PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Kết mâm trái cây ngày lễ tết.

Thuở còn nhỏ xíu thỉnh thoảng được đến những đình, miếu tôi đã nhìn thấy những mâm trái cây được kết rất công phu bày biện trên bàn thờ, mâm trái cây không đơn giản như mâm ngũ quả thường thấy gồm 5 loại quả bày trên mâm (số 5 là số lấy theo ngũ hành, và số 5 là số lẻ, theo cách "suy nghĩ dân gian Sinh, Lão, Bệnh, Tử" thì số 5 rơi vào cung Sinh), nhưng cũng không nhất thiết phải đúng 5 loại quả, có thể nhiều hơn 5 nhưng cũng thường là số lẻ. Miền Nam là miền nắng ấm mưa thuận gió hoà, cây trái hoa quả thường có quanh năm, trước là "mùa nào trái nấy", nhưng bây giờ các loại cây trái thường có quanh năm, do nhà vườn lai tạo, nhập giống mới, hoặc dùng phương pháp chiếu sáng, bón hay xịt thuốc hoá học...
Hoa quả ngày tết có đủ loại, nhiều là thế nhưng thường thì chỉ có mấy loại quả được ưa chuộng trưng bày, nhất thiết phải có quả dưa, được trưng bày riêng rẽ trên bàn thờ hay mâm cúng, trên quả có dán miếng giấy đỏ viết chữ Nho thường là mấy chữ có ý nghĩa Phước, Lộc, Thọ, Hưng, hay Đại cát..., quả dưa nghe nói do cách phát âm của người miền Nam từ chữ Dư, dư giả mà thành, ngày đầu năm ai cũng muốn cho gia đình được dư giả, ruột dưa màu đỏ là màu của may mắn, hoặc hoa Mai đọc trại từ chữ May là may mắn, bánh Tét gói ngày Tết là từ chữ Tết...
Ngày xưa mâm ngũ quả của người từ miền Bắc vào trong Nam tôi hay thấy có chuối và cam, nhưng mâm ngũ quả của người miền Nam lại không có, cũng bởi cách phát âm chữ chuối na ná chư "chúi", chúi nhủi, chẳng ai muốn đầu năm chúi nhủi cả, còn chữ cam là cam khổ, cam go... hay "quít làm cam chịu"..., người miền Nam mê trái sầu riêng là thế, tết cũng thấy có nơi bán nhưng chắc chắn trái này bán không chạy, ngày tư ngày tết chẳng ai muốn ôm mối... sầu riêng vào lòng. Tựu trung thì mâm trái cây ngày tết không thể thiếu: Mãng cầu hoặc quả Na (miền Nam cũng gọi là mãng cầu) với ý nghĩa là Cầu, tiếp đến trái Dừa (cũng do cách phát âm, được hiểu là Vừa), Đu đủ là đủ, Xoài (hiểu là xài), Cầu vừa đủ xài, thêm một thứ trái cây nữa cho đủ 5, là trái Thơm (quả dứa) cho nhà cửa thêm thơm thảo, hay trái Sung có ý nghĩa Sung túc nhưng cũng có kẻ nói là... sung độ . Bây giờ người ta khôi hài thêm "líp ba ga", cầu xài líp ba ga... .
Trở lại mâm kết bằng trái cây trong những ngày lễ tết của người dân Nam bộ, mâm cũng gồm các loại trái cây có ý nghĩa như trên, nhưng được kết rất công phu, cầu kỳ, thường lấy Tứ linh, hay các điển tích xưa làm chủ đề. Mâm kết bằng trái cây xưa thường chỉ được làm trong những ngày lễ, tết, đặt ở đình, chùa, đền, miếu... để dâng lên thần thánh, hoặc trong ngày trọng đại của gia đình như hiếu hỷ... đặt trên bàn thờ gia tiên. Trái cây được kết thành rồng, phượng, lân, qui, cá hoá long, với lưỡng long tranh châu, long phụng giao duyên... Người xưa công phu khéo tay cầu kỳ là thế nhưng hình như ít sáng tạo, quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là tứ linh với vài ba điển tích, nếu kết trái cây kết hợp thêm với hoa thành những công trình kiến trúc hoặc cảnh đẹp nổi  danh trong nước hay thế giới, hay những bức tranh ảnh có lẽ sẽ hay và phong phú hơn nhiều...

11 nhận xét:

  1. PNH biết nhiều về phong tục chưng bày hoa trái quá nhỉ. Bạn đúng là người Việt chân chính. Người miền trung ngày giổ tết không thể thiếu nải chuối. Có lúc nải chuối lên tới 8 trăm ngàn. Tết này bà xã bu ở Vũng Tàu mua nải chuối chỉ 30 ngàn thôi, không hiểu tại sao lại rẻ thế, hóa ra người nam cho rằng chuối là chúi ..bây giờ mới biết lý do chuối rẻ hihihihi

    Trả lờiXóa
  2. @bulukhin, người... già ưa để ý ba cái lăng nhăng này bác Bu ơi, người miền Nam hay nói "Trước cau sau chuối", tức là trước nhà thì trồng cau, thân cau thẳng tắp vươn cao cho buồng trái xum xuê, còn chuối là chúi nhủi chẳng ai muốn, hìhì!

    Trả lờiXóa
  3. Hôm 28 Tết trong lúc Marg loay hoay nấu nướng , OX sắp mâm cúng ngủ quả đã lấy trái khế chua chêm vào các khe hở giữa các trái cầu dừa đủ xoài sung cho chúng được yên vị . Ối giời ôi . hihi ...

    Trả lờiXóa
  4. @bangtamngt, haha, vậy là OX thuộc týp đợt sóng mới chứ không phải XO (-:

    Trả lờiXóa
  5. @bangtamngt, vậy cũng hay lắm nha, mấy trái kia ngọt, chát, thêm trái khế chua là đủ vị (-:

    Trả lờiXóa
  6. Nếu được khế ngọt thì hay quá."Quê hương là chùm khế ngọt mà"
    Còn khế chua thì các cụ hiểu cho con cháu sống được cũng chua cay lắm

    Trả lờiXóa
  7. @bulukhin, Chua mặn chát ngọt bùi đủ vị giống như xực lẩu mắm mới ngon bác Bu ơi :-)

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là nhìn mãi cũng tẻ, kết sao cho nó thiên nhiên thì mới mẻ hơn anh H nhỉ?!
    Ngũ quả ngày Tết ngoài Bắc không cầu ký như thế nhưng rất được chăm chút vì đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ. Đầu tiên là phải có nải chuối xanh, chuối tiêu mới đẹp vì quả nó dài, cong, sau đó là bưởi, rồi những trái có màu sắc như phật thủ, cam quýt... không nhất thiết là 5 loại.
    Vì vậy, nhà nghèo quá người ta nói Tết không mua nổi nải chuối xanh, chưa có nải chuối xanh, chưa có mâm ngũ quả thì chưa phải là Tệt

    Trả lờiXóa
  9. @toero, đấy là do cái... bảo thủ, ông bà truyền lại bi nhiêu xài bấy nhiêu. Bởi vậy chẳng có gì đúng cả phải không Toro?

    Trả lờiXóa
  10. Ông Xuân Diệu có lần nói "nghèo quá hóa thiêng liêng" nghĩ cũng có lí

    Trả lờiXóa
  11. @bulukhin, "giàu có sinh lễ nghĩa", còn "nghèo quá hoá thiêng liêng", hìhì!

    Trả lờiXóa