PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Chuồn chuồn ớt.

Photobucket

 Photobucket

Photobucket




Có lẽ tôi là người chuyên chụp... chuồn chuồn, biết bao nhiêu hình đủ mọi loại chuồn chuồn, từ chú chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn nhung, chuồn chuồn kim nhỏ xíu như cây kim khâu, cho tới chú chuồn chuồn ớt...

Từ thuở nhỏ tôi đã thích những chú chuồn chuồn ớt, nhưng loài chuồn chuồn này khôn lắm, hoặc nói cách khác là rất nhát, không dễ gì đến gần một chú chuồn chuồn ớt nói chi bắt chúng, rón rén cách xa chúng mấy thước là chúng đã nghe động tĩnh và vụt bay mất. Ngày xưa lúc tôi còn là chú nhóc thì loài chuồn chuồn này luôn hiếm hơn những con chuồn chuồn khác, bắt gặp một chú chuồn chuồn ớt đỏ như một trái ớt chín, chỉ nhìn ngắm chúng thôi là đã thấy khoái, và hình như càng ngày giống chuồn chuồn ớt đỏ chót này ngày càng hiếm. Hôm nọ tôi bắt gặp một chú chuồn chuồn ớt thứ thiệt như thế, ngoại trừ đôi cánh mỏng mảnh trong suốt, còn toàn thân chú chuồn chuồn từ đầu đến đuôi tuyền một màu đỏ như trái ớt sừng chín tới, trông thật mê. Tôi đã rình chú ta cả nửa tiếng đồng hồ ngoài nắng để chụp được mấy tấm hình, may mà còn có ống kính tele 300mm, nếu ống kính normal thì gần như không thể đến gần để chụp chú chuồn chuồn này được.

Rõ khổ, chụp gì không chụp lại đi khoái chụp chuồn chuồn .

--> Read more..

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Mùa sen.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

Photobucket

 Photobucket

Photobucket




Cô bạn Caonguyenbui ở Cao Lãnh, nhắn rủ về chụp sen ở xứ sen Đồng Tháp vì mùa này sen đang nở rất đẹp. Nghe nói cũng ham quá, có dịp đi lại Đồng Tháp vào mùa nước nổi này còn gì bằng, phải chi thu xếp được dông xuống đó được một chuyến thì hay quá, không những ngắm sen mà còn được thưởng thức món cá lóc nướng trui cuốn với lá sen non chấm mắm nêm, tuyệt!.

Trong khi chờ dịp, rảnh rỗi một mình một xe máy, một... máy hình tìm đến một ao sen gần gần, ngắm nghía chụp vài tấm... đỡ ghiền .

--> Read more..

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Xui.

May mắn hay xui xẻo có lẽ cũng là chuyện bình thường trong đời, may mắn thì khỏi phải nói, ai lại không muốn, còn xui xẻo chẳng ai ham. Sáng hôm qua tôi bị một việc có thể coi là xui ngoài đường, ấy là chuyện xe cộ đường xá.

Ai cũng biết giao thông xứ mình là nguy hiểm vào bậc nhất thế giới, chẳng mấy ngày trên báo chí không nói đến tai nạn xe cộ, ai ở ngoại quốc về thì hẳn biết, người ta sợ nhất là chuyện người mình chạy xe ngoài đường, người trẻ người già, cả nam lẫn nữ, chẳng hiểu sao bây giờ chạy xe lấy được, ẩu quá xá, chẳng cần biết đến luật lệ và sự an toàn của chính mình hay người khác. Tôi hay phải chạy xe gắn máy ngoài đường, thứ nhất vì công việc, thứ nhì tôi là người ít thích ngồi yên một chỗ, tuy nhiên ý thức được là mình đã... đến thời (già) rồi nên không dám chạy ẩu, thường chỉ chạy xe ở tốc độ 20 - 30 cây số giờ, tuy cái đồng hồ tốc độ ở xe thấy ghi đến... một trăm sáu, và luôn tuân thủ luật lệ giao thông, đi đường luôn để ý cẩn thận những biển báo, cũng như nhìn trước ngó sau.

Sáng qua đang chạy xe chầm chậm như thế, thì có một anh chàng có lẽ là của cửa hàng vi tính nào đó, đàng sau xe chở lỉnh kỉnh những thùng máy vọt lên từ phía trong bên phải ra ngoài, anh chàng ta quên mất là có chở hàng lỉnh kỉnh phía sau, mấy cái thùng hàng móc vào tay lái xe của tôi, tôi chỉ kịp thấy nhoáng một cái là té xõng xoài xuống đường, đầu đập xuống đường nhựa đánh bốp, cũng may là bây giờ trên đầu có cái nón bảo hiểm, và nón của tôi cơ quan mua cho nên thuộc loại xịn. Anh chàng kia vội dừng xe cùng người đi đường dắt xe và tôi vào lề đường, tỉnh hồn, tuy có nón nhưng vì đập xuống đường khá bất ngờ và mạnh nên đầu óc lùng bùng, choáng váng... Xem lại thấy 2 đầu gối trầy trụa, nửa người bên phải cũng đập xuống đường nên ê ẩm, định thần một chút thử quơ chân tay, vặn mình mẩy thấy xương cốt coi vậy mà còn nguyên (vậy là còn ngon, mới già vừa vừa), hú hồn, cũng... còn hên là quần áo, xe cộ không bị chi trầm trọng, cái quần sờn chút ở 2 đầu gối, còn kiếng chiếu hậu khi té xuống bị văng ra thôi.

Mấy nguời đi đường xúm vào la anh chàng chạy xe ẩu, tôi nhìn lại cậu ta, có lẽ cũng trạc cỡ cu cậu con trai tôi, ngoài 20, có thể mới ra trường hoặc còn đang là sinh viên không chừng, chắc đang chở hàng đi giao hoặc đi lắp ráp máy móc cho khách hàng... mặt mũi anh chàng xanh lè không nói được cái gì, kể cả một câu hỏi han hay xin lỗi, sau khi thấy tình hình không đến nỗi trầm trọng tôi nói với cậu ta, thôi đi đi nhưng chạy xe chở cồng kềnh đàng sau phải coi chừng cẩn thận, may tôi chạy chậm và phía sau không có xe lớn, chứ không là tai họa và rắc rối rồi...

Coi vậy chứ một lát sau thì người ngợm kể cả đầu óc, cổ... bắt đầu đau nhức, phải uống thuốc giảm đau, tối về nằm ngủ người ngợm như có ai tra tấn vậy. Qua đến hôm nay thấy đỡ đôi chút để vẫn có thể ráng đến một cái hẹn cà phê, hà hà, công nhận  người đâu ham vui gớm .

--> Read more..

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Đằng ấy và Tớ.

Photobucket

Photobucket



Sắp đến rằm tháng tám, mấy hôm trước tôi có viết lan man về những chiếc lồng đèn mùa Trung thu của cái thời bé con xa xưa, có chị bikien ở Hà Nội vào comment xưng "tớ", chữ "tớ" này có lẽ bây giờ con nít không còn dùng, chị bikien nói tại vào xem thấy tôi viết lại cái ký ức của thời trẻ con nên cũng dùng chữ của đám trẻ con xưa.

Tôi cũng không rõ đám trẻ con cỡ tuổi tiểu học bây giờ chơi với nhau gọi nhau là gì, có lẽ là phổ biến "bạn" hoặc là tên, xưng tên chăng, chứ ngày xưa tôi còn nhớ đám con nít nhóc con trai như tôi thì "mày tao" với nhau, còn đối với tụi con gái dĩ nhiên cũng phải... nể nang lịch sự hơn, thường gọi là "đằng ấy" và xưng là "tớ", chẳng hạn "đằng ấy cho tớ mượn cái này...", "đằng ấy cho tớ chơi với...", và tụi con gái cũng dùng ngôn ngữ như thế để gọi lại đám con trai rắn mắt. Xưa, nghĩa là cách nay cũng khoảng nửa thế kỷ trở lên, thì cách xưng hô có phần ngộ nghĩnh như thế, không phải chỉ đối với đám con nít thò lò mũi xanh ngốc nghếch mà còn với cả những người lớn. Tôi còn nhớ đoạn văn không rõ của nhà văn nào, có lẽ trong Tự lực văn đoàn, khi đã là vợ chồng, buổi trưa cô vợ mang cơm ra đồng cho chồng, cô vợ đứng trên bờ gọi "ai ơi về ăn cơm", anh chồng còn đang mải cày nói vọng lại có phần trêu chọc "ai gọi ai đấy?", cô vợ tiếp lời "ai gọi ai chứ ai", ngôn ngữ dùng ngộ nghĩnh và dễ thương như thế.

Viết vài dòng để nhớ về một thời xa xưa...

--> Read more..

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Quốc hoa.

Photobucket

Quốc hoa của xứ Brunei Darussalam: hoa Simpor, trông tựa như hoa mai.

Photobucket

Quốc hoa của Vương quốc Cambodia: hoa Rumdul.

 Photobucket

Quốc hoa của Indonésia gồm đến 3 loài hoa: Melati (hoa nhài), Anggrek bulan (lan mặt trăng), và Bunga bangkai (hoa xác thối).

 Photobucket

Quốc hoa, cũng là biểu tượng chính của nước Lào là hoa Dok champa (hoa sứ).

 Photobucket

Quốc hoa của Malaysia là hoa Bunga raya (hoa dâm bụt).

 Photobucket

Quốc hoa của Myanmar là hoa Padauk (giáng hương mắt chim).

 Photobucket

Quốc hoa của đảo quốc Singapore là hoa phong lan Miss joakim.

 Photobucket

Quốc hoa của Vương quốc Thái Lan là hoa Ratchaphruek (muồng hoàng yến, muồng hoàng hậu, bò cạp nước).

 Photobucket

Quốc hoa của Philippines là hoa Sampaguita (hoa nhài Ả Rập).

 Photobucket

Quốc hoa của Việt Nam: hoa sen hồng.



Cuộc bầu chọn vào tối 12/6/2011 tại công viên 23 tháng 9 TP. HCM được coi là chung kết của cuộc bầu chọn quốc hoa, sen hồng đã "lên ngôi" với trên 70% phiếu bầu. Sau khi thông qua quốc hội sen hồng sẽ chính thức trở thành quốc hoa của Việt Nam. Theo các thông tin trên mạng thì Việt nam là nước thứ 10 của Asean (hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), và cũng là nước cuối cùng có quốc hoa. Thực ra các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á còn có Đông Timo mới tách ra vài năm nay từ Indonésia, nhưng chưa gia nhập Asean.

Mỗi nước có một loài hoa làm quốc hoa, nhưng riêng Indonésia có đến 3 loài hoa, trong đó có hoa xác thối là loại hoa khổng lồ cao đến trên 2m có mùi như mùi của xác thối, chọn loài hoa này làm quốc hoa kể cũng lạ.

Những loài hoa được các nước Asean chọn làm quốc hoa ngoại trừ hoa lan (Indonésia và Singapore) là hoa trồng lai tạo, còn các loài hoa khác sống trong thiên nhiên được trồng làm cảnh hoặc hoa dại.

(Hình ảnh và những thông tin được lấy trên internet)

 
--> Read more..

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Những chiếc lồng đèn của một thời bé con.

Photobucket

Photobucket



Mấy ngày hôm nay có dịp là tôi đi ngắm những chiếc lồng đèn, những chiếc lồng đèn khung tre phất bằng giấy bóng kiếng, ấy là nói theo tiếng Nam, còn ngày xưa hồi còn nhỏ tụi nhóc trong xóm di cư chúng tôi gọi là giấy bóng kính. Ngày ấy cánh nay cũng đã nửa thế kỷ, đứa nào dịp Trung thu được bố mẹ mua cho chiếc lồng đèn phất giấy bóng kính như thế là sướng phải biết, con trai thì lồng đèn máy bay, tàu thủy, hay xe tăng..., con gái là lồng đèn con cá, con thỏ, con bướm, cũng có những kiểu lồng đèn khác như lồng đèn đồng tiền, lồng đèn ngôi sao mà tụi nhóc thời đó gọi là ông sao, thường lồng đèn được phất bằng giấy bóng màu đỏ, hoặc màu xanh, vàng... Cũng có một loại lồng đèn khác xếp bằng giấy mờ hình ống gọi là đèn xếp, loại khác như hình quả bí đỏ (bí ngô) thì gọi là đèn quả bí... Nghĩa là có khá nhiều kiểu lồng đèn cho đám nhóc tì thắp lên vui đùa trong dịp tết Trung thu.

Thuở nhỏ xưa xưa tôi ở trong một xóm nhỏ cũng không hẳn là lao động nghèo chạy ăn hàng bữa, nhưng cũng chẳng giàu có gì, cái xóm nằm miệt trường đua ngựa Phú Thọ. Bây giờ khu vực này nhà cửa xe cộ chật cứng, chứ xưa thời tôi là chú nhóc thuộc ngoại ô thành phố, nhà cửa lèo tèo, vẫn còn ao hồ vườn cỏ đất trống đầy, tha hồ cho tụi nhóc bắt dế, cào cào, chuồn chuồn hoặc giang nắng đi câu cá rô cá sặc... Xóm nhà tôi ở thời ấy là khu cư xá dành cho dân di cư từ Bắc vào năm 1954, gọi là cư xá chứ thực ra là những dãy nhà tường bằng gạch bloc, mái ngói xi măng, trước và sau nhà là đất trống, nhà nào cũng có cái ao thả đầy rau muống phía trước, trồng đủ mọi thứ cây trái, rau củ... chẳng khác gì nhà tận dưới quê... Và đám con nít như tụi tôi thì khỏi phải nói, suốt ngày ngoài nắng, đầu tóc khét lẹt...

Cũng lạ, vào những năm đầu tiên tôi đi học tiểu học lớp năm, lớp tư... (lớp một lớp hai bây giờ), trường tiểu học ở đấy chia làm 2 buổi dạy, một buổi là trường của người Nam dạy con nít đánh vần theo kiểu a bờ a ba, còn một buổi là của người Bắc dạy đánh vần theo kiểu a bê a ba, dĩ nhiên giáo viên dạy kiểu nào là người miền nấy... kiểu dạy này được mấy năm thì bỏ.

Đám con nít tụi tôi từ nhỏ ở trong xóm di cư, cha mẹ đa phần làm công chức, hay tư chức, lương ba cọc ba đồng không cao nhưng khéo thì cũng đủ ăn, nhà nào thời ấy cũng vài ba đứa nhóc tì, thường thì cha đi làm, mẹ ở nhà nội trợ, cơm nước coi sóc mấy đứa nhỏ. Tụi nhóc thời đó chẳng có gì chơi ngoài những trò chơi lê la đất cát, cho nên một năm đến dịp Trung thu là vui lắm, nhà đông con hiếm khi mỗi đứa được một cái lồng đèn, thường mấy đứa mới được một cái chơi chung, hoặc chỉ một hai đứa nhỏ mới được, còn đám con trai như tụi tôi thường tự chế cho mình một cái lồng đèn để chơi. Phổ biến nhất là đi xin người lớn một cái lõi cuộn chỉ đã hết bằng gỗ làm bánh xe, và một cái ống bơ (lon sữa bò) làm cái lồng đặt bên trên cái lõi chỉ, cố định bằng một sợi dây kẽm cứng nối với một đoạn tre làm tay đẩy, thế là đã có một cái xe đẩy, khi đẩy thì lon sữa bò quay, bên trong lon sữa bò thắp cây nến nhỏ (đèn cầy), buổi tối thắp lên trông cũng rất vui mắt. Đứa nào khéo tay hoặc có người lớn giúp thì kiếm tre vót làm lồng đèn giấy, thường chỉ làm được lồng đèn ông sao năm cánh, muốn làm đèn ông sao thì trong năm phải đợi dịp trong nhà có ai đó biếu bánh cưới, là hộp bánh quế, bánh cốm... bên ngoài bọc bằng giấy bóng kính xanh đỏ, xin cha mẹ tấm giấy bao này để dành đến Trung thu phất lồng đèn. Thuở nhỏ ba tôi hễ đến tết Trung thu hay làm cho anh em tụi tôi cái đèn kéo quân, khi thắp lên sức nóng làm quay cánh quạt bên trong đèn, bên trong có những hình nhân giấy, hoặc con thú chạy vòng vòng in trên lồng đèn trông hay lắm.

Hôm Tết trung thu còn vui hơn nữa, thường tụi nhóc hẹn nhau không mưa là đi rước đèn, một đám con nít với đủ loại lồng đèn thắp sáng lung linh đi vòng vòng trong xóm, cũng ca hát, khi ấy chỉ vài bài xưa xưa chẳng hạn bài "ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ...", đi vài vòng chơi đùa ca hát xong thường là đứa nào về nhà đứa nấy phá cỗ, hoặc cũng có khi có nhà khá khá người lớn ra kéo hết đám con nít về nhà cho phá cỗ ăn bánh trái. Tôi còn nhớ ba mẹ tôi hồi ấy tối Trung thu năm nào cũng bày một mâm cỗ bàn, không thể thiếu được là cái tháp kiểu như tháp Eiffel làm bằng những gióng mía, những đoạn mía được chẻ đôi xếp lại thành hình cái tháp, thường có một hộp bánh nướng, một hộp bánh dẻo nhân thập cẩm, đậu xanh, hạt sen... các loại bánh khác có bánh khảo hình tròn như mặt trăng, có khi có thêm một con heo bánh nướng với một bày heo nhỏ trông rất vui. Ngoài bánh thể nào cũng có trái cây, ổi, cóc, na (măng cầu)... Có nhà còn cúng cả ông tiến sĩ giấy... Nói chung con nít nhóc ham ăn, thích ngọt, nhưng với mâm cỗ bàn Trung thu này vui là chính, chứ ăn một hai miếng bánh là đã thấy ngán...

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mâm cỗ Trung thu và những chiếc lồng đèn của một thời bé con...

--> Read more..

"Ngồi nhìn trời xanh thèm tuổi hồn nhiên..." (TCS).

--> Read more..

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Đơn Hà đốt tượng.

Photobucket



Thiền sư Đơn Hà Thiên Nhiên tu ở núi Đơn Hà (Đăng Châu), đời Đường không ai rõ họ tên, người xứ nào.Thoạt đầu Đơn Hà theo Nho học, trên đường vào Tràng An ứng thí Đơn Hà nghỉ đêm ở khách điếm nằm mơ thấy ánh sáng trắng tràn ngập căn phòng. Đi hỏi có thày bói nói rằng đấy là điềm lành. Tình cờ gặp Thiền khách hỏi: bậc trí giả đi đâu? Đơn Hà đáp: đi thi để làm quan. Thiền khách nói: thi làm quan sao bằng thi làm Phật. Đơn Hà lại hỏi: muốn thi làm Phật ở đâu? Thiền khách đáp: Giang Tây có Mã đại sư danh xuất thế, đó chính là nơi thi làm Phật. Bèn đi thẳng đến Giang Tây, lúc thấy Mã đại sư Đơn Hà nhấc khăn che mặt ra nhìn. Mã đại sư quan sát Đơn Hà hồi lâu nói: tôi không phải thày ông, nên đi đến nơi của Thạch Đầu ở Nam Nhạc. Đơn Hà lại đến nơi ở của Thạch Đầu. Thạch Đầu bảo Đơn Hà đi xuống chuồng ngựa, Đơn Hà cúi lạy. Sau đó ở với tăng chúng suốt 3 năm.

Một hôm Thạch Đầu nói với chúng tăng: ngày mai sẽ trừ cỏ dại trước Phật điện. Hôm sau ai nấy đều mang theo xuổng để dẫy cỏ, riêng Đơn Hà bưng một chậu nước đầy rửa đầu rồi quỳ trước mặt Thạch Đầu. Thạch Đầu bèn cạo đầu cho Đơn Hà. Lúc Thạch Đầu giảng giới luật cho Đơn Hà, Đơn Hà bịt tai bỏ đi. Lại đến Giang Tây yết kiến Mã Tổ, Đơn Hà vào Tăng đường leo lên cổ tượng một thánh tăng, đại chúng kinh hãi vội báo cho Mã Tổ. Đích thân Mã Tổ đến Tăng đường nhìn Đơn Hà nói: này thiên nhiên. Đơn Hà leo xuống cúi lạy: cám ơn Thày đã ban cho Pháp hiệu. Từ đấy có tên là Thiên Nhiên.

Một hôm Sư đến chùa Huệ Lâm gặp tiết Đại hàn, bèn lên chánh điện thỉnh một tượng Phật bằng gỗ xuống đốt sưởi ấm, Viện chủ thấy quở: sao đốt tượng Phật? Sư lấy gậy bới trong đám tro nói: thiêu để lấy Xá lợi. Viện chủ bảo: tượng gỗ làm gì có Xá lợi. Sư nói: đã không có Xá lợi xin thỉnh 2 tượng nữa thiêu. Viện chủ nghe run sợ mọi chấp đều tan biến. Người sau nói: Đơn Hà thiêu mộc Phật/ Viện chủ lạc mi mao (Đơn Hà đốt Phật gỗ/ Viện chủ rụng lông mày).

Có người thế tục đến hỏi Sư: có thiên đường địa ngục không? Sư đáp: có. Lại hỏi: có Phật, Pháp, Tăng chăng? - Có. Người ấy hỏi nhiều điều khác Sư đều đáp "có". Người ấy thưa: Hòa thượng nói thế e lầm chăng? - Ông đã hỏi vị tôn túc nào rồi mới đến đây chăng? - Con đã hỏi Hòa thượng Cảnh Sơn. - Hòa thượng Cảnh Sơn nói với ông thế nào? - Ngài nói tất cả đều không. - Ông có vợ chăng? - Có. - Hòa thượng Cảnh Sơn có vợ chăng. - Không. Sư đáp: Hòa thượng Cảnh Sơn nói không là phải.

Thiền sư Thúy Vi Vô Học một đệ tử của Đơn Hà Thiên Nhiên dâng hoa cúng dường La Hán (tượng), có ông tăng hỏi: Đơn Hà đốt tượng Phật, cớ sao Hòa thượng còn cúng dường La Hán? Thúy Vi đáp: đốt không thể đốt hết được, còn thích thì tôi cúng dường. Lại hỏi: khi cúng dường La Hán có đến hưởng không? Sư đáp: ông bữa nào cũng ăn cơm chứ? Ông tăng lặng thinh. Sư nói: thật ít có người lanh lợi.

Nhân chuyện Đơn Hà Thiên Nhiên đốt tượng Phật, có ông tăng hỏi một thiền sư về ý nghĩa Đơn Hà đốt tượng, Sư nói: lạnh đến lò than bên lửa sưởi. Lại hỏi: nhưng Đơn Hà mắc tội không? Sư đáp: nóng ra rừng trúc cạnh khe ngồi.

--> Read more..

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Đạt Ma xách dép.

Photobucket

Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc dép cỏ.

Photobucket

Bồ Đề Đạt Ma diện bích.



Trong Phật giáo tôi thích Thiền tông, là một tông phái Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ, Tâm ấn, tượng trưng là Y, Bát được truyền từ Đức Phật Thích Ca cho ngài Ma Ha Ca Diếp (Ma Ha Ca Diếp được tính là tổ thứ nhất của dòng thiền Ấn Độ cho đến Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28). Đến đời Bồ Đề Đạt Ma, thế kỷ thứ 6, thứ 7 đã sang Trung Hoa mang theo ý chỉ của Thiền để Thiền tông trở thành một tông phái lớn, và Bồ Đề Đạt ma là tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa truyền cho đến Huệ Năng là 6 đời. Thiền tông có mục đích là để hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt được giác ngộ, như đấng Thích Ca Mâu Ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ đề. Có nhiều tài liệu cho biết Thiền tông Ấn Độ được truyền vào Việt Nam từ rất sớm, trước cả Trung Hoa, từ khoảng thế kỷ thứ 2, thứ 3 và phát triển rực rỡ với trung tâm Phật giáo quan trọng ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá những nghi thức tôn giáo và những lý luận về giáo pháp, Thiền tông đi thẳng vào tâm thức của con người, để "kiến tánh thành Phật", con đường ngắn nhất, và cũng gian khó nhất của hành giả.

Trong tất cả những vị Tổ sư của Thiền Tông có lẽ tôi thích nhất là Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ sư đời thứ 28 của dòng thiền Ấn Độ và là Tổ sư đời thứ nhất của dòng Thiền Trung Hoa.  Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, Bodai daruma) có nghĩa là Đạo pháp, còn có tên gọi khác là Bồ Đề Đạt Ma Đa La, Bồ Đề Đa La, hay Đạt Ma Đa La, và chúng ta cũng hay gặp tên viết tắt trong văn cảnh Thiền là Đạt Ma. Hình ảnh hay gặp về vị Tổ sư nổi tiếng này là quảy một chiếc dép cỏ trên vai với bộ dạng rất phong trần, râu tóc... trông không giống như một vị sư bình thường. Một hình ảnh khác là vị Tổ sư ngồi diện bích trong hang đá trên núi Tung Sơn nơi có chùa Thiếu Lâm nổi danh cổ kim, và truyền thuyết cũng cho là vị Tổ sư này đã khai sáng ra môn phái Thiếu lâm Tự nổi tiếng.

Một giai thoại khi Sư từ Ấn Độ sang Trung Hoa gặp vị vua đang trị vì là Lương Vũ Đế, vị vua này rất sùng đạo Phật đã cho xây nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vua hỏi Sư: Trẫm từ khi lên ngôi đến nay xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể, vậy có công đức gì không? Sư đáp: không công đức. "Tại sao không công đức". "Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ là những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật". "Vậy công đức chân thật là gì?". Sư đáp: Trí phải được thanh tịnh, thể phải được trống không, như vậy mới là công đức. Công đức không thể lấy việc thế gian như xây chùa, độ tăng... mà cầu". Vua lại hỏi: nghĩa tối cao của thánh đế là gì? "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh". "Ai đang đối diện với Trẫm đây?". Sư đáp: không biết.

Sau khi nói chuyện với thánh đế Sư thấy chưa đến thời thuyết pháp tại Trung Hoa, bèn vượt sông Dương Tử đến chùa Thiếu Lâm ngồi trong hang đá tọa thiền diện bích 9 năm. Có truyền thuyết cho là Sư sống đến 150 tuổi, cuối đời bị đầu độc mà mất và được chôn ở Hồ Nam. Sau đó có một vị tăng đi hành hương ở Ấn Độ về gặp Sư trên núi Hùng Nhĩ, trên vai quảy một chiếc dép cỏ. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Bồ Đề Đạt Ma có thể đã từng đến Giao Châu (Việt Nam) cuối đời nhà Tống (420 - 447) cùng với một nhà sư Ấn Độ khác tên là Pháp Thiên (Dharmadeva).

--> Read more..

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



"Phong sương mấy độ qua đường phố/ hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê".

Câu thơ trên là của nhà văn Sơn Nam, được khắc trên bia đá nơi mộ phần của ông đặt tại nghĩa trang Công viên, huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương. Nhà văn Sơn Nam sinh ngày 11 - 12 - 1926 tại Gò Quao, Rạch Giá nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Tên trên giấy khai sinh của ông là Phạm Minh Tày, thực ra tên của ông là Phạm Minh Tài, nhưng do nhân viên hộ tịch dưới quê nhầm lẫn viết sai chính tả nên Tài biến thành Tày. Ông mất ngày 13 - 08 - 2008, ngày mai 13 - 08 - 2011 là được đúng 3 năm.

Nhà văn Sơn Nam viết rất nhiều tác phẩm, chủ yếu là về vùng đất Nam bộ, nơi ông sinh ra và lớn lên. Văn của ông mộc mạc, đa phần viết theo lối kể chuyện, cũng như văn của học giả Vương Hồng Sển, tôi đã đọc ông từ thời còn đi học, đến nay ngót nghét đã gần nửa thế kỷ, ông viết theo lối kể chuyện cho nên có khi chuyện này xọ chuyện nọ, lan man, cách viết của ông không dành cho người đọc bác học thích kiểu hai chấm xuống dòng gạch đầu dòng A lớn a nhỏ, I lớn 1 nhỏ... nhưng ông viết thật gần gũi, dễ hiểu.

Tôi chụp những tấm hình trên tại phần mộ của ông nhân chuyến đi thăm nơi cải táng của người nhà cũng ở đây. Đây là một nghĩa trang mới được xây cất mấy năm nay trên vùng đất xưa là rừng cao su, xây dựng theo dạng công viên nghĩa trang, nhiều cây cối hoa cỏ, rất đẹp, khang trang. Nơi ông nằm là khu dành cho giới văn nghệ sỹ, con đường được đặt tên là đường Nghệ sỹ. Khi yên nghỉ ông nằm ở đây là theo lời mời của nghĩa trang, chứ không đưa về quê nhà, cho dù người như ông có lẽ quê nhà của ông sẵn sàng giang tay đón nhận.

Như vậy suốt đời, và cho đến sau khi mất ông cũng mãi là "hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...".

--> Read more..

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Đối diện.

Photobucket

Photobucket



"Bây giờ riêng đối diện tôi...". Thơ B.G.

--> Read more..

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Trò chuyện tháng 8.

Photobucket

Hoa (1).

 Photobucket

Hoa (2).

Photobucket

Lá úa (1).

 Photobucket

Lá úa (2).

 Photobucket

Mây. 

Photobucket

Lá xanh.

 Photobucket

Đường nét và màu sắc.

 Photobucket

Chổi.

 Photobucket

Hoa trắng (1).

Photobucket

Hoa trắng (2).

 Photobucket

Chim sẻ (1).

 Photobucket

Chim sẻ (2).



Tôi thích chụp hình cây cỏ, hoa lá, chim chóc... từ hồi nào tới giờ, ít chụp người, thỉnh thoảng đưa lên blog cũng thấy vui vui, chụp cây cỏ hoa lá chim chóc đưa lên không bị những gì mình chụp phản đối, rầy rà... Khỏe .

Cũng may bạn bè qua lại bấy lâu nay cũng có nhiều người cùng sở thích, thế là ngoài những tấm hình mình chụp lại có dịp được ngắm đủ mọi loại cây cỏ hoa lá chim chóc khắp nơi nơi, cái vui được nhân đôi, càng vui trong thời buổi nhiều buồn phiền này... .

Muốn có hình ảnh đẹp dĩ nhiên việc đầu tiên là phải có một chiếc máy ảnh... xài được, xài được không có nghĩa là phải sắm những chiếc máy ảnh thật đắt tiền, thật xịn, mà là kiếm được một chiếc máy phù hợp với bản thân, nhất là với... túi tiền. Cô bạn Hoa cúc và ông bạn Đèn đỏ từ lâu đã sắm máy thay được ống kính, các bạn khác là máy gắn liền ống kính, nhưng... ngon lành không kém, bác Bu "chơi" cái G12 Canon giá mười mấy... chai (còn nhiều tiền hơn loại thay ống kính), cô bạn Caonguyenbui tậu cái Nikon Zoom tới 40 mấy X, quá hớp, còn bạn Tienvy tận bên Úc nhưng về VN tậu cái Panasonic Lumix ống kính Leica nổi tiếng cũng Zoom mười mấy X, ra ảnh màu sắc hết sẩy... .

Có lẽ khi xài máy "cao cấp" hơn máy cũ các bạn thấy hình ảnh của mình chụp có khác hẳn (đáng đồng tiền bát gạo, thế các hãng sản xuất máy mới sống được), cũng có bạn loay hoay với cái máy mới không biết phải xóa phông thế nào, chụp ngược sáng ra sao...? Một trong những điều cơ bản nhất của nhiếp ảnh là khẩu độ (độ mở lớn nhỏ của ống kính), tốc độ (thời gian chụp của một tấm hình, thường tính bằng phần trăm giây), tiêu cự (nôm na là chụp ở góc rộng (Wide) hay góc hẹp (Tele), Iso ( độ nhạy sáng của máy), đối với máy kỹ thuật số bây giờ thêm cái White balance (cân bằng trắng). Rất nhiều bạn chụp nhưng không hề để ý khẩu độ, tốc độ hoặc Iso đang để bao nhiêu, điều này cũng chẳng sao, máy móc bây giờ tự lo tất, ra tấm hình vẫn đúng sáng, vẫn đẹp... như mơ .

Các bạn cứ chụp thật nhiều, cái gì thắc mắc chưa rành cứ tìm hiểu, trao đổi với bạn bè rồi sẽ rành, chỉ cần chú ý chút ít về "chủ đề" mình sẽ chụp, thường thì mình chụp xong rồi xem lại mới hay mình đã chụp cái gì. Nhiếp ảnh là ghi lại hình ảnh, dĩ nhiên, đây là ý nghĩa... tối cao của việc chụp ảnh, nhưng sử dụng việc chụp ảnh để thể hiện được suy nghĩ của mình lại là việc làm phức tạp hơn, nhưng cũng không hề là khó, chỉ là... quen thôi, hì hì .



 

--> Read more..