PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

"Tháng giêng là tháng ăn chơi..."

Photobucket

Photobucket

Lễ tế tại đền Đức Thánh Trần Saigon vào mùng 8 tháng giêng âm lịch.



"Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc,  tháng ba rượu chè...", câu ca dao có từ thời xửa xưa để nói lên cái thực trạng của một thời phong kiến nông nghiệp. Một năm sau những ngày làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối, cuối năm thu hoạch đồng ruộng vườn tược xong, rảnh rỗi, đến tết là bắt đầu ăn chơi. Đọc lại sách vở mới thấy người xưa (nhất là ở miền Bắc), ăn chơi... phát khiếp, thông qua những lễ hội. Thử điểm qua tên của một số lễ hội nổi tiếng một thời...

Có những lễ hội mang ý nghĩa lịch sử. Đó là hội Đống Đa (Hà Nội), mở vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch, kỷ niệm chiến thắng quân Thanh của anh hùng áo vải Quang Trung vào năm 1789. Hội đền Mai Động (Hà Nội), mở trong 3 ngày, từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng giêng, kỷ niệm nữ tướng anh hùng Lê Chân dưới trướng của Hai Bà Trưng, đã cầm quân chống Mã Viện tại Bạch Đằng. Trong hội, ngoài phần tế lễ còn có nhiều trò chơi, những cuộc thi đấu như đánh vật, ghi nhớ việc tuyển binh xưa của Hai Bà. Hội đền Sóc Sơn (Thôn Vệ Linh, Xã Phú Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng, tương truyền tại đây Đức Thánh Gióng sau khi đánh đuổi giặc Ân, đã cởi áo giáp cỡi ngựa sắt bay về trời. Hội đền An Dương Vương, còn gọi là hội Cổ Loa (làng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Hội kéo dài đến 10 ngày, từ mùng 6 đến 16 tháng giêng, kỷ niệm Thục Phán có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Trong hội có lễ rước và tế thần, những trò vui dân gian như đánh đu, cờ người, tổ tôm, đáo đĩa, hát chèo...

(Đang viết, nghỉ... xực phàn, hihi).

Viết tiếp, đó là hội đền Phạm Ngũ Lão (làng Phù Ủng, Ân Thi, Hải Dương), hội mở từ ngày mùng 10 đến 25 tháng giêng. Kỷ niệm danh tướng thời Trần - Phạm Ngũ Lão, có công chống quân Nguyên - Mông. Hội đền Hạ Lôi (Mê Linh, Vĩnh Phúc), mở vào ngày 15 tháng giêng, kỷ niệm Hai Bà Trưng. Trong hội có tục cúng bánh trôi (mang ý nghĩa việc Hai Bà tự trầm), tập trận, đánh cờ người, chơi đu, đáo đĩa. Hội đền Thượng Lạp (Thượng Lạp, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), mở vào ngày 10 tháng giêng, kỷ niệm Cao Nguyên, một danh tướng của Hai Bà Trưng. Ông đã cầm quân anh dũng chống Mã Viện, khi thế cùng lực kiệt ông đã tự tử. Trong lễ hội có tế, rước. Trò vui có đánh vật, hát xoan, vui nhất là đánh phết (dân gian còn câu "vui ra phết")...

Vẫn còn nhiều những lễ hội kỷ niệm những anh hùng của đất nước, ngoài ra còn những lễ hội về mặt tín ngưỡng như hội chùa Đậu (Thường Tín, Hà Tây), bắt đầu từ ngày 8 đến ngày 10 tháng giêng, nét đáng chú ý ở chùa là hai pho tượng, bên trong tượng là thi hài của hai nhà sư được ướp cách đây hơn 300 năm. Hội chùa Trăm gian (thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chưng Mỹ, Hà Tây), còn gọi là hội chùa Sở, chùa được xây từ đời Lý Cao Tông (1185). Hội chùa Trăm gian có từ ngày 4 tháng giêng năm Bính Thìn (1375) đời nhà Trần, và tồn tại đến nay. Hội chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình), hội mở 2 kỳ vào ngày mùng 4 tháng giêng (hội xuân), và ngày 13 đến 15 tháng 9 (hội thu). Chùa Thờ Không Lộ, một nhà sư có công chữa bệnh cho Lý Thánh Tông và được phong làm Quốc Sư. Ngoài lễ Phật, còn có các trò chơi như bắt vịt, thi thổi cơm, ném pháo... Hội Vũ Bi (Mỹ Lộc, Nam Định), mở vào những ngày đầu xuân, thờ thần gắp phân, người có sáng kiến hướng dẫn dân làng biết bón phân cho lúa. Có tế thần và nhiều trò chơi dân gian. Hội đền Và (Bát Bạt, Hà Tây), mở vào ngày 15 tháng giêng, có lễ rước thần Tản Viên, trò vui có đánh cá, hát đúm, cờ người, tổ tôm điếm.... Hội Tứ Pháp (Mỹ Văn, Hưng Yên), mở vào ngày 17 tháng giêng, có nghi thức rước bốn nữ thần: Mây, Mưa, Sấm, Chớp, với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, thể hiện rõ ý thức mẫu hệ xưa, và nghi lễ của cư dân nông nghiệp. Hội đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), hội kéo dài từ đầu tháng giêng đến trung tuần tháng hai. Nghi lễ có đám rước từ đền Cúng đến đền Chính (Cô Ba Bắc Lệ tới hầu Đức Mẫu Thượng Ngàn), cũng thể hiện ý thức mẫu hệ,  chủ yếu là lễ bái, hầu bóng... Hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Tây), mở vào ngày 6 tháng giêng cho đến hết mùa xuân. Khách trẩy hội lễ Phật, vãng cảnh chùa...

Ngoài những lễ hội về lịch sử, tín ngưỡng, còn có những lễ hội về làng nghề, hoặc thuần túy vui chơi, chẳng hạn như: Hội làng Triều Khúc (Hà Nội), mở vào ngày 10 tháng giêng, là một nét sinh hoạt văn hóa của một làng quê có nhiều nghề thủ công truyền thống, như dệt lụa, dệt vải. Hội Dịch Diệp (xã Trực Chính, Trực Ninh, Nam Định), mở từ ngày 5 đến 7 tháng giêng, thờ ông tổ làng dệt, thi dệt vải trên mặt hồ. Hội Lim (Nội Duệ, Từ Sơn, Bắc Ninh), mở từ ngày 13 đến 15 tháng giêng, thờ ông Hiếu Trung Hầu, người bày ra tục hát quan họ. Ngoài hát quan họ, còn có những trò vui như thi dệt cửi, đu tiên, đấu vật... Hội hoa Vị Khê (Nam Điền, Trực Ninh, Nam Định), mở từ ngày 20 đến 30 tháng giêng, chủ yếu giới thiệu hoa, cây cảnh. Hội Viềng (xã Nam Giang huyện Trực Ninh, và xã Kim Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định), mở vào ngày 8 tháng giêng, chỉ trong 1 ngày. Nét riêng của hội là cả người bán lẫn người mua đều nhằm mục đích mua bán lấy may trong dịp đầu năm mới...

Về vui chơi có hội thổi cơm (làng Tử Trọng, Thanh Hóa), mở từ ngày 30 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng. Từ sáng sớm hàng trăm chiếc thuyền dọc bên sông, sau một hồi trống các cô gái dự thi chèo thuyền ra giữa sông. Hồi trống thứ hai, các cô gái vừa lo giữ thuyền vừa phải nhóm lửa bằng bã mía tươi để thổi cơm. Cơm ai chín trước, dẻo, ngon sẽ thắng cuộc. Hội thi để thể hiện "công, dung, ngôn, hạnh" của gái làng.  Hội thi bắt chạch trong chum (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), mở vào ngày 6 tháng giêng, đây là một hội khá độc đáo, biểu hiện khát vọng tình yêu và sự sinh sôi.  Hội thi được tổ chức giữa sân đình, thường có từ 5 đến 7 chum, mỗi chum chứa khoảng 2/3 nước và thả vào đó 1 con chạch. Từng đôi trai gái dự thi, sau khi múa, hát tiến về phía chum bắt chạch. Điều đặc biệt là  đôi trai gái phải ôm nhau, và mắt không được nhìn vào trong chum. Đôi nào bắt được chạch trước thì thắng cuộc. Hội khỏe Tiên Công trên đảo Hà Nam (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), mở ngày mùng 7 tết, hội đánh vật nhưng đô vật toàn là các cụ già đủ 80 tuổi. Các cụ cởi trần, đóng khố như trai tráng, theo sau là các con cháu đi cổ vũ. Thể hiện truyền thống chăm sóc sức khỏe người có tuổi.

Trên đây chỉ là một số lễ hội điển hình ở miền Bắc xưa vào "Tháng giêng ăn chơi", và còn rất nhiều lễ hội khác nữa kể ra quá dài dòng. Xưa là như thế, còn ngày nay đọc báo thấy một năm bây giờ trên toàn đất nước có khoảng 500 (năm trăm) lễ hội ở khắp nơi, có những lễ hội tiếp nối lễ hội ngày xưa, như hội Lim hát quan họ, hội chùa Hương, hội chọi trâu Đồ Sơn, hội Viềng, lễ hội nghinh Ông... nhưng cũng có những lễ hội mới toanh như lễ hội cà phê, lễ hội cồng chiêng, lễ hội bánh chưng bánh tét, hội Hoa xuân... Như vậy tính trung bình một ngày trên đất nước chúng ta có khoảng 1,5 lễ hội có thương hiệu, chưa kể đủ mọi thứ gọi là lễ hội khác từ cấp thôn xóm, làng xã đến cấp quận huyện.

Người mình quả là xưa nay ăn chơi hiếm thấy, có lẽ xứng danh là "Đệ nhất thiên hạ...".

16 nhận xét:

  1. Đang viết , nghỉ, xực ...phở . Hihi

    Trả lờiXóa
  2. Con đang đọc....khát nước...đi uống nước cái đã! Hì hì

    Trả lờiXóa
  3. Có kẻ cả 12 tháng ăn chơi nhưng cũng phong lưu lắm...
    Thực phạn xong có viết tiếp không hay chấm hết luôn.

    Trả lờiXóa
  4. @ngocthuan1812, đúng ra là xực bánh chưng chiên từ ngày tết. Chẳng có phở để xực.

    Trả lờiXóa
  5. @phonuicao, uống nước xong chưa? Đọc tiếp nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Dạ con uống xong đến mấy ly lận...giờ thì đọc tiếp roài ah! :)

    Hic, con thì chẳng bao giờ để ý đến lễ hội chi cả!

    Trả lờiXóa
  7. @bulukhin, bây giờ thì người ta ăn chơi "mọi lúc mọi nơi", phát khiếp.

    Trả lờiXóa
  8. @phonuicao, bạn không để ý đến lễ hội cũng phải, báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay (27/2) có bài: Hội Lim hay chợ làng? Sau khi đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, thì hội Lim ít lâu nay đã nhếch nhác lại càng thêm nhếch nhác, rác rưởi, cờ bạc trá hình, chặt chém... Cái mục chính là hát quan họ thì chẳng ra sao... Thật là ngán.

    Trả lờiXóa
  9. Hội lễ bây giờ làm không như ngày xưa anh à, em thấy phô trương nhiều hơn là tưởng nhớ......
    Một chữ BUỒN...........

    Trả lờiXóa
  10. @lanvuive, cô Lan xem báo TT mấy ngày nay thì biết, lễ hội ở đâu cũng bầy hầy, chặt chém, moi tiền người nhẹ dạ, phát chán.

    Trả lờiXóa
  11. Nhờ đọc bài này mà em mới biết trong tháng giêng nước ta có nhiều lễ hội đó ... và ôn lại mấy bài học "sử ký" nữa, cám ơn anh nha !

    Trả lờiXóa
  12. Nhờ đọc bài này mà em mới biết trong tháng giêng nước ta có nhiều lễ hội đó ... và ôn lại mấy bài học "sử ký" nữa, cám ơn anh nha !

    Trả lờiXóa
  13. Nhờ đọc bài này mà em mới biết trong tháng giêng nước ta có nhiều lễ hội đó ... và ôn lại mấy bài học "sử ký" nữa, cám ơn anh nha !

    Trả lờiXóa
  14. ben Viet Nam an choi tet co 1 thang muh anh Hiep la om xom . Houston cho Chieu Kim o ne thang 11 bat dau co hoi cho tet roi day nhe va keo dai moi tuan cho den cuoi thang 4 luon moi het hoi cho tet hahahhah anh Hiep nghe ne chua noi thiet do . Tai vi co nhieu chua nhieu nha tho va nhieu hoi doan qua muh moi 1 thang chi co 4 cai cuoi tuan thoi moi an choi duoc cho nen chia nhau ra bat dua la thang 11 cham dzut la cuoi thang tu nhu hien nay ne tai Houston van con tet tuan nao cung co mua lan tet het ngay mai la bat dau cho den chu nhat moi tuan deu nhu vay ahahahahh anh Hiep nghe xong dung co phan nan le hoi tet ben vn thang gieng nua nhe hihihihi

    Trả lờiXóa
  15. @chieukim, vậy ra xứ Mỹ còn ăn chơi... quá cha nữa, :)))

    Trả lờiXóa
  16. :) gio ne nuoc My an tet viet chua haahhaah

    Trả lờiXóa