PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Thăng Long - Kẻ Chợ. (2)

                                                            Ảnh Internet.




Kẻ Chợ - Chốn đô hội...

Nếu Thăng Long là tên chính thức đã bao đời, thì Kẻ Chợ tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long, và cũng là tên gọi Thăng Long của những người ngoại quốc đến từ phương Tây khi xưa, những giáo sĩ, nhà buôn Tây phương khi ấy đã gọi kinh thành Thăng Long là Checho (Kẻ Chợ), cùng với một tên khác là Tonquin (hay Tunquin), gọi theo tiếng Việt là Đông Kinh, và người Nhật gọi Kẻ Chợ là Coxi. 

Kẻ Chợ là một từ ngữ cổ của tiếng Việt như chúng ta đã thấy trong Kẻ Sặt, Kẻ Láng, Kẻ Bàng... Từ "Kẻ" ở đây là để chỉ "nơi, chốn" chứ không phải để gọi "người", như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức in tại Hà Nội năm 1931, một quyển tự điển tiếng Việt xưa chỉ xuất bản sau quyển tự điển "Đại Nam Quấc Âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của 35 năm, đã giải thích "Kẻ-chợ": chốn đô hội. Kinh thành Thăng long xưa là chốn đô hội, tấp nập... quy tụ từ vua quan, tới dân chúng, những người ngoại quốc đến giao tiếp, buôn bán...


Nói đến Kẻ Chợ có lẽ không thể không nhắc đến một từ ngữ khác là "Đàng Ngoài", mà những người Tây phương ở vào những thế kỷ trước, qua sách vở, đã gọi là "Vương quốc Đàng Ngoài", như "Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài" của Jean-Baptiste Tavernier, một người Tây phương đã viết:

Phía Đông vương quốc này giáp với tỉnh Quảng Đông, là một trong những tỉnh tốt nhất của Trung Quốc.

Phía Tây, xứ này giáp với vương quốc Brama.

Phía Bắc tiếp giáp với hai tỉnh khác của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây.

Phía Nam là Đàng Trong và vịnh lớn cùng tên.

Đàng Trong, người Tây phương thời ấy gọi là Cochinchine.

Như chúng ta đã biết thời vua Lê và Trịnh - Nguyễn phân tranh, thì sông Gianh (tên xưa là Linh Giang) ở vị trí tỉnh Quảng Bình, là ranh giới phân chia giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong...

Trở lại từ "Kẻ Chợ", Từ điển Việt Nam Văn hóa Tín ngưỡng Phong tục của Vũ Ngọc Khánh-Phạm Minh Thảo đã viết:

KẺ CHỢ: Tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long, Hà Nội trước đây. Thời xưa Kẻ Chợ là chỉ phố phường dân cư của kinh thành thời Lê Trịnh để phân biệt với khu Hoàng thành nơi ở của vua quan. Thế kỷ 17, 18 các lái buôn và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam thường gọi Thăng Long là Kẻ Chợ...

Tôi cũng xin trở lại một chi tiết khác đã viết ở entry trước sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã chép: Năm Gia Long thứ tư (1805) đổi Thăng Long (rồng bay lên) thành Thăng Long (hưng thịnh)... Cũng Đại Nam Nhất Thống Chí có viết tiếp: Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), bỏ Tổng trấn Bắc Thành chia đặt các tỉnh. Cắt huyện Từ Liêm của tỉnh Sơn Tây về phủ Hoài Đức. Lấy ba phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam thành lập tỉnh Hà Nội... Như vậy, đến năm 1831 thì tên gọi Thăng Long sau 26 thay đổi ý nghĩa, từ "rồng bay lên" thành "hưng thịnh", đã không còn, thay vào đó là Hà Nội cho đến ngày nay...

Như chúng ta đã biết, qua 800 năm là kinh đô của đất nước, từ thời Lý cho đến triều Nguyễn, kinh thành Thăng Long, mà trong thế kỷ 17, 18... quen gọi là Kẻ Chợ, và sau này là Hà Nội, luôn phát triển, đi đôi với kinh thành là sự hình thành của dân cư đô thị, các làng nghề cung cấp sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công cho kinh thành, nhất là cho tầng lớp vua quan... Như Ngũ Xã là làng nghề tập hợp
thợ đúc đồng của 5 xã, có sách chép là người của 5 xã Châu Mỹ, Đào Mai, , Điện Tiền, Đông Viên, và Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh xưa, chuyên đúc bạc tiền, đồ pháp khí (dụng cụ thờ cúng) cho triều đình và dân chúng..., đồng thời các làng nghề khác cũng phát triển mạnh mẽ, nghề dệt lụa, tơ tằm, các nghề thủ công, ở vào thế kỷ XVII, XVIII, các tàu buôn ngoại quốc, phương Tây, Nhật Bản, Trung Hoa, Chiêm Thành, Xiêm La... đã vào buôn bán ở Kẻ Chợ với những sản phẩm chủ yếu là hàng tơ lụa, xạ hương, trầm hương, đồ gốm...

Ở Kẻ Chợ cũng tập hợp những làng nghề thủ công khác như nghề làm đồ trang sức vàng, bạc, nghề in, nghề làm giấy, với làng Yên Thái bên Hồ Tây, nổi tiếng với giấy Dó cùng câu ca dao "Nhịp chày Yên Thái mặt gương tây Hồ", Nhịp chày Yên Thái" là tiếng chày giã bột làm giấy khi xưa của người dân Yên Thái... Có nghề làm quạt, nghề nấu rượu... Trong Đại Nam Nhất Thống Chí cũng đã chép: Gặp những khi có việc tang, việc tế thường làm rất xa xỉ, tranh nhau làm cỗ bàn cho to để khoe khoang (bánh có cái bề mặt to đến một thước), và mời làng xóm đến ăn uống. Nếu rượu thịt không được đầy đủ, thì có thể bị chê trách. Đó cũng là một thói quen lãng phí. Nói đến việc ăn uống, thì trong Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính cũng đã viết, người Việt những việc hỷ như đăng khoa, bổ quan, người lên lão hay thọ, người ra làm chánh phó tổng, lý dịch, cưới vợ, làm chủ nhà cửa... đều mở tiệc mời dân làng đến uống rượu... Như vậy xem ra cái tục lệ ăn uống của người Việt đã có từ thời xa xưa rồi, nay vẫn còn đó...

Ở Kẻ Chợ cũng có những làng nghề liên quan đến chuyện ăn uống, đã đi vào cao dao:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn.


Vòng: là làng Vòng (Dịch Vọng), có nghề làm cốm nổi tiếng xưa nay. Người làng Vòng ủ cốm bằng lá đáy, khi bán cốm lại được gói bằng lá sen, hương vị của cốm và sen trở thành khó quên với biết bao nhiêu người...

Mễ Trì: thuộc huyện Từ Liêm, xưa Mễ Trì tên là Anh Sơn, có gạo Tám ngon có tiếng tiến cống vua, nên được ban cho tên Mễ Trì, có nghĩa là ao gạo, còn có tên là Mễ Sơn (núi gạo).

Bần: còn có tên là Yên Nhân (Anh Nhân), nay là thôn Cộng Hòa, xã Văn Phú, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, nổi tiếng với nghề làm tương.

Láng: còn gọi là Kẻ Láng, là tên Nôm của trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ, nay là phường Láng Hạ, Láng thượng thuộc quận Đống Đa Hà Nội nổi tiếng với nghề trồng các loại rau, trong đó có húng Láng...

Nói đến làng nghề ở Kẻ Chợ, có lẽ không thể không nhắc đến Lệ Mật, một làng cổ truyền có nghề bắt rắn và chế ra các loại rượu ngâm, các loại thuốc chữa bệnh, và sản phẩm mỹ nghệ từ da rắn. Xưa thôn Lệ Mật thuộc xã Lệ Mật, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Rắn bắt được chủ yếu dùng để ngâm rượu, thường ngâm theo bộ, tam xà (3 con: hổ mang, cạp nong, rắn ráo), hoặc ngũ xà (thêm rắn cạp nia và hổ mang chì). Những người cầu kỳ có khi ngâm tới bộ 7, hoặc 9 con trong một bình rượu to, đặt trong nhà như một vật trang trí. Ngoài ra làng Lệ Mật còn dùng rắn nấu thành cao và sấy khô thành bột, có tác dụng bồi bổ cơ thể, trị các bệnh về tê thấp... Tác giả Tây phương Tavernier đã viết về loại rượu ngâm này "Họ rất chuộng và coi đó là một thứ thuốc bổ có công dụng đặc biệt, nhất là khi người ta đã bỏ vào đấy rắn và bọ cạp"...

Trên đây tôi đã nói sơ lược về Kẻ Chợ, chốn đô hội một thời thuộc kinh thành Thăng Long khi xưa. Nói đến Thăng Long - Kẻ Chợ mà không nhắc đến Hà Nội, có lẽ là một điều thiếu sót lớn, tuy gần như chẳng biết gì về Hà Nội, nhưng cũng qua sách vở tôi cũng thử "liều" viết đôi dòng... Hà Nội với năm Cửa Ô và Ba mươi sáu phố phường, với tiếng xe điện leng keng một thời, với liễu rủ Hồ Gươm. Nhưng Nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai, khi nhớ về Hà Nội không hiểu sao ông cũng thường viết về những món ăn, như "gạo mới chim ngói", như món "cá rô don", nấu với rau cải bỏ mấy nhát gừng, như nhãn Hưng Yên, như nhót, mận, rượu nếp và lá móng... Trong quyển sách các món ăn miền Bắc của Băng Sơn và Mai Khôi cũng có nói đến những món ngon Hà Nội xưa nay, chẳng hạn như món "phá xang", lạc rang của chú Tàu què bên Hồ Gươm nay không còn nữa, món bánh tôm Hồ Tây ở đường Cổ Ngư, nghe nói xưa tên là đường Cố Ngự lâu ngày đọc trại đi mà thành, món bún thang của hàng bà Ẩm nơi chợ Đồng Xuân, hoặc món xôi lúa bán vào buổi sáng trên đường phố Hà Nội của người vùng Mai Động, yên Phụ... Món bún ốc ở phố Nhà Chung, hay phủ Tây Hồ, món bún chả Hàng Mành... Đậu phụ Mơ làng Mai Động...

Cuối cùng điều tôi muốn nói đến là Hà Nội không chỉ có các món ăn, mà còn có cả cà phê với câu thành ngữ "Cà phê Hà Nội, hát bội Quảng Nam" ở các phố Nguyễn Hữu Huân, Hàng Cá, Triệu Việt Vương, Nguyễn Du, ngõ Hàng Hành... Và có lẽ tôi sẽ hẹn với các bạn ở Hà Nội, hy vọng sẽ được đi uống cà phê với các bạn vào một ngày không xa...

Sách tham khảo:

- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, HANOI - Imprimerie Trung-Bac Tan-Van 1931, Yiễm Yiễm Thư Quán in lại phát hành tại Saigon năm 1968.
- Đại Nam Nhất Thống Chí, Cao Xuân Dục - Lưu Đức Xứng - Trần Xán, bản dịch Hoàng Văn Lâu, Nhà xuất bản Lao Động - Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2012.
- Từ điển Việt Nam Văn hóa Tín ngưỡng Phong tục, Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2009.
- Từ điển Địa Danh Văn Hóa và Thắng cảnh Việt Nam, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết, Nhà xuất bản hoa học Xã hội, xuất bản năm 2004.
- Từ điển địa danh Thăng Long Hà Nội - Làng xã ngoại thành, Bùi Thiết, Nhà xuất bản Thanh Niên, xuất bản năm 2010.
- Thương nhớ Mười hai, Vũ Bằng, Nhà xuất bản Văn học, xuất bản năm 2006.
- Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, Nhà xuất bản Thanh Niên, xuất bản năm 2002.
- Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, xuất bản năm 2005.
- Hà Nội Phong tục Văn chương, Nguyễn Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Trẻ, xuất bản năm 2010.
- Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Jean-Baptiste Tavernier, Lê Tư Lành dịch, Nhà xuất bản Thế Giới tái bản năm 2011.


 
 


8 nhận xét:

  1. Sau này Hà Nội có những câu như "Đi qua cầu Long Biên, phát điên lên vì cầu Đuống/ Đi qua cầu sông Đuống luống ca luống cuống vì cầu Long Biên" rồi " Muốn xem gái đẹp thì về Hà Nội/ Muốn xem bộ đội thì lên Sơn Tây"...

    Trả lờiXóa
  2. Hehe, nghe mấy câu này ngộ quá há Toro.

    Trả lờiXóa
  3. Nó phản ánh sự thật bác ạ, hồi xưa chỉ có hai cây cầu này, nên khi đã tắc thì không biết đâu mà lần nữa. Đi rừ Pari về đến sân bay Gia Lâm nhanh hơn từ Gia Lâm vào thành phố vì cầu Long Biên hỏng, phải sửa và tắc... Từ HN sang Bắc Ninh, ngược lên Lạng Sơn cũng chỉ có cầu Đuống nên qua đây cũng hên xui như thế... Câu sau thì dễ hiểu rồi, bây giờ vẫn y nguyên.

    Trả lờiXóa
  4. Ở Hà Nội có nhiều ca dao tục ngữ chỉ "tình huống" thật Toro à...

    Trả lờiXóa
  5. Sài Gòn cũng từng là Kẻ Chợ :)
    em cứ thắc mắc , sau 75 , có quá nhiều tên địa danh thay đổi , nhất là những tên dính dáng đến triều Nguyễn , ngay cả tên trường Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị cũng bị đổi , nếu như không có NH , thì làm gì có mảnh đất phương Nam để rồi phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn để " cứu nước " ? vậy mà cái tên Hà Nội do vua Minh Mạng đặt lại không đổi lại là Thăng Long cho xứng tầm Đại Việt :)

    Trả lờiXóa
  6. Saigon bây giờ cũng vẫn là Kẻ Chợ đấy chứ (Kẻ Chợ là để gọi chốn phồn hoa, đô hội).
    Hihi, nếu Hà Nội lấy lại chữ Long thì kỳ này theo ý nghĩa là con cá sấu ha bạn Phúc? Hihi, đùa chơi, ở quận Tân Bình có con đường nhỏ khá ngắn, chỉ 150m tên Huỳnh Hữu Bạc, ông này là phi công lớp đầu tiên của nền "Đệ nhất Cộng hòa", tử nạn trong một phi vụ huấn luyện. Ông này hoàn toàn không tham gia hoặc liên quan gì đến cách mạng như Nguyễn Thành Trung sau này, vậy mà tên đường vẫn được đặt, khá lạ...

    Trả lờiXóa
  7. dạ , thường thì người xưa dùng từ " Kẻ Chợ " để chỉ kinh thành đó anh , chốn phồn hoa đô hội chỉ có ở dưới chân thiên tử :)

    nói Thăng Long là cá sấu lên bờ chỉ là nói đùa cho vui , nhưng nói thiệt thì em cũng không tin là con rồng phương Đông lại biết bay , tại vì nó không có cánh như con rồng phương Tây , hihihihi.....

    Trả lờiXóa
  8. Bạn Phúc nói chuyện rồng bay với không bay mới để ý đến chuyện rồng Tây có cánh còn rồng Ta thì không. Đúng là Tây thực tế hơn Ta, muốn bay phải lắp đôi cánh đình huỳnh, còn Ta muốn bay là cứ việc a lê "thăng", bay theo... mơ mộng và... ý chí như thế cho nên cứ... té gãy cổ hoài, hihihiiii!

    Trả lờiXóa