Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012
Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012
Kết mâm trái cây ngày lễ tết.
Hoa quả ngày tết có đủ loại, nhiều là thế nhưng thường thì chỉ có mấy loại quả được ưa chuộng trưng bày, nhất thiết phải có quả dưa, được trưng bày riêng rẽ trên bàn thờ hay mâm cúng, trên quả có dán miếng giấy đỏ viết chữ Nho thường là mấy chữ có ý nghĩa Phước, Lộc, Thọ, Hưng, hay Đại cát..., quả dưa nghe nói do cách phát âm của người miền Nam từ chữ Dư, dư giả mà thành, ngày đầu năm ai cũng muốn cho gia đình được dư giả, ruột dưa màu đỏ là màu của may mắn, hoặc hoa Mai đọc trại từ chữ May là may mắn, bánh Tét gói ngày Tết là từ chữ Tết...
Ngày xưa mâm ngũ quả của người từ miền Bắc vào trong Nam tôi hay thấy có chuối và cam, nhưng mâm ngũ quả của người miền Nam lại không có, cũng bởi cách phát âm chữ chuối na ná chư "chúi", chúi nhủi, chẳng ai muốn đầu năm chúi nhủi cả, còn chữ cam là cam khổ, cam go... hay "quít làm cam chịu"..., người miền Nam mê trái sầu riêng là thế, tết cũng thấy có nơi bán nhưng chắc chắn trái này bán không chạy, ngày tư ngày tết chẳng ai muốn ôm mối... sầu riêng vào lòng. Tựu trung thì mâm trái cây ngày tết không thể thiếu: Mãng cầu hoặc quả Na (miền Nam cũng gọi là mãng cầu) với ý nghĩa là Cầu, tiếp đến trái Dừa (cũng do cách phát âm, được hiểu là Vừa), Đu đủ là đủ, Xoài (hiểu là xài), Cầu vừa đủ xài, thêm một thứ trái cây nữa cho đủ 5, là trái Thơm (quả dứa) cho nhà cửa thêm thơm thảo, hay trái Sung có ý nghĩa Sung túc nhưng cũng có kẻ nói là... sung độ . Bây giờ người ta khôi hài thêm "líp ba ga", cầu xài líp ba ga... .
Trở lại mâm kết bằng trái cây trong những ngày lễ tết của người dân Nam bộ, mâm cũng gồm các loại trái cây có ý nghĩa như trên, nhưng được kết rất công phu, cầu kỳ, thường lấy Tứ linh, hay các điển tích xưa làm chủ đề. Mâm kết bằng trái cây xưa thường chỉ được làm trong những ngày lễ, tết, đặt ở đình, chùa, đền, miếu... để dâng lên thần thánh, hoặc trong ngày trọng đại của gia đình như hiếu hỷ... đặt trên bàn thờ gia tiên. Trái cây được kết thành rồng, phượng, lân, qui, cá hoá long, với lưỡng long tranh châu, long phụng giao duyên... Người xưa công phu khéo tay cầu kỳ là thế nhưng hình như ít sáng tạo, quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là tứ linh với vài ba điển tích, nếu kết trái cây kết hợp thêm với hoa thành những công trình kiến trúc hoặc cảnh đẹp nổi danh trong nước hay thế giới, hay những bức tranh ảnh có lẽ sẽ hay và phong phú hơn nhiều...
Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012
Nhâm Thìn 2012.
Người ta nói "trai Nhâm gái Quý", tức là sanh con trai trong năm Nhâm và sanh con gái trong năm Quý là rất tốt, chính xác hơn "Trai Nhâm Tý/ Gái Quý Mùi", con trai mà tuổi Nhâm Tý, con gái tuổi Quý Mùi cực tốt, xưa ông Nguyễn Văn Thiệu tuổi Nhâm Tý từng làm Tổng Thống, nhưng chẳng biết tốt ra sao mà chưa đến cuối đời đã phải bỏ cả ấn kiếm chạy te...
Tròn sáu mươi năm mới trở lại năm Nhâm Thìn, tính theo hệ thống khá phức tạp của lịch Á đông thì gọi là một Hoa Can. Chi là một Giáp 12 năm tượng trưng bởi 12 con vật bao gồm: Tý, Sửu, Dần, Mẹo (Mão, với người Việt là con mèo nhưng với người Hoa lại là con thỏ), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Giờ Tý là nửa đêm (12 giờ khuya), giờ Sửu là 2 giờ khuya, giờ Dần là 4 giờ sáng, giờ Mẹo là 6 giờ sáng, giờ Thìn là 8 giờ sáng, giờ Tỵ là 10 giờ sáng, giờ Ngọ là 12 giờ trưa (người ta hay nói đúng Ngọ), giờ Mùi là 2 giờ trưa, giờ Thân là 4 giờ chiều, giờ Dậu là 6 giờ chiều, giờ Tuất là 8 giờ tối, và giờ Hợi là 10 giờ tối. Trong hệ thống tính tuổi Á đông còn một từ nữa gọi là Can, gồm 10 Can: Giáp, Ất (hành mộc), Bính, Đinh (hành hoả), Mậu, Kỷ (hành thổ), Canh, Tân (hành kim), Nhâm, Quý (hành thuỷ). Không biết có phải con rồng thuộc hành thuỷ hay sao (người ta cũng gọi lốc xoáy khi trời giông là vòi rồng), mà năm Thìn thường hay xảy ra bão lụt, trong miền Nam đã từng xảy ra những trận bão lụt năm Thìn gây tàn phá thiệt hại nặng nề là trận bão lụt năm Giáp Thìn 1904, và trận bão lụt năm Nhâm Thìn 1952...
Trong hệ thống triết học cổ khá rắc rối Trung Hoa còn khái niệm Ngũ hành, đó là 5 nguyên tố cơ bản của sự sống là: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Trong mối tương quan thì Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, và Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. Ngày xưa cũng chỉ vì chuyện xung khắc xem ra có vẻ rất mơ hồ này mà nhiều cặp không thể nên duyên vợ chồng, trước khi kết hôn người ta coi chuyện hợp tuổi, hợp mạng kỹ ghê lắm...
Sáu mươi năm lại trở lại Nhâm Thìn, năm nay đúng năm tuổi Nhâm Thìn của tôi đây .
Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012
Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012
Ngộ nghĩnh đầu năm.
Có lẽ là do một Fan ái mộ nào đó của anh chàng lập thờ.
29 Tết.
Hôm nay đã 29 Tết, năm nay năm thiếu không có ngày 30 nên 29 là ngày cuối cùng của một năm, một tuần lễ chộn rộn chạy tới chạy lui đã qua, người Việt có tục ngày cuối năm nay này làm một mâm cơm đón ông bà, những người thân đã khuất về ăn Tết với gia đình, con cháu... Một tục lệ để con cháu không quên ông bà, cha mẹ, những người thân đã không còn...
Theo tục lệ đưa rước ông bà thì ngày cuối năm (30, hoặc 29 ta) gia chủ sắm sửa trái cây, hương hoa, làm một mâm cơm nhỏ có thể chay hoặc mặn tuỳ hỷ, đúng ngọ mời những người thân đã khuất về sum họp trong những ngày Tết, có cả bài văn khấn đàng hoàng, đại khái gia chủ xưng tên tuổi, địa chỉ (số nhà, phường xã, quận huyện, thành phố đang ở, cả tên đất nước đang sinh sống), sau đó mời Tổ tiên, ông bà, những người thân cùng về ăn Tết... Trong ngày cuối năm này người ta cũng mời Ông Táo trở về coi sóc lại nhà cửa, sau một tuần lễ về chầu Thiên đình... Trong 3 ngày Tết mùng 1, mùng 2, mùng 3 thì gia chủ cũng phải làm một mâm cơm, thường con cháu ăn gì thì cúng nấy, đến ngọ mời ông bà, người thân về hưởng, và ngày mùng 3 là ngày gia chủ tiễn đưa ông bà, người thân trở về cõi khác...
Trước đây chỉ có những người theo đạo Phật hoặc thờ ông bà mới cúng đưa đón Tổ tiên như thế, còn bên đạo Thiên Chúa thì không, nhưng thời gian sau này bên Thiên Chúa cũng đã cho bày hương hoa, bàn thờ ông bà, cha mẹ, nơi bàn thờ Tôn giáo, bây giờ tôn giáo đã có phần hoà đồng, người theo đạo Thiên Chúa cũng có tổ chức 49, 100 ngày tưởng nhớ người thân đã khuất...
Đối với người theo Phật giáo hoặc thờ ông bà thì giao thừa cũng có một mâm cúng nữa, cũng hương hoa, cây trái, bánh chưng bánh tét (như hình bên cạnh), mâm cúng này thường đặt ngoài trời, trước cửa nhà, đến sát giờ giao thừa khoảng 5, 10 phút thì gia chủ đốt hương đèn, cúng giao thừa là cúng trời đất vào phút giao mùa, cầu xin cho đất nước thái bình, nhà nhà yên vui, trong nhà khoẻ mạnh, hạnh phúc...
Đón đưa ông bà về ăn Tết cùng con cháu, và cúng giao thừa thiết nghĩ cũng là một nghĩa cử, một hành động tốt đẹp đối với Tiền nhân, đất trời...
Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012
TẾT.
Bàn thờ Tổ Tiên.
Bàn thờ Phật Quán Thế Âm.
Bàn thờ này không biết thờ gì? Có lẽ theo phong tục người Hoa.
Bàn thờ Ông Địa, Thần Tài.
Cây mai vàng nắng phương Nam.
Một góc nhà.
Một góc khác.
Chai rượu ngày Tết.
Sang bên nhà Toro thấy đã có không khí Tết với thư pháp chữ Nho đàng hoàng do chính chủ nhân viết để treo trong nhà và tặng bạn bè ngày Tết, tranh vẽ của con cái... Thật đầm ấm và có ý nghĩa Tết. Người mình bây giờ ăn nhiều cái Tết cổ truyền, Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng), Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 ta), Tết Trung Thu (rằm tháng 8)... Nhưng có lẽ nói đến Tết ai cũng nghĩ ngay đến Tết Nguyên Đán, cái Tết rộn ràng nhất để đón mừng một năm mới theo âm lịch.
Ở một thành phố thuộc loại nhộn nhịp nhất nước như Saigon thật ra ngày Tết lại là những ngày thong thả, đường phố vắng vẻ hẳn, xe cộ ra đường ít đi, nhiều cửa hàng cửa tiệm đóng cửa... Bởi lẽ nhiều người đến thành phố này làm việc, kiếm sống... đã trở về quê vui Tết cùng gia đình, nhưng đồng thời cũng đón nhận nhiều người Việt xa xứ, xa quê hương trở về đón Tết với gia đình, người thân, bạn bè... Và không một ai, một gia đình nào, dù bận bịu đến đâu, khá giả hay nghèo khó lại không đón Tết... Người ta mong một năm cũ qua đi, năm mới đến sẽ mang lại nhiều hạnh phúc...
Gia đình tôi cũng thế, bên ngoại (của bà xã) đã định cư hết ở nước ngoài, bà xã tôi ở lại, thừa hưởng tất cả những bàn thờ của ông bà cụ, bàn thờ Tổ tiên, bàn thờ Phật Quán Thế Âm, bàn thờ gì nữa không rõ, bàn thờ Ông Địa, Thần tài, Ông táo... Rồi theo nếp nhà cứ thế mà tiếp tục, ngày Tết bắt đầu từ rằm tháng chạp đã mua sắm lai rai, những gì để được lâu sắm trước, bây giờ vào siêu thị là tiện nhất... Qua 23 đưa ông Táo không khí Tết đã nhộn nhịp, đi chợ hoa, tiếp tục mua sắm, nhà có mấy người mà năm nào cái gì cũng đầy nhóc, gạo phải đầy thùng, mắm muối dầu đường thì ôi thôi, có lẽ ăn phải nửa năm mới hết... Bà xã nói ngày Tết không được thiếu cái gì "dông" cả năm. Nhà có nhiều bàn thờ thừa hưởng từ nếp cũ, có thờ có thiêng có kiêng có lành, ông bà mình đã nói thế, ngày 30 Tết (năm nay chỉ có ngày 29) là phải có mâm cơm, hoa quả đón ông bà về ăn Tết với con cháu, 3 ngày Tết phải cúng cơm, ngày 30 cũng phải đón ông Táo trở về nhà..., đầy đủ lễ bộ... Trong nhà không thể thiếu cây mai nở vàng như nắng phương Nam, cây quất..., hoa đã mua nhưng mai mới bắt đầu cắm vào bình...,
Trong mấy ngày Tết thường gia đình người Việt mình đến thăm và chúc Tết nhau, con cái chúc Tết cha mẹ, anh em, bạn bè chúc Tết nhau... thể nào cũng có bánh mứt, mâm cơm, bia rượu... Trong nhà tôi cũng thế, thường mùng 2 là gia đình họp mặt, ông bà con cháu, năm nay nghe cu cậu con trai nói sẽ dắt cô bạn người Anh ghé ăn Tết cho biết tục lệ của người Việt...
Một tuần lễ trước Tết bắt đầu từ 23 đưa ông Táo là ai cũng tất bật, mệt, nhưng mà vui, chứ như cái xứ... Congo nghe nói chẳng có ngày Tết, thật chán...
Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012
Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012
Lễ tết.
Cuối năm theo lệ tôi thường đi lòng vòng đủ mọi nơi với chiếc máy chụp hình, chủ yếu để nhìn ngắm những cảnh mà ngày thường không có. Bắt đầu từ rằm tháng chạp là những chùa Tàu trong Chợ Lớn, khu vực có nhiều người Hoa sinh sống xưa nay, để nhìn ngắm những nhang cây, nhang vòng, và cảnh khói hương nghi ngút. Trễ hơn một chút đến khoảng 20 ta là loanh quanh đường phố, đến một vài bến sông xem ghe thuyền chở hoa trái từ miền Tây lên bán tết, rồi tiếp đến "phố ông đồ" viết chữ loằng ngoằng gọi là thư pháp... 23 tháng chạp trở đi, bắt đầu ngày đưa ông Táo về chầu giời là có chợ hoa, tha hồ mà xách máy đi chụp hình...
Sáng nay tôi ghé đền Đức thánh Trần Saigon, chụp một ít hình lễ tết. Cuối năm sau những ngày tháng làm ăn bận rộn, ơn Thánh, ơn Giời mọi chuyện tốt đẹp, được khoẻ mạnh, nhà cửa yên vui, người ta lại sắm sửa chút lễ tạ ơn thần thánh, gọi là một chút lòng thành đối với tiền nhân, dịp này cũng có những người có con nhỏ đem đến "khoán" cho thánh, để mong con cháu được khoẻ mạnh, giỏi giang... Cũng là một nét văn hoá xưa thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, có thờ có thiêng, có kiêng có lành của người dân mình...
Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012
Cuối năm nói chuyện Bóng đá.
(TNO) Hôm nay 12.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để bảo đảm Giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
|
Trong công văn số 268/VPCP - KGVX gửi cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nêu rõ: Xét báo cáo của Văn phòng chính phủ về vấn đề truyền hình Giải bóng đá quốc gia, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến yêu cầu như sau:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo việc thanh tra Hợp đồng bản quyền truyền hình về Giải bóng đá quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo giải quyết các vướng mắt để bảo đảm Giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
|
Như vậy, quan điểm của VPF là các trận đấu của Super League kể từ vòng đấu thứ 3 vào cuối tuần này sẽ vẫn phải để cho các đài truyền hình trung ương, địa phương tự do ghi hình phục vụ người hâm mộ đã được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ sáng nay, VPF đã nêu ra những điểm mà công ty này cho rằng không phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật xung quanh hợp đồng bản quyền truyền hình giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG).
Trong công văn kể trên, phía VPF có nêu 2 lý do dẫn tới việc họ kiến nghị xem xét lại hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giữa VFF và AVG.
|
Thứ nhất, “VFF chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp”.
Thứ 2, "Vào thời điểm ký Hợp đồng ngày 8.12.2010, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật".
Từ những vấn đề trên, VPF đề nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo các Bộ, ngành kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng bản quyền truyền hình.
Trong thời gian chờ đợi các cơ quan quản lý nhà nước xem xét và có kết luận, VPF cũng đề nghị Thủ tướng cho phép VTV, VTC đưa tin và truyền hình các trận đấu do VPF tổ chức.
Sơn Tùng
Tôi là một tên khá mê bóng đá từ nhỏ, nhà ở gần sân Cộng Hoà mà bây giờ là sân Thống Nhất, hay được ông cụ tôi dắt đi xem. Ngày xưa ấy khoảng thập niên 60, cho đến giữa thập niên 70 là những đội bóng Quan Thuế, Thương Khẩu, Ngôi Sao Gia Định, Tổng Tham Mưu, Cảnh sát quốc gia... với những tên tuổi và những đôi chân tài hoa lừng lẫy một thời, Há, Ngầu, Rỏn... Vinh đầu sói, Ngôn, Thuận, Tam Lang, Mộng, Tư Lê, Thà... và những thủ môn như Đực 2, và Rạng... nhất là thủ môn Rạng nhiều năm liền là thủ môn chính cho đội tuyển Việt Nam (đội tuyển miền Nam thời đó) đã được báo chí vinh danh là "Lưỡng thủ vạn năng", nghĩa là bắt bỏng bổng bóng sệt gì cũng "hết sẩy"...
Sau năm 75 những năm đầu tôi cũng vẫn còn hay đến sân theo dõi, nhất là những trận đấu của những đội bóng thuộc 2 miền đất nước, miền Bắc thời đó có Tổng Cục Đường Sắt, Câu Lạc Bộ Quân Đội (Thể Công), Công An Hà Nội, Than Quảng Ninh, Quân khu Thủ đô... với những tên tuổi cũng nổi danh không kém như Chính, anh em nhà Thế Anh, Cao Cường... Thủ môn Khánh... và những đội ở miền Nam thời gian này có Hải Quan (có anh em Cù Sinh, Cù Hè, Cang...), Cảng Saigon (có Tam Lang, Thà, Tư Lê...), Hoá Chất (có Tư Béo), Công nghiệp Thực phẩm (có Hoàng Latô, còn biệt danh khác là Hoàng cá lóc)... Những trận bóng thời ấy sân bóng chật ních người, thường phải mua vé chợ đen gấp mấy lần...
Thời đó bóng đá chưa mang danh "chuyên nghiệp" như bây giờ, cầu thủ lúc ấy đá bóng vì niềm đam mê, chẳng thấy có trường lớp huấn luyện bài bản gì hết ráo (nhất là trước năm 75 ở miền Nam), không có chuyện lãnh lương bạc triệu, chuyển nhượng bỏ túi bạc tỉ như bây giờ... Cầu thủ lúc đương thời có lẽ cũng chỉ đủ sống, thêm được cái có ăn nhậu... thường cầu thủ xuất thân từ tầng lớp lao động nông thôn hoặc thành phố, lúc trẻ đã đi theo cái "nghiệp" đá bóng, ít được học hành hoặc có nghề nghiệp chuyên môn... khi không còn đá bóng cũng chẳng biết làm gì, ở miền Nam có những cầu thủ nổi tiếng một thời lúc về già chết trong bệnh tật và nghèo khó không nhà không cửa...
Vậy mà thời đó đội miền Nam đá hay lắm (hình như đội tuyển miền Bắc cũng thế), thời đó mình đâu có ngán Nhật Bổn, Hồng Kông, Thái Lan, xá gì Indo, Mã Lai hay Miến Điện... Kể cả Đại Hàn hoặc Do Thái... Nhưng mà chuyện đã xưa rồi, nửa thế kỷ chứ chẳng chơi...
Bóng đá bây giờ đã mang danh chuyên nghiệp cả chục năm nay, đặt cả chỉ tiêu lọt vào vòng chung kết cúp bóng đá Thế giới, cầu thủ lãnh lương... khủng, mấy chục triệu một tháng, chuyển nhượng bỏ túi bạc tỉ... đi xe hơi "đờ luých" như đại gia... Nhưng bản thân bóng đá thì... bạc nhược, với quốc tế thì lặn hụp nơi vùng trũng Đông Nam Á, với Thái Lan, Mã Lai, Indo, Miến Điện... cũng còn chưa qua mặt nổi, nói chi đến Đại Hàn, Nhật Bổn... Còn sân bóng trong nước thì ôi thôi, có những trận bóng giải quốc gia mà số khán giả còn ít hơn những người tổ chức trận bóng...
Mà do đâu bóng đá lại xuống dốc thảm hại như thế, cứ nhìn cuộc tranh chấp chỉ một cái của bóng đá là về bản quyền truyền hình giữa VPF mới thành lập của các ông bầu đội bóng để điều hành giải quốc gia, và các quan chức VFF thì rõ. Bao nhiêu năm những người như thế của VFF đã điều hành nền bóng đá "đỉnh cao" của quốc gia bằng những cái đầu của quan chức hương xã, và bằng những... lệ làng, trách sao bóng đá lại không tuột dốc thảm hại...
Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012
Phát ấn đền Trần.
Phát ấn đền Trần trong nửa tháng
TT - Theo kế hoạch của TP Nam Định, sau lễ khai ấn đêm 14 tháng giêng, lễ phát ấn sẽ diễn ra từ sáng 15 đến hết tháng giêng - đó là thông tin do ông Nguyễn Xuân Hoạt, trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp (Nam Định), chia sẻ với Tuổi Trẻ chiều 9-1.
Ông Hoạt cho biết: “Lễ hội đền Trần năm nay chỉ có một lượng ấn nhất định, vì theo quan niệm ấn phải được đóng vào thời điểm cụ thể chứ không thể đóng tràn lan. Tuy nhiên, ban tổ chức lễ hội đền Trần sẽ cố gắng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách”.
Trước đó, TP Nam Định đứng trước ít nhất ba phương án phát ấn: phát trong ba ngày, phát từ 15 đến hết tháng giêng và phát ấn trong cả năm. Tuy nhiên theo ông Hoạt, kế hoạch phát ấn trong 15 ngày cuối tháng giêng vẫn hợp lý hơn cả.
Về phương án phát ấn trong cả năm theo như đề xuất của Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN, ông Hoạt cho hay nếu dùng ấn đền Trần như một vật kỷ niệm cần phải nghiên cứu kỹ hơn, trải qua các cuộc hội thảo và tiến tới sự đồng thuận giữa ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và người dân.
Copy từ Tuổi Trẻ Online, tại sao người ta lại cố gắng duy trì chuyện phát ấn đền Trần như thế? Năm trước thấy báo chí nói còn phát cả lương (lương thực) chứ không chỉ có ấn. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ngày xưa chẳng có chuyện vua quan ban phát dấu ấn... đại trà như thế. Ấn là vật quan trọng, tôn kính, chỉ được dùng trong việc nước, phép vua, đâu có chuyện đóng tràn lan. Năm cũ hết thời gian nghỉ ăn tết vua quan phải làm lễ để cất ấn, ra giêng trước khi sử dụng phải chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ khai ấn, làm gì mà đóng mấy vạn cái phát cho dân. Thật ra đây là chuyện bán ấn chứ không phải phát không, thậm chí còn có chuyện mua đi bán lại dấu ấn, và có cả dấu dỏm. Và người dân chen chúc dẫm đạp lên nhau như hình chụp trên báo của mấy năm trước, để cố mua cho được một dấu ấn để làm gì? Nghe nói để cầu may thăng quan tiến chức.
Cũng nghe nói người ta thu được tiền tỷ từ việc bán ấn này, thảo nào mà người ta cứ nhất quyết phải... phát ấn.
Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012
Nhìn từ cuộc sống.
Bản nhạc thiếu nốt
TT - Từ ngày 1-1-2012, ra chợ gần nhà cũng nghe xao xác tiếng người dân, tiếng tiểu thương nói chuyện chiếc túi nilông. Từ giữa năm 2011 đến nay, giới doanh nghiệp sản xuất túi nilông đã hối hả gửi biết bao nhiêu đơn và công văn đến cơ quan chức năng chỉ để hỏi về túi nilông.
>> Hạn chế túi nilông, cần sản xuất sản phẩm thay thế
>> Kẻ trông, người bảo chờ
>> Rối bời vì túi nilông tăng giá
Và từ rất lâu hơn nữa, giới khoa học môi trường Việt Nam cùng các sở ngành đã phải bận lòng nghiên cứu để tìm ra một tiêu chí cụ thể cũng chỉ cho những chiếc túi nilông! Tất cả lao xao, tìm tòi, thắc mắc và cả rối bời ấy cùng bắt nguồn bởi sự ra đời của một quy định rất hay nhưng quá mập mờ.
Theo quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường, từ ngày 1-1-2012 ngoại trừ túi nilông đạt tiêu chí thân thiện với môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường, tất cả loại túi nilông khác sẽ đều chịu mức thuế 30.000-50.000 đồng/kg túi. Quy định này chính là nốt nhạc đồng hành cùng mục tiêu của chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được phê duyệt là đến năm 2015 Việt Nam sẽ giảm 40% lượng túi nilông so với năm 2010.
Thế nhưng bản nhạc “giảm túi nilông, bảo vệ môi trường” ấy chợt lục cục và đứt đoạn bởi những nốt nhạc mấu chốt chưa được trả lời thỏa đáng mà đúng ra phải có từ trước khi quy định đánh thuế ra đời. Thế nào là túi nilông thân thiện với môi trường? Người dân không biết. Thế nào để được chứng nhận túi nilông do mình sản xuất đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, để yên tâm dùng tiền đó đầu tư vào việc sản xuất túi có ích cho môi trường hơn? Không doanh nghiệp nào biết. Và quan trọng hơn, chính những nhà khoa học và cơ quan chức năng về môi trường chưa thống nhất và hoàn thiện được những nốt nhạc quan trọng và cần thiết ấy.
Không thể phủ nhận những ưu việt của túi nilông vì nhẹ, bền, rẻ tiền khi dùng để đựng thịt, cá, đi mua đồ... Nhưng cần vỗ tay hoan hô hơn khi Việt Nam đã cùng thế giới nhận ra rằng những ưu điểm ấy chính là nguyên nhân khiến túi nilông sau khi sử dụng đã trở thành loại chất thải gây ra nhiều vấn đề môi trường nan giải. Vì thế việc thay thế túi nilông truyền thống bằng loại túi thân thiện với môi trường sẽ mang lại nhiều ưu điểm. Dù rất nhiều doanh nghiệp sản xuất túi nilông thân thiện môi trường đã hoạt động, sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước nhưng ở nước ta chưa có quy định cụ thể về quy trình đánh giá và điều kiện phân tích chuẩn.
Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vì chi phí gửi mẫu sang các nước phân tích quá cao, phải chờ thời gian khá dài để có kết quả và... bất an khi không biết có tuân thủ theo quy định của Việt Nam hay không? Không biết thế nào là đạt chuẩn thân thiện môi trường, không định lượng trước việc sản xuất túi thay thế, không có đơn vị nào đứng ra chứng nhận, không phòng thí nghiệm... Tất cả chuỗi công việc buộc phải có này gần như đang là con số không tròn trĩnh ở Việt Nam.
Cần lắm một lộ trình cụ thể, khoa học để tất cả sẵn sàng cho một bản nhạc bảo vệ môi trường đúng ra rất hay nhưng đang bị thiếu nốt. Như vậy mới là nghiêm túc, mới là đáng vỗ tay nhiệt tình!
TS TRẦN THỊ MỸ DIỆU (Trường đại học Văn Lang) - BÍCH TRÂN ghi