PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Những chuyến phà.

Photobucket

Photobucket

Phà Thủ Thiêm nối giữa Q1 và Q2, nhìn từ phía Q1.



Vừa rồi đã đặt đốt hầm đầu tiên nối giữa 2 bờ sông Saigon, như vậy cũng chẳng còn bao nhiêu lâu nữa 2 bờ sông Saigon sẽ được nối liền, bởi con đường hầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, và ít ra cũng là đường hầm đầu tiên của khu vực bán đảo Đông Dương. Dù chỉ cách nhau một con sông vài trăm thước, có đường hầm này chắc phía bên Thủ Thiêm sẽ đổi khác, đời sống, văn hóa, không còn cách biệt quá xa với khu vực trung tâm Saigon như bây giờ.

Đặc thù của miền Nam là sông rạch tự nhiên, cùng một hệ thống kênh đào khá phong phú, từ xưa đến nay đã tạo cho khu vực một sự phát triển dựa chủ yếu vào sông rạch, những con sông đem lại phù sa, tưới tiêu cho đồng ruộng, khi xưa đường xá cầu cống chưa nhiều, giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân chủ yếu đi lại bằng ghe thuyền. Từ những chiếc xuồng ba lá, cho đến những chiếc ghe bầu chở hàng hóa, ngược dòng Mekong lên đến tận Nam Vang, Biển Hồ... Cho đến những tam bản gắn máy đuôi tôm chạy lạch bạch nơi sông rạch, những chiếc tắc ráng, vỏ lãi... chở khách ngược xuôi, và trong những phương tiện giao thông đường thủy ấy, có lẽ ai đã từng sống ở miền Nam (từ Saigon đổ về miền Tây), sẽ không bao giờ quên được những chuyến phà chở người, xe cộ, và hàng hóa qua những con sông.

Ngày xưa qua những con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Rạch Miễu... đều phải dùng phà, cách nay mấy chục năm thời tôi còn nhỏ đã thấy những chiếc phà sắt qua lại. Thời gian những chiếc phà được đóng to hơn, chắc chắn hơn, mỗi lần chở được cả mấy chục chiếc xe ô tô lớn nhỏ, cùng vài trăm hành khách. Nhưng cũng không phải chỉ có những con sông lớn mới có phà, những con sông nhỏ vì lý do nào đó không tiện làm cầu cũng phải dùng phà để qua, những chiếc phà ở đây thường nhỏ dễ bề xoay xở, được đóng bằng gỗ, cũng có khi chỉ là chiếc ghe được cải tiến lại đôi chút, mà thỉnh thoảng có dịp đi cùng chiếc xe gắn máy, lại khiến cho hành khách không quen thấy thót tim...

Thời trước năm 75 lâu lâu có dịp qua những chuyến phà miệt miền Tây nam bộ, như Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Vàm Cống (miền Nam gọi những bến phà là "Bắc")... tôi rất thích thú, một phần vì ít được nhìn thấy sông nước mênh mông như thế, phần khác đến Bắc phải xuống xe chờ phà qua, có khi cả mấy tiếng đồng hồ, hôm nào lỡ gặp đoàn "công voa" chuyển quân hay chở chiến cụ lại còn "khủng khiếp" hơn nhiều, chờ từ sáng đến chiều mới qua được Bắc. Thời gian chờ đợi đó phải xuống xe vào quán ăn uống nghỉ ngơi, hay la cà xem người ta buôn bán ở 2 bên bờ. Những bến phà miền Tây thường hay bán những đặc sản miệt vườn, kẹo dừa, kẹo chuối, bánh tráng sữa... trái cây như ổi, xoài, chôm chôm, mãng cầu... người miền Tây thật thà nhưng ở những bến phà như thế khách đi đường phải coi chừng, bởi hay mua phải trái cây hư (thường trái ngon làm mặt bên trên), hay cân thiếu, một ký còn có bảy lạng...

Những bến phà đã có cả trăm năm nay, tưởng sẽ tồn tại mãi, nhưng không dè cũng đã đến lúc cáo chung, những cây cầu hiện đại dần thay thế những chuyến phà, kể cả hầm ngầm đã được xây dựng, không phải qua phà, dĩ nhiên thời gian đi lại được rút ngắn, tiện lợi, lợi ích kinh tế hiển nhiên khỏi phải bàn, cuộc sống cũng văn minh hơn... Và những chuyến phà đã dần lùi vào dĩ vãng...

Sáng nay có dịp đi dọc theo đại lộ Đông Tây đang xây dựng, và ngang qua bến phà Thủ Thiêm nơi Quận 1, nhìn những chuyến phà ngược xuôi mà mai đây sẽ không còn nữa, lại thấy lòng chợt bùi ngùi...

17 nhận xét:

  1. Nỗi ngậm ngùi không chỉ riêng ai. Bài viết này nghiêng về kiến thức khảo cứu, còn UV thì thiên về cảm xúc, xin góp thêm vào đây như lời tạm biệt những chuyến phà.

    KẺO TRỄ CHUYẾN PHÀ ĐÊM

    Rồi cũng như Mỹ Thuận, như Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông sẽ nối những bờ vui, những chiếc cầu tráng lệ sẽ giúp hành trình rút ngắn , thuận lợi và an toàn hơn nhiều lắm những chuyến phà. Cớ sao lòng bâng khuâng khó tả - là tiếc, là nhớ, là bịn rịn…hay một điều gì lúng túng khi gọi thành tên.

    Không hiểu sao tôi yêu những chuyến phà, hay vì mỗi lần qua phà thì tôi được về với Tây Đô, với vùng trời yêu dấu. Tôi tiếc không còn nhìn thấy hình ảnh dòng người,xe hối hả theo nhau trôi vào lòng con phà bầu bĩnh, trông chậm chạm và hiền lành, tôi nhớ cảm giác hơn 5 phút ngoái trông vào bờ khi phà từ từ tách bến, rồi gần 30 phút thả mắt vào mênh mông nước, thênh thang trời , bơ vơ những giề lục bình chìm nổi và mong manh những chiếc xuồng bé nhỏ giữa dòng trôi…

    Có ai từng đứng trước bao la của sông Hậu để cảm nỗi cô đơn, có ai từng chậm vài phút mà trễ mất một chuyến phà, có ai từng nghe tiếng sóng ì oạp vỗ về , tiếng máy ì ầm của những chuyến phà khuya… thì mới thấy việc vắng bóng những con phà đã để lại lòng mình một khoảng trống, vừa đủ cho một nỗi quan hoài.

    Bao nhiêu người cặm cụi đêm hôm để vận hành phà rồi sẽ chuyển sang công việc khác hay nghỉ ngơi sau nhiều năm lao khổ với nghề, duy những con phà rồi sẽ về đâu sau khi hoàn thành sứ mệnh của chúng ? tôi bâng khuâng tự hỏi rồi tự an ủi mình, chắc là lại đến một nơi nào đó, nơi những nhịp cầu chưa đủ sức vươn xa…

    Tết này mới qua phà Hàm Luông, chuyến phà xuân cuối cùng, rồi qua phà Cổ Chiên nữa nhưng giờ tự nhiên muốn về Cần Thơ quá, muốn một lần nữa hít thở gió thơm hương phù sa sông Hậu, muốn một lần nữa chênh chao trên ngọn sóng hiền hòa, muốn một lần nữa nghe tiếng còi giục giã của những chuyến phà không ngủ…trước khi đánh rơi những buổi chiều trong trẻo của xuân thì vào cuồn cuộn sóng thời gian.(luv)

    Trả lờiXóa
  2. Bác làm nhớ tới những chiếc xe thổ mộ ngày xưa nữa cơ đấy,ngồi trên xe nghe tiếng móng ngựa nhịp lọc cọc trên đường,hai băng ghế,mỗi băng 4 người,ngồi đấu lưng nhau,quang gánh thì treo tòn teng phía ngoài,ôi nhớ quá cái tuổi thơ xưa, ...Ôi chào,mấy ông bà lão hoài cổ, he he...

    Trả lờiXóa
  3. Tối qua, tình cờ lục thấy một tấm hình chụp một con đường vào khoảng thời gian đầu những năm 90. Định sẽ cho bạn PNH xem, và nếu được, PNH chụp lại đúng nơi đó hình ảnh bây giờ, để xem cảm nhận của PNH ra sao. Một con đường rất quen với PNH ...
    Để thử xem có phải người ta không dễ dàng vượt qua quán tính, trong mọi trường hợp (?!)

    Trả lờiXóa
  4. nhung cam giac ngam ngui cua cac ong ba lao , dung là cam xuc cua cai tao hoa thien nhien
    toi dung ngoai nhin vao nhu là dang ngam mot buc tranh cua thoi gian va cung tiec là minh khong co song cung hoan canh de co cung chung cam xuc !

    Trả lờiXóa
  5. Những chuyến phà ngày xưa đã trở thành kỷ niệm. T nhớ đến những người sống gắn bó với bến phà , nhớ những lần về miền tây phải vài lần qua bắc .Được sống qua hai thời kỳ, chứng kiến nhiều sự thay đổi nên trong lòng có những hoài niệm như thế là điều không tránh khỏi. Chỉ sợ các em sau này không còn điều gì để nhớ mới là điều đáng nói, phải không anh Hiệp ?

    Trả lờiXóa
  6. @uyenvan, cám ơn bạn đã ghé chơi.

    Trả lờiXóa
  7. @lovetolive, @phungchau, ôi những con người hoài cổ chứ không phải hoài... mình hay... cẳng, hehe!

    Trả lờiXóa
  8. @ngocthuan1812, tụi nhóc bây giờ vài mươi năm nữa rồi sẽ nhớ những cái khác, hihi!

    Trả lờiXóa
  9. Nhớ ngày xưa mỗi lần qua phà Bắc Mỹ Thuận, Zip thích đứng nhìn những đám lục bình xanh ngát tím hoa trôi bập bềnh nhẹ nhàng trên sóng nước...

    Trả lờiXóa
  10. Bu đã từng đứng trên chuyến phà Gianh cuối cùng khi cầu Gianh thông xe, cũng bùi ngùi như PNH vậy. Có lẽ phải tìm cách đi chuyến phà Thủ Thiêm cuối cùng ...Mà Phà sắp cáo chung mới tự hỏi tại sao lại có từ PHÀ nhỉ. Nó không phải là từ Hán Việt.

    Trả lờiXóa
  11. Thoi ! em thi so cai gi di qua song nuoc lam nen Pha hay ham gi chac em ko dam di dau hehhehehehhe......coi vay ma nhat qua ha anh :D

    Trả lờiXóa
  12. Bến phà Cần Thơ nổi tiếng cũng sắp hết vai trò rồi bác nhỉ?
    Sự phát triển của xã hội sẽ làm mất dần đi nhiều thứ tưởng như không bao giờ mất. Người già hay buồn vì thế, cuộc đời dâu bể, đâu có đứng yên...
    Nhìn con phà Thủ Thiêm của bác yêu quá, hôm nào vô em phải đi một chuyến sang bên kia mới được.

    Trả lờiXóa
  13. @zipposgvn, có ngay hoa lục bình cho bạn zip.

    Trả lờiXóa
  14. @bulukhin, hình như những từ phà, đò, ghe... không phải từ Hán Việt, bác Bu thử nghiên cứu xem từ đâu ra?

    Trả lờiXóa
  15. @torovn, @bulukhin, thì hôm nào 2 bác đáo Sè gòong một chuyến để anh em mình cỡi phà Thủ Thiêm chơi.

    Trả lờiXóa
  16. @phuongvu, chắc phuongvu mạng hỏa nên mới ngán sông nước? Tôi mạng thủy nè, heheheheee!

    Trả lờiXóa
  17. nhac den nhung chuyen pha Chieu kim nho nhung ngay con nho theo Me ve mien tay ca mau can tho deu phai di qua bac My Thuan va Bac Can Tho moi lan di ngoi tren xe so lam so xe no chay tuot xuong song hahahaha. cho nen thuong hay xin Me dzan xuong nhung Me dau co cho tai vi xuong de gio sach tren xe 1 lat len la bi rach lay mat do het . Cho nen danh phai ngoi tren xe thoi nhung rat so , va moi lan ngoi tren xe da len duoc chiec bac thi co 1 co ca si ten Nhung thi phai co ta mat bi tat acid truoc nguc thi dep 1 tam hinh dep lam ngoi voi 1 ong linh chong cua nguoi ta gio lon len nghi cung toi cho co ta . Hoi xua nhin thi chi biet so thoi .va nhung quan canh buon ban tren bac nguoi ta gianh nhau ban chup giut lam va chui nhau cung nhieu . thich nhat la nhung cay mia ghim trong rat dep nhung hiem khi duoc Me mua cho an vi me noi khong co sach :)

    Trả lờiXóa