PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Chợ Thiếc.



Nhân dịp lan man về từ ngữ, tôi chợt nhớ tới một từ chỉ địa danh ở quận 11 vùng Chợ Lớn TP. HCM, mà bây giờ người dân vẫn còn dùng, đó là tên Chợ Thiếc, một ngôi chợ khá lớn của khu vực, và chắc nhiều bạn ở Sài Gòn, nhất là ở khu quận 11, quận 5, quận 10 biết ngôi chợ Thiếc này.

Thuở nhỏ từ lúc cha mẹ vào Nam năm 1954 gia đình tôi đã "định cư" tại vùng này, gọi là Trường đua Phú Thọ, vì có trường đua ngựa do người Pháp lập vẫn còn đến ngày nay. Nhà tôi ở gần chợ Thiếc nên thỉnh thoảng lúc nhỏ vẫn được người lớn trong nhà dắt đi chợ Thiếc. Tôi còn nhớ lúc nhỏ xíu chợ chưa được xây bằng gạch như bây giờ, chỉ là những sạp, quầy che chắn tạm, bán đủ thứ rau cỏ như tất cả những chợ khác mà tôi biết, và người dân đã gọi chợ này là chợ Thiếc (Thiếc viết C phía sau chứ không phải T). Sau chợ được xây dựng lại bằng gạch khang trang (tôi không nhớ khoảng thời gian nào, chỉ nhớ trước năm 75), và thấy gắn biển chính thức là chợ Phó Cơ Điều, bởi ngôi chợ nằm trên con đường mang tên Phó Cơ Điều...

Cách nay khá lâu, trên mục hỏi đáp của một tờ báo (tôi không nhớ tên báo cũng như người trả lời, chỉ nhớ học vị người trả lời ghi là tiến sĩ, hay phó tiến sĩ gì đấy), có người hỏi về địa danh Chợ Thiếc, tôi thấy trả lời như vầy (đại ý): Tên đúng của chợ là chợ THIẾT (thiết có nghĩa là sắt thép, kim loại nói chung), vì xưa kia chợ này chuyên bán đồ dùng, bù lon, con ốc bằng kim loại... Đọc câu giải thích này tôi cảm thấy không thỏa đáng. Vì nhà ở gần chợ Thiếc nên tôi còn nhớ rõ, lúc chợ còn sơ khai chỉ là những lều sạp tạm, thì chợ chỉ bán nông thổ sản, bởi vùng này xưa kia lúc tôi còn nhỏ chưa có nhiều nhà cửa như sau này, vẫn còn hoang vắng và người dân còn vườn tược, trồng rau cỏ rất nhiều, sau chợ xây mới thì bán nhiều thứ, cũng vẫn là những mặt hàng dân dụng như thường thấy ở tất cả các chợ khác, không có gì đặc biệt, nếu nói hàng kim loại chỉ có những quày bán nữ trang bằng vàng bây giờ vẫn còn. Một địa danh khác gần kề ngay đó là Chợ Rẫy (bệnh viện Chợ Rẫy), có người giải thích xưa chỗ đó là rẫy (ruộng, rẫy), sau có ngôi chợ được lập trên vùng rẫy này, và sau cùng là chợ bị bỏ để lấy đất làm nên bệnh viện Chợ Rẫy...

Trở lại chuyện Chợ Thiếc, đó là ngôi chợ nằm gần ngã năm Ba Tháng Hai (xưa là đường Trần Quốc Toản) - Lê Đại Hành - Lãnh Binh Thăng - và Phó Cơ Điều, cách ngã năm này khoảng chừng 200m. Ở đoạn 200m, từ ngã năm cho đến chợ Thiếc xưa lúc tôi còn nhỏ thì hai bên đường toàn là những cửa hàng sản xuất và bán đồ dùng bằng thiếc (tôn, thiếc), chẳng hạn như ống, máng xối, máng heo ăn, vật dụng như thùng xách nước, thùng tưới rau có vòi như vòi sen ngày trước người trồng rau gánh bằng đòn gánh 2 thùng 2 bên để tưới những luống rau, những vật dụng này xưa hoàn toàn gò bằng tay chứ không dùng máy móc..., và những cửa hàng này tại sao một thời lại phát triển như vậy, chính là vùng đất này, ăn sang tận Tân Bình, Bình Chánh... xưa kia là vùng nông nghiệp, hồ ao ruộng vườn mênh mông, sau đô thị phát triển thay thế ruộng vườn. Và những vật dụng bằng thiếc này không còn phổ biến nữa nên những cửa hàng này dần biến mất. Như chúng ta đã biết câu "Buôn có bạn, bán có phường...", xưa kia, việc sản xuất, buôn bán thường tập trung ngành nghề vào một khu vực, Hà Nội có ba mươi sáu phố phường, mỗi phố chuyên sản xuất và bán một loại sản phẩm, các nơi khác có phường đúc chuyên về ngành đúc, phường dệt nhuộm, chuyên dệt vải, nhuộm... vân vân...

Và bạn nào trước đây có ở gần khu Chợ Thiếc hẳn sẽ nhớ, hai bên đường đoạn từ ngã năm dọc theo đường Trần Quốc Toản cũ (giờ là đường Ba Tháng Hai), đến ngã tư Ba Tháng Hai - Tôn Thất Hiệp dài khoảng 1 cây số, ngày xưa chuyên sản xuất và bán sản phẩm bằng mây, chủ yếu là bàn ghế, kệ mây..., bây giờ hàng mây ít người xài, nên chỉ còn lèo tèo vài nhà còn giữ nghề.

Cho nên đối với địa danh Chợ Thiếc, tôi cứ nghĩ từ Chợ Thiếc bắt nguồn từ con phố sản xuất đồ dùng bằng thiếc, vì chợ Thiếc ở sát cạnh ngay đấy, chứ không phải tên gọi sai của CHỢ THIẾT, ngôi chợ chuyên bán đồ dùng kim loại, đinh ốc bù lon... bằng sắt. Từ lúc tôi còn nhỏ xíu tới nay đã gần 60 năm, khi ngôi chợ mới hình thành còn lèo tèo trên vùng đầt sình lầy, chưa bao giờ tôi thấy chợ Thiếc chuyên bán những mặt hàng kim loại bù lon ốc vít...  Có lẽ về sau này có những ngôi chợ như chợ Nhật Tảo ở quận 10 gần đó chuyên bán linh kiện và hàng  điện tử, chợ hoa Hồ Thị Kỷ chuyên bán hoa cũng ở quận 10, hoặc chợ Kim Biên ở quận 5 chuyên bán hóa chất, nên người trả lời trên báo đã suy từ đó ra chăng?

Và đấy cũng chỉ là một ý nghĩ đơn giản của tôi thôi. Hì hì! Cuối tuần chúc cảc bạn thoải mái, vui vẻ...

46 nhận xét:

  1. Chợ Thiếc chứ không phải chợ Thiết.
    Từ bé, T đã biết đến cái chợ này rồi và cho dù kiến thức không tường tận để có thể giải thích nguồn gốc của chợ và cái tên của nó, nhưng chắc chắn một điều , nó là chợ Thiếc - một địa danh- chứ không phải chợ bán thiết .

    Trả lờiXóa
  2. E hóng hớt bàn luận chút về chữ "THIẾC" nhá.
    Hà Nội có phố Hàng Thiếc. Nó nối theo phố Hàng Sắt (giờ là phố Thuốc Bắc). Hiện nay nó vẫn bán các mặt hàng thùng nước, gáo, lò hóa vàng, khuôn bánh v.v... bằng tôn hoặc inox...
    Nhưng thiếc không phải là nguyên liệu để tạo ra các mặt hàng đó, nó là một chất để hàn gắn các chi tiết của sản phẩm (làm từ tôn) với nhau.
    Ngày xưa, người ta vẫn hàn rất thủ công. Ví dụ làm một cái gầu múc nước, họ cắt một miếng tôn hình tròn, một miếng hình chữ nhật có chiều dài bằng chu vi hình tròn đó. Sau đó họ ghép hai phần với nhau bằng một thanh thiếc nấu chảy trên lò than đá.
    E còn nhớ rất rõ, trước khi hàn, họ bôi một chút axít lên mối hàn, sau đó lấy mỏ hàn (trông giống như cái búa) đã được nung trên lò than quệt thiếc vào đó từ thanh thiếc màu trắng bạc. Thiếc chảy ra thành đám nhỏ như thủy ngân. Khi thiếc nguội, mối hàn đã xong. (E đã hàn thử một lần, mối hàn của em trông như cái mụn vỡ ấy).
    Cái thùng nước mà thủng, lại đem ra ông thợ thiếc hàn lại.
    Ấy là em biết vậy về chữ thiếc. Còn Chợ Thiếc tận Nam bộ có liên quan gì không thì e nghĩ có lẽ cũng liên quan tí ti ạ. Phải không anh?

    Trả lờiXóa
  3. @ngocthuan, vậy bạn cũng biết chợ Thiếc, tôi cũng luôn nghĩ tên gọi của nó là Thiếc, bởi xưa nay người dân vẫn gọi như thế rồi, hì hì!

    Trả lờiXóa
  4. @hanggraphic, hoàn toàn nhất trí với H. về chuyện hàn thiếc của người Bắc, xưa tôi còn nhỏ trong xóm cũng hay thấy một ông đạp cái xe đạp cà tàng đi hàn nồi hàn xoong, với cách thức in hệt như cách H. diễn tả. Cái mỏ hàn của họ là một cục sắt ở đầu hơi dẹt dẹt đúng là trông như cái búa (rìu) nhỏ, được gắn vào một tay cầm bằng sắt, mỏ hàn phải nung bằng than, trong Nam không phổ biến than đá nên nung than củi, và tôi cũng nghe người lớn trong nhà gọi là hàn thiếc, tên gọi hàn thiếc này xuất xứ ở miền Bắc chắc là vì nguyên liệu để hàn dính sắt, tôn... lại với nhau là cục thiếc màu trắng bạc, và phải bôi thêm chút acid là để làm sạch bề mặt chỗ muốn hàn thì mối hàn mới chắc.
    Nhưng ở miền Nam từ thiếc lại được gọi cho những đồ dùng làm bằng sắt tây, tôn... chẳng hạn như "thùng thiếc", chính là cái thùng bằng tôn đáy hình tròn dùng để gánh nước, hoặc hồi còn hay xài dầu lửa (dầu hôi), thì thùng thiếc cũng được gọi cho loại thùng hình hộp đáy vuông dung tích khoảng 20 lít đựng dầu lửa. Mấy cái hộp sắt tây vuông, tròn đựng bánh kẹo trong Nam cũng gọi là hộp thiếc.
    Và dĩ nhiên ở những cửa hàng bán thùng thiếc xưa ở khu vực chợ Thiếc quận 11, người ta vẫn dùng cách hàn thiếc như H. vừa kể để hàn tôn, sắt tây thành thùng thiếc thôi.

    Trả lờiXóa
  5. @hanggraphic, quên, lâu quá tôi mới lại được nghe lại những từ miền Bắc, chẳng hạn như hàn thiếc, cái gầu múc nước, cái thùng nước thủng. Xưa ở quận 11 nhà tôi cũng có một cái giếng và múc bằng cái gầu, cũng làm bằng tôn tựa như thùng để gánh nước, nhưng nhỏ, nối bằng một sợi dây thừng. Hình như trong Nam không dùng từ gầu, còn từ thủng thì người miền Nam gọi là lủng. Nước mình từ ngữ phong phú thiệt.

    Trả lờiXóa
  6. Lại gặp một từ rất cũ đó là từ "sắt tây". Giờ nói trẻ con nó không hiểu sắt tây sắt ta là gì đâu.
    :)

    Trả lờiXóa
  7. @hanggraphic, xưa nghe bố mẹ hay gọi sắt tây, chắc tại tây qua VN mới có loại sắt tấm phẳng này, cũng như cái đèn dầu lớn, nhỏ thắp bằng dầu hôi mà bây giờ loại đèn nhỏ hay thấy ở chùa thắp trên các bàn thờ, tôi còn nhớ trong nhà xưa người lớn gọi là đèn Hoa Kỳ, không hiểu sao, có liên quan gì đến người Mỹ hay nước Mỹ không? Hay tại thời điểm người Mỹ bắt đầu sang VN mới có loại đèn này. Hình như người miền nam kêu cái đèn nhỏ thắp dầu hôi ấy là đèn hột vịt, chắc hình dạng giống giống cái trứng vịt để đứng.

    Trả lờiXóa
  8. Dạ, từ khi Tây sang đem theo nhiều từ mới: dầu tây, sắt tây, quần tây...
    Còn đèn dầu còn gọi là đèn Hoa Kì chắc chắn là xuất xứ từ Mĩ rồi.
    Thời Pháp thuộc, có một công ty của Mĩ gì đó bán dầu hỏa ở Khâm Thiên. Ai mua dầu được tặng cho một cái đèn. Thế là có tên đèn Hoa Kì.
    Đèn Hoa kì làm bằng sắt tây ạ.
    Hìhì, e thấy em đang tranh thủ phe phang kiến thức Hà Lội học của mình.

    Trả lờiXóa
  9. @hanggraphic, đúng là lâu mới nghe dầu tây (dầu hôi), quần tây, nghe bạn nhắc tôi mới sực nhớ cái đèn Hoa Kỳ thoạt đầu cái thân làm bằng sắt tây, chứ không phải bằng thủy tinh như sau này. Vậy đèn Hoa Kỳ là xuất xứ ở miền Bắc thời Tây, chứ không dính dáng gì đến người Mỹ vào miền Nam. Haha, rất hay, được nghe người Hà Nội nói chuyện rất thú vị.

    Trả lờiXóa
  10. Hì hì, em sinh sau đẻ muộn, nói bạo miệng vậy chứ không dám chắc chắn đúng đâu ạ. :)

    Trả lờiXóa
  11. @hanggraphic, mà vụ cái đèn Hoa Kỳ chắc là đúng rồi, bởi từ rất nhỏ khoảng giữa thập niên 50 của thế kỷ trước lúc bắt đầu biết suy nghĩ, tôi đã nghe các cụ trong nhà gọi là đèn Hoa Kỳ, thời ấy người Mỹ chưa vào miền Nam, thì hẳn là từ ấy các cụ phải đem từ miền Bắc vào, cũng như những từ hàn thiếc, sắt tây... qua trao đổi với bạn bè mới vỡ ra nhiều thứ, đúng là người xưa nói "học thày không tày học bạn"

    Trả lờiXóa
  12. Hà Nội 36 phố phường đặt tên theo ngành nghề xưa sản xuất, kinh doanh trên phố đó. Nghe bác Hiệp và Hằng trao đổi tranh luận vui thật, nhưng đèn Hoa Kỳ thì chắc chắn tên của nó không phải như H giải thích rồi, còn tại sao lại có tên là đèn Hoa Kỳ thì có khi em phải tìm hiểu thêm.

    Trả lờiXóa
  13. @nguyenthuthuy, lại một thông tin rất thú vị nữa, để xem TT tìm ra sao với cái đèn Hoa Kỳ.

    Trả lờiXóa
  14. Đánh cuộc với Thủy nhé, nếu GR đúng thì lại đến Nhà Hát Lớn và đãi GR bánh nhé.

    Trả lờiXóa
  15. @nguyenthuthuy, @hanggraphic, ha, tôi mới tìm trên mạng thấy thông tin này tại Wikipedia: đèn dầu, đèn Hoa Kỳ, là do hãng Shell (con sò) của Mỹ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mang sang VN tặng, khi bán dầu lửa. Một thông tin khác thì nói rằng là do hãng Caltex (nếu tôi nhớ không lầm biểu tượng của hãng này xưa là con ngựa bay có cánh, sau đổi thành hình ngôi sao), nội dung cũng như chuyện hãng Shell. Mà đúng 2 hãng này là 2 hãng dầu của Mỹ vào VN sớm nhất. Có lẽ Hằng thắng cuộc rồi. Hiii!

    Trả lờiXóa
  16. Cuoi tuan di cho Thiec choi di moi nguoi ....

    Trả lờiXóa
  17. @hanggraphic, tiếc là không ở HN, nếu không đã được ké ăn bánh rồi, hehe!

    Trả lờiXóa
  18. @phuongvu, cuối tuần phuongvu tính đi chợ Thiếc mua bù lon đinh ốc... heheheheeee!

    Trả lờiXóa
  19. Tôi nghĩ anh Hiệp thử gởi bài góp ý của mình cho tờ báo hay tạp chí đó thử xem, nếu như hôm nào anh lục lại và tìm được. Thật khó chịu khi một địa danh đã đi vào lòng người, gắn với lịch sử văn hóa bản địa mà lại bị "tráo tên" như thế!

    Thỉnh thoảng anh Hiệp lại có một entry lan man về từ ngữ, đọc thấy anh luôn băn khoăn ngẫm ngợi không ít chuyện "cười hổng nổi".

    Trả lờiXóa
  20. A, từ "gầu múc nước", Zip có thời gian sống ở miền Tây thì cũng nghe bà con gọi là cái gầu anh ạ, để múc nước giếng ấy mà.

    Trả lờiXóa
  21. @zipposgvn, tôi đọc lâu rồi và cũng quên mất là báo gì (có lẽ là một loại tạp chí không có tiếng gì mấy) và tên người trả lời, mấy loại báo như thế thì bây giờ nhiều và có quá nhiều bài viết tầm xàm như thế bạn ạ. Có lẽ người bắt đầu "có tuổi" thì hay để ý ba cái chuyện vớ vẩn như thế thôi.
    Vậy từ gầu người miền Nam cũng có dùng đấy chứ.

    Trả lờiXóa
  22. Mượn câu chuỵện để anh em có để tài đàm luận vui vẻ thôi. Chớ nhặt sạn trên báo chí thì oải tay lắm ạ.
    Chỗ nọ em thấy ng ta lén gọi một bà là "bà Mồm gầu". Mụ ấy chuyên xúc xiểm, ăn nói chả coi ai ra gì, toàn lời độc địa. Chữ "gầu" dùng tệ thế đấy.

    Trả lờiXóa
  23. http://chimviet.free.fr/35/nddg100.htm

    Đây là đường link một trang web trên mạng rất có căn cứ về nguồn gốc của tên đèn Hoa Kỳ trong đó có đoạn:

    3) Trong phần giới thiệu nghề khảm sà cừ ( Les Incrusteurs), Oger kết luận (dịch) :

    - Hai trung tâm chính của nghề khảm sà cừ là Hanoi và Nam-Dinh. Các ông chủ của nghề này đều giàu sụ. Người làm ăn giỏi và khéo nhất là Hoa-Ky, ở phố Jules Ferry. Ông là người thông minh, đã biết tìm cách cải tiến một nghề truyền thống của dân tộc An Nam. (Henri Oger, Introduction générale à l'étude de la technique du peuple Annamite, Geuthner, tr. 28).

    Ba cái tên Việt Nam không được đánh dấu. Hanoi là Hà Nội, Nam-Dinh là Nam Định. Hoa-Ky có nhiều khả năng là Hoa-Kỳ. Nếu đúng như vậy thì Hoa Kỳ là tên người hoặc tên một cửa hiệu nổi tiếng của Hà Nội chứ không phải là nước Mỹ.

    Kết hợp các đoạn viết của Dumoutier và Oger, kèm thêm tranh minh hoạ, chúng ta rút ra được vài kết luận :

    - Đầu thế kỉ 20 thợ Việt Nam đã làm được đèn sắt tây, thắp bằng dầu tây. Sắt và dầu là của Pháp.

    - Hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) làm đồ khảm sà cừ và bán đèn sắt tây. Dân Hà Nội gọi đèn của hiệu Hoa Kỳ là đèn Hoa Kỳ.

    - Hãng dầu của Pháp (đầu thế kỉ 20) và của Mỹ (khoảng 1930) mua đèn Hoa Kỳ tặng khách hàng mua dầu. Thương hiệu Hoa Kỳ bị hiểu lầm thành tên gọi nước Mỹ.

    Rốt cuộc, đèn Hoa Kỳ là đèn Việt Nam, làm bằng sắt Pháp, được hãng dầu Mỹ mua tặng khách hàng Hà Nội. Lí lịch rất... trong sáng !

    Từ nay trẻ con trong Nam ngoài Bắc có thể rủ cả người lớn cùng rước đèn, ca hát líu lo :
    Cái gì be bé xinh xinh
    Nhờ tay thợ khéo xe tình chúng ta?
    Điếu reo, khói toả... Thế mà
    Mơ màng chàng ngỡ em là... Cờ hoa !

    @Graph: H ơi, thua hay thắng mình cũng sẵn lòng đãi bạn món bánh ngon ấy, hìhì

    Trả lờiXóa
  24. Mời đọc phần này của bài viết do nhà sử học Dương Trung Quốc đăng trên báo Lao động nhé. http://www.laodong.com.vn/Home/Tu-chiec-den-dau-den-cong-nghe-cao/200610/8664.laodong
    "...
    Nếu dừng lại ở đây, thì nghĩ ngợi cuối tuần này chỉ là một bài tường thuật thông tấn. Nhưng ngay sau khi bà cựu Bộ trưởng phát biểu, tôi phải rời khỏi cuộc lễ để nhảy xe ôm kịp đến một địa điểm cách đó không xa để thuyết trình về đề tài "Một vài nét về quan hệ Việt-Mỹ trong lịch sử". Cử toạ là Hội Những người yêu Di sản Việt Nam, tập hợp nhiều người nước ngoài.

    Để giải thích sự tất bật của mình, tôi kể rằng vừa ở nơi ký kết một dự án về phát triển công nghệ cao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong khi thuyết trình đề tài trên, tôi rút trong túi xách của mình một vật kỷ niệm nhỏ tôi "sưu tầm" được trong một chuyến đi công tác tại Hoa Kỳ.

    Đó là một cái đèn dầu hoả, làm bằng thuỷ tinh với bóng đèn thông phong hình dáng hệt như những sản phẩm do các hợp tác xã thuỷ tinh ở nước ta "thổi". Tôi thấy cái đèn này khi được một hãng dầu khí Hoa Kỳ đang làm ăn ở Việt Nam (Conoco Philips) đưa đi chiêu đãi ở một quán đặc sản các món ăn chế biến từ thịt bò ở thành phố Houston bang Texas cách đây vài năm.

    Để gây ấn tượng, trên mỗi bàn ăn thắp chiếc đèn dầu như nó vốn có từ xưa. Sau bữa ăn, tôi và một thành viên trong đoàn cùng tuổi Hợi, xin được mua món kỷ niệm này với một giá cắt cổ so với túi tiền của mình, gần 80USD tính cả thuế. Nhưng nhờ có cái hiện vật ấy các buổi trình bày về lịch sử quan hệ Việt - Mỹ trở nên sống động hơn khi tôi nâng cấp cho cái đèn dầu trở thành "logo" biểu tượng cho quan hệ Việt - Mỹ.

    Tôi lập luận rằng ở những thế kỷ xa xưa, người Việt quen thắp sáng bằng các loại đèn sử dụng dầu động hay thực vật, không được sáng lắm và rất nhiều muội đèn lại hay bị tắt trước gió. Thế rồi, xuất hiện những thương nhân đến chào hàng một thứ nhiên liệu hoàn toàn mới khai từ mỏ lên, có mùi hăng hăng nhưng thắp lên rất sáng.

    Và để khách hàng làm quen với sản phẩm của mình, người bán dầu tặng cho khách hàng những chiếc đèn chuyên sử dụng loại chất đốt này. Từ đó, đèn dầu trở thành phổ biến và tồn tại cho đến nay. Chắc hẳn dầu đó được các công ty Hoa Kỳ khai thác, cũng có thể từ vùng mỏ Texas hay ở đâu đó... nhưng cái đèn dầu được người Việt Nam đặt tên là "đèn Hoa Kỳ".

    Cho đến bây giờ khi người ta đã phổ biến dùng điện để thắp sáng, những chiếc đèn dầu có thể được sản xuất ở Việt Nam hay nhiều nơi khác, thì người Việt vẫn gọi đó là "đèn Hoa Kỳ". Một sự trao đổi mang lại ánh sáng tiện dụng và những lợi ích thương mại cho cả hai bên thì chẳng phải là biểu tượng tốt đẹp giữa hai quốc gia, hai dân tộc hay sao! Còn chiến tranh dù khốc liệt đến mấy cũng chỉ là những khoảnh khắc và nhũng bài học của lịch sử mà thôi.

    Tôi đã nói điều này với nhiều người, trong đó có người Mỹ thì thấy họ đều tán đồng và tỏ ra thích thú. Thói nghĩ ngợi của một người làm sử càng thấy được sự đổi thay của đất nước, đặc biệt là cuộc hội nhập lớn lao mà chúng ta đang dấn bước từ cây đèn dầu đến công nghệ cao... không riêng gì với Hoa Kỳ."

    Trả lờiXóa
  25. Thôi ai làm ra cái đèn cũng được, chả quan trọng bằng món bánh rất ngon của một nhà hàng duy nhất sử dụng đèn dầu thắp sáng trên bàn ăn. Đó là cái nơi mà chúng ta vừa đến chiều qua đó.

    Trả lờiXóa
  26. Hom nay Cho Thiec soi dong qua ...cuoi tuan nhon nhip hehehhehe...vay ma em doi di cho T . choi anh con choc em nua chu hehehhehe

    Trả lờiXóa
  27. @nguyenthuthuy, @hanggraphic, hehehe, quá hay, không ngờ từ một cái chợ vô danh tiểu tốt chẳng có gì là đặc biệt chỉ vì có dính dáng chút đến tuổi thơ của tôi, lại được 2 bạn nữ ở HN cho biết thêm những thông tin về một thứ đèn dầu bao nhiêu năm dân ta vẫn xài.
    Theo tôi thì những tên gọi kiểu này (đèn Hoa Kỳ chẳng hạn) khó mà có tài liệu xác minh chính xác trăm phần trăm được. Thông tin của TT đưa ra rất hay, và của H cũng rất tuyệt, và ta có thể kết lại như thế này, cây đèn mà ta xài xưa nay đốt bằng dầu hỏa, hay còn gọi bằng dầu lửa, dầu tây, dầu hôi (bởi mùi của nó hăng hăng dân ta cho là hôi), đích thị có xuất xứ từ xứ Cờ Hoa (Hoa Kỳ), bởi nước Mỹ cũng là nước có nhiều dầu mỏ và họ đã khai thác rất sớm cách nay mấy trăm năm từ hồi lập quốc, chúng ta có thể biết qua những bộ phim Cao Bồi Mỹ, di dân lúc ấy chuyên đi đãi vàng, và khai thác vàng đen (dầu mỏ)...
    Nhưng có một chi tiết này khiến tôi nghiêng về thông tin của H hơn, bởi cửa hiệu Hoa-Ky có lẽ chỉ bán cây đèn bằng sắt tây sau khi các hãng dầu của Mỹ (Shell, Caltex) mang dầu vào nước ta. Vào thời đó dầu hỏa chắc chủ yếu chỉ để thắp sáng (sau này mới có bếp đun bằng dầu hỏa), nên muốn bán được dầu họ phải mang sang thêm cây đèn dầu (trước khi họ mang dầu sang chắc nước ta làm gì có đèn dầu), và tư bản trong buôn bán họ nhanh nhạy lắm, không gì bằng biếu không cây đèn, sau đó tha hồ bán dầu. Những cây đèn dầu đầu tiên ấy hẳn là Made in USA, rồi sau này ở xứ mình mới bắt chước sản xuất (vụ này thì mình giỏi lắm), và cửa hiệu Hoa-Ky là một nơi làm và bán đèn Hoa Kỳ, hoặc giả về sau hãng dầu của Mỹ nhận thấy dầu thì chắc chắn phải mang từ Mỹ sang rồi, nhưng đèn thì cồng kềnh nhiêu khê quá, chi bằng sản xuất ngay tại VN đem tặng đỡ chi phí hơn, và nhà Hoa-Ky khéo tay đã được chọn?
    Gì thì gì, tớ mà có ở HN là mời 2 bà chị đi nhà hát lớn xơi bánh liền, hì hì!

    Trả lờiXóa
  28. @phuongvu, hehe, chợ Thiếc vui thật, qua bạn bè biết được những thông tin quá hay.

    Trả lờiXóa
  29. E rất vui lòng thay mặt Diễn đàn Đèn dầu nhận lời mời . Tụi em xơi bánh xong sẽ gửi hóa đơn vào nhá? :)

    Trả lờiXóa
  30. @hanggraphic, hehe, dịp nào đó mà được ra Bắc, hay tiếp các bạn ở Sè Gòn phải cà phê bù thôi.

    Trả lờiXóa
  31. @hanggraphic, @nguyenthuthuy, nhân chuyện "Diễn đàn đèn dầu" này, tôi muốn "tán dóc" thêm chuyện đốt đèn dầu xưa ở xứ mình. Xưa ông bà mình dùng dầu thực vật, dầu phọng (dầu lạc), dầu dừa, hoặc dầu động vật (mỡ cá...) để làm nhiên liệu đốt soi sáng, và cái đèn đơn giản chỉ là cái đĩa nhỏ bằng đất nung hay gốm đổ dầu vào, cùng một cái bấc (tim đèn) thắp sáng. Dân Á đông mình theo Nho học nên thủ cựu, trải qua cả ngàn năm vẫn đốt đèn như thế, mặc cho muội khói, khó điều chỉnh độ sáng, cho đến khi có cái đèn dầu Hoa Kỳ, vừa tiện lợi, sạch sẽ, muốn ngọn lửa to nhỏ vặn tha hồ, thật là tân kỳ. Nhưng cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn thấy tục đốt đèn dầu phọng hay dầu dừa bằng đĩa có cái bấc y như cách xưa, ấy là trong việc ma chay của người trong Nam (không rõ miền Bắc có không?). Người ta hay để một cái đèn như thế dưới đầt, dưới quan tài của người chết, và thắp suốt thời gian quàn quan tài (ở nhà hay ở nơi tang lễ chung). Không rõ ý nghĩa của tục này.
    Ngoài ra còn một tục khác liên quan, là khi động quan, người nhà đập vỡ một cái siêu bằng sành (siêu sắc thuốc bắc) nghe đánh "bốp". Có người nói là để hồn người chết khi nghe tiếng động giật mình đi theo quan tài, cũng có người nói đập cái siêu là để cho linh hồn được siêu thoát.
    Lan man mà chơi.

    Trả lờiXóa
  32. Chợ Thiếc bi giờ người ta bán vàng nhiều lắm đó, không thua chợ Vườn Chuối :)

    Trả lờiXóa
  33. E thấy một ngôi chùa ở HN (phái Mật Tông) họ lập đàn cúng cần tới 9 cây đèn. Người ta dùng loại đèn anh nói đó. Đốt bằng dầu ăn hiệu "Nép tuyn" hẳn hoi. Đèn bằng đồng. Có một cái ống nhỏ chắc gọi là tim đèn, lồng sợi bấc qua và đốt suốt ngày đêm. Trông rất chi là "Tầu", không "Hoa Kì" chút nào.
    Còn chuyện động quan ngày xưa họ đốt pháo, giờ ngoài này hình như chả làm gì từ khi cấm đốt.

    Trả lờiXóa
  34. Hehe, Thủy thua rồi nha.
    Mình vừa hỏi Mama, bà bảo: ngày xưa hồi bà còn nhỏ đèn dầu là một dụng cụ dùng trong gia đình rất thông dụng và bình dân. Nó được bày trên quầy hàng bán bát đĩa ở chợ. Câu thành ngữ "Hàng bấc thì qua, hàng quà thì nhớ" là nói về hàng đó đó. Bấc được bán chung với đèn. Ngoài ra, nó còn rong ruổi theo quang gánh đi khắp phố phường. Trên mẹt hàng có đủ các lọai đèn to nhỏ, thong phong lớn bé dài tròn khác nhau... Bà nói thêm: Phố Hàng Trống không có cửa hàng nào bán đèn dầu hết Thủy nhá.
    Sốt ruột vì món bánh quá.

    Trả lờiXóa
  35. @comieng, đúng rồi đó, chợ Thiếc khoảng trước năm 75 đã thấy bán vàng rồi, bây giờ bán còn nhiều hơn. À, cô Mây ở gần chợ Vườn Chuối mà, hì hì!

    Trả lờiXóa
  36. @hanggraphic, hình như trong miền Nam này còn giữ được một số tục lệ xưa trong việc ma chay, cưới hỏi. Lan man vậy mà té ra nhiều chuyện vui nhỉ.

    Trả lờiXóa
  37. Hìhì, thua mà biết thêm được nhiều kiến thức thế này thì hay thật. Cám ơn Bác Hiệp và Hằng nhé!

    Trả lờiXóa
  38. Cái entry này hay và đắt coment ghê nơi, mà cái comment nào cũng hay hết, đọc một hơi thấy đúng là em dở ẹt và ít có kiến thức về những chuyện này, chỉ nhớ hồi đi làm hay vào chợ Thiếc ăn hàng thôi hà.
    Chỉ có chuyện cái chợ Thiếc mà lan sang nhiều vấn đề hay ghê luôn.

    Trả lờiXóa
  39. @lanvuive, ghé ăn hàng là... nhất xứ rồi còn gì, kekekekeee!

    Trả lờiXóa
  40. @ Lan: GR cũng dở hơn cả ẹt. Nếu không đọc bài của bác Hiệp thì vẫn tưởng đèn cầy liên quan gì tới con chó. :). Mỗi diễn đàn Đèn dầu tham gia sôi nổi thôi. Các đề tài khác GR ... mất điện. Tắt ngúm. :)

    Trả lờiXóa
  41. cho thiec nay ngay xua nguoi tau buon ban nhieu vi xom tau o do nhieu o ban banh u tau co hot vit muoi ben trong va lap xuong nua voi thit mo va dau xanh rat ngon va noi tieng la banh to moi khi tet den khong co tet cung co nhung khong co nhieu .O cho nay noi tieng nhat la hai mon thuc an do . Con nhung thung thiec do tuoi cay ho ban la tai vi di qua truong dua phu tho chay len nua la khu dam sen bay gio ngay xua cho do la ruong ray nguoi ta trong rau nhieu lam de ban cho cac cho cho nen cho nay nguoi tau ho biet cach lam an ho mo nhung cua hang buon ban nhunbg dzung cu lam ray tai day de nguoi dzan lam ruong ray tien loi den mua ban va hang ho lam rat chat luong ben nen cung duoc noi tieng tai cho nay . Cai nay bao dam biet ro vi nha ba noi ngay cu xa le dai hanh va dzan ruong ray thi ngay xua co nguoi di ( duoc goi la di hai que ) o dam sen chuyen ve nghe nay nen duoc biet la nhu vay :)con may chuyen khac khong ro khong dzam ban :)

    Trả lờiXóa
  42. @chieukim, chà, hồi nhỏ tôi cũng ở mấy chục năm ở khu cư xá Lê Đại Hành đấy.

    Trả lờiXóa
  43. Sao tôi muốn tìm hiểu về chợ thiếc mà nó là chuyển đề tài sang đèn từ bao giờ nhỉ.. Đúng là tam sao thất bản.

    Trả lờiXóa