PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Chữ nghĩa.

Sang bên nhà anh bạn Toro thấy tết này "ông đồ trẻ" Toro cho chữ bạn bè coi bộ rất linh ứng, chẳng hạn năm ngoái cho cô bạn trong Hội (chẳng thấy ghi Hội gì?) chữ Hanh viết bên cạnh với ý nghĩa là hanh thông dán trước cửa buồng, quả nhiên mọi chuyện trong nhà đều suôn sẻ, vợ chồng hết hẳn chuyện cãi vả, càm ràm lẫn nhau, tiếp theo cô bạn Thu Thuỷ (Hà Nội) phấn khởi còm men thông báo: tết này đến chơi nhà thày đồ Toro xin cho cậu con trai được chữ Thăng (như nhật sơ thăng), chữ Thăng này có nghĩa là thăng hoa, thăng tiến, quả nhiên đêm trước rằm tháng giêng cậu con trai Thu Thuỷ nhận được thông báo trúng tuyển học bổng toàn phần đi Ý học thạc sỹ 2 năm, mẹ con mừng húm mở hội ăn mừng. Thế mới hay thày đồ Toro cho chữ thật là hiệu nghiệm...
Nhìn chữ Hanh của thày đồ Toro viết bên trên rất đẹp, theo lối viết chân phương, nét nào ra nét nấy, rõ ràng, nghiêm túc, thường thường người ta nói xem chữ biết người, chứng tỏ cái tâm của thày đồ rất trong sáng, (hehe, chừng nào có dịp gặp thày đồ Toro nhớ bao cà phê).
Xem thày đồToro viết thư pháp chữ Hán, tự nhiên tôi lại nghĩ đến chuyện chữ nghĩa, và định viết lan man vài điều... Chữ Hán còn gọi là chữ Nho, dĩ nhiên là của người Trung Hoa mang sang nước ta cả trên hai ngàn năm nay, cùng với việc xâm chiếm cai trị nước ta, và trong suốt quãng thời gian ấy cho đến khi chữ quốc ngữ viết theo ký tự La Tinh ra do giáo sĩ Alexandre de Rhodes sáng tạo, và được dùng thông dụng, thì chữ Hán được dùng làm thứ chữ chính trong hầu hết tất cả văn tự, chữ Nôm (Nam) sau này được hình thành bởi người nước Nam, nhưng cũng lấy chữ Hán làm gốc, chữ Hán học đã khó, chữ Nôm học lại càng khó hơn, bởi muốn học chữ Nôm trước hết phải thông hiểu chữ Hán, một chữ Nôm có khi do vài chữ Hán ghép lại, thật là... rối, cho nên chữ Hán vẫn là thứ văn tự chính trong mọi hệ thống của nước nhà, từ thi cử, cai trị, cho đến văn học...
Nói như thế để thấy rằng chữ Hán dẫu sao cũng vẫn là thứ chữ quan trọng đối với người dân Việt, cho dù bây giờ không mấy người còn biết, muốn giỏi chữ quốc ngữ, trong ngữ nghĩa, cả cách hành văn, ý tứ, câu cú... thì cần phải giỏi chữ... Hán, ở đây tôi muốn nói không hẳn giỏi là phải biết viết chữ Hán (nếu được như thế thì tốt quá), điều tiên quyết là phải nắm được ý nghĩa của những chữ có nguồn gốc chữ Hán mà trong ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều... Hình như có một thời gian trước đây ở miền Bắc, để "giữ vẻ trong sáng của tiếng Việt" người ta hô hào không dùng những chữ có nguồn gốc chữ Hán, có lẽ người ta coi chữ Hán như một "tàn dư của chế độ phong kiến", thay vì dùng chữ "thuỷ quân lục chiến", người ta thay bằng "lính thuỷ đánh bộ", từ thuỷ quân lục chiến hoàn toàn viết theo âm Hán - Việt của chữ Hán, còn từ lính thuỷ đánh bộ thì chữ lính và chữ đánh là tiếng Việt, còn chữ thuỷ và chữ bộ vẫn là chữ Hán, một kiểu viết giả cầy, hoặc hoả tiễn được thay bằng tên lửa, máy bay trực thăng được thay bằng máy bay lên thẳng... Vào khoảng sau năm 75 có lần tôi khá ngạc nhiên khi nghe một anh bộ đội miền Bắc nói "chiều nay trời có khả năng mưa", thật sự ở miền Nam trước đó người ta chỉ dùng chữ "khả năng" đối với người, hoặc loài vật, tức là với những gì có tri giác, chứ không dùng cho những gì vô tri giác, kể cả trời, đất. Người ta nói "anh ta có khả năng làm việc ấy", hoặc "khả năng đánh hơi của loài chó tốt hơn con người", và người ta sẽ nói "chiều nay trời có thể mưa", nghe đơn giản hơn nhiều...
Tôi cũng thấy bây giờ trên báo chí, phương tiện truyền thông người ta dùng từ ngữ sai khá nhiều, cũng bởi mù mờ về những từ Hán - Việt, có lần tôi đọc báo thấy viết "Giáo hoàng diện kiến Tổng thống...", ý muốn nói về cuộc gặp gỡ của Giáo hoàng La Mã với tổng thống của một nước nào đó. nếu muốn dùng chữ diện kiến thì phải viết ngược lại "Tổng thống... (dù là TT Obama của nước Mỹ giàu có và hùng mạnh) diện kiến Giáo hoàng", có thể dùng một chữ Hán- Việt khác có ý nghĩa tương đương là chữ "hội kiến" để thay cho chữ "diện kiến", dùng chữ này thì viết sao cũng được "Giáo hoàng hội kiến Tổng thống..., hoặc Tổng thống... hội kiến Giáo hoàng...". Một từ khác là từ "bao biện", bây giờ người ta dùng từ bao biện với ý nghĩa "bao che và biện hộ", trong khi nghĩa gốc hoàn toàn khác, bao biện là từ để chỉ người đàn ông hay làm chuyện bao đồng, tương đương với từ "đa đoan" là để chỉ người phụ nữ quên bản thân mình để lo chuyện người khác. Từ "đổ bộ" thấy cũng dùng sai, người ta nói "quân lính Israel đổ bộ giải Gaza" trong chiến tranh thì hành động đổ quân từ đường biển lên đất liền, được gọi là đổ bộ, chẳng hạn "toán quân Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng", hay "quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie", ở đây hoàn toàn chẳng có người lính Israel nào đi bằng tàu bè vào giải Gaza bằng đường biển, vượt đường biên giới trên đất liền vào nước khác không được gọi là đổ bộ...
Phải nói bây giờ người ta dùng sai từ ngữ rất nhiều, nhất là từ Hán - Việt, trên đây chỉ là một vài thí dụ...

29 nhận xét:

  1. Anh Hiệp ơi! anh có suy nghĩ gì về 2 chữ: "bất cập";

    Thời gian sau này báo chí, TV...người ta hay sử dụng từ "bất cập 不及".
    M đã viết vài giòng về việc sử dụng từ ngữ này, nhưng rồi bỏ lửng chưa viết xong.. M chưa hiểu nổi sao người ta có thể sử dụng nhiều từ ngữ, khi mà người ta chưa thấu hiểu ngữ nghĩa của nó!

    Trong khi từ ngữ đó, nếu thông dụng hàng ngày thì có nghĩa là "không kịp, đừng vội.."

    Tiếng Anh : 不及
    1.not as good as; inferior to
    2.too late

    Anh thử so sánh ngữ nghĩa này với những bài trong phát biểu, trong báo chí, trong văn bản..xem sao.

    M thì thấy hơi kỳ, không chính xác lắm.

    Trả lờiXóa
  2. @huynhtran, chữ "bất cập" chị M. nói, bất có nghĩa là không, chẳng, cập là đạt đến, kịp. Bất cập có nghĩa: không kịp, không đạt... Tự nhiên tôi không nhớ được câu nói hay câu viết nào bây giờ có chữ bất cập, chị M. thử tìm lại một vài câu xem.

    Trả lờiXóa
  3. @huynhtran, có thời gian người ta gọi "trực tiếp truyền hình" một trận bóng là "truyền hình tại chỗ", một loại gọi cũng giả cầy không kém từ lính thuỷ đánh bộ... Bây giờ dùng lại từ trực tiếp rồi.

    Trả lờiXóa
  4. :) Cảm ơn anh về những điều lý thú này nhé vì em cũng dùng sai mà không biết anh ạ!

    Trả lờiXóa
  5. @tudinhhuong, bạn tudinhhuong ở HN, hay là bạn nhờ thày đồ Toro chỉ cho học chữ Hán vậy, :-)

    Trả lờiXóa
  6. Nghe anh phân tích em thấy vỡ ra nhiều điều. Đúng là chữ nghĩa ngày càng rối rắm, bị dùng ko chính xác, sai ngữ cảnh,,, rất nhiều. Báo chí, TV...nói, viết sai chính tả, tối nghĩa. Bảng hiệu viết bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài cũng sai kinh khủng luôn!

    Trả lờiXóa
  7. Mấy chuyện chữ nghĩa thì em rất dở nhất là chữ Hán thì mù mịt luôn, nên chủ yếu vào đọc entrry và các comment để hiểu thêm chút đỉnh thôi hà. :))

    Trả lờiXóa
  8. hehehehhehe..Đúng là chử với nghĩa ( làm bộ hùa theo chứ biết gì ) hahhahahhaha

    Trả lờiXóa
  9. Em sẽ tự tìm hiểu. Cái gì không hiểu em mới hỏi thầy. Cảm ơn anh đã chỉ giáo!

    Trả lờiXóa
  10. @muathuvang, hihi, nói chung là mình đang sống trong một xã hội "rối như canh hẹ" (miền Nam kêu "rối như mớ bòong boong") chứ không riêng gì chuyện chuyện chữ nghĩa, nhưng chỉ riêng chuyện chữ nghĩa đã quá rối. Đúng như V.A. nói, báo còn viết "vớt được dưới sông quả bom 500 bảng Anh", "bảng Anh" trời ạ!!!

    Trả lờiXóa
  11. Bác Hiệp ơi nhặt sạn chữ còn khó hơn cả Cô Tấm nhặt thóc với đỗ đấy ạ! :D

    Trả lờiXóa

  12. @lanvuive, hehe cứ làm thơ nắng mưa, tâm trạng là vui rồi cô Lan :-)

    Trả lờiXóa
  13. @phuongvu, bây giờ thì phuongvu chỉ biết cháu nội thôi chứ gì? heheheheeee!

    Trả lờiXóa
  14. @tudinhhuong, tự tìm hiểu là tốt lắm, chỉ dẫn chứ không phải chỉ giáo, hìhì!

    Trả lờiXóa
  15. @nguyenthuthuy, bởi thế xứ mình mới không có một nơi nào chuyên về chữ nghĩa đưa ra cái đúng hạn chế cái sai, nhiều cái sai miết thành... đúng :-)

    Trả lờiXóa
  16. @huynhtran, có câu thành ngữ thường gặp "lợi bất cập hại", nghĩa là cái lợi không kịp (bằng) cái hại, tôi nhớ ra rồi chừng như cũng có câu trên báo chí nói về ách tắc không an toàn trong giao thông, chẳng hạn "chuyện bất cập trong giao thông ".

    Trả lờiXóa
  17. Đề tài bạn đưa ra mênh mông như biển cả. Không biết nên bắt đầu từ đâu và nói như thế nào. Chung quy có lẽ bắt đầu từ nền giáo dục nước nhà mà ra. Lòng tự tôn dân tộc cực đoan, vô lối, dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ trong việc định ra thể chế chính trị mà trong cả giáo dục và ngôn ngữ nữa. Xem lại ta thấy đánh nhau với Pháp bỏ tiếng Pháp, Liên xô đổ bỏ tiếng Nga, Tàu cho bài học sư phạm ở biên giới năm 1979 bỏ tiếng Tàu, nay đổi mới thì cả nước bò ra học tiếng Anh. Mới từng ấy thôi đã thấy cái đầu óc ấu trĩ, thù vặt theo kiểu tiểu nhân hạ đẳng. Một khi cái tâm không trong sáng , đầy rẫy thiên kiến và hận thù thì làm sao mà làm trong sáng tiếng Việt cho được. Người bơi dưới nước cứ muốn cái bụng mình khô thì vô lý. Dân Việt ta bơi giữa cái biển Hán tự đã mấy ngàn năm thì làm sao mà đòi phải thuần Việt . Lính thủy đánh bộ như bạn dẫn ra thì thủy và bộ là từ Hán rồi, nhưng ai bảo lính và đánh không họ háng vời từ Hán. "Binh" biến tấu ra lính, "đã" biến tấu ra đánh thì thuần việt vào đâu?? Nhiều nhà khoa học ngôn ngữ đã chứng minh không có chuyện thuần Việt trong ngôn ngữ. GS Cao Xuân Hạo cho rằng học sinh VN chưa được học ngữ pháp Việt mà đang học ngữ pháp Tây diễn gải bằng tiếng Việt. Cái lý thuyết CHỦ, VỊ trong câu tiếng Việt không đủ khả năng lý giải câu nói dân gian chẳng hạn "chó treo mèo đậy". Đâu là chủ ngữ đâu là vị ngữ...Tất nhiên những điều bạn nói còn phải bàn thêm, trong đó có sự giao thoa và khúc xạ của ngôn ngữ nữa ...có lẽ sẽ phải nói thêm chăng ....hehehehe

    Trả lờiXóa
  18. @bulukhin,
    @bulukhin, chữ nghĩa "vấn đề" mà bác Bu rành rẽ, chắc bác nói thêm sẽ hay lắm đấy, hìhì!

    Trả lờiXóa
  19. Vấn đề bác H nói vừa mênh mông lại vừa rất cụ thể. Có điều rõ là tình trạng không hiểu rõ nghĩa, viết sai nhiều, ví dụ "cứu cánh" là mục đích cuối cùng bây giờ dùng tương tự chữ giải pháp, phương pháp. Hoặc lạm dụng chữ nghĩa dẫn đến vô lý, ví dụ, "đảm đang" đảm là gánh trên vai; đang là mang trước bụng, người phụ nữ phải vừa gánh trên vai vừa đeo trước bụng là đảm đang, quá sức rồi, vậy mà ngày trước ngoài Bắc có phong trào "Phụ nữ ba đảm đang"- chết mất. Huu...

    Chữ "bất cập" hồi này đang được dùng nhiều, ví dụ: Công tác cán bộ còn bất cập; Nhận thức về diễn biến hòa bình của một bộ phận cán bộ, công chức còn bất cập; Việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ hiện nay còn bất cập... Việc quản lý bog còn nhiều bất cập.

    Bác Bu nói đúng, chữ Hán vào ta nhiều đợt, nên có nhiều từ cũ ta nghĩ là thuần Việt nhưng cũng không phải, những chữ như đáo để, tỉ mẩn... chẳng hạn.

    Trả lờiXóa
  20. @torovn, hihi, cám ơn Toro đã vào xem và có những ý kiến xác đáng, phụ nữ đảm đang đã là mệt, ba đảm đang chắc toi. Chữ bất cập chị Huynhtran nói đúng là như Toro trình bày. chuyện mượn chữ Hán để trở thành chữ Việt là bình thường, tiếng Tây cũng được mượn ấy chứ, chẳng hạn "tăng", xe tăng, "va li" đựng quần áo... Có chữ mượn và giản lược thí dụ chữ "thìa", miền Nam gọi là "muỗng", mượn từ chữ "ceuillir" bỏ bớt âm đầu còn lại âm sau. Ở đây tôi muốn nói tới điều nhiều người nhận thấy mà không làm sao được... hùhù!

    Trả lờiXóa
  21. Còn em thì có một đề nghị là anh PNH set up entry này cho rõ ràng một chút để đọc không đỡ nhức mắt thì tuyệt biết bao.

    Trả lờiXóa
  22. TDH ơi! mấy anh cứ viết một lèo, trong khi chỉ cần enter hai lần cho nó xuống cách xa tí cho đôi mắt xinh xinh của tụi mình dễ đọc, thì mấy anh ấy... "lãn" đó TDH ơi! Thôi ráng rà con chuột theo từng dòng mà đọc nhé!

    Anh H đọc tới đây lại tức cái Ngọn nến này rồi ..hihiiiiiiiiiiii

    Trả lờiXóa
  23. @tudinhhuong, @huynhtran, hihi, cái máy cùi bắp của tôi nhiều khi không biết tại sao mỗi lần đánh chữ bấm thanh ngang sang chữ khác phải đến 5 giây sau mới nhảy, và bấm enter xuống hàng thì dấu nháy lại nhảy vào giữa dòng đang đánh chứ không chịu xuống hàng, cho nên nhiều khi tôi đánh một dòng ngắn thôi chờ rất lâu, và không thể xuống dòng được, tôi rất quan trọng câu cú, chữ nghĩa, chấm phẩy, hình thức văn bản... mà thành thế :-(

    Trả lờiXóa
  24. Có nghĩa là anh nên sắm con máy mới hoặc là trang bị thêm vài cái "tối tân" cho con cùi bắp thôi anh ơi.

    Trả lờiXóa
  25. @tudinhhuong, chị huynhtran cũng xúi sắm máy mới, nghe nói máy cũ cái ram riếc gì của nó không đủ chạy, hihi chắc phải để dành tiền đến... tết thay máy khác.

    Trả lờiXóa
  26. Tết VN thôi nhé anh, chứ Tết Công gô thì cũng mệt lắm đó.

    Trả lờiXóa
  27. @tudinhhuong, cũng có khi tết Congo thật đấy :-)

    Trả lờiXóa
  28. Vậy thì bạn đọc sẽ bị đau mắt dài dài.

    Trả lờiXóa
  29. @tudinhhuong, mắt tôi cũng sắp... toét tới nơi rồi :-) Gõ mấy chữ chờ cho máy chạy mình cũng muốn chạy luôn :-)))

    Trả lờiXóa