Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh của quốc gia (Việt Nam), và có lẽ cũng là một thắng cảnh của thế giới. Vừa qua ồn lên chuyện bầu chọn qua mạng, tin nhắn điện thoại... cho việc được công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của Thế giới, và đến 18 giờ 11 ngày 11/11/2011 thì khóa sổ hết hạn nhắn tin.
Đọc trên những phương tiện truyền thông trong những ngày qua dễ dàng nhận thấy xứ mình ham danh hiệu "Kỳ quan thiên nhiên mới" này quá xá. Trên báo giấy, báo mạng, tivi, các vị lãnh đạo, ngay cả hội họp thể thao, hay họp chuyện đại sự quốc gia như quốc hội... cũng hăng say kêu gọi mọi người bầu chọn cho vịnh Hạ Long được nằm trong danh sách 7 kỳ quan thế giới mới này. Nhưng chuyện bầu chọn kỳ quan này thực hư thế nào? Chúng ta thử theo dõi một thông tin trên trang mạng Wikipedia dưới đây:
Phê phán
UNESCO tuyên bố kết quả do NOWC công bố là mang tính riêng tư, chỉ phản ánh ý kiến của những người sử dụng internet và tin nhắn điện thoại di động. Cùng với các chuyên gia nghệ thuật học, Tổ chức UNESCO cũng cho rằng cuộc bình chọn của NOWC không mang tính khoa học, và kết quả bình chọn không có bất kỳ đóng góp nào về mặt ý nghĩa và bền vững cho việc bảo tồn các công trình được chọn [13]
Tổ chức UNESCO cũng cho rằng nếu chỉ đánh giá trên góc độ cảm tính từng địa điểm thôi thì không đủ, mà phải có những đánh giá trên góc độ khoa học và được bảo vệ bằng những biện pháp chế tài đầy đủ. UNESCO đánh giá chương trình của Weber mới chỉ dựa vào ý kiến của những người tham gia mà thiếu các góc độ còn lại. Việc bỏ phiếu bị đánh giá là phần lớn mang tính cục bộ, dân tộc, thiếu các tiêu chí khách quan. Các nhà quan sát cho rằng các nhà tổ chức thiếu các biện pháp để tránh chuyện một người bỏ phiếu nhiều lần.
Tổ chức này đòi các trang web khác muốn sử dụng các nội dung về các thắng cảnh bình chọn phải trả phí 5000 USD một tháng [14]. Ngoài việc bán phiếu bầu, NOWC dựa vào các khoản quyên góp từ cá nhân, việc mua bán các loại hàng hoá như áo phông, đồ lưu niệm và các khoản thu từ quảng cáo để hoạt động.
Mặc khác, ngay cả địa chỉ của tổ chức này cũng không rõ ràng. Quan chức ngành du lịch Indonesia khẳng định tổ chức này còn không có văn phòng. Do đó, khi họ gửi thư tới địa chỉ ở New7Wonders tại Zurich, thư đã bị trả về. Ông Nirwandar, Giám đốc tiếp thị du lịch của Indonesia khẳng định: "điều rất kì lạ là một tổ chức quốc tế có những giao dịch lên đến hàng triệu USD lại không có nổi một văn phòng thực"[15]
Do điều này, Nagib Amin, một chuyên gia Ai Cập về di sản thế giới phát biểu: "Ngoài khía cạnh thương mại, lá phiếu không có cơ sở khoa học." [16]. Tại Ai Cập, Bộ trưởng Văn hóa Farouq Hosni gọi cuộc bầu chọn này là “ngớ ngẩn” và mô tả Weber - nhà sáng lập NOWC - chỉ có mục đích duy nhất là “tự quảng cáo” [17]. Có người đã liên hệ hoạt động và cách kinh doanh của NOWC với Viện Tiểu sử Hoa Kỳ.
Sớm nhận thấy bản chất kinh doanh thương mại và uy tín thấp của tổ chức này, chính phủ một số nước như Indonesia, Lebanon hay Maldives đã quyết định rút khỏi cuộc bình chọn. Bộ trưởng Du lịch Maldives Thoyyib Mohamed phát biểu: "Vì những đòi hỏi về lượng tiền quá đáng của tổ chức New7Wonders, chúng tôi không còn cảm thấy rằng việc tiếp tục tham gia là mối quan tâm của Maldives nữa"[18].
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Jero Wacik tuyên bố về lí do rút lui: “Chúng tôi đã chi khoảng 10 tỉ rupi (1,1 triệu USD) cho các hoat động của chiến dịch trong 3 năm trời”. Theo ông Wacik, tổ chức này đã có những động thái không chuyên nghiệp, mờ ám, không đáng tin cậy, Ông Wacik tiết lộ rằng tổ chức này sau đó đã vòi vĩnh thêm 10 triệu USD cho phí đăng kí và 35 triệu USD cho việc đăng cai lễ trao giải[19].
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội UNESCO VN và nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới, cho rằng việc "mua phiếu bầu và nhà tổ chức thu tiền" này khiến cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới của N7W "không khác gì một cuộc thi Manhunt (Người đàn ông quyến rũ) quốc tế, khi một cá nhân bỏ ra vài nghìn USD để mua hàng trăm lá phiếu"[20].
Chỉ xét riêng những cuộc vận động ở Việt Nam cũng đủ thấy, chỉ cần có tiền để duy trì việc có tên trên bảng bình chọn và có một hệ thống máy tính được kết nối internet thì ngay cả học sinh tiểu học cũng có thể bầu chọn cho bất cứ nơi đâu trở thành kỳ quan thế giới với new7wonders.com
NOWC cũng không phải là tổ chức tư nhân đầu tiên phát động cuộc bình chọn kỳ quan thế giới, mà vào internet sẽ thấy hằng hà sa số kỳ quan thế giới mới do các tổ chức, công ty tư nhân... tự bầu! [16]. Tuy nhiên, NOWC bằng khả năng quảng bá, và áp dụng những công thức marketing khéo léo, đã đánh trúng tâm lý, lòng tự tôn dân tộc của mỗi người, mỗi quốc gia [16].
Như vậy chúng ta cũng đã rõ ý nghĩa đích thực và cách bầu chọn kỳ quan thế giới mới này thực hư thế nào?, chừng như chẳng có tí gì gọi là giá trị đứng đắn đối với thế giới... Hôm qua trong cơ quan tôi cũng có người vì yêu nước (điều này thì tốt), kêu gọi mọi người nhắn tin để bầu chọn cho vịnh Hạ Long, tôi hỏi, thế bao nhiêu tiền cho một tin nhắn, hình như là 15.000 đồng... Đọc báo đã có mấy chục triệu tin nhắn qua điện thoại như thế, một số tiền không nhỏ, chẳng hiểu số tiền này nhà đài và các tổ chức bầu chọn được chia chác như thế nào...?
Tự nhiên lại nghĩ đến mấy cái bằngTiến sĩ gì đó được mua bằng tiền do mấy cái "Trung tâm cấp văn bằng" ngoại quốc trao, mà chẳng được ai công nhận... Dân mình quả là rất ngây thơ (chỉ cần vào Google gõ vài chữ là có thể biết ngay cái tổ chức đứng ra bầu chọn, và cuộc bầu chọn này là "dỏm" như thế nào), và mắc cái chứng bệnh trầm kha sĩ diện hão ham thành tích số một thế giới!