PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Chuỗi hạt.

Ảnh Internet.

Đến nhà thờ hay chùa chiền, chắc các bạn hay thấy hình ảnh những tín đồ với chuỗi tràng hạt trên tay. Chuỗi hạt, hay tràng hạt được dùng cho cả tín đồ Thiên chúa giáo và Phật giáo, người TCG còn gọi là chuỗi Mân côi, còn người PG gọi là chuỗi Bồ đề. Có lẽ nhiều bạn cũng không rõ lắm về ý nghĩa, sử dụng của chuỗi hạt. Hai chuỗi hạt có hình thức xâu khác nhau, nhưng đều cùng một mục đích, là giúp tín đồ dễ dàng đi đến chuyên nhất tâm ý, tập trung trong việc cầu nguyện. Trong bài viết nhỏ này tôi muốn nói qua về hai chuỗi hạt ấy.

- Chuỗi hạt Thiên chúa giáo: chuỗi hạt của người TCG có hình dạng như hình chụp bên trên, gồm một cây Thánh giá, cộng với 59 hạt (thường là dạng tròn), và một hạt lớn nối tại chỗ phân nhánh (ở đây là viên đá dạng khối lớn). Để ý một chút các bạn sẽ thấy khoảng cách của hạt tròn không đều, có những hạt có khoảng cách xa hơn và nằm riêng lẻ, để ý kỹ hơn chút nữa thấy các hạt riêng lẻ này hơi lớn hơn các hạt khác. Công dụng của các hạt riêng lẻ này là để đánh dấu khi người tín đồ đọc kinh cầu nguyện, thường  là các kinh Kính mừng, Lạy cha, Sáng danh (mấy chục năm, tôi vẫn còn nhớ những kinh này...). Khi lần đến các hạt đánh dấu này người lần hạt sẽ chuyển sang những kinh khác. Người tín hữu bắt đầu đọc kinh và lần từ hạt thứ nhất sát với cây Thánh giá, đến đoạn phân nhánh thì tiếp tục ở nhánh nào cũng được vì cấu tạo ở nhánh đối xứng nhau, tuỳ thuận tay, vừa đọc các kinh vừa lần cho đến hết chuỗi hạt... Chuỗi hạt có thể được làm từ gỗ, nhựa, thuỷ tinh, đá quý, hoặc kim loại...
                                                                                                                         
- Chuỗi hạt Phật giáo:  như hình chụp bên cạnh, hình thức khác với chuỗi hạt của TCG, hạt được xâu đều, khít nhau. Khởi nguyên, theo kinh "Mộc Hoạn Tử" (Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 17, tr. 726), Đức Phật bảo vua Ba Lưu Li rằng: "Nếu nhà vua muốn diệt hết phiền não, thì phải xâu 108 hột Mộc hoạn tử, thường mang theo mình, đi, đứng, nằm, ngồi, luôn dốc lòng xưng niệm danh hiệu Phật đạo (Phật), Đạt ma (Pháp), Tăng già (Tăng), không để cho tâm ý phân tán". Tại Trung Hoa, khoảng 800 năm sau khi Phật nhập diệt, đã thấy nhiều kinh điển đề cập đến việc sử dụng xâu chuỗi. "Tục Cao tăng truyện" chép: "nhiều người lần chuỗi, đồng niệm danh hiệu Phật" (Đại tạng kinh, tập 50, quyển thứ 20, truyện Đạo Xước).Từ khi ngài Huệ Viễn đề xướng pháp môn niệm Phật thì xâu chuỗi trở thành pháp khí bất ly thân của hành giả tu hành theo tông Tịnh Độ.
Chuỗi hạt của Phật giáo có nhiều loại, số hạt khác nhau. Kinh "Mộc Hoạn Tử" khuyên làm chuỗi 108 hạt. Kinh "Đà La Ni Tập" quyển 2, phẩm "Tác Châu Pháp Tuóng" (Đại tạng kinh, tập 18) nêu ra 4 loại chuỗi: 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt và 21 hạt. Kinh "Văn Thù Nghi Quỹ" phẩm "Sổ Châu Nghi Tắc" cho rằng: chuỗi bậc Thượng 108 hạt, bậc Trung 54 hạt, bậc Hạ 27 hạt, chuỗi Tối thượng là 1.080 hạt. Theo các kinh vừa kể, số lượng của các hạt trong xâu chuỗi hàm chứa một ý nghĩa nhất định. Xâu chuỗi 108 hạt biểu thị cho việc cầu chứng 108 pháp môn đoạn trừ 108 phiền não. Chuỗi 54 hạt biểu thị cho 54 cấp vị tu hành của hàng Bồ tát. Chuỗi 42 hạt biểu thị cho 42 cấp vị tu hành của hàng Đại thừa Bồ tát. Chuỗi 21 hạt biểu thị cho Thập địa, Thập ba la mật và quả vị Phật. Chuỗi 14 hạt là biểu thị cho 14 pháp Vô uý của Bồ tát Quán Thế Âm. Tuy nhiên thường có 2 loại chuỗi được sử dụng trong giới Tăng ni và Phật tử là loại chuỗi 108 hạt, và chuỗi 18 hạt. Cũng như chuỗi hạt TCG, chuỗi hạt của PG cũng được làm bằng các chất liệu gỗ, đá, hạt Bồ đề, ngọc, hay kim loại...
Lần chuỗi hạt trong tôn giáo, đôi khi tôi nghĩ, cũng tương tự như người vẽ tranh, tạc tượng, xếp giấy Origami (hay như tôi ngồi tỉ mỉ làm mấy con vật nho nhỏ bằng cách cuốn những sợi giấy), hoặc cắm hoa... đem lại cho chúng ta sự chuyên tâm, và bình an trong tâm hồn...    
                       

Tham khảo:
- Phật pháp bách vấn (tập 1) - Huyền Ngu - Quảng Tánh biên soạn, NXB Tôn giáo ấn hành 2006.
 

16 nhận xét:

  1. Em cảm ơn anh bài viết này!
    Bao lâu nay thấy tràng hạt, có cầm trên tay rồi nhưng không hiểu ý nghĩa của chúng.
    Nếu có thể, khi nào anh viết một bài về trang phục của TCG và PG được không ạ?

    Trả lờiXóa
  2. @tudinhhuong, tôi cũng có một vài tài liệu nói về trang phục của giới tu sĩ PG, cũng định rảnh rảnh sẽ xem lại xem có thể viết được không?
    Cám ơn bạn đã vào xem.

    Trả lờiXóa
  3. Em nghĩ vấn đề trang phục chắc chắn là có nhiều điều để viết.

    Trả lờiXóa
  4. bậc Hạ 27 hạt,? vậy con số 21....

    Trả lờiXóa
  5. @tudinhhuong, "Em nghĩ vấn đề trang phục chắc chắn là có nhiều điều để viết.", vậy mà hình như tôi thấy rất khó viết, trước đây tôi cũng đã chú ý tìm hiểu đến điều này, cái khó là không hề tìm ra được một quyển sách thuộc loại "chính thống" nào nói về điều này, một vài thông tin trên sách vở có được thuộc loại hỏi - đáp trên báo, tạp chí. Truy cập trên Internet cũng thấy có nhiều bài viết về trang phục đạo Phật, xem một vài thấy viết khá tản mạn.

    Trả lờiXóa
  6. @bulukhin, như bài viết tôi đã trích dẫn, số hạt trên tràng hạt là tùy theo diễn giải của các kinh sách. Chẳng hạn "Kinh "Văn Thù Nghi Quỹ" phẩm "Sổ Châu Nghi Tắc" cho rằng: chuỗi bậc Thượng 108 hạt, bậc Trung 54 hạt, bậc Hạ 27 hạt, chuỗi Tối thượng là 1.080 hạt". Đối với kinh "Kinh "Đà La Ni Tập" quyển 2, phẩm "Tác Châu Pháp Tuóng" (Đại tạng kinh, tập 18) nêu ra 4 loại chuỗi: 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt và 21 hạt", và "Chuỗi 21 hạt biểu thị cho Thập địa, Thập ba la mật và quả vị Phật". Đấy là sách vở chép njư thế.

    Trả lờiXóa
  7. Giờ đọc bài này mới biết ra nhiều thứ, cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
  8. @nguyenthuthuy, hìhì, kiến thức phổ thông, theo tôi cũng khá hay, có thể giúp ích ít nhiều trong cuộc sống, không riêng gì lãnh vực tôn giáo, TT có thấy thế không?

    Trả lờiXóa
  9. @nguyenthuthuy, quên, riêng cách lần chuỗi hạt bên PG thấy sách chép, đối với chuỗi hạt liền lạc thì cứ lần tới tới, còn đối với chuỗi hạt như trên hình chụp, đến đoạn phân nhánh có tua thì phải lần ngược trở lại.
    Chỉ có PG thuộc Bắc truyền (Đại thừa) mới có chuỗi hạt, còn PG Nam truyền (Tiểu thừa) không có chuỗi hạt.

    Trả lờiXóa
  10. Ngoài Bắc gọi là lần tràng hạt.
    Có một số hòa thượng khi tiếp khách, nói chuyện, họp hành cũng lần chuỗi hạt nhỏ, chắc 21 hạt, không hiểu như vậy thì cụ đang chuyên chú vào tâm hay vào cuộc tiếp khách, họp hành nữa. Có lẽ các vị tăng đeo tràng hạt, lần tràng hạt trong trường hợp này còn có tác dụng trang trí nữa chăng...
    Các cụ đi chùa thường có chuỗi hạt, kèm theo tờ điệp khi quy Phật để trong túi vải nhỏ, tương tự chỗ cây thánh giá của TCG. Trước khi đeo vào cổ có nghi lễ nâng tràng hạt lên hai tay rồi đọc, đại khái là " Hai tay con nâng lấy tràng/ Con đeo vào cổ con mang vào mình/ Mai sau thác hóa tràng sinh/ Cho nhớ nẻo lại cho tinh đường về/ Nam mô A di đà Phật" rồi mới đeo.

    Trả lờiXóa
  11. Cám ơn anh Hiệp đã chịu khó nghiên cứu về cả bên TCG và PG để giúp mọi người hiểu thêm về cả hai đạo.

    Trả lờiXóa
  12. @torovn, " Hai tay con nâng lấy tràng/ Con đeo vào cổ con mang vào mình/ Mai sau thác hóa tràng sinh/ Cho nhớ nẻo lại cho tinh đường về/ Nam mô A di đà Phật", trước khi lần hạt các cụ đọc câu này cũng hay.
    Còn vụ các vị tu hành khi tiếp khách, nói chuyện, hội họp cũng lần tràng hạt, tôi nghĩ có khi là do thói quen thôi, có khi lần hạt mà chẳng nghĩ ngợi gì đâu... Đã tu hành có chức vị rồi chắc các vị ấy chẳng cần trang trí bằng chuỗi hạt đâu. bây giờ tôi thấy có nhiều tín nữ, cả thiện nam nữa hay đeo một chuỗi hạt ở cổ tay, có lẽ là để trang trí, hay phong thuỷ gì đó (thường vòng hạt của họ đeo được tính theo kiểu sinh - lão - bệnh - tử).

    Trả lờiXóa
  13. @tuyetmai, chừng ít lâu nữa về hưu mở cái am hay cái cốc (cafe) được không chị Mai? :-)))

    Trả lờiXóa
  14. @tudinhhuong, nhưng có lẽ lần sau tôi sẽ lan man về pháp phục của tôn giáo (TCG và PG), cũng hay lắm.

    Trả lờiXóa
  15. Hồi xưa M thấy người dì của M lần tràng hạt như một cách tính thời gian tụng niệm . Lần được mấy vòng tràng hạt thì ngừng một kỳ tụng kinh . Mà có chuyên tâm gì đâu , bà ngồi vừa lần tràng hạt , vừa đọc kinh nhưng con trẻ chung quanh làm cái gì sai là bà la liền (((-:

    Trả lờiXóa
  16. @bangtamngt, hìhì, cách lần hạt của người tín hữu TCG và người Phật tử PG có khác nhau. Marg. thấy chuỗi hạt của TCG phân chia có mục đích rõ ràng. Khi bắt đầu lần hạt là từ cây thánh giá (làm dấu thánh) và đọc 1 kinh Tin kính (1 bài kinh ngắn còn hơn kinh Bát nhã) chứ không dài dòng như đọc cả một quyển kinh bên PG, tiếp đến hạt lớn đầu tiên là đọc 1 kinh Lạy cha để cầu cho vị đứng đầu TCG là Đức giáo hoàng, 3 hạt nhỏ kế tiếp đọc 3 kinh Kính mừng để cầu cho Đức tin, kính mến Đức mẹ, hạt lớn kế tiếp là đọc kinh Sáng danh cầu cho Giáo hội... và cứ như thế, mỗi hạt là một bài kinh ngắn, có ý nghĩa rõ ràng, chuỗi hạt giúp tín đồ chuyên tâm trong việc đọc kinh cầu nguyện. Còn lần hạt bên PG có lẽ miệng đọc (tụng kinh, kinh PG là một câu chuyện kể gồm cả một quyển), tay lần chuỗi hạt như một quán tính thôi. (((-:

    Trả lờiXóa