Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012
Lai rai chữ nghĩa...
Có những chữ mà ta gặp thường ngày, nói, nghe người khác nói, hoặc đọc trên sách báo, vậy mà nhiều khi muốn biết từ nguyên của chữ, giở hết sách này đến từ điển kia, lạ thay lại khó tìm được nơi nào giảng nghĩa cho thỏa đáng, chẳng hạn như chữ rất hay gặp là "chợ búa". Lâu rồi thì phải, hình như hồi còn bên 360 tôi có nói đến nhưng mà hồi ấy chủ yếu tếu táo chơi cho vui, chứ cũng vẫn chưa hiểu rõ nghĩa. Nay có được một vài quyển sách tra cứu, có lẽ mới rõ được từ nguyên của chữ.
"Chợ búa" là chữ Nôm (đọc theo quốc âm), chứ không phải từ Hán - Việt. Chữ "chợ" chắc chúng ta đã rõ, để chỉ nơi buôn bán, nhưng còn chữ "búa"?, "búa" ở đây không phải là từ láy. Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn có chép: Bài Kinh khê sớ của người nhà Minh chép: Chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ, và chú thích ở cuối trang của người dịch: "Do đó, chữ búa trong danh từ chợ búa vốn do chữ bộ chuyển ra".
Như vậy đã khá rõ, nhưng chữ "bộ" tiếng Hán - Việt, chuyển sang chữ Nôm chúng ta thấy như dưới đây:
Bộ chữ Hán - Việt, có nghĩa là đi bộ, nghĩa khác (5), là "bãi ven nước".
Bộ, Bụa, chữ Nôm, có nghĩa là đi bộ, góa bụa.
Chữ bộ (Hán - Việt) Khi chuyển sang chữ Nôm, như chúng ta đã thấy là vẫn giữ nguyên chữ (phép giả tá, là mượn nguyên một chữ Hán để viết chữ Nôm), với một nghĩa đi bộ như bên chữ Hán, và một nghĩa khác là bụa trong góa bụa. Như chúng ta đã thấy chữ bộ gốc ban đầu như Lê Quý Đôn đã viết trong Vân Đài Loại Ngữ mà tôi đã trích dẫn bên trên "Chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ", chữ bộ khi chuyển sang chữ Nôm có một âm là bụa, và từ búa trong chợ búa chắc hẳn cũng từ chữ bộ có nghĩa là "chợ ở nơi bến nước" mà ra, và chữ búa dùng trong quốc âm thì không đứng một mình, mà luôn đi đôi với chữ chợ thành chợ búa như chúng ta đã thấy.
Có một chữ khác nữa mà chúng ta vẫn gặp thường ngày, là chữ "xe cộ". Cũng là một chữ Nôm, trường hợp này cũng tương tự như chữ "chợ búa" bên trên. Chữ "xe" từ chữ Hán - Việt "xa" mà ra, còn chữ "cộ"? Tôi tìm trong nhiều sách từ điển chỉ thấy nói chung chung "xe cộ", duy có quyển từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, có giải thích từ "cộ": xe trượt không có bánh, và cũng có sách nói "cộ" là loại xe không có bánh (chắc kiểu như xe trượt tuyết) thường dùng nơi đồng ruộng do trâu bò kéo dùng để chở lúa... Tôi thử tìm hiểu từ nguyên của chữ "cộ".
Từ Hán - Việt "cổ", có nghĩa là con bò đực.
Từ Hán - Việt "hòa", có nghĩa là cây lúa.
Từ Nôm "cộ", trong xe cộ.
Như chúng ta đã thấy bên trên, chữ "cộ" trong xe cộ, bao gồm hai chữ Hán, chữ "cổ" là con bò đực ghép trên chữ "hòa" là cây lúa. Đây là phép "hình thanh" trong chữ Nôm, nghĩa là một nửa chữ là "hình", một nửa chữ là "thanh". Chữ "cổ" chỉ âm, chữ "hòa" chỉ nghĩa. "Cộ", là xe do trâu bò kéo chở lúa, và ở nơi đồng ruộng cho nên loại xe này là xe trượt chứ không có bánh xe như các loại xe thông thường, và người Việt dùng từ "xe cộ" là để chung cho các loại xe...
Sách tham khảo:
- Vân Đài Loại Ngữ - Lê Quý Đôn, bản dịch của Tạ Quang Phát, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, xuất bản năm 1995.
- Từ điển Hán - Việt, Thiều Chửu, nhà xuất bản TP HCM, xuất bản năm 1997.
- Bảng tra chữ Nôm, Viện Ngôn ngữ học, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, xuất bản năm 1976.
- Chữ Nôm Nguồn gốc và cấu tạo, Đào Duy Anh, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, xuất bản năm 1975.
- Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, nhà xuất bản TP HCM, xuất bản năm 2000.
em hay xài chữ "chợ búa" lắm nha, giờ mới biết :) dân miền Nam hay hỏi "chợ búa gì chưa?" :)
Trả lờiXóaChợ búa, xe cộ... là những từ người mình hay xài, nói hoài, nghe hoài nhiều khi thắc mắc không biết chữ đó gốc gác ở đâu ra, từ điển tiếng Việt của mình giờ... hằng hà sa số, vào nhà sách thấy cuốn dày cuốn mỏng, đủ mọi tác giả, mà tra lục hiếm khi nào được, đành... lai rai tự đi tìm ý nghĩa thôi :-)))
Trả lờiXóaông An Chi giải thích là ở Hà Tĩnh , người ta vẫn gọi cái chợ nhỏ là " búa " ...còn " búa " trong " hóc búa " thì đúng là cái búa để đốn gỗ ....
Trả lờiXóa" sá " cũng có nghĩa là đường ở chỗ phân nhánh ( ngã ba , ngã tư ) , phương ngữ Bắc bộ vẫn gọi là " một sá cày " thay vì " một đường cày " ....
ai giải thích sẵn thì em đọc , chứ em không có tự điển để tra cứu , heheheh....
ủa , mà anh lai rai hoài , nghe giống nhậu quá :))
Chợ nhỏ gọi là búa thì đúng rồi, cũng như các sách vở dùng chữ "chợ búa" để gọi chung là chợ, ở đây tôi muốn tìm hiểu từ gốc của chữ "búa", thì ra nó từ chữ Hán là "bộ" có nghĩa là chợ ở ven bờ nước (sông rạch), chuyển sang Nôm là "bụa" góa bụa), "búa" trong chợ búa, chuyển sang búa vẫn giữ được nghĩa ban đầu là chợ.
Trả lờiXóaĐể thử xem chữ "sá" trong đường xá ra sao?
Tôi có khoảng 30 quyển từ điển tiếng Việt các loại, kể cả Tầm nguyên, từ cổ, điển cố, vậy mà khó lòng tìm được những chữ thông thường muốn hiểu, thường phải tự mình lục tìm đây đó trong đám sách vở hỗn loạn, hihi!
Không nhậu "gượu" được cho nên lai rai sách vở thội, hehe!
Mấy hôm nay tôi đang đọc loạt bài về phương ngữ tiếng Việt trên báo TT, vùng miền Trung, khá lý thú.
Trả lờiXóa