PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Cuộc sống.

Photobucket



Mấy hôm trước tình cờ gặp người bạn thời còn đi học lơn tơn ngoài đường, lâu lắm rồi cũng không gặp bạn, cho dù cùng trong một quận ở thành phố này, cách nhau chỉ dăm mười phút chạy xe gắn máy. Tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, yên ổn, khỏe mạnh, thế là mừng. Bạn chợt nhắc đến B. cũng là một người bạn chơi từ thuở đi học ấy, mới đi định cư nước ngoài được đúng một tháng. Bạn đi, hình như cũng chẳng báo gì cho mấy người biết, thật sự nghe cũng lấy làm lạ, lạ bởi bạn là môt người có cuộc sống khá ổn định, ở biệt thự ngoại ô, có xe hơi riêng tài xế đưa đón, công việc kinh doanh đang khấm khá, con cái đã lớn, đứa du học bên Tây tốt nghiệp ở lại lấy chồng Tây, dĩ nhiên là tốt đẹp, đứa ở đây cũng đã có gia đình, con cái ngoan ngoãn, cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang.

Tưởng bạn sang với con gái bên trời Tây, nhưng không phải, mà là trời Mỹ, nghe nói anh em gì đó bảo lãnh đã lâu, bây giờ mới đi được. Hai vợ chồng bạn năm nay cũng đã xấp xỉ lục tuần, nghe bạn nói lại bạn B. đi có vẻ hồ hởi, bởi ít ra cũng còn gặp lại anh em, người thân, còn ông chồng nghe nói buộc phải theo vợ, có vẻ rầu rĩ lắm. Chồng của bạn kinh doanh trong lãnh vực trang trí nội thất, vườn tượng... , làm ăn khấm khá bấy lâu nay, bây giờ chủ yếu đứng ra điều hành, có nhân viên dưới quyền làm hết, chỉ đứng giao dịch, hợp đồng, lo chuyện tiền bạc... còn bạn rảnh rỗi, hàng ngày nhìn dòm chừng qua mấy đứa cháu chút đỉnh, còn thời giờ rảnh ghé nhà thờ, làm từ thiện... chuyện trong nhà đã có người giúp việc lo, một cuộc sống khá an nhàn trong thời buổi siêu lạm phát, gạo châu củi quế này.

Nước Mỹ, đó là niềm mơ ước của nhiều người, có lẽ vậy, nơi đó có một nền giáo dục có lẽ là tốt nhất thế giới (không tốt sao rất nhiều người ở các nước khác, trong đó có xứ mình), đều hăm hở cho con cái đến đó du học. Có một hệ thống an sinh xã hội cao, môi trường tốt, luật pháp chặt chẽ, con người bình đẳng, được coi trọng... Dĩ nhiên những điều này là tương đối, nước Mỹ, có lẽ thích hợp với những người trẻ tuổi, bởi nước Mỹ là một nước trẻ, chỉ mấy trăm năm lập quốc, với đa số mọi người, cuộc sống ở Mỹ là một cuộc sống đã được lập trình, giờ nào ăn, giờ nào ngủ, giờ nào lau nhà, rửa chén, giặt quần áo, đi shopping, giờ nào làm việc... Chuyện nào ra chuyện nấy... Vậy mà cũng nghe bạn bè bên ấy than, có nhiều đứa đang khốn khổ vì thất nghiệp...

Không như ở xứ ta, mọi việc cứ lộn tùng phèo, người ta bàn chuyện làm ăn trong quán cà phê, nhà hàng, xứ sở chỗ nào, lúc nào cũng thấy ăn uống, mọi lúc , mọi nơi... làm không ra làm, chơi không ra chơi, lương lậu èo uột, buôn bán thấy ế ẩm... ra đường bụi khói mù mịt, đường xá nguy hiểm (một ngày trung bình trên 30 người tử vong tai nạn xe cộ trên cả nước), con người lắm khi đối xử lỗ mãng... Nhưng nhìn chung quanh chỗ nào cũng cửa hàng cửa hiệu, cái thời trong nhà chạy vạy để có được cái xe cup nghĩa địa, cái tivi màu nội địa đã qua sử dụng... đã lùi vào dĩ vãng. Ngộ nghĩnh, một công chức nhà nước lương vài triệu bạc, tính ra không đủ chi dùng cho bản thân, thế mà trong túi điện thoại 3G, 3D gì đó, xe tay ga... mà nói chi đến người có việc làm chính thức, cô bán vé số, anh xe ôm, hay bà bán ve chai nhập cư, có khi trong túi xài tới mấy cái điện thoại di động...

Hôm qua cuối năm, có bạn cũ gọi nhắn chúc mừng năm mới, nói chồng của bạn B. sau một tháng ở bên Mỹ, chán quá chỉ muốn đòi về...

--> Read more..

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Lênh đênh sông nước...


Về miệt vườn, nói đến chim cò, vườn cây trái, cá lóc nướng trui, cả chuột, rắn, sen, rau đắng... tánh hiền hòa, hiếu khách của người dân miệt vườn, của bạn bè, và cả... muỗi, mà không nhắc đến sông nước là một thiếu sót lớn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 2 nhánh của con sông Mekong chảy qua là sông Tiền và sông Hậu, cùng vô số những con sông nhỏ, kênh rạch thiên nhiên hoặc hệ thống kênh đào chằng chịt... gắn liền bao đời nay với người dân Nam bộ.

Ngày xưa hẳn nhiên sông rạch chính là huyết mạch giao thông của người dân nơi đây, khi đường bộ chưa phát triển. Dân thương hồ, thương lái... quanh năm sống trên ghe thuyền, chuyên chở hàng nông thổ sản lên tận xứ... Saigon, hoặc ngược dòng Mekong sang tuốt Nam Vang Cao Miên buôn bán, trao đổi hàng hóa. Còn người dân nhà nào cũng có một chiếc xuồng 3 lá để đi lại, giống như thành phố trong nhà có chiếc xe gắn máy vậy. Bây giờ  đường xá miền quê tương đối phát triển, xe gắn máy đã chạy ào ào vào tận xóm ấp, những cây cầu hiện đại đã dần thay cho những chuyến phà, nhưng cuộc sống của người miệt vườn vẫn gắn liền với sông nước như bao đời nay, ở chốn đô hội thì nhà mặt tiền đường có giá nhờ buôn bán, chứ ở thôn quê nhà mặt tiền... sông cũng có giá lắm, bởi thấy xa xa nhiều nhà mặt tiền sông là cửa hiệu, buôn bán hàng hóa, xăng dầu...   

Về miệt vườn, đi đâu cũng thấy sông nước, cầu lớn cầu nhỏ, ghe lớn ghe nhỏ, từ chiếc ghe chèo tay, gắn máy đuôi tôm, hay chiếc tắc ráng, vỏ lãi, ghe bầu chở hàng hóa chạy ào ào. Hôm đi du lịch bụi ngắm cò ở Gáo Giồng, nhóm... bụi đã được ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ, do những cô gái quê cầm chèo len lỏi qua khu rừng tràm, đám lục bình. Không quen việc đi ghe, chỉ mới bước xuống chiếc ghe đã chòng chành, tôi đã suýt lọt xuống kênh, bản thân không sợ, chỉ lo cho mấy cái máy hình đeo trên cổ...

Ảnh phía trên là 2 cậu bé ngày nghỉ chở nhau bằng xe đạp, qua phà sông Tiền về thăm ngoại, 2 cậu bé mặt mũi rất sáng sủa và dễ thương, đứa em thấy tôi giơ máy hình lên nhìn chằm chằm vào máy, và khi được xem lại ngay hình mình thì cả 2 cậu bé rất thích thú. Tiếp đến là những chiếc ghe đang chờ khách tại khu du lịch Gáo Giồng. Kế đến là một người đàn ông đang giăng câu trên chiếc thuyền nhỏ, còn ảnh bên là một chiếc ghe đang chở nhãn mới thu hoạch ngay tại vườn để thương lái mang đi tiêu thụ... Tôi cũng thấy những chiếc ghe thuyền, hình như không hẳn chỉ dùng để chuyên chở, mà còn là ngôi nhà của người dân miệt sông nước, loại ghe này có mui kín có khi đang di chuyển, lưới cá hay neo đậu, trên ghe phơi phóng quần áo như ở sân nhà vậy...

"Đời nào vui bằng đời thương hồ/ Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông", câu hát của khách thương hồ giữa mênh mang sông nước là như thế, nhưng cuộc sống lênh đênh sông nước ắt hẳn là một cuộc đời buồn, nhất là lúc ốm đau, bệnh tật, hay việc học hành của những đứa trẻ lớn lên trên những chiếc ghe thuyền làm ngôi nhà di động...

                                 Một cánh cò chập chờn trên sông nước.

 

 

 

 

Và đàn vịt trong ao nhà...

 

--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Bìm bịp.




"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi!Buôn bán không lời chèo chống mải mê". (Ca dao?)

Tôi biết đến chim Bìm bịp lúc còn nhỏ xíu, qua gánh... Sơn đông mãi võ, mà không phải con chim Bìm bịp còn sống, mà là chim Bìm bịp vẽ qua mấy tấm áp phích quảng cáo. Tôi còn nhớ thuở còn mặc quần... thủng đáy, thỉnh thoảng có gánh Sơn đông mãi võ, chuyên bán thuốc gia truyền dạo, đến bãi đất trống ở đầu xóm múa may quảng cáo bán thuốc là lũ trẻ con xúm nhau đi xem. Thường là mấy thanh niên ở trần hay mặc quần áo theo kiểu lò võ, xách theo mấy thanh đao kiếm sáng loáng, cùng một ông trung niên kiểu võ sư ở trần, đến đầu xóm bày ra mấy hũ rượu bổ hay đả trật hiệu con Bìm bịp, họ nhảy nhót múa đao kiếm, ghê gớm nhất là màn lấy cây thương nhọn đâm vào yết hầu, rõ ràng thấy đổ cả máu, sau đó thoa rượu thuốc con Bìm bịp là lành y như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lũ trẻ con nhìn thấy sợ xanh cả mặt.

Dĩ nhiên là đám trẻ con chúng tôi chẳng có đồng nào để mua loại thuốc thần diệu này, chỉ biết ngồi há hốc mồm ra nhìn ngắm họ múa võ, hay thao thao bất tuyệt ngợi ca cho bài thuốc cải lão hoàn đồng con Bìm bịp, hay loại rượu đau đâu thoa đấy, chữa trị mọi chứng đau phong tê thấp, nhức mỏi... cũng hiệu con Bìm bịp của họ. Cũng có gánh Sơn đông có thêm được con khỉ hay chú chó con tinh khôn biết làm trò là lũ trẻ con được một bữa mãn nhãn, sướng mê tơi. Ngày ấy cũng ngộ, không phải chỉ có đám trẻ con ngốc nghếch mới mê đám Sơn đông mãi võ, mà cả những người lớn cũng xúm xít vào xem, và cũng không thiếu gì người móc túi ra mua chai thuốc bổ, hay chai rượu thoa Bìm bịp ấy.


Nói là họ bán thuốc hiệu con Bìm bịp, nhưng tôi nhớ chưa bao giờ được thấy một con Bìm bịp sống nơi gánh Sơn đông của họ, họa chăng chỉ thấy nơi tấm áp phích vẽ màu xanh đỏ mà họ mang theo. Tôi còn nhớ khi quảng cáo cho rượu thoa bóp Bìm bịp của họ, ông võ sư trung niên liến thoắng nói về khả năng phi thường của loài Bìm bịp, nào là người đi rừng khi phát hiện tổ chim Bìm bịp, lén bẻ gãy chân chim con, chim bố mẹ về thấy thế mới đi kiếm về loại lá thuốc gì đó, bó cho chim con, chẳng mấy chốc chim con lành lặn đi lại bay nhảy như thường. Người đi rừng theo dõi chim bố mẹ nên biết được loại lá thuốc thần kỳ đó, mới hái về, ngâm chung với chính chim Bìm bịp, thành thứ rượu xoa bóp hiệu con Bìm bịp... xoa đâu cũng khỏi mà họ đang bán. Thật là diệu kỳ.

 Hôm cùng mấy bạn Saigon làm một chuyến đi chơi cuối tuần về miệt vườn ĐT, CL, ngày đầu tiên được hãng du lịch "Caonguyenbui" dắt đi du lịch... bụi ở Gáo Giồng, tôi đã may mắn được ngắm nhìn tận mắt một chú chim Bìm bịp, và chộp được mấy tấm hình chú chim này, chú chim có đôi cánh màu vàng nâu trên thân đen tuyền. Nếu đôi cánh của Bìm bịp cũng màu đen chắc trông chú giống con quạ. Kể ra thì chim Bìm bịp, với gánh Sơn đông mãi võ thuở nhỏ, với tôi là đáng yêu lắm...

--> Read more..

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Miệt vườn... những chiếc cầu.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Đến miệt vườn mà không vô vườn được là một thiếu sót lớn, thời may đã có những người bạn Thổ công thổ địa ĐT giải quyết cho việc này. Những người bạn rất hiếu khách, hào sảng, luôn mang trong người dòng máu "Tứ hải giai huynh đệ" của người miệt vườn vùng miền quê Nam bộ, đứng đầu là cô bạn năng nổ nhiệt tình Caonguyenbui, chỉ cần báo ngày giờ về chơi là cô bạn đã lo cho việc ở, báo muốn đi đâu là sắp xếp giờ giấc. Ngày đầu tiên ở ĐT buổi chiều cô bạn Caonguyen làm hướng dẫn viên du lịch dắt đi Gáo Giồng, cách TP CL mấy chục cây số, nơi này xe 16 chỗ ngồi còn đến được, tuy đường vào khá chật hẹp, nhưng khung cảnh 2 bên đường rất Nam bộ.

Vào Gáo Giồng chủ yếu là để ngắm rừng tràm và chim, cò các loại, hình ảnh chim cò tôi chụp trong chuyến đi này chủ yếu là ở Gáo Giồng. Khá tiếc là rừng tràm nghe nói trước đây rất đẹp, những con kênh nằm giữa những gốc tràm phía trên tán lá xum xuê rợp bóng mát, nay đã bị phát quang mất một bên. Mấy món ăn cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, lẩu cá rô, cá lòng tong kho tiêu, cơm gạo huyết rồng nấu hạt sen.... là được thưởng thức ở đây, bạn Caonguyen nói ở mấy nơi du lịch này đưa cổ cho người ta chém, nhưng cái đắt đỏ ở miệt vườn thật chẳng thấm tháp gì với cái bình thường ở Saigon, các bạn ở những thành phố khác đến ĐT yên tâm về vấn đề này.

Tôi đi 2 ngày ở ĐT mà hình như chẳng thấy dân du lịch, cả người mình lẫn người ngoại quốc, kể cả du lịch bụi, không biết tại sao thế? Trong khi khung cảnh thiên nhiên rất đẹp, có nhiều nơi để đến, một chuyến du lịch khoảng 3 ngày là vừa tầm. Có lẽ người dân ĐT hiền lành quá không biết "làm du lịch", mà ngẫm nghĩ vậy mà may, TP CL nói riêng và tỉnh ĐT nói chung nhờ không có du lịch nên vẫn giữ được nhiều dáng vẻ hoang sơ của một miền quê Nam bộ, môi trường chưa bị tàn phá, người dân bản địa chưa bị cách kiếm tiền làm hư hỏng (nơi nào khách du lịch nhiều là tha hồ thấy... rác, dịch vụ chặt chém, lừa đảo...).

Trở lại chuyện đám du lịch bụi Saigon muốn đi thăm một miệt vườn đúng nghĩa, thế là cô nàng Caonguyen huy động thêm những bạn bè thân quen sáng hôm sau đưa đám ham vui qua một cái cồn nằm giữa sông Tiền, bởi xe hơi không đến được (tôi chẳng còn nhớ tên nơi này, già lú lẫn thiệt). Thế là có thêm chị Banglangtim, và một anh bạn ở Hội văn học nghệ thuật TP CL lấy xe gắn máy chở đi, trước khi qua cồn đi xem những vườn tược, các bạn đã cẩn thận điện báo cho một anh bạn nhà bên đó làm hướng dẫn viên. Khung cảnh thiên nhiên rất trong lành, cảnh tuyệt đẹp, sông nước, những vườn cây trĩu quả, tôi mê nhất là những cây cầu gỗ đơn sơ bắc qua những dòng kênh, một con rạch hay con mương, hay chỉ là vài bậc thang gỗ bắc xuống dòng kênh, và mọi sinh hoạt như tắm giặt, neo thuyền... là ở chiêc cầu gỗ này.

Nói là thích nhưng quả thật là khá sợ khi phải đi qua nhưng chiếc cầu gỗ này, có những chiếc cầu gỗ rộng khoảng 1m hai bên chẳng hề có tay vịn, vậy mà các thổ công vẫn lái xe gắn máy chạy qua vèo vèo, đáng nể. Những chiếc cầu gỗ khá... ọp ẹp, thường là long đinh, có vẻ như lúc nào cũng muốn... sụm xuống dòng nước, chưa kể các bạn nhìn thấy những chiếc cầu khỉ chênh vênh, dân địa phương gồng gánh đi qua thoăn thoắt, các bạn thổ công xúi tôi đi thử, cái này thì thật tình là không dám, nếu đi mình không chắc cũng thử một chuyến xem sao, có bỏ mạng cũng đáng (!), đàng này trên người máy móc tùm lum, lỡ có rớt xuống kênh chỉ tiếc cho mấy cái máy hình, hì hì!

Nhờ vậy mà còn có hình đem về khoe với bà con chớ...!

--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Miệt vườn... ẩm thực.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Đến miệt vườn mà không nhắc tới ẩm thực là một thiếu sót lớn, dân Saigon trước khi đi, đã tính là xuống đó phải ăn đủ thứ, từ các loại bánh trái dân dã, cho đến các món ăn no... Nhưng rồi thứ nhất là ham đi chơi quá, thứ nhì là chuyến đi chỉ gói gọn trong 2 ngày, nên cũng không "xực" được gì nhiều, chỉ ăn được mấy loại bánh trái, bắp đùm, trái bắp, hạt sen nướng..., sáng ra chợ CL ngồi xề xuống hàng ăn làm tô cháo đậu đỏ chan nước dừa, bùi bùi béo béo, ăn no mà giá chỉ có 3 ngàn đồng một tô, quá rẻ.

Còn món ăn no cũng kịp xơi được mấy món đặc sản, cơm gạo huyết rồng nấu với hạt sen gói trong lá sen ăn lạ miệng, cá lòng tong kho tiêu, lẩu cá rô, cá lóc nướng trui, đặc biệt không cuốn với bánh tráng mà cuốn với lá sen non... Có điều bây giờ khó kiếm được cá lóc, cá rô ruộng ngay cả khi về miệt vườn, nếu có được mấy con chắc xuất khẩu đi xứ... Saigon rồi.

Dân phương xa đến chỉ dám đụng đến đặc sản cỡ đó, còn những món đặc sản khác như chuột, rắn, rùa, cò... thì tình thật là không dám đụng đến. Sáng sớm ra chợ CL nhìn mấy cái lồng chuột lồng rắn là chết khiếp rồi, hì hì!

--> Read more..

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Miệt vườn...

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

Photobucket

 Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



(Post hình lên trước, viết cái gì đó sau)

Miệt vườn - Ấy là chữ của nhà văn Sơn Nam để chỉ miền Tây Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, với những ruộng lúa cò bay thẳng cánh, vườn tược , sông nước mênh mông, con người hiền hòa chân chất, trọng nghĩa khí... Những nhân vật nổi tiếng một thời về giàu có, ăn chơi, văn nghệ... như Công tử Bạc Liêu, hay giỏi về đờn ca như ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu)... Thật ra bây giờ miền Tây Nam bộ đã đổi khác nhiều, những thành phố dần thay cho những thị xã, nhà gạch xóa dần nhà lá, đường phố rộng rãi, khang trang.

Cuối tuần vừa qua tôi có được một chuyến "ăn theo" rất thú vị với các bạn ở Saigon, và ĐT. Phải công nhận là mình ham vui, ham chơi (đi chơi đó đây, hehe!), cho nên nghe các bạn bàn tính chuyện về quê là tôi hưởng ứng liền. Thoạt đầu mươi bạn rủ nhau về ĐT, CL, quê của một chị bạn ở Saigon, lại thêm cô bạn C. người "bổn xứ" cổ vũ nhiệt tình, đã định số người đi, ngày giờ nhưng rồi cuối cùng kẻ bận công tác, người mắc chuyện gia đình, cho nên gút lại chỉ còn có 3 mạng ham vui quá xá leo lên xe 16 chỗ trực chỉ miền Tây.

Phải nói thiệt, đây là một chuyến đi... đã đời, được ngắm đủ mọi thứ loài cò, chim... hưởng cái thú ngồi ghe chèo tay len lỏi qua đám lục bình, rừng tràm (tuy tràm có bị chặt, nghe nói không còn đẹp như ít hôm trước), được các "Thổ công" dắt đi sang bên cồn ngắm sông nước, cây trái (cả xực nữa). Và đây là điều quan trọng nhất để tôi muốn sẽ có dịp trở lại, là cái thân tình của những bạn bè ở CL, cô bạn C. quá đỗi nhiệt tình, cuối năm tuy rất bận rộn với công việc nhưng vẫn bỏ thời gian làm... hướng dẫn viên du lịch không công cho đám ham vui Saigon, chị B. cũng thế, hòa nhã, vui vẻ, anh V., chủ nhân một quán cafe sân vườn rất dễ thương, một nghệ sĩ thật sự, cùng mấy anh em khác nữa...

Những tấm hình bên trên tôi chụp ở chợ CL vào buổi sáng sớm, những người bán hàng hiếu khách, những món bánh trái dân gian, rổ rá thúng mủng tre, rắn, chuột, cả cái bội tre úp gà (gà nòi CL là đá chiến có tiếng), cà ràng ông táo đất, đặc biệt vẫn còn hình ảnh chiếc xe lôi đạp chở khách...

Tôi sẽ nhớ mãi những người bạn cùng chuyến đi này...

--> Read more..

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Con cò bay lả bay la...

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

Photobucket

Photobucket



Thuở bé, mẹ tôi hay ru anh em tôi bằng bài hát Cò lả: "Con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng...", câu hát của mẹ theo anh em tôi vào những giấc ngủ ấu thơ. Lớn lên đi học, hình ảnh con cò lặn lội bờ sông để chỉ người phụ nữ tảo tần, và tôi cũng thích hình ảnh con cò của truyền thuyết Tây phương cắp em bé trong chiếc nôi, bay đến thả vào nhà.

Lớn hơn chút nữa, mỗi khi có dịp đi chơi về những miền quê xa, tôi lại thích dõi mắt trông theo những cánh cò trắng phau. May mắn có vài người bạn cùng sở thích, thế là thu xếp vù về một vùng quê sông nước. Người dân Nam bộ hiền hòa, thật thà và chất phác, nhưng rất hiếu khách, những người khách phương xa đã được tiếp đón rất chân tình bởi bạn bè, những bạn C., bạn B., bạn V.... Và như các bạn đã thấy, tôi đã có rất nhiều hình ảnh về những cánh cò mơ mộng...

--> Read more..