PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Saigon tháng tư.

Photobucket

Cafe Givral đang được tháo dỡ.

Photobucket

Chỗ những tấm tôn che là cafe La Pagode xưa, sau 75 trở thành Văn phòng

chính của Saigon Tourism, nay cả tòa nhà cũng đang bị đập bỏ.

Photobucket

Cafe Brodard, vẫn còn bán cafe nhưng chỉ còn địa điểm và cái bảng hiệu.



"Saigon tháng tư có kẻ lên đường..."

Tôi lang thang giữa cái nắng tháng tư của Saigon, đường phố hun hút nắng, từ mặt đường nhựa phả lên một làn hơi nóng bỏng. Trời này đúng là "hâm" mới ra đường giữa trưa nếu không có việc gì. Mấy ngày hôm nay nghe nói tòa nhà Eden nơi có cafe Givral nổi tiếng một thời đang được tháo dỡ, quả thật có lẽ Eden là một trong những tòa nhà xưa nhất Saigon, có từ khi người Pháp bắt đầu đặt nền móng cho nền hành chánh để cai trị Saigon.

Nếu chỉ nói riêng về cafe, thì có lẽ 3 quán cafe vang danh từ trước năm 75 có cái tên Tây, do người Pháp lập ra và làm chủ, và cũng là những quán cafe lâu đời nhất ở Saigon, là Givral nằm ở góc đường Đồng Khởi (Tự Do cũ), nhìn sang Nhà hát thành phố, cùng trong khối nhà của Thương xá Eden (nơi có rạp chiếu bóng Eden, cũng là một rạp hát lâu đời bậc nhất của thành phố). Kế đến là cafe La Pagode, nằm nơi góc đường Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn, quán cafe này sau năm 75 trở thành văn phòng của Công Ty Du Lịch Saigon Tourism, trong một khối nhà kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp rất đẹp. Và tiếp nữa là cafe Brodard, cũng nằm trên trục đường Đồng Khởi, góc ngã ba Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp, cũng là một quán nằm trong quần thể nhà theo kiến trúc Tây phương. Quán cafe này đến giờ vẫn còn bán cafe, nhưng có lẽ chỉ còn là cái bảng hiệu gợi nhớ lại những quán cafe theo "phong cách Tây phương" của một thời Saigon.

Trong ba quán cafe này thì quán Givral và Brodard cũng là những cửa hàng bán bánh ngọt, dĩ nhiên bánh ngọt được sản xuất theo "gout" Tây, đại loại như croissant, pate chaud, chou à la crème... Ngày xưa thời còn đi học, hoặc đã bước chân xuống cuộc đời, tôi có cái thú thỉnh thoảng dạo phố Saigon, ghé qua những cửa hàng bán sách, nhất là những quầy bán sách solde (giảm giá) trên lề đường Lê Lợi, xem hoặc mua một quyển sách mới, hoặc  ghé Cinema Rex, Eden (nếu trong túi rủng rỉnh) để xem một phim cao bồi hoặc một phim tình cảm mới qua, còn không thì cuốc bộ qua Vĩnh Lợi xem một phim đã cũ. Nếu rảnh rỗi còn thời giờ, và đầu tháng mới lãnh lương, thì thế nào cũng ghé một trong ba quán cafe này, ngồi nhâm nhi ly cafe đen pha filtre, ngắm đường xá Saigon qua những ô cửa kính.

Cuộc sống luôn đổi thay, đúng là như thế, cũng như một dòng sông, ngưng chảy là dòng sông sẽ chết, những gì của ngày hôm qua, có khi ngày mai sẽ không còn, kể cả thân xác nhỏ nhoi của mỗi chúng ta. Vẫn biết thế, và tâm niệm như thế để gắng bình tâm nhìn những đổi thay, đôi khi đến chóng mặt của cuộc sống. Nhưng khi nhìn một quán cafe bị tháo dỡ, sao tôi vẫn cảm thấy ngậm ngùi, có lẽ đây không đơn giản là đập đi một quán cafe, một tòa nhà, mà là phá bỏ đi một phần Saigon, một phần ký ức, một phần tâm hồn của những ai đã từng lớn lên, và gắn bó với Saigon...

22 nhận xét:

  1. Những quán cafe ngày xưa gắn liền với những kỷ niệm quá khứ nên phải chia tay ai cũng luyến tiếc. Em cũng thế những kỷ niệm ngày xửa ngày xưa vẫn còn nhớ mà những chuyện xảy ra mới gần đây lại chóng quên. "Nhớ xa quên gần" - dấu hiệu của tuổi già rồi, hic hic !

    Trả lờiXóa
  2. @nguyenthuthuy1401, thuthuy mà già? Phản đối.

    Trả lờiXóa
  3. Brodard , Givral , La Pagode là những cửa hàng đã theo T từ T hồi nhỏ cho đến lúc trưởng thành . Một góc phố đi qua , nếu đã trở thành kỷ niệm thì rất khó đế quên . Đó là những cái góc La Pagode, góc Brodard và góc Givral ...T có nhiều kỷ niệm với Givral , những buổi chiều bàng bạc đã ngồi đó để nhìn ngắm Sài Gòn . Sài Gòn từ lúc còn trong veo cho đến lúc trở thành phức tạp . Nhưng Sài Gòn vẫn là Sài Gòn ..nó còn nguyên vẹn trong trái tim tan nát dù nó đã tan nát trong tình yêu còn nguyên vẹn.
    Hôm vừa rồi , anh bạn đi công tác xa về , T và anh lại có dịp đi qua đây để rồi bồi hồi và ngậm ngùi với cái ký ức sắp sửa được đào móng để ...chôn . Buồn quá anh !

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn những tấm ảnh của anh . T sẽ save để làm kỷ niệm .

    Trả lờiXóa
  5. Vì đây là miếng đất vàng, nên họ khai thác triệt để thay vì giữ lấy những công trình gắn bó với lịch sử của đô thị này. Tiếc thật... Hà Nội cũng đang mất đi từng ngày những công trình xưa cũ bác ạ.
    Những tấm hình của bác sẽ là những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc quý giá sau khi ở đây mọc lên công trình lạ.

    Trả lờiXóa
  6. Cũng đã có 1 thời lọc cọc xe đạp từ ...vùng ven của mình ra ngồi nhâm nhi ...kem và bánh ngọt ở Givral, Brodard ( hì hì vì dạo đó còn chưa biết uống café) với mấy đứa bạn,. ngắm nhìn người ở trung tâm Saigon với ánh mắt của dân ...ngọai ô...Bây giờ ...ghiền café thì lại ko ra đến đấy nữa!!! Đọc cảm nhận của bác bất chợt mỉm cười, tiêng tiếc, nhớ nhớ cái thời hết sức nhà quê, hết sức con nít nhưng cũng hết sức ...dễ thương xưa ấy...

    Trả lờiXóa
  7. phá bỏ đi ký ức của cả mấy thế hệ anh ạ, chứ không phải chỉ 1 thế hệ , buồn...

    Trả lờiXóa
  8. @ngocthuan, hẳn là bạn đã có những kỷ niệm ở những quán cafe này, tiếc thật...

    Trả lờiXóa
  9. @torovn, đất ở đây đến mấy chục "cây" một mét vuông ấy chứ. Rồi sẽ có những tòa nhà hiện đại mấy chục tầng mọc lên, đành vậy, dù muốn dù không cuộc sống cũng phải thay đổi... Nhưng khi con người tự bứt mình ra khỏi quá khứ, và không coi trọng dĩ vãng, chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích vật chất, cũng dễ trở thành những... Năm Cam lắm!

    Trả lờiXóa
  10. @xuyenmai, không ra đến đây thì ra đến... nơi khác, hihi! Và vẫn cứ tiếp tục... ghiền cà phê.

    Trả lờiXóa
  11. @walkinclouds, mấy thế hệ, cả Ta, Tàu, Tây, Mỹ...

    Trả lờiXóa
  12. Mỗi một thời con người có kí ức của thời đó. Sau này bọn trẻ lại có kí ức về những tòa nhà đồ sộ mà người ta đang xóa kí ức của thế hệ trước để xây lên. Bạn PNH nói chí phải : "Vẫn biết thế, và tâm niệm như thế để gắng bình tâm nhìn những đổi thay, đôi khi đến chóng mặt của cuộc sống." Nhưng xóa kí ức của một thế hệ không tai họa bằng xóa kí ức của cả dân tộc, đấy là ca trù, là âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên và toàn bộ văn bản của triều Nguyễn ...Không quan tâm bảo vệ giữ gìn chúng hoặc cải biên chúng thì cũng là hủy hoại vậy.

    Trả lờiXóa
  13. Roi ky sau ve khong con Givral de an kem , an kem Bach Dang do vay !
    Du sao thay bo di mot cai gi cung thay tiec tiec ....

    Trả lờiXóa
  14. @bulukhin, nghe nói Đà Lạt đang tính nhờ... Tây quy hoạch lại giùm, khi đã "phá" tan nát mất cái hồn cao nguyên và phong cách Tây của nó. Nhưng còn những vụ thuộc về văn hóa của dân tộc như bác Bu nói chẳng nhẽ cũng nhờ Tây với Mỹ sang giữ gìn giùm... cho nên đành phải... huhu vậy.

    Trả lờiXóa
  15. @phungchau, ra vỉa hè ăn cà lem cây giống như hồi còn con nít là chắc ăn nhất há chị Phụng, hihi!

    Trả lờiXóa
  16. Sẽ còn nhiều chuyện để ngậm ngùi nửa anh trai ạ.....nhưng thôi cười vui đi khi mình được sống qua nhiều thời đại hehehhehe ( xạo ghê :D )

    Trả lờiXóa
  17. @phuongvu, ờ nhỉ? Coi thế mà thế hệ chúng ta đã "tồn tại" qua nhiều thời gớm, cuối thời Tây, sang thời Mỹ, rồi đến thời... hậu Mỹ. Đấy cũng là cái "may mắn" để "được nhìn" những đổi thay. Phát huy truyền thống chứ phuongvu? heheheheheeee!

    Trả lờiXóa
  18. Hết thời mã quy đến thời quy mã ....hehehe...

    Trả lờiXóa
  19. Khi xưa em quá nhỏ và cũng không được đi ra SG nhiều nên không biết nhiều về SG xưa, nhưng qua hình ảnh thì thấy tất cả những gì SG xưa có gắn bó rất nhiều trong tâm khảm, tình cảm của mọi người.....
    Thấy tiếc và buồn vì các thế hệ sau này chỉ còn được nhìn được SG xưa qua phim ảnh cũ....

    Trả lờiXóa
  20. @bulukhin, quy mã coi vậy mà chán lắm, không có màn kề cà cà phê...

    Trả lờiXóa
  21. @lanvuive, vậy thì nói chuyện... đồng ông cộ chắc cô Lan rành, hihi!

    Trả lờiXóa
  22. dung vay nhung ai co tinh cam voi saigon va nhung ky niem dep ve saigon deu co cam giac nhu anh Hiep

    Trả lờiXóa