PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Chúc thọ.


Tôi có người bạn chơi xưa nay. Gia đình bạn sống bằng xe thuốc lá và buôn bán lặt vặt mấy bó hoa cúng ngày rằm, và mấy trái dừa trước hiên nhà. Thỉnh thoảng đi đâu ngang tôi hay ghé ngồi chơi với bạn, uống ly cà phê đen vỉa hè. Chiều qua mùng một tết ghé bạn chơi, bạn vẫn còn bán hàng như ngày thường, vẫn những bó hoa cúng, bạn nói cũng may năm nay bán được, suốt từ hai mươi mấy tết đến giờ, cũng nhờ bạn luôn luôn bán rẻ, giá cả chỉ hơn ngày thường chút đỉnh.

Vợ bạn đã chuẩn bị sẵn, tôm khô củ kiệu, lạp xưởng bánh chưng, cùng mấy lon bia 333, cũng vẫn ngay bên vỉa hè, lai rai ngồi nhìn thiên hạ du xuân thế mà thấy cuộc đời cũng nhiều thú vị. Bạn là người sinh đẻ ở thành phố này, lấy cô vợ người quê ở một tỉnh miền Tây, lên Saigon học nghề may, trước bạn cũng làm trong một cơ quan nhà nước rồi giảm biên chế. Cái thời còn bao cấp khó khăn hai vợ chồng đành ra vỉa hè buôn bán lặt vặt từ đó đến giờ...

Ngồi lai rai bạn kể câu chuyện mới nửa tháng trước ở quê nhà vợ bạn. Số là ông già vợ, mà người miền Bắc gọi là ông nhạc của bạn năm nay đã tròn một trăm tuổi, cái tuổi kể là đã rất hiếm. Hôm rằm tháng chạp xã cho người xuống thông báo, để tỏ lòng quan tâm đến dân, vì cả tỉnh chỉ có mỗi cụ là thọ được cả thế kỷ, vài hôm nữa lãnh đạo tỉnh sẽ ghé thăm chúc thọ và tặng quà cho ông cụ, không phải chúc thọ suông mà còn có cả đài truyền hình tỉnh nhà đến quay phim để phát lên sóng, đi theo có cả những chức sắc của huyện và xã. Người ta còn đề nghị cho gọi hết cả con cháu trong nhà về dự để thêm phần long trọng. Thật là vinh dự.

Thế là người nhà vội vàng gọi điện cho con cháu khắp nơi, dù tất bật buôn bán nhưng vợ bạn cũng vội vàng thu xếp trở về, trước hôm lãnh đạo tỉnh ghé thăm một hai hôm, con cháu đã tề tựu đông đủ trong nhà, đứa ở Saigon về, đứa ở Cần Thơ lên... Một cuộc "Hội nghị Diên Hồng" được con cháu tập họp chớp nhoáng, lãnh đạo các cấp đến nhà thăm tặng quà như thế lại có quay phim đưa lên truyền hình, nên cũng phải "coi sao cho được". Nhà quê không giàu, nuôi được con heo và vài con gà chuẩn bị ăn tết, thôi nhân dịp này con cháu tề tựu đông đủ làm mấy mâm cơm đãi khách, nghèo thì nghèo nhưng cái máu "hảo hớn" của người dân Nam bộ luôn có đó, sự việc trọng đại như vậy thì cũng phải xử sự sao cho coi được. Thế là anh em xúm nhau hùn thêm tiền làm mấy mâm cơm.

Đến đúng ngày đã định, 9 giờ sáng đoàn xe chúc thọ đậu xịch trước cửa nhà, hàng xóm kéo đến xem đông nghịt, vinh dự qua đỗi. Mấy năm trước muốn đến được nhà bạn xe phải đậu ngoài đường rồi đi ghe mấy cây số, một vài năm nay con đường nhựa đã được mở. Đúng theo như chương trình, buổi lễ diễn ra long trọng, có đọc diễn văn của lãnh đạo các cấp, máy quay phim của đài truyền hình tỉnh lia đủ mọi góc cạnh, bố vợ bạn đã yếu nhưng vẫn còn đi lại được, nhưng cũng đã lẫn không biết có cảm thấy vinh hạnh không? Nhưng con cháu thì hôm ấy hãnh diện với làng xóm lắm. Những hình ảnh mà tôi và các bạn vẫn thường thấy trong những buổi như thế này, diễn văn chúc thọ, rồi đến phần tặng quà, có hộp quà gói giấy hoa, có cả bao thơ... cả bằng khen, rồi gia đình nói lời cảm ơn, cũng đã trưa gia đình mời đoàn dùng bữa cơm gia đình. Bởi xã có báo trước đoàn gồm tất cả hai mươi mấy người kể cả quay phim, nên gia đình đã chuẩn bị mấy mâm cơm thật chu đáo.

Bạn kể tiếp với tôi, khi đoàn đã cơm nước no say ra về, người nhà mở gói quà bọc giấy hoa ra xem là một khúc vải may được một cái áo sơ mi, còn cái bao thơ trong đó có một tờ một trăm ngàn đồng.

8 nhận xét:

  1. T chưa đọc hết , đã đoán được cái kết cục không có hậu chút nào từ những buổi lễ mang tính hình thức như thế này . Buồn dùm cho gia đình người bạn thật thà, chất phác của anh . Tự dưng T nhớ lại những mùa bão lụt, vài địa phương chịu thiên tai cũng đã lấy ngân quỹ , vốn hết sức eo hẹp ,để làm tiệc chiêu đãi các phái đoàn từ thiện , nhiều khi hàng cứu trợ không nhiều giá trị so với đồng tiền trích ra cho bữa tiệc .
    Hai sự việc thoạt nghe tưởng khác nhau về hình thức nhưng xét cho cùng, lại giống nhau về bản chất .

    Trả lờiXóa
  2. Quy chế về "chi tiêu ngân quỹ" đấy bác ạ. Không làm khác được.

    Cái lệ làng ăn uống rùm beng khi có khách cũng sau những bài học như thế mong rằng nó sẽ dần dần mai một.

    Bà sếp về hưu của em sau khi tiếp phó chủ tịch nước tiền hô hậu ủng liền rút ra một kinh nghiệm: sẽ không bao giờ tiếp khách to ở nhà nữa. Tuy nhiên, bà không phải làm cơm đãi như ở chỗ quê đó. Bà chỉ bực mình là phải trả lời một câu hỏi không biết bao nhiêu lần là: "Trong túi quà Tết đó có gì thế?"

    Có bao nhiêu thì quy chế nó quy định cả rồi.

    Trả lờiXóa
  3. @ngocthuan, @hanggraphic, các bạn, cái việc này đối với mình quen ở thành phố xem có vẻ kỳ cục, nhưng nhìn dưới góc độ làng xã hóa ra lại rất bình thường, vì... đương nhiên nó phải như thế. Vợ bạn tôi không hề có ý gì chỉ trích cái đoàn chúc thọ ấy, đối với người dân quê chân chất Nam bộ, hình như cái tinh thần hiếu khách "tứ hải giai huynh đệ" cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Được "Chính quyền" đến nhà như thế, có cả truyền hình quay là một chuyện vô cùng trọng đại, mơ không thấy nổi.
    Ở đây những người ngoài cuộc chúng ta thấy điều gì? Ấy là cái "vô tư" xen lẫn "phong kiến", đã ăn sâu vào con người của người dân địa phương. Thật sự như GR. nói, "quy chế về chi tiêu ngân quỹ" chỉ có thế, đấy là món quà tượng trưng về tinh thần đáng quý, nhưng đã bị những người trong cuộc "biến tướng". Lãnh đạo địa phương thì muốn "lấy thành tích", "bề ngoài", hoàn toàn có thể gởi khúc vải, bì thư, và giấy khen ấy cho xã mang đến nhà gởi ông cụ. Đàng này tổ chức rùm beng, coi việc người dân (còn nghèo) phải tốn kém là chuyện đương nhiên...
    Thay đổi được những suy nghĩ của mọi người, chắc cũng còn lâu...

    Trả lờiXóa
  4. Sau cái lễ này coi chừng ông cụ giảm thọ...

    Trả lờiXóa
  5. Lãnh đạo muốn lấy thành tích nên biến món quà nhỏ thành "một miếng giữa đàng" chứ không cho xã mang đến nhà đưa, đưa quà thế thì "một sàng xó bếp "chẳng ai biết đấy là đâu! Trọng cho cái tình hiếu khách của người dân quê lại thấy buồn cho "nghĩa tình" của những người lãnh đạo!

    Trả lờiXóa
  6. @bulukhin, @nguyenthuthuy, mấy năm trước có lần tôi theo đoàn tặng nhà tình thương (cơ quan của tôi xây tặng), cho một gia đình nghèo tuốt Kiên Giang. Cũng có cả lãnh đạo tỉnh dự và truyền hình đưa tin. Căn nhà gạch được xây thông qua địa phương không tô trát, nền đất, mái tôn, cũng là cả niềm mơ ước suốt đời của cái gia đình xác xơ gần biên giới này. Hỏi sao tường chưa trát, nền chưa láng xi măng, xã nói quy định nhà tình thương chỉ được hưởng 10 triệu không hơn. Vị phó giám đốc trưởng đoàn tụi tôi móc bóp cho thêm 1 triệu đồng, anh em đi theo kẻ ít người nhiều mỗi người đưa thêm một ít. Anh chồng ngơ ngác chẳng biết nói gì, còn chị vợ chỉ biết khóc nói, hồi nào giờ mới được cầm tờ giấy 500 ngàn đồng. Xong việc, tỉnh mời đoàn đi... nhậu, ghé ra quán bãi biển uống "không say không về", vụ này tỉnh chiêu đãi. Nghe đâu bữa nhậu còn nhiều tiền hơn cả cái nhà tình thương...

    Trả lờiXóa
  7. buoi tiec nay hinh nhu lo von nang ahahhaahah

    Trả lờiXóa
  8. @chieukim, lỗ nặng, tội nghiệp cho người nhà quê hiếu khách.

    Trả lờiXóa