PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Xã hội an toàn.



Thật sự là chưa bao giờ người dân cảm thấy mất an toàn trong cuộc sống như bây giờ, mất an toàn toàn diện, từ chuyện miếng cơm manh áo, cho đến chuyện phải bước ra ngoài đường mỗi ngày. Rõ ràng mâm cơm của đại đa số người dân đang... teo tóp lại, vật giá leo thang vùn vụt, buổi sáng cuối tuần theo bà xã đi siêu thị hay ra chợ xách giỏ thì biết. Ai đời con cá kèo ngày xưa là loại cá chỉ có nhà nghèo mới đụng tới (còn câu thành ngữ "hạng cá kèo" để chỉ dân đi xem hát bội, cải lương mua vé hạng bét), mà bây giờ giá cao ngất trời. Cách nay ít lâu, không nhớ rõ là hai, hay ba năm, mỗi lần ghé siêu thị ra thanh toán hóa đơn khoảng ba, bốn trăm ngàn, bây giờ cũng bằng ngần ấy phải mất bảy, tám trăm ngàn. Thật là... phi mã.

Chưa bao giờ con người trong xã hội lại đối xử với nhau kinh khủng như thế. Những tội ác không sao tưởng tượng ra được lại xuất hiện đầy ra đấy (những tội ác tôi chẳng dám nhắc ra ở đây), mà lại xảy ra một cách thản nhiên, người ta hại một đứa trẻ con, một phụ nữ, một người già... chỉ vì chút dục vọng, chút tiền có khi chỉ đáng giá vài chục ngàn đồng, mà không chỉ người ngoài mới thế, những người thân thiết nhất lắm khi lại đối xử với nhau quá quân thù.

Tôi có người bạn bây giờ... sợ khi phải ra ngoài đường, không phải bạn sợ khói bụi ô nhiễm, mà sợ lô cốt, sợ kẹt xe, sợ ngập nước, sợ đường xá ổ trâu, ổ voi (bởi thỉnh thoảng bạn lại bị trượt ngã khi lọt hố, khi lòng đường bị lô cốt chiếm phải leo lên lề mà đi... chân tay trầy trụa là chuyện bình thường). Bây giờ tệ hơn ổ voi và ngập nước là chuyện những... hố ga không có nắp đậy trên đường phố, và những... hố thẳm, hố thẳm theo đúng nghĩa đen của nó, chẳng phải là... hố thẳm tư tưởng của những triết gia Phạm Công Thiện hay Trần Đức Thảo..., những hố thẳm này bỗng nhiên xuất hiện giữa đường, nuốt chửng cả chiếc xe bảy chỗ ngồi, hay làm lật những chiếc xe container dài mấy chục thước, và những chiếc xe tải hàng mấy chục tấn. Không phải chỉ là chuyện đường xá, mà đều khắp, cột điện ngã đè, dây điện bỗng dưng đứt rớt xuống đường giật, hay... quấn vào cổ người đi đường, cây xanh bỗng nhiên ngã... Chưa kể gặp kẻ cướp giật, rải đinh...

Đấy là những chuyện  do con người, bây giờ người ta gọi là "nhân tai", còn chuyện thiên tai nữa, đều khắp, rộng khắp, lũ lụt kinh hoàng đang xảy ra với bao nhiêu thiệt hại về tính mạng, tài sản... người dân xứ này (lại là đa số dân quê, những nơi vùng sâu, vùng xa, có cuộc sống vốn đã không sung túc) có làm gì nên tội mà sao trời lại hành như thế, cái "tần suất" lũ lụt cứ rút ngắn dần, ngày xưa mấy chục năm mới có một trận lũ lịch sử, bây giờ vài ba năm, thậm chí chỉ một hai năm lại thấy xuất hiện, hay tệ hơn "lũ chồng lũ", chưa được mấy ngày để hoàn hồn, thì trận lũ, trận bão khác đã xuất hiện, tàn phá nặng nề hơn...

Mà do đâu thời tiết lại biến đổi khắc nghiệt như thế? Đành rằng trái đất nóng lên, băng tan... nhưng lũ lụt mới phát giác ra rừng đã bị đốn trụi, đâu phải người ta lén đốn một vài cây, mà hàng trăm, hàng ngàn mẫu, một cuộc tàn sát cây rừng quy mô, không thương tiếc. Một tỉnh thôi mà có vài chục cái thủy điện lớn nhỏ trên vài con sông, chưa lo xong lũ, lại thêm nỗi lo vỡ đập, vỡ hồ chứa, năm ngoái để cứu đập khỏi vỡ hồ chứa phải xả nước khi đang lũ, thế là cả một ngôi làng mấy chục gia đình bị trôi tuột ra sông.

Người dân chưa kịp chống chọi với vật giá leo thang ngoài chợ, thì giá điện, nước, gas, xăng dầu... đã vùn vụt lao đi chóng mặt. Người trong xã hội đối xử với nhau tệ hại quá thế mà đi đâu cũng nhìn thấy những biển khu phố văn hóa, giáo dục, công cụ hàng đầu mong cứu vớt xã hội lại tuột dốc không phanh. Còn chuyện những mối nguy hiểm chết người đang đầy trên đường phố, chẳng thấy có nơi nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Không hiểu sao tên Tây, tên Mỹ khi xưa ở xa tít tắp đâu đó sang đây chẳng phải con dân nó, mà những cống rãnh, con đường, nhà cửa... nó lại làm tốt thế, chẳng bao giờ thấy đường mới làm xong đã lún, đã thủng lỗ, cầu chưa xây xong đã sập, nhà chưa ở đã nứt toang hoác. Không khó chút nào hết để thấy được trách nhiệm ở đâu, thuộc về ai? Vậy mà một lời xin lỗi hay thăm hỏi gia đình người bị tai nạn cũng không, khi tai nạn xảy ra, người ta còn lo tìm xem đứa nào đó để mà đổ tội...

Đọc báo ngày hôm nay thấy đưa tin một vị tướng có thẩm quyền lên tiếng, nói việc cứu hộ ở xứ ta chưa chuyên nghiệp. Đấy là một sự thực không lạ nhưng rất lạ. Không lạ ở chỗ thật là như thế, một đất nước gần một trăm triệu dân mà chỉ có vài ba chiếc máy bay trực thăng gọi là cứu hộ, nhưng máy bay đã cũ kỹ (chỉ hoạt động được trong bán kính 150km), thiết bị cứu hộ thiếu, phi công không chuyên. Tàu cứu hộ cũng thế, dăm ba chiếc với chiều dài bờ biển mấy ngàn ki lô mét, chiếc khá lắm hoạt động không tới gió cấp 6, thì mong chi cứu được người khi đang cơn bão. Trên bộ cũng không khá gì hơn, cháy nhà cao tầng (chỉ cao vài tầng lầu) thiệt hại nặng nề rồi mới thấy chẳng có đủ xe thang chuyên dụng, thậm chí những trang bị cấp thiết cho lính cứu hỏa như mặt nạ phòng khói độc, hay quần áo, mũ, nón chống lửa cũng thiếu...

Mới đây coi chuyện cứu 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu cả gần 700 mét dưới lòng đất mới thấy được cái chuyên nghiệp nơi xứ người. Cứu hộ chuyên nghiệp, người ta hạn chế được tối đa những thiệt hại, nhất là về người. Mấy chục thợ mỏ bị chôn vùi mấy tháng dưới lòng đất như thế mà người ta còn cứu được nguyên vẹn, ở mình chuyến xe mấy chục người trên mặt đất, tự nhiên dẫn xác đâm đầu vào chỗ chết, mà cái chết đã được nhìn thấy trước, thế mà vẫn cứ xảy ra... Và chuyện lạ là ở chỗ, với số dân như thế, bao nhiêu năm trời trôi qua như thế, một đất nước một năm trời có cả ngàn cái lễ hội ăn chơi, tiêu tiền... thế mà không có người có trách nhiệm nào cảm thấy phải bỏ tiền, bỏ công sức, bỏ suy nghĩ ra mà lo cho cái an toàn của con dân.

Trước đây tôi còn nhớ câu "Mùa đông luôn đến bất ngờ đối với nước Nga", để nói lên chuyện ở bên Nga (thời bao cấp) chẳng có chuyện gì được lo nghĩ tính toán trước, mùa đông khắc nghiệt ở nước Nga đã có cả bao nhiêu ngàn năm nay, thế mà mỗi khi mùa đông đến người dân luôn thiếu củi, thiếu khí đốt, thiếu quần áo ấm, thiếu cả thực phẩm... Vậy mà ở nước ta đến tận bây giờ vẫn thế, bão, lũ lụt đâu phải năm nay mới có, sao không thấy những nhà nghiên cứu, những người có thẩm quyền ngồi nghĩ ra được một giải pháp, một cách gì để hạn chế bớt những thiệt hại cho người dân, hay ít ra thì cũng có những cách cứu hộ, cứu nạn hữu hiệu khi tai họa xảy ra. Đọc báo mới biết chuyến xe bị tai nạn được vớt lên vừa rồi, là bởi một đơn vị không phải được phân công cứu hộ, mà do người có trách nhiệm ở đơn vị đó thấy việc cứu hộ ì ạch quá, mới "năn nỉ" xin cho được tình nguyện bỏ sức người sức của lăn vào làm, không hiểu rồi những người có trách nhiệm suy nghĩ ra sao bởi những chuyện như thế này...

25 nhận xét:

  1. Những người có trách nhiệm còn bận lo mở rộng Thủ Đô, lo tổ chức Đại lễ ngàn năm, lo làm bô xít ở Tây Nguyên, lo tầu siêu tốc Bắc Nam...
    Cứu hộ đâu có đẻ ra tiền. Mà toàn cứu dân đen thôi à, con dân sống sót cũng ko có tiền trả công cứu hộ. Bởi vậy còn lâu họ mới lo mấy vụ giời ơi ấy. :(

    Trả lờiXóa
  2. Anh Hiệp ơi !
    " XÃ HỘI AN TOÀN "
    Cái bánh của anh có cái tên hay quá, nhưng nhâm nhi thì thật là...đắng nghét !!
    Xin phép anh xẻ một miếng to đem mời các vị đang họp ở quốc hội kỳ này . Ở đó có đầy đủ các bộ các ngành...từ trên xuống. Rồi cũng cắt một miếng nhỏ có trôn nước lũ miền Trung gửi tên trùm phá rừng Đoàn Nguyên Đức và bộ xậu ! May ra họ thưởng thức xong sẽ có câu trả lời anh ạ !
    Vậy được không anh ?
    :((

    Trả lờiXóa
  3. @hanggraphic, những gì GR. nói thế mà lại quá đúng, hichic!

    Trả lờiXóa
  4. @vuonghung51, đôi khi cảm thấy điên quá bởi cái vô trách nhiệm của "những ông những bà", mới nói tầm sàm thôi anh Hùng à! Hồi này anh khỏe, công việc đều chứ?

    Trả lờiXóa
  5. Tuần này thất nghiệp anh Hiệp ơi !

    Mình đang sống mà phải tránh từng đó thứ thì coi như...hết ...anh ạ !
    :)

    Trả lờiXóa
  6. @vuonghung51, thất nghiệp thì hôm nào nhâm nhi cà phê tán dóc chơi. :))

    Trả lờiXóa
  7. :) Thất nghiệp sướng thật!

    Trả lờiXóa
  8. T mượn câu kết trong bài viết của bạn ( Hố tử thần và trách nhiệm nhà nước-báo TTCT 24-10) để thay cho lời comment :
    ....Sẽ thấy cụm từ " hạ tầng đồng bộ " trong thực tế của đời sống người dân khác với các : bản vẽ " lộng lẫy như thế nào .Và trên tất cả , sinh mạng của công dân lớn là chừng nào.

    Trả lờiXóa
  9. @hanggraphic, sướng hơn nữa là luôn có vài "ẻn" (elle) chăm sóc trà nước bánh bao... :--)

    Trả lờiXóa
  10. @noname409, cám ơn bạn đã ghé thăm.

    Trả lờiXóa
  11. @ngocthuan1812, nghe bộ trưởng Tài nguyên cam kết trên lý thuyết chuyện an toàn bauxite mà... ớn lạnh, những ông chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát chuyện làm đường xá trước khi làm có nói là lý thuyết không bảo đảm không? Thế mà chỉ mới lấp măt đường hố lớn hố nhỏ đã xuất hiện, cái "quốc nạn" ở xứ mình ai cũng biết, xưa thằng Tây, thằng Mỹ có "ăn" không? Có đấy, chắc chắn, nhưng mười phần nó ăn một, hai, bây giờ mười phần ăn bao nhiêu mà ra nông nỗi? Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ ra tòa đấy, "môi trường nước" chứ cái gì khác, trăm ngàn, triệu đô la đâu phải là của riêng mấy tên Nhật, nó nằm trong những cái lỗ thủng đấy :(((

    Trả lờiXóa
  12. anh có nghĩ là tất cả dân "Anamit" có chung cộng nghiệp không ? :))

    Trả lờiXóa
  13. T nhớ là hồi trước 1975, RMK là một trong những nhà thầu công trình giao thông có uy tín ở miền Nam VN . Những công trình của họ đến giờ này vẫn không suy suyễn , dù trước đây , báo chí SG và cả người dân gán cho họ cụm từ không hay ho Rên Mặc Kệ khi họ thể hiện tắc trách trong công việc.
    Bây giờ có biết bao nhà thầu "hay ho " hơn Rên Mặc Kệ ngày xưa hả anh ?

    Trả lờiXóa
  14. Câu hỏi khá hay và không dễ trả lời
    Con người ta khi thân, khẩu, ý, hoạt động tạo ra biệt nghiệp, nhưng 86 triệu dân VN lại cùng chịu một cái cộng nghiệp mất an toàn sống như PNH nói ra. Tại sao vậy nhỉ?

    Trả lờiXóa
  15. Câu hỏi khá hay và không dễ trả lời
    Con người ta khi thân, khẩu, ý, hoạt động tạo ra biệt nghiệp, nhưng 86 triệu dân VN lại cùng chịu một cái cộng nghiệp mất an toàn sống như PNH nói ra. Tại sao vậy nhỉ?

    Trả lờiXóa
  16. @lovetolive59, đúng là câu hỏi của "Con nhà Phật", một cái "nghiệp" của 86 triệu dân.

    Trả lờiXóa
  17. @ngocthuan1812, có điều khá ngộ nghĩnh là ngay cả nhà thầu Nhật Bản nổi tiếng đàng hoàng mà khi vào VN vẫn cứ vướng vào những vụ ma mãnh, dối trá, đúng là như ông bà ta nói "đi với Bụt mặc áo cà sa..."

    Trả lờiXóa
  18. @bulukhin, bác Bu nghiên cứu sâu về Phật giáo xem tại sao dân ta lại có cái "cộng nghiệp" này?

    Trả lờiXóa
  19. Chẳng biết viết gì , chỉ thấy đau :(

    Trả lờiXóa
  20. tai tien cua cac anh chi cao cap ban di lo cho cac cuoc thi hoa hau va sieu mau het roi dzu an cong trinh lam sao cho nguoi dep dzan dep di thi tho voi cac nuoc ban . Dau con ai ranh de len dzu an lo nhung chuyen cong ranh cau duong nua . hahahah Viec giao te voi cac nuoc ban di truoc viec nha de do tu tu lam cung chang sao hahahahahah ( chayyyyyyyyyyyyyyyyy ko bi chui ) hahahahahah

    Trả lờiXóa
  21. @chieukim, haha, lo tổ chức thi hoa hậu với người mẫu mất rồi.

    Trả lờiXóa
  22. :) vay la anh Hiep dong y voi Chieu Kim ha' hahahahah

    Trả lờiXóa