PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Cứu nạn.

Photobucket

 Photobucket

Hình ảnh tìm kiếm và trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi tại Hà Tĩnh (ảnh chụp từ báo TT Chủ nhật 22/10/2010).



Cứu nạn! nghe những từ này cứ như là chuyện "Cứu khổ, cứu nạn" trong kinh sách nhà Phật, nhưng nhìn hình của báo TT chủ nhật ngày hôm nay thì các bạn biết ngay là chuyện tìm kiếm và trục vớt chiếc xe ở Hà Tĩnh, cùng những người xấu số đã bị lũ cuốn trôi trong mấy ngày qua. Cuối cùng thì chiếc xe và phần lớn người bị nạn đã được những người cứu hộ tình nguyện tìm thấy, sau những nỗ lực quả cảm, rất đáng khen nhưng đầy nguy hiểm.

Qua báo chí, cùng những hình ảnh thì câu chuyện trên đã nói lên điều gì?

Trước hết là cái ý thức trách nhiệm của người dân (người lái xe, người ngồi trên xe khách) là quá kém, đường đi đã ngập trong lũ, đã bị lực lượng chức năng ngăn chặn nhưng họ vẫn cố vượt qua, chẳng đếm xỉa gì đến tính mạng của chính bản thân và người khác. Sau là trách nhiệm của những người giữ nhiệm vụ ngăn chặn, đã biết đường xá nguy hiểm thế mà còn để cho chiếc xe vượt qua, một chiếc xe khách chứ đâu phải chiếc xe đạp mà lén trốn được, hình như ở xã hội ta, cái dễ dãi, cẩu thả, thiếu hiểu biết đã dẫn đến biết bao điều đau lòng...

Tiếp đến là nghĩa tình của con người với con người. Quả thật phải cảm phục những người tình nguyện cứu hộ, đấy là những con người có tấm lòng. Chẳng ai buộc họ phải bỏ tiền của, công sức, và cả tính mạng lăn xả vào dòng nước dữ để tìm kiếm chiếc xe và những người bị nạn. Họ ngụp lặn trong dòng nước dữ sâu đến 15 mét, bằng tòa nhà bốn, năm tầng để tìm kiếm, buộc cáp, và trục vớt chiếc xe xấu số. May mắn là họ đã thành công mà không bị thêm một tổn thất nhân mạng nào.

Vâng thật là may mắn, khi nhìn thấy những thợ lặn tình nguyện đầu trần chân đất, chỉ độc chiếc quần cộc, miệng ngậm vòi hơi ngâm mình dưới nước lũ, có lẽ đó là những ngư dân đã quen với kiểu lặn mưu sinh như thế trong cuộc sống. Không đồ lặn, không bình hơi, không cả kính lặn... Nhìn hình họ lặn xuống dòng nước lũ mà phát hãi, cái an toàn đơn giản nhất cho những thợ lặn này là sợi dây cột ngang lưng họ nối với thuyền cứu hộ, để họ không bị dòng nước dữ cuốn trôi, hoặc có chuyện gì dưới nước còn kéo họ được lên thuyền, thế mà cũng không có. Những người ứng cứu trên bờ thông tin với nhau bằng cử chỉ chân tay, không microphone, không bộ đàm, họ dùng sào tre để chống cho chiếc xe khách khỏi va vào sà lan cứu hộ khi chiếc xe được vớt lên mặt nước.

Trước đó thì những người cứu nạn "chỉ định" đã không làm được điều gì. Lực lượng cứu hộ hàng mấy trăm người có cả máy rà mìn của quân đội (máy rà kim loại), và cả những nhà ngoại cảm cũng vào cuộc nhưng đã thất bại. Trời ạ, cả những nhà ngoại cảm cũng được cầu viện, làm sao có thể tin được những nhà ngoại cảm, đấy thật sự là những con người không bình thường, hoang tưởng, cái vụ lùm xùm "đuổi mưa đại lễ ngàn năm" còn đó, thầy "phán" cái kiểu áng chừng chiếc xe bị trôi cách nơi bị nạn "khoảng tám trăm đến một ngàn mét về phía hạ lưu con sông và đang ở dưới... nước" thì ai mà chẳng nói được, nói lên điều này là để thấy rằng những người có thẩm quyền tổ chức cứu hộ đầu óc không hơn gì mấy chị phụ nữ mê... xem bói.

Thông tin trên báo nói thêm là những người được chỉ định cứu nạn, sau khi chiếc xe cùng những người xấu số lên được trên bờ, còn cố vớt vát, đại khái là chẳng phải chúng tôi dở, chúng tôi còn những phương tiện tối tân khác để tìm kiếm, chẳng hạn như tàu quân sự có ra đa chuyên dò tìm ngoài biển... phương tiện này chưa dùng tới bởi phải thử những cách đơn giản trước đã... Bài báo cũng nói đến ca nô cao tốc và xe lội nước cũng có đấy, nhưng khi đưa vào sử dụng lại không phù hợp với địa hình, những chiếc thuyền lá mỏng mảnh của ngư dân tỏ ra hữu hiệu hơn hẳn...

Qua câu chuyện thương tâm này, có ai rút ra được bài học nào không? Hay rồi mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn như cũ...

11 nhận xét:

  1. Điều đọng lại ở những người cứu nạn này , chính là tình người.Hệt như vụ thợ mỏ Chile...tất cả đều có tình người và nhờ vậy, mới thấy cuộc sống còn ấm áp và còn có ý nghĩa .

    Trả lờiXóa
  2. @ngocthuan1812, những người cứu hộ này thật đáng cảm phục, nhưng trong xã hội không nên, và không thể để những chuyện như thế này tồn tại. Để cứu những thợ mỏ ở Chile phải cần đến những người tình nguyện, nhưng là những người thật sự chuyên nghiệp, từ thiết bị đến con người. Chuyện như thế này chắc chỉ có ở xứ ta, những hiệp sỹ tự phát bắt cướp trên đường phố, rồi bây giờ đến hiệp sỹ sông nước. Nhìn cái hình trên báo "lực lượng chống rải đinh" gồm những cái xe tự chế đi hút đinh trên đường mà ngao ngán, thế mà người ta "ra quân" rầm rộ, chính quyền ở đâu, những người có trách nhiệm về an toàn trị an ở đâu mà lại để cho những chuyện này trở thành bình thường, chẳng lẽ đây là chuyện "xã hội hóa", đất nước ơi là đất nước!

    Trả lờiXóa
  3. Đó là lý do T muốn nói đến tình người .Giá như những người có trách nhiệm , coi sinh mệnh công dân là hàng đầu và giá như họ cũng thật sự có tình người thì chuyện lạ lùng này không thể xảy ra.

    Trả lờiXóa
  4. em thay chuyen nay nam nao cung xay ra va cu the ma sinh mang cua con nguoi bi xem nhe nhu bong gon hehehhe

    Trả lờiXóa
  5. Nếu mọi người được học tốt về kỹ năng sống, biết cách thoát hiểm trong những tình huống nguy cấp thì sẽ đỡ tổn thất nhiều! Mà chữ "nếu" ấy có bao giờ có thực đâu ạ!

    Trả lờiXóa
  6. @phuongvu, trước hết phải chúc mừng lâu lắm mới thấy, sinh mạng dân Việt nhẹ tựa bông gòn thiệt, :(((

    Trả lờiXóa
  7. @nguyenthuthuy1401, ừ nhỉ? "nếu mọi người được học tốt về kỹ năng sống...". Tôi đọc được một bài viết ngắn trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay, đại khái một chị đón con ở trường, đứa bé gái hỏi mẹ " viễn vông" là gì? gặng hỏi thì con gái đưa ra bài tập làm văn với đề "Em hãy viết thư cho người thân nói về ước mơ của em". Bài làm của cô bé là viết bức thư cho ông nội mơ sau này trở thành nhà khoa học, để chế tạo ra con rô bốt biết gãi lưng, lúc nào cũng ở bên cạnh gãi lưng khi ông nội cần. Kết quả cô cho 5,5 điểm với lời phê "viễn vông". TT thấy không, giáo dục như thế này thì còn nước non gì nữa, có lẽ "đáp án" của bài văn mẫu học trò cần học thuộc lòng là, em ước mơ sau này giúp nước giúp đời, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, như... Lê Văn Tám.
    Trẻ con "được" học những gì cao siêu, mà quên đi cái kỹ năng sống đơn giản. Cuối cùng là xã hội nó ra thế :---(((

    Trả lờiXóa
  8. Bài nay rat buon cho dat nuoc ta càng ngày càng thut lui sao ?
    toi khong co o tai que huong , nen xin mien bàn ......cung dang tiec that !

    Trả lờiXóa
  9. @phungchau, chị ở bên Tây lâu lâu biểu tình không có xăng hay tàu điện chạy là đã muốn nổi đóa, bên Ta thì những chuyện xã hội như thế này muốn... điên đầu. Bịt mắt bưng tai, lại thấy giống cái gã tửng tửng ngoài đầu hẻm suốt ngày ngắm mặt trời cười cười, hà hà! Trách sao co nang Thuy cứ lên "tăng xông" nhức đầu thường xuyên!

    Trả lờiXóa
  10. Người ta nói ra rả chính quyền của ta do dân vì dân nhưng thực ra dân được cái gì? Nhà nước trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh miền trung đã có dự án gì cho công việc phòng chống bão lụt và công tác cứu hộ cứu nạn. Khoản tiền bốc hơi vinasin cùng với vài tỷ đô trong đại lễ có thể làm được một bản đồ lũ lụt cho vài tỉnh miền trung. Bản đồ thể hiện cho từng vùng, mưa mấy li thì vùng nào ngập lên đến đâu, bao nhiêu nhà ngập, bao nhiêu ruộng vườn bị tàn phá. Máy bay trực thăng đến thì đỗ vào đâu, núi tự nhiên hay đồi nhân tạo, ca nô có mấy chiếc, lúc động sự thì ai lái và cặp vào bến nào.... Ngoài cáí bản đồ ấy còn phải chuyên nghiệp hóa một đội quân cứu nạm cứu hộ như bên Thái hay bên Chi Lê. Qua vụ đổ xe ở Hà Tĩnh mới thấy cái gì ở ta cũng manh mún, tùy tiện, gặp đâu hay đấy...dân chết cứ việc chết, các quan nói vì dân thì cứ ra rả như vẹt. Không rõ cái Quốc hội đang họp có bàn đễn những việc bạn PNH đề cập đến không? Và cái đại hội đảng thứ 11 sắp tới dân có nhớ cậy được gì không?

    Trả lờiXóa
  11. @bulukhin, qua rất nhiều việc ở đất nước mình thì tôi thấy điều này bác Bu à, người mình rất khôn lanh trong việc mưu lợi cho bản thân (khôn lỏi), mà ít chịu suy nghĩ đến những gì có lợi cho xã hội. Có thể là cái cách giáo dục (toàn diện, từ nhà ra phố chứ không phải riêng ở học đường), đã tạo cho con người điều ấy, sự ù lì, thụ động, sống chết mặc bay... Tôi không thể tưởng tượng được ở những cấp rất cao trong nhà nước mà người ta ăn nói, xử sự như một người ít học, không hiểu biết gì. Tôi có cảm tưởng như đất nước này được điều hành bởi những trưởng thôn của thời phong kiến.
    "Cai trị là tiên liệu", câu đầu tiên tôi được học khi bước chân vào đời. Người có trách nhiệm phải có cái đầu, phải biết dự đoán trước được mọi việc, phải biết tổ chức, điều hành xã hội... xã hội bây giờ thật sự đang rối... :--(((

    Trả lờiXóa