PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Tháng 4 ở rừng cao su.

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket


Cuối tuần vừa qua bạn điện thoại cho tôi, thứ hai tuần sau đi Bình Long không? Tôi thoáng ngập ngừng một giây, để tôi báo xin phép nghỉ. Thế là sáng sớm thứ hai hôm qua tôi leo lên xe bạn dông tuốt đi Bình Long. Cơn mưa sớm đầu tuần ở Sài Gòn khá lớn và kéo dài đến tận Bình Dương, qua khỏi Bình Dương thì trời tạnh ráo, 2 tiếng chạy xe trên quốc lộ 13 rộng thênh thang thì đến Bình Long, 7g30 còn kịp ghé lại một quán cà phê ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng.

Sau năm 75 thì gia đình bạn đi kinh tế mới ở vùng đất này, ngày ấy Bình Long vừa trải qua những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, bạn kể nhà bạn có mấy anh em tất cả còn nhỏ, cha mẹ gồng gánh đến đây, ngày ấy đất đai còn hoang vu lắm, chung quanh thị xã Bình Long chỉ toàn rừng rậm, dân thành thị chưa quen với cái cuốc cái rẫy, muỗi mòng nhà tranh vách đất, thú dữ và bom đạn còn sót lại, kể cả cái đói.

Vậy mà anh em bạn vẫn lớn lên, học hành tử tế, sau đó thì anh em bạn đi làm chuyển về lại Sài Gòn, nhưng ông cụ thân sinh ra bạn đã nằm lại vùng đất này, hàng năm đến dịp thanh minh tháng 3 thì anh em bạn lại trở về sửa sang lại mồ mả, thắp cho ông cụ nén nhang. Nơi chôn ông cụ thân sinh bạn nằm kế một rừng cao su, trong khi anh em bạn dọn cỏ cho ngôi mộ, cúng bái thì tôi lang thang vào rừng cao su. Ngoài trời đang nắng chang chang cháy da, thế mà bước chân vào rừng cao su đang xanh lá khí hậu mát hẳn. Có lẽ những tán lá xanh của cây cao su đã lọc không khí và giữ cho thảm lá vàng dưới chân luôn ẩm.

Tôi đã có những năm tháng ở cao nguyên, đã quen với rừng rú nói chung và cả những khu rừng cao su. Ngày ấy từ trên máy bay nhìn xuống khu vực Bình Long, Phước Long, kéo dài lên tới Quảng Đức (Dak Nông bây giờ), đến tận Ban mê Thuột, Pleiku, Kontum... chỉ toàn một màu xanh của rừng núi, thỉnh thoảng một đoạn đường lộ ngoằn ngoèo hiện ra như một dòng sông, rồi lại mất hút giữa bạt ngàn cây cỏ. Bây giờ có lẽ rừng đã bị thu hẹp diện tích do con người tàn phá, ở đây có dân tộc thiểu số Stiêng sinh sống, họ hầu như không còn giữ được những gì thuộc về văn hóa của họ mà tôi đã được biết, họ đã được định cư trong những thôn xóm rải rác, trong những căn nhà gạch tồi tàn, hay nhà tạm tre nứa xiêu vẹo, họ ăn mặc như người kinh nhưng những người Stiêng mà khi ngồi trên xe ngang qua những thôn xóm của họ, trông buồn và ngơ ngác...

Trong rừng cao su thì chẳng có một cái gì ngoài cây cao su, lá xanh, đến mùa rụng lá thì cây cao su chỉ còn trơ lại cành, nhưng rừng cao su rụng lá cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Một lúc lang thang giữa những cây cao su tôi chỉ bắt gặp những con chuồn chuồn bay đây đó, và tôi đã canh chụp được vài con đang đậu. Đất ở vùng Bình Long là loại đất đỏ bazan như ở Dak Nông, Ban Mê Thuột hay Pleiku, cái loại đất mà ngày xưa khi tôi ở mùa nắng thì bụi đỏ mù trời, mùa mưa trở thành đất sét nhão trơn trượt, đi bộ hay xe máy trên những con đường đất đỏ mùa mưa thì chuyện "đo đường" là bình thường, tôi đã nhiều lần đo đường như thế...

Đã rất nhiều năm trôi qua, hôm qua tôi lại được lang thang một mình trong rừng cao su, và lại vào dịp tháng 4...

4 nhận xét:

  1. Em lam nha o day roi loay hoay khong vao duoc nha cua chinh minh! hehe

    Trả lờiXóa
  2. @ Hongdang, @ nguyenthuthuy, thế là anh em lại gặp nhau trên thế giới ảo, hôm nào gặp nhau trong thế giới thật lại cà phê cà pháo. hehe.

    Trả lờiXóa
  3. Trường hợp như Thu Thủy gọi là bị nhốt ở ngoài, hehe! Lần sau đi đâu nhớ mang chìa khóa nghen ;-)

    Trả lờiXóa