Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010
Tin tức... cười: Bắt gà trống để chống cá độ (tin trên báo TT 31/10/2010): TP.HCM - Chiều 30-10, trưởng Công an P.27, Q.Bình Thạnh TP.HCM cho biết đã giao toàn bộ số gà thu giữ được của người dân nuôi trên địa bàn phường này trong ngày 29-10 cho UBND P.27 để tiêu hủy... Bà N.T.G ngụ trong phường cho biết, bà mua một con gà trống về thịt, để trước cửa nhà thì bị bắt mất. Hầu hết gà bị bắt chỉ là trống, gà mái không bị bắt... Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng Công an P.27 ban đầu cho rằng công an phường phối hợp cùng UBND, lực lượng thú y kiểm tra phòng dịch theo quy định cấm nuôi gà trên địa bàn. Tuy nhiên sau đó ông nói chỉ bắt gà trống để tiêu hủy là do người dân nuôi để đá độ. Mai mốt có chiến dịch chống mại dâm không biết sẽ bắt tới cái gì?!
Saigon xưa.
Xã Tây (cơ quan hành chánh Saigon thời Pháp), Tòa Đô Chánh Saigon (thời trước 75), Ủy ban Nhân Dân TP HCM (sau năm 75).
Notre Dame de Saigon (Nhà thờ Đức Bà Saigon).
Thương xá GMC, trước mặt là quảng trường Francis Garnier và Boulevard Charner. Trước năm 75 và bây giờ là Thương xá Tax góc Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
Boulevard Charner (đường Nguyễn Huệ) với những băng rôn quảng cáo phim ảnh (phim Tarzan một thời rất ăn khách ở Saigon).
Jardin Botanique et Zoologique de Saigon (Thảo Cầm Viên).
Chị Phungchau ở bên Tây gởi cho tôi những tấm hình chụp Saigon từ năm 1948 của phóng viên Jack Birns, làm việc cho báo TIME-LIFE magazines, hình ảnh được chụp bởi chiếc máy ảnh Rolleiflex. Tôi trích ra đây những tấm hình tiêu biểu của một Saigon năm xưa, mà nay những công trình này vẫn còn tuy có thay đổi, hoặc đã mất.
Trước hết tôi muốn nói đến chiếc máy ảnh Rolleiflex (hehe, máu mê nghề nghiệp). Đó là chiếc máy ảnh kiểu hộp chụp phim 120 (cho khổ ảnh thường là 6 X 6, chiếc máy ảnh này thời còn nhỏ tôi cũng đã chụp qua và mơ "không thấy nổi" (chụp ké, bởi đây là hiệu máy ảnh chiến, rất đắt tiền). Máy dạng hộp, ngắm ở màn hình từ trên xuống cho hình ảnh với chất lượng tuyệt hảo, các bạn nhìn ảnh thì biết, ảnh rõ nét tuy đã trên 60 năm, dĩ nhiên chất lượng ảnh còn tùy thuộc ở khâu tráng, rọi hình.
Năm 1948 thì chẳng biết tôi... đang ở đâu? Nhưng Saigon thì đã có tiếng rồi, nhờ quân đội viễn chinh Pháp. Đã có Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Norodome, Nhà Hát lớn, Thảo Cầm Viên, Thương xá, Trường Đua ngựa Phú Thọ hồi đó thuộc quận 5, sau này tách ra thành quận 11 (từ năm 1954 gia đình tôi ở ngay trước mặt Trường Đua ngựa này, thời đó còn hoang vu lắm). Cầu Thị Nghè hồi đó là cầu xe lửa có đường ray chạy ngang. Đường xá Saigon thời đó vẫn còn xe bò, xe ngựa chạy lọc cọc cùng với những xe hơi như xe Traction của Pháp màu đen, xe mô tô phổ biến là hiệu BMW của Đức hay Harley của Mỹ, mà thời còn nhỏ tụi nhóc chúng tôi gọi là xe "bình bịch", bởi tiếng máy nổ của nó.
Trước Nhà thờ Đức Bà vào năm 1948 chẳng có bức tượng nào, bởi vào năm 1945 bức tượng Giám mục Bá Đa Lộc dắt tay Hoàng Tử Cảnh (được dựng vào năm 1903 để kỷ niệm dịp Bá Đa Lộc được Nguyễn Ánh giao Hoàng Tử Cảnh sang Pháp cầu viện) đã bị người dân Saigon kéo đổ, hơn 10 năm sau đó (1959) thì tượng Đức Mẹ như bây giờ vẫn thấy mới được dựng thay vào chỗ tượng Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh cũ.
Saigon bây giờ thay đổi nhiều, quá nhiều so với cách nay hơn 60 năm, nhưng may mắn thay những hình ảnh bên trên của một Saigon xưa vẫn còn thấp thoáng...
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010
Chuyện vui cuối tuần.
Có chị bạn trong Friends list ở tuốt bên trời Tây, chị "phungchau" chuyên viết tiếng Việt trên blog không có dấu, nói cho ngay cũng có thời gian có người cài giùm chị ấy phần mềm tiếng Việt để chị ấy viết có dấu, thoạt đầu thì chị cũng gặp khó khăn khi bỏ dấu, nhưng xài từ từ cũng quen dần, tuy nhiên khổ nỗi cái còm piu tơ của chị ấy nó ở bên Tây chắc quen với ngôn ngữ Tây không dấu rồi, nên khi cài phần mềm có dấu vào lại đâm ra chạy loạn xạ, cuối cùng chị phải nhờ người con gỡ dùm phần mềm tiếng Việt ấy ra.
Chị ở bên Tây đã rất lâu, từ trước cả năm 75 xa lắc, nói tiếng Tây còn rành hơn tiếng Việt, nhiều khi không biết diễn tả ra sao bằng chữ Việt, lại thêm viết không dấu nên bạn bè lắm lúc chẳng hiểu được là chị muốn nói điều gì, nhìn chữ không dấu mà đoán xem ra khó lắm. Bởi thế đôi khi tôi lại làm... thông dịch viên tiếng Việt cho chị ấy, kể ra thì điều này xem thế mà rất thú vị, nó cũng như là đoán ô chữ, hay là một cái gì đại loại như thế, nó làm cho đầu óc mình phải hoạt động... suy đoán tới lui, có nhiều khi đoán những câu chị ấy viết rồi cười hì hì một mình, dĩ nhiên là không phải như ý của chị ấy muốn nói, và tôi chẳng dám nói ra cái suy đoán tầm sàm bá láp của mình...
Nói chuyện vui này là để tôi muốn kể một câu chuyện vui khác, chuyện này xảy ra lâu lắm rồi cách nay cũng gần 40 năm, hồi tôi còn ở trong quân đội Sài gòn. Hồi đó có một đơn vị chính huấn chuyên về ca hát giúp vui trong lính tráng một hôm tiếp nhận một anh lính mới. Nhìn tướng mạo mặt mũi đen thui lui của anh chàng mới tới viên chỉ huy cảm thấy ngao ngán, chợt nhớ đến anh chàng ca sĩ Chế Linh người Chàm cũng đen thui như thế, mà hát hò được nhiều người mê, viên chỉ huy nghĩ "A, hay anh chàng này cũng người Chàm người Thượng như thế, miễn là hát hay là được rồi", bèn nói anh ta hát cho nghe một bài, anh ta nói chẳng biết hát hò gì cả, hay anh ta là nhạc sỹ, nhạc công đánh đờn? Cũng không phải, anh ta thật thà khai báo nốt Sol ở đâu cũng không biết.
Thế này là sao nhỉ? Đây là đơn vị chuyên môn chứ đâu phải đánh đấm đâu mà cấp trên lại đưa anh chàng vai u thịt bắp này về, à, hay là con ông cháu cha đây, chắc chắn là như thế rồi, chỉ có con ông cháu cha, anh em bà con với các sếp lớn thì mới được gởi về những nơi này để khỏi phải ra mặt trận. Nhưng hỏi anh ta có quen biết với ai không để được gởi về đây anh ta cũng thành thật nói là không hề quen biết ai làm lớn hết. Thế này thì lạ quá, sao lại có trường hợp quái quỷ này xảy ra được, nhưng anh ta đã được điều tới thì cũng đành phải tiếp nhận rồi tính sau. Viên chỉ huy bèn hỏi anh ta có nghề nghiệp chuyên môn gì không? Anh chàng này cũng trả lời không nốt. Cuối cùng thì viên chỉ huy hỏi thế thì khi vào lính thì anh khai làm nghề gì mà người ta lại đưa anh về đây. Anh chàng kia trả lời, gia đình tôi đều làm nghề đánh cá, vào lính cũng khai như thế. Viên chỉ huy giở lại cái hồ sơ đang cầm trên tay thì quả thật thấy ghi nghề nghiệp trước khi vào lính là "đánh cá", nhưng thời ấy người ta xài bàn máy đánh chữ do Mỹ viện trợ không có dấu nên ghi là "danh ca".
Kết quả là anh ta được điều tới một đơn vị chuyên về ca hát!
Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010
Giải pháp an toàn.
Đọc trong Tuổi trẻ ngày hôm nay (thứ ba 26/10/2010) thấy có tin như thế này:
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TP.HCM: Sẽ còn xuất hiện "hố tử thần".
TP.HCM - Trong báo cáo gửi ba cơ quan là Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết từ đây đến hết mùa mưa năm 2010, tình hình lún sụp mặt đường ở TP vẫn còn tiếp tục xảy ra do chất lượng một số công trình ngầm hiện hữu "hết sức phức tạp". Để hạn chế các sự cố và các khiếm khuyết về cơ sở hạ tầng, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố trên các tuyến đường, vỉa hè được phân cấp quản lý. Lực lượng thanh tra xây dựng phải kiểm tra toàn bộ vỉa hè để xử lý ngay các hầm ga kỹ thuật cao hơn hoặc thấp hơn vỉa hè, mặt đường...
Đọc xong tin này thoạt tiên chú tiểu tôi cảm thấy buồn cười, trước hết là về mặt chữ nghĩa, cái câu: chất lượng một số công trình ngầm hiện hữu "hết sức phức tạp", nghe nó "bác học rởm" ngô nghê và không có ý nghĩa. Người ta nói "đường đi của cơn bão Rosa hết sức phức tạp", bởi cơn bão này di chuyển không biết đâu mà lường, lúc hướng này, lúc hướng khác, vận tốc gió thay đổi khó lường..., còn chất lượng công trình thì chỉ có Tốt và Xấu, không thể có "chất lượng phức tạp" được. Không hiểu sao bây giờ người ta hay xài những từ ở... đâu đâu, chẳng hề có ý nghĩa, chẳng hạn "Công an ra quân tóm gọn hơn 550 'phương tiện' đi bão...". Thôi thì "đi bão" là tiếng lóng để chỉ mấy "yêng hùng xa lộ", tạm chấp nhận... Nhưng chữ "phương tiện" thì nghe khó lọt tai quá, sao không nói đơn giản là "xe". Chữ phương tiện không chỉ cái gì cả, phương tiện di chuyển là xe cộ, phương tiện nấu ăn là cái nồi, cái bếp lò, phương tiện làm ruộng là cái cày, cái cuốc...
Tiếp đến là chuyện Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố trên các tuyến đường, vỉa hè được phân cấp quản lý. A, cái này lại là một điều buồn cười và ngược đời khác. Sở Giao thông vận tải là đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM, nghĩa là cấp dưới, là "thuộc cấp" của UBND TP, thay vì UBND TP phải đề nghị Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về những công trình cầu cống, đường xá do Sở GTVT làm chủ đầu tư (Sở GTVT chắc chắn phải có thanh tra công trình của ngành GT, giám sát kỹ thuật công trình, hoặc tư vấn giám sát mà Sở đã thuê...), nghĩa là trách nhiệm phải là của Sở GTVT, thì ở đây Sở lại... nhẹ nhàng "chỉ đạo UBND TP" đá trái banh trách nhiệm cho "các cơ quan chức năng" (cơ quan nào đây?) và UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm...
Mải buồn cười vì những cái ngớ ngẩn (và láu lỉnh) của một Sở ở một thành phố "năng động" và to nhất nước, khi đọc kỹ lại cái tin trên thì chú tiểu tôi... toát mồ hôi hột. Trời ạ cái Sở chức năng này khẳng định là "Sẽ còn xuất hiện hố tử thần", đến hết mùa mưa năm 2010 (không biết Sở GTVT căn cứ vào đâu mà lại nghĩ là đường nó chỉ sụp vào mùa mưa năm 2010, sang đến mùa nắng nó không sụp sao? Lý do sụp ai cũng biết là cái cống nằm bên dưới đường làm rởm quá, nước cống nó xì ra trôi mất đất cát ăn rỗng dưới đó rồi mặt đường mới sụp chứ, sang mùa nắng dưới cống không có nước chảy à?). Là một người thường xuyên phải chạy lông nhông ngoài đường (do công việc, cũng do khoái... lông nhông hơn ngồi một chỗ), tôi đâm... rét thật sự. Nhìn mấy cái hình trên báo mà xem, xe tắc xi bảy chỗ ngồi, xe cồng te nơ dài sọc, xe vận tải to đùng thi nhau sụp hố tử thần mà thấy ngán... huống chi cái xe gắn máy đã chạy 10 năm trời xệu xạo, và... bộ xương cách trí của tiểu tôi...? Ác hại một cái là cái hố tử thần nó đâu có la lên báo trước cho mình là nó sụp, đang đi tự nhiên mặt đường nó thủng một lỗ sâu hoắm như có động đất, nuốt chửng cả xe lẫn người thì khổ đời cô Lựu, lấy ai mà ngồi vắt vẻo cà phê?
Đêm nay có khi tiểu tôi sẽ mất ngủ vì bận thức nghĩ xem có giải pháp an toàn nào khi đi ngoài đường không? Có bạn nào nghĩ ra xin hiến kế, hứa hậu tạ chầu cà phê chim...
Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010
Cứu nạn.
Hình ảnh tìm kiếm và trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi tại Hà Tĩnh (ảnh chụp từ báo TT Chủ nhật 22/10/2010).
Cứu nạn! nghe những từ này cứ như là chuyện "Cứu khổ, cứu nạn" trong kinh sách nhà Phật, nhưng nhìn hình của báo TT chủ nhật ngày hôm nay thì các bạn biết ngay là chuyện tìm kiếm và trục vớt chiếc xe ở Hà Tĩnh, cùng những người xấu số đã bị lũ cuốn trôi trong mấy ngày qua. Cuối cùng thì chiếc xe và phần lớn người bị nạn đã được những người cứu hộ tình nguyện tìm thấy, sau những nỗ lực quả cảm, rất đáng khen nhưng đầy nguy hiểm.
Qua báo chí, cùng những hình ảnh thì câu chuyện trên đã nói lên điều gì?
Trước hết là cái ý thức trách nhiệm của người dân (người lái xe, người ngồi trên xe khách) là quá kém, đường đi đã ngập trong lũ, đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn nhưng họ vẫn cố vượt qua, chẳng đếm xỉa gì đến tính mạng của chính bản thân và người khác. Sau là trách nhiệm của những người giữ nhiệm vụ ngăn chặn, đã biết đường xá nguy hiểm thế mà còn để cho chiếc xe vượt qua, một chiếc xe khách chứ đâu phải chiếc xe đạp mà lén trốn được, hình như ở xã hội ta, cái dễ dãi, cẩu thả, thiếu hiểu biết đã dẫn đến biết bao điều đau lòng...
Tiếp đến là nghĩa tình của con người với con người. Quả thật phải cảm phục những người tình nguyện cứu hộ, đấy là những con người có tấm lòng. Chẳng ai buộc họ phải bỏ tiền của, công sức, và cả tính mạng lăn xả vào dòng nước dữ để tìm kiếm chiếc xe và những người bị nạn. Họ ngụp lặn trong dòng nước dữ sâu đến 15 mét, bằng tòa nhà bốn, năm tầng để tìm kiếm, buộc cáp, và trục vớt chiếc xe xấu số. May mắn là họ đã thành công mà không bị thêm một tổn thất nhân mạng nào.
Vâng thật là may mắn, khi nhìn thấy những thợ lặn tình nguyện đầu trần chân đất, chỉ độc chiếc quần cộc, miệng ngậm vòi hơi ngâm mình dưới nước lũ, có lẽ đó là những ngư dân đã quen với kiểu lặn mưu sinh như thế trong cuộc sống. Không đồ lặn, không bình hơi, không cả kính lặn... Nhìn hình họ lặn xuống dòng nước lũ mà phát hãi, cái an toàn đơn giản nhất cho những thợ lặn này là sợi dây cột ngang lưng họ nối với thuyền cứu hộ, để họ không bị dòng nước dữ cuốn trôi, hoặc có chuyện gì dưới nước còn kéo họ được lên thuyền, thế mà cũng không có. Những người ứng cứu trên bờ thông tin với nhau bằng cử chỉ chân tay, không microphone, không bộ đàm, họ dùng sào tre để chống cho chiếc xe khách khỏi va vào sà lan cứu hộ khi chiếc xe được vớt lên mặt nước.
Trước đó thì những người cứu nạn "chỉ định" đã không làm được điều gì. Lực lượng cứu hộ hàng mấy trăm người có cả máy rà mìn của quân đội (máy rà kim loại), và cả những nhà ngoại cảm cũng vào cuộc nhưng đã thất bại. Trời ạ, cả những nhà ngoại cảm cũng được cầu viện, làm sao có thể tin được những nhà ngoại cảm, đấy thật sự là những con người không bình thường, hoang tưởng, cái vụ lùm xùm "đuổi mưa đại lễ ngàn năm" còn đó, thầy "phán" cái kiểu áng chừng chiếc xe bị trôi cách nơi bị nạn "khoảng tám trăm đến một ngàn mét về phía hạ lưu con sông và đang ở dưới... nước" thì ai mà chẳng nói được, nói lên điều này là để thấy rằng những người có thẩm quyền tổ chức cứu hộ đầu óc không hơn gì mấy chị phụ nữ mê... xem bói.
Thông tin trên báo nói thêm là những người được chỉ định cứu nạn, sau khi chiếc xe cùng những người xấu số lên được trên bờ, còn cố vớt vát, đại khái là chẳng phải chúng tôi dở, chúng tôi còn những phương tiện tối tân khác để tìm kiếm, chẳng hạn như tàu quân sự có ra đa chuyên dò tìm ngoài biển... phương tiện này chưa dùng tới bởi phải thử những cách đơn giản trước đã... Bài báo cũng nói đến ca nô cao tốc và xe lội nước cũng có đấy, nhưng khi đưa vào sử dụng lại không phù hợp với địa hình, những chiếc thuyền lá mỏng mảnh của ngư dân tỏ ra hữu hiệu hơn hẳn...
Qua câu chuyện thương tâm này, có ai rút ra được bài học nào không? Hay rồi mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn như cũ...
Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010
Xã hội an toàn.
Thật sự là chưa bao giờ người dân cảm thấy mất an toàn trong cuộc sống như bây giờ, mất an toàn toàn diện, từ chuyện miếng cơm manh áo, cho đến chuyện phải bước ra ngoài đường mỗi ngày. Rõ ràng mâm cơm của đại đa số người dân đang... teo tóp lại, vật giá leo thang vùn vụt, buổi sáng cuối tuần theo bà xã đi siêu thị hay ra chợ xách giỏ thì biết. Ai đời con cá kèo ngày xưa là loại cá chỉ có nhà nghèo mới đụng tới (còn câu thành ngữ "hạng cá kèo" để chỉ dân đi xem hát bội, cải lương mua vé hạng bét), mà bây giờ giá cao ngất trời. Cách nay ít lâu, không nhớ rõ là hai, hay ba năm, mỗi lần ghé siêu thị ra thanh toán hóa đơn khoảng ba, bốn trăm ngàn, bây giờ cũng bằng ngần ấy phải mất bảy, tám trăm ngàn. Thật là... phi mã.
Chưa bao giờ con người trong xã hội lại đối xử với nhau kinh khủng như thế. Những tội ác không sao tưởng tượng ra được lại xuất hiện đầy ra đấy (những tội ác tôi chẳng dám nhắc ra ở đây), mà lại xảy ra một cách thản nhiên, người ta hại một đứa trẻ con, một phụ nữ, một người già... chỉ vì chút dục vọng, chút tiền có khi chỉ đáng giá vài chục ngàn đồng, mà không chỉ người ngoài mới thế, những người thân thiết nhất lắm khi lại đối xử với nhau quá quân thù.
Tôi có người bạn bây giờ... sợ khi phải ra ngoài đường, không phải bạn sợ khói bụi ô nhiễm, mà sợ lô cốt, sợ kẹt xe, sợ ngập nước, sợ đường xá ổ trâu, ổ voi (bởi thỉnh thoảng bạn lại bị trượt ngã khi lọt hố, khi lòng đường bị lô cốt chiếm phải leo lên lề mà đi... chân tay trầy trụa là chuyện bình thường). Bây giờ tệ hơn ổ voi và ngập nước là chuyện những... hố ga không có nắp đậy trên đường phố, và những... hố thẳm, hố thẳm theo đúng nghĩa đen của nó, chẳng phải là... hố thẳm tư tưởng của những triết gia Phạm Công Thiện hay Trần Đức Thảo..., những hố thẳm này bỗng nhiên xuất hiện giữa đường, nuốt chửng cả chiếc xe bảy chỗ ngồi, hay làm lật những chiếc xe container dài mấy chục thước, và những chiếc xe tải hàng mấy chục tấn. Không phải chỉ là chuyện đường xá, mà đều khắp, cột điện ngã đè, dây điện bỗng dưng đứt rớt xuống đường giật, hay... quấn vào cổ người đi đường, cây xanh bỗng nhiên ngã... Chưa kể gặp kẻ cướp giật, rải đinh...
Đấy là những chuyện do con người, bây giờ người ta gọi là "nhân tai", còn chuyện thiên tai nữa, đều khắp, rộng khắp, lũ lụt kinh hoàng đang xảy ra với bao nhiêu thiệt hại về tính mạng, tài sản... người dân xứ này (lại là đa số dân quê, những nơi vùng sâu, vùng xa, có cuộc sống vốn đã không sung túc) có làm gì nên tội mà sao trời lại hành như thế, cái "tần suất" lũ lụt cứ rút ngắn dần, ngày xưa mấy chục năm mới có một trận lũ lịch sử, bây giờ vài ba năm, thậm chí chỉ một hai năm lại thấy xuất hiện, hay tệ hơn "lũ chồng lũ", chưa được mấy ngày để hoàn hồn, thì trận lũ, trận bão khác đã xuất hiện, tàn phá nặng nề hơn...
Mà do đâu thời tiết lại biến đổi khắc nghiệt như thế? Đành rằng trái đất nóng lên, băng tan... nhưng lũ lụt mới phát giác ra rừng đã bị đốn trụi, đâu phải người ta lén đốn một vài cây, mà hàng trăm, hàng ngàn mẫu, một cuộc tàn sát cây rừng quy mô, không thương tiếc. Một tỉnh thôi mà có vài chục cái thủy điện lớn nhỏ trên vài con sông, chưa lo xong lũ, lại thêm nỗi lo vỡ đập, vỡ hồ chứa, năm ngoái để cứu đập khỏi vỡ hồ chứa phải xả nước khi đang lũ, thế là cả một ngôi làng mấy chục gia đình bị trôi tuột ra sông.
Người dân chưa kịp chống chọi với vật giá leo thang ngoài chợ, thì giá điện, nước, gas, xăng dầu... đã vùn vụt lao đi chóng mặt. Người trong xã hội đối xử với nhau tệ hại quá thế mà đi đâu cũng nhìn thấy những biển khu phố văn hóa, giáo dục, công cụ hàng đầu mong cứu vớt xã hội lại tuột dốc không phanh. Còn chuyện những mối nguy hiểm chết người đang đầy trên đường phố, chẳng thấy có nơi nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Không hiểu sao tên Tây, tên Mỹ khi xưa ở xa tít tắp đâu đó sang đây chẳng phải con dân nó, mà những cống rãnh, con đường, nhà cửa... nó lại làm tốt thế, chẳng bao giờ thấy đường mới làm xong đã lún, đã thủng lỗ, cầu chưa xây xong đã sập, nhà chưa ở đã nứt toang hoác. Không khó chút nào hết để thấy được trách nhiệm ở đâu, thuộc về ai? Vậy mà một lời xin lỗi hay thăm hỏi gia đình người bị tai nạn cũng không, khi tai nạn xảy ra, người ta còn lo tìm xem đứa nào đó để mà đổ tội...
Đọc báo ngày hôm nay thấy đưa tin một vị tướng có thẩm quyền lên tiếng, nói việc cứu hộ ở xứ ta chưa chuyên nghiệp. Đấy là một sự thực không lạ nhưng rất lạ. Không lạ ở chỗ thật là như thế, một đất nước gần một trăm triệu dân mà chỉ có vài ba chiếc máy bay trực thăng gọi là cứu hộ, nhưng máy bay đã cũ kỹ (chỉ hoạt động được trong bán kính 150km), thiết bị cứu hộ thiếu, phi công không chuyên. Tàu cứu hộ cũng thế, dăm ba chiếc với chiều dài bờ biển mấy ngàn ki lô mét, chiếc khá lắm hoạt động không tới gió cấp 6, thì mong chi cứu được người khi đang cơn bão. Trên bộ cũng không khá gì hơn, cháy nhà cao tầng (chỉ cao vài tầng lầu) thiệt hại nặng nề rồi mới thấy chẳng có đủ xe thang chuyên dụng, thậm chí những trang bị cấp thiết cho lính cứu hỏa như mặt nạ phòng khói độc, hay quần áo, mũ, nón chống lửa cũng thiếu...
Mới đây coi chuyện cứu 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu cả gần 700 mét dưới lòng đất mới thấy được cái chuyên nghiệp nơi xứ người. Cứu hộ chuyên nghiệp, người ta hạn chế được tối đa những thiệt hại, nhất là về người. Mấy chục thợ mỏ bị chôn vùi mấy tháng dưới lòng đất như thế mà người ta còn cứu được nguyên vẹn, ở mình chuyến xe mấy chục người trên mặt đất, tự nhiên dẫn xác đâm đầu vào chỗ chết, mà cái chết đã được nhìn thấy trước, thế mà vẫn cứ xảy ra... Và chuyện lạ là ở chỗ, với số dân như thế, bao nhiêu năm trời trôi qua như thế, một đất nước một năm trời có cả ngàn cái lễ hội ăn chơi, tiêu tiền... thế mà không có người có trách nhiệm nào cảm thấy phải bỏ tiền, bỏ công sức, bỏ suy nghĩ ra mà lo cho cái an toàn của con dân.
Trước đây tôi còn nhớ câu "Mùa đông luôn đến bất ngờ đối với nước Nga", để nói lên chuyện ở bên Nga (thời bao cấp) chẳng có chuyện gì được lo nghĩ tính toán trước, mùa đông khắc nghiệt ở nước Nga đã có cả bao nhiêu ngàn năm nay, thế mà mỗi khi mùa đông đến người dân luôn thiếu củi, thiếu khí đốt, thiếu quần áo ấm, thiếu cả thực phẩm... Vậy mà ở nước ta đến tận bây giờ vẫn thế, bão, lũ lụt đâu phải năm nay mới có, sao không thấy những nhà nghiên cứu, những người có thẩm quyền ngồi nghĩ ra được một giải pháp, một cách gì để hạn chế bớt những thiệt hại cho người dân, hay ít ra thì cũng có những cách cứu hộ, cứu nạn hữu hiệu khi tai họa xảy ra. Đọc báo mới biết chuyến xe bị tai nạn được vớt lên vừa rồi, là bởi một đơn vị không phải được phân công cứu hộ, mà do người có trách nhiệm ở đơn vị đó thấy việc cứu hộ ì ạch quá, mới "năn nỉ" xin cho được tình nguyện bỏ sức người sức của lăn vào làm, không hiểu rồi những người có trách nhiệm suy nghĩ ra sao bởi những chuyện như thế này...
Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010
Ở một góc đời.
1/ Cơn mưa ào xuống trong thành phố, mưa bất ngờ sau mấy ngày tạnh ráo, ánh đèn đường vàng vọt loáng những giọt mưa bay suốt một con đường vắng. Bạn bè ở xa quá, nửa vòng trái đất mấy năm mới gặp nhau một lần, gặp nhau mừng rỡ đấy, tay bắt mặt mừng, dăm đứa đầu xanh tuổi mười tám năm xưa bây giờ đầu đã điểm bạc. Bốn mươi năm chẵn rồi còn gì, cái thời hồn nhiên ôm đàn ngồi hát đêm lửa trại "hạnh phúc tôi từ những ngày con nước về..." tưởng đã xa lơ xa lắc, vậy mà nhắc lại chừng như mới vừa hôm qua...
2/ Ngôi nhà nguyện nhỏ, hay một góc sân chùa vắng, tiếng hát của những ma soeur dòng Notre Dame cao vút, buổi lễ rửa tội của những đứa trẻ mới sinh tràn ngập nụ cười, hay buổi tiễn đưa ngậm ngùi cuối cùng của người thân, tiếng organ ngân nga, thời gian trôi đi, chậm rãi... "ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại...", tiếng mõ và kinh cầu đều đều, một con dế cỏ thầm thì ở một góc sân...
3/ Có thể đấy chỉ là một giấc mơ, như những giấc mơ có thật và không có thật trong cuộc sống, một giấc mơ ở tuổi hai mươi, lãng đãng trên một sườn đồi sớm mai, với những giọt sương sớm và mây trôi bềnh bồng trên đầu, mây trôi thấp đến nỗi tưởng chừng có thể với tay bắt được. Có tuổi hai mươi trôi đi trong chiến tranh, với những lần chờ đợi ra đi nơi một góc phi trường quân sự. Có tuổi hai mươi trôi đi trong hòa bình, trên đường phố ngập ánh đèn màu, những tuổi hai mươi mang màu sắc khác nhau...
4/ Có thể ở đấy là một góc quán cà phê vắng, nơi ta và bạn đã ngồi một buổi chiều muộn, bất chợt nhìn mưa lất phất bay...
Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010
Câu chuyện thần kỳ.
10 giờ 38 phút sáng nay (14/10/2010) giờ Việt Nam, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã đậy nắp hố khoan giải cứu, sau khi toàn bộ 33 thợ mỏ và những chuyên viên được gởi xuống cứu hộ được đưa lên mặt đất. Cả đất nước Chile nhảy múa ăn mừng, cả thế giới thở phào nhẹ nhõm.
Thật không thể tưởng tượng được là công tác cứu hộ đã thành công mỹ mãn, dưới sự giúp sức của những chuyên viên cứu hộ giỏi nhất được gởi tới từ khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi đã hoàn thành, một "Mission impossible" (tên một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ) đã trở thành "Mission possible". Sáu mươi chín ngày đêm đằng đẵng dưới độ sâu hơn 600 mét, bằng cỡ chiều cao của tòa nhà 20 tầng, những thợ mỏ đã được cứu thoát... Rất nhiều năm sau nữa thế giới sẽ vẫn còn nhớ đến câu chuyện thần kỳ này.
Phép lạ đã xảy ra ở thế kỷ thứ 21, khi hàng ngày vẫn còn những cuộc đánh bom tự sát, vẫn còn những hằm hè tranh giành đất đai, quyền lợi, quyền lực... vẫn còn những tội ác về tôn giáo, chủng tộc... 33 người thợ mỏ được cứu thoát, dưới sự quan tâm của toàn thế giới, ít nhất cũng nói lên được một điều, nhân loại cũng vẫn còn lương tri...
"Làm người, chính là có trách nhiệm với cả những việc không do mình mà ra", câu nói của nhà văn Pháp Saint Exupery cách nay hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị...
Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010
TA và NGƯỜI.
Những tấm hình bên trên là của báo TT hôm nay (12/10/2010), nói về những tai nạn, và nỗi hiểm nguy khi lưu thông trên dường phố tại TP HCM.
Tấm hình cuối cùng cũng của báo TT nói về những người thợ mỏ kẹt dưới hầm sâu ở Chile sắp được giải cứu.
Tôi xin nói ngay TA ở đây là xứ mình, cũng có thể là Tôi và Bạn, những người dân đang sinh sống nơi đất Saigon này, và NGƯỜI là những Người khác, ở đâu đó xứ khác, có thể tận Nam Mỹ, nơi xứ Chile xa xôi.
Hôm nay gần như các báo ở Saigon đều đưa tin những mối nguy hiểm đang chực chờ người dân hàng ngày phải lưu thông trên đường phố, hàng loạt những tai nạn đã và đang xảy ra trên khắp các quận, huyện do thi công công trình giao thông tắc trách gây ra. Xe ô tô đang bon bon thì đột nhiên đường xá dưới bánh xe sụm bà chè đâu mất, chiếc xe lọt xuống một cái hố giữa đường, cứ như thể vừa có một trận động đất 7 phẩy 8 độ rích tơ tràn qua. Nắp cống lề đường thì lòi xuống lòng đường, hoặc nắp cống dưới lòng đường thì đột nhiên nổi lên cao cả tấc, hay u lên lùm lùm như cái... mả ở dưới quê. Những mương cống lộ thiên hay hố ga không có nắp đậy... trời mưa đường xá ngập mênh mông nhưng dây điện lòng thòng... Lô cốt đi qua, ổ voi, ổ trâu... khắp nơi nơi (nơi nào "chỉ có" ổ gà, ổ lợn thì nên cám ơn... Thượng đế), chưa kể nhánh cây hay cây tự nhiên ngã đổ đè lên người hay xe cộ... Đã có nhiều người chết hoặc mang thương tật nặng nề, hay ít nhất cũng gãy tay gãy chân, bươu đầu sứt trán, xe cộ hư hỏng... vì những tai nạn trời ơi như thế. Thật sự đấy là những nỗi bất an của người dân khi phải đi ra ngoài đường...
Tai nạn luôn rình rập thì quả là đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn là câu hỏi không biết là lần thứ bao nhiêu mà tờ báo TT hôm nay nhắc lại: "Ai chịu trách nhiệm?". Vâng, ai chịu trách nhiệm với những tai nạn như thế? Thật dễ dàng khi người dân luôn nhận được những câu trả lời đại loại như kiểu, "tại sét đánh đứt dây điện", "tại nước ngập làm mát điện", "tại dòng chảy của nước ngầm làm xói mòn lớp đất bên dưới nền đường...", "tại triều cường", "tại đường bị lún...", 'trách nhiệm' lắm thì "tại đơn vị thi công chỉ mới làm để đi tạm, ai dè xảy ra sự cố...". Hoặc tệ hơn nữa là sự im lặng đáng sợ, chẳng thấy cơ quan nào lên tiếng nhận trách nhiệm, kể cả cơ quan quản lý về đường xá, cứ như là Saigon đang ở thời 300 năm về trước, một nơi đang tồn tại giữa rừng già...
Người ta nói, đấy là lỗ thủng của trách nhiệm, có người còn ví von hơn "lỗ thủng của lương tâm"... Tai nạn xảy ra một lần, hai lần, hoặc quá lắm là ba lần... như ông bà ta hay nói "quá tam ba bận", thì thôi nói như vậy cũng vừa, cũng đáng. Nhưng đàng này tai nạn cứ lập đi lập lại, năm này qua tháng khác, không chừa bất cứ một ai, người lớn, người già, con nít... Mà chẳng thấy một người có trách nhiệm nào lên tiếng, nói chi là từ chức, để cho người dân còn cảm thấy chút an tâm...
Đấy là ở TA, thế còn ở NGƯỜI. Cũng trên tờ báo TT hôm nay có đăng tin về vụ giải cứu 33 thợ mỏ mắc kẹt dưới hầm lò ở Chile đã hơn 2 tháng qua. Những ai có trách nhiệm về tai nạn thì đã bị xử lý đích đáng, còn lại là cả nước Chile, và cả thế giới đang hướng về những người thợ mỏ này. Tất cả những phương tiện hiện đại nhất của Mỹ, Đức, Anh... những chuyên gia về y tế, tâm lý... kể cả chuyên gia của Nasa, cơ quan vũ trụ của Mỹ đều có mặt để tìm cách trấn an, giải cứu cho những người thợ mỏ này, và người ta cũng hy vọng chỉ trong một vài ngày nữa là có thể đưa được họ lên mặt đất. Tinh thần của những người thợ mỏ có vẻ đã được giữ vững, và trời ạ, những người thợ mỏ đã nhường nhau, ai cũng muốn mình là người được cứu cuối cùng. Thật là khó tin, khi NGƯỜI là như thế, trong khi ở TA những chuyện rất nhỏ thôi, chẳng hạn vào đổ xăng, gởi xe, mua bán trong cửa hàng... người ta luôn luôn chen lấn lên trước dù đến sau, dẫu là chỉ để nhanh hơn một vài phút, thậm chí vài giây...
Mong cho những người xấu số ở TA được yên nghỉ.
Mong cho những thợ mỏ ở NGƯỜI được cứu thoát.
Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010
Bùn đỏ.
Lấy mẫu bùn để xét nghiệm (ảnh Reuters).
Trong tuần qua (5/10/2010) vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ, phế phẩm từ việc sản xuất alumina cho công nghiệp luyện nhôm ở nhà máy Ajka Timfoldgyar cách thủ đô Budapes của Hungary 160km, đã gây rúng động cả châu Âu. Tai nạn này đã làm nhiều nhà cửa, làng mạc, thị trấn chìm trong lớp bùn đỏ chết người, và đã có nhiều người chết, bị thương, mất tích... vì lớp bùn đỏ độc hại (hơn 1 triệu m3 tràn ra môi trường). Chính phủ Hungary coi đây là tai họa (từ con người) thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia. Không chỉ liên quan đến nước Hungary, dòng chảy của bùn đỏ độc hại này đang chảy vào 2 con sông Raab và Danube, sông Danube chảy qua nhiều nước ở châu Âu, là con sông thơ mộng với bản nhạc Le beau Danube bleu, không khéo Danube bleu trở thành Danube... rouge thì khổ. Không chỉ lo ngại vì bùn, các nhà khoa học còn lo sợ, thời tiết hanh khô bùn sẽ biến thành bụi đỏ theo gió phát tán chất độc đi xa và nhanh hơn...
Lời cảnh báo cho đại công trường khai thác bauxite ở Tây nguyên nước ta. Công nghệ khai thác, thi công ở VN thường lạc hậu, nhà thầu gian dối, chủ đầu tư vô trách nhiệm, công nhân cẩu thả... đã là những nguyên nhân gây sập cầu, sập nhà, đường chưa đi đã lún sụp. Tây nguyên là nóc nhà của miền duyên hải phía Nam, trong đó có cả thành phố Saigon. Thật sự là nỗi lo không chỉ cho Tây nguyên...
Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010
Tế lễ nam.
Những tấm hình bên trên tôi chụp trong buổi tế nam ở đền Đức thánh Trần Saigon, vào ngày 20 tháng 8 âm lịch vừa qua, nhằm ngày mất của ngài. Trong những buổi lễ ở đền không bao giờ thiếu tế lễ nam và nữ, nội dung buổi tế là để ca ngợi công đức của tiền nhân đã có công với đất nước.
Trong buổi tế thường có thiện nam tín nữ đến dâng lễ. Nhìn cách dâng lễ cũng thấy hay hay, người có vẻ "cũ xưa, nhà quê" thường đội mâm lễ trên đầu, còn người "văn minh, thành thị" thì bưng mâm lễ trên tay. Âu cũng là những nét riêng của từng thời...
Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010
Trò chơi con nít.
Ở entry trước tôi chỉ mới nói sơ qua trò đá dế với đá cá lia thia hồi năm mươi năm về trước, lúc tôi chỉ là chú nhóc tì thò lò mũi xanh, hôm nay rảnh, ngồi nhớ lại thuở... vàng son thần tiên ấy, kể ra đây tếu táo chơi cùng các bạn, cho qua ngày tháng...
Trò đá dế: cái trò đá dế bây giờ chắc chẳng còn mấy đứa trẻ chơi nữa, nhất là ở thành phố (mà đâu đâu cũng "lên" thành phố mất rồi). Xưa đám con nít ranh (con trai, con gái không chơi trò... bạo lực này) chắc chắn đứa nào cũng biết chơi đá dế, nhà văn Tô Hoài gọi con dế đá này là Dế mèn trong chuyện Dế mèn phiêu lưu ký. Muốn đá dế trước hết phải có... dế, hì hì, hẳn nhiên là phải thế rồi. Dế thì có 2 cách để có, mua và đi bắt, xưa có những người đi bán dế đá, họ có những cái lồng to đan bằng tre hình dáng tựa như cái giỏ cá bây giờ, bên trong có lót cỏ chứa đầy những chú dế đá, thường họ đạp xe đạp đến, chọn ngồi ở một góc chợ, góc phố, hay trước cổng trường tiểu học, cùng dăm bẩy gánh quà bánh khác, từ xa nghe tiếng những chú dế gáy vang là biết ngay có ông bán dế gần đó. Cái giỏ này đan bằng tre kín mít không nhìn thấy được những chú dế đá bên trong, muốn xem thì phải dở cái nắp đậy bên trên ra ghé mắt nhìn vào. Sau này những người bán dế đóng cái khung gỗ, có căng lưới mắt cáo lỗ nhỏ để dế không lọt ra được, trẻ con nhìn là thấy ngay những chú dế qua cái lưới. Những người bán dế là dân quê đâu đó miệt Hóc Môn Bà Điểm, hay Long An, có khi họ bán cả những chú bọ dừa, cánh cam, cánh quýt rất đẹp bay vù vù.
Thời ấy tụi con nít ít khi phải bỏ tiền ra mua dế, dù chỉ vài hào một con, bởi đi bắt dế sướng hơn. Dế là loài côn trùng nên rất mê ánh sáng, vào mùa mưa cứ buổi tối lên đèn là chùng bay sà vào ánh điện, có thể là ánh đèn đường, hay ánh đèn nhà, trẻ con cứ theo dõi mà bắt. Nhưng không phải dế bắt được con nào cũng là dế đá, bắt 10 con thì may ra chỉ có 1 con là dế đá (dế trống), còn lại là dế chó, dế trũi, hoặc dế mái không đá được, những loại này thường được gom cho gà ăn, đây là món ăn khoái khẩu của đám gà nuôi ở sân nhà. Mà con dế đá bắt được cũng còn tùy, con dế nào to to một chút, thân mình gọn gàng, râu, càng đầy đủ thường đá rất ác chiến, nhưng cũng có con nhỏ nhưng chịu đá, lì đòn, trẻ gọi là dế ốc tiêu... Cách bắt dế này thì chỉ vào buổi tối khi đã lên đèn.
Có cách bắt dế khác vào ban ngày là đi tìm chỗ trú ẩn của chúng, thường là trong những vạt cỏ, hốc đá, hốc cây, bọn trẻ con cứ nghe theo tiếng gáy của chúng mà lần tìm, dế đá cũng đào hang để trú ẩn, hang của chúng rộng khoảng đút vừa ngón tay, tìm được hang của chúng có 2 cách bắt là đổ nước cho chúng ngộp phải chui lên, hoặc có cái bay, con dao để đào, dế đá nhỏ nên không đào hang sâu và chúng xuất hiện vào mùa mưa nên đất mềm, cũng dễ đào bắt.
Con dế bắt được thường đám trẻ nuôi trong một cái hộp, lý tưởng là chiếc hộp thiếc đựng bánh quy xin được của người lớn, bởi hộp tương đối rộng rãi, trong lót cỏ, thức ăn của chúng là cỏ non, cũng có thể là cọng giá hay lá rau xà lách, cũng có thể là đựng chúng trong hộp nhựa hay hộp giấy, nhưng hộp giấy hay có nguy cơ là bị chúng gặm thủng lỗ trốn mất, nhưng hộp gì thì hộp, phải nhớ đục một ít lỗ thủng trên nắp để có không khí cho chúng thở, và cũng phải coi chừng lũ kiến lửa hay mò vào hộp đựng "thui" chết mất chú dế cưng.
Cuối cùng là cách đá dế của lũ nhóc tì. Thường tụi nhóc chúng tôi lựa 2 chú dế tương đối đồng đều, vài ba đứa trẻ con lấm lem đầu tóc khét nắng, ngồi bệt dưới đất với những hộp đựng dế, nơi đá dế thường là một bờ tường, hay trong một chiếc hộp nhỏ. Trước khi đá thường phải quay cho con dế bị say và hăng máu lên chúng mới chịu đá, có 3 cách quay, thứ nhất nắm râu mép (2 cái râu ngắn ở mép của chúng chứ không phải là râu dài trên đầu), xong giơ lên thổi nhè nhẹ, thế là chúng giương cánh lên bay, chúng bay như thế khoảng 5, 10 giây là đặt chúng xuống nơi cho đá. Thứ hai là lấy cây tăm chọc vào khe hở nơi "gáy" của chúng rồi cũng giơ lên thổi. Thứ ba là kiếm sợi tóc hơi dài, có khi phải đi xin bọn con gái, chập sợi tóc làm đôi máng vào chiếc càng của chúng để thổi. Muốn biết chúng chịu đá hay chưa thì bọn trẻ con có một dụng cụ gọi là "đồ ráy dế", có khi là một cục nhựa đường màu đen gắn thêm 2 cọng tóc làm râu đính ở đầu cây chân nhang hay cây tăm để giả làm cái đầu dế, hoặc lấy một cái đầu dế chết gắn vào cây tăm (có đứa bứt ngay cái đầu con dế mái còn sống), dứ dứ cây tăm gắn cục nhựa đường hay đầu dế trước mặt con dế đã say, hễ chú dế giương càng lên xông vào cắn là đã chịu đá.
Khi 2 chú dế được thả vào hộp, hay đi ngược chiều đụng nhau nơi một bờ tường là chúng há miệng giương đôi hàm sắc khỏe xông vào nhau vừa húc vừa cắn túi bụi, chúng cắn nhau chứ không phải đá như tên gọi đá dế, có khi vừa cắn chúng vừa dương cánh gáy vang, cho đến khi một con yếu thế bỏ chạy, cuộc chiến của chúng thường ngắn ngủi, nhiều lắm là mươi, mười lăm giây đồng hồ. Tụi trẻ con chúng tôi thời đó hoàn toàn bắt dế, đá dế để vui chơi, cùng lắm là đứa thua bị nhéo mũi, búng tai, cú đầu gối..., hoặc đứa nào máu me lắm có ăn thua chút đỉnh, nhưng không phải ăn tiền, mà là ăn chính con dế bị thua, nghĩa là đứa thua phải đưa con dế thua cho đứa thắng, trẻ con gọi là đá bắt xác... Con dế nào mà đá ác chiến thắng nhiều trận, có khi chủ nhân của chúng khoác lác thổi phồng là dế bắt ở hang rắn...
Ấy là chuyện bắt dế, đá dế, một trò chơi rất thú vị khi tôi còn là một chú nhóc tì... Đáng tiếc là bây giờ tôi không sao tìm được cảnh mấy chú nhóc tì đá dế để chụp minh họa một vài tấm ảnh...
Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010
Đá dế, đá cá lia thia.
Cá lia thia màu xanh được gọi là cá Xiêm.
Loại cá lia thia màu hồng đỏ có vây rất đẹp là cá Phướn.
Nhân nói về chuyện con nít học hành bây giờ khổ sở quá, tôi lại muốn bắt qua chuyện cái chơi của con nít thời xưa cách nay nửa thế kỷ, chẳng ở đâu xa mà ngay tại xứ Sè Gòong hoa lệ này, cái thuở tôi còn để chỏm suốt ngày lê la chòm xóm, cùng với một lũ đồng trang lứa chơi đùa đủ mọi thứ trò chơi.
Năm mươi năm về trước tụi nhóc tì như tôi chỉ có những trò chơi dân gian để mà chơi đùa. Tụi con trai chơi với nhau bày ra những trò chơi hoạt động, thường là bắn bi, đánh đáo, đánh cù (trong Nam gọi là chơi bông vụ), chơi u, chơi trốn tìm, đánh khăng... và tùy theo mùa mà chơi đá dế, đá cá lia thia... (thường vào dịp hè).
Trong cái vụ chơi đùa trẻ ranh này thì tụi con nít có lẽ thích nhất là đá dế, đá cá lia thia... Thuở tôi là nhóc tì thì mùa hè tha hồ mà chơi đùa. Dế đá thì chẳng phải đi mua, mà là đi bắt. Mà ngày ấy đâu đâu cũng có ao hồ đồng cỏ, đến mùa mưa là buổi tối dế theo ánh đèn bay đầy vào nhà, đủ mọi loại, dế chó (to bằng dế đá, tức là bằng khoảng ngón tay nhưng không đá đuợc, chỉ có nước bắt cho gà ăn), dế trũi (con này nhà văn Tô Hoài có nhắc đến trong Dế mèn phiêu lưu ký, có 2 cái càng to gần đầu, cũng không đá được, bị con nít tóm là chung số phận như dế chó), dế cơm, a con dế cơm này ngày xưa to ác chiến chứ không giống như con dế cơm chiên dòn bây giờ, nó to gấp năm lần những con dế thường, với đôi càng gai nhọn lởm chởm, con nít ít đụng tới loài này vì bắt nắm trong tay mà bị chúng búng càng trúng thì bật máu, loài này to xác nhưng cũng chẳng đá đấm gì, con nít chê.
Mới đây tôi đọc trong một tạp chí bài viết của một nhà văn về chú dế cơm này, nhà văn nói con dế cơm có đôi mắt láo liên, chúng không tấn công bằng đôi hàm mà tấn công loài khác bằng đôi càng. Thật là buồn cười, chẳng biết nhà văn có thật biết con dế cơm không mà tả như thế. Thứ nhất vụ mắt láo liên, loài côn trùng như dế mắt chỉ có độc một màu, chẳng có tròng mắt như các loài động vật để mà láo liên. Thứ nhì là vụ tấn công bằng càng, càng của chúng đáng sợ thật, nhưng chỉ khi chúng bị người bắt nắm trong tay càng mới búng lung tung, lỡ trúng mới đau thôi, chứ thực sự chúng không có ý thức tấn công hay tự vệ bằng càng.
Loại dế đá là chú dế than đen trùi trũi như cục than, hoặc chú dế lửa có màu vàng đỏ như ánh lửa, cũng có con lai giữa dế than và dế lửa màu ít đỏ hơn, loại này chỉ có con trống mới đá, con trống trên cánh có gân và điểm thêm 2 chấm màu vàng ở đầu cánh, chà, trẻ con mà tóm được chú dế trống ác chiến đá đâu thắng đó là phải biết, phải kiếm cái hộp thiếc lót cỏ non cho chúng ở, thức ăn phải vào bếp lén lấy của mẹ mấy cọng giá sống, lá rau xà lách tươi... Con dế đá cũng hấp dẫn hơn hẳn các loài dế khác ở tiếng gáy, tiếng gáy của chúng nghe vang rền trong đêm khuya...
À, một trò chơi khác của con nít thời tôi là đá cá lia thia. Trò này thì có tốn kém, bởi cá lia thia không đi bắt được mà phải mua. Cá lia thia thường có 2 loại, một loại là cá Xiêm, màu xanh tuyền, đuôi, vây ngắn, loại này thường đá rất chiến, chịu đòn lì, có khi 2 con xáp vào nhau phùng mang trợn mỏ, lừa thế đớp nhau túi bụi, đến khi đuôi, vây rách bươm te tua cũng chưa chịu thôi. Loại thứ hai là cá Phướn, có 2 màu là màu xanh biếc và màu đỏ. Cá Phướn có đuôi, vây đúng như tên gọi, dài lướt thướt rất đẹp, nhưng loài này đá không dai bằng cá Xiêm, có lẽ bởi chúng có bộ đuôi và vây dài quá, khó xoay sở khi lâm trận.
Cá lia thia không nuôi trong bồn như cá vàng hay những loài cá kiểng khác, mà trong một keo thủy tinh nhỏ, hơi cao, một keo nuôi một con, thức ăn của chúng là lăng quăng, mà nuôi phải đậy khéo không chúng nhảy ra hoặc bị thằn lằn (thạch sùng) câu mất.
Dế và cá chỉ có con trống mới đá, con mái trẻ con chê. Tuổi nhỏ ngày xưa kể cũng sướng thật...
Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010
Vui học.
Phàm trong cuộc sống, thường phải vui thì mới làm nên chuyện, đi chơi mà cũng cần phải vui nữa chứ nói chi làm những việc khác, nhất là đi học, mà lại là cái bước học đầu đời, vào lớp một của con trẻ.
Bấy lâu nay nghe dư luận xã hội than phiền mãi về chương trình học lớp một của trẻ con, nào là sai sót, quá tải, nặng nề... chẳng hiểu ra sao? Nay nghe nói nhóm Cánh buồm cho ra mắt bộ sách giáo khoa Chào lớp một do nhà giáo Phạm Toàn chủ biên, lấy sự học làm vui, nghĩa là học mà chơi, chơi mà học, trả lại sự hồn nhiên cho trẻ con, nghe nói chương trình học nhẹ nhàng, dạy cho trẻ lễ phép, vâng lời, nhưng cũng dạy cho trẻ cách tư duy, nghĩa là bước đầu học cách suy nghĩ độc lập... Tôi cũng chưa được biết bộ sách viết ra sao, nhưng nếu thật sự được như thế thì hay quá. Tôi có đứa em gái dạy tiểu học ở bên Úc. Một hôm cô cho học trò làm một bài văn theo sách học, các em tả một con vật em yêu thích. Con vật em yêu thích thôi, không phân biệt thú nuôi hay hoang dã, trong nhà em hay của nhà hàng xóm, hoặc bay nhảy ngoài trời... Các em được hướng dẫn lấy tài liệu trên Internet, kết quả cô em nói, mấy chục đứa học trò trong lớp là mấy chục bài văn sinh động, có đứa thích chó, mèo, thỏ, gấu trúc, kaola, chim két, cả cá sấu, kangooroo... Không như tôi nhớ con tôi hồi học tiểu học, cô ra đề văn tả con mèo nhà em, tụi nhóc học ra rả thuộc lòng bài văn mẫu, và kết quả là mấy chục đứa trong lớp, đứa nào cũng có một con mèo tam thể hồi nghỉ hè về quê được chú cho...
Lớp một đầu đời là quan trọng, làm sao cho trẻ đi học thấy vui, không phải mang cặp sách đến gẫy xương vai như báo đưa tin mấy ngày nay, trẻ không phải chạy sô đến nhà cô sau khi cả một ngày đánh vật với con chữ ở trường, để cha mẹ bớt khổ khoản đóng góp, đưa đón... Và lớp một coi thế mà quan trọng lắm, nó góp phần rất lớn trong việc định hình tính cách, nhân cách của đứa trẻ sau này. Xã hội bây giờ của chúng ta tan nát quá, về đủ mọi mặt. Phải chăng vì đã có bao nhiêu thế hệ được học hành ở những lớp một sai lầm...?