PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Ở lại.

Photobucket




Tôi nhận được Email của một người bạn thân quen đang ở Hoa Kỳ, trong đó có những hình ảnh của một Saigon xưa, và những bài hát cũ, mới hát về Saigon. Tôi xem những hình ảnh và nghe những bài hát này với một chút nhớ, một chút bâng khuâng...

Saigon tháng tư năm 75 thật ngột ngạt, ngột ngạt bởi cái nắng tháng tư của miền Nam, bởi những người từ khắp các nơi đổ về, bởi chiến tranh đã cận kề, bởi những người Mỹ cuối cùng đang ra đi, kéo theo cả triệu người hoảng loạn. Khi ấy tôi mới ngoài hai mươi, vừa vượt qua cả ngàn cây số để trở về từ một cõi chết, mệt mỏi, căm giận, và khá nhiều thất vọng...

Những ngày cuối tháng tư ấy thật lạ kỳ, doanh trại tôi đóng giữa Saigon, cách tòa đại sứ Mỹ mấy bước chân. Tôi đã chứng kiến cái cảnh người ta tuyệt vọng liều mình đánh đu trên bờ tường rào đầy kẽm gai của tòa đại sứ Mỹ, trước những mũi súng của tụi quân cảnh Mỹ, để cố vào cho được trong tòa đại sứ mong chen chân lên được những chuyến trực thăng di tản đầy ắp người. Có chuyến trực thăng đáp xuống đậu ngay giữa đại lộ Thống Nhất hồi đó, và có những người đi đường đã quăng cả xe gắn máy đang chạy để leo lên.

Khi NTT, viên trung úy không quân lái chiếc F5 thả bom dinh Độc lập, tôi đang ở gần đó cách mấy trăm thước, tôi nghe tiếng phản lực rít lên trên đầu và tiếp theo đó là tiếng nổ inh tai. Trên đường phố mọi người nhốn nháo, ngay sau đó radio thông báo sự việc. Khi chính một viên sĩ quan phi công của quân đội Saigon đã ném bom vào dinh Độc lập, thì tôi hiểu là mọi việc đã kết thúc.

Không phải chỉ những người Mỹ cuối cùng đang tháo chạy khỏi Saigon, mà cả Saigon đang nhốn nháo. Người ta cố nhào vào phi trường Tân Sơn Nhất đang bốc cháy và hứng chịu những trái đạn pháo để mong lên được một chuyến bay, ở các tòa đại sứ cũng thế, những chuyến trực thăng đầy nhóc người... Người ta cũng đổ xô ra các bến tàu quân sự và dân sự, lần thứ hai trong vòng một tháng trời tôi đã chứng kiến cái cảnh con người thực sự điên loạn. Tôi  đã có những người bạn cùng chung một đơn vị đã ra đi như thế, bỏ lại vợ và các con còn nhỏ, những người bạn này cũng đã rủ tôi ra đi, bởi những lời đồn đoán, bởi cơn tuyệt vọng tập thể...

Trước đó, vào những ngày đầu tháng tư tôi có một bà bác, chị của ông cụ tôi. Bác có chồng làm cho sở Mỹ, người Mỹ đã cho cả gia đình bác di tản, bác có 2 người con đi lính ở xa không về được, bác gặp tôi nói cháu thế chỗ con của bác, các anh con của bác chẳng biết lúc ấy sống chết ra sao, và bác sợ nếu Saigon sụp đổ, là lính, ở lại tôi có thể bị nguy hiểm.

Buổi trưa ngày 30 tháng tư, khi Big Minh tuyên bố đầu hàng, tôi trở về gia đình, việc đầu tiên là ngủ một giấc...

Saigon năm 75, và nhiều năm sau đó, cả triệu người Việt đã bỏ nước ra đi, nhưng đồng thời nhiều triệu người đã ở lại. Những gì thuộc về lịch sử hãy để  cho lịch sử phán xét, hôm tết tôi có người bạn vượt biên vào những năm cuối 80 của thế kỷ trước về gặp lại. Bạn mời đám bạn cũ uống cà phê, rưng rưng nói: Đi hay ở không có gì quan trọng, mừng vì chúng ta vẫn còn sống để gặp lại nhau...

16 nhận xét:

  1. con sinh ra vào "mùa hè đỏ lửa" , ba của con nói vậy và ba cũng hay kể những chuyện tương tự. ba nói ba làm bên không quân, mấy lần ba leo lên máy bay rồi ba lại leo xuống vì lúc đó mẹ và con đang ở nhà nên ba lo.chúc chú khỏe để kể chuyện quá khứ cho con cháu nghe.

    Trả lờiXóa
  2. Câu nói của bạn anh thật cảm động:
    "Đi hay ở không có gì quan trọng, mừng vì chúng ta vẫn còn sống để gặp lại nhau..."

    Trả lờiXóa
  3. rưng rưng khi đọc cái kết này anh ạ. Cũng có 2 thằng bạn của Walk lần đầu trở về, nói y hệt như thế

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bức thư cảm động vì nó chỉ toát lên tình người, ko thù hận, ko oán trách và ko kết tội...

    Trả lờiXóa
  5. nghe đâu sự hoảng loạn là do lời đồn đại SG sẽ bị tắm máu....có khi sự hoảng loạn đó là cái dẫn đến sự kết thúc một cách êm thắm...?

    Trả lờiXóa
  6. Nhiều triệu người không thể ra đi vì không thể ..ra đi . Trong đó có gia đình của T mà ba là một viên chức của Bộ TTM
    Đến giờ T không biết mình diễn tả tâm trạng của mình ra sao trong cái ngày đầy ấn tượng đó và cũng không biết nói làm sao cảm xúc của người còn ở lại .
    Chỉ cám ơn ông Trời là gia đình mình đã vượt qua mọi khắc nghiệt nhất của cuộc sống , đã sống được sau khi mất quá nhiều thứ , chịu thiệt quá nhiều thứ ., đến nỗi có lúc mình tưởng rằng mình tồn tại chứ không hề sống .
    Và cám ơn rằng mình đã còn sống để còn ngậm ngùi với điệp khúc tháng 4 .

    Trả lờiXóa
  7. @Các bạn, cám ơn rất nhiều về những chia sẻ của các bạn. Tự nhiên tôi muốn viết lại một câu trong quyển "Thế giới phẳng" của Thomas L. Friedman, người đã 3 lần đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer. Câu này chắc chẳng ăn nhập gì với entry tôi viết ở trên, nhưng với tôi đó là một câu đáng để suy nghĩ: "Nên nhớ rằng khi nhắc đến những hoạt động kinh tế, chúng ta không thể không đề cập đến một nhân tố quan trọng nhất mà một đất nước hoặc một cộng dồng người có thể có được là một nền văn hóa khoan dung. Khi khoan dung là một chuẩn mực, tất cả mọi người sẽ thành đạt - bởi vì khoan dung tạo ra lòng tin, và lòng tin là nền tảng của đổi mới và đạo đức nghề nghiệp. Hãy tăng niềm tin trong bất kỳ một nhóm người, công ty hay xã hội nào, nhất định những diều tốt đẹp sẽ đến".
    Nếu nước Đức hoặc nước Nhật cứ giữ mãi lòng thù hận của sự bại trận, thì chắc chẳng bao giờ họ có được một nước Đức và nước Nhật như ngày nay, các bạn nhỉ?

    Trả lờiXóa
  8. Và VN ta cứ nhìn lên trời vổ ngực tự hào đã thắng được hai đế quốc lơn là Pháp và Mỹ đến khi tỉnh trí lại đã thấy thiên hạ xa tít mù khơi rồi....

    Trả lờiXóa
  9. Mừng là sau tất cả những hỏang lọan, sợ hãi, nghi kỵ, đau khổ,...con người lại có thể tếu táo, nghịch ngợm, chia sẻ với nhau nhiều điều như ...chúng ta bây giờ...!

    Trả lờiXóa
  10. 30/4, rồi 1/5 , rồi thứ bảy, chủ nhật ... được nghỉ nhiều ngày quá , bạn PNH có định lang thang đâu đó chụp hình chuồn chuồn, ong, bướm, tắc kè không nè ...

    Trả lờiXóa
  11. @bulukhin, "Ai chiến thắng không hề chiến bại/ Ai nên khôn không khốn một lần". Đấy là bệnh tự mãn bác Bu à.

    Trả lờiXóa
  12. @xuyenmai, thật là mừng vì còn những điều như xuyenmai nói.

    Trả lờiXóa
  13. @bangtamngt, có chứ bạn Marg. "nghề của chàng" mà, hì hì!

    Trả lờiXóa
  14. cai mail nay toi da co lau roi , nhung suy vi can than nen khong goi cho anh
    khi toi nhan toi chi nghe nhac co 1 ban là toi bo ngay vi no noi len cai dau cua toi da mat nguoi ban chi than cung tuoi voi nhau ,khi qua phap roi nàng co chong ve lai que huong , ban tu nho lon chung truong o vn , roi cuoc doi chia re
    co the bao toi yeu duoi quay lung chay tron , khong muon nho lai ...
    cho nen moi chuyen toi deu cho no qua di
    bay gio chi co hien tai mà thoi !
    à mà luc ay anh di ....thi gio nay dau co ong NH o trong mult chu ? và ai chup hoa buom cho thien ha xem day nè
    nhung neu co duyen làm ban thi o dau cung phai gap mà ! anh co nghi vay khong ?

    Trả lờiXóa
  15. @phungchau, rất đồng ý với chị Phụng, tương lai là cái chưa đến không thể biết được, quá khứ là cái đã qua không thể thay đổi, vậy chỉ còn cái hiện tại "Tôi hiện hữu tức là tôi đang sống". Chỉ có điều như thế này, cho dù ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, mình phải... vẫn cứ là chính mình một "ong" như chị nói, hay một gã NH không thể đổi khác.
    Ngày xưa ở trong lính có một lần ông Thiếu tá Tiểu đoàn phó đơn vị muốn tôi về dạy học cho đứa con nhỏ của ông ấy. Tiếng là như vậy nhưng thực ra là ăn ở trong nhà ông ấy, dắt con ông ấy đi học, nghĩa là một loại "vú em" trong nhà. Nhiều đứa lúc bấy giờ rất muốn làm công việc này, vì khỏi phải đi đâu nguy hiểm. Tôi thẳng thắn từ chối vì không thế. Năm ngoái rất bất ngờ tôi nhận được 1 cú điện thoại từ Mỹ của chính ông Thiếu tá Tiểu đoàn phó này, qua nhiều người ông ấy tình cờ biết được số điện thoại của tôi và gọi, ông ấy nói còn nhớ đến tôi là vì tôi đã từ chối.
    Vậy thì tôi với chị "có duyên" rồi, hì hì. Tôi sẽ đưa khá nhiều hình bướm lên cho chị xem.

    Trả lờiXóa