PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Điều kỳ diệu nhỏ bé...

Thứ Ba, 28/02/2012, 08:16 (GMT+7)

Bắt đầu tìm kiếm tài năng

TT - Tiết mục Let’s dance của cô bé Nguyễn Thị Phương Anh đến từ Hà Nội trong tập 9, tập cuối cùng của vòng loại sân khấu Vietnam’s got talent vừa phát sóng tối 26-2, được khán giả ủng hộ.

Khán giả còn ghi nhận đây như một nút khởi động chức năng đúng tính chất chương trình: tìm kiếm tài năng!

>> “Hãy nhảy nào!” với Phương Anh

Nụ cười luôn thường trực trên môi Phương Anh khi cô bé trình diễn tại sân khấu Got Talent - Ảnh: Sỹ Phú

“Tôi muốn ra ngoài... trước khi màn đêm trôi qua... tôi sẽ không ngồi yên một chỗ... khi cuộc sống trở nên nặng nề... Tôi muốn nhảy”, chọn Let’s dance (Hãy khiêu vũ nào), bài hát của cô bé đi thi trên chiếc xe lăn đã khiến khán giả phải “khởi động” đôi chân theo từng giai điệu.

Những cú hất tóc thật “ngọt”, gương mặt rạng rỡ không giấu được hạnh phúc khi khán giả liên tục vỗ tay và đề nghị được nghe em hát thêm. Nghệ sĩ Thành Lộc gọi em là “một cô bé quyến rũ”, và quả thật khán giả nhìn thấy từ ánh mắt, nụ cười sự duyên dáng khi em không chỉ hát mà còn giả tiếng trống, đọc rap...

Cả đôi mắt to tròn, hóm hỉnh khi thừa nhận “Lần đầu tiên có người nói em như thế!” của Phương Anh đã làm không khí cuộc thi nóng bừng. Trong khán phòng hôm ấy, không ai còn nhớ đến việc em phải vất vả nhờ đến hai MC và mẹ hỗ trợ mới có thể ngồi trên sân khấu, bởi trong tâm trí của mọi người chỉ còn lại ánh mắt, khóe môi và sự lạc quan hiếm có của em. Cô bé thật sự quyến rũ trong thế giới của mình!

Nguyễn Thị Phương Anh mắc bệnh xương thủy tinh, không theo học thanh nhạc bài bản nhưng bằng “tài sản” là giọng nói và gương mặt tự tin, khả ái, em tự mang đến cho mình những cơ hội: ca hát, dẫn chương trình, lồng tiếng...

Từ Phương Anh, điểm lại một chút những “tài năng” khác đã gây “sóng gió” thời gian qua như giọng ca nhí của cậu bé Vũ Song Vũ với bản My heart will go on, cô bé Vũ Đình Tri Giao 9 tuổi với You raise me up, “chàng lãng tử” Võ Trọng Phúc với Home, hay Nguyễn Hương Thảo làm ngơ ngẩn người nghe bằng một tiết mục nhạc kịch...Sự hồn nhiên trong trẻo, cộng thêm chút ngượng nghịu, một chút tự tin, và nhất là khi mỗi ca khúc được hát lên trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau đã thu hút không ít khán giả. Không ai ngờ cô gái có giọng nói nhẹ nhàng, tiếng hát trong vắt như trẻ thơ của Nguyễn Hương Thảo lại là giọng hát của một nhà khoa học. Có gương mặt rất hút sân khấu và giọng hát ấm áp, rời sân khấu, Võ Trọng Phúc là một thầy giáo dạy tiếng Anh...

Những tấm vé của vòng bán kết đã có chủ, và bắt đầu từ chủ nhật tuần này (4-3), 49 thí sinh của Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s got talent sẽ thi đấu và chịu những áp lực “bị loại dần” qua mỗi tập được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3. Là một sân chơi mang nhiều tính giải trí, khuyến khích thể hiện nguyện vọng và ước mơ cá nhân, nhưng với cái tên “cuộc thi tìm kiếm tài năng”, thí sinh bắt buộc phải nỗ lực dốc sức để có những phần trình diễn đủ lửa, đủ hấp dẫn và xứng đáng phần nào với danh hiệu “got talent”.

Bên những ồn ào bề nổi, lại có thêm những câu chuyện hậu trường được truyền lại trong xúc động, như khi Phương Anh - cô bé 9 năm liền là học sinh xuất sắc - nắm tay mẹ đang ôm mặt khóc sau phần thi của con gái: “Có phải con hát hay thật không mẹ? Hay vì con bị thế này nên mọi người mới ủng hộ con?”.

Trước khi ngôi vị tài năng có chủ, một thứ khác đã được tìm thấy ở những câu chuyện như thế: tâm thế đi thi thoải mái, trong sáng, không ăn thua bên một khao khát được thể hiện hết khả năng mình có và được công nhận bằng đúng khả năng ấy.

MINH TRANG - NGA LINH


Tôi không coi thường xuyên chương trình Tìm kiếm tài năng (Vietnam's Got Talent) trên Tivi, lần đầu tiên tôi xem là cô bé mười lăm tuổi hát bị Ban giám khảo đánh rớt và bà mẹ bước ra sân khấu tỏ ý không đồng tình bởi con bà ấy hát được đến 6 thứ tiếng, được sinh ra trong một gia đình có "gien" ca hát, nghệ sỹ... Sau câu chuyện này là những ồn ào trên mạng, và trên báo chí... Tôi sẽ không nói tới ở đây câu chuyện này...

Lần thứ hai tôi xem là một cô bé 9 tuổi (Vũ Đình Tri Giao) đến từ thành phố Saigon, hát một bản nhạc ngoại quốc (You raise me up), và Thành Lộc một thành viên trong Ban giám khảo đã nói sau khi nghe cô bé hát xong "Cháu đã biến sân khấu này thành một thiên đường, và cháu là thiên thần nhỏ...".

Và lần thứ ba là tôi được nghe cách đây một hôm, một cô bé học lớp 10 đến từ Hà Nội (Nguyễn Thị Phương Anh), cô bé bị bệnh xương thuỷ tinh phải ngồi trên xe, cô bé cũng hát một bài hát tiếng Anh có tựa Let's dance, cô bé ngồi trên xe lăn nhưng đã khiến cả Ban giám khảo và khán phòng phải đứng bật dậy, nhảy múa theo giọng hát, nụ cười, và khuôn mặt rạng ngời của cô...

Cuộc sống vẫn luôn luôn có những điều kỳ diệu nhỏ bé...


--> Read more..

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Cuối tuần.

Chị Huynhtran có nói cuộc đời của chị "lưu linh từ Bắc vào Nam, từ Nam  bay qua Miên... rồi được về làm dân ngụ cư tại TP..." (thành phố Saigon), tôi thấy chị Huynhtran dùng từ "lưu linh" rất hay, thế là chị Huynhtran đề nghị tôi phân tích từ "lưu linh". Thật ra thì chuyện phân tích từ ngữ là sở trường của ông bạn Bulukhin, tôi chỉ có thể nói "láp giáp" dông dài bằng những trải nghiệm trong cuộc sống...
Ngày xưa tôi hay nghe những người lớn tuổi gọi những ông nhậu bét nhèm là "đệ tử của Lưu Linh", còn thời buổi bây giờ hiếm ai dùng câu ấy, mà người ta hay nói "gia đó nhậu ve kêu". Có dịp ngồi cafe tán dóc một người bạn miền Nam của tôi nói, xưa cũng hay nghe cha mẹ dùng từ "lưu linh", chẳng hạn "thằng đó hồi này chẳng biết lưu linh đâu mất tiêu", từ "lưu linh" trong câu này rõ ràng chẳng ăn nhập gì tới chuyện nhậu nhẹt, mà liên quan tới việc đi đứng, người bạn cũng nói thêm, lưu linh ở đây không hẳn để chỉ sự lưu lạc, mà chỉ muốn nói lên sự vắng mặt tạm thời của một nhân vật nào đó khi được nhắc đến, và từ lưu linh được dùng với hàm ý nói cái  lan man của người vắng mặt, đi vắng rồi cũng trở về, và đi vắng đâu đó không có mục đích rõ ràng, đúng kiểu Nam bộ... gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu...
Lớn lên tìm hiểu thì cũng biết đại khái Lưu Linh tự Bá Luân là tên của một nhân vật tính tình phóng khoáng, sống đâu tuốt bên Trung Hoa tận đời nhà Tấn, người đất Bái, Từ Châu Giang Tô, là một trong Trúc lâm thất hiền gồm những tên tuổi: Kê Khang, Nguyễn Tịnh, Sơn Đào, Hưởng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Vương Nhung. Như các bạn đã thấy hình trên, bảy nhân vật được mô tả trên một cái đĩa tráng men, đang uống rượu, đánh cờ, đàn ca thi phú... nơi rừng trúc (tôi có một cái đĩa như thế đặt trên kệ). Dĩ nhiên trong thất hiền thì Lưu Linh nổi tiếng nhất về tài uống rượu, và uống không biết say...
Tôi cũng tìm được trên mạng bài thơ nói về ngôi mộ của Lưu Linh, không rõ thơ của ai, thấy ghi Đặng Thế Kiệt dịch, bài thơ gồm 8 câu tôi chép lại bốn câu cuối:
"Nghìn năm mộ cổ cỏ gai mọc/ Muôn dặm đường dài cát bụi bay/ Tỉnh táo mà chi xem thế sự/ Cánh bèo trôi dạt đáng thương thay".
Bởi thế mới thấy chị Huynhtran dùng từ "lưu linh" rất hay... .
--> Read more..

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Cải biên di sản,,,

Thứ Ba, 21/02/2012, 07:26 (GMT+7)

Cải biên di sản để... bảo vệ khẩn cấp

TT - Không lâu sau khi hát xoan được Unesco công nhận, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng đề ra một chiến lược hành động đưa hát xoan thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp” để trở thành di sản văn hóa đại diện của nhân loại vào năm 2015.

>> Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản thế giới
>> UNESCO đánh giá cao hát xoan của Việt Nam
>> Vinh danh hát xoan Phú Thọ

Cải biên lời hát xoan cổ, ghép nhạc mới... đang trở nên thịnh hành - Ảnh: Hà Hương

Coi đó là một cách thử nghiệm để quảng bá rộng rãi đến công chúng, nhưng việc tạo ra một loại hình “xoan mới” (với lời hát, điệu bộ được cải biên) để quảng bá hát xoan đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà nghiên cứu lẫn nghệ nhân hát xoan.

Chèo hóa hát xoan

Ngay trong lễ vinh danh hát xoan diễn ra sáng 18-2 tại Phú Thọ, “xoan mới” với phần ghép nhạc hiện đại, trang phục kiểu hát chèo, lời lẽ pha giữa xoan, hát trống quân, chèo... đã làm nhiều nghệ nhân ở các làng xoan cổ kinh ngạc. Một nghệ nhân đến từ phường xoan Thét (xã Kim Đức, TP Việt Trì) bày tỏ: “Bao nhiêu năm hát, ghi chép đủ 13 quả cách của hát xoan, tôi chưa thấy điệu hát nào... buồn cười như thế. Xoan cổ không như thế đâu, tiết mục này từ cách hát đến cách đưa tay đều giống hệt chèo”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan (người trực tiếp tham gia viết hồ sơ hát xoan đệ trình UNESCO) phân tích: “Họ đã cách tân toàn bộ chặng hát giao duyên mà nói đúng theo cách của xoan là phần đi chơi bởm gái. Đây là một phần trong lịch sử hát xoan được cộng đồng đón nhận nhiều nhất, yêu thích nhất, nếu bóp méo phần này đi sẽ làm hỏng hát xoan trong đời sống cộng đồng. Như vậy, họ đã biến lối trình diễn, ca hát của xoan thành lối trình diễn ca hát của chèo”.

Trình diễn lối “xoan mới” này là những diễn viên nhà hát chèo của tỉnh, chiếc áo năm thân kín đáo của xoan được thay bằng áo tứ thân kiểu chèo, cái liếc mắt cũng rất chèo. Nó chỉ khác chèo ở một điểm là lời xoan cổ bị bóp méo nhiều, kéo giãn ra và ghép nhạc mới vào. Nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch (“trùm xoan” của phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì) chia sẻ: “Nhìn kỹ sẽ thấy xoan gốc khác xoan mới từ điệu hát đến cái đưa đẩy của ngón tay. Ở phường xoan, các nghệ nhân truyền dạy rất tỉ mỉ, thể cách bao đời không bao giờ được thay đổi. Xoan mới có vẻ rộn ràng hơn nhưng đó không phải là xoan mà các nghệ nhân phường xoan truyền dạy”. Nghe điệu xoan mới, nghệ nhân nhiều tâm huyết này cũng bày tỏ âu lo: nguy cơ lớn nhất là nếu mang xoan mới đi trình diễn, người ta sẽ hiểu xoan Phú Thọ chính là cái đã cải biên, điều đó rất dở!

Vì xoan cổ thiếu tưng bừng?

Xoan cổ vẫn còn hi vọng!

Di sản xoan cổ vẫn có thể được bảo tồn nguyên dạng vì chúng ta đã có bài học cay đắng từ quan họ. Hơn nữa, hát xoan là loại hình nghệ thuật bám rễ vào tín ngưỡng, còn quan họ thì không. Ở trong các phường xoan, các nghệ nhân vẫn giữ lối truyền dạy xoan cổ cho học trò.

GS.TSKH TÔ NGỌC THANH
(chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN)

“Nói chung tâm lý người ta muốn có cái gì đó tưng bừng, mà xoan cũ thì không tưng bừng” - đó là lý giải của ông Phạm Bá Khiêm (phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ) về nguyên nhân “ra đời” của xoan mới. Ông Khiêm cho rằng đây là giai đoạn thử nghiệm để đưa hát xoan lên sân khấu, quảng bá rộng rãi đến công chúng và hoàn toàn không đi ngược với khuyến cáo của Unesco về bảo tồn di sản nguyên dạng. “Chưa biết xoan nào sẽ thắng thế, nhưng đây là giai đoạn thử nghiệm, có thể có cái được cái chưa được, chúng tôi sẽ tiếp thu và cải tiến”, ông Khiêm nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Ân (giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ) khẳng định: “Trong đề án bảo tồn và phát huy di sản hát xoan thì có việc đưa xoan đương đại vào các loại hình nghệ thuật như chèo, kịch...”. Ông Ân cũng cho rằng đây là động thái đưa di sản “hòa nhập” vào xu thế hiện đại và việc tạo ra những bài Xoan mới được giới trẻ rất yêu thích.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan: “Việc cải biên hát xoan là chủ trương của tỉnh Phú Thọ, giao cho đoàn chèo cách tân các bài hát trong chặng hát giao duyên. Tôi biết họ đã mang đi trình diễn nhiều nơi với mục đích quảng bá di sản hát xoan Phú Thọ. Nếu cứ như thế này thì người hiện đại sẽ không thể hiểu thế nào là xoan nữa. Tôi đã cảnh báo khá nhiều lần với tỉnh nhưng tình hình có vẻ vẫn chẳng thay đổi”.

Chứng kiến toàn bộ phần trình diễn, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh gay gắt: “Làm gì có xoan mới, ở đời chỉ có một xoan thôi. Không thể chủ trương hiện đại hóa văn hóa mà trong đó có di sản hát xoan được, bởi vì văn hóa vốn là lịch sử và chiều sâu”.

Có rất nhiều lý do mà lãnh đạo Phú Thọ đưa ra để giải thích cho sự cải biên này: hát xoan phải làm du lịch, lời lẽ đơn giản, trang phục kín đáo của xoan cổ không thu hút khi lên sân khấu... Tuy vậy, trong giai đoạn hồi sinh hát xoan thì việc làm đầu tiên chính là đưa hát xoan trở về giá trị gốc vốn có của nó. Nói như nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan thì: nghệ thuật hát xoan là nghệ thuật chân thật, chữ chân thật là chữ được Unesco đánh giá cao. Nếu giờ làm theo kiểu diễn chèo thì nghệ thuật đấy không còn chân thật nữa!

HÀ HƯƠNG



Đọc bài viết trích từ báo Tuổi Trẻ ngày 21/2/2012 nói trên lại thêm một cái giật mình. Trang WikipediA tiếng Việt viết "Hát Xoan là một di sản văn hoá phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Hùng Vương dựng nước. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hoá cổ của thời đại bình minh dựng nước."

Một tin khác cũng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày hôm nay (22/2/2012), 2 cây cầu đã tồn tại nguyên vẹn 200 năm nay là cầu cổ Vĩnh Lợi và cầu Kho bắc qua sông Ngự Hà thuộc di tích kinh thành Huế, đang được chuẩn bị để mở rộng bằng cách phá dỡ lan can 2 bên cầu, đổ bê tông cặp 2 bên hông mở rộng mặt cầu.

Lan man nghĩ đến một câu nói của ai (không nhớ rõ), đại ý bây giờ người ta đang "trẻ hoá và rẻ hoá di tích, di sản...".

--> Read more..

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Một câu hỏi.

Cập nhật 18/02/2012 09:14:24 AM (GMT+7)
Go.vn

Chữ Nôm hay chữ quốc ngữ mới là thuần Việt?

- “Không thể nói chữ Nôm thuần Việt được, vì chữ Nôm do người Việt vay mượn từ tiếng Hán nên chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa. Chữ quốc ngữ mới là ngôn ngữ của người Việt”.

Trong khi nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phủ nhận nguồn gốc của chữ Nôm thì một số ý kiến tại hội thảo về chữ quốc ngữ lại cho rằng đó mới chính là Tiếng Việt thực sự.

“Sẽ rất đáng tiếc khi các ngành, các nghề đều có ngày kỉ niệm còn chữ quốc ngữ thì không!” – Ông Nguyễn Lân Bình chia sẻ.

Tại hội thảo, bên cạnh những vấn đề liên quan đến chữ quốc ngữ, ảnh hưởng của nó đối với đời sống và văn hóa của người Việt, vai trò của nhà tân học, nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh trong việc “bắc cây cầu nối hai nền văn minh Đông – Tây” bằng sợi dây ngôn ngữ, các diễn giả Nguyễn Lân Bình, Lại Nguyên Ân, Mai Thành Chung, và nhà sử học Dương Trung Quốc đã đề xuất việc xác lập ngày kỉ niệm Chữ quốc ngữ nhằm tôn vinh ngôn ngữ của dân tộc.

Cần Luật hóa ngôn ngữ

Qua những phân tích cụ thể cùng dẫn chứng có tính khoa học, các nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò to lớn và sức sống mãnh liệt của chữ quốc ngữ trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử.

“Chữ quốc ngữ là điểm đến của những nỗ lực, những quá trình tìm tòi nhằm xác lập chữ viết riêng cho cộng đồng người Việt với tư cách một dân tộc - quốc gia. Tôi đồng tình với đề xuất cần có ngày kỉ niệm chữ viết của dân tộc”. – Nhà phê bình văn học, nghiên cứu ngôn ngữ Lại Nguyên Ân khẳng định.

Diễn giả Nguyễn Lân Bình (cháu nội ông Nguyễn Văn Vĩnh) nhấn mạnh: “Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, việc có một ngày để tôn vinh chữ quốc ngữ là điều nên làm. Sẽ rất đáng tiếc khi các ngành, các nghề khác đều có ngày kỉ niệm còn chữ quốc ngữ thì không. Bởi lẽ, nguồn gốc của lòng yêu nước là văn hóa, đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ một mảnh ruộng, một con trâu là đã thể hiện tình yêu quê hương mà tình yêu ấy còn thể hiện qua chữ quốc ngữ, hay nói cách khác là qua nền văn học, thơ ca của dân tộc”.

Người có công rất lớn trong việc truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh. Ông không sáng tác nhiều nhưng các tác phẩm dịch và những hoạt động ý nghĩa của ông đã góp phần vào quá trình tạo nên ngôn ngữ thuần Việt, chính là chữ quốc ngữ chúng ta sử dụng bây giờ. Tuy nhiên, ông là người không thích được ca ngợi nên những việc ông đã làm ít ai được biết đến, công nhận. Như trong hồi ký của mình, nhà văn Vũ Bằng đã viết: “Nguyễn Văn Vĩnh từng nói rằng, nếu cuộc đời này có một cái nhà kính để sống, để quan sát thì tôi sẽ đứng trong nhà kính đó” – Ông Nguyễn Lân Bình chia sẻ thêm.

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho biết, nếu có ngày kỉ niệm Chữ quốc ngữ, có thể lấy ngày ra đời tờ báo tiếng Việt đầu tiên (Gia Định báo, ngày 15/4/1865).

Nói về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký hội Lịch sử Việt Nam) cho rằng bên cạnh việc xác định ngày kỉ niệm chữ viết dân tộc, cần có thêm Luật về ngôn ngữ vì có rất nhiều vấn đề đặt ra:

“Tôi cho rằng ý tưởng về ngày chữ viết của dân tộc rất hay và cần thiết. Nhưng vấn đề bức xúc hiện nay là nước ta có hơn 54 dân tộc, có rất nhiều loại ngôn ngữ, chữ viết khác nhau. Tại sao không đưa chữ Hán Nôm vào đời sống, tất nhiên không phải là sự trở lại mà là để gìn giữ văn hóa nước nhà? Có nhiều loại chữ nhưng chữ nào chuẩn hóa? Vì vậy, cần phải có Luật ngôn ngữ”.

Quốc ngữ: đâu mới là tiếng mẹ đẻ?

Hội thảo tranh luận sôi nổi với nhiều quan điểm đa chiều về chữ quốc ngữ. Theo ông Lại Nguyên Ân, chữ Nôm không thuần Việt, vì đó là sản phẩm vay mượn của người Hán nên chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Hoa. Ông khẳng định: “Chữ quốc ngữ mới là của người Việt”.

  Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Ý tưởng ngày kỉ niệm chữ quốc ngữ rất hay. Nhưng cần có Luật để giải quyết những vấn đề bức thiết”.

Diễn giả, thạc sỹ Mai Thành Chung cũng hình tượng hóa chữ quốc ngữ một cách khéo léo: “Chữ quốc ngữ là chữ ghi thanh (nói như thế nào, viết như thế đấy), được Việt hóa hoàn toàn, nó xuất xứ từ tiếng La tinh nhưng do người Việt hoàn thiện. Việc tạo ra ngôn ngữ cũng giống như quá trình làm bánh, chúng ta chỉ dựa trên những nguyên liệu có sẵn để chế tạo ra sản phẩm cuối cùng, đó là chữ quốc ngữ”.

Nói về nguồn gốc và ảnh hưởng của chữ Nôm, anh Mai Thành Chung cũng giải thích, đó không phải do người Việt sáng tạo như nhiều người vẫn nghĩ. Thêm vào đó, chữ Nôm khó sử dụng để giao tiếp, tư duy nên đã bị loại bỏ, và lùi xa so với chữ quốc ngữ trong tiến trình phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng, chữ Nôm mới chính là sản phẩm thuần Việt, mang tính dân tộc và chứa đựng bản sắc dân tộc. Quốc ngữ có từ khi người Việt còn dùng chữ Nôm để sáng tác thơ văn, ghi lại sử ký. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện (Phó Giám Đốc Thư viện, Viện nghiên cứu Hán Nôm dẫn chứng: “Từ thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có Bạch Vân am Quốc ngữ thi tập, hay như Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi với hàng trăm bài thơ Nôm”.

Trao đổi trong cuộc thảo luận, có sự tham gia của rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học. Nhiều vấn đề nảy sinh xoay quanh chữ quốc ngữ được đưa ra tranh luận, phân tích, và mổ xẻ. Trong khi Giám đốc Viện nghiên cứu Minh Triết Việt Nam, Nguyễn Khắc Mai đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại gọi là chữ quốc ngữ?”, thì nhà nghiên cứu văn học Huệ Chi lại trăn trở: “Điều gì để chữ quốc ngữ trở thành độc tôn của dân tộc?”. Các nhà nghiên cứu cho biết, liên quan tới việc xác định ngày kỉ niệm chữ quốc ngữ còn rất nhiều vấn đề cần bàn bạc để đi đến thống nhất.

• Thu Thảo


Bài viết trên tôi copy từ Vietnam. net, bên nhà bác Bu tôi thấy bạn tudinhhuong và bác Bu có trao đổi qua lại về nội dung bài viết đưa ra. Thấy hay hay tôi tính viết vài giòng cho vui. Tôi xin nhắc lại về tựa của bài báo "Chữ Nôm hay chữ quốc ngữ mới là thuần Việt?". Cái ý nghĩa của câu hỏi tôi thấy rất rõ ràng, nhưng đọc xong bài viết trên, và những ý kiến của những nhà chuyên môn, những "đại thụ" trong ngành nghiên cứu về văn hoá, tôi lại cảm thấy không ít băn khoăn...
Câu hỏi theo tôi về mặt nghĩa đã rất rõ "Chữ Nôm hay chữ quốc ngữ...", "Chữ Nôm, chữ quốc ngữ" ở đây tôi hiểu là "chữ" là "tự", vậy thì câu hỏi cũng đã là câu trả lời. Rõ ràng ai cũng biết chữ (tự) Nôm được vay mượn từ chữ (tự) Hán, và chữ Nôm là do người Việt tìm tòi, sáng chế để diễn tả lời nói (ngôn ngữ) của người Việt, thí dụ người Việt nói Trời, tiếng Hán chỉ có chữ Thiên là Trời, người Việt ghép 2 chữ, chữ Thiên đặt bên trên chữ Thượng và đọc theo âm Việt là Trời. Chữ Nôm là chữ vay mượn từ chữ Hán.
Còn chữ quốc ngữ của chúng ta dùng bây giờ cũng tương tự như thế, được vay mượn từ chữ La Tinh do giáo sĩ Alexandre De Rhodes nghĩ ra để diễn tả cho ngôn ngữ của người Việt (thoạt đầu chưa hoàn chỉnh như bây giờ, hồi nhỏ tôi thấy có quyển kinh thánh viết "Đức Chúa Blời, Đức Chúa Lời" thay vì "trời" như bây giờ). Rõ ràng là "Chữ Nôm" và "chữ quốc ngữ" theo mẫu tự La Tinh là chữ vay mượn của nước ngoài, làm sao mà thuần Việt được? Nếu muốn đi tìm "Chữ thuần Việt" với đúng nghĩa có lẽ phải tìm xem có một ký tự cổ gì đó của người Việt xa xưa để diễn tả ngôn ngữ Việt hay không? 
Bài viết với câu hỏi trên, và những ý kiến của những nhà nghiên cứu... hình như có gì đó... sao sao ấy!
--> Read more..

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Ký ức tuổi thơ.

Ở mục photos tôi đưa lên mấy hình ảnh chụp nhân ngày Hội An ở Saigon, trong đó có mấy tấm hình chụp gánh chè chí mà phủ (chè mè đen), và lục tàu xá (chè đậu xanh), mấy bạn như Marguerite, chị Huynhtran, chị Phụng, chị Tuyetmai, cô Lan... vào xem bình luận lan man, vui vẻ... Nhân nói về mấy món ăn tôi muốn kể lại một vài ký ức tuổi thơ.
Tôi không được sinh ra ở Saigon, nhưng từ thuở chập chững biết đi tôi đã ở Saigon, nói chính xác hơn là ở vùng ngày xưa được gọi là Chợ Lớn, cách trung tâm Chợ Lớn xưa là khu Tổng Đốc Phương, Đồng Khánh non hai cây số. Nơi tôi ở có một số gia đình người Bắc di cư năm 1954, còn chung quanh đa số là người miền Nam, và người Hoa. Tôi nhớ thuở nhỏ mọi người chỗ tôi ở, từ trẻ con đến người lớn, người Bắc, người Nam, cũng như người Hoa sống với nhau rất chan hoà, tử tế. Cạnh nhà tôi một bên là nhà người Hoa, một bên là nhà người Nam qua lại rất vui vẻ, nhà nào thỉnh thoảng có giỗ chạp hay nấu món gì lại kêu tụi nhóc bưng sang hàng xóm một tô, nói bố mẹ cháu biếu 2 bác dùng lấy thảo... Mãi về sau 2 gia đình hàng xóm xuất cảnh đi nước ngoài, sau đó gia đình bố mẹ tôi cũng chuyển đi nơi khác sinh sống, vậy mà có mấy lần họ về nước, đến xóm cũ không gặp, họ vẫn hỏi thăm tìm đến tận nhà mới của ông bà cụ thăm hỏi...
Vì ở trong khu vực Chợ Lớn, chung quanh đa số là người Hoa, cho nên khi nhớ về mấy món ăn thuở xa xưa ấy có lẽ tôi nhớ nhất là món mì và món chè của mấy xe bán của người Hoa. Trước hết tôi muốn nói đến món mì, bao gồm hủ tíu, mì, hoành thánh. Tôi không nhớ rõ là xe mì ngày xưa có bán suốt ngày như bây giờ hay không? Nhưng thuở tôi còn nhỏ thì món mì tôi nhớ chỉ được ăn vào dịp tối cho đến khuya, và cũng chỉ thỉnh thoảng mới được ăn, rất ngon. Xe mì ngày xưa của những chú khách (chú khách, ấy là tôi nghe người lớn gọi như thế), thường hay gặp ở những khu chợ trong vùng Chợ Lớn, hoặc nơi một góc phố sầm uất, chiếc xe đóng bằng gỗ như hình trên, nét đặc trưng của xe mì là phía trên có gắn những tấm kính vẽ những hình có lẽ kể lại một điển tích nào đấy trong truyện Tam Quốc, thường là hình Quan Công, Triệu Tử Long... múa đao, múa kiếm, cỡi ngựa... Khách ăn mì nếu vắng thì ngồi ngay ở phía trước xe mì, nơi tấm ván dài được lật lên cài cố định làm chỗ để tô mì, khách ngồi trên những chiếc ghế đẩu gỗ, có khi vài người khách ngồi sát nhau, thưởng thức tô hủ tíu mì, hay tô mì hoành thánh, trước mặt như các bạn thấy trong hình là nồi nước lèo bốc khói thơm phúc, nóng hổi...
Ăn ở những xe mì đậu cố định này thì thực khách phải đến tại chỗ, hoặc có thể mua về nhà ăn, nhưng cũng có cách ăn mì được phục vụ tận nhà, đó là ăn mì "xực tắc", là những xe mì cũng giống như những xe mì đậu cố định, nhưng lại không đậu cố định một chỗ, kiểu di động giống như mì gõ bây giờ. Xe mì này bắt đầu xuất hiện trên đường phố vào lúc khoảng 5, 6 giờ chiều ở một góc phố đông người qua lại nào đó, ngoài người đứng bán, bưng bê phục vụ, còn có thêm khoảng một hai chú nhóc toả đi các khu phố, ngõ hẻm quanh đó, tay cầm một thanh tre và một miếng gõ cũng bằng tre, gõ có nhịp điệu thay cho tiếng rao, từ "xực tắc" là bắt nguồn từ âm thanh của những tiếng gõ này, nghe tiếng gõ, người mua ra cửa gọi, nói món mà mình muốn ăn, thế là mấy chú nhóc chạy biến về xe mì, lát sau có người bưng đến tận nhà tô mì bốc khói... Sau đó mấy chú nhóc lại chạy đến, nhận tiền, lấy tô mang về xe. Xe mì này có thể đứng lâu một chỗ nếu bán được, bằng không cứ đẩy từ từ dọc theo khu phố mời khách ăn...
Ấy là nói về xe mì, còn về món chè của người Hoa cũng được bán ở xe giống như xe mì chứ không gánh quang gánh như chè của người Việt. Những xe chè này thường kế bên xe mì, cũng ở góc chợ hay góc phố, cố định. Thuở nhỏ được dắt đi ăn mì thể nào cũng được thêm ly chè ngọt lịm, mê tơi... các loại chè bán ở xe thường có, sâm bửu lượng, một loại chè ăn lạnh gồm táo tàu, sợi rong biển, hạt sen, thạch trắng sắt sợi, củ sen sắt mỏng..., chè bạch quả, lục tàu xá (chè đậu xanh, có thể ăn lạnh hoặc nóng), chí mà phủ (chè mè đen, chỉ ăn nóng), chè đậu đỏ, đặc biệt có chè trứng, mỗi chén chè có một trái trứng gà ăn nóng...
Điều tôi thấy nơi những hàng ăn của người Hoa thời ấy, từ những người đứng bếp, đứng bán thường là đàn ông, ít khi thấy phụ nữ... Thuở nhỏ thỉnh thoảng được người lớn dắt đi ăn một tô mì hoành thánh, hay một chén chè như tôi vừa kể trên là sướng như được lên tiên...
Đấy là ký ức của một thời...

--> Read more..

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Chuyện văn hoá.

--> Read more..

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

"Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, song đừng đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào, mà trách nhiệm thuộc về toàn dân". Nguyễn Đạt Tường, TGĐ Tổng Cty đường sắt VN.

--> Read more..

Chữ nghĩa.

Sang bên nhà anh bạn Toro thấy tết này "ông đồ trẻ" Toro cho chữ bạn bè coi bộ rất linh ứng, chẳng hạn năm ngoái cho cô bạn trong Hội (chẳng thấy ghi Hội gì?) chữ Hanh viết bên cạnh với ý nghĩa là hanh thông dán trước cửa buồng, quả nhiên mọi chuyện trong nhà đều suôn sẻ, vợ chồng hết hẳn chuyện cãi vả, càm ràm lẫn nhau, tiếp theo cô bạn Thu Thuỷ (Hà Nội) phấn khởi còm men thông báo: tết này đến chơi nhà thày đồ Toro xin cho cậu con trai được chữ Thăng (như nhật sơ thăng), chữ Thăng này có nghĩa là thăng hoa, thăng tiến, quả nhiên đêm trước rằm tháng giêng cậu con trai Thu Thuỷ nhận được thông báo trúng tuyển học bổng toàn phần đi Ý học thạc sỹ 2 năm, mẹ con mừng húm mở hội ăn mừng. Thế mới hay thày đồ Toro cho chữ thật là hiệu nghiệm...
Nhìn chữ Hanh của thày đồ Toro viết bên trên rất đẹp, theo lối viết chân phương, nét nào ra nét nấy, rõ ràng, nghiêm túc, thường thường người ta nói xem chữ biết người, chứng tỏ cái tâm của thày đồ rất trong sáng, (hehe, chừng nào có dịp gặp thày đồ Toro nhớ bao cà phê).
Xem thày đồToro viết thư pháp chữ Hán, tự nhiên tôi lại nghĩ đến chuyện chữ nghĩa, và định viết lan man vài điều... Chữ Hán còn gọi là chữ Nho, dĩ nhiên là của người Trung Hoa mang sang nước ta cả trên hai ngàn năm nay, cùng với việc xâm chiếm cai trị nước ta, và trong suốt quãng thời gian ấy cho đến khi chữ quốc ngữ viết theo ký tự La Tinh ra do giáo sĩ Alexandre de Rhodes sáng tạo, và được dùng thông dụng, thì chữ Hán được dùng làm thứ chữ chính trong hầu hết tất cả văn tự, chữ Nôm (Nam) sau này được hình thành bởi người nước Nam, nhưng cũng lấy chữ Hán làm gốc, chữ Hán học đã khó, chữ Nôm học lại càng khó hơn, bởi muốn học chữ Nôm trước hết phải thông hiểu chữ Hán, một chữ Nôm có khi do vài chữ Hán ghép lại, thật là... rối, cho nên chữ Hán vẫn là thứ văn tự chính trong mọi hệ thống của nước nhà, từ thi cử, cai trị, cho đến văn học...
Nói như thế để thấy rằng chữ Hán dẫu sao cũng vẫn là thứ chữ quan trọng đối với người dân Việt, cho dù bây giờ không mấy người còn biết, muốn giỏi chữ quốc ngữ, trong ngữ nghĩa, cả cách hành văn, ý tứ, câu cú... thì cần phải giỏi chữ... Hán, ở đây tôi muốn nói không hẳn giỏi là phải biết viết chữ Hán (nếu được như thế thì tốt quá), điều tiên quyết là phải nắm được ý nghĩa của những chữ có nguồn gốc chữ Hán mà trong ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều... Hình như có một thời gian trước đây ở miền Bắc, để "giữ vẻ trong sáng của tiếng Việt" người ta hô hào không dùng những chữ có nguồn gốc chữ Hán, có lẽ người ta coi chữ Hán như một "tàn dư của chế độ phong kiến", thay vì dùng chữ "thuỷ quân lục chiến", người ta thay bằng "lính thuỷ đánh bộ", từ thuỷ quân lục chiến hoàn toàn viết theo âm Hán - Việt của chữ Hán, còn từ lính thuỷ đánh bộ thì chữ lính và chữ đánh là tiếng Việt, còn chữ thuỷ và chữ bộ vẫn là chữ Hán, một kiểu viết giả cầy, hoặc hoả tiễn được thay bằng tên lửa, máy bay trực thăng được thay bằng máy bay lên thẳng... Vào khoảng sau năm 75 có lần tôi khá ngạc nhiên khi nghe một anh bộ đội miền Bắc nói "chiều nay trời có khả năng mưa", thật sự ở miền Nam trước đó người ta chỉ dùng chữ "khả năng" đối với người, hoặc loài vật, tức là với những gì có tri giác, chứ không dùng cho những gì vô tri giác, kể cả trời, đất. Người ta nói "anh ta có khả năng làm việc ấy", hoặc "khả năng đánh hơi của loài chó tốt hơn con người", và người ta sẽ nói "chiều nay trời có thể mưa", nghe đơn giản hơn nhiều...
Tôi cũng thấy bây giờ trên báo chí, phương tiện truyền thông người ta dùng từ ngữ sai khá nhiều, cũng bởi mù mờ về những từ Hán - Việt, có lần tôi đọc báo thấy viết "Giáo hoàng diện kiến Tổng thống...", ý muốn nói về cuộc gặp gỡ của Giáo hoàng La Mã với tổng thống của một nước nào đó. nếu muốn dùng chữ diện kiến thì phải viết ngược lại "Tổng thống... (dù là TT Obama của nước Mỹ giàu có và hùng mạnh) diện kiến Giáo hoàng", có thể dùng một chữ Hán- Việt khác có ý nghĩa tương đương là chữ "hội kiến" để thay cho chữ "diện kiến", dùng chữ này thì viết sao cũng được "Giáo hoàng hội kiến Tổng thống..., hoặc Tổng thống... hội kiến Giáo hoàng...". Một từ khác là từ "bao biện", bây giờ người ta dùng từ bao biện với ý nghĩa "bao che và biện hộ", trong khi nghĩa gốc hoàn toàn khác, bao biện là từ để chỉ người đàn ông hay làm chuyện bao đồng, tương đương với từ "đa đoan" là để chỉ người phụ nữ quên bản thân mình để lo chuyện người khác. Từ "đổ bộ" thấy cũng dùng sai, người ta nói "quân lính Israel đổ bộ giải Gaza" trong chiến tranh thì hành động đổ quân từ đường biển lên đất liền, được gọi là đổ bộ, chẳng hạn "toán quân Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng", hay "quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie", ở đây hoàn toàn chẳng có người lính Israel nào đi bằng tàu bè vào giải Gaza bằng đường biển, vượt đường biên giới trên đất liền vào nước khác không được gọi là đổ bộ...
Phải nói bây giờ người ta dùng sai từ ngữ rất nhiều, nhất là từ Hán - Việt, trên đây chỉ là một vài thí dụ...

--> Read more..

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Muốn nghe quan họ ....

Chủ Nhật, 05/02/2012, 07:37 (GMT+7)

“Muốn nghe quan họ, đừng về Hội Lim”?

TT - Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã xót xa thốt lên như vậy sau mấy mùa đi Hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) trở về.

“Diễu hành quan họ” để lập kỷ lục - Ảnh: Hà Hương

Hội Lim năm 2012 vào chính hội ngày 13 tháng giêng âm lịch (tức ngày 4-2), tỉnh Bắc Ninh đã tỏ ra quyết liệt dứt điểm vấn nạn ăn xin, chèo kéo du khách... Nhưng câu "người ở đừng về" oang oang đến vô duyên bằng loa mở hết công suất liệu còn níu nổi chân người?

"Chị Hai nhí" xin tiền

Rét căm căm. Trong một lán trại sơ sài, cô bé Mai Chi 3 tuổi vừa run vừa lập bập hát mấy câu quan họ. Nếu quên lời thì có hẳn một liền chị cầm micrô ngồi sau hát lấp vào. Cứ thế, một buổi sáng Mai Chi diễn đến mấy lượt. Trước mỗi lần biểu diễn của bé Mai Chi, một liền anh lớn tuổi giới thiệu: Ở làng quan họ chúng em, cháu bé 3 tuổi biết mặc áo mớ ba mớ bảy cũng được gọi là liền chị. Sau đây đến phần trình diễn của "chị Hai nhí", kính mong quý khách vui lòng ủng hộ.

Trong lớp áo mỏng, "chị Hai nhí" một tay cầm nắm tiền, tay cầm micrô hát điệu giao duyên mà khuôn mặt vẫn chưa hết ngơ ngác. Sau mỗi tiết mục của bé Mai Chi, lán của CLB quan họ Thôn Lương, xã Tri Phương đông hẳn so với các lán bạn, số tiền khách bỏ vào cơi trầu cũng nhiều hơn. Tranh thủ lúc đông khách, một liền chị cầm cơi trầu đi dạo qua để vừa mời trầu vừa xin tiền du khách. Ở giữa lán, một chiếc nón quai thao cũng được ngả ra, phần để trầu, phần để tiền của du khách.

Một "chị Hai nhí" mới 3 tuổi, hát đôi ba câu quan họ chưa rành lại trở thành giọng ca chính cho buổi biểu diễn của một CLB xứ quan họ. Không mấy ai thương "chị Hai" rét co ro, ngơ ngác đứng hát. Chỉ thấy mọi người vỗ tay rồi hào hứng chạy vào lán, nhét vào tay cô bé tờ 5.000, 10.000, cao nhất là 20.000 đồng. Nhiều người còn đứng hẳn phía ngoài, cầm tờ tiền vẫy vẫy để "chị Hai nhí" ra nhận. Lúc nhiều quá thì người lớn, liền anh, liền chị ngồi sau còn ra nhận giúp hoặc lúi húi nhặt tiền "chị Hai nhí" đánh rơi dưới chân. Chứng kiến toàn bộ buổi diễn, chị Thanh Vân (Hà Nội) chỉ còn biết thở dài: "Tôi thấy chả khác hình ảnh của mấy em bé bị lợi dụng đi ăn xin ngoài phố. Không biết bố mẹ cháu bé ở đâu?".

Từ Hội Lim thành... hội chợ

Tâm lý đông thì vui khiến nhiều người chen chúc, mỏi mệt trên đồi Lim ngày chính hội 13 tháng giêng. Ở mỗi lán quan họ, loa mở hết công suất "quyết không thua kém lán bạn". "Chưa kịp nghe hết câu quan họ bên lán này thì câu hát bên lán kia "nhảy" vào tai. Tân cổ giao duyên đều có cả" - chị Xuyến (Bắc Ninh) than thở. Càng về trưa, đồi Lim chẳng khác gì cái hội chợ bởi tiếng người nói lao xao, loa phát thanh của huyện phát các bài hát mới về quan họ, lán quan họ cũng mở loa, rồi thêm cả loa của dân phòng đi kiểm tra nhắc nhở đội bán hàng rong...

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: "Hội Lim ngày xưa đơn giản chỉ là những liền anh liền chị gặp nhau tìm hiểu, hát chung nhẹ nhàng, tình cảm chứ đâu vỡ ra như cái chợ trời thế này. Nhiều người đến quậy tí cho vui chứ cũng chẳng cần biết quan họ thế nào".

Cũng trong sáng 13 tháng giêng, kỷ lục nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát quan họ đã được xác lập. Hơn 3.000 người được chia thành bốn đội cùng hát đồng ca các bài: Khách đến chơi nhà, Mời nước, mời trầu và kết thúc bằng bài Giã bạn. Một màn đồng ca khá trật tự trong vòng vây của lực lượng công an và hệ thống rào chắn kỹ càng.

Ông Nguyễn Hữu Trọng (chủ tịch Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh) cho biết: "Chúng tôi tổ chức rất nghiêm chỉnh, ngay sau khi chương trình kết thúc, các liền anh liền chị sẽ tập kết ra xe, ai về nhà nấy". Một cuộc diễu hành. Bởi theo quan sát, trừ một vài liền anh, liền chị cầm micrô hát, lực lượng còn lại chỉ có mỗi nhiệm vụ đứng trước sân khấu và... đợi xác lập kỷ lục.

Theo ông Trần Quang Ứng - trưởng ban chỉ đạo Hội Lim, buổi xác lập kỷ lục nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của quan họ theo cam kết với Tổ chức Unesco. Tuy nhiên, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cảnh báo: tỉnh Bắc Ninh không thể coi kỷ lục hàng nghìn người hát quan họ là thành quả bảo tồn di sản. Ðấy chỉ là hoạt động quần chúng hội hè vui vẻ thôi. Trách nhiệm của người quản lý là phải tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị, vẻ đẹp của quan họ là gì, chứ không phải hát quan họ đồng thanh như thế.

“Chị Hai nhí” xin tiền - Ảnh: Hà Hương

Mang câu chuyện “chị Hai nhí” đi hỏi ban chỉ đạo Hội Lim thì nhận được ánh mắt hết sức kinh ngạc: “Hoàn toàn không có chuyện đó. Người quan họ thanh lịch lắm, không làm thế đâu. Năm nay chúng tôi chỉ đạo rất kiên quyết việc ngả nón đựng tiền và các hiện tượng câu khách kiểu này”. Đưa dẫn chứng cụ thể, ban chỉ đạo Hội Lim cũng “hứa” sẽ kiểm tra và xử lý. Nhưng ghi nhận của Tuổi Trẻ cả hai ngày 12 và 13 tháng giêng, màn hát của “chị Hai nhí” vẫn diễn ra đều đặn. Những lời quan họ tình tứ vẫn cứ được truyền đi từ miệng cô bé 3 tuổi sớm bị người lớn ép thành “chị Hai”.

HÀ HƯƠNG


Bài viết  trên được copy từ Tuổi Trẻ Online ngày hôm nay (5/2/2012), lại thêm một thông tin rất đáng thất vọng về những gì được gọi là lễ hội bây giờ, mà ở đất nước ta theo ghi nhận một năm có đâu những bảy, tám ngàn lễ hội lớn nhỏ khắp nơi nơi từ Nam chí Bắc... Mới hôm qua hôm kia tôi đọc một tờ báo nói về hội vật làng Sình ở Huế, bây giờ rất đìu hiu vắng vẻ chẳng còn mấy người đến xem, trong khi những năm về trước luôn đông nghẹt người về dự, bởi vì hội vật  này đã đánh mất đi những nét lễ hội dân gian truyền thống, thay vào đó là cách tổ chức manh mún chủ yếu là để tìm cách... kinh doanh, mà thực chất là móc túi khách thập phương đến dự lễ hội. May thay người dân Huế có lẽ đa phần còn giữ được những nét truyền thống cho nên đã tẩy chay...

Nhìn lại những bài báo viết cũng mới đây trên báo TT, TN... về những lộn xộn, thiếu văn hoá, phản tín ngưỡng ở những nơi nổi tiếng ngày xưa như chùa Hương, Yên Tử... trong những ngày đầu năm, hoặc lễ phát ấn đền Trần tại những tỉnh phía Bắc (có đến 3 tỉnh tổ chức phát ấn, phát lương), mặc cho những nhà văn hoá, sử học, nghiên cứu... chỉ ra rằng cha ông ta ngày xưa chẳng bao giờ có chuyện phát ấn, phát lương (lương thực, vài hạt bắp đựng trong một cái túi) tràn lan như thế, nhất là chuyện này được hiểu là xin được một cái ấn là sẽ may mắn trong việc thăng quan tiến chức, xin được một túi lương là sẽ no đủ..., và việc phát ấn phát lương này chỉ bị biến tướng trong thời gian gần đây, khi có chủ trương nhà nước hoá lễ hội. Nhưng tại sao lại có những biến tướng ấy, có phải vì lòng thành kính đối với tiền nhân không? Có phải vì muốn gìn giữ và phát huy văn hoá không? Có phải vì để đáp ứng cái ước muốn của người dân không? (cho dù với bất cứ ai biết suy nghĩ thì đây chỉ là chuyện nhảm, tin nhảm và thực hiện nhảm), vậy thì tại sao lại thế? Và  bất cứ ai cũng có thể trả lời, tại cái nguồn thu trong chuyện này quá lớn, chỉ một lý do duy nhất ấy, và nguồn thu này đi đâu? May ra chỉ...  Đức thánh Trần mới biết!

Hội Lim như bài báo viết bên trên, và đa số những gì gọi là lễ hội được tổ chức bây giờ, có lẽ cũng không nằm ngoài cái mục đích tối thượng cuối cùng này...

--> Read more..

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Hết tết.

Hôm nay đã là 11 tháng giêng, hết mùng, hết tết, chứ không phải như có kẻ nói "hết mùng tới... mền", cũng như xã hội nông nghiệp khi xưa "Tháng giêng là tháng ăn chơi...", tha hồ đình đám nhậu nhẹt lu bù..., đối với nhiều người có lẽ vẫn còn ít nhất rằm tháng giêng là ngày rằm lớn trong năm, còn gọi là tết Nguyên tiêu, ngày này đình chùa lại mù mịt nhang khói..., và đối với một số người nhất là các bà các chị tiểu thương ở chợ, tháng giêng là tháng hành hương, sau những ngày tết vất vả lo toan hàng họ... buôn bán chặt chém trong mấy ngày tết, ra giêng thảnh thơi họ thường tụ tập rủ nhau hành hương chùa chiền, để cầu xin năm mới buôn may bán đắt bằng... năm bằng mười năm cũ... .
Để coi bản thân tôi đã làm được gì trong những ngày nghỉ tết? Năm nay được nghỉ khá dài ngày, nhiều người chọn giải pháp đi chơi xa, kể ra được thế thì hay quá, nhưng tôi chỉ loanh quanh ở Saigon, ngoài chuyện đương nhiên là thăm hỏi người thân, tôi đã ghé được chợ hoa ở công viên 23 tháng 9, kế bên khu phố Tây, ngày xưa là nhà ga xe lửa Saigon, chợ hoa này là "hậu thân" của chợ hoa Nguyễn Huệ khi xưa, nơi những nhà vườn trực tiếp chở cây cảnh đến bán, đa số họ là những nhà vườn thuộc miệt vườn miền Tây, buôn bán rất chất phác, dễ thương... nhiểu khi họ thấy chợ hoa vui quá bỏ đi đâu mất tiêu, người mua lựa được một chậu cúc hay một chậu tắc ưng ý, chờ mãi chẳng thấy chủ hàng đâu cả... .
Thêm được cái Hội hoa xuân ở công viên Tao Đàn, cũng như mọi năm Hội hoa xuân trưng bày hoa kiểng của các nhà vườn, nghệ nhân... cả những đá kiểng, cây gỗ khô có những hình thù kỳ dị... một nơi xem chơi cho đủ bộ tết. Tiếp nữa là đường hoa Nguyễn Huệ, nơi xưa kia là chợ hoa, đường hoa Nguyễn Huệ khác với chợ hoa ở công viên 23 tháng 9 hay Hội hoa xuân Tao Đàn, nơi này nặng về nghệ thuật sắp đặt, rất đông người đến nhất là trong những ngày tết mùng 1, 2, 3..., không còn chỗ chen chân, thật sự tôi không thích đường hoa Nguyễn Huệ gì mấy, cái được nhất ở nơi này theo tôi không phải là hoa, hay cách sắp đặt, mà chính là cái ý thức của dân Saigon, không hề có cảnh xô đẩy dù rất đông người, không hề bẻ hoa hay chui rào vào chụp hình, bảo vệ rất ít khi phải nhắc nhở ai... Có lẽ đây là một điểm son cho người Saigon....
Ngoài những nơi vui chơi tết tôi còn đến, năm bảy ngôi chùa Việt, năm bảy ngôi chùa Tàu, đình, đền, miếu..., đủ cả, quên cả nhà thờ đạo Thiên chúa, nơi để tro cốt bà cụ của tôi, gia đình tôi có vẻ như... đạo Dừa, tôi có tên thánh, bà cụ tôi để cốt ở nhà thờ, bà xã tôi có pháp danh, bên gia đình vợ tôi thờ vong người đã khuất ở chùa, cu cậu con trai tôi có họ thánh, khoán cho đức thánh Trần từ nhỏ, thỉnh thoảng cả gia đình tôi có đến nhà thờ, chùa, đền... thật là hoà đồng tôn giáo, theo như ông bạn Bulukhin là để tiến tới một thế giới đại đồng... .
Có điều đi đến đâu trong mấy ngày tết tôi cũng thấy người ta nhang khói dữ quá, đốt sống chết, đa số nơi những đình chùa lúc nào cũng... bốc lửa, người ta đốt gì mà đốt lắm thế và cũng cầu gì mà cầu nhiều thế, mỗi người cứ vô tư một bó nhang to rực lửa cắm khắp nơi, cho dù chưa kịp quay mặt đi đã có người gom quẳng vào thùng nước, và cùng với vô số bàn thờ là vô số hòm công đức, nhiều cái là két sắt khoá số khoá điện tử mới toanh... hoà cùng hòm công đức là những bàn cúng sao, cầu an, giải hạn... Kế đô, La hầu, Thái bạch... Tam tai... có cả cho phép bán nhà, làm ăn, tình duyên gia đạo... Dĩ nhiên tín chủ phải hoan hỉ móc hầu bao, nhẹ nhàng thì tuỳ hỷ, có nơi giá cả đàng hoàng, cứ theo đó mà tính toán..., có người cầu an cho mấy người trong gia đình thấy móc túi cả bạc triệu... .
Thế là hết tết, lại chờ gần bốn trăm ngày nữa, năm nay nhuần hai tháng 4...
--> Read more..