PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Luân hồi.

Photobucket



"Lang thang từ độ luân hồi

Vô minh nẻo trước xa xôi dặm về..."

Vũ Hoàng Chương.



Luân hồi, thường được hiểu theo thuật ngữ nhà Phật, nôm na giải nghĩa từng chữ thì Luân là cái bánh xe, Hồi là quay trở lại, Luân hồi, tiếng Phạn gọi là Samsàra được hiểu là sự chuyển tiếp của những kiếp sống. Trong Phật giáo được biểu thị bằng cái bánh xe (Cakka), trông tựa như cái bánh lái của tàu buồm ngày trước, và được gọi là Bánh xe luân hồi (Samsàra Cakka).

Một sinh vật sau khi chết, thân xác sẽ tan rã, nhưng thần thức sẽ tiếp tục đi vào một đời sống mới trong sáu cõi, đó là: Trời - Người - Atula (theo giải thích trong kinh sách nhà Phật Atula là một thứ quỷ thần chuyên đi "quậy phá" các đấng Phạm Thiên) - Địa ngục - Ngạ quỷ - Súc sanh. Và tùy theo "nghiệp" mà sẽ vào một trong sáu cõi trên.

Đại khái là như vậy, ở nhà tôi có một mớ kinh sách, Cựu ước, Tân Ước bên Thiên Chúa Giáo, kinh Dược sư, Nhật tụng, Pháp hoa, Bát nhã... bên Phật giáo. Thỉnh thoảng rảnh quá không biết làm gì tôi lấy ra đọc, và càng đọc càng... mù mịt. Những kinh sách này nằm trong hệ thống triết học của tôn giáo. Tôi còn nhớ một câu chuyện thiền giữa 2 chú tiểu. Có 2 chú tiểu theo học một lớp triết học, sau một thời gian một chú đến lớp học rất hớn hở, còn chú kia thì rất rầu rĩ vì chẳng hiểu gì cả. Chú học rầu rĩ bèn hỏi chú hớn hở "này huynh có bí quyết gì không mà sao học thấy dễ dàng quá, đệ đây học mãi chẳng hiểu". Chú kia trả lời "ồ triết học có gì khó đâu, đó chỉ là một hệ thống những ngôn từ, chữ nghĩa rối rắm giải thích những điều rất đơn giản đó mà"...

Quả thật tôi đọc những kinh sách nhất là kinh sách Phật giáo chẳng hiểu được mấy chữ, nào là ngũ uẩn, lục thức, giai không, luân hồi, nhân quả, duyên, nhân duyên, nghiệp, nghiệp thức, nghiệp báo, ngã, sát na, súc sanh, ngạ quỷ... ôi thôi lung tung, điên cái đầu...

Mà không phải chỉ Phật giáo mới có luân hồi, bên Thiên Chúa giáo cũng có. Kinh Tin kính đã nói rõ "tôi tin xác loài người ngày sau sống lại...", và tùy theo lúc còn sống con người đó làm điều lành hay điều dữ mà khi chết đến ngày tận thế sẽ bị Chúa trời phán xét, mà cho vào địa ngục hay thiên đường...

Tôn giáo là niềm tin, dĩ nhiên ai theo tôn giáo nào sẽ tin theo giáo lý của tôn giáo đó, không có khái niệm đúng hay sai, có lý hay vô lý. Tôn giáo nào cũng có cái hay của nó, nhưng riêng tôi trong chuyện luân hồi thì tôi nghĩ thế này, luân hồi chính là sự chuyển tiếp (vòng đời) của muôn loài (động vật và thực vật), chẳng hạn hình ảnh tôi chụp bên trên, cây sẽ ra hoa, hoa tàn sẽ kết thành quả, rồi từ quả cho hạt, hạt rơi xuống đất, gặp chỗ đất tốt (duyên) thích hợp sẽ lại mọc thành cây, tiếp tục một vòng luân hồi...

--> Read more..

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Lá.

Photobucket

Cỏ dại mọc trên đá.

 

Photobucket

Những chiếc lá sen trồng trong chậu xanh mướt.

 

 Photobucket

Những chiếc lá sâu ăn.

 

 Photobucket

Lá non và lá úa.




Không phải là lá Diêu bông không có thật của thơ Hoàng Cầm, tôi chỉ muốn nói đến những chiếc lá xanh, lá úa, những cọng cỏ dại hàng ngày chúng ta vẫn nhìn thấy hoặc bước qua mà không để ý, không hiểu sao tôi thích nhìn ngắm hoa cỏ, lá xanh lá úa, chuồn chuồn, ong, bướm, chim chóc, cả tắc kè rắn mối... hơn là những tòa nhà cao tầng sừng sững, hoặc những chiếc xe hơi đời mới bóng lộn... Tôi không chê bai nhà cao tầng hay xe hơi đời mới, đơn giản là tôi thích ngắm nhìn chuồn chuồn cỏ lá hơn chúng.

Một gã dở hơi trong thành phố...

--> Read more..

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Tháng mười.

Photobucket

Mật ngọt.

Photobucket

Soi bóng.

 Photobucket

Sen.


 Photobucket

Trốn nắng.

 

Em như tăm bóng nhỏ

Tan trong mưa tháng mười

Lòng ta con sóng vỗ

Dưới chân cầu năm xưa.


Câu thơ đã đọc từ lâu lắm nên chẳng thể nhớ được của ai, cùng với vài tấm ảnh cũ mới post lên để hết một tháng mười.

--> Read more..

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Trà kinh.

Photobucket




Chắc ai trong chúng ta cũng biết đến trà, và uống trà, một loại thức uống đã có lịch sử cả ngàn năm nay ở khu vực Châu Á (Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên), và hiện cả thế giới đều uống trà... Uống trà ở Nhật Bản đã được nâng lên hàng Đạo, Trà đạo, người Nhật siêng năng, cần mẫn và cầu tiến, nhưng rất tinh tế trong chuyện thưởng thức, thưởng ngoạn... Họ đã nâng những gì tưởng chừng như bình thường lên hàng Đạo, Võ đạo, kiếm đạo, Hoa đạo, Trà đạo... Người Trung Hoa cũng thế, Lục Vũ thời xưa được xưng tụng là "Trà thần" cùng với tác phẩm "Trà kinh" được truyền tụng xưa nay. Một thi nhân và cũng là một trà nhân danh tiếng khác của Trung Hoa là Lô Đồng đời nhà Đường cũng được xưng tụng là "Trà thần" với bài thơ Trà ca của mình.

Cây trà tương truyền là do ngày xưa sư tổ Đạt Ma tham thiền buồn ngủ, bèn lấy dao cắt phăng hai mí mắt của mình vứt xuống đất, sau nơi ấy mọc thành cây trà, sư lấy lá nấu nước uống cảm thấy tỉnh táo, không còn cảm thấy buồn ngủ khi thiền định...

Các cụ ngày xưa của ta uống trà rất cầu kỳ, tôi còn nhớ hình như trong tác phẩm Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân có nói về uống trà của các cụ, trà phải ngon đã đành, rồi nước pha trà cũng phải chọn lựa kỹ lưỡng, phải lấy từ giếng của ngôi chùa trong làng, nước giếng trong vắt, hay sáng sớm tinh mơ con cháu đã phải ra ao sen lấy những giọt sương mai đọng trên lá sen về để các cụ nấu nước pha trà... Rồi tiếp đến những dụng cụ pha trà, ấm, chén tống chén quân... đâu phải bất cứ loại ấm chén nào cũng pha trà được, có những bộ ấm chén xưa lưu truyền từ đời này sang đời nọ, được cất giữ còn hơn cả một gia tài. Cũng có câu chuyện một gã ăn mày đi xin ghé nhà nọ thấy mấy cụ đang ngồi thưởng trà, gã ăn mày xin một chén trà chứ không xin cơm gạo, uống xong chén trà gã ăn mày gật gù khen ngon, nhưng nói thêm tiếc là có mùi trấu, khi gã ăn mày đi khỏi có cụ tò mò mở ấm trà ra xem, thì thấy lẫn trong bã trà có vài mảnh vỏ trấu thật...

Bây giờ có cả ngàn loại trà, nhưng có thể chia làm ba loại trà chính là Trà Xanh (Lục Trà), Hồng Trà (nói theo Âu Mỹ là Black Tea), và loại thứ ba nửa giống Lục Trà nửa giống Hồng Trà, thường được gọi là trà Ô Long, vì Ô Long là loại trà phổ thông nhất trong loại trà này. Nói đến Lục Trà, mà điển hình là loại trà Long Tĩnh nổi tiếng xưa nay của quê hương  trà Triết Giang Trung Hoa, khi pha sẽ cho nước màu xanh nhạt. Loại Hồng Trà, như "Lục An Hồng Trà" (hay trà Lipton ở Anh, Mỹ), khi pha cho nước màu đỏ nâu đậm. Còn loại trà Ô Long như trà "Thiết Quan Âm" khi pha sẽ cho nước màu đỏ nâu nhạt... Thật ra các loại trà khác nhau là ở cách chế tạo (sấy, ủ...), đa số người Á Đông (Việt, Hoa, Nhật, Hàn) quen uống Trà Xanh và Ô Long, trong khi người Âu Mỹ lại quen uống Hồng Trà (gọi theo họ là Trà đen), và loại trà người Á Đông ưa thích là Trà Xanh lại được chế biến đơn giản nhất.

Về uống trà thì xưa bên Trung Hoa người ta hay cho thêm những thứ khác vào trà, chẳng hạn như muối, vỏ cam, quít, gừng... cách uống này với những cao nhân về trà họ không thích, bởi làm mất đi cái hương vị chính của trà. Loại Trà Xanh là loại được ưa thích xưa nay ở Á Đông, được chế biến rất đơn giản, không qua giai đoạn ải, ủ lên men, bởi sau khi ải, ủ lên men hương vị của trà đã mất hay đổi khác. Người ta cũng không uống trà ướp hoa như sau này ở ta hay ướp hoa nhài, sen, vì cũng làm mất đi mùi hương chính của trà.  Sau khi hái vào buổi sáng sớm mờ sương (không bao giờ hái trà khi nắng đã lên), chỉ nội trong buổi chiều là đã được sấy xong có thể dùng được.

Xưa có những loại trà đã đi vào truyền thuyết như trảm mã trà, chọn ngựa giống khỏe mạnh cho nhịn đói vài ngày, sáng sớm dắt vào vườn trà cho ngựa ăn những đọt trà non, sau đó chặt đầu, mổ bụng ngựa lấy trà ra, trà đã được tẩm với dịch vị trong dạ dày ngựa đem sao sẽ cho một loại trà đặc biệt. Hầu trà là loại trà hoang mọc tuốt trên núi cao con người không lên đến được phải huấn luyện những con khỉ để leo lên hái, chắc tựa như bên Indo, Thái Lan người ta dạy khi leo hái trái dừa... Rồi trùng điệp trà cũng là loại trà hoang mọc trong rừng thẳm, núi cao, có loại sâu sống trên cây trà này ăn lá, người ta bắt những con sâu này mang về mổ bụng lấy dịch ủ với lá trà tạo thành loại trà vô giá... Đấy là những loại trà truyền thuyết, chẳng biết có thật hay không?

Sau khi có được trà ngon phải nói đến trà cụ, là dụng cụ pha trà, xưa nay người ta chỉ dùng đồ gốm (chỉ chung đồ dùng pha trà bắng đất nung, đồ sành và đồ sứ), chẳng thấy người sành uống trà pha trà trong ấm, ly cốc kim loại, còn loại bình, ly, chén bằng ngọc lại được dùng để uống rượu. Người sành uống trà cũng không bao giờ dùng loại tách có quai như loại ta uống cà phê bây giờ, có lẽ ngoài việc thưởng thức trà, người uống trà cũng muốn được cảm nhận cái hơi nóng ấm áp của chén trà trong buổi sớm mai lạnh giá chăng? Ngày xưa bên Trung Hoa có những vùng chuyên sản xuất đồ gốm danh tiếng để uống trà, chẳng hạn câu "chén sứ Cảnh Đức, ấm đất Nghi Hưng", là hai nơi sản xuất chén, ấm uống trà nổi tiếng...

Sau trà, trà cụ, thì nước pha trà cũng là một phần quan trọng của uống trà, nước pha trà phải là nước tinh khiết không pha hay có rất ít tạp chất. Xưa bên Trung Hoa còn liệt kê hẳn hai mươi nguồn nước pha trà đệ nhất thiên hạ, mà thứ nhất là nước ở động Thủy Liêm, ở Khang Vương Cốc trên núi Lô Sơn. Thứ nhì là nước suối Thạch Tuyền, chùa Huệ Sơn ở huyện Vô Tích. Thứ ba là Thạch Tuyền Lan Khê ở Kỳ Châu. Thứ tư là Độc Tình Lãnh, trên núi Phủ Tử Sơn ở Hạp Châu. Thứ năm là Thạch Tuyền ở Hổ Khâu Tự, Tô Châu. Thứ sáu nước đầm Phương Kiền, Quải Hiền Tự, Lô Sơn. Thứ bảy là Nam Linh, thuộc Dương Tử Giang. Thứ tám là nước suối Tây Sơn, Hồng Châu. Thứ chín là Hoài Thủy, huyện Bách Nham, Đường Châu. Thứ mười là nước trên đỉnh Long Trì Sơn, Đường Châu. Mười một nước chùa Quan Âm, huyện Đan Dương. Mười hai nước chùa Đại Minh, Dương Châu. Mười ba nước thượng nguồn Hán Giang. Mười bốn nước Hương Khê trong Ngọc Hư Động, Quý Châu. Mười lăm nước Tây lạc, Vũ Quan, Thương Châu. Mười sáu nước Ngô Tùng Giang. Mười bảy nước ở thác cao ngàn trượng Tây Nam Lãnh, Thiên Đài Sơn. Mười tám nước suối Viên Tuyền, Liễu Châu. Mười chín Hán Thủy, huyện Nghiêm Lăng, Đồng Lô. Hai mươi là tuyết thủy, nước tan chảy từ băng tuyết. Ngày nay không biết hai mươi nguồn nước này còn được mấy nguồn, hay đã bị ô nhiễm.

Có trà ngon, trà cụ ưng ý, nguồn nước tinh khiết, cách pha trà cũng rất quan trọng, người xưa thường chỉ tự pha trà cho mình, hay để mời bạn hữu, không như rượu là có người hầu, nước phải sôi ở độ nào, nước pha trà không được sôi bùng, nghĩa là không đến 100 độ C, nghe đâu nước chỉ vừa sủi bọt lăn tăn, rồi trước khi pha chính thức phải "rửa trà"... vân vân, nghĩa là pha được một ấm trà cũng kỳ công lắm.

Cuối cùng là thưởng thức trà, xưa các cụ thường độc ẩm, hoặc đối ẩm, vừa thưởng thức hương vị tuyệt vời của ấm trà, vừa làm thơ hay bàn chuyện thơ phú, thật là thi vị, không như chúng ta bây giờ, vừa uống trà đá ướp hương hóa chất ly cối, vừa nói cười rổn rảng...


Tham khảo: Trà kinh, Vũ Thế Ngọc, nhà xuất bản Văn Nghệ 2006.

 
--> Read more..

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Am không.

Photobucket

Photobucket




Ta về giữa chốn am không

Rừng xưa níu lại bụi hồng đường xa.



Không biết sao có mấy bạn gọi tôi là hoa súng, cũng có bạn gọi là... người cõi trên, và cũng có bạn kêu chú tiểu. Hà hà mấy cái tên gọi này kể cũng hay ra phết, có vẻ ngộ nghĩnh, vui vui... Nghĩ lại thấy các bạn ai cũng có lý, tôi đã chụp khá nhiều hoa súng và hoa súng là loại hoa dân dã nhưng đẹp và dễ thương, người cõi trên thấy cũng có lý, bởi nhiều khi tôi cũng tự thấy mình có vẻ ngơ ngáo giữa cuộc đời, còn chú tiểu thấy cũng hay, ít ra tôi cũng có bộ đồ chú tiểu, và ở nhà cũng hay mặc...

Thỉnh thoảng tôi cũng hay vào chùa ngồi lơ ngơ ở một góc sân nghe đánh chuông gõ mõ, cũng có khi là để nghe chú dế mèn trú ở góc sân sân kể chuyện, hoặc chỉ để ngó trời ngó đất... Thỉnh thoảng tôi cũng bày đặt đọc vài cuốn sách Phật giáo, và thích một vài nhân vật, chẳng hạn Bồ Đề Đạt Ma, tương truyền là tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa, người chín năm ngồi diện bích, hay Huệ Năng, tổ thứ sáu, đắc đạo khi chỉ là chú tiểu không biết chữ thổi cơm giã gạo trong chùa... Thích những câu chuyện về thiền, những vị sư chẻ tượng Phật để sưởi ấm, hay những câu chuyện đầy nghịch lý của những thiền sư...

 

Một ngày lãng đãng qua, nghĩa là ta có thêm một ngày và cũng mất đi một ngày, cuộc sống là như thế, trong cái được đồng thời đã có cái mất, trong cái sinh đã có sẵn cái tử. Có mấy ai hồn nhiên như ngài Ca Diếp, khi Đức Phật thuyết pháp, không nói chỉ lặng lẽ đưa lên một cành hoa, chúng sinh ngơ ngác, duy chỉ có Ca Diếp mỉm cười... Hay như vấn nạn của Huệ Khả cả ngàn năm vẫn còn nguyên đó, làm sao con người có được cái tâm an, để thanh thản bước đi giữa chông chênh của cuộc đời...



 

"Khuya về nhẹ mở tâm kinh

Trang nào cũng thấy có hình bóng em

Mở bờ sinh tử ra xem

Em trong tiền kiếp là em bây giờ"

Câu thơ tôi không nhớ của ai đó, đã khép lại trong tôi một ngày, trong muôn trùng những ngày tháng....

 

Saigon, tháng 10/2009.

 

--> Read more..

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Ranh ngôn về phụ nữ nhân ngày 20 tháng 10.

Photobucket



Hôm nay ngày 20 tháng 10, ngày Phụ Nữ Việt Nam, trước hết xin chúc mừng tất cả chị em phụ nữ bạn bè quen biết gần xa, nhân đây xin gởi tới chị em câu... ranh ngôn, nhưng vẫn không ngoài ý nghĩa... tuyên dương chị em phụ nữ.

"Trong cuộc sống có hai loại người phụ nữ, người thứ nhất hay chê chồng và người thứ hai hay khen chồng. Người thứ nhất hay chê chồng chẳng biết làm gì trong nhà, mọi việc một tay mình lo liệu tuốt, từ chuyện giặt dũ, nấu ăn cho đến chuyện họp tổ dân phố, đưa đón con cái, thậm chí sửa cái vòi nước hay thay cái bóng đèn hư trong nhà... điều này là để chứng tỏ mình giỏi, gì cũng làm được. Người thứ hai ngược lại hay khen chồng, cái gì trong nhà chồng cũng làm tuốt, kể cả chuyện đi chợ, nấu ăn, đưa đón con cái... nhưng chẳng phải muốn nói chồng giỏi, mà để chứng tỏ mình khéo, biết chọn ông chồng được việc..."

Một lần nữa xin nhiệt liệt tuyên dương tất cả chị em... Hi hi!

--> Read more..

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Cõi người.

Photobucket




Cuối tuần vừa qua tôi cùng với ông bạn Đèn lồng đỏ rủ nhau xách máy chụp hình lang thang chụp vài tấm ảnh. Lâu lâu anh em mới có dịp cùng nhau ra ngoài trời chụp ảnh, hít thở không khí sông nước trong lành, cánh hoa trong tấm hình bên trên tôi cũng chẳng biết tên gọi là gì, chỉ thấy rơi trên một bờ tường thấy ngồ ngộ nên chụp, và đặt đại cho cái tên "Cõi người". Các bạn có thể đặt cho cái tên khác hay hơn.

Cái này là bắt chước theo ông bạn Bulukhin đây, hì hì!

--> Read more..

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Mơ màng.

Photobucket

Hoa trắng.

Photobucket

Mong manh một sắc tím.


 Photobucket

Long lanh mặt hồ.


 Photobucket

Giọt sương trên lá.


 Photobucket

Dễ thương.

 Photobucket

Nhẹ nhàng buổi sớm mai.

 Photobucket

Trời đã sang thu.

 Photobucket

Lá sen non.




Hôm qua post lên một entry mượn từ "Cổ học tinh... ma", cho nó ma quái chút đỉnh cuối tuần, ai dè nhà lão đèn lồng đỏ nhảy vào đưa lên một tấm ảnh còn... ma hơn gấp bội, thế là hôm nay phải post lên vài hình ảnh cây cỏ mơ màng gởi đến các bạn, đến tôi cũng chẳng còn dám vào cái entry ấy nữa, thật là kinh khủng, phùuuuuuu!

Sáng chủ nhật nắng đẹp, chúc các bạn của tôi vui vẻ.

--> Read more..

Trương Chi.

Photobucket

Đêm trăng.



Ngày nghỉ mà nhà cửa vắng vẻ, tình cờ nghe lại bản nhạc Khối tình Trương Chi của Phạm Duy, tự nhiên nhớ lại câu chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương, chắc các bạn cũng đã biết câu chuyện cổ tích lãng mạn này, tôi muốn kể lại, dĩ nhiên có "xào nấu" lại chút đỉnh, để mà chơi...

Ngày xưa ở một vùng quê nọ có một chàng trai rất nghèo tên là Trương Chi, chẳng may cha mẹ mất sớm sống một mình ở một cái chòi ven sông. Ngày ngày chàng chèo thuyền lưới cá trên chiếc thuyền đã mục và bộ lưới thủng lỗ chỗ do cha mẹ để lại, cũng may thời xưa ấy dòng sông nơi quê hương Trương Chi chưa bị ô nhiễm như sông Thị Vải bây giờ, cho nên cá tôm bắt được cũng đủ đem vào làng đổi lấy cơm gạo đắp đỗi qua ngày.

Cha mẹ mất sớm, một mình mưu sinh nơi sông nước với nắng mưa gió bão cực khổ, nên diện mạo bên ngoài của Trương Chi thật xấu xí đen đủi, thêm nữa thuở nhỏ đã không được đi học nên ăn nói cộc lốc khó nghe, đối với dân làng Trương Chi chỉ hiện diện trong họ khi ghé đổi tôm cá, xong thì họ quên tuốt, thậm chí nhiều gia đình còn cấm cửa con cái không được giao du với chàng. Tính tình và bộ vó bên ngoài của Trương Chi là vậy, nhưng bù lại trời lại phú cho chàng một giọng hát truyền cảm lạ thường, có lẽ từ thuở nhỏ đã phải vất vả mưu sinh chẳng có đứa trẻ nào là bạn, chàng đành làm bạn với sông nước, chim trời, những đêm trăng khung cảnh làng quê tuyệt đẹp, buông câu trên mặt sông Trương Chi chỉ còn biết hát, tiếng hát lan tỏa trên mặt sông, lúc thì cuồn cuộn như sông mùa lũ, lúc thì nhẹ nhàng trôi chảy, hay thì thầm như gió thoảng trên những rặng cây ven sông...

Khi ấy ở kinh thành có một ông quan nịnh thần, không quan đại thần. Quan chỉ có độc nhất một tiểu thư tên là Mỵ Nương mặt hoa da phấn xinh đẹp tuyệt trần, cho nên Mỵ Nương được cưng chiều rất mực. Từ nhỏ tiểu thư Mỵ Nương đã được gởi học ở trường Quốc tế, đi học bằng xe song mã ngoài giờ học ở trường, về nhà quan đại thần còn cho vời những gia sư giỏi bậc nhất ở kinh thành vào phủ dạy thêm cho Mỵ Nương đủ mọi thứ, nào là thêu thùa, đàn piano, thanh nhạc, hội họa... Nghĩa là cầm, kỳ, thi, họa Mỵ Nương đều rành rẽ... Năm ấy tiểu thư Mỵ Nương tuổi vừa trăng tròn, nhưng vẫn chưa có bạn trai, cũng bởi nhà quan đại thần kín cổng cao tường quá, lính gác trong ngoài làm sao chàng trai nào mon men tới nổi, thêm nỗi dưới mắt quan đại thần thì chỉ có hoàng tử trong triều mới xứng nổi với tiểu thư, còn cỡ làng nhàng như con nhà các quan tứ phẩm ngũ phẩm thì chẳng đáng, mà giống tính cha, tiểu thư Mỵ Nương cũng nghĩ như thế, ta đây chỉ xứng với hoàng tử thôi, chuyện cổ tích đã viết như thế mà...

Năm ấy vừa hết niên học, thấy tiểu thư Mỵ Nương loanh quanh trong phủ mãi cũng buồn nên quan ông bàn với quan bà gởi tiểu thư về trang trại mấy mẫu ở vùng quê đổi gió cho khuây khỏa. Thế là tiểu thư Mỵ Nương cùng với mấy tỳ nữ theo hầu hạ xách khăn gói về quê. Trời xui khiến làm sao trang trại của quan đại thần lại ở ngay gần bờ sông nơi Trương Chi vẫn thường đánh cá, được vài ngày Mỵ Nương chú ý đến một giọng hát thỉnh thoảng theo gió đưa đến, giọng hát mới hay làm sao, thật chưa bao giờ Mỵ Nương được nghe một giọng hát như thế. Vốn là người đàn hay hát giỏi nên Mỵ Nương gọi thị nữ sai quân hầu đi dò hỏi, quân hầu về bẩm lại đó chỉ là giọng hát của một kẻ đánh cá trên sông. Ở trang trại rảnh rỗi lại thêm tính tò mò nên Mỵ Nương quyết định rủ mấy thị nữ ra bờ sông chơi, nhân thể xem mặt mũi gã đánh cá ấy ra sao?

Sáng sớm hôm sau Mỵ Nương cùng đám thị nữ đã ra khỏi trang trại, bên bờ sông Mỵ Nương chỉ thấy thấp thoáng sau làn sương sớm một con thuyền nan và một bóng dáng thanh niên đang chài lưới ẩn hiện, cùng với một giọng hát mạnh mẽ lan tỏa khắp mặt sông... Một hồi lâu khi nắng lên thì con thuyền nan cũng bơi đi đâu mất. Liền mấy ngày như thế, cứ buổi sớm Mỵ Nương lại rủ mấy thị nữ ra bờ sông, lấy cớ đi dạo nhưng thực tình là để nghe tiếng hát của chàng đánh cá. Về phần Trương Chi, chàng cũng nhận ra thấp thoáng xa xa bên sông là những bóng dáng áo xanh áo hồng phất phới, một điều xưa nay chưa từng thấy ở cái vùng quê nghèo này, hôm ấy khi Mỵ Nương và đám thị nữ đã về chàng ghé thuyền vào bờ nơi Mỵ Nương và thị nữ đã ở ban nãy, người đã đi nhưng còn để lại một mùi hương thoang thoảng của môt loại nước hoa đắt tiền... Trương Chi ngơ ngẩn hồi lâu, dẫu sao chàng cũng chỉ là một chàng trai vừa đến tuổi trưởng thành, đang căng đầy sức sống...

Mấy ngày liền trời âm u mưa gió, dự báo thời tiết báo bão đang đến gần, mặt sông lúc nào cũng đục ngầu cuồn cuộn nước lũ đổ về từ thượng nguồn, người ta nói do rừng đầu nguồn cây cối bị chặt phá hết nên giờ lũ nó mới như thế chứ trước đâu đến nỗi, trời này thì không thể chèo thuyền lưới cá được, nên vắng bặt tiếng hát mê hồn của Trương Chi. Mỵ Nương chẳng ra được bờ sông đành ở trong nhà đứng ngồi không yên, ủ dột chẳng còn thiết đến ăn uống. Thị nữ vội đánh điện cấp báo cho quan đại thần, "nhà giàu đứt tay...", nhận được điện báo quan đại thần vội thu xếp vào bẩm vua xin nghỉ phép ít ngày, vời thêm một vị danh y ở kinh thành tức tốc đáp Việt Nam e lai về trang trại. Đến nơi vị danh y khám bệnh xem mạch cho Mỵ Nương, thấy mạch vẫn bình thường, bèn vời thị nữ đến hỏi, thị nữ tình thật kể lại sự tình, danh y thở phào, thì ra chỉ là tâm bệnh. Danh y báo với quan đại thần, quan cho vời lính đến hỏi về chàng thanh niên đánh cá, lính đáp, Ô! đó chỉ là một gã nhà quê dở hơi xấu xí đánh cá, nhà cửa cha mẹ chẳng có, gã ta hiện sống ở nơi túp lều rách nát ven sông. Vị danh y nghe nói gật gù, nói nhỏ vào tai quan đại thần, quan đại thần mỉm cười ra chiều đắc ý...

Mấy ngày dông bão Trương Chi cũng đứng ngồi không yên, chẳng phải là nhà đã sắp hết gạo mà không đi đánh cá được, bởi chàng cũng thấy nhớ da diết cái bóng dáng áo hồng thấp thoáng bên sông, cùng mùi hương thoang thoảng, chợt thấy lính đến túp lều của mình truyền có lệnh quan gọi. Không hiểu chuyện gì, nhưng nghĩ mình xưa nay chẳng hề phạm tội nên chàng cũng yên lòng đôi chút, vội theo lính đến hầu quan. Xưa nay đây là lần đầu tiên Trương Chi đến một nơi giàu có sang trọng như thế nên luống cuống ra mặt, chàng cứ ấp a ấp úng, bộ dạng thì lóng nga lóng ngóng, vị danh y hỏi thì trả lời chẳng đâu ra đâu, đầu Ngô mình Sở, cộng thêm cái bề ngoài đen đủi xấu xí đến nỗi Mỵ Nương đứng sau tấm rèm cửa gần đó phải bật cười khanh khách... Nghe thấy tiếng cười Trương Chi vội liếc nhìn, chàng chỉ kịp trông thấy một khuôn mặt xinh đẹp thoáng sau bức rèm, và một mùi hương thoang thoảng...

Ngày hôm sau thì quan đại thần cùng vị danh y đáp máy bay về kinh thành, có cả Mỵ Nương theo cùng...

Về phần Trương Chi, từ hôm được vời vào trang trại của quan, thoáng nhìn thấy sắc đẹp tuyệt trần của Mỵ Nương, chàng đã bị Mỵ Nương hớp mất hồn, trời quang mây tạnh chàng chèo thuyền đánh cá trở lại, nhưng không còn thấy được bóng hồng thấp thoáng bên sông của Mỵ Nương, cùng mùi hương quen thuộc...

Mấy hôm liền dân làng không còn thấy Trương Chi ghé làng đổi cá, có người phát giác ra chiếc thuyền của chàng trôi lững lờ trên sông mà chẳng thấy bóng dáng chàng đâu, hôm đó đám trẻ nhỏ ra sông đùa nghịch thấy một xác người tắp vào bờ sông, tụi nhỏ hoảng sợ chạy về báo, đám người lớn ra xem mới hay đó chính là Trương Chi, nghĩ cũng tình làng mọi người xúm vào chôn cất chàng ở miếng đất hoang cuối làng. Lạ một điều ít lâu sau, nơi chôn Trương Chi đêm đêm ánh lên một màu xanh ngọc bích, chiếu sáng cả một vùng. Có người bàn thử đào mộ của Trương Chi lên xem sao? Đào lên chẳng còn thấy thân xác, chỉ thấy trái tim đã biến thành ngọc bích ánh lên một màu xanh rất đẹp. Dân làng rất lấy làm lạ. Ít lâu sau có người chuyên buôn ngọc nghe được chuyện tìm đến mua viên ngọc bích ấy mang về kinh thành.

Trời xui đất khiến, ở kinh thành một hôm Mỵ Nương nghe đồn có người thương lái có viên ngọc bích hình trái tim rất đẹp, để trong phòng ban đêm viên ngọc tỏa ánh sáng dìu dịu khỏi cần thắp đèn, Mỵ Nương cho vời đến, nhìn thấy viên ngọc Mỵ Nương thích quá nói với cha, quan đại thần bỏ ngay ra một số tiền lớn mua cho. Viên ngọc bích được Mỵ Nương đặt trong phòng nơi đầu giường ngủ, đêm đêm tỏa ra một vầng sáng xanh huyền hoặc. Một tối, trước khi đi ngủ Mỵ Nương đến bên cây đàn ở góc phòng dạo ít tiếng, tình cờ Mỵ Nương đánh lại bài hát mà Trương Chi hay hát khi xưa khi đi đánh cá, chợt Mỵ Nương nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát của gã ngư phủ khi xưa, lần theo thì tiếng hát phát ra từ khối ngọc bích hình trái tim, và lạ thay trong khối ngọc đó Mỵ Nương thấy rõ chiếc thuyền nan cùng hình bóng mờ tỏ của gã đánh cá thấp thóang trong làn sương mù của dòng sông, như lần đầu tiên Mỵ Nương đã gặp. Bài hát chấm dứt cũng là lúc hình ảnh chiếc thuyền con và gã đánh cá mờ dần. Một làn gió lạnh lùa vào phòng khiến Mỵ Nương rùng mình...

Ngày hôm sau quan đại thần rất ngạc nhiên khi thấy Mỵ Nương nói gọi người bán viên ngọc bích...

Chuyện đến đây là hết, hì hì!

--> Read more..

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Thật và giả.

Photobucket



Mới đây bạn phuongvu nhắn qua nhà Lan Trần xem entry mới. Hồi này cô bạn Lan Trần ít thấy vào Multiply, nghe nói "sầu đời" sao đó không muốn nghe chuyện thế thái nhân tình, mà chuyên vào việc "làm vườn" bên Facebook, cho nhẹ cái đầu... Sáng sớm chạy thử qua xem, thì ra "vấn đề thì cũ", nhiều bạn cũng đã nói rồi, nhưng "bức xúc" có lẽ mới toanh, nên bạn Lan Trần mới lên tiếng. Đó là chuyện ảo thật - thật ảo gì đó trên mạng, và ở ngoài đời...

Cha, chuyện ảo thật - hay thật giả, sao thấy "rối" quá. Như các bạn thử xem tấm hình bên trên tôi chụp một con chuồn chuồn đậu trên thân cây nhô lên khỏi mặt ao. Phía trên là con chuồn chuồn và thân cây, rồi đến mặt nước lung linh, phản chiếu con chuồn chuồn và thân cây, phản chiếu cả mây trời... Xưa Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy nghĩ lẩn thẩn chẳng biết mình mơ hóa bướm, hay bướm đã hóa ra mình... Tôi thử tưởng tượng ra chuyện như thế này, tôi sẽ đem tấm hình bên trên đi hỏi: "Trong hình này cái nào là ảo cái nào là thật". Người thứ nhất trả lời: "Trời, nhà anh có tâm thần không đấy! Đây là hình chụp rõ rành rành, đương nhiên con chuồn chuồn và thân cây phía trên mặt nước là thật, còn cái bóng soi dưới nước là ảo, hỏi vậy mà cũng hỏi, rõ dở người!". Câu trả lời thật chính xác.

Người thứ hai khi được hỏi trả lời: "Người ta nói cuộc đời là vô thường, bể dâu biết đâu mà lường, ngày hôm nay thấy là như thế ngày mai có khi trở lại chuồn chuồn đã bị chim chóc ăn mất, cây khô cũng không còn, tất cả chỉ là ảo...". Chao, rất hay, ý nghĩ thật là minh triết... Đến người thứ ba lại trả lời ngược hẳn lại: "Tất cả đều là thật, chẳng có gì ảo hết, nếu nói ảo tại sao anh lại nhìn thấy nó...".

Tuy chỉ là chuyện tưởng tượng, nhưng nghĩ đến đây tôi đã thấy toát cả mồ hôi, đầu óc lùng bùng, chẳng dám đi hỏi tiếp nữa, biết đâu sẽ còn nhiều ý kiến khác nữa, ảo hay thật - chân hay giả, chao ôi, cuộc đời này, biết đâu mà lường...

--> Read more..

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Cao nguyên.

Photobucket

Những chiếc lộc bình bằng xi măng giả gỗ được đặt trang trí trên một giải phân cách của đường phố Buôn Ma Thuột. Ảnh chụp lại của báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 4/10/2009.

Photobucket

Những cô gái người Lạch trong đội vệ sinh dọn rác bên bờ hồ Xuân Hương. Ảnh chụp lại trên Lao Động online.



Mấy hôm nay tôi đọc được 2 bài viết về Tây nguyên. Một bài trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 4/10/2009, về lộc bình ở Buôn Ma Thuột, không phải là thú chơi lộc bình của người giới nhà giàu Buôn Ma Thuột, mà là những chiếc lộc bình đúc bằng xi măng giả gỗ, được đặt trên giải phân cách ở đại lộ Nguyễn Tất Thành, con đường trung tâm của thành phố Buôn Ma Thuột.

Tên gọi lộc bình tự nó đã nói lên ý nghĩa, là chiếc bình mang lộc, để có được một chiếc lộc bình cao bằng một người bình thường (1,6m - 1,8m) cho đến những chiếc lộc bình cao đến 2 - 3m, người ta phải lựa chọn những thân gỗ to lâu năm, tốt, có nhiều đường vân để chế tác. Người ta tin rằng để lộc bình trong nhà sẽ đem lại lộc, phước, may mắn... Cho nên những người có tiền của rất thích chưng lộc bình trong nhà, những chiếc lộc bình tùy theo hình dáng, kích thước, và loại gỗ, nghe nói có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu... và những thân cây gỗ quý, lâu năm ở Đắc Lắc đã và đang bị triệt hạ để phục vụ cho thú chơi này...

Bài báo cũng viết, một cán bộ của Sở văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Đắc Lắc (đề nghị giấu tên) cho biết: "Đây là chủ trương của một lãnh đạo cấp cao của tỉnh Đắc Lắc", và ông cũng nói thêm nó không phải là nét đặc trưng của người dân tộc bản địa, nếu thật sự muốn đường phố có nét đặc trưng của Buôn Ma Thuột và Tây nguyên nên xây những cái Ché thì hơn.

Bài viết thứ hai tôi đọc trên Lao Động online, qua trang Viet - Studies của GS Trần Hữu Dũng, bài "Điểm nhấn của trái tim Đà Lạt" (Lao Động cuối tuần số 41, ngày 11/10/2009), nói về đội vệ sinh hồ Xuân Hương gồm 4 cô gái dân tộc Lạch, do một công ty du lịch tư nhân (Cty cổ phần du lịch Ngọc Lan) đảm trách, chuyên nhặt rác quanh bờ hồ Xuân Hương. Đây là một Cty du lịch tư nhân tại Đà Lạt, không dính dáng gì đến "vệ sinh môi trường" cả, nhưng vì thấy hồ Xuân Hương được mệnh danh là "trái tim của Đà Lạt", có nhiều rác nên mới lập ra đội nhặt rác này. Nét độc đáo của những cô sơn nữ khi làm việc (nhặt rác) là họ mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tây nguyên, lưng đeo gùi, và không ít du khách tây lẫn ta đã dừng lại xin chụp hình với họ.

Tôi đã có những năm tháng ở Tây nguyên, với những ký ức, những kỷ niệm... Hai bài báo trên đây đã cho tôi một vài suy nghĩ...

Thứ nhất là chuyện "Lộc bình ở Buôn Ma Thuột". Quả thật tôi không tưởng tượng một người có trách nhiệm nào đó, lại có thể ra lệnh cho cấp dưới làm ra những cái bình kiểu "trưởng giả học làm sang", đặt ở giữa đường phố như thế. Có thể ở nhà ông ta có những cái lộc bình như thế để cầu lộc, cầu phước..., chuyện đó chẳng đáng nói, nhưng đàng này đường phố là nơi công cộng, của mọi người, không phải riêng của một cá nhân. Đúng, nếu muốn nói lên nền văn hóa bản địa Tây nguyên, có thể thay bằng những cái ché (người trong Nam gọi là ghè, là loại bình bằng sành cất rượu cần của người dân tộc thiểu số Tây nguyên), hoặc những chiếc cồng chiêng, những chiếc rìu, nỏ... Thêm nữa, nó cổ vũ cho việc chặt hạ cây cối, tàn phá môi trường, trước năm 75 tôi ở đấy, rừng cây còn vào đến tận trung tâm thị xã, cách nay ít năm trở lại chỉ thấy đường xá như ô cờ, đèn xanh đèn đỏ, đi rất xa khỏi thành phố cũng chẳng còn thấy rừng...

Thứ hai là chuyện "Điểm nhấn của trái tim Đà Lạt". Lên Đà Lạt bây giờ, tôi đã vào cả trong buôn làng của người Lạch dưới chân núi Langbiang, cũng khó tìm ra được những thiếu nữ mặc váy thổ cẩm, và cả nhà sàn. Bây giờ họ ăn mặc như người Kinh, ở trong những căn nhà xây bằng gạch, phóng xe Dream Tàu vun vút. Lên Đà Lạt, rừng thông bị đốn hạ nhường chỗ cho những căn phố nhà ống dài hun hút, kiến trúc lai tạp như thành phố miền xuôi. Rừng thông mất hình như sương mù cũng không còn nhiều như xưa, Đà Lạt của lãng đãng sương mù giăng trên mặt hồ đã hiếm thấy, những cô gái sơn cước trong bộ trang phục thổ cẩm duyên dáng còn hiếm thấy hơn, cho nên du khách nhìn thấy những cô sơn nữ này như bắt được vàng...

Hình như có lần tôi nghe hay đọc được ở đâu, nói đại ý: "Để quản lý những thành phố có những nét đặc trưng như Sapa, Hà Nội, Huế, Hội An, hay Tây nguyên... không những phải cần những người giỏi về hành chánh, mà còn cần có những nghệ sĩ...". Đúng là như thế...

--> Read more..

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Giỗ Đức Thánh Trần (2).

Photobucket

Tượng Đức Thánh Trần ngoài sân đền.

Photobucket

Lá cờ bên phải tượng thêu chữ "Nhật".

 Photobucket

Lá cờ bên trái tượng thêu chữ "Nguyệt".

 Photobucket

Vị chủ tế mặc áo đỏ.

 Photobucket

Quý bà luôn đi cạnh vị chủ tế mặc áo vàng.

 Photobucket

 Photobucket

Kế tiếp là quý bà, chị mặc áo lam và xanh.

 Photobucket

 Photobucket

Photobucket

Những cụ bà xem tế (chắc xưa kia cũng từng một thời trong đội nữ tế).



Ở entry trước, ông bạn Bulukhin ngoài Quảng Bình có yêu cầu tôi post lên một vài hình ảnh những chị, cô... mặc áo lam trong đội tế nữ của Đền Đức Thánh Trần Saigon. Theo như nhận xét (chắc không mấy chính xác) của riêng mình thì tôi nhận thấy: Thứ nhất là quý bà mặc áo đỏ, chỉ có một người, đây là vị chủ tế, chắc chắn là phải rành rẽ những nghi lễ tế, có tuổi, tướng mạo uy nghi... giống như "Tướng" trong bàn cờ tướng. Thứ nhì là quý bà mặc áo vàng, cũng có tuổi, và có vài người, chắc giống như "Sĩ". Thứ ba là quý bà mặc áo lam, cũng đứng tuổi, cũng vài người, chắc giống như "Tượng". Cuối cùng là số đông mặc áo xanh, cũng có người lớn tuổi, nhưng đa số là những chị  còn trẻ, chắc giống như "Xe, pháo, mã, chốt". Một đội tế nữ ngoài những chị như trên, còn có phường bát âm đi kèm (chiêng, trống, sáo, kèn, nhị...), và những người đến xem lễ.

Nội dung buổi lễ là ghi công ơn của Đức Trần Hưng Đạo. Tôi thấy trong buổi tế, những cụ bà ngồi bên ngoài xem lễ quyên góp ngay tại chỗ, chắc để bồi dưỡng nước nôi, giải khát cho đội tế và phường bát âm, bởi một buổi tế như thế này kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, những người tế lễ khăn đóng áo dài giữa khói nhang nghi ngút, chắc chắn rất mệt...

--> Read more..

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Giỗ Đức Thánh Trần.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

Photobucket




Hôm qua 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Đức Thánh Trần, tôi có cậu con trai khoán cho thánh, nên năm nào ngày giỗ cũng ghé đền Đức Thánh Trần ở Sài Gòn, trước là lễ tạ, sau là xem mấy "liền chị" tế lễ. Mấy hình ảnh (toàn là chụp... lén) giới thiệu với bạn bè về buổi tế ấy.

--> Read more..

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Một câu chuyện thiền.

Photobucket



Tôi có một người bạn từ thời còn ở trong quân đội cũ, cuộc đời bạn khá nhiều thăng trầm, bạn đọc rất nhiều sách vì có thời gian nhiều năm bạn đi mua bán sách cũ, mới đây lâu ngày gặp lại ngồi uống ly cà phê nói chuyện lan man, bạn kể một câu chuyện thiền... Câu chuyện đại khái thế này:

Một buổi tối mùa đông lạnh lẽo sư bảo chú tiểu kiếm củi đốt sưởi ấm, chú tiểu đi khắp chùa thấy chẳng còn cây củi nào, bạch: Thưa thầy, chùa hết củi rồi ạ. Sư bảo: người đã tìm kỹ chưa? Chú tiểu: kỹ ạ. Sư nói: thế còn bức tượng nơi chánh điện? Chú tiểu e dè: dạ, đấy là Phật. Sư phán: cứ mang lại đây. Chú tiểu khệ nệ ôm bức tượng đến. Sư sai lấy rìu bổ bức tượng Phật làm củi sưởi. Chú tiểu ngồi sưởi hồi lâu trầm ngâm không nói. Lát sau sư nói với chú tiểu: ngươi thử coi xem trong đám than có gì không? Chú tiểu lấy que cời đống than, bạch: dạ, chẳng có gì. Sư nói: có thấy xá lợi không? Bạch: chỉ toàn than củi. Sư đáp: ta đã nói không phải Phật mà...

Bạn kết luận "Vạn pháp giai không".

--> Read more..

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Ảnh và tranh.

Photobucket




Hôm qua ông bạn hongdang nói ảnh giống tranh, tấm hình trên đây trông có vẻ giống tranh thật. Đây là một tấm ảnh tôi chụp hôm tết trong Hội Hoa Xuân Tao Đàn. Tấm ảnh này tôi chỉ điều chỉnh tương phản, và độ đậm nhạt một chút hoàn toàn không dùng kỹ xảo của Photoshop. Đúng ra đây là tấm hình chụp... hư, lúc chụp khoảng ngoài 5g chiều, tôi dùng ống kính tele tiêu cự đến 450mm để chụp, trời đã về chiều không đủ sáng, dây leo có bông hoa trắng nhỏ bị gió thổi xao động không nét, phông phía sau là những chậu hoa vàng, hồng... chỉ còn là những mảng màu.

Trong nhiếp ảnh đôi khi lại như thế, một tấm ảnh chụp hỏng có khi lại có một vẻ đẹp nào đấy, miễn là mình... nhìn thấy. Hì hì!

--> Read more..

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Sắc không.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket




"Hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng...". Kinh thánh.

--> Read more..