.
- Từ điển địa danh Thăng Long Hà Nội - Làng xã ngoại thành, Bùi Thiết, Nhà xuất bản Thanh Niên, xuất bản năm 2010.
- Thương nhớ Mười hai, Vũ Bằng, Nhà xuất bản Văn học, xuất bản năm 2006.
- Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, Nhà xuất bản Thanh Niên, xuất bản năm 2002.
- Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, xuất bản năm 2005.
- Hà Nội Phong tục Văn chương, Nguyễn Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Trẻ, xuất bản năm 2010.
- Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Jean-Baptiste Tavernier, Lê Tư Lành dịch, Nhà xuất bản Thế Giới tái bản năm 2011.


 
 


--> Read more..

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Thăng Long - Kẻ Chợ.

                                         Ô Quan Chưởng xưa (Ảnh: Internet)


Thăng Long - Ngàn năm xưa...

Tôi sinh ra ở Nam Định, nhưng do loạn lạc có hai năm đầu đời được song thân bế lên ở Hà Nội, và ngoại trừ dăm năm trước 75 cũng do chiến tranh mà lưu lạc nơi vùng cao nguyên và duyên hải miền Trung, còn tất cả những năm tiếp theo cho đến bây giờ là "sống chết" với Sài Gòn. Có một điều là tận cho đến giờ tôi vẫn chưa có dịp ra Hà Nội, hẳn sẽ có một dịp gần nào đó tôi sẽ về thăm lại nơi đã sinh ra, và Hà Nội, kinh đô Thăng Long ngàn năm xưa...

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép:

Vua (Lý Công Uẩn 974-1028, miếu hiệu là Lý Thái Tổ) thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, viết thủ chiếu rằng: "Ngày xưa nhà Thương đến Bàn Canh là năm lần dời đô, nhà Chu đến nhà Thương là ba lần dời đô, há phải là các vua đời tam đại (tam đại: 3 đời Hạ - Thương Chu bên Trung Hoa 1121 - 221 T Công nguyên, vị chi 900 năm) ấy theo ý riêng mà tự dời đô bậy đâu, là vì mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế cho con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiên thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, phong tục giàu thịnh. Thế mà nhà Đinh nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời, không noi theo việc cũ nhà Thuơng nhà Chu, yên ở nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương, không thể không dời đi nơi khác...

Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long...

Khi mới xây dựng thành Thăng Long được chia làm hai phần: Hoàng thành và Kinh thành. Các đời sau đều theo cách phân chia ấy. Hoàng thành là khu vực nằm bên trong Kinh thành, là nơi triều đình vua và các quan làm việc. Kinh thành là nơi quan lại, quân lính, và dân chúng ở. Bên trong Hoàng thành lại ngăn ra một khu vực gọi là Cấm thành, là nơi hoàng tộc, nhà vua, hoàng hậu, cung tần mỹ nữ ở, có tường xây kiên cố, quân lính canh phòng nghiêm mật. Cấm thành thời nhà Lý gọi là Long thành, thời Trần gọi là Long Phụng thành.

Tên gọi Thăng Long  đã có từ cả ngàn năm nay, qua thời gian có nhiều thay đổi, nhưng Thăng Long là tên vẫn luôn được nhắc đến trong dân gian, sách vở. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời nhà Nguyễn đã chép:

Thời Hùng Vương xưa là bộ Giao Chỉ. Đời Tần thuộc nước của An Dương Vương. Đời Hán là bộ Giao Chỉ. Đời Tùy là quận Giao Chỉ. Đời Đường là phủ Đô hộ An Nam, đắp thành Đại La. Năm đầu Thái Bình nhà Đinh (970) là đạo. Năm Ứng Thiên đời Tiền Lê (994-1005) là lộ. Năm đầu Thuận Thiên nhà Lý (1010) là Đô thành, lại gọi là thành Nam Kinh, là thành Thăng Long, phủ gọi là phủ Ứng Thiên...

Đầu năm Thiệu Bảo nhà Trần (1279), đổi là Trung Kinh. Thời thuộc Minh, là trị sở ba ty của phủ Giao Châu, gọi là thành Đông Quan...

Đời Lê gọi là Đông Kinh, lại gọi là Trung Đô. Từ đời vua Hiến Tôn trở về sau, lại gọi là Đông Đô (đời Hiến Tôn lấy Thanh Hóa làm Tây Đô, nên đặt Thăng Long làm Đông Đô). Đời Tây Sơn gọi là Bắc Thành...


Năm Gia Long thứ tư (1805), mới đổi Thăng Long (rồng bay lên) thành Thăng Long (hưng thịnh), (chữ Long là rồng theo chữ Hán thuộc bộ Long, trong khi chữ Long là hưng, thịnh thuộc bộ Phụ), như vậy tuy tên gọi vẫn là Thăng Long nhưng ý nghĩa của rồng bay lên đã thay đổi thành hưng thịnh. Chi tiết về sự thay đổi ý nghĩa của chữ Thăng Long này về sau ít khi được sách vở nói đến...

Liên quan đến Thăng Long có lẽ còn là những tên gọi khác, ở đây tôi sẽ chỉ nhắc đến những tên gọi quen thuộc, chẳng hạn về sông có sông Nhị Hà (sông Hồng), sông Tô Lịch, sông Nhuệ... Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: Khi Hoàng Phúc nhà Minh đắp thành Đại La, thấy sông chảy vòng quanh như hình cái vành khuyên, nên mới đặt tên là Nhị Hà (Nhị tiếng Hán nghĩa là khuyên tai). Về sông Tô Lịch thì sách Lĩnh Nam Chích Quái có chép: Hồi đó đang giữa tháng sáu, nước mưa lên cao: Biền (Cao Biền) cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào sông con, đi khoảng một dặm, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói hớn hở. Biển hỏi họ tên. Đáp: nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch... Về sông Nhuệ sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: Có thuyết nói đầu nguồn sông này nhọn (Nhuệ) nên đặt tên là sông Nhuệ...

Về hồ, thành Thăng Long có nhiều hồ, nhưng có lẽ hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) là quen thuộc. Hồ Tây ở phía Tây Kinh thành, thuộc huyện Vĩnh Thuận. Xưa gọi là hồ Lãng Bạc, vua Lý Thánh Tông có dựng hành cung ở đây, đặt tên là đầm Dâm Đàm (đầm có nhiều sương mù). Đến đời vua Lê Thế Tông (1573) mới đổi thành tên Hồ Tây, là để tránh tên húy của nhà vua là Duy Đàm . Đầu thế kỷ XIII, có lập cung Từ Hoa là nơi ở của công chúa Từ Hoa, con gái Lý Thần Tông. Công chúa Từ Hoa cùng các cung nữ tập nghề trồng dâu nuôi tằm, vì thế nơi này gọi là trại Tàm Tang, sau đổi thành Nghi Tàm, tức thôn Nghi Tàm ngày nay... Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), gắn liền với sự tích trả gươm đời vua Lê Thái Tổ, vốn xưa có tên là hồ Lục Thủy, sau được đổi là hồ Thủy Quân. Từ cuối thế kỷ XVI trở đi, sau khi đoạt được quyền bính, các chúa Trịnh xây dựng lầu đài cung điện suốt dọc bờ hồ, đặt tên phần hồ trên là hồ Tả Vọng và phần hồ dưới là hồ Hữu Vọng, ngụ ý rằng hai phần hồ đều vọng về phủ chúa...

Thời nhà Lý đã xây dựng ở kinh thành Thăng Long Đàn Nam Giao ở huyện Thọ Xương, phía Nam kinh thành. Thời nhà Lý cũng đã xây dựng Đàn Xã Tắc ở huyện Vĩnh Thuận phía Tây Nam kinh thành... Đời vua Minh Mạng thứ 20 (1839) có đắp Đàn Tiên Nông ở phía Tây Nam kinh thành...

Văn Miếu, ở thôn Minh Giám huyện Thọ Xương phía Tây Nam kinh thành, xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông, đặt tượng thánh, có bia ghi tên tiến sĩ các đời, dựng ở hai bên tả hữu. Đền Ngọc Sơn, ở gò đất trong hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm), gò Ngọc Sơn xưa được gọi là Tượng Nhĩ (tai voi). Đây từng là nơi họp mặt của các danh nhân Hà Thành. Năm 1865, án sát Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa đền . Trên núi Ngọc Bội cũ ông cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc 3 chữ "Tả thanh thiên" (viết lên trời xanh), gọi là Tháp Bút. Từ bờ hồ ra đền được bắc bằng một chiếc cầu, đặt tên là cầu Thê Húc (giữ lại ánh sáng mặt trời ban mai), hai bên cầu có 3 chữ "Thê Húc kiều" (cầu Thê Húc)...

Về chùa, có chùa Môt Cột ở thôn Thanh Bảo, huyện Vĩnh Thuận. Vua Lý Thái Tông trước có nằm mộng thấy Đức Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Có vị sư khuyên nhà vua dựng cột đá là chùa ở giữa hồ, làm tượng Đức Quan Âm ngồi trên tòa sen như vua đã thấy trong chiêm bao, các sư đứng chung quanh tụng kinh cầu cho vua được sống lâu, vì thế nên có tên là chùa Diên Hựu. Ngày 11-9-1954 trước khi rút khỏi Hà Nội người Pháp đã cho đặt mìn phá hủy, và chùa đã được xây dựng lại, hoàn thành vào tháng 4-1955...
Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên, năm 1057 vua Lý Thánh Tông cho lập một ngôi chùa và một ngọn tháp, chùa được gọi là chùa Sùng Khánh, tháp được gọi là Đại Thắng Tư Thiên bảo tháp, cũng được gọi vắn tắt là tháp Báo Thiên, nên chùa cũng được gọi là chùa Báo Thiên. Tháp có 12 tầng, những tầng trên bằng đồng, những tầng dưới bằng gạch, tháp Báo Thiên đã được liệt vào "An Nam tứ đại khí", là một trong bốn công trình lớn vào thời Lý - Trần. Năm 1258, bão to đánh đổ mất phần ngọn của tháp. Năm 1322, sét lại đánh sạt mất góc bên đông của 2 tầng trên tháp. Năm 1426 tháp bị tướng nhà Minh là Vương Thông phá hủy hẳn để lấy đồng đúc chiến xa và binh khí chống nhau với nghĩa quân Lê Lợi. Về cuối triều Lê chùa Báo Thiên bị bỏ hoang và người dân lấy làm nơi họp chợ, núi đất ở nền tháp Báo Thiên biến thành pháp trường hành hình tội nhân. Cuối năm 1883 theo yêu cầu của Pháp, Kinh lược Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Độ đã lấy đất của chùa Báo Thiên giao cho cha đạo người Pháp là Puginier, đến đầu năm 1884 Puginier đã cho xây dựng Nhà Thờ Lớn của đạo Thiên Chúa còn tồn tại đến ngày nay...

Chùa Quán Sứ, ở thôn An Tập, huyện Thọ Xương. Đầu đời Lê, các thuộc quốc như Chiêm Thành, Vạn Tượng, Nam Chưởng sang cống, đều ở Quán này. Vì phong tục các nước đều theo đạo Phật nên làm chùa cho họ ở và gọi là chùa Quán Sứ...

Chùa Trấn Bắc, nguyên tên là chùa Trấn Quốc ở bên Hồ tây thuộc phường Yên Phụ, huyện Vĩnh Thuận, dựng năm Hoằng Định đời Lê Kính Tông (1600-1618). Đến năm Vĩnh Tộ đời Lê Thần Tông (1619-1623) có sửa chữa rộng rãi thêm, có văn bia do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn. Năm Thiệu Trị thứ hai (1842) vua ngự giá thăm chùa, ban biển đổi tên thành chùa Trấn Bắc...

Gò Đống Đa, tổng cộng tất cả 13 gò kỷ niệm chiến thắng của vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào năm 1789, nay còn lại một gò thuộc ấp Thái Hà, ngoại thành Hà Nội...

Ô Quan Chưởng, là cửa Ô duy nhất còn sót lại của Thăng Long xưa xây vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), theo nhiều tài liệu và sách vở chép có tất cả 16, hoặc 21 cửa Ô, thông dụng tên 5 cửa Ô trong nhân dân là Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô cầu Dền, Ô Cầu Giấy, hiện chỉ còn lại Ô Quan Chưởng. Về tên gọi Ô Quan Chưởng, nguyên là cửa Thanh Hà (có bia chữ Hán), người dân quen gọi là Ô Quan Chưởng, nằm gần phố Hàng Chiếu trông ra đê sông Hồng, chưa ai biết tên Quan Chưởng là gì, chỉ biết là ông giữ chức quan nhỏ Chưởng Cơ làm nhiệm vụ trông coi cổng này của Kinh thành, và đã hy sinh trong một trận đánh giữ cổng thành vào ngày 20-11-1873, nhiều sách vở chép ông đã hy sinh cùng 100 quân lính dưới quyền khi quân Pháp tấn công thành Hà Nội. Sau cửa được người dân gọi là Ô Quan Chưởng...

(Hết phần Thăng Long).


Sách tham khảo:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên soạn, biên tập Thanh Việt, NXB Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2004.
- Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Tổng Tài: Cao Xuân Dục, Toản Tu: Lưu Đức Xứng - Trần Xán, bản dịch Hoàng Văn Lâu. Nhà xuất bản lao Động - Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây xuất bản năm 2012.
- Lịch sử Thủ Đô Hà Nội, Trần Huy Liệu chủ biên, Nguyễn Lương Bích - Mai Hanh - Nguyễn Việt - Phan Gia Bền - Võ văn Nhung - Hoa Bằng, NXB Lao Động in lần thứ 3 năm 2009.
- Lĩnh Nam Chích Quái, Vũ Quỳnh - Kiều Phú, Đinh Gia Khánh chủ biên - Nguyễn Ngọc San biên khảo, giới thiệu, NXB Văn Học in lần thứ hai năm 1990.
- Từ điển Địa Danh Văn Hóa và Thắng Cảnh Việt Nam, Nguyễn Như Ý - Nguyễn Thành Chương - Bùi Thiết, NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 2004.
- Từ điển địa danh - Làng xã ngoại thànhThăng Long - Hà Nội, Bùi Thiết, NXB Thanh Niên xuất bản năm 2010.
--> Read more..

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Chữ nghĩa.

Photobucket


Thỉnh thoảng tôi gặp lại Đ., một người bạn cũ từ thời còn ở trong quân đội. Sau năm 75 Đ. có thời gian bán sách cũ nên khá rành về sách vở, chữ nghĩa... Gặp lại bạn thường là rủ nhau ra quán cà phê ngồi cà kê dê ngỗng chuyện xưa nay...

 Đ. nói hôm nọ có gặp lại L. một người bạn cũng ở trong quân đội xưa, cùng chung một đơn vị rừng núi mấy năm, nhà cửa của bạn ở tuốt trên Kontum trong một xứ đạo mà hồi năm 72, 73, tôi có ghé qua chơi mấy lần. Nguồn gốc của gia đình bạn thực ra ở miền Trung vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, nghe bạn nói thời vua nhà Nguyễn cấm đạo Thiên chúa các cụ cố kéo nhau cả làng lên vùng rừng núi Kontum lánh nạn... Hỏi L. làm gì? Thì nghe nói "làm biện". Làm biện, một từ ngữ hình như hơi khó hiểu ngay cả với một người đã từng bán sách vở, đã đọc và khá thông hiểu chuyện chữ nghĩa như Đ., hỏi lại thì được L. cắt nghĩa bây giờ L. đã cháu nội cháu ngoại đề huề, nên rảnh rỗi đi làm việc trong họ đạo, giúp việc cho cha sở tại, và làm như thế là hoàn toàn tự nguyện chứ chẳng có lương bổng gì cả, một loại hình mà người đời thường hay nói là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"...

Lan man nói chuyện với Đ. về từ "làm biện", tôi sực nhớ có một từ ngữ liên quan đến chữ "biện", mà bây giờ trên sách vở, báo chí người ta đã dùng sai lạc, đó là từ "bao biện". Bây giờ tôi hay thấy báo chí dùng chữ "bao biện" với ý nghĩa là "cãi chày cãi cối cho một việc làm sai trái rành rành", hoặc đôi khi là "bao che và biện hộ cho một ai đó". Thực ra thì từ "bao biện" không phải là như thế, đây là một từ ngữ khá cổ mà Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân đã giải thích rất rõ: bao biện đgt (bao: thâu tóm, biện: làm) Ôm đồm những việc thuộc phận sự người khác. Có một từ ngữ khác cũng có ý nghĩa như thế, đó là từ "đa đoan", như chúng ta đã thấy trong bài hát "Chị tôi" có câu "Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan", và ngày xưa tôi còn nhớ người ta nói "bao biện" để chỉ người đàn ông ôm đồm mọi việc, còn "đa đoan" để chỉ về phía phụ nữ...

Gần đây tôi đã đọc trong quyển "Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ" của Hoàng Xuân Việt, có nói rõ hơn về từ "biện". Đó là một đoạn văn được trích trong sách Thầy giảng (1872), sách Thầy giảng là một tập sách của J.M.J. (Sài Gòn, Imprimerie de la Mission, 1872), đoạn văn được trình bày dưới dạng Hỏi - Trả lời như sau:

H: Khi giáo hữu thường, như trùm, biện, hay mụ bà, phải làm phép rửa tội mà hãy còn mắc tội trọng, thì phải lo liệu làm sao?

T: Kẻ ấy phải lo trước đã mà cầu nguyện, cùng giục lòng ăn năn tội nên.

Trong đoạn văn trên tác giả (Hoàng Xuân Việt), có nhận xét về chữ "mụ bà". Từ này dùng năm 1872 có nghĩa tương đương như những danh từ "bà phước", "dì phước" hay "chị phước" ngày nay.

Riêng về chữ "trùm, biện", các bạn đã biết đây là một quyển sách tôn giáo (Thiên chúa giáo), nên những từ ngữ "trùm, biện, mụ bà" đều liên quan đến những người theo đạo Thiên chúa. "Trùm", từ này trong Thiên chúa giáo vẫn còn dùng, bạn nào ở miền Nam theo đạo Thiên chúa chắc biết, trong họ đạo thường cử ra một người đứng tuổi, có uy tín đứng đầu giáo dân để làm gạch nối giữa giáo dân và nhà thờ, gọi là "ông trùm". Còn ở ngoài đời từ "trùm" thỉnh thoảng cũng vẫn còn nghe, chẳng hạn "chúa trùm", hay trong giang hồ có những đại ca làm "trùm thiên hạ", như Đại ca Thay hay Năm Cam một thời... "Mụ bà" để chỉ phụ nữ đi tu như các "dì phước, bà phước", thì ngày xưa thời còn nhỏ tôi nghe gọi là "bà mụ". Riêng từ "Biện" là một từ cổ mà bây giờ chỉ những nơi xa xôi như xóm đạo của anh bạn L. trên Kontum vẫn còn dùng, Trùm trong xứ đạo thì chỉ có một người (người đứng đầu), còn Biện thì có nhiều người, đây là những người giúp việc trong nhà thờ, trong cộng đồng xứ đạo, họ làm nhiều việc với lòng tự nguyện, không hề tính công xá... Cũng như các dì phước thường hay đi làm những việc từ thiện... trong đạo Thiên chúa, thì ngoài cha đạo những ông trùm, biện, hay dì phước là rất cần thiết trong việc phát triển đạo.

Từ ngữ tiếng Việt (chữ quốc ngữ) của chúng ta dùng bây giờ thật ra có rất nhiều chữ có nguồn gốc từ tôn giáo, đừng quên là trong lịch sử cả ngàn năm, đất nước chúng ta luôn luôn chịu ảnh hưởng của những tôn giáo, Nho, Lão, Phật giáo, Thiên chúa giáo... và ở vào những thời chưa có nhiều sách vở các loại, thì từ ngữ của sách vở tôn giáo như kinh kệ, giáo lý... sẽ đi vào đời sống của xã hội...
--> Read more..

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Tháng bảy đi chùa.

                       Chùa Vạn Đức tọa lạc tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức.


                                                       Tháp Quán Thế Âm.


                             Chánh điện với trần cao 20m cùng cội Bồ đề đắp nổi.



                                             Tượng Phật dưới gốc Bồ đề.


                                            Phía trên là chư thánh đằng vân.


Mấy ngày nghỉ lễ loanh quanh thành phố chẳng biết đi đâu, thấy trên tivi có phóng sự nói về một ngôi chùa ở Thủ Đức tên là Vạn Đức, tọa lạc ở phường Tam Phú gần cầu Gò Dưa, hình ảnh đưa lên khá hoành tráng, được giới thiệu là "Danh lam cổ tự" có khá nhiều du khách đến viếng, thế là tôi xách máy hình rủ thêm bà xã dông bằng xe gắn máy đến xem sao...

Như các bạn đã thấy ở tấm hình thứ nhất, chùa được xây dựng khá bề thế, bên trong chánh điện có trần cao đến 20m, bằng khoảng tòa nhà 5 tầng. Đặc biệt trong chánh điện có đắp nổi một cây bồ đề cao tới trần với cành lá xum xuê, nghe nói từng cái lá bồ đề được làm riêng biệt rồi gắn lên thành cội Bồ đề, phía dưới gốc là tượng Phật tham thiền, ghi lại sự tích Đức Phật Thích Ca đắc đạo. Bên trên là cảnh bầu trời xanh, mây trắng lững lờ trôi với các chư thánh thần đằng vân bay lượn, phảng phất cảnh thần tiên nơi Đạo giáo (đạo Lão). Bên ngoài chánh điện kế bên là tòa tháp chín tầng chót vót nơi đặt tượng Quán Thế Âm, cũng hoành tráng không kém. Thực ra lời giới thiệu "Danh lam cổ tự" trên tivi có hơi quá, bởi chùa cũ kiến trúc bình thường xây dựng từ năm 1954, đã được phá đi xây dựng hoàn toàn mới vào năm 2007 như chúng ta đã thấy trên hình, chứ chẳng hề là "cổ tự"... Khách đến viếng chùa thường xuýt xoa trước chánh điện với cây Bồ đề cao ngất ấy...

Tuy nhiên với tôi nhà chùa còn có một nét rất đặc biệt khác, đó là những cánh cổng, cánh cửa, từ cổng tam quan cho đến cửa lớn nhiều cánh vào chánh điện, cửa đi phụ 2 cánh, 1 cánh... cho đến các cửa sổ, thông gió, lan can, tay vịn cầu thang, kệ thấp để kinh sách khi Phật tử quỳ hay ngồi tụng niệm, ghế ngồi, bàn ăn..., các bạn sẽ thấy nơi những tấm hình dưới đây:


                                      Cổng tam quan (nhìn từ bên trong chùa).


                                          Cửa lớn nhiều cánh nơi chánh điện.


                                                        Các cửa đi khác.


                                                                Cửa sổ.


                                                Lan can, tay vịn cầu thang.


                                          Kệ để kinh sách đọc kinh tụng niệm.


                                                               Ghế ngồi...


Như các bạn đã thấy trên hình, tất cả những thứ tôi vừa kể đều bằng inox sáng bóng, thật là điều đặc biệt hơi có vẻ ngộ nghĩnh. Ngôi chùa được xây dựng như thế này chắc chắn không phải là không có tiền để làm những cánh cổng, cửa đi, cửa sổ, lan can, tay vịn, hay những vật dụng khác... bằng gỗ đánh vẹc ni nâu để có nét cổ kính, trầm mặc của một ngôi chùa, như chúng ta vẫn thường thấy nơi kiến trúc chùa chiền Phật giáo xưa nay... Tôi nói điều này với bà xã, và  bà xã tôi cũng công nhận những cửa nẻo, đồ dùng bằng inox sáng loáng này không hợp với cảnh chùa, hay có một hãng inox nào đó tài trợ bằng cách cúng dường những sản phẩm của họ? Cũng chẳng có lẽ nào như thế, nhà chùa có toàn quyền quyết định về kiến trúc ngôi chùa của họ chứ? Hay các sư trụ trì ngôi chùa này thích những sản phẩm inox sáng lóa hơn màu gỗ nâu trầm mặc...? Chẳng nhẽ lại như thế...? Tuy nhiên trước khi ra về tình cờ tôi lại nhìn thấy một hình ảnh khá thú vị khác, là tuy nhà chùa được xây dựng hoành tráng như thế, với các sản phẩm inox "hiện đại" như thế, nhưng các sư thày vẫn ngồi giặt tay ngoài trời bên một cái giếng, với bàn giặt, và thả giây thừng múc bằng tay từng gàu nước một, như tấm hình tôi chụp bên dưới:


                                  Sư thày giặt tay bằng bàn giặt bên bờ giếng.


Một hình ảnh rất dễ thương của nhà chùa...




--> Read more..

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Tháng bảy mưa Ngâu.



Tháng bảy ta, ngồi ở nhà đọc lại Vũ Bằng nói về mưa ngâu đất Bắc năm xưa chứ miền Nam mưa nắng hai mùa làm gì có mưa ngâu, mưa nắng miền Nam cũng như tính tình con người vậy, khi nắng thì nắng cháy da, lúc mưa thì mưa ào ạt nhưng thường không lâu, có khi đang nắng trời sầm xuống thế là mưa nhưng chỉ một nhoáng là tạnh... Hãy đọc nhà văn Vũ Bằng:

Bắc Việt từ đầu tháng bảy, mưa thối đất: mưa lai rai, mưa dầm dề, mưa lê thê, vừa tự nhiên thấy mưa ai cũng não nề là vì không ai bảo ai đều biết đó là mưa Ngâu. Và ai cũng nhớ lại câu hát thuộc lòng từ thuở nhỏ:

                                Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu
                           Con trò lấy đứa chăn trâu cũng phiền
                                 Một rằng duyên, hai rằng là nợ
                            Sợi xích thằng ai gỡ cho ra...
                                 Vụng về cũng thể cung nga
                    Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng...

Và nhà văn đã tả lại mưa Ngâu đất Bắc:... mưa đều trên mái nhà, mưa đều trên bụi cây đồi cỏ, có lúc im phăng phắc nhưng có lúc lại trút xuống rào rào, rồi lại mưa đều đều, và cứ mưa như thế hết ngày ấy sang ngày khác, hết đêm nọ đến đêm kia, chán không để đâu cho hết, mà rầu rĩ trong lòng không biết bao nhiêu...

Nhìn mưa Ngâu, người con gái đẹp cũng thấy mưa ở trong lòng mình và cho rằng mình là một Chức Nữ bị trời đày phải cách biệt. Ngưu Lang và Chức Nữ còn có dịp gặp nhau đêm thất tịch để cùng than khóc với nhau, còn Ngưu Lang của nàng thì biết đến bao giờ mới gặp?

...

Và chắc ai trong chúng ta cũng đều biết câu chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ, một câu chuyện cổ tích dân gian còn gọi là Ông Ngâu - Bà Ngâu, cũng có sách nói chữ Ngâu từ Ngưu mà ra, chuyện kể như thế này:

Ngưu Lang và Chức Nữ đều là thần tiên trên trời, Ngưu Lang là vị thần chuyên chăn trâu, còn Chức Nữ là tiên nữ dệt vải. Ngưu Lang vì say mê sắc đẹp của Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, Chức Nữ cũng vì tiếng tiêu của chàng chăn trâu Ngưu Lang mà trễ nải việc khung cửi. Một hôm Ngưu Lang để trâu đi nghênh ngang vào điện nhà trời, nên Ngọc Hoàng giận dữ bắt hai người phải cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông Ngân.

Rồi Ngọc Hoàng cũng thương tình cho phép hàng năm vào ngày mùng bảy tháng bảy âm lịch hai người được gặp nhau. Khi từ biệt nhau Ngưu Lang Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian thành mưa Ngâu như chúng ta đã thấy.

Lúc bấy giờ trên sông Ngân chưa có cây cầu nào, Ngọc Hoàng mới vời phường thợ mộc đến làm cầu, để Ngưu Lang Chức Nữ được gặp gỡ, phường thợ mộc mạnh ai nấy làm, cãi nhau chí chóe cho nên đến kỳ hạn cầu vẫn chưa làm xong, Ngọc Hoàng bực tức bắt tội phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu làm cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ bước qua. Vì thế cứ đến tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để làm lên trời là Ô kiều. Khi gặp nhau đám quạ nhớ lại chuyện xưa lại xông với đánh nhau đến xơ xác lông cánh, Ngưu Lang Chức Nữ đi trên Ô kiều nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc dưới chân lấy làm gớm ghiếc, bèn lệnh cho lũ quạ mỗi năm khi làm cầu phải nhổ sạch lông đầu, từ đó cứ đến tháng bảy thì đám quạ lại rụng hết lông đầu và thân mình thì xơ xác. Tuy nhiên sau đó Ngọc Hoàng thấy cảm thương nên trả lại hình hài thợ mộc cho lũ quạ, và ra lệnh làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau. Từ đó Ngưu Lang Chức Nữ lại xum họp, và được sống bên nhau...

Chuyện cổ tích dân gian về tháng bảy mưa Ngâu là như thế...
--> Read more..