PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Thăng Long - Kẻ Chợ.

                                         Ô Quan Chưởng xưa (Ảnh: Internet)


Thăng Long - Ngàn năm xưa...

Tôi sinh ra ở Nam Định, nhưng do loạn lạc có hai năm đầu đời được song thân bế lên ở Hà Nội, và ngoại trừ dăm năm trước 75 cũng do chiến tranh mà lưu lạc nơi vùng cao nguyên và duyên hải miền Trung, còn tất cả những năm tiếp theo cho đến bây giờ là "sống chết" với Sài Gòn. Có một điều là tận cho đến giờ tôi vẫn chưa có dịp ra Hà Nội, hẳn sẽ có một dịp gần nào đó tôi sẽ về thăm lại nơi đã sinh ra, và Hà Nội, kinh đô Thăng Long ngàn năm xưa...

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép:

Vua (Lý Công Uẩn 974-1028, miếu hiệu là Lý Thái Tổ) thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, viết thủ chiếu rằng: "Ngày xưa nhà Thương đến Bàn Canh là năm lần dời đô, nhà Chu đến nhà Thương là ba lần dời đô, há phải là các vua đời tam đại (tam đại: 3 đời Hạ - Thương Chu bên Trung Hoa 1121 - 221 T Công nguyên, vị chi 900 năm) ấy theo ý riêng mà tự dời đô bậy đâu, là vì mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế cho con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiên thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, phong tục giàu thịnh. Thế mà nhà Đinh nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời, không noi theo việc cũ nhà Thuơng nhà Chu, yên ở nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương, không thể không dời đi nơi khác...

Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long...

Khi mới xây dựng thành Thăng Long được chia làm hai phần: Hoàng thành và Kinh thành. Các đời sau đều theo cách phân chia ấy. Hoàng thành là khu vực nằm bên trong Kinh thành, là nơi triều đình vua và các quan làm việc. Kinh thành là nơi quan lại, quân lính, và dân chúng ở. Bên trong Hoàng thành lại ngăn ra một khu vực gọi là Cấm thành, là nơi hoàng tộc, nhà vua, hoàng hậu, cung tần mỹ nữ ở, có tường xây kiên cố, quân lính canh phòng nghiêm mật. Cấm thành thời nhà Lý gọi là Long thành, thời Trần gọi là Long Phụng thành.

Tên gọi Thăng Long  đã có từ cả ngàn năm nay, qua thời gian có nhiều thay đổi, nhưng Thăng Long là tên vẫn luôn được nhắc đến trong dân gian, sách vở. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đời nhà Nguyễn đã chép:

Thời Hùng Vương xưa là bộ Giao Chỉ. Đời Tần thuộc nước của An Dương Vương. Đời Hán là bộ Giao Chỉ. Đời Tùy là quận Giao Chỉ. Đời Đường là phủ Đô hộ An Nam, đắp thành Đại La. Năm đầu Thái Bình nhà Đinh (970) là đạo. Năm Ứng Thiên đời Tiền Lê (994-1005) là lộ. Năm đầu Thuận Thiên nhà Lý (1010) là Đô thành, lại gọi là thành Nam Kinh, là thành Thăng Long, phủ gọi là phủ Ứng Thiên...

Đầu năm Thiệu Bảo nhà Trần (1279), đổi là Trung Kinh. Thời thuộc Minh, là trị sở ba ty của phủ Giao Châu, gọi là thành Đông Quan...

Đời Lê gọi là Đông Kinh, lại gọi là Trung Đô. Từ đời vua Hiến Tôn trở về sau, lại gọi là Đông Đô (đời Hiến Tôn lấy Thanh Hóa làm Tây Đô, nên đặt Thăng Long làm Đông Đô). Đời Tây Sơn gọi là Bắc Thành...


Năm Gia Long thứ tư (1805), mới đổi Thăng Long (rồng bay lên) thành Thăng Long (hưng thịnh), (chữ Long là rồng theo chữ Hán thuộc bộ Long, trong khi chữ Long là hưng, thịnh thuộc bộ Phụ), như vậy tuy tên gọi vẫn là Thăng Long nhưng ý nghĩa của rồng bay lên đã thay đổi thành hưng thịnh. Chi tiết về sự thay đổi ý nghĩa của chữ Thăng Long này về sau ít khi được sách vở nói đến...

Liên quan đến Thăng Long có lẽ còn là những tên gọi khác, ở đây tôi sẽ chỉ nhắc đến những tên gọi quen thuộc, chẳng hạn về sông có sông Nhị Hà (sông Hồng), sông Tô Lịch, sông Nhuệ... Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: Khi Hoàng Phúc nhà Minh đắp thành Đại La, thấy sông chảy vòng quanh như hình cái vành khuyên, nên mới đặt tên là Nhị Hà (Nhị tiếng Hán nghĩa là khuyên tai). Về sông Tô Lịch thì sách Lĩnh Nam Chích Quái có chép: Hồi đó đang giữa tháng sáu, nước mưa lên cao: Biền (Cao Biền) cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào sông con, đi khoảng một dặm, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói hớn hở. Biển hỏi họ tên. Đáp: nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch... Về sông Nhuệ sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: Có thuyết nói đầu nguồn sông này nhọn (Nhuệ) nên đặt tên là sông Nhuệ...

Về hồ, thành Thăng Long có nhiều hồ, nhưng có lẽ hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) là quen thuộc. Hồ Tây ở phía Tây Kinh thành, thuộc huyện Vĩnh Thuận. Xưa gọi là hồ Lãng Bạc, vua Lý Thánh Tông có dựng hành cung ở đây, đặt tên là đầm Dâm Đàm (đầm có nhiều sương mù). Đến đời vua Lê Thế Tông (1573) mới đổi thành tên Hồ Tây, là để tránh tên húy của nhà vua là Duy Đàm . Đầu thế kỷ XIII, có lập cung Từ Hoa là nơi ở của công chúa Từ Hoa, con gái Lý Thần Tông. Công chúa Từ Hoa cùng các cung nữ tập nghề trồng dâu nuôi tằm, vì thế nơi này gọi là trại Tàm Tang, sau đổi thành Nghi Tàm, tức thôn Nghi Tàm ngày nay... Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), gắn liền với sự tích trả gươm đời vua Lê Thái Tổ, vốn xưa có tên là hồ Lục Thủy, sau được đổi là hồ Thủy Quân. Từ cuối thế kỷ XVI trở đi, sau khi đoạt được quyền bính, các chúa Trịnh xây dựng lầu đài cung điện suốt dọc bờ hồ, đặt tên phần hồ trên là hồ Tả Vọng và phần hồ dưới là hồ Hữu Vọng, ngụ ý rằng hai phần hồ đều vọng về phủ chúa...

Thời nhà Lý đã xây dựng ở kinh thành Thăng Long Đàn Nam Giao ở huyện Thọ Xương, phía Nam kinh thành. Thời nhà Lý cũng đã xây dựng Đàn Xã Tắc ở huyện Vĩnh Thuận phía Tây Nam kinh thành... Đời vua Minh Mạng thứ 20 (1839) có đắp Đàn Tiên Nông ở phía Tây Nam kinh thành...

Văn Miếu, ở thôn Minh Giám huyện Thọ Xương phía Tây Nam kinh thành, xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông, đặt tượng thánh, có bia ghi tên tiến sĩ các đời, dựng ở hai bên tả hữu. Đền Ngọc Sơn, ở gò đất trong hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm), gò Ngọc Sơn xưa được gọi là Tượng Nhĩ (tai voi). Đây từng là nơi họp mặt của các danh nhân Hà Thành. Năm 1865, án sát Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa đền . Trên núi Ngọc Bội cũ ông cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc 3 chữ "Tả thanh thiên" (viết lên trời xanh), gọi là Tháp Bút. Từ bờ hồ ra đền được bắc bằng một chiếc cầu, đặt tên là cầu Thê Húc (giữ lại ánh sáng mặt trời ban mai), hai bên cầu có 3 chữ "Thê Húc kiều" (cầu Thê Húc)...

Về chùa, có chùa Môt Cột ở thôn Thanh Bảo, huyện Vĩnh Thuận. Vua Lý Thái Tông trước có nằm mộng thấy Đức Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Có vị sư khuyên nhà vua dựng cột đá là chùa ở giữa hồ, làm tượng Đức Quan Âm ngồi trên tòa sen như vua đã thấy trong chiêm bao, các sư đứng chung quanh tụng kinh cầu cho vua được sống lâu, vì thế nên có tên là chùa Diên Hựu. Ngày 11-9-1954 trước khi rút khỏi Hà Nội người Pháp đã cho đặt mìn phá hủy, và chùa đã được xây dựng lại, hoàn thành vào tháng 4-1955...
Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên, năm 1057 vua Lý Thánh Tông cho lập một ngôi chùa và một ngọn tháp, chùa được gọi là chùa Sùng Khánh, tháp được gọi là Đại Thắng Tư Thiên bảo tháp, cũng được gọi vắn tắt là tháp Báo Thiên, nên chùa cũng được gọi là chùa Báo Thiên. Tháp có 12 tầng, những tầng trên bằng đồng, những tầng dưới bằng gạch, tháp Báo Thiên đã được liệt vào "An Nam tứ đại khí", là một trong bốn công trình lớn vào thời Lý - Trần. Năm 1258, bão to đánh đổ mất phần ngọn của tháp. Năm 1322, sét lại đánh sạt mất góc bên đông của 2 tầng trên tháp. Năm 1426 tháp bị tướng nhà Minh là Vương Thông phá hủy hẳn để lấy đồng đúc chiến xa và binh khí chống nhau với nghĩa quân Lê Lợi. Về cuối triều Lê chùa Báo Thiên bị bỏ hoang và người dân lấy làm nơi họp chợ, núi đất ở nền tháp Báo Thiên biến thành pháp trường hành hình tội nhân. Cuối năm 1883 theo yêu cầu của Pháp, Kinh lược Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Độ đã lấy đất của chùa Báo Thiên giao cho cha đạo người Pháp là Puginier, đến đầu năm 1884 Puginier đã cho xây dựng Nhà Thờ Lớn của đạo Thiên Chúa còn tồn tại đến ngày nay...

Chùa Quán Sứ, ở thôn An Tập, huyện Thọ Xương. Đầu đời Lê, các thuộc quốc như Chiêm Thành, Vạn Tượng, Nam Chưởng sang cống, đều ở Quán này. Vì phong tục các nước đều theo đạo Phật nên làm chùa cho họ ở và gọi là chùa Quán Sứ...

Chùa Trấn Bắc, nguyên tên là chùa Trấn Quốc ở bên Hồ tây thuộc phường Yên Phụ, huyện Vĩnh Thuận, dựng năm Hoằng Định đời Lê Kính Tông (1600-1618). Đến năm Vĩnh Tộ đời Lê Thần Tông (1619-1623) có sửa chữa rộng rãi thêm, có văn bia do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn. Năm Thiệu Trị thứ hai (1842) vua ngự giá thăm chùa, ban biển đổi tên thành chùa Trấn Bắc...

Gò Đống Đa, tổng cộng tất cả 13 gò kỷ niệm chiến thắng của vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào năm 1789, nay còn lại một gò thuộc ấp Thái Hà, ngoại thành Hà Nội...

Ô Quan Chưởng, là cửa Ô duy nhất còn sót lại của Thăng Long xưa xây vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), theo nhiều tài liệu và sách vở chép có tất cả 16, hoặc 21 cửa Ô, thông dụng tên 5 cửa Ô trong nhân dân là Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô cầu Dền, Ô Cầu Giấy, hiện chỉ còn lại Ô Quan Chưởng. Về tên gọi Ô Quan Chưởng, nguyên là cửa Thanh Hà (có bia chữ Hán), người dân quen gọi là Ô Quan Chưởng, nằm gần phố Hàng Chiếu trông ra đê sông Hồng, chưa ai biết tên Quan Chưởng là gì, chỉ biết là ông giữ chức quan nhỏ Chưởng Cơ làm nhiệm vụ trông coi cổng này của Kinh thành, và đã hy sinh trong một trận đánh giữ cổng thành vào ngày 20-11-1873, nhiều sách vở chép ông đã hy sinh cùng 100 quân lính dưới quyền khi quân Pháp tấn công thành Hà Nội. Sau cửa được người dân gọi là Ô Quan Chưởng...

(Hết phần Thăng Long).


Sách tham khảo:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên soạn, biên tập Thanh Việt, NXB Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2004.
- Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Tổng Tài: Cao Xuân Dục, Toản Tu: Lưu Đức Xứng - Trần Xán, bản dịch Hoàng Văn Lâu. Nhà xuất bản lao Động - Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây xuất bản năm 2012.
- Lịch sử Thủ Đô Hà Nội, Trần Huy Liệu chủ biên, Nguyễn Lương Bích - Mai Hanh - Nguyễn Việt - Phan Gia Bền - Võ văn Nhung - Hoa Bằng, NXB Lao Động in lần thứ 3 năm 2009.
- Lĩnh Nam Chích Quái, Vũ Quỳnh - Kiều Phú, Đinh Gia Khánh chủ biên - Nguyễn Ngọc San biên khảo, giới thiệu, NXB Văn Học in lần thứ hai năm 1990.
- Từ điển Địa Danh Văn Hóa và Thắng Cảnh Việt Nam, Nguyễn Như Ý - Nguyễn Thành Chương - Bùi Thiết, NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 2004.
- Từ điển địa danh - Làng xã ngoại thànhThăng Long - Hà Nội, Bùi Thiết, NXB Thanh Niên xuất bản năm 2010.

23 nhận xét:

  1. Bài này hay quá, cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa
  2. lan ra Ha noi , Marg da bo dip ghe tham di tich Hoang thanh

    Trả lờiXóa
  3. Hay quá anh H ơi ...Cám ơn anh về chi tiết này vì hồi nào Gió cũng giải thích Thăng Long = Rồng bay lên chứ ko biết có chi tiết thay đổi . Nó bổ sung cho bài giảng của Gió một điều thú vị .

    Cám ơn anh

    Trả lờiXóa
  4. Anh đang viết lại lịch sử của gia đình và giải thích rõ chữ Thăng Long từ đời Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ)đến đời Gia Long cũng gọi là thành Thăng Long nhưng nghĩa lại khác. Nếu không tra cứu tự điển thì thật ra rất khó cho người đời sau.

    Vì theo chữ Hán chữ Thăng Long 昇龍 nghĩa "rồng bay" và chữ Thăng Long 昇隆 nghĩa "thịnh vượng" là những đồng âm nhưng khác nghĩa, nhưng đối với tiếng Việt vẫn là Thăng Long, mà nôm nay người đời nay vẫn hiểu là Rồng bay..

    Ngay chữ Thăng 昇 và chữ 升 cũng đồng nghĩa, để chọn cho đúng từ ngữ và dùng đúng cho người đời sau thì cũng thật là khó lắm thay. sad

    Trả lờiXóa
  5. Híc, sao lại buồn? Thăng long hay Hưng thịnh đều tốt mà. :))

    Trả lờiXóa
  6. Vậy là bạn Marg. hay quá, nếu có dịp ra HN tôi cũng phải đi xem :-))

    Trả lờiXóa
  7. Đọc Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn tôi mới biết chi tiết thay đổi này, tên gọi vẫn là Thăng Long nhưng ý nghĩa đã hoàn toàn khác. Theo sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội đã dẫn, việc thay đổi này do vua Gia Long không muốn để chữ Long là Rồng trong địa danh Thăng Long, vì Long là Rồng là biểu hiện của nhà vua, mà Gia Long đã đóng đô ở Phú Xuân Huế chứ không phải Hà Nội như các triều vua trước. Một sự thay đổi khá thú vị...

    Trả lờiXóa
  8. Chi tiết này không hiểu sao trong sách sử triều Nguyễn chép rất rõ ràng mà ít thấy phổ biến...

    Trả lờiXóa
  9. Hay quá đi ...hôm nào mình dắt nhau đi Hn anh nhé hehehhehehe

    Trả lờiXóa
  10. Lót dép ngồi chờ viết tiếp....

    Trả lờiXóa
  11. Hehe, hôm nảo anh em mình dắt nhau đi nhé :-)))

    Trả lờiXóa
  12. Hãy đợi đấy, hứa hẹn hấp dẫn... :-)))

    Trả lờiXóa
  13. Thế này thì bác yêu Hà Nội đến từng gốc cây ngọn cỏ rồi, còn gì nữa. Vấn đề chỉ còn chờ bác ra để em dẫn bác đi mục sở thị nữa thôi.
    Tuy nhiên, riêng chữ Hà Nội còn có nhiều ý kiến khác nhau đấy bác ạ.

    Trả lờiXóa
  14. Anh Ngọc Hiệp chờ MTV về HN để Toro dẫn đi thăm HN một thể nhé! Mới nghĩ đến đây đã muốn bay về rồi. Riêng MTV rất thích HN trở về tên THĂNG LONG:-)

    Trả lờiXóa
  15. Ý chị MTV hay quá, anh H chuẩn bị ra Bắc nhé...

    Trả lờiXóa
  16. Hì hì, toàn du lịch qua sách vở không Toro à.
    Chữ Hà Nội, theo Toro ý nghĩa là gì?

    Trả lờiXóa
  17. Nếu được gặp VA ở Hà Nội cùng với Toro thì còn gì bằng nữa.
    Nghe tên Thăng Long có vẻ hoài cổ, thơ mộng hơn Hà Nội ha VA.

    Trả lờiXóa
  18. Thể nào cũng phải đi Hà Nội một chuyến chứ.

    Trả lờiXóa
  19. Bài này nên như tài liệu cần thiết cho môn lịch sử viết về Thăng Long - Hà nội - Cám ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  20. Thăng có nghĩa là lên , còn nghĩa xưa của Long là cá sấu , vậy Thăng Long có nghĩa là cá sấu lên bờ .... lâu lâu ghé vô Multi chọc anh Cu Hiệp , hhahahah.....

    Trả lờiXóa
  21. "lêu lêu cá sấu lên bờ..." ha bạn Phúc, lâu mới thầy xuất hiện.

    Trả lờiXóa