Ông táo
Cà ràng
Trong tín ngưỡng dân gian ai cũng biết Ông táo (Táo quân), là vị thần trông coi việc bếp núc của mỗi gia đình, Ông táo còn được dùng để gọi cái bếp lò xưa làm bằng đất sét cách nay mấy chục năm đốt bằng than, củi. Sau này tân tiến hơn thay bằng bếp dầu hôi, bếp điện, bếp ga, bếp điện từ... Cái bếp lò (ông táo) bằng đất nung ít thấy dần nhưng chắc vẫn còn nhiều người biết vì phổ biến, quê hay phố gì cách nay mấy chục năm nhà nào cũng phải xài, nay may ra còn được dùng ở những vùng thôn quê xa xôi, và vài nơi quán xá đun nấu bằng than củi, than đá cho ít tốn kém.
Còn cái từ Cà ràng, cũng để chỉ một dụng cụ dùng để nấu ăn làm bằng đất sét nung như ông táo, chắc ít người biết hơn, bởi ở phố và ngay nhiều vùng quê cũng không thấy. Trước hết từ Cà ràng không phải là từ Hán Việt hay thuần Việt, đó là một từ ngữ được phiên âm từ tiếng Miên. Người Miên gọi là Chăng kran, Choeung kran, người Việt vùng Nam bộ kêu là Cà ràng. Ông táo và cà ràng chỉ là cái bếp lò để nấu ăn và chủ yếu cũng nấu bằng củi, nhưng tại sao hình dạng khác nhau, có phải ông táo được làm theo kiểu của người Việt còn cà ràng làm theo kiểu của ngừi Miên chăng? Có thể là như thế, nhưng một lần đi chơi về vùng quê Cà Mau, được nhìn và nghe người dân quê giải thích mới rõ tại sao có sự khác biệt.
Ông táo là loại bếp chỉ được dùng ở trên bờ, nơi khô ráo, hình thù tròn, nhỏ, bởi ông táo được nấu chủ yếu bằng củi nên khi cây củi cháy dở dang có rớt ra ngoài trên nền nhà bằng đất cũng không sao. Còn cà ràng được dùng ở những nơi hay bị lũ lụt, nước ngập nơi vùng quê Nam bộ, và dưới ghe thuyền. Những nơi hay bị ngập lụt không đặt cà ràng dưới đất để nấu ăn, mà phải đặt lên trên một cái bàn đóng bằng tre, gỗ (như cái bệ bếp xây gạch ở thành phố), nếu dùng ông lò để nấu, lỡ cây củi cháy dở rớt lên bàn tre gỗ sẽ cháy. Dưới thuyền gỗ cũng thế, cái cà ràng có hình thù hơi thấp, dài, cây củi sẽ nằm gọn trong đó, cây củi sẽ cháy hết từ đầu đến đuôi không rớt đi đâu được.
Việc đơn giản như thế mà mãi già đầu mới biết.
--> Read more..