"Nếu tôi có hai ổ bánh mì, tôi sẽ bán đi một ổ để mua hoa". Mohammed đấng giáo chủ của đạo Hồi đã nói như thế. Hoa vẫn luôn là biểu tượng bất diệt của đời sống, các bạn nhỉ?
Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010
Trở về với những đóa hoa.
Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010
Bài học thuở ấu thơ.
Thuở nhỏ thời tôi học tiểu học (cấp 1 bây giờ), trong chương trình học của trẻ con ngoài những môn thông thường như tập làm văn, chính tả, toán, lịch sử, địa lý... thì có môn Công dân giáo dục và Đức dục. Môn công dân giáo dục dạy trẻ con những điều (luật lệ) cơ bản của một công dân, chẳng hạn như luật đi đường, đi đường phải đi bên tay phải, ngừng khi đèn đỏ, sang đường phải đúng nơi quy định... Còn môn đức dục (giáo dục đạo đức), dạy trẻ con phải biết thưa gởi, yêu quí người thân, tôn trọng người lớn, tôn trọng bạn bè, không được ồn ào nơi công cộng, ra đường gặp đám tang đi ngang phải biết giở nón cúi đầu chào... Nghĩa là dạy cho con trẻ những gì căn bản nhất để mong mai sau sẽ trở thành một công dân biết tôn trọng luật lệ, phép nước, trở thành một con người tử tế. Và cho đến bây giờ khi đã đi hết quá nửa đời người, những bài học vỡ lòng thuở ấu thơ ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Tấm hình tôi chụp tình cờ như các bạn đã thấy bên trên đã làm cho tôi suy nghĩ, đám tang đưa đi trong một con hẻm trong xóm chứ không phải ngoài đường lớn, đi bộ từ đàng xa đến ngang sát sạt qua những người lớn đang ngồi uống cafe, có người đã già, đứng tuổi, vậy mà không ai đứng lên tỏ ý chào người quá cố, thậm chí cũng chẳng buồn bỏ nón xuống, họ thản nhiên ngước mắt nhìn.
Một sự việc nhỏ, rất nhỏ, có lẽ trong thời buổi này chẳng ai để ý, nhưng có lẽ đã phản ánh chính cái xã hội chúng ta đang sống, người ta không tôn trọng nơi công cộng, không tôn trọng bất cứ ai, bất cứ điều gì trong xã hội, luật lệ giao thông, phép nước, không phải chỉ thản nhiên vượt đèn đỏ khi không có bóng dáng cảnh sát, mà khi gây tai nạn làm bị thương người khác, thay vì cứu giúp, lại quay xe thản nhiên cán cho chết, với suy nghĩ để khỏi phải bồi thường nhiều... thật là kinh khủng. Còn học sinh hồn nhiên ẩu đả thanh toán lẫn nhau như những tay du đãng anh chị thứ thật, mới hôm qua đây báo đưa tin ở Đồng Nai học sinh nam lớp 10 lận dao vào lớp đâm chết bạn giữa lớp học... Và bao nhiêu những câu chuyện tội ác khác của người lớn đầy hàng ngày trên mặt báo... kể không thể xiết.
Xã hội chúng ta bây giờ so với bốn năm mươi năm về trước đã được kể là khá, là văn minh, đi đâu cũng thấy treo những tấm biển Khu phố văn hóa, người có học hàm, học vị rất nhiều... nhưng đâu rồi bài học vỡ lòng thuở ấu thơ?
Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010
Hẹn hò.
Lò mò ra bờ ao định ngắm nghía chuồn chuồn. Tình cờ chụp được tấm hình hai bạn trẻ đang truyện trò trên một... cành cây, phía dưới là... ao nước. Cái ngộ nghĩnh là cô nàng mặc áo dài "mút sơ lin" đàng hoàng, vậy mà cũng chịu khó leo tuốt lên cành cây vắt vẻo nơi bờ ao... tâm sự. Mãnh lực... tình yêu có khác.
Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010
Phim Trần Thủ Độ.
Nghệ sỹ Lan Hương, vai Đàm Hoàng Hậu.
Từ trái sang Hứa Vĩ Văn (Thái tử Sảm), Hoàng Dũng (vai vua Lý Cao Tông),
Lan Hương (vai Đàm Hoàng Hậu).
Thái tử Sảm lúc trưởng thành vướng vào mối tình với Trần Thị Dung.
Thái tử Sảm được phong làm vua (Lý Huệ Tông).
Thái tử Sảm và Trần Thủ Độ (Thiên Bảo).
Lang thang trên mạng tình cờ vào trang Thế Giới Điện Ảnh, đọc và xem được những hình ảnh về phim Trần Thủ Độ của đoàn làm phim Việt Nam đang được quay tại phim trường Hoành Điếm (thành phố Đông Dương, tỉnh Triết Giang - Trung Quốc).
Phim do Tất Bình làm chủ nhiện, Đào Duy Phúc đạo diễn, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết kịch bản, gồm một dàn diễn viên Việt - Hoa, là một bộ phim truyền hình nhiều tập sẽ được phát sóng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Phim chưa phát sóng nên chẳng biết nội dung hay dở thế nào, nhưng qua những hình ảnh tôi "cóp" lại từ trên mạng và từ trang Thế Giới Điện Ảnh như các bạn thấy bên trên, thì... hỡi ôi. Nếu không nói đây là phim lịch sử Việt Nam, thì chắc tôi cứ tưởng đang xem những hình ảnh về một bộ phim nào đó của Trung Quốc, kiểu như Bao Thanh Thiên vậy. Đã đành phim được quay bên Trung Quốc nên cảnh cung điện là "made in China", nhưng y phục của vua chúa Việt cũng in hệt y phục của vua chúa những phim Tàu. Nếu để ý thêm chút nữa các bạn sẽ thấy ngay cả lính thú gác hoàng cung của ta quần áo cũng không khác gì lính tráng của những bộ phim Tam Quốc Chí, Thủy Hử bên Tàu... Trong tấm hình thứ tư, hình ảnh 2 cô gái mặc áo dài thắt dải lụa xanh ngang bụng đứng phía xa sau vua Lý Huệ Tông chẳng ăn nhập gì với cảnh, và cách ăn mặc của vua và lính gác cả. Tôi không rành về trang phục xưa, nhưng có thể đoan chắc, ở thế kỷ 13 lính thú của ta không thể nào ăn mặc như thế, bởi những hình ảnh thời nhà Nguyễn mới cách chưa đến 200 năm nay thôi, lính khiêng kiệu cho nhà vua không ăn mặc như thế, và chân còn đi... đất.
Một loại "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"?. Đúng là hỡi ôi!
Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010
Tôi.
Tấm hình trên cùng tôi "chôm" bên nhà chị phungchau, "tác phẩm" nhiếp ảnh của một người bạn chụp... tôi, khi đang mê mải "săn" một hình ảnh nào đó. Đây là một trong vài tấm hình hiếm hoi tôi có được của... chính mình.
Chắc các bạn đã biết, tôi thích chụp cỏ cây, hoa lá, tắc kè, chuồn chuồn, ếch nhái, nhền nhện, chim chóc..., hoàng hôn, bình minh..., cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại mê chụp ba cái thứ lăng nhăng này. Xưa nay tôi chụp cả ngàn tấm hình về chúng rồi, đủ mọi góc cạnh, đủ mọi thứ ánh sáng, đủ mọi bố cục... và mê mải chụp không bao giờ chán. Cứ mỗi lần có dịp đi đâu đó ra bờ ao, bờ sông, biển, đồi núi, suối rừng... là tôi lại đeo tòn teng cái máy chụp hình lang thang hết góc này xó nọ, và khi đã "đóng khung" được một hình ảnh nào đó, là tôi lại phải chụp cho bằng được, đứng, ngồi, quỳ, cả... bò, nằm, leo lên cao... và bất kể dưới chân tôi là gì, sình lầy nước đọng, hay đá biển cheo leo, trơn trượt... năm ngoái ra ngoài biển chụp hoàng hôn, ham kiếm một góc đẹp mà tôi đã trượt chân ngã trên những tảng đá sắc nhọn, may chỉ bị bong gân và trầy xước cổ tay do chống xuống đá, "hên" nhất là "bảo toàn" được máy móc.
Cám ơn bạn đã cho tôi được "ngắm" chính mình.
Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010
Hủ tíu sa tế.
Chữ nơi xe hủ tíu phía trước cửa quán.
Tô hủ tíu sa tế.
"cạc vi dzít" chủ quán tiếp thị.
"Mơ nuy" của quán.
Hôm nay ngày nghỉ cuối tuần, tủ lạnh còn đầy ắp nên không phải ghé chợ, siêu thị, từ tết đến giờ không biết sao lại có tâm hồn ăn uống, thế là buổi sáng sớm làm ly cà phê xong tôi phóng vào Chợ Lớn tìm lại cái quán hủ tíu sa tế mà tôi hay nhắc đến, làm một tô.
Dĩ nhiên đây là quán của người Hoa, theo cái "cạc vi dzít" chủ quán đưa khi vào ăn thì quán này đã có 50 năm... chinh chiến trong nghề ăn uống (phải trên, bởi vì cái cạc chắc in đã lâu), như vậy quán chắc tồn tại phải trên 50 năm, xêm xêm tuổi của tôi. Ăn uống là một cái nghề dễ làm giàu nếu đông khách, quán này là quán quen đối với những ai sành ăn, trên 50 năm tồn tại chắc họ cũng đã làm giàu, thế mà quán vẫn tuềnh toàng. Cái xe là nơi nấu nướng chế biến thức ăn để trước cửa lâu nay vẫn thế, có khác chăng là mặt bàn được bọc inox cho sạch sẽ, chứ không phải bằng gỗ, ghế cũng thay bằng nhựa... Đặc biệt là chất lượng vẫn... y sì, và cả cái cách phục vụ cũng không hề thay đổi, ân cần, nhỏ nhẹ... Có lẽ đấy là bí quyết để... sống còn của người Hoa nơi đất khách quê người.
Tôi vào quán kêu tô hủ tíu sa tế, như các bạn đã xem hình, có lẽ các bạn đã quá quen với hủ tíu mì, nhưng cũng có thể có vài bạn chưa quen món này, bởi hình như ở Saigon cũng không phổ biến lắm, ít nơi bán. Cũng là sợi hủ tíu bằng bột gạo, hơi hơi giống như bánh phở của người mình, cũng thịt bò, nhưng không phải nước lèo như phở hay hủ tíu mì, đây là một loại nước được chế biến theo cách của người Hoa, hơi sệt sệt, dĩ nhiên cũng có mùi ngũ vị hương, cho thêm đậu phộng giã nhỏ ăn nghe bùi bùi. Đặc biệt là món sa tế nêm thêm vào tô hủ tíu, cay cay, thơm thơm, đúng là mùi vị đặc trưng của món ăn... xẩm.
Khi tôi lấy máy chụp hình ra chụp, họ không nghĩ tôi là... Việt kiều (chắc tại thấy ốm o thiếu ăn quá, không giống Việt kiều tí nào), nhưng nghĩ ngay tôi là... nhà báo, cũng đành ậm ừ đại cho qua chuyện, thế là họ đưa cả cho tôi cái card visite như các bạn đã thấy, tôi nói với họ, thể nào quán cũng được đưa lên... mạng. Hình như họ cũng không hiểu gì mấy "mạng" và "báo" có gì khác nhau.
Một tô như hình chụp đối với ăn sáng là khá no, giá bây giờ cũng là 25.000 đồng, hơn 1 đô la Mỹ chút đỉnh, nhưng chưa bằng 1 Euro, vẫn ngon bổ rẻ, mại dô...
Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010
Đi ăn sủi cảo.
Có người bạn quảng cáo món sủi cảo quá xá, mà muốn ăn phải chạy tuốt vào tận Quận 6 gần khu vực bến Trần Văn Kiểu xưa. Sủi cảo là một món ăn của người Hoa ở Chợ Lớn, thường là ăn kèm với mì hay hủ tíu mì. Món sủi cảo từa tựa như món hoành thánh, là một lớp bột mì mỏng bao bên ngoài nhân là tôm và thịt bằm, trong khi hoành thánh thường chỉ có thịt bằm. Hình dáng bên ngoài của món sủi cảo cũng hơi khác, dài dài và khá to (như hình chụp bên trên), còn hoành thánh thì túm túm nhỏ một cục. Rảnh rỗi bạn hú một tiếng thế là xách xe máy đi xực liền, bởi cái gì để lâu hay bị nguội.
Ông bà ta ngày xưa hay thiệt, trong bốn cái khoái của con người thì "ăn" là hạng nhất, rồi trong ba cái sành điệu khác thì món ăn Tàu cũng là hạng nhất (ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây). Xưa ở Saigon thì khu vực Chợ Lớn của người Hoa là nức tiếng ăn ngon, từ nhà hàng hạng nhất như Bát Đạt, Soái Kình Lâm, Đồng Khánh... cho đến những "cao lầu" nhỏ hơn chuyên bán hủ tíu mì giò cháo quẩy, sủi cảo, hoành thánh, bánh bao... mà ngày xưa bảng hiệu hay có chữ "ký" như "Tô ký", Tuyền ký"... thấp hơn nữa là mì gõ, chè cháo vỉa hè... muốn ăn cho ngon là phải phóng vào Chợ Lớn.
Bây giờ muốn ăn tô hủ tíu mì hoành thánh thì ở đâu trong đất Saigon này cũng có, Quận 1, 3, 7, 9... Hóc Môn, Nhà Bè... Nhưng mà hình như ăn cho ngon, cho đúng hương vị của người Hoa thì chỉ còn vài tiệm trong Chợ Lớn khu Quận 5, Quận 6 mà chủ nhân chắc chắn là người Hoa. Không biết những tiệm này có bí quyết gia truyền nấu nướng gì không, mà rõ ràng hương vị của tô mì hoành thánh, sủi cảo... ở những quán này khác những quán ăn của người Việt nơi các Quận khác. Những người bạn rất sành ăn đi ăn với tôi khi nói về điều này kết luận chắc nịch, ấy là tại cái món dấm khi ăn thì phải nêm vào một ít, chai dấm nho nhỏ này có nắp màu đỏ để phân biệt với cũng cái chai giống như thế mà nắp màu xanh là xì dầu. Nghe người bạn nói dấm này gọi là dấm xủ.
Một tô mì sủi cảo như các bạn thấy hình ở bên trên, to đùng, chất lượng, ăn từ 9 giờ sáng no luôn tới chiều chỉ có 25.000 đồng, so với hàng quán khu vực Quận 1, Quận 3 thì rõ ràng là rẻ hơn nhiều.
Ngon, bổ, rẻ, mại dzô... À quên, bạn nào muốn xực món sủi cảo này thì liên hệ với cô nàng Thuy (nói theo cách gọi của chị phungchau) nhờ dẫn đường (tôi chạy xe đi theo chẳng nhớ đường xá gì cả), "ních nêm" lovetolive...
Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010
Những chuyến phà.
Phà Thủ Thiêm nối giữa Q1 và Q2, nhìn từ phía Q1.
Vừa rồi đã đặt đốt hầm đầu tiên nối giữa 2 bờ sông Saigon, như vậy cũng chẳng còn bao nhiêu lâu nữa 2 bờ sông Saigon sẽ được nối liền, bởi con đường hầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, và ít ra cũng là đường hầm đầu tiên của khu vực bán đảo Đông Dương. Dù chỉ cách nhau một con sông vài trăm thước, có đường hầm này chắc phía bên Thủ Thiêm sẽ đổi khác, đời sống, văn hóa, không còn cách biệt quá xa với khu vực trung tâm Saigon như bây giờ.
Đặc thù của miền Nam là sông rạch tự nhiên, cùng một hệ thống kênh đào khá phong phú, từ xưa đến nay đã tạo cho khu vực một sự phát triển dựa chủ yếu vào sông rạch, những con sông đem lại phù sa, tưới tiêu cho đồng ruộng, khi xưa đường xá cầu cống chưa nhiều, giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân chủ yếu đi lại bằng ghe thuyền. Từ những chiếc xuồng ba lá, cho đến những chiếc ghe bầu chở hàng hóa, ngược dòng Mekong lên đến tận Nam Vang, Biển Hồ... Cho đến những tam bản gắn máy đuôi tôm chạy lạch bạch nơi sông rạch, những chiếc tắc ráng, vỏ lãi... chở khách ngược xuôi, và trong những phương tiện giao thông đường thủy ấy, có lẽ ai đã từng sống ở miền Nam (từ Saigon đổ về miền Tây), sẽ không bao giờ quên được những chuyến phà chở người, xe cộ, và hàng hóa qua những con sông.
Ngày xưa qua những con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Rạch Miễu... đều phải dùng phà, cách nay mấy chục năm thời tôi còn nhỏ đã thấy những chiếc phà sắt qua lại. Thời gian những chiếc phà được đóng to hơn, chắc chắn hơn, mỗi lần chở được cả mấy chục chiếc xe ô tô lớn nhỏ, cùng vài trăm hành khách. Nhưng cũng không phải chỉ có những con sông lớn mới có phà, những con sông nhỏ vì lý do nào đó không tiện làm cầu cũng phải dùng phà để qua, những chiếc phà ở đây thường nhỏ dễ bề xoay xở, được đóng bằng gỗ, cũng có khi chỉ là chiếc ghe được cải tiến lại đôi chút, mà thỉnh thoảng có dịp đi cùng chiếc xe gắn máy, lại khiến cho hành khách không quen thấy thót tim...
Thời trước năm 75 lâu lâu có dịp qua những chuyến phà miệt miền Tây nam bộ, như Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Vàm Cống (miền Nam gọi những bến phà là "Bắc")... tôi rất thích thú, một phần vì ít được nhìn thấy sông nước mênh mông như thế, phần khác đến Bắc phải xuống xe chờ phà qua, có khi cả mấy tiếng đồng hồ, hôm nào lỡ gặp đoàn "công voa" chuyển quân hay chở chiến cụ lại còn "khủng khiếp" hơn nhiều, chờ từ sáng đến chiều mới qua được Bắc. Thời gian chờ đợi đó phải xuống xe vào quán ăn uống nghỉ ngơi, hay la cà xem người ta buôn bán ở 2 bên bờ. Những bến phà miền Tây thường hay bán những đặc sản miệt vườn, kẹo dừa, kẹo chuối, bánh tráng sữa... trái cây như ổi, xoài, chôm chôm, mãng cầu... người miền Tây thật thà nhưng ở những bến phà như thế khách đi đường phải coi chừng, bởi hay mua phải trái cây hư (thường trái ngon làm mặt bên trên), hay cân thiếu, một ký còn có bảy lạng...
Những bến phà đã có cả trăm năm nay, tưởng sẽ tồn tại mãi, nhưng không dè cũng đã đến lúc cáo chung, những cây cầu hiện đại dần thay thế những chuyến phà, kể cả hầm ngầm đã được xây dựng, không phải qua phà, dĩ nhiên thời gian đi lại được rút ngắn, tiện lợi, lợi ích kinh tế hiển nhiên khỏi phải bàn, cuộc sống cũng văn minh hơn... Và những chuyến phà đã dần lùi vào dĩ vãng...
Sáng nay có dịp đi dọc theo đại lộ Đông Tây đang xây dựng, và ngang qua bến phà Thủ Thiêm nơi Quận 1, nhìn những chuyến phà ngược xuôi mà mai đây sẽ không còn nữa, lại thấy lòng chợt bùi ngùi...
Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010
Saigon tháng 3...
Bữa cơm trong một gia đình.
Gánh bún thịt nướng bên đường.
Công trường Quách Thị Trang trước chợ Saigon (chợ Bến Thành).
Chợ Cũ phía bên đường Hàm Nghi.
Tòa nhà trụ sở Công ty Hỏa xa nhìn xéo sang chợ Bến Thành.
Nhà thờ Đức Bà.
Công viên trước rạp Rex và trục đường Nguyễn Huệ, nhìn từ Tòa Đô Chánh.
Ảnh lớn là Thương xá Tax nhìn từ Eden, dãy kiosque trên đường Nguyễn Huệ, ảnh nhỏ là chiếc Velo Solex, phía sau là chiếc xe Huê Kỳ màu đen.
Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Thượng Nghị Viện, nơi Bến Chương Dương.
Những chiếc ghe neo đậu bên bờ kênh, trên nóc ghe có bàn thờ ông Thiên.
Saigon đã tháng 3, vẫn còn mùa xuân nhưng trời đã khá oi bức để chuẩn bị cho tháng 4, tháng 5 và suốt cả một mùa hè ngột ngạt, rồi sau đó là những cơn mưa bất chợt, ào ạt trong thành phố. Tôi có những ký ức suốt đời không thể nào quên trong những ngày tháng 3, tháng 4 này. Những ngày này của ba mươi lăm năm về trước, tôi vừa rời khỏi Kontum xuôi về miền duyên hải, trên liên tỉnh lộ 7, con đường có từ thời Pháp đã bị hư hỏng nặng vì chiến tranh và bỏ hoang, nối từ cao nguyên Trung phần xuống miền đồng bằng Phú Yên nhỏ hẹp, qua những nơi heo hút như Phú Bổn, Cheo Reo, Sơn Hòa, Sông Ba... Tôi sẽ không nói lại những gì đã trải qua, chứng kiến, trong suốt những ngày địa ngục ấy.
Khoảng thời gian 20 ngày để tôi về đến Saigon vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, 20 ngày di chuyển bằng xe nhà binh, cuốc bộ, bằng ghe thuyền, được trực thăng bốc ở giữa rừng, rồi leo lên xe lửa, và trong 20 ngày ấy là pháo kích, bom đạn, đụng độ, sợ hãi, đói khát và chết chóc... cho đến khi đặt chân đến Saigon, mới hay mình vẫn còn sống sót...
Saigon tháng 3, sáng nay nhận được Email của người bạn từ Mỹ, cùng những hình ảnh của những tấm bưu thiếp chụp về Saigon mấy mươi năm về trước. Bữa cơm của một gia đình bình thường, trong mâm cơm dễ dàng nhận thấy không có bóng dáng người cha, có thể cha của mấy đứa bé đang ngồi ăn cơm trên bàn ấy đang ở đâu đó vùng 1, vùng 2, hoặc đã ở... vùng 5 (tử trận), như cách gọi khôi hài thời ấy. Những hình ảnh khác, người bán hàng rong vỉa hè, công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, cảnh buôn bán ở chợ Cũ. Những tòa nhà như trụ sở Công Ty Hỏa Xa phía đường Hàm Nghi, Nhà Thờ Đức Bà, Thương xá Tax, Hội trường Diên Hồng của Thượng Viện, cùng những cảnh như xe ngựa, xích lô, xe Huê Kỳ, Velo Solex, ghe thuyền... của một Saigon cũ...
Saigon của một tháng 3 nóng bỏng, người từ các nơi trốn chiến tranh đổ về đông nghẹt, tôi lang thang buổi trưa trên phố chợt gặp người bạn thời còn đi học. Cái cảm giác vui mừng đổ ập. Sao? Cứ tưởng H. không về được. Cười, Cũng tưởng là như thế, cái số nó chưa tới. Bạn làm ở Tòa Đô Chánh gần đó, tin chiến sự tới tấp bay về, rối bời... Quán café Givral buổi trưa nơi góc Tự Do vẫn đông người, cả Tây, Mỹ... Tôi và bạn ngồi đó, bạn uống cacao sữa còn tôi café đen và cùng ăn mấy cái bánh croissant. Mấy năm rồi tôi và bạn không gặp lại. Tôi đi xa quá, chân trời góc biển sống chết vô chừng... Còn bạn ở thành phố học xong đại học ra đi làm... Bạn hỏi tôi nhiều thứ, tôi bây giờ trông khác với cái bộ quần áo kaki nhuộm đỏ đất basante trên người, rồi bạn cũng nói về chiến cuộc, nghe đâu người ta đang chuẩn bị cho một cuộc di tản ra nước ngoài... Buổi trưa qua đi, tôi và bạn đi bộ qua dãy phố đầy nắng, và đấy là lần cuối cùng tôi gặp lại bạn...
Cũng vẫn Saigon của một tháng 3, cũng vẫn cái nắng gay gắt, vẫn những quán café, vẫn bạn bè.
Thời gian lững lờ trôi...
Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010
Loanh quanh...
Mới đây cuối năm, tết, rồi sắp sửa hết một tháng giêng. Thời gian qua vun vút, người ta nói khi còn trẻ thời gian trôi qua như con ngựa đi bước một, tuổi trung niên thời gian như con ngựa phi nước kiệu, lúc về già thì thời gia trôi qua như con ngựa phi nước đại...
Mấy ngày hôm nay trời đất có vẻ bớt nóng hơn mấy ngày tết, nhưng cũng oi quá, đọc báo đâu đó hết nơi này đến nơi khác động đất, còn có cả sóng thần, số người chết lên đến hàng ngàn, hàng trăm ngàn... Ở trong nước rừng bốc cháy cả ngàn hecta, sông ngòi cạn kiệt, đến như sông Mekong nhiều nơi chỉ còn lấp xấp nước, nghe đâu tại các nước đầu nguồn thi nhau làm thủy điện. Trách chi "đàn anh" Trung Hoa làm mấy cái to tướng chặn dòng chảy, ảnh hưởng đến các xứ "anh em" nhỏ bé. Chỉ nguyên cái tỉnh Quảng Nam ở xứ ta thôi đã có khoảng 60 cái dự án thủy điện, 60 chứ không phải là 6 hay 8, làm sao mà không lũ lụt cuốn trôi cả một ngôi làng?
Chiều trôi qua, một quán café vắng, một nhà thương nhỏ nhưng đông nghẹt người, một đường phố ồn ào đầy ắp xe cộ... thời gian trôi, lững lờ như dòng nước đen của con kênh trong lòng thành phố. Cuộc đời vô thường, người ta nói như thế, rồi vô thường trở thành cái thường, bình thường và tầm thường. Đường vào chùa Hương không còn thấy rừng mơ, thay vào đó là những quán treo lủng lẳng thịt thú rừng, nai có, hoẵng có, cả chồn, nhím, lợn rừng, và người đến chùa sau khi chen lấn bở hơi tai, lễ bái, rải tiền lẻ, đốt và hít khói hương mù mịt, hân hoan ra về với niềm tin thăng quan tiến chức, ăn nên làm ra, cùng vài ký thịt rừng làm quà hay cho bữa nhậu sắp tới.
Một ngày sắp hết, cái đồng hồ quả lắc lên dây cót mấy mươi năm ở góc nhà buông những tiếng chuông chậm rãi, rời rạc...
Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010
Đá.
Hôm tết ở Hội hoa xuân có trưng bày những viên đá rất đẹp, đủ màu sắc, hình dạng, vân, hoa... Tôi có chụp một số, hôm nay đưa lên cho các bạn xem chơi, nói về người chán quá...