PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Muốn nghe quan họ ....

Chủ Nhật, 05/02/2012, 07:37 (GMT+7)

“Muốn nghe quan họ, đừng về Hội Lim”?

TT - Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã xót xa thốt lên như vậy sau mấy mùa đi Hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) trở về.

“Diễu hành quan họ” để lập kỷ lục - Ảnh: Hà Hương

Hội Lim năm 2012 vào chính hội ngày 13 tháng giêng âm lịch (tức ngày 4-2), tỉnh Bắc Ninh đã tỏ ra quyết liệt dứt điểm vấn nạn ăn xin, chèo kéo du khách... Nhưng câu "người ở đừng về" oang oang đến vô duyên bằng loa mở hết công suất liệu còn níu nổi chân người?

"Chị Hai nhí" xin tiền

Rét căm căm. Trong một lán trại sơ sài, cô bé Mai Chi 3 tuổi vừa run vừa lập bập hát mấy câu quan họ. Nếu quên lời thì có hẳn một liền chị cầm micrô ngồi sau hát lấp vào. Cứ thế, một buổi sáng Mai Chi diễn đến mấy lượt. Trước mỗi lần biểu diễn của bé Mai Chi, một liền anh lớn tuổi giới thiệu: Ở làng quan họ chúng em, cháu bé 3 tuổi biết mặc áo mớ ba mớ bảy cũng được gọi là liền chị. Sau đây đến phần trình diễn của "chị Hai nhí", kính mong quý khách vui lòng ủng hộ.

Trong lớp áo mỏng, "chị Hai nhí" một tay cầm nắm tiền, tay cầm micrô hát điệu giao duyên mà khuôn mặt vẫn chưa hết ngơ ngác. Sau mỗi tiết mục của bé Mai Chi, lán của CLB quan họ Thôn Lương, xã Tri Phương đông hẳn so với các lán bạn, số tiền khách bỏ vào cơi trầu cũng nhiều hơn. Tranh thủ lúc đông khách, một liền chị cầm cơi trầu đi dạo qua để vừa mời trầu vừa xin tiền du khách. Ở giữa lán, một chiếc nón quai thao cũng được ngả ra, phần để trầu, phần để tiền của du khách.

Một "chị Hai nhí" mới 3 tuổi, hát đôi ba câu quan họ chưa rành lại trở thành giọng ca chính cho buổi biểu diễn của một CLB xứ quan họ. Không mấy ai thương "chị Hai" rét co ro, ngơ ngác đứng hát. Chỉ thấy mọi người vỗ tay rồi hào hứng chạy vào lán, nhét vào tay cô bé tờ 5.000, 10.000, cao nhất là 20.000 đồng. Nhiều người còn đứng hẳn phía ngoài, cầm tờ tiền vẫy vẫy để "chị Hai nhí" ra nhận. Lúc nhiều quá thì người lớn, liền anh, liền chị ngồi sau còn ra nhận giúp hoặc lúi húi nhặt tiền "chị Hai nhí" đánh rơi dưới chân. Chứng kiến toàn bộ buổi diễn, chị Thanh Vân (Hà Nội) chỉ còn biết thở dài: "Tôi thấy chả khác hình ảnh của mấy em bé bị lợi dụng đi ăn xin ngoài phố. Không biết bố mẹ cháu bé ở đâu?".

Từ Hội Lim thành... hội chợ

Tâm lý đông thì vui khiến nhiều người chen chúc, mỏi mệt trên đồi Lim ngày chính hội 13 tháng giêng. Ở mỗi lán quan họ, loa mở hết công suất "quyết không thua kém lán bạn". "Chưa kịp nghe hết câu quan họ bên lán này thì câu hát bên lán kia "nhảy" vào tai. Tân cổ giao duyên đều có cả" - chị Xuyến (Bắc Ninh) than thở. Càng về trưa, đồi Lim chẳng khác gì cái hội chợ bởi tiếng người nói lao xao, loa phát thanh của huyện phát các bài hát mới về quan họ, lán quan họ cũng mở loa, rồi thêm cả loa của dân phòng đi kiểm tra nhắc nhở đội bán hàng rong...

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: "Hội Lim ngày xưa đơn giản chỉ là những liền anh liền chị gặp nhau tìm hiểu, hát chung nhẹ nhàng, tình cảm chứ đâu vỡ ra như cái chợ trời thế này. Nhiều người đến quậy tí cho vui chứ cũng chẳng cần biết quan họ thế nào".

Cũng trong sáng 13 tháng giêng, kỷ lục nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát quan họ đã được xác lập. Hơn 3.000 người được chia thành bốn đội cùng hát đồng ca các bài: Khách đến chơi nhà, Mời nước, mời trầu và kết thúc bằng bài Giã bạn. Một màn đồng ca khá trật tự trong vòng vây của lực lượng công an và hệ thống rào chắn kỹ càng.

Ông Nguyễn Hữu Trọng (chủ tịch Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh) cho biết: "Chúng tôi tổ chức rất nghiêm chỉnh, ngay sau khi chương trình kết thúc, các liền anh liền chị sẽ tập kết ra xe, ai về nhà nấy". Một cuộc diễu hành. Bởi theo quan sát, trừ một vài liền anh, liền chị cầm micrô hát, lực lượng còn lại chỉ có mỗi nhiệm vụ đứng trước sân khấu và... đợi xác lập kỷ lục.

Theo ông Trần Quang Ứng - trưởng ban chỉ đạo Hội Lim, buổi xác lập kỷ lục nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của quan họ theo cam kết với Tổ chức Unesco. Tuy nhiên, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cảnh báo: tỉnh Bắc Ninh không thể coi kỷ lục hàng nghìn người hát quan họ là thành quả bảo tồn di sản. Ðấy chỉ là hoạt động quần chúng hội hè vui vẻ thôi. Trách nhiệm của người quản lý là phải tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị, vẻ đẹp của quan họ là gì, chứ không phải hát quan họ đồng thanh như thế.

“Chị Hai nhí” xin tiền - Ảnh: Hà Hương

Mang câu chuyện “chị Hai nhí” đi hỏi ban chỉ đạo Hội Lim thì nhận được ánh mắt hết sức kinh ngạc: “Hoàn toàn không có chuyện đó. Người quan họ thanh lịch lắm, không làm thế đâu. Năm nay chúng tôi chỉ đạo rất kiên quyết việc ngả nón đựng tiền và các hiện tượng câu khách kiểu này”. Đưa dẫn chứng cụ thể, ban chỉ đạo Hội Lim cũng “hứa” sẽ kiểm tra và xử lý. Nhưng ghi nhận của Tuổi Trẻ cả hai ngày 12 và 13 tháng giêng, màn hát của “chị Hai nhí” vẫn diễn ra đều đặn. Những lời quan họ tình tứ vẫn cứ được truyền đi từ miệng cô bé 3 tuổi sớm bị người lớn ép thành “chị Hai”.

HÀ HƯƠNG


Bài viết  trên được copy từ Tuổi Trẻ Online ngày hôm nay (5/2/2012), lại thêm một thông tin rất đáng thất vọng về những gì được gọi là lễ hội bây giờ, mà ở đất nước ta theo ghi nhận một năm có đâu những bảy, tám ngàn lễ hội lớn nhỏ khắp nơi nơi từ Nam chí Bắc... Mới hôm qua hôm kia tôi đọc một tờ báo nói về hội vật làng Sình ở Huế, bây giờ rất đìu hiu vắng vẻ chẳng còn mấy người đến xem, trong khi những năm về trước luôn đông nghẹt người về dự, bởi vì hội vật  này đã đánh mất đi những nét lễ hội dân gian truyền thống, thay vào đó là cách tổ chức manh mún chủ yếu là để tìm cách... kinh doanh, mà thực chất là móc túi khách thập phương đến dự lễ hội. May thay người dân Huế có lẽ đa phần còn giữ được những nét truyền thống cho nên đã tẩy chay...

Nhìn lại những bài báo viết cũng mới đây trên báo TT, TN... về những lộn xộn, thiếu văn hoá, phản tín ngưỡng ở những nơi nổi tiếng ngày xưa như chùa Hương, Yên Tử... trong những ngày đầu năm, hoặc lễ phát ấn đền Trần tại những tỉnh phía Bắc (có đến 3 tỉnh tổ chức phát ấn, phát lương), mặc cho những nhà văn hoá, sử học, nghiên cứu... chỉ ra rằng cha ông ta ngày xưa chẳng bao giờ có chuyện phát ấn, phát lương (lương thực, vài hạt bắp đựng trong một cái túi) tràn lan như thế, nhất là chuyện này được hiểu là xin được một cái ấn là sẽ may mắn trong việc thăng quan tiến chức, xin được một túi lương là sẽ no đủ..., và việc phát ấn phát lương này chỉ bị biến tướng trong thời gian gần đây, khi có chủ trương nhà nước hoá lễ hội. Nhưng tại sao lại có những biến tướng ấy, có phải vì lòng thành kính đối với tiền nhân không? Có phải vì muốn gìn giữ và phát huy văn hoá không? Có phải vì để đáp ứng cái ước muốn của người dân không? (cho dù với bất cứ ai biết suy nghĩ thì đây chỉ là chuyện nhảm, tin nhảm và thực hiện nhảm), vậy thì tại sao lại thế? Và  bất cứ ai cũng có thể trả lời, tại cái nguồn thu trong chuyện này quá lớn, chỉ một lý do duy nhất ấy, và nguồn thu này đi đâu? May ra chỉ...  Đức thánh Trần mới biết!

Hội Lim như bài báo viết bên trên, và đa số những gì gọi là lễ hội được tổ chức bây giờ, có lẽ cũng không nằm ngoài cái mục đích tối thượng cuối cùng này...

18 nhận xét:

  1. Càng ngày càng biến tướng nghiêm trọng và chẳng hiểu đến bao giờ người Việt mới thôi cái gọi là "thích oai, mua oai".
    Rồi vài hôm nữa, tình cảnh xin ấn đền Trần cũng sẽ làm "ô uế" những phong tục lễ hội xưa.

    Trả lờiXóa
  2. @tudinhhuong, hội Lim Bắc Ninh, cái nôi của quan họ, người ta bây giờ có thể bán rẻ tất cả những gì thuộc về văn hoá, truyền thống của tổ tiên... :-(

    Trả lờiXóa
  3. mỗi khi muốn nghe quan họ, hát chèo, hát ru... em toàn đi tới vùng đó rồi lùng mua đĩa cd về nghe :)

    Trả lờiXóa
  4. @tienvy, như vậy cho chắc ăn, hìhì!

    Trả lờiXóa
  5. Những lễ hội truyền thống ngày xưa đang bị làm mất dần ý nghĩa bởi tính kinh doanh và lối phô trương thái quá!

    Trả lờiXóa
  6. E ko biết cái hội Lim ra làm sao. Hội chùa, hội đền, hội làng nói chung là ồn ào đinh tai nhức óc, lộn xộn ...

    Trả lờiXóa
  7. @lanvuive, lạ một điều là bây giờ 2 thứ này kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn.

    Trả lờiXóa

  8. @hanggraphic, đa số cái gọi là lễ hội bây giờ đều vậy, tạp nhạp, ồn ào, lợi dụng thần thánh, chuyện tâm linh để trục lợi... cả một xã hội lao vào cái dở, cái dỏm...

    Trả lờiXóa
  9. Tại sao người ta lại cứ lao đầu vào cái dỏm, cái dở đó ạ? Anh có biết không?

    Trả lờiXóa
  10. @tudinhhuong, thứ nhất con người bây giờ sống dễ dãi, suy nghĩ dễ dãi (hoặc lười suy nghĩ), thứ nhì là mất niềm tin, đừng nghĩ chùa chiền, đền miếu... lúc nào cũng đông nghẹt người, nhang khói nghi ngút mà nghĩ tôn giáo phát triển, con người biết hướng đến tâm linh hơn vật chất, ngược lại đấy, đa số người nhang khói là cầu vật chất chẳng nghĩ gì đến tâm linh. Người ta chen nhau ở chùa Hương, ở Yên Tử, có phải để hướng về Phật không? dẫm đạp xin cái ấn đền Trần có phải để nhớ Trần Hưng Đạo là một người có công với đất nước? và đến hội Lim kiểu này là để nghe hát quan họ? Dở và dỏm đối với họ chẳng quan trọng, họ có phân biệt được gì đâu...

    Trả lờiXóa
  11. Dạ! Anh nói đúng. Bởi vậy mà em ít khi đi chùa khi em chưa coi việc đi chùa là hướng đến tâm linh. Nhưng mỗi khi đến vùng đất nào đó, em thường đễn một, hai ngôi chùa nào đó hoặc nhà thờ chỉ thuần tuý là vãn cảnh và chụp ảnh. Em không biết khấn vái gì ngoài việc xin Trời Phật ban sức khoẻ.

    Phải nói là con người ta bây giờ quá tham lam và dễ dãi.

    Trả lờiXóa
  12. Anh H ra Bắc anh sẽ mời anh đi thăm làng Diềm, thủy tổ quan họ, nghe cụ Ngô Thị Nhi 88 tuổi, Báu vật nhân văn sống duy nhất còn lại hát mộc cho anh nghe. Cảnh hội Lim hay hội gì thì bây giờ cũng bị thương mại hóa, hoành tráng hóa, sân khấu hóa hết rồi. Em khá thuộc chuyện Quan họ, mời bác ra Bắc nhé.

    Trả lờiXóa
  13. @tudinhhuong, hìhì, xã hội bây giờ thế, vì đâu nên nỗi...?

    Trả lờiXóa
  14. @toro, nghe hấp dẫn quá, thế mới là quan họ, đợi đấy Toro ơi.

    Trả lờiXóa
  15. Tất cả các hội hè đình đám bây giờ bị xuyên tạc và thương mại hóa hết rồi. Buồn thay

    Trả lờiXóa
  16. @bulukhin, vâng buồn thật bác Bu à, lễ hội, hoặc chính ra là hội (như nhà văn Toan Ánh hay bác đã viết là hội hè đình đám), bây giờ tệ quá, nhất là khi đã được (hay bị) nhà nước hoá, chỉ chăm chăm thu tiền...

    Trả lờiXóa
  17. Ông Nguyễn Tấn Dũng đại biểu Quốc hội (lại hội ! ) Hải Phòng mà để xẩy ra vụ Tiên Lãng thì còn hội nào ra gì nữa huhuhu.

    Trả lờiXóa
  18. @bulukhin, thảo nào mà ông ấy phải chủ trì giải quyết trên cương vị TT.

    Trả lờiXóa