PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Xôi bắp - Xôi ngô - hay Xôi lúa?

                                     Xôi bắp miền Bắc (xôi lúa) (Ảnh: Internet)


Một món quà sáng bình dân rẻ tiền thỉnh thoảng tôi hay ăn, đó là món xôi bắp, và bạn bè cũng đã từng ngồi "cà phê chim" xực xôi bắp với tôi vào buổi sáng tại vườn Tao Đàn. Món xôi bắp ở Sài Gòn có hai loại, là xôi bắp của người miền Nam và xôi bắp của người miền Bắc. Xôi bắp tôi muốn nói ở đây thuộc loại sau, tức là xôi bắp được nấu theo kiểu Bắc, như hình chụp bên trên. Dĩ nhiên nguyên liệu chính để nấu xôi bắp phải là hạt bắp, mà người miền Bắc gọi là ngô, hạt bắp ở đây là hạt già khô được ngâm và "đồ" cho bung lên, thêm một ít hạt gạo nếp dẻo để kết dính những hạt bắp (có người làm chỉ thuần bắp, không có gạo nếp), đậu xanh đồ chín giã nhuyễn rắc lên trên, và hành phi, đường, đậu phọng (lạc), mè (vừng) giã nhỏ. Xôi bắp của người Bắc làm như thế, ăn thơm, bùi...

                                            Xôi bắp miền Nam (Ảnh: Internet)
                                               

Còn món xôi bắp được nấu theo kiểu miền Nam có hơi khác, như các bạn thấy trên hình, bắp cũng được bung nhừ nhưng có hơi nhão hơn xôi bắp nấu theo kiểu miền Bắc, và như rất nhiều món ăn miền Nam luôn có dừa, xôi bắp cũng thế, dừa bào sợi và cả nước dừa được rưới vào xôi, thêm ít đường và đậu phọng, mè giã nhỏ, xôi bắp miền Nam ăn ngọt, béo... Xôi bắp miền Bắc và xôi bắp miền Nam cách làm khác nhau, nên khi ăn cho ta những hương vị khác...

Nhưng thuở tôi còn nhỏ (hơn nửa thế kỷ) thì món xôi bắp nấu theo kiểu miền Bắc ở Sài Gòn tôi lại nghe những người lớn trong nhà gọi là "xôi lúa". Thời tôi còn con nít nhóc tì hôm nào buổi sáng sớm được cha mẹ cho năm hào (miền Nam gọi là năm cắc), hay một đồng đi mua xôi lúa ăn là sướng phải biết. Trong nhà gọi là xôi lúa, nhưng ra đường chơi với đám trẻ con bằng vai phải lứa trong xóm người miền Nam thì tụi nó vẫn kêu là "xôi bắp", nghĩa là từ "xôi lúa" chỉ có người gốc miền Bắc gọi thôi. Nhưng rồi lần hồi thì cái từ "xôi lúa" cũng biến mất lúc nào không hay, ngay cả bố mẹ tôi trong nhà cũng thôi không gọi là "xôi lúa" nữa, mà dùng tiếng "xôi bắp" như ngoài xã hội, cũng như gọi "con heo" theo tiếng miền Nam chứ không gọi là "con lợn" như theo kiểu miền Bắc... Và thời gian trôi qua, ở Sài Gòn từ "xôi lúa" cũng chìm vào quá khứ, hầu như không còn ai nhắc đến, mọi người chỉ biết đến món "xôi bắp", cho dù được nấu theo kiểu miền Bắc... Sau này tôi có nghe một vài người miền Bắc gọi "xôi lúa, xôi bắp" là "xôi ngô", dĩ nhiên là như thế rồi, trái "bắp" kêu theo miền Nam thì miền Bắc gọi là quả "ngô", cũng như con heo là con lợn vậy...

Rồi gần đây trên những trang mạng, hay sách báo, khi nói về món "xôi bắp" nấu theo kiểu miền Bắc có đậu xanh, hành phi... thì tôi lại đọc được từ "xôi lúa" để chỉ xôi bắp (các bạn có thể vào Google gõ "xôi lúa" sẽ thấy), cũng không thấy nơi nào giải thích tại sao lại gọi như thế, cũng có người thắc mắc là tại sao một món ăn gần như chẳng thấy "lúa" đâu chỉ thấy "bắp", mà tên gọi "lúa" lại được đặt thay cho "bắp" (hay ngô), tôi cũng có thắc mắc tương tự, nhưng cũng chẳng tìm thấy được sách vở nào nói về điều này... Cách nay ít năm tình cờ tôi đọc được một quyển sách nói về các món ăn miền Bắc, trong đó có đoạn nói về "xôi lúa", những tưởng đã biết được gốc tích của từ "xôi lúa", nhưng lại không phải, tác giả viết sách cũng thắc mắc nhưng cũng không hiểu tại sao lại gọi là "xôi lúa" như thế, đoạn viết như thế này: "Món quà sáng rẻ tiền là xôi lúa, người Hà Nội lại không gọi nó là xôi ngô mà xôi lúa, có thể đây là từ cổ còn sót lại, nhưng ai gọi xôi ngô thì chắc người đó chưa ở Hà Nội lâu ngày, chưa là người Hà Nội."...

Mới đây có đọc được quyển sách Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học nước ta là Lê Quý Đôn sống vào thế kỷ 18, nơi quyển 9 nói về Phẩm vật, có chép thế này (nguyên văn trong sách):

"Về bắp (ngọc Thục Thử) sách Bổn Thảo chép: Giống như cây ý dĩ (cây bo bo), cây cao ba bốn thước, lòng cây mọc ra một cái bông, bông này mọc lên râu trắng, bông tách ra, hột chi chít gom lại màu vàng trắng trắng. Hột có thể rang mà ăn. Rang thì hột nổ như rang nếp. Ăn nổ này thì điều trung khai vị (điều hòa nội tạng và làm cho biết ăn ngon).

Hột này nước Nam gọi là lúa ngô (bắp).

Từ đầu niên hiệu Khang Hy (1662 - 1723) nhà Thanh, Trần Thế Vinh người ở huyện Tiên Phong thuộc lộ Sơn Tây, đi sứ mới bắt đầu được thứ giống lúa ngô này đem về nước. Cả một lộ Sơn Tây nhờ thứ lúa ngô này làm lương thực. Con trẻ ăn lúa ngô nhiều có thể đầy ruột.

Lúa ngô ở Nghệ An phần nhiều là giống trắng, ở Lạng Sơn thì có đủ năm màu."


Qua ký ức về "xôi lúa, xôi bắp", và qua những gì đã đọc xưa nay, tôi nhận ra được một điều, từ "xôi lúa"  có lẽ là một từ cổ để chỉ "xôi bắp" như theo tác giả sách viết về các món ăn miền Bắc  đã đặt câu hỏi, và từ "lúa"  chính là từ "lúa" trong "lúa ngô", như trong sách của Lê Quý Đôn đã viết. Khi xưa ấy thời Lê Quý Đôn đã xem "bắp, hay ngô" như tên gọi bây giờ là một giống "lúa", còn từ "ngô" ngày xưa là để chỉ nước Trung Hoa, như chúng ta đã thấy trong tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Theo sách Vân Đài Loại Ngữ thì giống "lúa ngô" (bắp, ngô) chính là "lúa của người Ngô", mà Trần Thế Vinh đã đi sứ sang Trung Hoa mang về. Sau đó giống "lúa của người Ngô" đã được người Việt mình (lúc ấy chưa có miền Trung và miền Nam) đồ lên thành xôi để ăn và gọi là "xôi lúa" như chúng ta đã nghe tên...

Ấy là tôi theo sách vở mà phỏng đoán như thế...


Sách đã dẫn:

- Văn Hóa Ẩm Thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, Băng Sơn - Mai Khôi (Biên khảo và sáng tác) - Nhà Xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2002.
- Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn, Quyển 9 "Phẩm vật" - Bản dịch Tạ Quang Phát - Nhà Xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1995.

51 nhận xét:

  1. Giờ xôi ngô ở miền Bắc ít ai cho thêm đường với lạc vừng mà họ trộn xôi ngô với đậu xanh lát mỏng, rưới mỡ nước và rắc hành phi lên trên cùng. Ngày xưa em cũng có nghe gọi xôi ngô là xôi lúa nhưng giờ tên xôi lúa đã mai một đi và chỉ còn được gọi là xôi ngô thôi. Món quà sáng đơn sơ này, gói trong lá sen thơm, ăn nóng vào những buổi sớm se se lạnh thì ngon lắm đấy bác Hiệp à!

    Trả lờiXóa
  2. Kiểu cho thêm đường và lạc, vừng giã nhỏ có lẽ là của miền Nam thích ăn ngọt, thường bây giờ món xôi bắp ở Saigon gói riêng đường và lạc, vừng giã nhỏ, ai muốn ăn thì cho thêm...
    Xôi lúa gói lá sen ăn sáng sớm lúc trời se lạnh thì còn gì bằng nữa TT :-)))

    Trả lờiXóa
  3. Đúng đó, giờ gọi là xôi ngô, còn xôi giống thế nhưng ko có ngô thì gọi là xôi xéo.

    Trả lờiXóa
  4. Bác cho em hai lần nha. Gói xôi trong SG sao mà bé xíu :)
    Em vẫn nhớ những gói xôi mà bác cho tụi em ăn ở cà phê Chim Tao Đàn...

    Trả lờiXóa
  5. Xôi xéo, nghe cũng quen quen, nhưng không rõ trong Saigon có món xôi này không?

    Trả lờiXóa
  6. Ối giời GR. "xơi" khỏe thế nhỉ? Gói xôi bắp ở cà phê chim Tao Đàn thỉnh thoảng ngồi cà phê với lão Đèn đỏ tôi "nhá" mãi mới hết đấy :-)))

    Trả lờiXóa
  7. Hì hì, GR em "ăn thùng uống chậu" mà.

    Trả lờiXóa
  8. Thảo nào mà trông "tướng tá" ngon lành :-))

    Trả lờiXóa
  9. T thì quen với hai loại xôi này từ ngày còn rất nhỏ .Xôi bắp ( theo kiểu miền Bắc ) và bắp nhão ( T không gọi xôi bắp theo kiểu miền Nam ) .ra chợ má luôn dặn : Mua cho má gói bắp nhão nha con ...

    Trả lờiXóa
  10. Gọi là...Chắc như bắp anh Hiệp ạ ! :)

    Trả lờiXóa
  11. Xôi ngô miền Bắc không hề có đường, lạc và vừng anh Hiệp à.
    Ít ra là từ hồi em 6 tuổi ăn món này em đã không thấy 3 thứ trên.
    Còn xôi lúa ở Hà Nội chính là xôi chỉ có gạo nếp, hay còn gọi là xôi xéo.

    Trả lờiXóa
  12. Những người xung quanh em thì luôn gọi xôi lúa chính là xôi xéo đó chị Thủy.
    Có lẽ chị nghe người ta gọi nhầm đó ạ.

    Trả lờiXóa
  13. Tên gọi là theo thói quen, của gia đình, của địa phương... ha chị T.? Mình quen gọi nó thành như thế.

    Trả lờiXóa
  14. Tên gọi theo thời gian rồi có biến đổi, còn món ăn thì du nhập vào địa phương nào cũng thêm thắt theo ý thích, khẩu vị của người ở đó.

    Trả lờiXóa
  15. Hihi , M người trong này thì chỉ gọi xôi bắp thôi để chỉ món xôi bắp của các cụ Bắc bán , còn món bắp nấu nhão ăn với dừa , đường thì đúng gọi là bắp nhão . Ở miền Tây còn có món bắp chà nấu với đậu đen , cũng ăn với dừa , đường ...
    Đọc bác H viết thì hiểu là sở dĩ gọi là xôi lúa hay xôi ngô là do người xưa quan niệm bắp là một loại lúa đem từ nước Ngô (Tàu) về trồng , đúng không ạ ((-:

    Trả lờiXóa
  16. Món bắp nhão là gọi đúng Nam bộ luôn ha, nấu bắp lên nhão nhão cho dừa đường (chứ không phải "xôi" cho bung hạt bắp), mà xưa ăn cũng hay nữa, giống như trong hình, gói bằng lá chuối, dùng một khúc sống lá chuối làm thành cái muỗng múc ăn, thiệt là... sinh thái. Còn món bắp chà miền Nam ăn cũng hay hay, nhưng với người miền Trung hay miền Bắc chắc ăn thấy mau ngán vì có nước dừa, dừa bào.
    Còn viết trong bài này là tôi thử đi tìm hiểu cái từ "xôi lúa" theo tiếng gọi xưa của người Hà Nội gọi loại xôi mà bây giờ người miền Bắc gọi là "xôi ngô", hay miền Nam gọi là "xôi bắp", hihi!

    Trả lờiXóa
  17. Vậy thì hôm nào gặp ngài hungvuong này phải nhờ coi cho một quẻ... :-)))

    Trả lờiXóa
  18. Ủa , bác có ăn món bắp chà này chưa ? Hôm ra chợ Cao Lãnh thấy bán , vui như gặp lại cố nhân vậy . Vì ngày xưa mẹ Marg nấu từ hột bắp phơi khô . đem ngâm nước vôi cả ngày rồi hầm cũng lâu , cực , nên hầu như không nấu nữa .
    À món bắp nhão hồi đó còn gọi là bắp giã hay bắp hầm . "Bắp giã" chắc do người Bắc gọi (vì hột bắp được giã bể ra chứ không để nguyên hột) , vì người Nam không dùng từ "giã"

    Trả lờiXóa
  19. M nghĩ gọi "bắp chà" chắc là do nấu món này phải đem chà hột bắp cho nó rớt cái mài ở trên đầu hạt bắp ra rồi cho rổ bắp vô nước đãi bỏ đám mài đi , chắc là vậy . (cho nên hồi đó nấu món này cực lắm )

    Trả lờiXóa
  20. Món bắp chà này ăn ở chợ Cao Lãnh á, xưa nấu ăn cực quá ha, bây giờ có khi cho hóa chất mau nhừ là ok hết :-))
    Món bắp nhão cũng công phu đấy chứ, xưa nhỏ nhỏ người miền Bắc gọi là "xôi bắp" hết... Từ ngữ tùy không gian, thời gian, từng miền mà biến đổi tên gọi... Nhưng cũng vẫn có cái gốc gác, cái nguyên do của nó (((-:

    Trả lờiXóa
  21. Hình như mọi người đang nhắc tới món giống như "ngô bung" ở HN. Ngô được "bung" chín nở tơi cùng với lác đác hạt đỗ đen. Người bán cuốn giấy thành một cái phễu, xúc ngô bung vào rồi rắc muối vừng lên trên.
    Món này cũng thất truyền rồi vì ăn nó hơi ngán.

    Trả lờiXóa
  22. Haha , sai rồi bác ơi , bắp bác được ăn ở Cao Lãnh gọi là bắp đùm , vì nó được gói bằng cách túm trong lá chuối kiểu như "đùm túm" á. Để sẽ tìm hình đưa lên xem cho rõ. Cho nên tên gọi trong dân (gian) đều có nguyên do cả ((-:

    Trả lờiXóa
  23. Hihi, còn món "bắp đùm" nữa hả? bởi đùm túm bằng lá chuối, cha cha hôm nào phải đi tìm hiểu mấy món này mới được. Còn trong dân gian thì đúng là đều có nguyên do mà gọi... (((-:

    Trả lờiXóa
  24. Đây , lục lại tấm hình chụp bắp đùm ở Cao Lãnh cho bác H xem đây

    Trả lờiXóa
  25. Tấm này rõ hơn , bắp được đùm trong lá chuối , có que tre xâu kẹp lại , bỏ vô nồi hấp

    Trả lờiXóa
  26. Còn đây là hàng bắp giã , màu trắng gói trong lá chuối màu xanh . Kế bên có thau bắp chà , đậu đen trên mặt , ở dưới là bắp . Hình này cũng chụp hôm đi Cao Lãnh .

    Trả lờiXóa
  27. Món xôi ngô hay xôi bắp mà anh Hiệp nói trước 75 có chổ bán rất ngon,giờ thì không thấy ở đâu ngon.Ở miền Bắc thì nấu món xôi này rất ngon. Những lần tôi và các bạn đi xuyên Việt,ra Hà Nội tụi tôi đều thích ăn món xôi này,nhất là lúc trời lạnh,nhưng vì xôi không bỏ đường nên tụi tôi thường đem theo hủ đường nhỏ để ăn xôi này.

    Trả lờiXóa
  28. Hôm nào chắc phải đi chợ Cao Lãnh ăn lại món bắp đùm ((-:

    Trả lờiXóa
  29. Đầy đủ món ăn chơi quá ha, nhất định phải ghé Cao Lãnh lần nữa... (((-:

    Trả lờiXóa
  30. Bởi món xôi lúa (xôi bắp) này của người Bắc mà chị Mai, đúng là dân miền Nam quen ăn ngọt, ở Saigon bây giờ bán xôi bắp có gói thêm gói đường và mè nhỏ ở ngoài cho ai "hảo ngọt" thì thêm vào. Hôm nào tôi rủ chị Mai đi uống cafe ở vườn Tao Đàn sẽ chiêu đãi chị món xôi bắp. :-)))

    Trả lờiXóa
  31. Ở ngoài Bắc xôi xéo là loại xôi chỉ để dành cho những chàng trai đến chơi nhà bạn gái mà bố mẹ bạn ấy không muốn tiếp ! Cứ nghe : " Mời anh ở lại dùng ...xôi xéo với gia đình ! " là chàng trai phải ba chân bốn cẳng hành phi ra cổng ngay lập tức ! hì hì.....

    Trả lờiXóa
  32. Chà xôi này... ác chiến thật ha vuonghung :-))

    Trả lờiXóa
  33. Gr nói đúng đó !
    Lại nhớ những năm đầu thập kỷ 80 mọi nhà vẫn có ăn độn bắp (ngô) hay bo bo, nên mới có lời bài hát nhại theo "Tiếng chày trên sóc Bom bo " của cố Xuân Hồng rằng : " Bắp bùng bung...bắp bung với bò bo." Món này nhà nào bung nhà đó ăn...không bán ! ..!! hì hì...

    Trả lờiXóa
  34. Ông này là "vuahai" (vua hài) chứ không phải "vuahung" (vua Hùng) :-))

    Trả lờiXóa
  35. Hihi,tại vì anh Hiệp không " hảo ngọt " nên dáng anh " om o " như chị Phụng nói đó.
    Rồi hôm nào rủ thêm các bạn nữa nhe.

    Trả lờiXóa
  36. Nguyên món xôi thôi đã thấy rất nhiều, xưa xôi khúc làm phải cho lá khúc, xôi nếp cẩm màu tím tím phải cho lá cẩm, xôi nếp than phải bằng loại nếp than mà tôi thấy các cụ tôi xưa gọi là "nếp nựt"... Bánh gai màu đen phải gói cho lá gai, xôi gấc phải dùng trái gấc... bây giờ có khi họ cho màu mà lại là màu và hóa chất công nghiệp nữa...
    Muốn "cà phê chim Tao Đàn" (uống cà phê ngắm chim nhảy nhót và nghe chim hót véo von) phải đi hơi sớm, gần đó có bà bán xối bắp, xôi vò, xôi đậu xanh khá ngon...

    Trả lờiXóa
  37. Bây giờ nhà em cũng hay ăn sáng bằng xôi lúa... nhưng từ xôi lúa đang mất dần, gọi là xôi ngô thì ai cũng biết, vì làm bằng ngô, bên cạnh xôi xéo ( gạo nếp với đỗ xanh), xôi lạc ( gạo nếp có đậu phộng), xôi đỗ đen, xôi trắng...
    Suy luận của anh chắc chắn đúng, dấu vết như ta bây giờ vẫn gọi "lúa mỳ", tương tự kiểu gọi "lúa ngô" xưa.
    Tudinhhuong nói không đúng rồi, xôi lúa là xôi ngô, xôi xéo là gạo nếp với đỗ xanh. Xôi lúa là ngô, được rắc đỗ xanh đã làm nhiễn, viên thành nắm như rồi dùng dao nạo raắc lên trên, sau đó là hành khô phi thơm, rưới chút mỡ.

    Trả lờiXóa
  38. Món ăn của người Việt mình thật phong phú, đa dạng, chỉ món xôi thôi là... bao la, mỗi miền lại chế biến thêm thắt cho hợp với khẩu vị...
    Tôi cũng nghĩ là "Xôi lúa" (để chỉ xôi bắp, xôi ngô) là từ cổ bắt nguồn từ chữ "lúa ngô" (lúa của người Ngô) tức Trung Hoa xưa như sách đã chép. Như Toro đã nói vụ "lúa mì", còn một từ nữa là "lúa Chiêm", trong Vân đài loại ngữ có nhăc đến nhiều loại lúa chiêm nhưng không giải thích rõ, còn tôi đọc được trong vài quyển sách về sử (không còn nhớ rõ sách nào, đoạn nào), có sách nói lúa chiêm là giống lúa của người Chiêm Thành (giống vịt xiêm là vịt có nguồn gốc của người Xiêm La, Thái Lan, hoặc mãng cầu xiêm, hồng xiêm...), cũng có sách khác lại nói gọi là lúa chiêm vì cấy vào khoảng tháng 3, tháng 4, giống như vụ lúa của người Chiêm cũng cấy vào tháng đó.

    Trả lờiXóa
  39. Không biết cháu nói có đúng không nhưng như bà ngoại nói lại. Đó là ngô được thay làm lương thực ăn cho các vùng quê miền bắc trong một thời gian dài. Nhất là vùng núi. Gạo không có nhiều. Nên lấy ngô nấu độn với gạo để thành món đó. Quê nhà cháu còn có món sôi sắn mà giờ ở thành thị cũng có nhiều người thích ăn có điều ở thành thị người ta đồ với sắn tươi còn quê cháu dùng sắn khô bào nhỏ đồ lẫn với gạo. Khi ăn cũng ăn cùng hành phi và một ít dừa bào sợi

    Trả lờiXóa
  40. Em thì chắc chắn nhiều người cho rằng xôi xéo là xôi lúa.
    Lúa không thể ám chỉ ngô được.
    Mà xôi ngô là xôi ngô, không thể là xôi lúa.
    Xôi xéo chỉ có gạo nếp, đỗ xanh, hay còn gọi là xôi lúa.

    Trả lờiXóa
  41. Ấy là thuysen đang nói về vụ ăn độn gạo với ngô ở thời khó khăn? Còn xôi sắn tức là nếp, có thêm sắn (khoai mì) cho thêm ít dừa bào hành phi thì ở miền Nam cũng có, bây giờ ít thấy xôi này.

    Trả lờiXóa
  42. Tôi chép trích đoạn bài viết trong quyển "Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc" bài "Xôi lúa" của tác giả Băng Sơn viết về món ăn Hà Nội. Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2002 như sau:
    Đây là một trong những món ăn sáng, một món lót dạ của người Hà Nội. Không ai ăn trưa, càng không ai ăn tối món xôi lúa.
    ...
    Ở các địa phương khác, có món ngô bung, là ngô bung kỹ với vôi điểm ít đỗ xanh hoặc đỗ đen. Đó chưa phải là xôi lúa. Chỉ có Hà Nội (đương nhiên một vài nơi khác) mới có xôi lúa thực sự là xôi lúa.
    Ngô nếp bung thật nhừ nhưng không có mùi vôi nồng, trộn với một ít xôi nếp cho đỡ dính, cũng là tăng thêm độ ngon độ quí. Quan trọng là đỗ xanh trộn lẫn, và đỗ xanh phủ lên xôi. Đỗ xanh đồ (hay thổi) chín, nắm thành từng nắm to, gần bằng quả bưởi, sau khi xôi gồm ngô và ít xôi được xới ra gói lá hay bát, bà hàng xôi cầm nắm đỗ xoay xoay trên tay, lấy con dao bài không sắc lắm cắt rất nhanh những lát mỏng tơi, phủ kín lên xôi... Sau khi đỗ phủ gần kín xôi, bà tưới một ít hành phi mỡ lên trên như một thứ nhụy của bống lúa.
    ...
    Ít người ăn xôi lúa với đường, nhưng ăn thế cũng được. Ăn xôi lúa với hành mỡ vẫn ngon hơn, vì nó là hương vị làm xôi lúa trở thành đặc trưng riêng của nó.
    ...
    Xôi lúa là món ăn sáng phổ biến, phổ thông, rẻ tiền, ngày nào cũng có, đúng hơn là sáng nào cũng có. Và một điều đặc biệt là chỉ Hà Nội gọi là xôi lúa, chứ không ai gọi món ăn sáng này là xôi ngô. Có lẽ từ ngữ cổ, giữa ngô và lúa có gì trùng nhau không, nhưng đây cũng là một nét riêng Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  43. Ở một đoạn khác tác giả có viết điều này, chính là TT có nói tới bên trên: "Xôi lúa thường được gói vào một mảnh lá sen xé nhỏ, trông như một cái quạt giấy mở nửa chừng, và gói xôi ấy được đặt vào giấy rồi mới đến tay khách. Đó cũng là một nét riêng Hà Nội. Ăn gói xôi, còn thoang thoảng mơ hồ một chút hương sen."

    Trả lờiXóa
  44. hôm nay em mới vô Multi được , qua nhiều chuyện với anh đây , heheheheh......
    sự tích cây ngô ( bắp) em biết có một giai thọai khác , đó là do Trạng Bùng Nguyễn Khắc Khoan có công với triều Lê trung hưng trong việc ngoại giao với nước MInh , khi ấy dân ta vẫn gọi là nứơc Ngô , khi đi sứ về , Khắc Khoan mang theo đựơc ít hột lúa làm giống , cho đem trồng , lúa chưa có tên nhưng vì đem từ nước Ngô về , nên gọi là lúa ngô

    Trả lờiXóa
  45. còn tên gọi là xôi lúa , có lẽ do khi nấu còn để nguyên vỏ
    hạt gạo hay hạt nếp khi còn vỏ vẫn được gọi là lúa gạo hay lúa nếp ( cái này là em đóan mò , hihihihi.....)

    Trả lờiXóa
  46. Đọc sách sử cũng thấy viết ông Trạng Bùng đi sứ mang về mấy loại hạt ngũ cốc, mà hình như phải dấu cực khổ quá.

    Trả lờiXóa
  47. Từ điển Việt nam do Hội Khai Trí Tiến Đức in năm 1931, ghi từ Lúa có 2 nghĩa, nghĩa đầu tiên là ngũ cốc nói chung, tức là các loại hạt bao gồm cả thóc gạo, đậu... Nghĩa thứ hai mới là lúa chỉ gạo... như vậy chữ Lúa khi xưa là để chung cho ngũ cốc chứ không riêng chỉ gạo như ngày nay...
    Còn xôi lúa (goi theo bây giờ không phải là xôi bắp hay xôi ngô) làm sao mà nấu để nguyên vỏ (trấu) được, cầu nấu cho... gà xơi, hì hì!

    Trả lờiXóa
  48. Riêng bài này thì tôi thử đi tìm câu giải thích cho từ "Xôi lúa", một từ cổ để chỉ loại xôi bây giờ miền Nam gọi là xôi bắp, và miền Bắc gọi là xôi ngô.

    Trả lờiXóa