PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Cải biên di sản,,,

Thứ Ba, 21/02/2012, 07:26 (GMT+7)

Cải biên di sản để... bảo vệ khẩn cấp

TT - Không lâu sau khi hát xoan được Unesco công nhận, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng đề ra một chiến lược hành động đưa hát xoan thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp” để trở thành di sản văn hóa đại diện của nhân loại vào năm 2015.

>> Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản thế giới
>> UNESCO đánh giá cao hát xoan của Việt Nam
>> Vinh danh hát xoan Phú Thọ

Cải biên lời hát xoan cổ, ghép nhạc mới... đang trở nên thịnh hành - Ảnh: Hà Hương

Coi đó là một cách thử nghiệm để quảng bá rộng rãi đến công chúng, nhưng việc tạo ra một loại hình “xoan mới” (với lời hát, điệu bộ được cải biên) để quảng bá hát xoan đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà nghiên cứu lẫn nghệ nhân hát xoan.

Chèo hóa hát xoan

Ngay trong lễ vinh danh hát xoan diễn ra sáng 18-2 tại Phú Thọ, “xoan mới” với phần ghép nhạc hiện đại, trang phục kiểu hát chèo, lời lẽ pha giữa xoan, hát trống quân, chèo... đã làm nhiều nghệ nhân ở các làng xoan cổ kinh ngạc. Một nghệ nhân đến từ phường xoan Thét (xã Kim Đức, TP Việt Trì) bày tỏ: “Bao nhiêu năm hát, ghi chép đủ 13 quả cách của hát xoan, tôi chưa thấy điệu hát nào... buồn cười như thế. Xoan cổ không như thế đâu, tiết mục này từ cách hát đến cách đưa tay đều giống hệt chèo”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan (người trực tiếp tham gia viết hồ sơ hát xoan đệ trình UNESCO) phân tích: “Họ đã cách tân toàn bộ chặng hát giao duyên mà nói đúng theo cách của xoan là phần đi chơi bởm gái. Đây là một phần trong lịch sử hát xoan được cộng đồng đón nhận nhiều nhất, yêu thích nhất, nếu bóp méo phần này đi sẽ làm hỏng hát xoan trong đời sống cộng đồng. Như vậy, họ đã biến lối trình diễn, ca hát của xoan thành lối trình diễn ca hát của chèo”.

Trình diễn lối “xoan mới” này là những diễn viên nhà hát chèo của tỉnh, chiếc áo năm thân kín đáo của xoan được thay bằng áo tứ thân kiểu chèo, cái liếc mắt cũng rất chèo. Nó chỉ khác chèo ở một điểm là lời xoan cổ bị bóp méo nhiều, kéo giãn ra và ghép nhạc mới vào. Nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch (“trùm xoan” của phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì) chia sẻ: “Nhìn kỹ sẽ thấy xoan gốc khác xoan mới từ điệu hát đến cái đưa đẩy của ngón tay. Ở phường xoan, các nghệ nhân truyền dạy rất tỉ mỉ, thể cách bao đời không bao giờ được thay đổi. Xoan mới có vẻ rộn ràng hơn nhưng đó không phải là xoan mà các nghệ nhân phường xoan truyền dạy”. Nghe điệu xoan mới, nghệ nhân nhiều tâm huyết này cũng bày tỏ âu lo: nguy cơ lớn nhất là nếu mang xoan mới đi trình diễn, người ta sẽ hiểu xoan Phú Thọ chính là cái đã cải biên, điều đó rất dở!

Vì xoan cổ thiếu tưng bừng?

Xoan cổ vẫn còn hi vọng!

Di sản xoan cổ vẫn có thể được bảo tồn nguyên dạng vì chúng ta đã có bài học cay đắng từ quan họ. Hơn nữa, hát xoan là loại hình nghệ thuật bám rễ vào tín ngưỡng, còn quan họ thì không. Ở trong các phường xoan, các nghệ nhân vẫn giữ lối truyền dạy xoan cổ cho học trò.

GS.TSKH TÔ NGỌC THANH
(chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN)

“Nói chung tâm lý người ta muốn có cái gì đó tưng bừng, mà xoan cũ thì không tưng bừng” - đó là lý giải của ông Phạm Bá Khiêm (phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ) về nguyên nhân “ra đời” của xoan mới. Ông Khiêm cho rằng đây là giai đoạn thử nghiệm để đưa hát xoan lên sân khấu, quảng bá rộng rãi đến công chúng và hoàn toàn không đi ngược với khuyến cáo của Unesco về bảo tồn di sản nguyên dạng. “Chưa biết xoan nào sẽ thắng thế, nhưng đây là giai đoạn thử nghiệm, có thể có cái được cái chưa được, chúng tôi sẽ tiếp thu và cải tiến”, ông Khiêm nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Ân (giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ) khẳng định: “Trong đề án bảo tồn và phát huy di sản hát xoan thì có việc đưa xoan đương đại vào các loại hình nghệ thuật như chèo, kịch...”. Ông Ân cũng cho rằng đây là động thái đưa di sản “hòa nhập” vào xu thế hiện đại và việc tạo ra những bài Xoan mới được giới trẻ rất yêu thích.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan: “Việc cải biên hát xoan là chủ trương của tỉnh Phú Thọ, giao cho đoàn chèo cách tân các bài hát trong chặng hát giao duyên. Tôi biết họ đã mang đi trình diễn nhiều nơi với mục đích quảng bá di sản hát xoan Phú Thọ. Nếu cứ như thế này thì người hiện đại sẽ không thể hiểu thế nào là xoan nữa. Tôi đã cảnh báo khá nhiều lần với tỉnh nhưng tình hình có vẻ vẫn chẳng thay đổi”.

Chứng kiến toàn bộ phần trình diễn, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh gay gắt: “Làm gì có xoan mới, ở đời chỉ có một xoan thôi. Không thể chủ trương hiện đại hóa văn hóa mà trong đó có di sản hát xoan được, bởi vì văn hóa vốn là lịch sử và chiều sâu”.

Có rất nhiều lý do mà lãnh đạo Phú Thọ đưa ra để giải thích cho sự cải biên này: hát xoan phải làm du lịch, lời lẽ đơn giản, trang phục kín đáo của xoan cổ không thu hút khi lên sân khấu... Tuy vậy, trong giai đoạn hồi sinh hát xoan thì việc làm đầu tiên chính là đưa hát xoan trở về giá trị gốc vốn có của nó. Nói như nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan thì: nghệ thuật hát xoan là nghệ thuật chân thật, chữ chân thật là chữ được Unesco đánh giá cao. Nếu giờ làm theo kiểu diễn chèo thì nghệ thuật đấy không còn chân thật nữa!

HÀ HƯƠNG



Đọc bài viết trích từ báo Tuổi Trẻ ngày 21/2/2012 nói trên lại thêm một cái giật mình. Trang WikipediA tiếng Việt viết "Hát Xoan là một di sản văn hoá phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Hùng Vương dựng nước. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hoá cổ của thời đại bình minh dựng nước."

Một tin khác cũng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày hôm nay (22/2/2012), 2 cây cầu đã tồn tại nguyên vẹn 200 năm nay là cầu cổ Vĩnh Lợi và cầu Kho bắc qua sông Ngự Hà thuộc di tích kinh thành Huế, đang được chuẩn bị để mở rộng bằng cách phá dỡ lan can 2 bên cầu, đổ bê tông cặp 2 bên hông mở rộng mặt cầu.

Lan man nghĩ đến một câu nói của ai (không nhớ rõ), đại ý bây giờ người ta đang "trẻ hoá và rẻ hoá di tích, di sản...".

32 nhận xét:

  1. Biến hát xoan hành hát chèo để các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu phản đối là sự ngu muội của những người chủ trương đổi mới. Chắc chắn Unesco sẽ rút lại quyết định Hát xoan VN là di sản văn hóa nhân loại, lúc đó bu tui ủng hộ Unesco cả hai tay. hehehe

    Trả lờiXóa
  2. @bulukhin, ông Phó GĐ Sở VH - TT - DL tỉnh Phú Thọ nói "Chưa biết Xoan nào sẽ thắng thế" (giữa Xoan cổ và Xoan "đương đại"), và ông GĐ thì nói "những bài Xoan mới được giới trẻ rất yêu thích". Chao ôi! Tầm nhìn của các quan chức!!!

    Trả lờiXóa
  3. @bulukhin, có điều này nữa "Trang phục kín đáo của Xoan cổ không thu hút khi lên sân khấu", không khéo mai mốt khi hát Xoan người ta sẽ mặc... xường xám xẻ tới... nách, hehehe!

    Trả lờiXóa
  4. Mới coi trên tivi hai cây cầu cổ ở Huế rất đẹp , hài hòa với khung cảnh đất Thần kinh ( bác H đừng hiểu nghĩa thần kinh theo như thời bây giờ nha )

    Trả lờiXóa
  5. @bangtamngt, coi cái video clip trên bài báo thấy hình 2 cây cầu trông cổ kính, có nhà nghiên cứu nói, người xưa xây kinh đô Huế tất cả đã theo một tỷ lệ, kiểu như một cơ thể con người, hài hoà, nay nới rộng 2 cây cầu như thế khác chi một cơ thể với 2 bàn tay dị dạng. vẫn là cái tầm nhìn quan chức...
    Hehe, theo nghĩa... tâm thần hả? (((-:

    Trả lờiXóa
  6. Đến áo 3 dây với quần cụt lủn nữa thi Unesco ôm gói chạy dài huhuhu

    Trả lờiXóa
  7. @bulukhin, nhiều khi tôi không thể nào hiểu được tại sao những người có cái đầu suy nghĩ như thế mà lại được giao quyền hành. Mai mốt mà có thấy áo 3 dây, quần cụt lên sân khấu hát Xoan theo... điệu Rap nữa là hết ý :-)

    Trả lờiXóa
  8. Giời ạ! đồ cổ vô giá mà phá đi hở giời!
    Ở nước của người ta còn cho tiền để người ở trên nhà cổ, phố cổ, cầu cổ giữ gìn bảo trì nguyên hiện trạng, còn xứ mình thì cứ cải cách cải biên!!

    Trả lờiXóa
  9. Bây giờ lên sân khấu mà không hở.. nhiều thì sẽ bất bình thường đó anh H ơi!

    Trả lờiXóa
  10. Thì cái người giao quyền hành kia có hơn gì cấp dưới. Các cụ dạy rồi "Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu", dân gian dễ hiều hơn "cha nào con nấy"...

    Trả lờiXóa
  11. Hình như em thấy toàn là "đổi lùi" không hà.

    Trả lờiXóa
  12. @bulukhin, kinh khủng ở chỗ người có quyền về chuyện văn hoá lại không thông hiểu về văn hoá :-(

    Trả lờiXóa
  13. @lanvuive, "cải lùi" phải không cô Lan?

    Trả lờiXóa
  14. Đúng là "cải lùi" hết chuyện này đến chuyện khác, làm mọi người ngất ngư luôn.
    Đúng là: Ngu + tích cực => Phá hoại.

    Trả lờiXóa
  15. @lanvuive, hehe, bởi vậy xã hội cứ đụng chuyện gì là rối chuyện đó.

    Trả lờiXóa
  16. Có nhà nghiên cứu đã thống kê xứ ta có nhiều thứ văn hóa lại tai
    1- Văn hóa phá (sếp này lên phá hết những gì sếp trước làm, kể cả xoay chiếc bàn
    sửa lại cái cổng....phá đền chùa một thời)
    2- Văn hóa phong bì
    3- Văn hóa nhà nghèo (tôn sùng giai cấp nghèo, trong CCRĐ chánh án tòa án không biết chữ điểm chỉ ra lệnh bắn người...chuyện cổ tích toàn ngợi ca những Thạch sanh, Chữ Đồng Tử...Trương chi, cô Tấm trong chuyện Tấm Cám....)
    4-Văn hóa Đảng Bác (mở miệng ra là phải nói nhờ ơn Đảng Bác, không nói là phạm thượng nguy lắm huhuhu)
    5-.....

    Trả lờiXóa
  17. @bulukhin, chắc phải khóc huhu theo bác Bu thôi :-(((

    Trả lờiXóa
  18. Giời ạ! đừng bi quan mà hãy cất tiếng hát lên nào..
    "Người dân VN ta..."

    Trả lờiXóa
  19. Chị huynhtran đừng lo , huhu than trời thì cứ huhu , trăng , hoa , chuồn chuồn , cafe thì vẫn rung đùi và thấy cuộc sống của mình ... không đến nỗi tệ , hihi ( là M nghĩ vậy đó )

    Trả lờiXóa
  20. Bi kịch của đất nước mình anh H ạ. Cái gì cũng tân trang, cải biên, sân khấu hóa, hoành tráng hóa, tóm lại "Phá hóa" tất cả. Giữ thì khó, phá thì nhanh...Nếu người làm văn hóa mà yếu về văn hóa thì đây là hệ quả tất yếu.

    Trả lờiXóa
  21. @bangtamngt, @Huynhtran, Marg. nói rất đúng, đang chờ chầu cafe rất thú vị đây (-:

    Trả lờiXóa
  22. @torovn, đúng là bi kịch của đất nước, tôi coi cái phối cảnh thiết kế cải tạo 2 cây cầu ở Huế mà hỡi ôi, chẳng khác gì cái "lò gạch" Tuyên Quang dạo nào :-(

    Trả lờiXóa
  23. Cầu cũ rồi nếu không làm mới thì e là nó nguy hiểm anh ạ.

    Trả lờiXóa
  24. @tudinhhuong, Đây không phải là cầu cũ nguy hiểm (vì hư hỏng), mà họ muốn mở rộng cầu vì giao thông, và họ quên mất rằng cây cầu gắn liền, hài hoà với quần thể di tích Huế, cầu, đường xá, cung điện... của di tích Huế cứ tân trang (làm mới) kiểu này thì còn gì là sản?

    Trả lờiXóa
  25. Năm ngoái em có đến Huế, có thấy mấy cái cầu được cải tạo lại, dưng mà chưa biết ngày trước hình dạng cây cầu thế nào.

    Trả lờiXóa
  26. @tudinhhuong, cải tạo, phục chế di tích, di sản, là một việc làm cực khó, ở các nơi người ta chỉ làm trong trường hợp chẳng đặng đừng, chẳng hạn để cứu di tích khỏi sụp đổ, và phải được giao cho những chuyên gia, chuyên viên, đội ngũ thiết kế, xây dựng thật am hiểu về lịch sử, khảo cổ, kể cả vật liệu thế nào cho phù hợp. Còn bây giờ ở xứ mình? Nghe nói được giao cho nhà thầu xây dựng, cho nên mới có chuyện tân trang xong một đoạn thành cổ, trông cứ y như cái lò gạch .

    Trả lờiXóa
  27. Là lò gạch còn may chán đó anh, chứ thành lô cốt thì hẹ hẹ.
    Em đi Đường Lâm, thiệt may mấy ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn 400 năm được các chuyên gia người Nhật phục chế nên, phù, vẫn nguyên xi như cái ngày chúng được dựng lên.

    Trả lờiXóa
  28. @tudinhhuong, người Nhật làm việc có chuyên môn và trách nhiệm như thế, nên sau thế chiến thứ hai nước Nhật chỉ còn là đống đổ nát, vậy mà bây giờ họ đang đứng đầu thế giới trong nhiều lãnh vực.

    Trả lờiXóa
  29. Nói đến cái lò gạch, em lại thấy xót khi cửa ô Quan Chưởng ở Hà thành giờ cũng như nơi ở của Chí Phèo.

    Trả lờiXóa
  30. @tudinhhuong, bạn và tôi có thể không chú ý đến di tích, di sản, nên suy nghĩ đơn giản hay hời hợt về nó, nhưng những người có trách nhiệm cũng thế nên mới ra nông nỗi như bạn đã thấy.

    Trả lờiXóa
  31. Khi đứng ngắm đấu trường Colloseo ở Rôma em chợt nghĩ: "May nhá! Đấu trường này mà ở VN thế nào cũng bị người ta đem ra tân trang, xây thêm và trát mới cho "Hoành tráng" cho mà xem! :-(

    Trả lờiXóa
  32. @muathuvang, người mình bây giờ hình như không phân biệt được nhiều thứ, cái cũ, cổ hủ, tầm phào đáng phải thay, và cái cổ, tinh tuý đáng trân trọng cần phải giữ nguyên vẹn không được làm sai lệch... Và tại sao lại như thế? Chắc không khó tìm câu trả lời, phải không V.A.?

    Trả lờiXóa