Cái tựa này nghe có vẻ... cá nhân chủ nghĩa hoặc có vẻ... dở hơi. Các bạn có thể nói, này có ai cấm nhà bác làm những gì mình không thích đâu nhỉ?Khéo chuyện, thế mà cũng nói. Chuyện có vẻ như thế, mà cũng có vẻ không phải như thế. Có một người bạn của tôi hơn nửa đòi người mới chợt nhận ra điều này, thì ra hồi nào đến giờ mình đã làm những điều mình thích quá ít, cho dù những điều thích này chẳng hề đụng chạm đến ai, chẳng hề hại ai, đến xã hội cũng như chính bản thân mình...
Bây giờ thì bạn nói, từ giờ trở đi tôi sẽ chỉ làm những gì mình thích. Một câu nói có vẻ như chỉ để nói chơi cho vui, nhưng mà trong đó hình như chứa đựng biết bao nhiêu điều...
Xã hội chúng ta bắt nguồn từ Khổng giáo, rồi Phật giáo, sau này cả Thiên chúa giáo... Những tôn giáo, hoặc những triết lý Đông phương lấy sự nhẫn nhục chịu đựng làm đầu. Một Khổng giáo thoạt đầu chỉ là một triết lý sống, tạo ra những phẩm chất cho chính bản thân, những tôn ti trật tự trong gia đình, rồi vươn ra xã hội, được vua chúa quan lại ngày xưa ưa chuộng, bởi "cái tôi, cái ta" được cho là không khiêm nhường, là ngạo mạn, đáng ghét. Trong xã hội thấm nhuần triết lý Khổng giáo những bậc bề trên là tối thượng, vua chúa là Thiên tử, là Con trời, phán sống là được sống, phán chết là phải chết, con cái phục tùng cha mẹ tuyệt đối, dù đúng dù sai, cãi lại lệnh vua là bất trung, cãi lại cha mẹ là bất hiếu, những tội này là tày đình, đáng phải chết...
Sang đến thời Phật giáo du nhập cũng tương tự, một triết lý sống lấy chữ Nhẫn làm đầu, muốn vươn tới được Chân, Thiện, Mỹ cần phải dẹp bỏ cái bản ngã vị kỷ, dẹp bỏ những ham muốn vật chất... một khi cái "Ta" không còn, những "Ham muốn vật chất" không còn thì lúc đó "nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo...".
Rồi người Tây phương sang, đem theo Thiên chúa giáo, một tôn giáo có vẻ hành động hơn qua những cuộc thánh chiến, nhưng trong triết lý vẫn mang đầy tinh thần chịu đựng cho những tín đồ "Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm", "Ai tát má phải hãy đưa thêm má trái", hoặc "Ai muốn lấy áo lót của con hãy cởi luôn áo ngoài đưa cho nó...".
Bao nhiêu đời như thế, bao nhiêu ngàn năm như thế, đã biến con người thành những "cỗ máy làm việc và phục tùng", sống chỉ cần làm việc và phục tùng, chẳng cần phải suy nghĩ, phải thắc mắc, không cần phải thay đổi, vua quan là bậc con Trời đã nói thế, người trên đã nói thế, thần dân phải làm điều vua quan thích, giáo dân phải làm điều giáo sĩ phán, con cái phải làm điều cha mẹ dạy... Cái thích của cá nhân, của từng con người là cái chẳng đáng để quan tâm... Cho nên xã hội đã phát triển rất chậm chạp trong suốt mấy ngàn năm.
Xã hội bây giờ, như cách ví von của sách vở đã trở nên phẳng, những cá nhân trở nên quan trọng, Bill Gates và con người đã biến đổi trái đất này chứ không phải Chúa trời (biến đổi theo chiều hướng tốt và xấu...) mà nguyên nhân sâu xa của sự biến đổi này nằm ở đâu? Chính là chỗ con người đã được tự do làm những điều mình thích.
Dĩ nhiên bạn tôi không bao giờ đề cao cái "thích" có hại cho bản thân, cho cộng đồng...