Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012
Chữ nghĩa.
Thỉnh thoảng tôi gặp lại Đ., một người bạn cũ từ thời còn ở trong quân đội. Sau năm 75 Đ. có thời gian bán sách cũ nên khá rành về sách vở, chữ nghĩa... Gặp lại bạn thường là rủ nhau ra quán cà phê ngồi cà kê dê ngỗng chuyện xưa nay...
Đ. nói hôm nọ có gặp lại L. một người bạn cũng ở trong quân đội xưa, cùng chung một đơn vị rừng núi mấy năm, nhà cửa của bạn ở tuốt trên Kontum trong một xứ đạo mà hồi năm 72, 73, tôi có ghé qua chơi mấy lần. Nguồn gốc của gia đình bạn thực ra ở miền Trung vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, nghe bạn nói thời vua nhà Nguyễn cấm đạo Thiên chúa các cụ cố kéo nhau cả làng lên vùng rừng núi Kontum lánh nạn... Hỏi L. làm gì? Thì nghe nói "làm biện". Làm biện, một từ ngữ hình như hơi khó hiểu ngay cả với một người đã từng bán sách vở, đã đọc và khá thông hiểu chuyện chữ nghĩa như Đ., hỏi lại thì được L. cắt nghĩa bây giờ L. đã cháu nội cháu ngoại đề huề, nên rảnh rỗi đi làm việc trong họ đạo, giúp việc cho cha sở tại, và làm như thế là hoàn toàn tự nguyện chứ chẳng có lương bổng gì cả, một loại hình mà người đời thường hay nói là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"...
Lan man nói chuyện với Đ. về từ "làm biện", tôi sực nhớ có một từ ngữ liên quan đến chữ "biện", mà bây giờ trên sách vở, báo chí người ta đã dùng sai lạc, đó là từ "bao biện". Bây giờ tôi hay thấy báo chí dùng chữ "bao biện" với ý nghĩa là "cãi chày cãi cối cho một việc làm sai trái rành rành", hoặc đôi khi là "bao che và biện hộ cho một ai đó". Thực ra thì từ "bao biện" không phải là như thế, đây là một từ ngữ khá cổ mà Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân đã giải thích rất rõ: bao biện đgt (bao: thâu tóm, biện: làm) Ôm đồm những việc thuộc phận sự người khác. Có một từ ngữ khác cũng có ý nghĩa như thế, đó là từ "đa đoan", như chúng ta đã thấy trong bài hát "Chị tôi" có câu "Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan", và ngày xưa tôi còn nhớ người ta nói "bao biện" để chỉ người đàn ông ôm đồm mọi việc, còn "đa đoan" để chỉ về phía phụ nữ...
Gần đây tôi đã đọc trong quyển "Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ" của Hoàng Xuân Việt, có nói rõ hơn về từ "biện". Đó là một đoạn văn được trích trong sách Thầy giảng (1872), sách Thầy giảng là một tập sách của J.M.J. (Sài Gòn, Imprimerie de la Mission, 1872), đoạn văn được trình bày dưới dạng Hỏi - Trả lời như sau:
H: Khi giáo hữu thường, như trùm, biện, hay mụ bà, phải làm phép rửa tội mà hãy còn mắc tội trọng, thì phải lo liệu làm sao?
T: Kẻ ấy phải lo trước đã mà cầu nguyện, cùng giục lòng ăn năn tội nên.
Trong đoạn văn trên tác giả (Hoàng Xuân Việt), có nhận xét về chữ "mụ bà". Từ này dùng năm 1872 có nghĩa tương đương như những danh từ "bà phước", "dì phước" hay "chị phước" ngày nay.
Riêng về chữ "trùm, biện", các bạn đã biết đây là một quyển sách tôn giáo (Thiên chúa giáo), nên những từ ngữ "trùm, biện, mụ bà" đều liên quan đến những người theo đạo Thiên chúa. "Trùm", từ này trong Thiên chúa giáo vẫn còn dùng, bạn nào ở miền Nam theo đạo Thiên chúa chắc biết, trong họ đạo thường cử ra một người đứng tuổi, có uy tín đứng đầu giáo dân để làm gạch nối giữa giáo dân và nhà thờ, gọi là "ông trùm". Còn ở ngoài đời từ "trùm" thỉnh thoảng cũng vẫn còn nghe, chẳng hạn "chúa trùm", hay trong giang hồ có những đại ca làm "trùm thiên hạ", như Đại ca Thay hay Năm Cam một thời... "Mụ bà" để chỉ phụ nữ đi tu như các "dì phước, bà phước", thì ngày xưa thời còn nhỏ tôi nghe gọi là "bà mụ". Riêng từ "Biện" là một từ cổ mà bây giờ chỉ những nơi xa xôi như xóm đạo của anh bạn L. trên Kontum vẫn còn dùng, Trùm trong xứ đạo thì chỉ có một người (người đứng đầu), còn Biện thì có nhiều người, đây là những người giúp việc trong nhà thờ, trong cộng đồng xứ đạo, họ làm nhiều việc với lòng tự nguyện, không hề tính công xá... Cũng như các dì phước thường hay đi làm những việc từ thiện... trong đạo Thiên chúa, thì ngoài cha đạo những ông trùm, biện, hay dì phước là rất cần thiết trong việc phát triển đạo.
Từ ngữ tiếng Việt (chữ quốc ngữ) của chúng ta dùng bây giờ thật ra có rất nhiều chữ có nguồn gốc từ tôn giáo, đừng quên là trong lịch sử cả ngàn năm, đất nước chúng ta luôn luôn chịu ảnh hưởng của những tôn giáo, Nho, Lão, Phật giáo, Thiên chúa giáo... và ở vào những thời chưa có nhiều sách vở các loại, thì từ ngữ của sách vở tôn giáo như kinh kệ, giáo lý... sẽ đi vào đời sống của xã hội...
Hồi nào giờ Gió cũng hiểu từ "bao biện" theo nghĩa này .
Trả lờiXóaNói chung bây giờ báo chí dùng từ rất tùy tiện bát nháo mà đọc lướt qua để hiểu thì không sao chứ phân tích có khi câu lại chẳng có nghĩa gì ..
Bài viết hay quá anh H ơi
Cô giáo là phải hiểu trúng phóc chữ nghĩa rồi. Hihi. Báo chí bây giờ dùng chữ ghê gớm lắm, câu cú nữa, lủng củng đọc nhiều khi không hiểu.
Trả lờiXóaÔi, cái này là quá khen đấy :-)) Đi chơi HN về khỏe chưa bạn
Cũng khỏe vì chơi rồi nhưng lại mệt vì làm anh H ơi !:))
Trả lờiXóaVề lại vào mùa tựu trường nên mệt ha bạn Gió?:-))
Trả lờiXóaDạ, về là đi dạy ngay hôm sau dù hôm qua mới làm lễ khai giảng :))
Trả lờiXóaNhưng đi một chuyến gặp được bạn bè, và nhìn cảnh đất nước cũng đáng chứ :-))
Trả lờiXóaEm có nghe từ này nữa nè "biện gà" là trong các "trường gà" người ta đá gà ăn cá độ, biện là sẽ thu tiền cá và thay mặt chủ trường gà (hay người có gà - vụ này em ko chắc lắm) chung chi cá độ ....
Trả lờiXóaCòn có nghe nguỵ biện và giảo biện nữa :), hình như "nguỵ biện" là đưa lý lẽ giả dối còn "giảo biện thì là cố tình lái cho người nghe theo ý đồ của mình ...
Biện gà chắc là theo như Comieng giải thích đó, biện này có nghĩa là làm (ở đây là làm thay cho chủ trường gà). Còn biện trong ngụy biện, giảo biện lại thuộc về "nói" (biện bạch, biện luận...), hihi, hôm nào cà phê cô Mây :-))
Trả lờiXóaĐúng là bây giờ nhiều người trong đó có em Lan lùn hiểu từ "Bao biện" có nghĩa là "bao che và biện hộ cho một ai đó". May mà em đọc bài này của anh Hiệp, sau này em phải điều chỉnh cái sự hiểu chữ nghĩa của em lại cho đúng mới được. :)
Trả lờiXóa"Ôn cố tri tân", ôn lại cái cũ hiểu được cái mới. Tôi vẫn thường tìm đọc lại những sách vở rất cũ, để thấy là bây giờ người ta dùng chữ nghĩa ẩu quá, tai hại là sai riết thành... đúng, hihi, cũng y như chùa chiền, di tích cổ họ phá đi làm mới lại sạch, hichic!
Trả lờiXóaĐa đoan, nhiều đầu mối, lo toan, bạn tâm nhiều việc... có lẽ không như chữ bao biện anh ạ. Bao biện có vẻ chủ động, đa đoan có vẻ bị động hơn.
Trả lờiXóaKhông tra từ điển em nói theo cảm tính, không biết có chuẩn không?!
Toro nói cũng đúng chứ, tuy về mặt từ ngữ là giống nhau giữa đa đoan và bao biện vì đều là tự nguyện ôm đồm mọi chuyện, nhưng về mặt xã hội thì đa đoan có vẻ bị động hơn bao biện. Đây là 2 từ cổ, một đằng nói về người phụ nữ ôm đồm công việc, ngày xưa phụ nữ thường quanh quẩn trong gia đình, nên gần như buộc phải ôm đồm chuyện nhà, trong khi người đàn ông ôm đồm chuyện xã hội thường là chủ động, họ "thích" mới ôm đồm...
Trả lờiXóaE nghĩ chữ đa đoan của đàn bà thiên về chuyện tình duyên ngang trở, vất vả chồng con hơn là công việc bác ạ.
Trả lờiXóaTôi thì nghĩ chuyện tình duyên trắc trở của phụ nữ người ta dùng chữ truân chuyên chứ không phải đa đoan, còn chuyện vất vả, bận rộn chồng con... thì xưa coi như bổn phận chính của phụ nữ rồi, mà từ đa đoan lại là ôm đồm những việc không hẳn thuộc trách nhiệm chính của mình Toror à.
Trả lờiXóaEm mang Từ điển TV 2002 của Viện Ngôn ngữ ra tra vậy. Đa đoan: Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối khó lường/ Truân chuyên: Gian nan, vất vả. Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn - Nhà sách Khai Trí, SG 1960 cũng tương đồng ạ.
Trả lờiXóaToro sang bên nhà bác Bu bên Opera xem bàn luận về từ "hoa hậu".
Trả lờiXóa