PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Nuôi cá.

Ảnh trên mạng.

Trong nhà tôi có nuôi vài con cá lia thia trong mấy cái keo (lọ) thủy tinh nhỏ, cá lia thia là loại cá đá của trẻ con ngày xưa chơi, không phải là loại cá kiểng của người lớn thả trong mấy cái bể kiếng lớn hay thấy ở phòng khách, cá lia thia không thả chung được với nhau như những con cá kiểng khác, vì chúng rất hiếu chiến, thả chung chúng sẽ cắn nhau chí tử cho đến chết, cho nên mỗi con phải để riêng một cái keo, tới chừng đặt hai cái keo cạnh nhau, chỉ thoáng thấy bóng dáng thôi là chúng đã quẫy đuôi, phùng mang trợn mắt...

Tôi đã kể chuyện nuôi cá, đá cá lia thia hồi nhỏ, ở một hai entry cũ, cũng như đá dế vậy, trẻ con ngày xưa nào không thích..., cho nên tôi sẽ kể một câu chuyện nho nhỏ khác cũng về nuôi cá, của một người quen... Tôi có người quen có một bể cá khá đẹp đặt ở phòng khách, trong đó có những con cá vàng, cá ông tiên, cả mấy con cá dĩa xanh đỏ nghe nói khá mắc tiền, và những cây thủy sinh trồng trong bể cá. Người quen này thỉnh thoảng nhìn ngắm mấy con cá bơi lội, họ nói ngắm nhìn chúng thấy nhẹ bớt cái đầu, điều này là hẳn nhiên, một vài lần ghé tôi cũng hay ngắm nhìn những con cá bơi lội trong bể, nó cho ta một cảm giác nhẹ nhàng... Tuy nhiên cũng còn một lý do khác mà người quen của tôi có bể cá trong nhà , ấy là chuyện phong thủy, nghe nói đặt bể cá trong nhà là tốt, tôi không rành chuyện này.

Hôm qua có việc ghé thấy bể cá trống trơn, chỉ còn mấy con cá hồng kim nhỏ xíu bơi lội, người quen nói, xui quá cá mới chết hết trơn rồi, rồi anh ta nói tự nhiên mấy hôm trước cả một bể cá lăn đùng ra chết, đem nói chuyện với bạn bè thì có người nói, đúng là xui xẻo rồi, đang nuôi đám cá khỏe mạnh đẹp thế mà chết hết là xui lắm đấy. Là dân buôn bán làm ăn, điều này làm anh ta càng cảm thấy lo lắng, nhưng rồi cũng có người bạn khác nghe chuyện lại bảo, kể ra như vậy là số anh có xui xẻo thật, nhưng nguyên bể cá của anh chết là nó gánh vận xui cho anh, của đi thay người mà... Nghe nói thế cũng có lý anh ta cũng cảm thấy bớt lo đôi chút. Nghe chuyện xong tôi hỏi anh ta, thế nguyên nhân vì sao cả bể cá của anh lại chết như thế, anh ta nói chẳng hiểu, chỉ biết là sau một đêm thì cá trong bể nổi phơi bụng hết ráo. Tôi sợ anh ta mới thay nước trong bể cá, có khi nước máy có nhiều chất Clor sát trùng quá cá chịu không nổi chết chăng? Anh ta bảo không thay nước nhưng sực nhớ bình thường anh vẫn cho cá ăn lăng quăng và trùn chỉ, mua ở mấy tiệm bán cá, ăn như vậy nước trong bể mau dơ, nên hôm trước khi cá chết anh đã thay bằng thức ăn viên bán sẵn ở tiệm...

A, như vậy thì có thể đó là lý do bể cá của anh bạn quen "tiêu" hết cá. Cách nay ít lâu hàng xóm bên kế nhà tôi có nuôi 2 con chó, đang cho ăn cơm thừa canh cặn không sao, một hôm đi siêu thị thấy bán thức ăn đóng hộp cho chó thử mua về cho ăn, qua đến hôm sau cả 2 con chó lăn quay ra chết. Tôi nói cho anh bạn quen biết điều ấy và nói, như vậy cũng chẳng phải hên xui gì, chẳng qua cá không quen thức ăn mới, những con cá kiểng nuôi trong nhà càng mắc tiền càng khó tính, có khi nguồn nước, hay nguồn thức ăn khác lạ là chúng chết như chơi, anh bạn quen có vẻ nghe ra nói, ngày mai anh ta lại đi mua và nuôi một bể cá mới, và anh ta sẽ chú ý đến những điều ấy...

 

 

--> Read more..

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Gạch Chăm và Gốm Chăm.

Ở mấy entry trước tôi có lên mạng tìm kiếm những thông tin về những tháp Chăm ở Việt Nam, tháp bên Angkor, 2 ông bạn Bulukhin và Toro có vào và nhắc đến gạch xây tháp của người Chăm, gọi nôm na là gạch Chăm, về kỹ thuật làm ra gạch, chạm khắc trên gạch... Nói đến tháp Chăm mà không nhắc đến gạch Chăm là một thiếu sót lớn, thế là lại mày mò tìm kiếm những thông tin trên mạng về gạch Chăm... Thông tin về tháp Chăm còn dễ tìm chứ thông tin về gạch Chăm thì quả thật rất ít, rời rạc, mù mờ không có gì rõ ràng..., đến như trang mạng phổ thông Wikipedia cũng chưa có bài viết nào về gạch Chăm cả, ráng tìm cũng được một vài thông tin... Còn về gốm Chăm thời may tôi có quen với một gia đình làm đồ gốm Chăm tại làng Bàu Trúc Ninh Thuận, và đã mấy lần ghé chơi xem họ làm gốm, chụp hình ảnh... Cách nay vài ngày người bạn Chăm ở Bàu Trúc có điện cho tôi nói đang dịp lễ Ka Tê của người Chăm (tương tự như tết Nguyên đán nơi người Việt) và rủ tôi hôm nào rảnh ghé chơi, mấy năm trước tôi đã có dịp ghé họ nhân ngày lễ Ka Tê, lên tháp Poklongarai xem lễ với họ, và có ăn một bữa cơm đầu năm với gia đình, bạn nói người Chăm rất thích khi đầu năm có người quen ở xa đến chơi như thế...

Ảnh trái: những cô gái Chăm bên tháp Poklongarai - Ninh Thuận.

1/- Gạch Chăm: trước hết ta cứ tạm xem gạch Chăm làm tháp là sản phẩm của chính người Chăm, đây là một loại gạch khá đặc biệt bởi mấy yếu tố cơ bản:

- Cùng một kích cỡ với các loại gạch khác thì gạch xây tháp Chăm chỉ bằng 60% trọng lượng, gạch Chăm nhẹ và xốp hơn.

- Khi gạch là một khối với tháp bền vững qua cả ngàn năm, lúc nào cũng như gạch mới, nhưng nếu tách rời viên gạch Chăm khỏi tháp, để riêng rẽ viên gạch rất mau đổi màu và vỡ vụn.

- Ít bị rêu bám hơn các loại gạch khác.

Về trọng lượng gạch nhẹ chỉ bằng 60% trọng lượng và xốp hơn các loại gạch khác cùng kích cỡ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đất sét để làm gạch được trộn thêm rơm rạ băm nhỏ. Tuy nhiên nếu làm theo cách này thì chắc chắn khi nung gạch rơm rạ sẽ bị cháy để lại vết than trên gạch, hoặc khi viên gạch vỡ vụn dễ nhìn thấy dấu vết rơm rạ.

Gạch luôn mới khi là tháp, còn khi tách rời khỏi tháp mau xuống màu và vỡ vụn, nhiều ý kiến cho là do gạch nhẹ và xốp nên gạch dễ hút ẩm, hút nước (từ đất dưới chân tháp, hoặc nước mưa...), nên gạch luôn ẩm, gạch Chăm do đó là gạch "sống", khi tách khỏi tháp không còn độ ẩm thích hợp gạch dễ xuống màu, bị vỡ.

Gạch Chăm ít bị đóng rêu hơn các loại gạch khác, nhiều ý kiến cho rằng cũng do nguyên nhân hút ẩm tốt, nên bề mặt viên gạch ít bị đọng nước, rêu khó phát triển.

Ảnh phải: những thày cả của người Chăm đạo Bà La Môn bên ngôi tháp Poklongarai trong ngày lễ Ka Tê.

Cách nay ít năm ở Quảng Nam, quê hương của những ngôi tháp Chăm có ông Lê Văn Chỉnh, thuở nhỏ chăn bò bên tháp Chăm Khương Mỹ, tuy chẳng giàu có gì nhưng khi đã có tuổi ông đã bán cả gia sản ít ỏi để nghiên cứu cách làm gạch và xây tháp Chăm, sau cả 20 năm mày mò nghiên cứu, qua bao nhiêu thất bại, ông đã chế tác ra được loại gạch xây tháp, về gạch ông trộn đất với những chất phụ gia, trong đó có nhựa cây Bời lời là một loại cây có nhiều tại địa phương, sau đó đất được nung thành gạch. Ông đã xây được hẳn một ngôi tháp tại nhà hàng Apsara ở Đà Nẵng, và thêm 2 ngôi tháp khác tại khu du lịch Suối Lương ở nam Hải Vân,  theo đúng như kỹ thuật không dùng mạch vữa liên kết những viên gạch, bằng cách mài nhẵn những mặt gạch tiếp xúc với nhau, bột gạch khi mài ra được hòa với nước thành một chất keo để "dán" những viên gạch lại với nhau. Tiếc là ông đã mất năm 2005 sau khi thực hiện xây xong những ngôi tháp kể trên. Không biết ông Chỉnh có truyền lại bí quyết làm gạch và xây tháp cho ai không?

Ngoài gạch Chăm của ông Lê Văn Chỉnh, cũng còn có một đơn vị nữa (Công ty Cổ phần gốm sứ La Tháp Duy Hòa - Duy Xuyên) làm ra được những viên gạch Chăm "tiêu chuẩn Italia" (do đã được nhóm chuyên gia Italia trong nhóm nghiên cứu phục chế khu tháp chăm Mỹ Sơn thẩm định chấp nhận, và đưa gạch vào làm vật liệu phục chế tháp Mỹ Sơn). Gạch của Công ty này "cao cấp" hơn là gạch của ông Chỉnh ở chỗ được nung bằng lò gas, lò điện, trong khi gạch của ông Chỉnh nung bằng lò thủ công đắp tại nhà, nung gạch bằng than củi...

Ảnh trái: một phụ nữ người Chăm đang làm bình gốm tại làng Bàu Trúc.

2/- Gốm Chăm: Tôi đã được đến làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận, nơi gia đình người bạn Chăm đang sản xuất các sản phẩm gốm Chăm, để xem họ nhồi đất, làm ra sản phẩm gốm như bình, phù điêu, tượng... theo đúng truyền thống từ ngàn xưa của họ. Người Chăm theo mẫu hệ, và đặc điểm của họ là chỉ có phụ nữ trong làng sản xuất ra gốm, nam giới chỉ phụ họ trong việc đánh xe bò đi lấy đất sét ở cách làng ít cây số, hoặc nhồi đất để làm gốm. Đất làm gốm của họ sau khi lấy về được phơi khô giã vụn, rây loại bỏ các tạp chất, đất không để nguyên nhồi mà được trộn với một loại cát mịn trong khu vực theo một tỉ lệ thích hợp với từng loại sản phẩm, có lẽ theo cách pha trộn này nên gốm Chăm nhẹ và xốp (cũng tương tự như gạch Chăm, bình của người Chăm khi đổ nước rất mau hút nước vào thành bình). Người phụ nữ Chăm tự tay làm ra sản phẩm chứ không phải cánh đàn ông, đáng kinh ngạc là cách làm của họ hình như không thay đổi từ cả ngàn năm nay, như trong hình tôi chụp họ không hề dùng bàn xoay, để làm cái bình tròn họ đi vòng quanh khối đất sét, nặn cho đến khi thành hình dáng bình... bằng cách làm này sản phẩm của họ coi vậy mà không giống nhau, mỗi một sản phẩm là một tác phẩm...Trong tay người phụ nữ làm gốm ngoài đất, chỉ có vài mảnh tre, vòng tre, mảnh vỏ sò... là công cụ trợ giúp cho họ tạo nên những hoa văn trên sản phẩm.

Ảnh phải: sản phẩm gốm Chăm.

Cách nung gốm của họ cũng đơn giản không kém, chẳng hề có lò nung, sản phẩm làm ra được phơi vài nắng cho khô, họ đào một cái hố nông nông ngay ngoài sân đất vườn nhà, chất vào đấy rơm, rạ, củi và những sản phẩm gốm, cứ một lớp củi, rơm rạ một lớp gốm, rồi nổi lửa đốt như... hướng đạo sinh đốt lửa trại, có lẽ không nung bằng lò  và đốt lửa ngoài trời, nên nhiệt độ nung không cao, khi tàn hết củi lửa là hoàn tất mẻ sản phẩm, vì nung bằng cách ấy nên gốm Chăm không bao giờ đều, chỗ đất bị cháy màu đen, chỗ ít lửa hơn màu nhạt... Có lẽ do nhiệt độ nung gốm Chăm ngoài trời không cao như cách nung gốm trong lò của người Việt, nên gốm của họ không biến thành sành, hoặc không quá "chín", và có lẽ cũng do đất làm gốm được trộn thêm cát, nên gốm của họ nhẹ và xốp hơn, dễ thấm nước...

Ảnh trái: một phù điêu thần Brahma, vị thần Sáng tạo của đạo Bà La Môn, đầu 3 khuôn mặt là của thần Brahma, thân mình là hình dáng Apsara.

Còn về cách chạm hay điêu khắc hình ảnh, hoa văn lên gạch, hoặc phù điêu như 2 ông bạn Bulukhin và Toro đã nêu ở comments trong entry trước, người Chăm xưa chạm khắc lên gạch khi gạch đã xây thành tháp, hay khi chưa xây? Và chạm khắc khi viên gạch còn ướt (mềm) hay đã phơi khô hay đã nung thành gạch? Không hiểu người Chăm xưa chạm khắc trên sản phẩm của họ ra sao? Chứ tôi thấy ở sản phẩm như tấm phù điêu ảnh bên của người bạn Chăm tặng, khi làm họ nhồi đất làm ra cái mặt phẳng chứa hình ảnh vị thần, sau đó lấy đất ướt nặn thêm chân tay, đầu, mặt... Ngay khi đất còn ướt họ hoàn chỉnh bằng những dụng cụ thanh tre, vòng bằng tre, hoặc vỏ sò (để in những đường nét hoa văn lên sản phẩm)... và sau đó phơi khô nung như bình thường... Quả thật với những dụng cụ và kỹ thuật rất đơn giản, thậm chí thô sơ, không thay đổi cả ngàn năm nay, người thợ gốm Chăm (những phụ nữ) đã làm ra được những sản phẩm rất nghệ thuật...

Ảnh phải: tượng và bình gốm Chăm, trên thân gốm thấy rõ những vết lửa nung không đều.

Trở lại những viên gạch ngày xưa được dùng để xây dựng những tháp Chăm đã tồn tại cả ngàn năm nay, có phải những viên gạch này được chế tác bằng phương pháp hoàn toàn thủ công như những sản phẩm gốm của người Chăm còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Cách nung gạch của họ rõ ràng là không dùng lò nung, bởi nếu có lò để nung gạch, chắc chắn người ta sẽ tìm ra dấu vết của những lò nung này đâu đó gần nơi những ngọn tháp, người Chăm xưa có lẽ cũng không dùng khuôn để đóng gạch, hoặc có khuôn trang trí hoa văn để khi đóng thành gạch họ có được những viên gạch có hình ảnh các vị thần, hoa văn họa tiết giống hệt nhau... Bằng những phương pháp rất thủ công mà họ đã chế tác ra được những viên gạch Chăm, hoặc những bi ký để ghi chép lại lịch sử của họ, còn tồn tại qua hàng ngàn năm bị chôn vùi, thật đáng để khâm phục...

--> Read more..

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Đến Angkor.

Mùa hè năm ngoái tôi đã được đến Angkor theo một tour du lịch, Angkor bây giờ thuộc tỉnh Siem Reap của xứ chùa tháp Cambodia, tour du lịch thường đưa du khách đến Angkor Wat và Angkor Thom, kinh đô xưa của vương quốc Khmer, 2 địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới, nơi có những đền tháp, tượng đài, phù điêu... được xây dựng bằng đá kỳ công và tuyệt mỹ, miêu tả nền văn minh rực rỡ một thời của người Khmer, tuy nhiên cũng nằm gần 2 khu đền Angkor kể trên, chỉ cách vài cây số, còn có những khu đền tháp khác với quy mô nhỏ hơn, có cả những ngôi tháp xây bằng gạch đất nung trông rất giống với những ngôi tháp Chăm ở Việt Nam. Tưởng ở Angkor chỉ có những ngôi tháp gạch như thế, hôm qua ông bạn Bulukhin cho biết vẫn còn có ngôi tháp khác nữa là Damrei Krap tại Kulen. Lại lên mạng lục lọi tìm kiếm...

- Tháp Damrei Krap (ảnh trái, trên mạng).

Những thông tin và hình ảnh về tháp Damrei Krap không nhiều bằng những tháp tại khu vực trung tâm Angkor như Bakheng, Bakong, Preah Ko, Lolei... mà tôi đã có dịp nhắc đến ở một vài entry trước, chỉ là nhữmg thông tin rời rạc trên mạng, tuy nhiên cũng cho chúng ta biết một vài điều...

Khu tháp Damrei Krap thuộc khu vực núi Kulen, nằm trong một khu rừng già, vốn có tên núi là Mahendraparvata, là một địa điểm linh thiêng, một thánh địa đối với người Khmer, được vua Jayavarman II xây dựng vào đầu thế kỷ thứ IX (năm 802), cả khu đền Kulen có tất cả 37 ngôi đền, chùa cổ... và rất nhiều tượng. Kulen cách trung tâm Siem Reap khoảng trên năm mươi cây số, thuộc địa phận các huyện Svay Leu và Varin của Siem Reap.

Tháp Damrei Krap (ảnh phải, trên mạng).

Tôi không tìm ra đuợc thông tin nói rõ tại khu đền này có bao nhiêu ngôi tháp gạch có hình dáng tương tự như tháp Chăm ở Việt Nam, nơi đây có rất nhiều tượng, ngoài bức tượng Phật được tạc thẳng vào núi đá, phần thân tượng dài 9,7m, cao 3,3m, tương truyền để xây dựng được Angkor người Khmer đã được các vị thần giúp sức, còn lưu lại dấu chân phải dài 2m, sâu 0,4m theo truyền thuyết là dấu chân đầu tiên của thần, và dấu chân trái nằm trên đỉnh Bakheng.

Tại Kulen, vua Jayavarman II đã tuyên bố độc lập tách ra khỏi Java, lập ra vương quốc Khmer mà Kulen là kinh đô đầu tiên. Thời gian và chiến tranh đã tàn phá nặng nề những kiến trúc tại Kulen, cuộc chiến vào những năm 1980 - 1990, cũng như tại khu vực Angkor Wat và Angkor Thom, Khmer đỏ đã chọn nơi đây làm cứ địa vì địa thế rừng núi hiểm trở.

Tượng tại khu đền Kulen (ảnh trái, trên mạng).

Tuy nhiên ở khu vực Kulen không chỉ có những ngôi đền, tháp, tượng...còn có dòng suối Kban Spean hay còn được gọi là Sông ngàn linga,  nổi tiếng với những linga, phù điêu, tượng nằm dưới dòng nước suối trong vắt, Kulen là một nơi được nhiều du khách và người Cambodia bản địa thăm viếng.

Thác nước tại suối Kban Spean (ảnh phải, trên mạng).

- Suối Kban Spean (sông ngàn linga).

Năm 1050, vua Khmer Suryavarman I cho ngăn con suối trên đỉnh núi để thực hiện bức tranh điêu khắc đá dưới lòng suối, với hàng ngàn linga, cùng các phù điêu được tạc trực tiếp vào đá rất tinh vi về các tuợng thần Deva và các vũ nữ Apsara.

Yoni dưới lòng suối (ảnh trái, trên mạng).

Tại thượng nguồn dòng suối có nhiều phiến đá khổng lồ chạm trổ nữ thần sắc đẹp Laksmi vô cùng sống động. Phải mất hơn 100 năm công việc mới hoàn thành, cho đến bây giờ người ta cũng không biết tại sao những người Khmer xưa lại tạo ra được công trình tuyệt tác như thế... Nếu có lần nào  khác trở lại Angkor, chắc chắn tôi sẽ tìm đến khu vực Kulen để ngắm những kiệt tác xưa này của dân tộc Khmer...

 

Điêu khắc trên đá dưới lòng suối (ảnh trái, trên mạng).

 

 

 

 

Điêu khắc trên đá (ảnh phải, trên mạng).

 

 

 

 

 

 

Những nhà sư bên suối (ảnh trái, trên mạng). 

 

 

 

 

--> Read more..

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Một vài nét tương quan giữa tháp Chăm và tháp gạch Angkor.

Vừa qua, từ một câu hỏi của anh bạn TORO với ông bạn Bulukhin về liên quan giữa những tháp Chăm và những ngôi tháp xây bằng gạch ở Angkor (sau đây tôi sẽ dùng từ tháp Angkor cho tiện), cụ thể là tại khu đền Bakheng khi bạn TORO đi thăm đã nhìn thấy. Tôi cũng đã được nhìn thấy những tháp gạch này khi đến Angkor như TORO, cũng thắc mắc như thế, nên thử tìm tòi, và quả thật có những điều thật lý thú.

Tại Angkor, không chỉ có những tháp gạch tại khu đền Bakheng, mà còn một số tháp nữa tại đền Bakong, Preah Ko, Lolei cách đền Bakheng không xa, cùng nằm trong quần thể kiến trúc Angkor, tôi cũng đã thử tìm hiểu nhiều thông tin khác thì hình như ở Cambodia chỉ ở Angkor kinh đô xưa của vương quốc Khmer mới có những ngôi tháp gạch tương tự tháp Chăm. Những ngôi tháp này được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX (niên đại thế kỷ thứ IX), tập trung trong khoảng 20, 30 năm.

Những tháp Chăm bây giờ còn nhìn thấy trên dải đất miền Trung Việt Nam thì khác hẳn, được xây dựng khá sớm vào khoảng thế kỷ thứ VII cho đến tận thế kỷ thứ XVII, trong suốt một thời gian dài cả ngàn năm, và gồm đến 8 phong cách (phong cách Mỹ Sơn, phong cách Bình Định, phong cách Đồng Dương, phong cách Trà Kiệu, phong cách Khương Mỹ...), thế thì so sánh tìm những mối tương quan (liên quan) giữa tháp Chăm và tháp Angkor thế nào cho hợp lý? May mắn tôi đã tìm được những thông tin về một cụm tháp Chăm được xây dựng cùng một thời kỳ với tháp Angkor, đó là cụm tháp Chăm Khương Mỹ ở Quảng Nam ngày nay, tháp Khương Mỹ đã được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX và đầu thế kỷ thứ X.

Tháp Chăm Khương Mỹ (ảnh trái)

Tháp Khương Mỹ ngày nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam. Cụm tháp Khương Mỹ gồm 3 tháp xếp thành hàng ngang theo trục Bắc Nam, đây là tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, được cho là thờ thần Vhisnu của đạo Hindu, mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên cùng bằng sa thạch. Theo trang mạng Thông tin điện tử Quảng Nam thì tháp Khương Mỹ là tháp Chăm duy nhất ở miền Trung có thân tháp được trang trí theo mô típ nghệ thuật Khmer. Theo trang mạng điện tử Huyện Phú Ninh - Quảng Nam, đặc biệt quanh chân tháp có 17 khối sa thạch có điêu khắc độc đáo, đây là những khối đá có công năng bao giữ phần chân đế bằng gạch của tháp. Trang mạng này cũng cho biết những hoa văn thảo mộc cành lá uốn cong vểnh lên phía đầu mút, lá có rãnh sâu, các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi những đường chéo và những đóa hoa cách điệu... là nghệ thuật đặc trưng Khmer ở vào cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X.

Tháp Preah Ko trong quần thể di tích Angkor (ảnh phải).

Preah Ko là cụm di tích gồm 6 tháp được xây thành 2 hàng mỗi hàng 3 tháp, thờ thần Shiva của đạo Hindu. Nền móng chân tháp là bằng sa thạch, do vua Indravarman I xây dựng.

 

Tháp Lolei trong quần thể di tích Angkor (ảnh trái).

Tháp Lolei có kiến trúc gần giống như tháp Preah Ko và Bakong, thờ thần Shiva và hoàng tộc, cũng gồm 3 cụm tháp nhưng không xếp thành hàng ngang, được xây dựng gần như hoàn tất dưới thời vua Indravarman I, sang đến thời vua Yasovarman.

 

Những nét tương quan giữa tháp Chăm và tháp Angkor có cùng một thời kỳ xây dựng: so sánh về kiến trúc giữa tháp Chăm và tháp Angkor trích dẫn kể trên, chúng ta nhận thấy, về hình dạng tháp  gần như hình vuông giống nhau, đỉnh mái tháp cũng gồm nhiều tầng lên cao nhỏ dần, tháp Khương Mỹ là một cụm 3 tháp thành hàng ngang, tháp Preah Ko gồm 6 tháp nhưng được chia thành 2 cụm mỗi cụm 3 tháp dàn hàng ngang như tháp Khương Mỹ, cùng thờ thần đạo Hindu, về xây dựng tháp Chăm Khương Mỹ và tháp Angkor cùng kết hợp giữa đá sa thạch và gạch đất nung, nền móng của tháp Khương Mỹ có kết hợp giữa sa thạch và gạch, nền móng của tháp Preah Ko bằng sa thạch, ở tháp Khương Mỹ mỗi tháp có đến 5 cửa giả, ở tháp Lolei hình cuối cùng, để ý chúng ta sẽ thấy ngôi tháp lớn đầu tiên phía bên tay phải có cửa giả bằng đá, ở Entry Tháp Chàm ở Phnom Bakheng bạn Marguerite cũng gởi vào một tấm hình tháp Bakheng cho ta thấy rõ cửa giả bằng đá (ông bạn Bulukhin đã chú ý đến cửa giả này).

Ngoài những nhận xét trên, thông tin trên trang mạng điện tử Huyện Phú Ninh - Quảng Nam cũng cho biết nghệ thuật chạm khắc trên tháp Chăm Khương Mỹ mang những nét hoa văn của nghệ thuật Khmer vào cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X...

Như vậy rõ ràng nhóm tháp Chăm Khương Mỹ và tháp Angkor có rất nhiều điểm tương đồng từ niên đại xây dựng, cho đến kiến trúc (hình dáng), vật liệu xây dựng (kết hợp gạch và sa thạch), hoa văn trang trí... Cách xa nhau hàng ngàn dặm tại sao tháp Chăm và tháp Angkor của Khmer lại có nhiều điểm giống nhau như thế? Có lẽ câu trả lời là những người xây dựng những ngôi tháp này đều do cùng một nguồn gốc, nhưng nguồn gốc từ nơi đâu? Họ đến từ Ấn Độ, hay khu vực Nam Đảo (Java, Borneo...), hay còn từ một nơi nào khác, có lẽ như tôi đã nêu, chỉ những nhà thật sự chuyên môn trong nhiều lãnh vực của xã hội mới mong hiểu biết và lý giải rõ ràng được...

 

--> Read more..

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Tản mạn thêm về một số đền tháp tại Siem Reap.

Vừa qua có dịp lên mạng tìm hiểu về một số đền tháp ở Angkor (đa phần từ trang mạng Wikipedia), tôi đã xem được những hình ảnh, những tư liệu khá hay của đế quốc (vương quốc) Khmer xưa, nhất là những hình ảnh và tư liệu về tỉnh Siem Reap nơi có quần thể di tích Angkor nổi tiếng, kinh đô thịnh trị một thời của các vì vua thuộc đế quốc Khmer. Nhân tiện tôi cũng muốn viết thêm, trò chuyện với bạn bè.

Angkor Wat (ảnh bên trái).

Trong lịch sử của đất nước chùa tháp Cambodia, thì thời kỳ cực thịnh của đế quốc Khmer (thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XV) mà Angkor, kinh đô cổ với vai trò là trung tâm, sau đó trong nhiều thế kỷ Angkor rơi vào quên lãng và bị rừng già bao phủ, Angkor được khám phá trở lại vào năm 1860 bởi Henri Mouhot.

Đế quốc Khmer là một cựu đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích lên đến 1 triệu km2 gấp 3 lần diện tích nước Việt Nam ngày nay, tách ra từ vương quốc Chân Lạp, bao gồm nước Cambodia ngày nay, và một phần lãnh thổ thuộc các nước Lào, Thái Lan, miền nam Việt Nam.

Angkor Thom (ảnh bên phải).

Di sản lớn nhất của đế quốc Khmer là Angkor, Angkor là chứng tích của sức mạnh và sự thịnh vượng của đế quốc Khmer, cũng là hiện thân của nhiều tín ngưỡng, các tôn giáo chính thức là Ấn Độ giáo, Phật giáo Đại thừa, cho đến Phật giáo Nam truyền được du nhập từ Sri Lanka vào thế kỷ thứ 13. Có điều lạ lùng, không hề có một văn bản nào của người Khmer ghi chép về lịch sử của thời kỳ này, ngoài những văn bản, hình ảnh  được chạm khắc trên đá được tìm thấy tại Angkor, và những ghi chép còn lưu lại được của các sứ thần, nhà buôn, và những người lữ hành Trung Hoa xưa.

Người đặt nền móng cho việc xây dựng Angkor sau này là Jayavarman II, là một hoàng tử của triều đại Sailendra ở Java (Indonesia ngày nay), ông như một con tin của một hoàng gia chư hầu của Java hay đến đó để học tập (hoặc cả hai) điều đó không được khẳng định. Nhờ thời gian ở Java, ông đã mang nghệ thuật và văn hóa của triều đình Sailendra ở Java về cho triều đình Khmer. Sau khi trở về nhà ở vương quốc Chân Lạp, ông đã xây dựng thế lực, đánh bại nhiều vị vua khác và năm 790 trở thành hoàng đế của vương quốc Khmer. Trong những năm tiếp theo ông đã mở rộng lãnh thổ và thành lập kinh đô mới Hariharalaya gần thị xã Roluos của Cambodia ngày nay. Năm 802, ông tự xưng Chakravartin (vua thiên hạ) bằng một lễ đăng quang theo nghi thức Ấn Độ giáo, ông không những là vị vua được sắc phong, mà còn đồng thời tuyên bố sự độc lập của vương quốc Khmer khỏi vương quốc Java. Jayavarman II mất năm 834, ông là vị vua thành lập đế quốc Khmer rộng lớn.

Quần thể di tích Angkor bao gồm nhiều đền đài, cung điện, thành quách, mà nổi tiếng nhất là Angkor Wat (Đế Thiên), và Angkor Thom (Đế Thích) được cả thế giới biết đến. Angkor: kinh đô, Wat: đền thờ, chùa, là kinh đô, cũng là nơi thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo, được xây dựng bởi vua Suriya-warman II (1113 - 1150), về sau khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Angkor Wat được xem là công trình thể hiện tuyệt đỉnh nghệ thuật của người Khmer. Angkor Thom (thành phố vĩ đại) là kinh đô cuối cùng của vương triều Khmer, được xây dựng bởi vị vua Jayavarman VII vào cuối thế kỷ XII, thành rộng 9km2, gồm nhiều đền đài, tượng đá, phù điêu... Trung tâm thành là đền Bayon với những khuôn mặt bằng đá tuyệt tác. Ảnh dưới.

Đến Angkor, du khách thường được hướng dẫn đi thăm Angkor Wat và Angkor Thom, những kiến trúc bằng đá vĩ đại, tuyệt mỹ của những đền đài, cung điện, tượng đá, phù điêu... Tuy nhiên Angkor Wat và Angkor Thom chỉ được xây dựng vào những thế kỷ về sau, bắt đầu từ thế kỷ thứ IX, các vị vua đầu tiên của đế quốc Khmer đã cho xây dựng những đền tháp có kiến trúc bằng đá và bằng gạch với quy mô nhỏ hơn Angkor Wat và Angkor Thom, cách 2 nơi này không xa, chỉ một vài km, những đền tháp mà tôi đã nói tới ở bài viết trước, nét độc đáo (có lẽ với người Việt) như tôi hay các bạn khác đã đến và nhìn thấy, đó là những tháp bằng gạch có gần như cùng một kiến trúc, kích cỡ, và có lẽ cả về kỹ thuật xây dựng (không dùng mạch vữa để kết dính những viên gạch), trông những tháp gạch này hệt như những ngôi tháp của người Chăm mà chúng ta còn thấy trên suốt dải đất miền Trung Việt nam ngày nay.

Những đền tháp này được tính thứ tự theo thời gian:

 

- Đền Bakong: Ảnh bên trái.

Đền Bakong được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ thứ IX (879) bởi vua Indravarman I, gồm những đền tháp bằng đá và bằng gạch (có 8 ngôi đền bằng gạch).

 

- Đền Preah Ko: Ảnh bên phải.

Đền Preah Ko: được xây dựng cùng thời với đền Bakon, dưới triều vua Indravarman I, khu đền này gồm 6 tháp gạch được xếp thành 2 hàng, mỗi hàng 3 tháp, nền móng của những tháp gạch này được xây dựng bằng đá.

 

 

- Đền Lolei: Ảnh bên trái.

Đền Lolei được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX bắt đầu từ triều vua Indravarman I, và được hoàn tất bởi vua Yasovarman I, đây là ngôi đền nằm trên đảo, gồm 3 cụm tháp kết hợp giữa vật liệu đá và gạch.

Ảnh dưới là tượng đá trên bức tường gạch tại đền Lolei.

 

- Phnom Bakheng: Ảnh bên phải.

Đền Bakheng được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX dưới triều vua Yasovarman (889 - 915) nằm trên một ngọn đồi vị trí ở giữa Angkor Wat và Angkor Thom, kết hợp giữa vật liệu đá và gạch, ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng để du khách lên nhìn ngắm hoàng hôn trên ngôi đền Angkor Wat. Bakheng được xây dựng mô phỏng theo đền Bakong được xây dựng trước đó 2 thập niên. Toàn tháp có hình vuông, tháp trung tâm có hình chóp chung quanh là những tháp phụ bao bọc với bốn ngọn tháp trên tầng cao nhất, năm tầng ở giữa với mỗi tầng 12 tháp được dựng lên bằng gạch đất nung tượng trưng cho 12 con giáp. Tổng cộng có 108 tháp đền, một con số bất ngờ.

Tất cả những ngôi đền kể trên đều thờ thần theo Ấn Độ giáo, hiện nay những ngôi đền này đều bị thời gian và chiến tranh phá hủy nghiêm trọng.

Ngoài những ngôi đền tháp kể trên nằm gần nhau trong quần thể di tích Angkor, xa hơn còn có các ngôi đền tháp khác:

 

- Beng Mealea: Ảnh bên phải.

Đền Beng Mealea là nơi chôn cất vua Suryavarman II, được xem là phiên bản của đền Angkor, do các nhà khoa học Pháp phát hiện vào năm 1954, khu đền nằm cách Siem Reap 70km về hướng đông bắc.

 

 

                                                                            

- Koh Ker: Ảnh bên trái.

Đền Koh Ker là một ngôi đền thuộc quần thể di tích Angkor, cách Siem Reap 100km, đây là kinh đô cũ của Angkor được xây dựng bởi vua Jayavarman IV, từ năm 921 đến năm 944. Đây là giai đoạn khủng hoảng quyền lực tại Angkor sau khi vua Indravarman I băng hà.Theo những bi ký tìm được tại Angkor cho biết, năm 921 quốc vương Jayavarman IV là HasavarmanI bỏ vùng Angkor về ở Koh Ker và cho xây nhiều cung điện ròng rã suốt 23 năm, vào năm 944 vua nối ngôi trở về Angkor. Nguyên nhân nào để vị vua này cho xây dựng một kinh đô nguy nga với hàng ngàn nô lệ ở một nơi không thích hợp giữa khu vực toàn núi đá và không có nguồn nước? Kinh thành Koh Ker chỉ tồn tại đúng 23 năm bằng với thời gian xây dựng rồi chìm vào quên lãng...

--> Read more..

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Tháp Chàm ở Phnom Bakheng.

Tôi đọc được bên nhà TORO cái còm của ông bạn Bulukhin: TORO còm:

"Đề nghị bác Bu và bác Huynhtran nghiên cứu giúp em chuyện Tháp Chàm, tức là xây bằng gạch, y như tháp bên Việt Nam, có đến 5 cái liền kề với tháp đá Khmer, ở chỗ đền Bakheng Siêm Riệp. Cái nào có trước, cái nào có sau ạ... Mối liên hệ nào giữa tháp Chăm VN, và tháp Chăm bên CPC".

Xin hỏi thêm:

1 - Chuyện Tháp Chàm? Tức là những tháp mà bạn thấy trên Phnom Bakheng? Hay những tháp ở VN?

2 - Cái nào có trước cái nào có sau? Tức là tháp Chàm ở VN và tháp Chàm ở CPC bên nào có trước bên nào có sau? Hay là bạn định hỏi giữa tháp đá và tháp gạch trên Phnom Bakheng loại nào có trước loại nào có sau?

Biết là cực khó nên Bu tui không dám nói là trả lời mà chỉ Tản mạn về nó thôi. Mong bạn ra cho một cái đề bài thật gãy gọn đầy đủ và dễ hiểu.

Thấy đề bài trên hay quá, bản thân tôi năm ngoái cũng đã đến Phnom Bakheng, cũng từng ngắm mấy chiếc tháp gạch tại đây, và cũng đã có những thắc mắc y như TORO, nên tôi nói hai ông bạn cho được tham gia Tản mạn. Qua những thông tin tìm được trên mạng, chủ yếu là trang mạng Wikipedia, tôi xin dẫn chứng đưa ra để Tản mạn về những vấn đề mà ông bạn Bulukhin đã hỏi lại TORO bên trên.

1/- Trước hết tôi sẽ bàn về Tháp Chàm ở Việt Nam: là tháp của người Chàm, còn gọi là Chăm, Chăm Pa, Chiêm, Chiêm Thành, Hời... để tiện xin dùng từ Chăm. (Hình bên là tháp Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam, ảnh trên mạng).

Người Chăm có nguồn gốc Malayo - Polynesian di cư đến vùng Đông Nam Á từ Borneo (một hòn đảo lớn thuộc nước Nam Dương ngày nay), vào thời đại văn hóa Sa Huỳnh ở vào thế kỷ thứ I và thứ II trước Công nguyên. Ở Việt Nam vương quốc Chăm Pa được biết đến đầu tiên với sự ra đời và tồn tại của Vương triều Sinhapura, còn gọi là Vương quốc Lâm Ấp từ năm 192 (cuối thế kỷ thứ II) ở khu vực Huế ngày nay, vị vua đầu tiên là Khu Liên, nền văn hóa của người Chăm chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, Khmer, Java, tôn giáo ban đầu của người Chăm là Ấn Độ giáo, sau ảnh hưởng thêm Phật giáo, Hồi giáo... Vương quốc Chăm Pa cực thịnh vào thế kỷ thứ IX, X.

(Ảnh bên phải: Tháp Chăm ở Ninh Thuận, ảnh chụp).

Dựa trên những văn bia cụm tháp Chăm tại Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), là những ngôi tháp được xây dựng đầu tiên của vương quốc Chăm Pa, nơi đây từng có một đền thờ bằng gỗ được xây dựng vào thế kỷ thứ IV, tồn tại qua hơn 2 thế kỷ thì bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn. vào đầu thế kỷ thứ VII, vua Chăm lúc bấy giờ là Shambuvarman (trị vì từ năm 577 đến 629), đã cho xây lại ngôi đền bằng gạch, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua Chăm sau tiếp tục tu sửa cho xây dựng thêm những ngôi đền khác bằng gạch, hiện vẫn còn nhiều ngôi đền trên thánh địa Mỹ Sơn, tuy đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá. Tại Mỹ Sơn cũng có một ngôi đền được xây dựng bằng đá, đáng tiếc đã bị bom đạn phá hủy. Những ngôi tháp Chăm khác rải rác suốt trên dải đất miền Trung ngày nay, đều được người Chăm xây dựng sau thánh địa Mỹ Sơn. Như vậy tháp Chăm xuất hiện chậm nhất là vào đầu thế kỷ thứ VII tại vương quốc Chăm Pa (Mỹ Sơn VN ngày nay).

2/- Tháp Chăm ở Cambodia: là những tháp được xây dựng bằng gạch tại Phnom Bakheng mà TORO, tôi hay các bạn đã thấy khi đến thăm quần thể di tích Angkor của đế quốc Khmer xưa. Đến Angkor du khách thường được các tour du lịch hướng dẫn thăm Angkor Wat, Angkor Thom là 2 khu vực thuộc kinh đô xưa của người Khmer, được xây dựng hoàn toàn bằng đá với những đền đài, thành quách, tượng, phù điêu rất đẹp và hùng vĩ. Angkor Wat thuộc tỉnh Siem Reap cách thủ đô Phnom Penh 240km về hướng Bắc, được xây dựng dưới triều vua Suriya - warman II (1113 - 1150), vào khoảng đầu thế kỷ XII thờ thần Visnu (Ấn Độ giáo), sau trở thành thánh đền của Phật giáo. Angkor Thom là kinh đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khmer, được bắt đầu xây dựng bởi vua Jayavarman VII vào cuối thế kỷ XII. Ngoài 2 di tích kể trên du khách cũng hay được hướng dẫn đến thăm ngôi đền Phnom Bakheng nằm trên một ngọn đồi, có vị trí ở giữa Angkor Wat và Angkor Thom, đây là trung tâm của vương quốc Khmer xưa. Phnom Bakheng là một ngôi đền Ấn Độ giáo thờ thần Shiva, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX dưới triều vua Yasovarman (889 - 915). Phnom Bakheng được xây dựng mô phỏng theo hình ảnh của đền Bakong, (Bakong được xây dựng 2 thập niên trước đó, cũng nằm trong quần thể di tích Angkor), đền Bakheng được mô tả xây dựng kết hợp giữa đá và gạch (tương tự như đền Bakong), khác với Angkor Wat và Angkor Thom hoàn toàn bằng đá.

(Một ngôi tháp được xây dựng bằng gạch tại Phnom Bakheng, ảnh chụp dưới)

 

(Ảnh bên trái là một ngôi tháp bằng gạch tại đền Bakong, ảnh trên mạng).

Đền Bakong: Là một ngôi đền nằm trong quần thể di tích Angkor, được xây dựng vào thế kỷ thứ IX dưới triều vua Indravarman I (trước đền Bakheng khoảng 2 thập niên), là một cụm kiến trúc kết hợp giữa vật liệu đá và gạch (có 8 ngôi đền tháp gạch), (hình bên dưới là một góc khác của đền Bakong, ảnh trên mạng).

Ngoài 2 ngôi đền kể trên, trong quần thể di tích Angkor còn 2 ngôi đền khác cũng có những tháp được xây dựng bằng gạch như 2 ngôi đền này gồm có:

Đền Lolei: (ảnh bên phải là một ngôi tháp của đền Lolei, lấy trên mạng).

Được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX dưới triều đại của 2 vì vua Indravarman I và Yasovarman I, kiến trúc gần giống với đền Bakong và Preah Ko (Preah Ko là một ngôi đền được xây dựng cùng thời với đền Bakong cũng bằng gạch và đá).

Đền Preah Ko: (ảnh dưới, lấy trên mạng)

Đền Preah Ko do vua Indravarman xây dựng vào năm 879, cũng nằm trong quần thể Angkor thờ thần Shiva của đạo Hindu.

(Tạm thời đưa lên những thông tin, còn tiếp).

Viết tiếp.

Ban đầu khi đến Phnom Bakheng nhìn những tháp bằng gạch có kiến trúc giống như những tháp Chăm tại Việt Nam, tôi cũng nghĩ đến mối liên hệ giữa tháp Chăm VN và những tháp gạch ở Bakheng như TORO, khi tìm những thông tin trên mạng được biết vào năm 950 (giữa thế kỷ thứ X) có cuộc chiến tranh đầu tiên xảy ra giữa người Chăm và người Khmer. Đến năm 1177 (nửa cuối thế kỷ XII) người Khmer bị người Chăm đánh bại và kinh đô Angkor của người Khmer bị người Chăm chiếm đóng trong một thời gian ngắn. Năm 1203 (đầu thế kỷ thứ XIII), Jayavarman VII, vị vua được coi là vĩ đại cuả người Khmer đã đánh bại người Chăm giành lại Angkor, như vậy người Chăm đã chiếm Angkor từ năm 1177 đến năm 1203, thời gian tổng cộng 26 năm. Theo suy đoán ban đầu của tôi có thể trong 26 năm chiếm giữ Angkor, người Chăm đã kịp xây dựng một số tháp Chăm bằng gạch tại Phnom Bakheng như chúng ta đã biết.

Tuy nhiên cùng với đền Bakheng, những chứng cứ về những ngôi tháp khác được xây bằng gạch tại đền Bakong, Lolei, Preah Ko trong quần thể di tích Angkor, đã chứng minh những ngôi tháp xây bằng gạch tại quần thể di tích Angkor, do các vị vua Khmer xây dựng chứ không phải của người Chăm.

Và tôi có thể kết luận bài tản mạn này như sau:

- Tháp Chăm ở Việt Nam được xây dựng trước những tháp gạch ở Angkor, có cùng một kiến trúc tương tự như TORO đã nhìn thấy ở Phnom Bakheng, cũng như ở những ngôi đền Bakong, Lolei, Preah Ko cũng trong quần thể di tích Angkor mà TORO và tôi không được đến. Tháp Chăm Mỹ Sơn được xây dựng muộn nhất vào đầu thế kỷ thứ VII, trong khi tháp gạch tại Angkor được xây dựng vào thế kỷ thứ IX. Tháp gạch ở Angkor  về mặt lý thuyết là do người Khmer xây dựng, tại sao tôi lại nói "về mặt lý thuyết" tôi sẽ giải thích tiếp.

- Tháp đá và tháp gạch ở Angkor qua những dẫn chứng nêu trên, cái nào xây trước cái nào xây sau? Có thể kết luận: tại quần thể di tích Angkor 2 ngôi đền Bakong và Preah Ko được xây dựng sớm nhất vào thế kỷ thứ IX, đã kết hợp giữa vật liệu đá và gạch (tháp đá bên cạnh tháp gạch, hoặc tháp gạch nhưng nền móng là đá), như vậy tháp đá và tháp gạch được xây dựng cùng một thời kỳ. Angkor Wat và Angkor Thom được xây dựng hoàn toàn bằng đá sau đó đến 3 thế kỷ (thế kỷ XII).

Còn có mối liên hệ nào giữa tháp Chăm (VN) và tháp gạch (Angkor)? Nhìn hình chúng ta đã thấy ngay tháp Chăm và tháp gạch Angkor về kiến trúc rất giống nhau, nếu chỉ đưa hình ảnh những tháp gạch bên Ankor hỏi thì tôi cũng không ngần ngại nói ngay là tháp Chăm VN (còn về kỹ thuật xây, chẳng hạn không dùng mạch vữa để kết dính gạch không rõ có giống nhau không?). Điều giống nhau về kiến trúc cũng có thể lý giải được, theo lịch sử, thì người Chăm có nguồn gốc từ Borneo (Nam Dương), thế kỷ thứ 2 và thứ 1 trước Công nguyên họ đã di cư đến vùng Đông Nam Á trong đó có VN (để đến cuối thế kỷ thứ II họ thành lập quốc gia là Lâm Ấp tại khu vực miền Trung VN). Có thể những người từ Borneo khác di cư đến Khmer (tương tự như những người di cư đến VN và trở thành người Chăm) cũng biết kỹ thuật xây dựng tháp gạch như những người đến VN, sau nhiều thế kỷ con cháu của họ đã trở thành người Khmer, và đã giúp các vì vua Khmer xây những tháp gạch ở Angkor như chúng ta đã thấy. Như vậy "sản phẩm tháp Chăm" không phải của riêng người Chăm, hay bây giờ là của riêng VN, ở Cambodia cũng có, và có thể một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Nam Dương, Mã Lai, hay Myanmar... có khi cũng có những tháp gạch này, do chúng ta chưa được biết đó thôi...

--> Read more..

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Tối hôm qua xem chương trình "Ngôi nhà mơ ước" trên HTV (17/9/2011), một chương trình xã hội giúp đỡ rất nhiều đối với người nghèo, khó khăn. Sau khi nhận được ngôi nhà mơ ước, so với ngôi nhà cũ rách nát của mình là quá đẹp đẽ. Chị nông dân chủ nhà (trông lam lũ nhưng có nụ cười rất tươi) chỉ cái bếp lát gạch men nói, cái bếp này phía trên để nấu nướng, phía dưới (gầm bếp) sẽ cho con làm chỗ để tập vở đồ dùng học tập. Thật thương cảm cho cái nghèo của người dân xứ mình.

--> Read more..

Chấp.

Tôi hay đến đền, chùa, đình..., kể cả chùa Tàu mà người ta gọi là Hội quán... vì ham vui. Chà, những nơi đuợc coi là tôn nghiêm như thế chỉ có nhang khói tụng niệm có gì mà vui? Thật ra cái tôi cho là vui để đến ngắm nghía chính là những cảnh nhang khói, đèn đuốc, tụng kinh, tế lễ... và vì thích chụp hình nên tôi đến để chụp những tấm hình theo mắt nhìn của mình, ngày xưa chụp để mình xem hay thỉnh thoảng đưa hình bạn bè coi chơi, bây giờ có mạng, có blog, đưa lên cho có chuyện để trò chuyện, tán dóc...

Gia đình bên tôi đạo Thiên chúa nhưng bên bà xã tôi đạo Phật (tôi nghĩ đạo nào cũng tốt hết). Bà cụ của bà xã tôi mất bên Mỹ chưa được trăm ngày, ở nhà có lập một bàn thờ nhỏ nhang khói, bà xã tôi hay để đủ loại kinh kệ, kinh địa tạng, Di đà, Dược sư, Bát nhã... rồi cả chú, chú Đại bi, Thập chú... mới đầu nghe chưa quen nhưng nghe riết quen, thấy cũng được, hay hay... Rồi thỉnh thoảng tôi cũng tìm hiểu đôi chút về Phật giáo, quen dần với những từ ngữ "chuyên ngành" như niết bàn, chúng sinh, xá lợi, chánh niệm, mười phương, nghiệp chướng, ngạ quỷ... và có một từ trong kinh kệ, sách vở triết lý Phật giáo cũng hay dùng là "Chấp" hay trái lại là "Vô chấp". Tôi không rành về ngôn ngữ, cũng không học rộng tài cao nghiên cứu cao sâu gì cả, chữ nghĩa mù mờ, phần nhiều là hiểu theo thói quen, cảm tính, chỉ thỉnh thoảng có đọc một vài quyển sách, hay lật từ điển tra một vài chữ, hoặc lên mạng tìm ý nghĩa vài câu...

Từ trước đến nay tôi hiểu chữ "Chấp" trong mấy nghĩa chủ yếu (tôi chỉ nói ra đây mấy nghĩa theo cảm tính, theo cách hiểu hồi nào tới giờ của mình, không theo sách vở), nghĩa thứ nhất là lúc còn nhỏ, chấp có nghĩa là... chấp (hì hì), tỉ như hồi nhỏ chơi đánh khăng, đánh đáo trẻ con nói với nhau "chấp mày đi trước", nếu theo nội dung này có thể hiểu chấp là nhường người khác làm một việc gì đó trước, việc nhường này có lợi cho người khác hơn mình. Nghĩa thứ hai khi đã lớn đi học, có đọc sách báo, thì chấp là "thế chấp", tỉ như đi du lịch muốn mượn xe máy chạy chơi thì phải chấp (thế chấp) lại chứng minh nhân dân để làm tin. Một nghĩa khác trong đời sống chữ chấp tôi cũng hay thấy dùng là "không để ý, không để bụng, không để tâm", chẳng hạn xưa nhà có nhiều anh em thỉnh thoảng hục hặc nhau, cha mẹ tôi hay nói với đứa lớn "con lớn rồi đừng có chấp với em", chữ chấp ở đây được hiểu với ý nghĩa "chấp nê, chấp nhặt, tranh chấp, chấp trước (trước không phải nghĩa trước sau)".

Cái ý nghĩa của chữ "Chấp" như tôi đã nêu bên trên trong kinh kệ, triết lý Phật giáo hay gặp, chữ chấp này có lẽ tương tự hay có nhiều phần giống với ý nghĩa nhắc nhở của cha mẹ trong chuyện anh em hục hặc nhau. Có lẽ ngày xưa Đức Phật Thích Ca thấy rằng cái khổ của chúng sinh thường bắt nguồn từ những chuyện chấp nê, chấp nhặt, nghĩa là cái gì hay ai đó làm mình không bằng lòng là để bụng, có khi từ đó tìm cách trả thù gây nên tội ác, nghiệp chướng, hoặc giả ngay cả chẳng phải là chuyện ai đó làm mình không hài lòng, mà mình ham (nghĩa là chấp) vào một chuyện gì quá (chẳng hạn làm giàu trong khi điều kiện của mình không có) mà quay quắt, mất ăn mất ngủ vì nó đâm ra khổ sở... vân vân... Ở đây chúng ta có thể hiểu cái chấp này không đồng nghĩa với việc cố gắng để đạt được một việc gì đó theo sở thích, theo ý muốn trong điều kiện của mình có được, kể cả bằng nỗ lực, phấn đấu...

Vì "Chấp" như bên trên đưa con người vào cái khổ, nên kinh kệ dạy ta một trong những cách đạt được an nhiên tự tại, niết bàn... hay hiểu nôm na là vui vẻ, thoải mái... không phải lo nghĩ trong cuộc sống là "Vô chấp", cũng hiểu nôm na là đừng có chấp nhặt quá, đừng có để bụng, để tâm quá với những bực dọc, những gì làm mình không hài lòng trong cuộc sống, người "nắng không ưa, mưa không muốn" có lẽ là người cảm thấy cuộc sống khổ hơn những ai sống thuận theo cái tự nhiên của trời đất, nắng mưa đều tìm ra cái hay của nắng mưa, chứ không phải chỉ chăm chăm vào cái dở, cái gây cho mình bực dọc... Đấy là hiểu cái "Chấp" theo nghĩa thông thường, còn trong những câu chuyện của đạo Phật, có những vị Thiền sư "Vô chấp" đến như Đơn Hà Thiên Nhiên chẻ tượng Phật sưởi ấm, hay một vị thiền sư khác trả lời "Que cứt khô" cho câu hỏi "Phật là gì?", là siêu lắm rồi, có khi ngoài cái hiểu biết thông thường của mọi người...

Những người tu hành, trong chùa, tại gia... hoặc đọc nhiều về kinh sách thường là những người ít "chấp" hơn những kẻ... lông bông lang bang (như tôi chẳng hạn, hì hì), một hôm tôi đến cái đám tang người quen, nhà họ chật, cứ loay hoay cái áo quan trong gian phòng mấy thước để tránh cái đà ngang bê tông trên trần nhà, ai nói và họ tin rằng để dưới đà ngang như vậy không tốt. Vị sư được mời đến nói: Bà ở đây mấy mươi năm hàng ngày đi ra đi vào dưới cái đà ngang có sao đâu, bây giờ già mất bà có nằm dưới cái đà ngang này cũng chẳng hề gì", rõ ràng gia đình chấp vào chuyện cây đà, trong khi nhà sư không hề chấp vào nó. Một câu chuyện khác có người hỏi vị sư ở chùa, bát nhang nhà người ta nhiều quá rồi muốn nhổ bỏ có cần phải chọn ngày giờ hoặc mời sư đến làm phép để bỏ không? Tôi nghe sư trả lời, ngày xưa sư ở quê bát nhang chẳng có, người ta chặt khúc cây chuối để lên bàn thờ cắm nhang vào đấy thay bát nhang, đến lúc khúc cây chuối khô thì bỏ đi vứt ra ngoài bụi cây sau hè, có sao đâu, bát nhang chỉ là vật để mình cắm nhang biểu lộ lòng thành của mình với bàn thờ, với tổ tiên thôi, bát nhang không phải là tổ tiên... Đúng là những vị sư vô chấp...

Nhưng rồi thỉnh thoảng đến chùa, cũng có những nhà sư, hoặc những người hay đến chùa, hay nghe kinh kệ, hay tìm hiểu kinh sách... lại có lòng chấp ghê gớm, chấp hơn những người bình thường. Tôi đã thấy ở một ngôi chùa một vị sư nói thẳng với một người (nữ) mặc sọoc trong sân chùa (chỉ mới ở sân chùa thôi), không được mặc như thế vào chùa, làm người này khá bẽ mặt, hoặc những người làm công quả ở chùa đôi khi rất sẵng giọng với những ai đến chùa làm gì đó mà họ không hài lòng...

Cuộc sống dễ, mà có khi rất khó, cũng chỉ vì chấp...

--> Read more..

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Tháng 9 - những hình ảnh thoáng qua...

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 

Tháng 9 với những hình ảnh thoáng qua, sen trắng, sen hồng, một chùm hoa phượng nở muộn, một quày dừa sai trái, tre già măng mọc, và chú chuồn chuồn ngô đậu trên một nhánh cây nhỏ trên mặt hồ...

--> Read more..

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Hoa vàng và bướm vàng.

Photobucket

 Photobucket



Một bụi hoa vàng và con bướm vàng quanh quẩn trên đó, bắt đầu cho một ngày...

--> Read more..

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Khu phố Tàu tết Trung thu.

Photobucket

Đàn xếp hình quả bí đỏ.

 Photobucket

Đèn xếp hình ống.
 

Photobucket

 Photobucket

Duyên dáng bên những chiếc đèn.


 Photobucket

 Photobucket

Đèn lồng đủ loại.

Photobucket

Đèn kéo quân, còn gọi là đèn cù.

 Photobucket

Photobucket

Đèn con rồng.

 Photobucket

Đèn con công.

Photobucket

Đèn con ngựa.



Hôm nay đã là 14 tháng 8 ta, ngày mai là tết Trung thu. Tết Trung thu bắt nguồn từ Trung Hoa, thì hẳn nhiên rồi, ai cũng biết tích Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện, hay chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ, sang Việt Nam thì có chú Cuội - chị Hằng - Thỏ Ngọc... Tết Trung thu xưa là tết của thiếu nhi, dành cho trẻ con, với lồng đèn đủ kiểu, xưa trước tết Trung thu cả tuần là trẻ con hàng xóm tối tối quanh quẩn rước đèn vui chơi, bây giờ thời thế đã khác, tết Trung thu là để người lớn hiếu hỉ, ơn nghĩa lẫn nhau, các loại bánh dành cho tết Trung thu có rất nhiều để người lớn biếu xén, nhưng bây giờ chẳng có mấy người lớn và cả trẻ con thèm ăn chiếc bánh nướng, bánh dẻo Trung thu... và những chiếc lồng đèn đủ màu sắc đẹp đẽ mà trẻ con rất thích cũng ít dần...

Ở Saigon mùa Trung thu đây đó vẫn còn bày bán những chiếc đèn lồng phất bằng nan tre và giấy bóng kiếng, nhưng trong Chợ Lớn khu phố của người Hoa có hẳn một phố bán đèn lồng, tuy không lớn lắm chỉ gồm một hai dãy phố ngắn ngắn độ trăm thước, tập trung độ một vài chục nhà cũng làm nên một mùa Trung thu đầy màu sắc. Hôm nay Chủ nhật ngày nghỉ lại sát rằm tháng 8 nên khu phố đèn lồng có khá đông người đến, những ông bố, bà mẹ chở đứa con nhỏ đến mua chiếc đèn con cá, chiếc tàu... các bạn trẻ tuổi dắt nhau đến chụp vài tấm hình kỷ niệm, và những người lớn tuổi (như tôi) đến để ngắm nghía những chiếc đèn lồng, nhớ lại một thời tuổi thơ...

Cuộc sống vẫn trôi đi trên những đường phố của Saigon, và trong một góc của ký ức...

Saigon, mùa Trung thu 2011.

--> Read more..