PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Nghề và Làng nghề xưa...

                                                    Chợ xưa ở Kẻ Bưởi.


                                                       Môt gia đình xưa.


                                                            Tết trung thu.


                                        Một cửa hàng bán lồng đèn trung thu.


                                                           Bán đồ đồng.


                                                         Nghề làm giấy.


                                             Cửa hàng bán đồ dùng gốm sứ.


                                                             Quay tơ.


                                                           Nghề thêu.


                                                            Nghề mộc.


                                                         Nghề khảm, cẩn.


                                                           Gánh hàng hoa.


Nhắc đến Thăng Long - Kẻ Chợ - và Hà Nội xưa mà chỉ nói thoáng qua về những Làng nghề hẳn là một thiếu sót, Sài Gòn với chỉ khoảng hơn 300 năm lịch sử, thì Thăng Long đã có cả ngàn năm, và trước đó thì Thăng Long đã là một vùng đất có thành lũy rồi... Gắn bó với kinh thành hẳn nhiên là vua chúa, quan lại, binh lính, và người dân... Cùng với những bộ phận này chắc chắn phải có một thành phần khác, rất quan trọng, là những người thợ thủ công khi xưa, làm ra những sản phẩm cung ứng cho kinh thành, cho xã hội...

Có lẽ nghề đúc đồng là một nghề đã có từ rất lâu đời, sách sử và ngành khảo cổ đã cho biết về những chiếc trống đồng khi xưa, khi đánh lên trong chiến tranh đã làm thất điên bát đảo giặc phương Bắc, cả vạn mũi tên đồng tìm được nơi thành Cổ Loa xưa, để có thể giả định là tuy truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương (257-207 TCN) xây thành và làm nỏ thần là chuyện hoang đường, nhưng chuyện làm được những chiếc nỏ bắn được nhiều mũi tên đồng một lúc của An Dương Vương là có thật...

Nghề làm giấy hẳn cũng phải là một nghề xa xưa, bởi ngay từ thế kỷ XV, dưới triều đại của Hồ Quý Ly (1400-1407) đã có tiền giấy, và nhiều loại giấy để ghi chép hay dùng vào những việc khác. Những triều đại vua chúa cũng đã dùng loại giấy rồng, một loại giấy đặc biệt làm ra để nhà vua dùng sắc phong thần thánh, hay những người có công... Những loại giấy này đều do những làng nghề lúc bấy giờ cung ứng...

Những nghề liên quan đến cuộc sống nói chung không thể không nói đến nghề dệt, lụa, the, lĩnh, nghề làm gốm chén bát dùng thường ngày, nghề mộc, nghề thêu thùa, nhiều nghề khác... và cả nghề kim hoàn mà thời xưa chủ yếu là để phục vụ cho tầng lớp vua chúa, quan lại...

Những làng nghề xưa ở Kinh thành Thăng Long và những vùng phụ cận phục vụ cho đời sống, có thể kể:

- Ngũ Xã: làng đúc đồng ở bên bờ hồ Trúc Bạch cạnh Hồ Tây (Hà Nội), xưa gồm 5 làng hợp lại. Vào khoảng năm 1425-1427 thời nhà Lê, theo lệnh của triều đình, dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Diên Tiên, và Dao Niên thuộc huyện Văn Lâm (Hải Dương) và Thuận Thành (Bắc Ninh), vốn có nghề đúc đồng cổ truyền được triều đình huy động về kinh đô để lập "Trường đúc tiền và đồ thờ" cho triều đình lúc bấy giờ. Dân 5 làng về cư ngụ ở Kinh thành bên bờ hồ Trúc Bạch lập nên làng mới lấy tên là Ngũ Xã, sau khi lập làng họ họp nhau lại thành phường nghề, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã.

- Bưởi: còn được gọi là Kẻ Bưởi, đây là một vùng gồm nhiều làng nằm bên Hồ Tây, nơi có những làng nghề nổi tiếng ngày xưa như Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái... với nghề dệt lĩnh, làm giấy... Lĩnh vùng Bưởi từ thời Lý đã được dùng trong triều đình và cống sang Trung Hoa. Giấy dó Bưởi có nhiều loại dùng sắc phong, để viết, và nhiều việc khác... Ở Kẻ Bưởi củng có làng An Phú, có nghề làm kẹo mạch nha nổi tiếng...

- Nghĩa Đô: trước thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc huyện Cầu Giấy (Hà Nội). Nghĩa Đô xưa có nghề làm giấy "sắc" nổi tiếng. Giấy "sắc" là một loại giấy đặc biệt dùng làm "sắc phong" của nhà vua, làm bằng vỏ cây dó lụa, màu vàng được tạo ra từ hoa hòe, những nguyên liệu khác để vẽ chi tiết rồng, hoa văn, họa tiết trên giấy là vàng, bạc, kim nhũ. Loại giấy này chỉ làm dành riêng cho triều đình không bán ra thị trường, nên được quản lý và kiểm soát rất chặt chẽ...

- Nghi Tàm: trước thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội), có nền văn hóa lâu đời. Vào đời vua Lý Thần Tông (1128-1138) đã xây ở đây một hành cung cho công chúa Từ Hoa và các cung nữ học nghề tằm tang, canh cửi.
Ngoài nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi, Nghi Tàm còn được biết đến với nghề trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh nổi tiếng... Lúc đầu Nghi Tàm chuyên trồng 3 loại cây cảnh chính là đào, quất, cúc. Vì đất hẹp người đông, nên cây đào, quất đã được chuyển sang trồng ở Nhật Tân Tây Hồ. Khi nói đến hoa cúc, ít nơi nào có các loại hoa cúc đẹp bằng hoa trồng ở làng Nghi Tàm... 

- La Khê: làng nghề dệt gấm nổi tiếng xưa thuộc Hoài Đức, Hà Tây, xưa gọi là Kẻ La gồm 7 làng (La Khê, La Cả, La Tinh, La Dương, La Phù, Văn La và Ỷ La), gấm Kẻ La nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam thượng...

- Bát Tràng: nằm trên vùng đất cổ ven đô, làng Bát Tràng đã có hơn 500 năm nổi tiếng với nghề làm gốm sứ. Dân làng Bát Tràng vốn gốc từ làng Bồ Bát huyện Yên Mô (Ninh Bình), sau những đợt di cư cách nay sáu, bảy trăm năm, người dân tụ tập về đây lập nên làng mới lúc đầu gọi là Bạch Thổ phường, sau đổi thành Bát Tràng phường, và cuối cùng là Bát Tràng, sản phẩm chính là bát đàn, ấm, chén, đôn, đĩa, lọ, chậu... ngoài ra còn có cả gạch Bát Tràng, như đã thấy trong câu ca dao: "Ước gì anh lấy được nàng/ để anh mua gạch Bát Tràng về xây", ở đây là "Xây dọc rồi lại xây ngang/ xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân...", một hình ảnh khá thơ mộng...

- Bình Đà: làng có nhiều tên gọi cũ: làng Bùi, Bảo Cựu, Bảo Đà, nằm ở ngã ba sông Hát và sông Đỗ Động, có nghề làm các loại pháo như pháo màu, pháo mặt trời, pháo thăng thiên, pháo đại, pháo chuột, pháo dây, pháo xiết, pháo ném... từ năm 1919, xưa để đáp ứng trong những dịp lễ, tết... nay không còn nữa.

- Đồng Kỵ: thuộc xã Đồng Quang (Tiên Sơn, Bắc Ninh), xưa cũng có nghề làm pháo...

- Châu Khê: thuộc tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội 40 km, có nghề hàng bạc nổi tiếng. Thế kỷ XV vua Lê Thánh Tông giao cho thượng thư bộ Lại là Lê Xuân Tín lập một xưởng đúc bạc nén tại kinh đô Thăng Long, ông liền về quê hương của mình là làng Châu Khê, tổng Thị Tranh, huyện Đường An lựa chọn thợ giỏi, đưa lên phường Động Các ở kinh đô, lập xưởng đúc Tràng đúc, nay ở phố Hàng Bạc...

- Chiếc: tên Nôm của làng Nhân Hiền (Thường Tín), có nghề thợ mộc, bao gồm cả thợ ngang và thợ chạm. Thợ ngang làm phần kiến trúc, còn thợ chạm làm phần chạm trổ, điêu khắc. Thợ Chạm làng Chiếc xưa đã tham gia làm những công trình nổi tiếng như Văn Miếu, đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh), chùa Đậu (Hà Tây)...

 - Đông Hồ: ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), có nghề in tranh dân gian truyền thống, xưa làng làm nghề vàng mã, sau nổi tiếng bằng nghề in tranh điệp, còn gọi là tranh tết, với những tranh "Gà", "Lợn", "Đánh ghen", "Hứng dừa", "Thày đồ cóc", "Đám cưới chuột"... Tranh Đông Hồ đã có lịch sử 500 năm nay...

- Chuôn: còn gọi là Chương Mỹ thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Tây) có nghề khảm trai trên gỗ...

- Chuông: còn gọi là làng Phương Trung Thanh Oai (Hà Nội), có nghề làm nón từ bao đời này...

Ngoài ra còn rất nhiều những làng nghề khác để phục vụ cho Kinh thành như nghề nhuộm của người dân ở phố Hàng Đào. Nguồn gốc là người ở làng Đan Loan Cẩm Bình (Hải Dương), đến lập nghiệp cách nay 4 - 5 thế kỷ. Theo sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, thì phường "Hàng Đào nhuộm điều" lúc bấy giờ, màu đỏ (đan, đào, điều) là được ưa chuộng nhất... Còn có làng Thanh Trì thuộc xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì Hà Nội có nghề làm bánh cuốn ngon nổi tiếng... Có làng Vác thuộc Thanh Oai Hà Nội có nghề làm lồng chim Họa mi...

Những làng nghề xưa này vẫn có những nơi còn tồn tại và phát triển nghề của minh cho đến tận ngày nay, như gốm Bát Tràng, như nghề đúc đồng Ngũ Xã... hoặc có những nghề chỉ còn sản xuất cầm chừng như dệt lụa... và cũng có những làng nghề đã mất hẳn như nghề làm pháo...


Sách tham khảo:
- Từ điển Việt Nam Văn hóa Tín ngưỡng Phong tục, Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo, NXB Thông Tin xuất bản năm 2009.
- Hình ảnh lấy trên Internet.

12 nhận xét:

  1. Anh H chịu khó sưu tầm và tổng kết lại thiệt là rành mạch Multi giờ đây đang hấp hối nên khách vắng dần T thì thỉnh thoảng mới qua đây để tìm lại người xưa .

    Trả lờiXóa
  2. Lại chỉ có vài người vãng lai... qua Mul ảnh H nhỉ.
    Đúng là HN hội tụ nhiều làng nghề, người ta hay nói HN 36 phố phường, nhưng đếm ra có đến 54 phố mang tên Hàng... Có những phố nay đã bị thay đổi như Hàng Lọng ( nay là Lê Duẩn) , Hàng Bột ( Tôn Đức Thắng)... Hôm nào anh ra, đi quanh HỒ Tây, qua Bưởi, Nghĩa Đô, An Thái, Trích Sài... anh H thích mê.

    Trả lờiXóa
  3. Hihi, chưa đi HN được nên phải du lịch qua sách vở thôi, qua đó cũng có thể nhận biết được một vài điều.
    Hình như Multiply bây giờ khó vào (tôi dùng mạng Viettel vẫn vào được bình thường) nên ít bạn bè, thuyền chưa đắm mà "thủy thủ" đã rời tàu hết trơn rồi, hì hì!

    Trả lờiXóa
  4. Còn ngày nào và còn ai thì "chơi" bi nhiêu, hì hì, sách về Hà Nội và Sài Gòn tôi lại có một số, nói chuyện xua nay, khá hay. Ra được Hà Nội lang thang có bạn bè như Toro nữa thì còn gì bằng.

    Trả lờiXóa
  5. "... thuyền chưa đắm mà "thủy thủ" đã rời tàu hết trơn rồi, hì hì! "

    VH còn đây mà anh ! Sẽ là người rời tàu cuối cùng anh Hiệp ạ !

    Trả lờiXóa
  6. Mình chiến đấu tới hơi thở cuối cùng ha Vuonghung, hihi!

    Trả lờiXóa
  7. Dạ ! Thở hơi cuối cùng thì ...không dám ạ ! Nghe hơi ngại anh Hiệp ơi ! hi hi hi...

    Trả lờiXóa
  8. Vậy thì mình sẽ chiến đấu tới hơi... giữa giữa vậy, hì hì!

    Trả lờiXóa
  9. còn " thủy thủ mặt trăng " nè anh , hihihihi....

    Trả lờiXóa
  10. Phúc là Thủy thủ mặt trăng ha? :-)))

    Trả lờiXóa
  11. em mơ ước được là thủy thủ , tại vì cứ xuống tàu là em bị say sóng , hahahah.....

    Trả lờiXóa
  12. Nếu bạn Phúc đạt được ước mơ làm thủy thủ, nhớ đừng theo tàu đi đến vùng biển Somali nhé!

    Trả lờiXóa