PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Nhà sư đầu tiên của Trung Hoa đi Tây phương cầu Pháp.


Ảnh Internet.

Trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa có rất nhiều vị cao tăng đi Tây phương cầu Pháp, mang về nhiều bộ kinh có giá trị, phát triển cho Phật giáo sau này. Một trong những nhà sư nổi tiếng nhất là nhà sư Huyền Trang, vốn họ Trần sống vào đời nhà Đường*, nên còn được gọi là Đường Tăng, ngài khởi hành vào năm 629 và dưới ngòi bút tài hoa của Ngô Thừa Ân tên tuổi của ngài đã đi vào văn học sử. Nhưng Huyền Trang không phải là nhà sư đầu tiên của Trung Hoa đến Tây phương cầu Pháp, lịch sử Trung Hoa cho biết vị tăng nhân đầu tiên tiến bước trên con đường gian nan để hướng về Tây phương cầu Pháp, chính là Chu Sĩ Hành thời kỳ Tào Nguỵ** vào năm 260, trước Huyền Trang 369 năm.
Chu Sĩ Hành là người Vĩnh Châu thời Tào Nguỵ, ông xuất gia từ bé, lúc đó giới luật Phật giáo chỉ mới được truyền vào đất Hán, và ông thuộc lớp sa môn đầu tiên xuất gia thọ giới. Trước Chu Sĩ Hành cũng có những người được gọi là xuất gia, nhưng do chưa có giới luật nên chỉ là cắt tóc để phân biệt với người thế tục, nhưng vẫn chưa được truyền thọ theo giới luật, đối với Chu Sĩ Hành đã thọ trì theo giới luật, tuy vào thời ông giới luật Phật giáo vẫn chưa hoàn chỉnh, người đời sau vẫn xem ông như người Hán đầu tiên xuất gia.
Ở vào thời ông xuất gia kinh sách Phật giáo chỉ do một số tăng nhân từ Tây Vực và Ấn Độ mang vào Trung Hoa truyền bá, họ chỉ mang theo một ít quyển kinh. Ở vào thời kỳ đầu này việc dịch kinh sách từ chữ Phạn (Sanscrit) sang chữ Hán cũng chưa được hoàn chỉnh, và cũng do khác biệt giữa hai nền văn hoá, nên việc dịch sai, thiếu sót, khiến người theo học đạo cảm thấy khó hiểu... Thời gian Chu Sĩ Hành ở Lạc Dương nghiên cứu và giảng giải "Đạo hành Bát Nhã kinh", ông thường than rằng một bộ kinh điển quan trọng như vậy của Phật giáo Đại thừa lại được dịch không hết ý, khiến người ta không sao hiểu được ý nghĩa của kinh văn, từ đó ông phát nguyện phải Tây hành cầu Pháp, tìm cho được bản gốc của kinh Bát Nhã.

Năm thứ 5 niên hiệu Cam Lộ thời Tào Nguỵ**

(Năm 260), Chu Sĩ Hành rời Trường An đi về hướng Tây, lặn lội qua bao hiểm nguy gian khổ cuối cùng đến được Vu Điền (Tân Cương bây giờ, giáp với miền Bắc Ấn Độ). Lúc đó Vu Điền là nơi tập trung của Phật giáo Đại thừa, cất giữ rất nhiều kinh điển Phật giáo Đại thừa. Quyển "Quang tán Bát Nhã kinh" do Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch là bản Phạn văn do nhà sư Vu Điền Chỉ Đa La mang đến từ Vu Điền. Chu Sĩ Hành ở Vu Điền có được bản "Phạn văn Hồ bản" của "Phóng quang Bát Nhã kinh", gồm 90 chương, hơn 60 vạn câu. Lúc ấy ở nước Vu Điền Phật giáo Tiểu thừa vẫn còn có thế lực, giáo đồ Tiểu thừa cản trở việc truyền bá kinh điển Đại thừa. Do đó Chu Sĩ Hành chưa thể mang kinh quay về được, mãi đến năm thứ 3 niên hiệu Thái Khang đời Tấn (năm 282), cách thời gian ông ra đi đã hơn hai mươi năm, đệ tử của ông là Phất Như Đàn (Pháp Nhiêu) mới đem bản Hồ kinh đến Lạc Dương. Thêm 10 năm đến niên hiệu Nguyên Khang nguyên niên (năm 292) mới được sa môn Vu Điền là Vô Xoa La và cư sĩ Trúc Thúc Lan dịch sang chữ Hán.
Bản thân Chu Sĩ Hành mất ở Vu Điền lúc hơn 80 tuổi, ông đã thực hiện được lời nguyện vì Pháp quên thân.

*
Nhà Đường (618 - 907), triều đại nhà Đường bị chia cắt bởi thời kỳ nhà Võ Chu (690 - 705), khi Thái hậu Võ Tắc Thiên chiếm giữ ngôi báu.
**
Tào ngụỵ  (220 - 265), là một trong 3 nước thời Tam quốc, kinh đô ở Lạc Dương, do con của Tào Tháo là Tào Phi thiết lập.

Tham khảo:
- Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2011.

10 nhận xét:

  1. @tangtinhtinh, Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Thiện tai!

    Trả lờiXóa
  2. đọc "cầu Pháp" giật mình tưởng nhà sư sang nước Pháp cầu " viện trợ" giống như hồi đó hoàng tử Cảnh đi cầu viện (((-:

    Trả lờiXóa
  3. @bangtamngt, "đọc "cầu Pháp" giật mình tưởng nhà sư sang nước Pháp cầu " viện trợ" giống như hồi đó hoàng tử Cảnh đi cầu viện (((-: ", híhí, định viết "cầu kinh" lại thấy giống như sư đi xứ Pháp (Tây phương) để... đọc kinh, (((-:

    Trả lờiXóa
  4. Cuộc “Tây du” của Chu Sỹ Hành là một tiền lệ tốt cho những chuyến viễn du Tây Thiên cầu Phật pháp của Pháp Hiển hay Huyền Trang sau này. Hơn nữa, chuyến đi của Chu Sỹ Hành còn mở ra quá trình giao lưu về văn hóa và Phật giáo giữa Trung Quốc với các quốc gia nằm ở phía Tây..

    Trả lờiXóa
  5. @bulukhin, đúng như bác viết, từ xưa người Trung Hoa đã coi các dân tộc quanh họ là "rợ", người khu vực Tây Vực, Ấn Độ... họ gọi là "Hồ" (rợ Hồ). Có lẽ tôi sẽ đưa lên những thông tin nữa về mấy nhà sư thỉnh kinh nổi tiếng trong lịch sử TH, dưới dạng kiến thức phổ thông cơ bản, để một vài bạn (như Thu Thuỷ chẳng hạn) quan tâm đến Phật giáo nắm được...

    Trả lờiXóa
  6. 1- Đây là những thông tin bổ ích cho người nhập môn đạo Phật và những người tò mò muốn biết Phật giáo là gì. Hồi ấy Vu Điền thuộc đất Tân Cương ...Tức là ông Hành không đi được xa như ông Huyền Trang đời Đường sau này.
    2- Ông Chu Sỹ Hành (203-282) không chỉ là người Tây du đầu tiên của Tàu mà có thuyết nói ông là người xuất gia đầu tiên của xứ này nữa
    3- Ông sang Tây vực cầu kinh, đẩy mạnh thêm trào lưu hưng thịnh của Bát nhã học thời Tây Tấn. Ông đã vượt qua hơn 10 nghìn dặm đường và ở Vu Điền hơn 20 năm, một đi không trở lại, ông tịch tại Vu Điền vào năm Thái Khang thứ ba, thọ 80 tuổi.

    Trả lờiXóa
  7. @bulukhin, đúng vậy bác Bu, có dịp tôi sẽ lai rai đưa lên những thông tin có tính phổ thông như thế, tôi nghĩ đó không chỉ cần cho người muốn tìm hiểu đạo Phật, hệ thống sách vở, tuyên truyền... của PG tôi thấy tản mạn quá, sách vở rất nhiều, nhưng mạnh ai nấy viết, không có mấy hệ thống, khiến cho người muốn tìm hiểu về đạo Phật cứ như lạc vào rừng rậm...,
    Những thông tin bác Bu viết tôi cũng có nói trong entry.

    Trả lờiXóa
  8. Có lẽ vì ông này mà câu đối trong chùa hay có câu "Khởi ư Hán, thịnh ư Đường..." chăng... Bác đưa những thông tin Phật giáo này lên rất hay đấy ạ.

    Trả lờiXóa
  9. @torovn, cũng có lẽ như thế, PG vào Trung Hoa khoảng đầu Công nguyên, tức đời nhà Hán, đến đời nhà Đường là đã phát triển khá rộng, phần lớn là do công lao của những nhà sư đi thỉnh, dịch và truyền bá những bộ kinh... Những thông tin này tôi nghĩ cũng rất có ích cho kiến thức phổ thông.

    Trả lờiXóa