PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Tản mạn thêm về một số đền tháp tại Siem Reap.

Vừa qua có dịp lên mạng tìm hiểu về một số đền tháp ở Angkor (đa phần từ trang mạng Wikipedia), tôi đã xem được những hình ảnh, những tư liệu khá hay của đế quốc (vương quốc) Khmer xưa, nhất là những hình ảnh và tư liệu về tỉnh Siem Reap nơi có quần thể di tích Angkor nổi tiếng, kinh đô thịnh trị một thời của các vì vua thuộc đế quốc Khmer. Nhân tiện tôi cũng muốn viết thêm, trò chuyện với bạn bè.

Angkor Wat (ảnh bên trái).

Trong lịch sử của đất nước chùa tháp Cambodia, thì thời kỳ cực thịnh của đế quốc Khmer (thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XV) mà Angkor, kinh đô cổ với vai trò là trung tâm, sau đó trong nhiều thế kỷ Angkor rơi vào quên lãng và bị rừng già bao phủ, Angkor được khám phá trở lại vào năm 1860 bởi Henri Mouhot.

Đế quốc Khmer là một cựu đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích lên đến 1 triệu km2 gấp 3 lần diện tích nước Việt Nam ngày nay, tách ra từ vương quốc Chân Lạp, bao gồm nước Cambodia ngày nay, và một phần lãnh thổ thuộc các nước Lào, Thái Lan, miền nam Việt Nam.

Angkor Thom (ảnh bên phải).

Di sản lớn nhất của đế quốc Khmer là Angkor, Angkor là chứng tích của sức mạnh và sự thịnh vượng của đế quốc Khmer, cũng là hiện thân của nhiều tín ngưỡng, các tôn giáo chính thức là Ấn Độ giáo, Phật giáo Đại thừa, cho đến Phật giáo Nam truyền được du nhập từ Sri Lanka vào thế kỷ thứ 13. Có điều lạ lùng, không hề có một văn bản nào của người Khmer ghi chép về lịch sử của thời kỳ này, ngoài những văn bản, hình ảnh  được chạm khắc trên đá được tìm thấy tại Angkor, và những ghi chép còn lưu lại được của các sứ thần, nhà buôn, và những người lữ hành Trung Hoa xưa.

Người đặt nền móng cho việc xây dựng Angkor sau này là Jayavarman II, là một hoàng tử của triều đại Sailendra ở Java (Indonesia ngày nay), ông như một con tin của một hoàng gia chư hầu của Java hay đến đó để học tập (hoặc cả hai) điều đó không được khẳng định. Nhờ thời gian ở Java, ông đã mang nghệ thuật và văn hóa của triều đình Sailendra ở Java về cho triều đình Khmer. Sau khi trở về nhà ở vương quốc Chân Lạp, ông đã xây dựng thế lực, đánh bại nhiều vị vua khác và năm 790 trở thành hoàng đế của vương quốc Khmer. Trong những năm tiếp theo ông đã mở rộng lãnh thổ và thành lập kinh đô mới Hariharalaya gần thị xã Roluos của Cambodia ngày nay. Năm 802, ông tự xưng Chakravartin (vua thiên hạ) bằng một lễ đăng quang theo nghi thức Ấn Độ giáo, ông không những là vị vua được sắc phong, mà còn đồng thời tuyên bố sự độc lập của vương quốc Khmer khỏi vương quốc Java. Jayavarman II mất năm 834, ông là vị vua thành lập đế quốc Khmer rộng lớn.

Quần thể di tích Angkor bao gồm nhiều đền đài, cung điện, thành quách, mà nổi tiếng nhất là Angkor Wat (Đế Thiên), và Angkor Thom (Đế Thích) được cả thế giới biết đến. Angkor: kinh đô, Wat: đền thờ, chùa, là kinh đô, cũng là nơi thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo, được xây dựng bởi vua Suriya-warman II (1113 - 1150), về sau khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Angkor Wat được xem là công trình thể hiện tuyệt đỉnh nghệ thuật của người Khmer. Angkor Thom (thành phố vĩ đại) là kinh đô cuối cùng của vương triều Khmer, được xây dựng bởi vị vua Jayavarman VII vào cuối thế kỷ XII, thành rộng 9km2, gồm nhiều đền đài, tượng đá, phù điêu... Trung tâm thành là đền Bayon với những khuôn mặt bằng đá tuyệt tác. Ảnh dưới.

Đến Angkor, du khách thường được hướng dẫn đi thăm Angkor Wat và Angkor Thom, những kiến trúc bằng đá vĩ đại, tuyệt mỹ của những đền đài, cung điện, tượng đá, phù điêu... Tuy nhiên Angkor Wat và Angkor Thom chỉ được xây dựng vào những thế kỷ về sau, bắt đầu từ thế kỷ thứ IX, các vị vua đầu tiên của đế quốc Khmer đã cho xây dựng những đền tháp có kiến trúc bằng đá và bằng gạch với quy mô nhỏ hơn Angkor Wat và Angkor Thom, cách 2 nơi này không xa, chỉ một vài km, những đền tháp mà tôi đã nói tới ở bài viết trước, nét độc đáo (có lẽ với người Việt) như tôi hay các bạn khác đã đến và nhìn thấy, đó là những tháp bằng gạch có gần như cùng một kiến trúc, kích cỡ, và có lẽ cả về kỹ thuật xây dựng (không dùng mạch vữa để kết dính những viên gạch), trông những tháp gạch này hệt như những ngôi tháp của người Chăm mà chúng ta còn thấy trên suốt dải đất miền Trung Việt nam ngày nay.

Những đền tháp này được tính thứ tự theo thời gian:

 

- Đền Bakong: Ảnh bên trái.

Đền Bakong được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ thứ IX (879) bởi vua Indravarman I, gồm những đền tháp bằng đá và bằng gạch (có 8 ngôi đền bằng gạch).

 

- Đền Preah Ko: Ảnh bên phải.

Đền Preah Ko: được xây dựng cùng thời với đền Bakon, dưới triều vua Indravarman I, khu đền này gồm 6 tháp gạch được xếp thành 2 hàng, mỗi hàng 3 tháp, nền móng của những tháp gạch này được xây dựng bằng đá.

 

 

- Đền Lolei: Ảnh bên trái.

Đền Lolei được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX bắt đầu từ triều vua Indravarman I, và được hoàn tất bởi vua Yasovarman I, đây là ngôi đền nằm trên đảo, gồm 3 cụm tháp kết hợp giữa vật liệu đá và gạch.

Ảnh dưới là tượng đá trên bức tường gạch tại đền Lolei.

 

- Phnom Bakheng: Ảnh bên phải.

Đền Bakheng được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ IX dưới triều vua Yasovarman (889 - 915) nằm trên một ngọn đồi vị trí ở giữa Angkor Wat và Angkor Thom, kết hợp giữa vật liệu đá và gạch, ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng để du khách lên nhìn ngắm hoàng hôn trên ngôi đền Angkor Wat. Bakheng được xây dựng mô phỏng theo đền Bakong được xây dựng trước đó 2 thập niên. Toàn tháp có hình vuông, tháp trung tâm có hình chóp chung quanh là những tháp phụ bao bọc với bốn ngọn tháp trên tầng cao nhất, năm tầng ở giữa với mỗi tầng 12 tháp được dựng lên bằng gạch đất nung tượng trưng cho 12 con giáp. Tổng cộng có 108 tháp đền, một con số bất ngờ.

Tất cả những ngôi đền kể trên đều thờ thần theo Ấn Độ giáo, hiện nay những ngôi đền này đều bị thời gian và chiến tranh phá hủy nghiêm trọng.

Ngoài những ngôi đền tháp kể trên nằm gần nhau trong quần thể di tích Angkor, xa hơn còn có các ngôi đền tháp khác:

 

- Beng Mealea: Ảnh bên phải.

Đền Beng Mealea là nơi chôn cất vua Suryavarman II, được xem là phiên bản của đền Angkor, do các nhà khoa học Pháp phát hiện vào năm 1954, khu đền nằm cách Siem Reap 70km về hướng đông bắc.

 

 

                                                                            

- Koh Ker: Ảnh bên trái.

Đền Koh Ker là một ngôi đền thuộc quần thể di tích Angkor, cách Siem Reap 100km, đây là kinh đô cũ của Angkor được xây dựng bởi vua Jayavarman IV, từ năm 921 đến năm 944. Đây là giai đoạn khủng hoảng quyền lực tại Angkor sau khi vua Indravarman I băng hà.Theo những bi ký tìm được tại Angkor cho biết, năm 921 quốc vương Jayavarman IV là HasavarmanI bỏ vùng Angkor về ở Koh Ker và cho xây nhiều cung điện ròng rã suốt 23 năm, vào năm 944 vua nối ngôi trở về Angkor. Nguyên nhân nào để vị vua này cho xây dựng một kinh đô nguy nga với hàng ngàn nô lệ ở một nơi không thích hợp giữa khu vực toàn núi đá và không có nguồn nước? Kinh thành Koh Ker chỉ tồn tại đúng 23 năm bằng với thời gian xây dựng rồi chìm vào quên lãng...

10 nhận xét:

  1. Bạn PNH cho xin bài này làm tài tiệu.Xin cám ơn.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn đã công phu tìm ra một số tháp xây bằng gạch ở vùng Xiêm Riệp cuối thế kỉ 9. Cái mà chúng ta muốn biết thêm để trả lời TORO là các tháp đó giống và khác tháp Chàm cùng xây dựng trong cuối thế kỉ 9 ở những chỗ nào (về kết cấu, đường nét, hình dáng, mục đích và đối tượng thờ tự, chất liệu gạch....Nói đúng thuật ngữ là chúng lọt vào phong cách nào trong số 8 phong cách chính của hệ thống tháp Chàm Việt Nam). Bu đọc mãi những bài nói về tháp gạch Bakheng (mà TORO gọi là tháp Chàm) vẫn chưa biết gì thêm ngoài những lời giới thiệu chung chung...

    Trả lờiXóa
  3. @lanvuive, tìm hiểu chúng cũng thấy hay :-)

    Trả lờiXóa
  4. Em có một seri ảnh chụp những cái tháp gạch - tháp Chăm, cứ gọi thế cho tiện, ở Phnom Bakheng, khi nào tìm ra sẽ đưa lên ạ. Ở đó còn có tượng bò thần Nadin nguyên vẹn chầu lên tháp chính, vẫn được hương khói. Một trong số các ngôi tháp Chăm này đang được trùng tu...

    Phần ngọn tháp đa số đã hư hại , không còn rõ ràng như tháp bên ta bác Bu ạ.

    Trả lờiXóa
  5. @bulukhin, hihi, tôi nghĩ là mình chỉ có thể tìm được những tài liệu "phổ thông" để trả lời TORO về những điều TORO muốn hỏi bác (tôi cũng thắc mắc như thế, hoặc các bạn khác nữa), đó là những nét khái quát cơ bản của tháp Chăm VN và tháp bên Angkor của các triều vua Khmer, chẳng hạn về hình dáng (kiến trúc), kỹ thuật xây không dùng mạch vữa kết dính những viên gạch (quan sát tháp gạch bị hư hỏng ở Bakheng mà bạn BT đã chụp khá rõ những viên gạch, thấy những viên gạch được chồng lên nhau như tháp Chăm VN chứ không có vữa kết dính), cùng chất liệu là gạch đất nung, cùng đối tượng thờ của những tháp này (ban đầu là thờ thần thuộc Ấn Độ giáo (Vihsnu, Shiva, Brahma), sau Phật giáo du nhập chuyển sang là đền thờ Phật giáo. Tháp Chăm là của người Chăm xây dựng, còn tháp bên Angkor là của người Khmer xây dựng, nhưng có nét cơ bản giống nhau giữa 2 dân tộc này, có lẽ là cùng một nguồn gốc (gốc từ Nam đảo Java, Borneo), cùng hệ ngôn ngữ Môn - Khmer, cùng một tôn giáo qua những thời kỳ (Ấn Độ giáo, Phật giáo). Tháp Chăm có trước tháp Angkor (được xây muộn nhất vào thế kỷ thứ 7, trong khi tháp Angkor là vào nửa cuối thế kỷ thứ 9), tháp gạch và tháp đá ở cụm kiến trúc Angkor được xây dựng cùng thời... Còn những chi tiết như bác nêu bên trên, như đường nét, hình dáng, những chi tiết như có tháp khung cửa là những thanh đá, khung hình chữ nhật như cửa nhà bây giờ, nhưng cũng có tháp xây cửa bằng gạch hình vòm cuốn, hoặc giả có tháp có cửa giả bằng đá như tháp bạn BT chụp ở Bakheng tại sao lại như thế... Rồi tháp Angkor được xếp vào cụm tháp nào đối với tháp Chăm... Những chi tiết có lẽ khó có thể nào kiếm ra được trong những tài liệu trên mạng, có lẽ phải dành cho những nhà thật sự chuyên ngành về khảo cổ, kiến trúc, xã hội...

    Trả lờiXóa
  6. @torovn, Ấn Độ giáo thờ bò mà, đền Preah Ko có nghĩa là đền Bò thiêng.
    Tháp tại đền Bakheng đã bị hư hỏng khá nhiều, nhưng một số tháp ở những ngôi đền khác như Bakong, Lolei, Preah Ko hình chụp tôi đưa lên còn khá nguyên vẹn...

    Trả lờiXóa
  7. Hehehe...Càng đi sâu vào câu hỏi của TORO càng như vào đường hầm. Tại sao vậy? Tại chúng ta thiếu công cụ của chuyên môn hẹp. Chẳng qua cũng chỉ trao đi đổi lại cho vui cửa vui nhà vậy thôi... TORO bảo "tháp Chăm, cứ gọi thế cho tiện" là biết phònh xa. Tháp Chăm phải là của người Chăm xây trên đất Chăm. Cho dù người Ấn Độ sang xây thì vẫn là tháp Chăm, chứ không thể là tháp Ấn. Chúng ta biết rằng Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo...vào đất nước nào lập tức bị tín ngưỡng dân gian nước đó chi phối và trà trộn vào. Vua Lí, vua Trần, sùng Phật nhưng lúc cúng tế vẫn cầu trời, cầu linh hồn tiên đế phù hộ độ trì. .Trời và linh hồn là tín ngưỡng bản địa, những thứ bị Phật giáo bài bác.. .Với tháp Chăm, tháp Miến, tháp Thái, Tháp Lào Tháp Khơme.... chung quy cũng là hình ảnh núi Tu Di (Meru, tiếng Sankrit) trong văn hóa Ấn Độ. Nhưng mỗi loại tháp ở mỗi nước lại khác nhau. Tháp Miến là một khối đặc không có cửa vào trong khi tháp Chăm có cửa vào rất hẹp. Còn cái đại tháp bên Ấn Độ thì có khoét vào thấn tháp để đặt tượng. Chưa nói nước này với nước kia, mà trong một nước Chăm đã có 8 phong cách khác nhau. Phong cách Mỹ Sơn, phong cách Bình Định, phong cách Đồng Dương ...Chỉ riêng lòng chảo Mỹ Sơn thôi đã có trên 70 kiến trúc khác nhau được kí hiệu hết cả 24 chữ cái !!! Rõ ràng Tháp chăm có đặc tính và bản sắc riêng của nó. Các nhà khoa học từ thế kỉ 19 đã dò dẫm trong 128 bia kí (tuỵệt nhiên không có sách vở) để dựng lên 14 triều đại Chăm với 97 ông vua mở đầu 192 cho đến 1471. Với những gì đã có (và có thể có) ta tìm được chi tiết một phong cách (nào đó) của tháp Chăm mà sách vở đã kê ra. Còn Với Ba kheng ta chỉ biết có 2 thông tin không hơn không kém: (1) Được xây cuối thế kỉ 9. (2) Vật liệu tháp là gạch. Cũng xin nói thêm: Các nhà khoa học Ba Lan đã đã khảo cứu gạch Chăm và cho hay: Trọng lượng riêng của nó là 1,522g/cm3 trong khi gạch thường là 1,8g/cm3. Giá như ta có một viên gạch Ba Kheng để thí nghiệm thì cũng tạm khẳng được cái tháp ấy bà con ruột thịt với tháp Chăm trên đất Chăm đến mức độ nào...Tiếc thay đó cũng chỉ là mơ ước vu vơ..... hihihi

    Trả lờiXóa
  8. @bulukhin, Hihi, khó thiệt ha bác Bu, nhưng chỉ thử giải mã những nét cơ bản thôi của câu hỏi Toro, tôi thấy rất thích thú, những thông tin mình tìm được dần dần hé lộ những điều thú vị, tôi sẽ viết tiếp một vài vấn đề nữa liên quan đến tháp Chăm và tháp Angkor.

    Trả lờiXóa