PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Chấp.

Tôi hay đến đền, chùa, đình..., kể cả chùa Tàu mà người ta gọi là Hội quán... vì ham vui. Chà, những nơi đuợc coi là tôn nghiêm như thế chỉ có nhang khói tụng niệm có gì mà vui? Thật ra cái tôi cho là vui để đến ngắm nghía chính là những cảnh nhang khói, đèn đuốc, tụng kinh, tế lễ... và vì thích chụp hình nên tôi đến để chụp những tấm hình theo mắt nhìn của mình, ngày xưa chụp để mình xem hay thỉnh thoảng đưa hình bạn bè coi chơi, bây giờ có mạng, có blog, đưa lên cho có chuyện để trò chuyện, tán dóc...

Gia đình bên tôi đạo Thiên chúa nhưng bên bà xã tôi đạo Phật (tôi nghĩ đạo nào cũng tốt hết). Bà cụ của bà xã tôi mất bên Mỹ chưa được trăm ngày, ở nhà có lập một bàn thờ nhỏ nhang khói, bà xã tôi hay để đủ loại kinh kệ, kinh địa tạng, Di đà, Dược sư, Bát nhã... rồi cả chú, chú Đại bi, Thập chú... mới đầu nghe chưa quen nhưng nghe riết quen, thấy cũng được, hay hay... Rồi thỉnh thoảng tôi cũng tìm hiểu đôi chút về Phật giáo, quen dần với những từ ngữ "chuyên ngành" như niết bàn, chúng sinh, xá lợi, chánh niệm, mười phương, nghiệp chướng, ngạ quỷ... và có một từ trong kinh kệ, sách vở triết lý Phật giáo cũng hay dùng là "Chấp" hay trái lại là "Vô chấp". Tôi không rành về ngôn ngữ, cũng không học rộng tài cao nghiên cứu cao sâu gì cả, chữ nghĩa mù mờ, phần nhiều là hiểu theo thói quen, cảm tính, chỉ thỉnh thoảng có đọc một vài quyển sách, hay lật từ điển tra một vài chữ, hoặc lên mạng tìm ý nghĩa vài câu...

Từ trước đến nay tôi hiểu chữ "Chấp" trong mấy nghĩa chủ yếu (tôi chỉ nói ra đây mấy nghĩa theo cảm tính, theo cách hiểu hồi nào tới giờ của mình, không theo sách vở), nghĩa thứ nhất là lúc còn nhỏ, chấp có nghĩa là... chấp (hì hì), tỉ như hồi nhỏ chơi đánh khăng, đánh đáo trẻ con nói với nhau "chấp mày đi trước", nếu theo nội dung này có thể hiểu chấp là nhường người khác làm một việc gì đó trước, việc nhường này có lợi cho người khác hơn mình. Nghĩa thứ hai khi đã lớn đi học, có đọc sách báo, thì chấp là "thế chấp", tỉ như đi du lịch muốn mượn xe máy chạy chơi thì phải chấp (thế chấp) lại chứng minh nhân dân để làm tin. Một nghĩa khác trong đời sống chữ chấp tôi cũng hay thấy dùng là "không để ý, không để bụng, không để tâm", chẳng hạn xưa nhà có nhiều anh em thỉnh thoảng hục hặc nhau, cha mẹ tôi hay nói với đứa lớn "con lớn rồi đừng có chấp với em", chữ chấp ở đây được hiểu với ý nghĩa "chấp nê, chấp nhặt, tranh chấp, chấp trước (trước không phải nghĩa trước sau)".

Cái ý nghĩa của chữ "Chấp" như tôi đã nêu bên trên trong kinh kệ, triết lý Phật giáo hay gặp, chữ chấp này có lẽ tương tự hay có nhiều phần giống với ý nghĩa nhắc nhở của cha mẹ trong chuyện anh em hục hặc nhau. Có lẽ ngày xưa Đức Phật Thích Ca thấy rằng cái khổ của chúng sinh thường bắt nguồn từ những chuyện chấp nê, chấp nhặt, nghĩa là cái gì hay ai đó làm mình không bằng lòng là để bụng, có khi từ đó tìm cách trả thù gây nên tội ác, nghiệp chướng, hoặc giả ngay cả chẳng phải là chuyện ai đó làm mình không hài lòng, mà mình ham (nghĩa là chấp) vào một chuyện gì quá (chẳng hạn làm giàu trong khi điều kiện của mình không có) mà quay quắt, mất ăn mất ngủ vì nó đâm ra khổ sở... vân vân... Ở đây chúng ta có thể hiểu cái chấp này không đồng nghĩa với việc cố gắng để đạt được một việc gì đó theo sở thích, theo ý muốn trong điều kiện của mình có được, kể cả bằng nỗ lực, phấn đấu...

Vì "Chấp" như bên trên đưa con người vào cái khổ, nên kinh kệ dạy ta một trong những cách đạt được an nhiên tự tại, niết bàn... hay hiểu nôm na là vui vẻ, thoải mái... không phải lo nghĩ trong cuộc sống là "Vô chấp", cũng hiểu nôm na là đừng có chấp nhặt quá, đừng có để bụng, để tâm quá với những bực dọc, những gì làm mình không hài lòng trong cuộc sống, người "nắng không ưa, mưa không muốn" có lẽ là người cảm thấy cuộc sống khổ hơn những ai sống thuận theo cái tự nhiên của trời đất, nắng mưa đều tìm ra cái hay của nắng mưa, chứ không phải chỉ chăm chăm vào cái dở, cái gây cho mình bực dọc... Đấy là hiểu cái "Chấp" theo nghĩa thông thường, còn trong những câu chuyện của đạo Phật, có những vị Thiền sư "Vô chấp" đến như Đơn Hà Thiên Nhiên chẻ tượng Phật sưởi ấm, hay một vị thiền sư khác trả lời "Que cứt khô" cho câu hỏi "Phật là gì?", là siêu lắm rồi, có khi ngoài cái hiểu biết thông thường của mọi người...

Những người tu hành, trong chùa, tại gia... hoặc đọc nhiều về kinh sách thường là những người ít "chấp" hơn những kẻ... lông bông lang bang (như tôi chẳng hạn, hì hì), một hôm tôi đến cái đám tang người quen, nhà họ chật, cứ loay hoay cái áo quan trong gian phòng mấy thước để tránh cái đà ngang bê tông trên trần nhà, ai nói và họ tin rằng để dưới đà ngang như vậy không tốt. Vị sư được mời đến nói: Bà ở đây mấy mươi năm hàng ngày đi ra đi vào dưới cái đà ngang có sao đâu, bây giờ già mất bà có nằm dưới cái đà ngang này cũng chẳng hề gì", rõ ràng gia đình chấp vào chuyện cây đà, trong khi nhà sư không hề chấp vào nó. Một câu chuyện khác có người hỏi vị sư ở chùa, bát nhang nhà người ta nhiều quá rồi muốn nhổ bỏ có cần phải chọn ngày giờ hoặc mời sư đến làm phép để bỏ không? Tôi nghe sư trả lời, ngày xưa sư ở quê bát nhang chẳng có, người ta chặt khúc cây chuối để lên bàn thờ cắm nhang vào đấy thay bát nhang, đến lúc khúc cây chuối khô thì bỏ đi vứt ra ngoài bụi cây sau hè, có sao đâu, bát nhang chỉ là vật để mình cắm nhang biểu lộ lòng thành của mình với bàn thờ, với tổ tiên thôi, bát nhang không phải là tổ tiên... Đúng là những vị sư vô chấp...

Nhưng rồi thỉnh thoảng đến chùa, cũng có những nhà sư, hoặc những người hay đến chùa, hay nghe kinh kệ, hay tìm hiểu kinh sách... lại có lòng chấp ghê gớm, chấp hơn những người bình thường. Tôi đã thấy ở một ngôi chùa một vị sư nói thẳng với một người (nữ) mặc sọoc trong sân chùa (chỉ mới ở sân chùa thôi), không được mặc như thế vào chùa, làm người này khá bẽ mặt, hoặc những người làm công quả ở chùa đôi khi rất sẵng giọng với những ai đến chùa làm gì đó mà họ không hài lòng...

Cuộc sống dễ, mà có khi rất khó, cũng chỉ vì chấp...

26 nhận xét:

  1. Entrry này của anh Hiệp thiệt hay. Em coi nảy giờ thấy rất thích.
    Em thích cách nói của vị sư đến lo ma chay nhà nọ. Con người hay chấp mà cứ đổ thừa này nọ thôi.
    Hôm về QN, mẹ con em lên NHS chơi.
    Em định chụp vài tấm hình trong chùa nên đến xin vị sư ngồi bàn trước hiên. Thế là vị ấy lên lớp một tràng nào là chụp làm gì, đưa hình lên mạng làm gì, vào chùa cốt cúng dường để làm phước này nọ......em nghe một hơi thấy khó chịu nên nói một câu cũng thật CHẤP"
    "Sư đi tu mà tâm không tịnh"
    Em cũng còn CHẤP ghê ha.
    Kekekeeeee

    Trả lờiXóa
  2. Anh Hiệp nói rất hay, chấp nhặt quá thành ra nô lệ cho những điều đó mà quên mất những giá trị đích thực. Ví dụ, chấp hình thức mặc sooc của cô gái, trong khi có thể cô là Phật tử chân chính, có lòng từ bi hơn những vị mặc áo cà sa...Tuy nhiên, cũng cần dung hòa, nếu "vô chấp" quá thì lễ nghi lỏng lẻo, thậm chí bừa bãi. Chấp hay vô chấp phải đi kèm với nó là những nhận thức sâu sắc về giáo lý nhà Phật phải không ạ.

    Trả lờiXóa
  3. @lanvuive, hehe, cái này không phải là CHẤP cô Lan ơi, người miền Bắc nói... cô này... đáo để, hihi, đùa thôi, sư này nói thế mà có khi tối đi nhậu thịt cầy không chừng, kekekeee!

    Trả lờiXóa
  4. @torovn, Toro nói đúng, ở cái chùa này chánh điện trên lầu, ngay cầu thang lên chánh điện có ghi bảng cẩn thận, phải mặc kín đáo, không mang giày dép, đội mũ nón lên chánh điện... lẽ ra nếu cô gái mặc sọoc này lên chánh điện sư hãy nói, đàng này cô ta mới chỉ ở dưới sân chùa. Cũng ở ngôi chùa này, có lần tôi ghé với bà xã 11 giờ trưa, cũng dưới sân chùa nắng chang chang tôi đội mũ đứng một góc đợi bà xã lên chánh điện thắp nhang, có một ông áo nâu (không phải sư) đến nói tôi vào chùa phải cởi nón, tôi nổi sùng nói quy định lên chánh điện mới cởi mũ nón, tôi chỉ đứng đây đợi người nhà không có ý định lễ Phật, trời nắng quá tôi không bỏ nón, may lúc ấy bà xã tôi xuống kéo tôi đi chứ không tôi sẽ chửi lộn với cái ông đến chùa công quả ấy rồi. Tôi nghĩ cái này không phải chấp, mà cần phải cho người ta biết cái gì cần làm, đúng hay sai thôi... hihi!

    Trả lờiXóa
  5. hôm nào phải theo anh H bái sư học đạo, hehehe

    Trả lờiXóa
  6. @tienvy, có mà xuống diêm vương chơi với ngạ quỷ sớm, hehehe!

    Trả lờiXóa
  7. anh H hù dọa em nhỏ hoài, hahaha

    Trả lờiXóa
  8. @tienvy, hù dọa sao được, cho nên có gì xuống địa ngục một mình thôi, cho chắc ăn, haha!

    Trả lờiXóa
  9. Để tránh khỏi phải "chấp" , nếu được Marg chọn ngay cách cắt nguồn gây "chấp" . Hết nguồn , hết "chấp" ( dù cách đó có khi làm mình cũng đánh mất đi nhiếu thứ , hihi... )

    Trả lờiXóa
  10. Về ý nghĩa thông dụng của từ chấp thì PNH nói đủ rồi. Bu tui chỉ ghi thêm vài dòng về nghĩa chứ chấp của từ điển Hán Việt Thiều Chữu và từ điển Phật học để các bạn tham khảo thêm

    執 (Chấp): Gồm bộ thổ (土 ) chữ dương (羊 ) và chữ hoàn (丸 )

    I: Theo Thiều Chữu: 1: cầm. 2: giữ. 3: Câu chấp là không biết biến thông cứ tự cho mình là phải. 4: bắt. 5: Kén chọn. 6: Bạn đồng chí gọi là chấp hữu. Vì thế nên goi bố anh em bạn là phụ chấp.
    2: Theo từ điển Phật học (Đoàn Trung Còn) Chấp: Cầm, nắm, giữ. Cũng có nghĩa là khư khư giữ lấy ý kiến sai lạc của mình....

    Trả lờiXóa
  11. @bangtamngt, hì hì, đây là cách cắt "chấp" tích cực nhất.

    Trả lờiXóa
  12. @bulukhin, cám ơn bác Bu thêm cho những ý nghĩa của chữ chấp.

    Trả lờiXóa
  13. Co chap cung là mot cai tanh con nguoi o ngoài doi ...noi theo cua Phat là con san si ...
    cho nen du o noi nào long thanh tinh là duoc roi
    Cau ne voi khuon kho qua cung khong phai là tot , va lai cac ong su o trong chua lau ngày khong co bon chen cuoc song nen cac ong cung con co chap theo y nghi xua thoi ....hi hi moi chuyen hi xa là tot nhat ! mo phat

    Trả lờiXóa
  14. @phungchau, mô Phật, hì hì, sân si là tánh của chúng sinh, có được tấm lòng thanh tịnh là tốt nhất rồi.
    Cho nên Phật mới dạy phải Từ bi Hỉ xả, hì hì!

    Trả lờiXóa
  15. @bulukhin, à bác Bu ơi, theo ý nghĩa thông thường thì chữ "chấp" có thể được hiểu như Từ điển Phật học (Đoàn Trung Còn) mà bác đã dẫn là khư khư giữ lấy ý kiến sai lạc của mình (gần với ý nghĩa cố chấp). Tuy nhiên theo thiển ý của tôi (hiểu hơi rộng) thì chữ chấp (tôi giải thích kiểu nôm na) là "nương vào một lý lẽ, một ý kiến nào đó (có thể là của mình, có thể không phải), mà ý kiến này cũng có thể là đúng đắn chứ không nhất thiết là sai lạc", để giải quyết một việc gì. Không biết có đúng không?

    Trả lờiXóa
  16. Hôm qua đã đọc nhưng chưa còm vì mãi miên man...
    Tks ẻn này của bác H!

    Trả lờiXóa
  17. @thaiphuc, chữ nghĩa, ý tứ, nhất là những gì liên quan đến đạo lý, đạo nghĩa... thì mênh mông, mỗi người một ý, một suy nghĩ, không biết đâu mà lường... trong một chừng mực nào đó nghe Cool nói cũng... mừng. Đúng, được ý nên quên lời, "chấp" vào lời quá lắm khi không hay... hihi!

    Trả lờiXóa
  18. Bạn PNH đặt ra một vấn đề rất hay, rằng khư khư bảo vệ ý kiến đúng (của mình hoặc của người khác) thì có gọi là chấp không. Để thảo luận vấn đề này, tui dẫn thêm từ điển Huỳnh Tịnh Của và từ điển tiếng Việt về chữ chấp
    * Huỳnh Tịnh Của
    Chấp : Cầm, giữ, chịu lấy, cho nhập lại, xấp lại, không kể, không tính. Tiếng trợ từ
    * TĐ Tiếng Việt
    1: Cho đối phương được hưởng những điều kiện nào đó có lợi hơn trong cuộc chơi, cuộc đấu (chấp một xe khi đánh cờ…)
    2: Địch lại mà không sợ một đối phương có thế lợi hơn mình (một người chấp 3 người)
    3: Không kể tới, không đếm xỉa tới điều trở ngại lớn hoặc nguy hiểm. Bất chấp. (Chấp tất cả, chấp mọi khó khăn)
    4: Để bụng (nó lỡ lời chấp làm gì)
    Như vậy: Thiều Chữu, Huỳnh Tịnh Của, TĐ tiếng Việt có chung một nghĩa Chấp là: cầm, giữ, hoàn toàn không đề cập đến đối tượng được cầm giữ ấy đúng hay sai. Vậy thì khư khư giữ lấy ý kiến của mình cho dù nó đúng hay sai cũng đều là chấp chứ sao ??

    Từ điển phật học của Đoàn Trung Còn và Phật Quang Đại Từ Điển thì chấp là khư khư giữ lấy ý kiến không đúng. Với Phật giáo, tất cả chúng sinh đều vô minh, vì chấp ngã. Một khi chư hành vô thường, chư pháp vô ngã thì không có gì đúng ngoại trừ Niết bàn. hehehe.

    Trả lờiXóa
  19. @Bulukhin, cám ơn bác Bu đã lục lọi những kiến thức để làm rõ vấn đề này, hehehe!

    Trả lờiXóa
  20. PNH à nếu đọc còm của bu qua Firefox thì chữ to lên, rất dễ đọc.

    Trả lờiXóa
  21. @bulukhin, bác quá chu đáo, chữ to rất dễ đọc, già rồi có khác, hihi!

    Trả lờiXóa
  22. Cái vụ chữ "Chấp " này em thấy chấp nhận giải thích Từ điển phật học của Đoàn Trung Còn và Phật Quang Đại Từ Điển mà bac Bu đã dẫn, nó là cả một triết lý thâm hậu, chứ còn chữ "chấp" trong dân gian thì... không đáng chấp. Hii...

    Trả lờiXóa
  23. Còn tham sân si thì còn không tránh được chữ chấp bác nhỉ!

    Trả lờiXóa
  24. @torovn, @nguyenthuthuy, theo tôi chấp không hẳn là khư khư giữ lấy ý kiến không đúng như NTC hay Phật Quang đại từ điển, hoặc còn tham sân si thì không tránh được chữ chấp. Có đúng hay không tham sân si thì cũng phải chấp, không chấp phải cũng phải chấp trái, không chấp có cũng phải chấp không, không chấp trước cũng phải chấp sau chứ? Người làm điều xấu là chấp vào cái sai, cái không đúng, còn người làm điều tốt là chấp vào cái đúng, cái phải rồi còn gì :-)

    Trả lờiXóa
  25. Nhà tui cũng có ý kiến giống của bác Bu đấy. Thực ra chấp chẳng qua là đề cao bản ngã quá mà thôi. Ấy nên theo quan niệm giản đơn của tôi, Đạo Phật là XẢ. Xả được chừng nào là mình tới niết bàn chừng đó. Xả một giờ , tâm an lạc một giờ. Ấy chính là một giờ mình được "ở" niết bàn đó.

    Trả lờiXóa
  26. @bikien, niết bàn có ở đâu xa. Phải không chị Bikien?

    Trả lờiXóa