PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Gạch Chăm và Gốm Chăm.

Ở mấy entry trước tôi có lên mạng tìm kiếm những thông tin về những tháp Chăm ở Việt Nam, tháp bên Angkor, 2 ông bạn Bulukhin và Toro có vào và nhắc đến gạch xây tháp của người Chăm, gọi nôm na là gạch Chăm, về kỹ thuật làm ra gạch, chạm khắc trên gạch... Nói đến tháp Chăm mà không nhắc đến gạch Chăm là một thiếu sót lớn, thế là lại mày mò tìm kiếm những thông tin trên mạng về gạch Chăm... Thông tin về tháp Chăm còn dễ tìm chứ thông tin về gạch Chăm thì quả thật rất ít, rời rạc, mù mờ không có gì rõ ràng..., đến như trang mạng phổ thông Wikipedia cũng chưa có bài viết nào về gạch Chăm cả, ráng tìm cũng được một vài thông tin... Còn về gốm Chăm thời may tôi có quen với một gia đình làm đồ gốm Chăm tại làng Bàu Trúc Ninh Thuận, và đã mấy lần ghé chơi xem họ làm gốm, chụp hình ảnh... Cách nay vài ngày người bạn Chăm ở Bàu Trúc có điện cho tôi nói đang dịp lễ Ka Tê của người Chăm (tương tự như tết Nguyên đán nơi người Việt) và rủ tôi hôm nào rảnh ghé chơi, mấy năm trước tôi đã có dịp ghé họ nhân ngày lễ Ka Tê, lên tháp Poklongarai xem lễ với họ, và có ăn một bữa cơm đầu năm với gia đình, bạn nói người Chăm rất thích khi đầu năm có người quen ở xa đến chơi như thế...

Ảnh trái: những cô gái Chăm bên tháp Poklongarai - Ninh Thuận.

1/- Gạch Chăm: trước hết ta cứ tạm xem gạch Chăm làm tháp là sản phẩm của chính người Chăm, đây là một loại gạch khá đặc biệt bởi mấy yếu tố cơ bản:

- Cùng một kích cỡ với các loại gạch khác thì gạch xây tháp Chăm chỉ bằng 60% trọng lượng, gạch Chăm nhẹ và xốp hơn.

- Khi gạch là một khối với tháp bền vững qua cả ngàn năm, lúc nào cũng như gạch mới, nhưng nếu tách rời viên gạch Chăm khỏi tháp, để riêng rẽ viên gạch rất mau đổi màu và vỡ vụn.

- Ít bị rêu bám hơn các loại gạch khác.

Về trọng lượng gạch nhẹ chỉ bằng 60% trọng lượng và xốp hơn các loại gạch khác cùng kích cỡ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đất sét để làm gạch được trộn thêm rơm rạ băm nhỏ. Tuy nhiên nếu làm theo cách này thì chắc chắn khi nung gạch rơm rạ sẽ bị cháy để lại vết than trên gạch, hoặc khi viên gạch vỡ vụn dễ nhìn thấy dấu vết rơm rạ.

Gạch luôn mới khi là tháp, còn khi tách rời khỏi tháp mau xuống màu và vỡ vụn, nhiều ý kiến cho là do gạch nhẹ và xốp nên gạch dễ hút ẩm, hút nước (từ đất dưới chân tháp, hoặc nước mưa...), nên gạch luôn ẩm, gạch Chăm do đó là gạch "sống", khi tách khỏi tháp không còn độ ẩm thích hợp gạch dễ xuống màu, bị vỡ.

Gạch Chăm ít bị đóng rêu hơn các loại gạch khác, nhiều ý kiến cho rằng cũng do nguyên nhân hút ẩm tốt, nên bề mặt viên gạch ít bị đọng nước, rêu khó phát triển.

Ảnh phải: những thày cả của người Chăm đạo Bà La Môn bên ngôi tháp Poklongarai trong ngày lễ Ka Tê.

Cách nay ít năm ở Quảng Nam, quê hương của những ngôi tháp Chăm có ông Lê Văn Chỉnh, thuở nhỏ chăn bò bên tháp Chăm Khương Mỹ, tuy chẳng giàu có gì nhưng khi đã có tuổi ông đã bán cả gia sản ít ỏi để nghiên cứu cách làm gạch và xây tháp Chăm, sau cả 20 năm mày mò nghiên cứu, qua bao nhiêu thất bại, ông đã chế tác ra được loại gạch xây tháp, về gạch ông trộn đất với những chất phụ gia, trong đó có nhựa cây Bời lời là một loại cây có nhiều tại địa phương, sau đó đất được nung thành gạch. Ông đã xây được hẳn một ngôi tháp tại nhà hàng Apsara ở Đà Nẵng, và thêm 2 ngôi tháp khác tại khu du lịch Suối Lương ở nam Hải Vân,  theo đúng như kỹ thuật không dùng mạch vữa liên kết những viên gạch, bằng cách mài nhẵn những mặt gạch tiếp xúc với nhau, bột gạch khi mài ra được hòa với nước thành một chất keo để "dán" những viên gạch lại với nhau. Tiếc là ông đã mất năm 2005 sau khi thực hiện xây xong những ngôi tháp kể trên. Không biết ông Chỉnh có truyền lại bí quyết làm gạch và xây tháp cho ai không?

Ngoài gạch Chăm của ông Lê Văn Chỉnh, cũng còn có một đơn vị nữa (Công ty Cổ phần gốm sứ La Tháp Duy Hòa - Duy Xuyên) làm ra được những viên gạch Chăm "tiêu chuẩn Italia" (do đã được nhóm chuyên gia Italia trong nhóm nghiên cứu phục chế khu tháp chăm Mỹ Sơn thẩm định chấp nhận, và đưa gạch vào làm vật liệu phục chế tháp Mỹ Sơn). Gạch của Công ty này "cao cấp" hơn là gạch của ông Chỉnh ở chỗ được nung bằng lò gas, lò điện, trong khi gạch của ông Chỉnh nung bằng lò thủ công đắp tại nhà, nung gạch bằng than củi...

Ảnh trái: một phụ nữ người Chăm đang làm bình gốm tại làng Bàu Trúc.

2/- Gốm Chăm: Tôi đã được đến làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận, nơi gia đình người bạn Chăm đang sản xuất các sản phẩm gốm Chăm, để xem họ nhồi đất, làm ra sản phẩm gốm như bình, phù điêu, tượng... theo đúng truyền thống từ ngàn xưa của họ. Người Chăm theo mẫu hệ, và đặc điểm của họ là chỉ có phụ nữ trong làng sản xuất ra gốm, nam giới chỉ phụ họ trong việc đánh xe bò đi lấy đất sét ở cách làng ít cây số, hoặc nhồi đất để làm gốm. Đất làm gốm của họ sau khi lấy về được phơi khô giã vụn, rây loại bỏ các tạp chất, đất không để nguyên nhồi mà được trộn với một loại cát mịn trong khu vực theo một tỉ lệ thích hợp với từng loại sản phẩm, có lẽ theo cách pha trộn này nên gốm Chăm nhẹ và xốp (cũng tương tự như gạch Chăm, bình của người Chăm khi đổ nước rất mau hút nước vào thành bình). Người phụ nữ Chăm tự tay làm ra sản phẩm chứ không phải cánh đàn ông, đáng kinh ngạc là cách làm của họ hình như không thay đổi từ cả ngàn năm nay, như trong hình tôi chụp họ không hề dùng bàn xoay, để làm cái bình tròn họ đi vòng quanh khối đất sét, nặn cho đến khi thành hình dáng bình... bằng cách làm này sản phẩm của họ coi vậy mà không giống nhau, mỗi một sản phẩm là một tác phẩm...Trong tay người phụ nữ làm gốm ngoài đất, chỉ có vài mảnh tre, vòng tre, mảnh vỏ sò... là công cụ trợ giúp cho họ tạo nên những hoa văn trên sản phẩm.

Ảnh phải: sản phẩm gốm Chăm.

Cách nung gốm của họ cũng đơn giản không kém, chẳng hề có lò nung, sản phẩm làm ra được phơi vài nắng cho khô, họ đào một cái hố nông nông ngay ngoài sân đất vườn nhà, chất vào đấy rơm, rạ, củi và những sản phẩm gốm, cứ một lớp củi, rơm rạ một lớp gốm, rồi nổi lửa đốt như... hướng đạo sinh đốt lửa trại, có lẽ không nung bằng lò  và đốt lửa ngoài trời, nên nhiệt độ nung không cao, khi tàn hết củi lửa là hoàn tất mẻ sản phẩm, vì nung bằng cách ấy nên gốm Chăm không bao giờ đều, chỗ đất bị cháy màu đen, chỗ ít lửa hơn màu nhạt... Có lẽ do nhiệt độ nung gốm Chăm ngoài trời không cao như cách nung gốm trong lò của người Việt, nên gốm của họ không biến thành sành, hoặc không quá "chín", và có lẽ cũng do đất làm gốm được trộn thêm cát, nên gốm của họ nhẹ và xốp hơn, dễ thấm nước...

Ảnh trái: một phù điêu thần Brahma, vị thần Sáng tạo của đạo Bà La Môn, đầu 3 khuôn mặt là của thần Brahma, thân mình là hình dáng Apsara.

Còn về cách chạm hay điêu khắc hình ảnh, hoa văn lên gạch, hoặc phù điêu như 2 ông bạn Bulukhin và Toro đã nêu ở comments trong entry trước, người Chăm xưa chạm khắc lên gạch khi gạch đã xây thành tháp, hay khi chưa xây? Và chạm khắc khi viên gạch còn ướt (mềm) hay đã phơi khô hay đã nung thành gạch? Không hiểu người Chăm xưa chạm khắc trên sản phẩm của họ ra sao? Chứ tôi thấy ở sản phẩm như tấm phù điêu ảnh bên của người bạn Chăm tặng, khi làm họ nhồi đất làm ra cái mặt phẳng chứa hình ảnh vị thần, sau đó lấy đất ướt nặn thêm chân tay, đầu, mặt... Ngay khi đất còn ướt họ hoàn chỉnh bằng những dụng cụ thanh tre, vòng bằng tre, hoặc vỏ sò (để in những đường nét hoa văn lên sản phẩm)... và sau đó phơi khô nung như bình thường... Quả thật với những dụng cụ và kỹ thuật rất đơn giản, thậm chí thô sơ, không thay đổi cả ngàn năm nay, người thợ gốm Chăm (những phụ nữ) đã làm ra được những sản phẩm rất nghệ thuật...

Ảnh phải: tượng và bình gốm Chăm, trên thân gốm thấy rõ những vết lửa nung không đều.

Trở lại những viên gạch ngày xưa được dùng để xây dựng những tháp Chăm đã tồn tại cả ngàn năm nay, có phải những viên gạch này được chế tác bằng phương pháp hoàn toàn thủ công như những sản phẩm gốm của người Chăm còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Cách nung gạch của họ rõ ràng là không dùng lò nung, bởi nếu có lò để nung gạch, chắc chắn người ta sẽ tìm ra dấu vết của những lò nung này đâu đó gần nơi những ngọn tháp, người Chăm xưa có lẽ cũng không dùng khuôn để đóng gạch, hoặc có khuôn trang trí hoa văn để khi đóng thành gạch họ có được những viên gạch có hình ảnh các vị thần, hoa văn họa tiết giống hệt nhau... Bằng những phương pháp rất thủ công mà họ đã chế tác ra được những viên gạch Chăm, hoặc những bi ký để ghi chép lại lịch sử của họ, còn tồn tại qua hàng ngàn năm bị chôn vùi, thật đáng để khâm phục...

8 nhận xét:

  1. Đúng là người chăm học rồi ((((-:

    Trả lờiXóa
  2. @bangtamngt, hihi! Hôm nào Marg. đi làng gốm Bàu Trúc chụp hình một chuyến không?

    Trả lờiXóa
  3. Gạch Chăm thật là độc đáo, để thất truyền thì thật đáng tiếc.

    Trả lờiXóa
  4. @nghihuu, đến người Chăm cũng còn không hiểu gạch của họ được sản xuất ra sao nữa...

    Trả lờiXóa
  5. gạch xây tháp cũng được nung đều lửa hơn, không có chỗ đen, chỗ đỏ như đồ gốm Bàu Trúc. Vì thế, bài khảo tả của anh H rất thú vị và cũng đưa đến một nhận định, kỹ thuật làm gạch, xây tháp Chăm cho đến giờ vẫn là một bí ẩn,,,

    Trả lờiXóa
  6. @torovn, đấy chính là điều tôi cảm thấy như thế, bí ẩn không chỉ là ở kỹ thuật làm gạch, mà điều hơn thế đó là không biết có phải gạch Chăm xưa xây tháp là do người Chăm làm không? nếu chính người Chăm làm tại sao bây giờ lại không còn ai biết cách làm nữa? Như vậy có thể không do người Chăm làm mà mang từ đâu tới chăng? kể cả thợ xây tháp? Nhà thờ Đức Bà Saigon xây trên 100 năm nay thì gạch cũng mang từ bên Tây sang...

    Trả lờiXóa
  7. Có Stingy thì có có gạch chăm

    Trả lờiXóa