PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Kinh Bát Nhã.


Ảnh Internet.

Có lẽ bất cứ ai biết
về Phật giáo cũng đều nghe nói đến kinh Bát Nhã, còn được gọi là Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh (Phạn ngữ Prajnaparamitahridaya), hay Bát Nhã tâm kinh, hoặc Tâm kinh. Đó là một kinh ngắn nhất trong các thể loại kinh của Phật giáo Đại thừa (có khoảng độ 260 từ), là một kinh tinh yếu của bộ Bát Nhã kinh, chữ Phạn PRAJNÀRAMITA - SUTRA, là để gọi chung cho toàn bộ hệ thống kinh Bát Nhã của Phật giáo Đại thừa, gồm khoảng 40 bộ (600 quyển). Kinh Bát Nhã xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng thế kỷ thứ nhất công nguyên khi Phật giáo Đại thừa mới hình thành, vào thời kỳ đầu khi Phật giáo mới truyền vào  Trung Hoa các loại kinh Bát Nhã cũng theo đó được truyền vào.
Bát Nhã kinh được truyền vào Trung Hoa sớm nhất là bộ "Đạo hành Bát Nhã kinh", do ngài Chi Lâu Già Sám dịch vào thời kỳ Đông Hán. Bộ kinh "Đại bát Nhã ba la mật kinh" do ngài Huyền Trang đời Đường dịch gồm 600 quyển, được biên tập chỉnh lý các thể Bát Nhã, đó là một bộ Đại tùng thư tập hợp tất cả các loại kinh điển Bát Nhã.
Tư tưởng chủ yếu của kinh Bát Nhã, là tuyên dương "Tánh không giả hữu" của chư pháp, tức tất cả sự vật hiện tượng của thế gian, đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, không có tự tánh thật tại, được gọi là "Tánh không". Nhưng Tánh không không phải là hư vô, hiện tượng của hư giả (giả hữu) vẫn tồn tại. Tánh không và Giả hữu là hai phương diện của cùng một sự vật. Chỉ có thể thông qua Trí huệ (Bát Nhã) để quán sát sự vật, mới có thể triệt để phủ định nhận thức của thế tục, nắm được chân lý, đạt đến cảnh giới giác ngộ. Các tông phái Phật giáo Đại thừa chịu ảnh hưởng rất nhiều của kinh Bát Nhã, "Kim Cang Bát Nhã kinh" trở thành nguồn gốc tư tưởng của Thiền tông. Từ đó có thể thấy kinh Bát Nhã có địa vị quan trọng trong lịch sử Phật giáo Đại thừa.

Bản phiên âm Hán - Việt của Bát Nhã tâm kinh:
Quán-Tự-Tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời , chiếu kiến ngũ-uẩn giai không , độ nhất thiết khổ ách .
"Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ,Tưởng,Hành,Thức diệc phục như thị ".
Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp không tướng, bất sinh , bất diệt, bất cấu , bất tịnh, bất tăng , bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ , tưởng , hành , thức.
Vô nhãn , nhĩ , tỷ thiệt , thân , ý ; vô sắc ,thanh , hương , vị ,xúc , pháp ; vô nhãn giới ,nãi chí vô ý thức giới.
Vô Vô-minh diệc , vô Vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô Khổ , Tập , Diệt , Đạo , vô Trí diệc vô Đắc, dĩ vô sở đắc cố , Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật--đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng-bố, viễn ly điên đảo mộng-tưởng, cứu cánh Niết-Bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề.
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú . Tức thuyết chú viết:
'" Yết-đế , yết-đế , Ba-la yết-đế . Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha ".

Bản dịch Việt đầy đủ:

Như vầy một lần tôi nghe:
Thế Tôn ở thành Vương Xá trên đỉnh Linh Thứu sơn cùng với đại Tăng đoàn và nhiều chư Bồ-tát, vào thời điểm đó, Thế Tôn đã đang nhập chánh định về các Pháp giới phân biệt gọi là Cảnh giới trình hiện thậm thâm. Cũng chính tại thời điểm đó, Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát, một đại thiện tri thức, thực hành thâm diệu Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, ngài thấy được ngay cả năm uẩn cũng[2] đều thiếu vắng tự tính. Sau đó, thông qua năng lực gia trì của đức Phật, tôn giả Xá-lợi-phất thông bạch với thánh giả Bồ-tát Quán Tự Tại rằng: "Thiện nam tử nên phát tâm rèn luyện thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế nào?".
Khi điều này được hỏi, Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát đáp lời tôn giả Xá-lợi-phất rằng: "Này Xá-lợi-phất! Các thiện Nam tử, thiện nữ nhân phát tâm thực hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm diệu nên thấy như sau. Họ nên soi thấy đúng đắn, xuyên suốt và tái lặp là đến cả năm uẩn cũng đều thiếu vắng về tự tính. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không [hoạt hành] chẳng khác chi sắc, sắc [hoạt hành] cũng chẳng khác chi Không. Tương tự, thọ, tưởng, hành thức thảy đều là Không.
Xá-lợi-phất, bởi thế, mọi hiện tượng đều là Không – thiếu vắng các đặc tính xác định; chúng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm.
Cho nên, Xá-lợi-phất, trong Không, không có sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức; không có nhãn, không nhĩ, không tỷ, không thiệt, không thân, không ý; không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp. Không có nhãn giới và vân vân cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh cũng không có diệt hết vô minh, và vân vân cho đến không có già, chết cũng không có diệt hết già chết. Không có khổ, tập, diệt đạo. Không có trị huệ, không có chứng đắc, cũng không có không chứng đắc.
Xá-lợi-phất, vì không có chứng đắc nên do đó Bồ-tát an trụ theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì tâm không uế chướng nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm, đạt cứu cánh niết-bàn.
Tất cả chư Phật, an trụ trong tam thế tỉnh thức viên mãn và thấu suốt, cũng y theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa mà được vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.
Do vậy, phải biết được rằng chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa – vốn là đại tri chú, là đại minh chú , là vô thượng chú, là ngang bằng với vô đẳng chú, diệt trừ được mọi khổ não – là chân thật vì nó không sai sót. Chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa được tuyên thuyết như sau:
tadyatha - gate gate paragate parasamgate bodhi svaha!
(Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ)
Này Xá-lợi-phất, bằng cách này, các vị đại Bồ-tát nên hành trì trong Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu."
Sau đó, Thế Tôn xuất khỏi chánh định và tán dương Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát rằng: "Lành Thay!"
Ngài nói: "Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử, Đúng là vậy. Phải nên hành trì Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu như cách ông nói. Ngay cả các Như Lai cũng đều hoan hỷ!"
Thế tôn nói xong, tôn giả Xá-lợi-phất, Quán Tự Tại Bồ-tát, toàn thể đoàn tùy tùng chung quanh, và giới chúng sinh bao gồm trời, người, a-tu-la, và càn-thát-bà đều hoan hỷ và tán thán điều Thế Tôn dạy.
- Bát Nhã (Phạn: Prajnà, Pali: Prana): trí huệ.
- Ba la mật đa (Phạn: Pàramì, Pali: Pàramitàs): đáo bỉ ngạn, vượt qua bờ bên này để đến bờ bên kia.
- Xá lợi phất (Phạn: Sàriputta): đệ tử lớn của Phật, có trí tuệ hơn người.


Tham khảo:
- Từ điển Phật học, Nguyên Hảo, nhà xuất bản Về Nguồn Canada xuất bản năm 1999.
- Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, nhà xuất bản Tôn giáo tái bản lần thứ nhất 2011.
- Từ điển mở Wikipedia.

64 nhận xét:

  1. Hay quá, cốt tử của Bát nhã, bấy lâu vẫn quen dùng "sắc bất dị không, không bất dị sắc..." nhưng chưa đọc hết nội dung cả bài kinh quan trọng này. Có duyên gì đó khiến anh em mình kỳ này chú tâm vào Phật giáo, vui chơi lại có thêm kiến thức... cám ơn anh H.

    Trả lờiXóa
  2. @torovn, hihi, "Có duyên gì đó khiến anh em mình kỳ này chú tâm vào Phật giáo, vui chơi lại có thêm kiến thức...", hìhì, đúng là vui chơi lại có thêm kiến thức.

    Trả lờiXóa
  3. Rất cám ơn về entry này.
    Thực là mình cũng muốn tìm hiểu về bài Tâm kinh này. Cũng có nghe nói Bs Đỗ Hồng Ngọc có bài viết về Tâm kinh này rất hay, nhưng mình chưa tìm được.
    Cho mình copy với nha.
    Trân trọng.

    Trả lờiXóa
  4. Cam on anh ve bai viet rat bo ich nay!

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nay anh H đưa bài nghiên cứu về "Tâm kinh" vào đây rồi à.
    Gửi anh đoạn link này, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết lời giới thiệu về cuốn "Nghĩ về trái tim" của mình, mà M đọc quyển sách này M rất thích cách diễn giải và phân tích của một vị bác sĩ khi nghiên cứu về Tâm Kinh.
    http://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/nghi-tu-trai-tim-lom-bom-hoc-phat/gioi-thieu-sach-viet-ve-tam-kinh-bat-nha-nghi-tu-trai-tim/

    Trả lờiXóa
  6. @thunhan, chào mừng bạn đã ghé, xin bạn cứ tự nhiên :-)

    Trả lờiXóa
  7. @truonghoanluyen, chào bạn, chúc bạn an lạc :-)

    Trả lờiXóa
  8. @huynhtran, hìhì, có nghiên cứu gì đâu, vài thông tin dạng phổ thông thôi, cám ơn chị M. đã gởi đường link, BS ĐHN viết cho tuổi già rất hay :-)

    Trả lờiXóa
  9. @huynhtran, bước vào thế giới của triết học Phật giáo như bước vào cánh rừng mênh mông, sách vở, kinh kệ nhiều quá, cho đủ mọi trình độ, đọc không quen cứ rối tung. Thỉnh thoảng tôi chỉ muốn đưa lên một vài thông tin có dạng kiến thức phổ thông mà chơi, kiểu như "Góp nhặt cát đá" vậy, cũng rất lý thú :-))

    Trả lờiXóa
  10. Bất kỳ môn học nào cũng thế, thông thường thì ta phải đi từng bước, chứ ít ai đốn ngộ như Lục Tổ Huệ Năng, chỉ một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim Cang mà Sư bỗng nhiên có ngộ nhập.

    Nhưng cái đặc biệt trong hệ thống kinh Phật, có khi ta chỉ biết căn bản nguồn gốc về đạo Phật thôi, nhưng khi ta đọc bất kỳ kinh nào, hình như ta cũng có thể hiểu được lời Phật giảng và rồi cũng giống như mình chẳng hiểu gì cả, nếu mà ta ngộ ngay rằng bản tánh chính mình cùng Phật không khác, không trải qua thứ lớp, không do tu hành mới được, khi nào ta phá tan cái thấy còn kẹt trên thứ lớp, vượt qua giáo nghĩa phân biệt, có lẽ sẽ ngộ thẳng tự tâm chăng?

    Trả lờiXóa
  11. M thích niệm Bát Nhã Tâm Kinh đó anh Hiệp ơi! M có bản tiếng Hán, để M đưa về cho anh nhé.

    Trả lờiXóa
  12. Anh đã có Hán Việt rồi, M đem toàn chữ Hán về đây lưu cho đủ bộ.



    般若波羅蜜多心經


    觀自在菩薩,行深般若波羅蜜多時,照見五蘊皆空,渡一切苦厄。

    舍利子,色不異空,空不異色,色即是空,空即是色;受、想、行、識,亦復如是。舍利子,是諸法空相,不生、不滅,不垢、不淨,不增、不減;是故空中無色,無受、想、行、識,無眼、耳、鼻、舌、身、意,無色、聲、香、味、觸、法;無眼界,乃至無意識界,無無明,亦無無明盡,乃至無老死,亦無老死盡;無苦、集、滅、道,無智亦無得。

    以無所得故,菩提薩埵,依般若波羅密多故,心無罣礙,無罣礙故,無有恐怖,遠離顛倒夢想,究竟涅槃。

    三世諸佛,依般若波羅蜜多故,得阿耨多羅三藐三菩提,故知般若波羅蜜多,是大神咒,是大明咒,是無上咒,是無等等咒,能除一切苦,真實不虛。

    故說般若波羅蜜多咒,即說咒曰:
    「揭諦揭諦,波羅揭諦,波羅僧揭諦,菩提薩婆訶。」

    Trả lờiXóa
  13. 1- Chính xác là 267 chữ (trong đó có 26 chứ Phạn)
    2- Với ngần ấy chữ thôi mà hàm chứa bao nhiêu triết lý Phật giáo Đại thừa. Tự cổ chí kim bao nhiêu nhà sư giảng giải mà chưa thấu đến ngọn nguồn của nó..Bu tui hoàn toàn tán dương cách lý giải của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong quyển "Tinh túy bát nhã Tâm kinh" . Ngài đứng hẳn về quan diểm Trung quán tông là đỉnh cao của Phật giáo đại thừa để lý gải. Tuyệt.
    3- Nhân thể TTM dẫn ra nguyên bản chữ Hán làm bu tui muốn nói thêm vài dòng về 5 chữ. 觀自在菩薩 (Quán Tự tại bồ tát)! Quán Tự tại Bồ tát là Bồ tát nào? Sao lại Tự tại? Sao lại viết hoa? Đi vào ba bộ kinh: Pháp Hoa. Lăng Nghiêm, Bát nhã Tâm kinh ta thấy:
    - Kinh Pháp Hoa lấy văn âm làm ngộ nhập (văn là nghe, âm là âm thanh)
    - Kinh Lăng Nghiêm dùng nhĩ căn để ngộ nhập (nhĩ là tai, căn là gốc, cội rễ)
    - Kinh Bát nhã tâm kinh dùng nhãn căn ngộ nhập (nhãn là mắt)
    Hai kinh đầu rõ ràng phải dùng đến sự nghe để giác ngộ nên Bồ tát vừa nhắc đến có tên gọi là QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT. Quán thế âm là nghe hết thảy âm thanh (đau khổ) của thế gian
    Kinh Bát nhã Tâm kinh dùng con mắt (nhãn) nhìn để định vị mà giác ngộ nên vị bồ tát kia được gọi là QUÁN TỰ TẠI. Thực ra cả hai vị Bồ tát là một mà thôi,

    Trả lờiXóa
  14. Vi diệu thay, lành thay! Bác Bu đã tóm tắt đưa ra mấu chốt của việc lãnh hội và ngộ nhập của từng bộ kinh.

    Rất cám ơn những dẫn giải của anh Bu.

    Trả lờiXóa
  15. Cám ơn chị M. và bác Bu đã đưa thêm những thông tin về kinh sách rất bổ ích :-))

    Trả lờiXóa
  16. Khi ở thiền đường, khoảng 400 người đọc kinh bát nhã theo Sư thầy em cảm nhận có một năng lượng tập thể rất lớn toả ra vì mọi người chú tâm và đọc theo thật nghiêm túc, to, vang, rõ ràng. Tuy thế không phải ai cũng hiểu bài kinh mà họ đọc, riêng em cũng chỉ hiểu đoạn "Vì tâm không uế chướng nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm, đạt cứu cánh niết-bàn."

    Kiến thức đạo Phật mênh mông như biển, chỉ xin làm một người Phật tử bình thường, sống tỉnh thức trong cuộc đời này thôi.

    Trả lờiXóa
  17. Cám ơn các bạn từ anh H đến bác Bu,HT và nguyenthuthuy đều có những dẩn giải và quan điểm rất lý thú. HT có đưa đường link của BS.Đổ Hồng Ngọc giải thích về Bát nhã tâm kinh rất dể hiểu, phù hợp với trình độ của nhiều người. Tôi nghĩ nếu ai thấy Bát nhã tâm kinh khó hiểu nên tìm hiểu ở quyển " Nghĩ về trái tim " của BS.cũng hay.

    Trả lờiXóa
  18. @nguyenthuthuy, cái hay của PG theo tôi là không có tính cách "áp đặt", tuỳ theo mỗi người mà chiêm nghiệm, làm được một Phật tử bình thường, hay một công dân bình thường giữa thời buổi này là "gút" lắm rồi đó TT :-))

    Trả lờiXóa
  19. @tuyetmai, cám ơn chị Mai đã chịu khó vào đọc, còn đưa thêm những hướng dẫn khác nữa :-))

    Trả lờiXóa
  20. hihi, hình như tâm mình động lắm hay sao mà M đọc bằng mắt , nó không đi vô não , chẳng xuống tim , nó đi đâu ấy ((((-:

    Trả lờiXóa
  21. Kinh Phật thường phiên âm mà ít dịch cho phù hợp với ngôn ngữ tự nhiên nên tạo ra sự khó hiểu cho Phật tử, nên chăng có sự dịch nghĩa một cách hiện đại hơn, phù hợp với ngôn ngữ hôm nay thì tốt, phải không các bác?!

    Trả lờiXóa
  22. @bangtamngt, "hihi, hình như tâm mình động lắm hay sao mà M đọc bằng mắt , nó không đi vô não , chẳng xuống tim , nó đi đâu ấy ((((-:", hìhì, vậy xem nó có đi xuống... dạ dày không? Nếu đúng sẽ có một "thuyết" mới gọi là Quán "thực" tại (((-:. Nói vui vậy thôi chứ tôi ít để ý đến câu cú ngữ nghĩa của kinh sách, chẳng hạn kinh Bát Nhã chủ yếu giảng về "Tánh không" (bất nhất, bất nhị... chăng?), nhưng vẫn phân biệt "bờ bên này, bờ bên kia" (vượt qua, vượt qua bên kia), cho nên đọc thì biết vậy, nó vào đâu thì vào, tìm hiểu chi cho mệt, cứ cafe là khoái, hihi!

    Trả lờiXóa
  23. Toro ơi! chị đưa bản dịch nghĩa của HT THÍCH TRÍ THỦ về đây. Còn bản dịch của Thầy Hải Triều Âm nữa, nhưng vì chị kg có quyển kinh ở đây.

    TÂM KINH BÁT NHÃ

    DỊCH NGHĨA

    Bồ tát Quán tự tại khi hành Bát nhã ba la mật đa sâu xa soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách.

    Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

    Xá Lợi Tử! Tướng không các pháp đây, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Cho nên, trong không, không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh cũng không vô minh hết; cho đến không già chết, cũng không già chết hết; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí cũng không đắc.

    Bởi không sở đắc, Bồ tát nương Bát nhã ba la mật đa, nên tâm không mắc ngại; vì không mắc ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo niết bàn. Chư Phật ba đời nương Bát nhã ba la mật đa nên chứng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

    Nên biết Bát nhã ba la mật đa là chú thần lớn, là chú minh lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ hết mọi khổ ách, chắc thật vì không dối.

    Nên nói chú Bát nhã ba la mật đa, nên nói chú rằng: Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha.

    Trả lờiXóa
  24. Dịch kinh ra tiếng Việt thì có Sư Bà Hải Triều Âm, nhưng kỳ quá, khi đọc kinh thì chị cứ muốn và thích đọc nguyên ngữ hơn dù chẳng hiểu gì cả, nhất là Kinh chú Lăng Nghiêm.

    Trả lờiXóa
  25. @torovn, cho nên như Toro đã thấy, tôi chỉ tìm hiểu kinh sách dưới dạng "kiến thức phổ thông" thôi, chẳng đi sâu vào ý nghĩa làm gì, chỉ một kinh Bát Nhã đã 40 bộ 600 quyển, một bài kinh trên 200 chữ đã "uyên bác" quá xá, huống hồ PG có bao nhiên bộ kinh, xông vào thế giới ấy có mà... tâm thần mất, hìhì!

    Trả lờiXóa
  26. Bạn TTM
    Bu tui có bốn bản dịch kinh Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh của các vị
    - Thích Thiện Hoa (1918-1973)
    - Thích Trí Quang (1923- quê Quảng Bình còn sống ở SG)
    - Thích Trí Thủ ( 1909- 1984)
    - Thích Nhất Hạnh (1926- còn sống ở Làng Mai, Pháp)
    Bản dịch bạn giới thiệu là hay, tuy nhiên bu vẫn thích bản dịch của Thích Nhất Hạnh hơn.
    Câu đầu của bản dịch TNH " Bồ tát Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã ba la mật,bổng soi thấu năm uẩn, đều không có tự tính. Thực chứng đều xong, Ngài vượt thoát tất cả, mọi khổ đau ách nạn"
    Qua bản Hán văn và các bản dịch Việt ngữ ta thấy rõ người nói kinh này là Bồ tât quán Tự Tại tức Bồ tát Quán Thế âm chứ không phải là đức Thích Ca mâu ni thuyết trên núi Kỳ Xà Quật....Chính bu tui cũng đang hậu xét lại xem sao

    Trả lờiXóa
  27. Các bác sang nhà em rẽ ngang sang Thiên chúa giáo tý cho vui đi ạ...

    Trả lờiXóa
  28. Bạn TTM à

    Bu tui đối chiếu với sách của Đạt Lại Lạt Ma thì thấý bản Hán văn của bạn có hai vấn đề sau:
    1- Câu đầu tiên thiếu đi hai chứ 摩訶 (ma ha). Đầy đủ phải là: 摩訶 般若波羅蜜多心經 (Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh)
    2- Cuối kinh thiếu đi 8 chữ 摩訶 般若波羅蜜多 (Ma ha bát nhã ba la mật đa)
    câu này tụng 3 lần.
    3- Do vậy bản dịch của Thích Trí Thủ cũng thiếu theo

    Trả lờiXóa
  29. @bulukhin, "Bồ tát vừa nhắc đến có tên gọi là QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT. Quán thế âm là nghe hết thảy âm thanh (đau khổ) của thế gian
    Kinh Bát nhã Tâm kinh dùng con mắt (nhãn) nhìn để định vị mà giác ngộ nên vị bồ tát kia được gọi là QUÁN TỰ TẠI. Thực ra cả hai vị Bồ tát là một mà thôi,".
    Điều bác Bu nói bên trên chắc là đúng. Cuốn từ điển Phật học tôi có ghi nơi Tham khảo giải thích như sau:
    - Quan Âm, Quan (Quán) Thế Âm (Phạn ngữ - AVALOKITESVARA): Bồ tát nghe âm thanh của thế gian, Âm thanh soi sáng thế gian. Một tronh những vị Bồ tát quan trọng nhất của Đai thừa. Nghĩa đen là Đấng chủ tể nhìn xuống, cũng còn được gọi là Quán Tự Tại (vị Bồ tát nhìn thấy không ngăn ngại). Còn được gọi là Liên Hoa Thủ Bồ tát.

    Trả lờiXóa
  30. 1- Trong sách "Bát nhã trực giải" của Thiền sư Minh Chánh có câu này: "Nghe đâu kinh này được trích từ kinh Đại Bát Nhã". Bu tui dò tìm trong 24 tập 600 quyển, rất chú ý phần Xá Lợi tử mà không thấy kinh này. Phải dò lại chăng?
    2- Nếu đúng là trích từ kinh Đại Bát Nhã, thì có thể là Bồ tát quán TựTại (cũng là Bồ tát Quán Thế âm) khái quát lại lời Phật nói trong kinh Đaih Bát Nhã?
    3- Tám chứ Ma ha Bát Nhã ba la mật đa có nghĩa Hán Việt là:
    - Ma ha: Quảng đại
    - Bát nhã: Trí tuệ
    - Ba la: Bỉ ngạn
    - Mật đa: Đáo cực
    Tám cái từ oái oăm ấy sắp thành câu là : "Quảng đại trí tuệ bỉ ngạn đáo cực". Tức là: "Trí tuệ rộng lớn đến tận bờ kia". Thêm vào hai từ Tâm kinh nữa là thành tên kinh.
    Đa đoan thế nên có người đọc không vô cũng phải

    Trả lờiXóa
  31. @bulukhin, "Qua bản Hán văn và các bản dịch Việt ngữ ta thấy rõ người nói kinh này là Bồ tât Quán Tự Tại tức Bồ tát Quán Thế âm chứ không phải là đức Thích Ca mâu ni thuyết trên núi Kỳ Xà Quật....Chính bu tui cũng đang hậu xét lại xem sao"
    Qua bản dịch nghĩa tiếng Việt mà tôi đã trích dẫn từ từ điển mở Wikipedia trong entry, thì rõ ràng là đoạn văn Bát Nhã tâm kinh trên 260 chữ là thuật lại cuộc đối thoại giữa Xá lợi phất và Bồ tát Quán tự tại tức là Bồ tát Quán thế âm, và do Bồ tát Quán Tự Tại nói chứ không phải Đức Phật. Trong những sách vở tôi có được, khi nói về "kinh", giải thích như sau:
    - "Phần lớn các kinh này đều bắt đầu với câu: Đây là điều đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A La hán nói đến và tôi đã được nghe." (Tiểu Bộ Kinh tập IV, HT Thích Minh Châu).
    - "Nguyên tắc chung của các thể tài kinh điển là sự ghi chép lại những điều Đức Phật dạy, hoặc những điều đã được Đức Phật xác nhận bằng cách ngôn "Tôi nghe như vầy" ở đầu tất cả các bản kinh." (Tìm hiểu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo - ĐĐ Thích Tâm Thiện).
    Đối với bài Bát Nhã tâm kinh vừa kể trên, gần cuối bài kinh có đoạn "Sau đó, Thế Tôn xuất khỏi chánh định và tán dương Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát rằng: "Lành Thay!"
    Như vậy có thể khẳng định: bài kinh trên là do Bồ tát Quán Tự Tại (Quán Thế Âm) thuyết chứ không phải Đức Phật, và đã được Đức Phật xác nhận. Cho nên mới được xếp vào thể loại KINH TẠNG.

    Trả lờiXóa
  32. Đối với kinh sách Phật giáo, được gọi là TẠNG, gồm có tất cả 3 tạng:
    - Kinh tạng (Sùtra pitaka)
    - Luật tạng (Vinaya pitaka)
    - Luận tạng (Abhidamma pitaka).

    Trả lờiXóa
  33. Anh Bu ơi! M vừa kiểm tra trong quyển Kinh Nhật Tụng (Phật lịch 2546)

    Thì trong quyển kinh này thì có chữ MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH.

    Trả lờiXóa
  34. Và đồng thời kiểm tra trong quyển kinh bằng chữ Hán thì lại giống như bản hồi sáng M đưa vào comment cho anh Hiệp. Nghĩa là không có chữ MA HA..

    Trả lờiXóa
  35. M đếm số chữ thì ở cả bản tiếng Hán Việt và tiếng Hán trong kinh nhật tụng đều có tổng số chữ là 260 chữ.

    Do đó việc này có khi phải tra cứu thêm đó anh Bu ơi!

    Trả lờiXóa
  36. @huynhtran, chữ MAHÀ, dùng cho cả tiếng Phạn (Sanskrit) và tiếng Pali, có nghĩa là ĐẠI, TO LỚN. MAHÀBRHAMA-LOKA: Đại Phạm Thiên. MAHÀKALPA (Phạn): Đại kiếp: Thời gian từ khi một thế giới bắt đầu hình thành cho đến khi huỷ diệt và một thế giới khác bắt đầu. Kinh sách chép "tam sao thất bổn" hay khác biệt là chuyện thường mà!

    Trả lờiXóa
  37. @huynhtran, nếu có thêm chữ MAHÀ (Đại), thì có thể là từ để chỉ "Đại bát Nhã ba la mật kinh" do ngài Huyền Trang đời Đường dịch gồm 600 quyển" chăng? Nếu vậy thì đoạn kinh 260 từ Bát Nhã này không có chữ MAHÀ hợp lý hơn.

    Trả lờiXóa
  38. Các bác tra cứu kỹ càng về đoạn kinh quan trọng này, thật là hay. Không ngờ đoạn kinh mang tính cốt tủy của Đại thừa lại do vị QTA Bồ tát giảng. Bà mẹ em hay dạy, khi nào lo âu cứ niệm: "Nam mô đại từ đại bi cứu khổ, cứu nạn, linh cảm Quan thế âm bồ tát " là sẽ được che chở...
    Vị Bồ tát rất gần gũi với người Việt khi thì đọc là Quan thế âm, khi thì Quán thế âm... Xem ra Quán là xuyên suốt, thấu suốt thì hay hơn Quan là xem xét chăng...

    Trả lờiXóa
  39. @huynhtran, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh (Phạn ngữ MAHÀPRAJNÀPARAMITÀ-HRIDAYA-SÙTRA) còn gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, theo Wikipedia là "Một bộ kinh gồm 40 bài kinh Đại thừa", còn riêng bài Tâm kinh 260 từ, chữ Pali còn một từ khác là HEART SÙTRA để chỉ.
    Từ tiếng Phạn MAHÀPARINIRVÀNA-SÙTRA để chỉ kinh Đại Niết Bàn cũng gồm 40 quyển. Hoặc MAHÀYÀNASÙTRALAMKÀRA (S), là để chỉ bộ Trang Nghiêm Kinh Luận gồm 13 quyển.
    Như vậy tôi nghĩ có chữ MAHÀ là để chỉ toàn bộ bộ kinh Bát Nhã gồm 40 bộ có lý hơn. Tuy nhiên có lẽ do bài kinh 260 chữ quá nổi tiếng cho nên người ta cũng dùng luôn cả nguyên cụm từ chỉ bộ kinh 40 bộ để chỉ riêng bài kinh 260 từ chăng?

    Trả lờiXóa
  40. @Toro, "Vị Bồ tát rất gần gũi với người Việt khi thì đọc là Quan thế âm, khi thì Quán thế âm... Xem ra Quán là xuyên suốt, thấu suốt thì hay hơn Quan là xem xét chăng...".
    Đúng rồi Toro, gốc là từ QUÁN chứ không phải QUAN, có lẽ cũng tương tự như chữ "THỈ" (THỈ TỔ), dùng sai thành "THUỶ" (THUỶ TỔ), nhưng sai riết thành quen luôn.

    Trả lờiXóa
  41. Anh Hiệp, Toro ơi!
    觀世音菩薩 : Quán thế âm bồ tát

    Chữ 觀có 2 âm:  Quan, Quán, tất cả đều đồng nghĩa. cho nên có khi đọc là Quan Thế Âm Bồ Tát và có khi lại đọc Quán Thế Âm Bồ Tát.

    Trả lờiXóa
  42. @huynhtran, chữ 觀 là một từ nhưng tiếng Hán Việt có 2 âm đọc (theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu). Âm QUAN và âm QUÁN, và 2 âm này nghĩa hoàn toàn khác nhau. Âm QUAN nghĩa nghiêng về "Đời", chẳng hạn xem xét (quan sát), mỹ quan, lạc quan, bi quan... Âm QUÁN nghiêng về "Đạo", "Quán ngã sinh vô cữu" (kinh Dịch), Quán Thế Âm, các nhà thờ của đạo sỹ cũng gọi là QUÁN.

    Trả lờiXóa
  43. Qua những gì đã nêu trên đây, có thể nói:
    - Bài Bát Nhã Tâm Kinh 260 từ là của Bồ tát Quán Tự Tại (Quán Thế Âm) thuyết, được gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (nguyên thuỷ để chỉ bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển), hoặc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, hay vắn tắt hơn là Bát Nhã Tâm Kinh, Tâm Kinh.
    Nhờ các bạn vào bàn luận để nhận ra điều này cũng rất hay, sách vở không thấy nói đến.

    Trả lờiXóa
  44. Trang wikipedia của VN cũng có diễn giải nè anh H ơi: http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1t-nh%C3%A3-ba-la-m%E1%BA%ADt-%C4%91a_t%C3%A2m_kinh

    Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âm Hán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.

    Trả lờiXóa
  45. Và ở Trang : http://tudien.daitangkinhvietnam.org/index.php?title=Ma_Ha_B%C3%A1t_Nh%C3%A3_Ba_La_M%E1%BA%ADt_%C4%90a_T%C3%A2m_Kinh

    Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là bài Kinh rất quen thuộc với tất cả các hành giả và học giả Đại thừa (hay Bắc truyền), bất kể là tông phái gì. Đặc biệt, trong Thiền tông, Kinh này là bài Kinh tụng hàng ngày phổ thông nhất, và cũng là một trong những Kinh quan trọng nhất, ngoài Kinh Kim Cang, Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Lăng Già. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều Thiền sư, Cổ đức, Cao tăng, Thánh tăng, học giả và hành giả chú giải thâm nghĩa của Kinh này, đủ biết tầm quan trọng của nó lớn biết dường nào.


    Đây là bài Kinh tổng hợp từ hơn 600 quyển Kinh Đại Bát Nhã, là Kinh được xưng tôn là "MẸ XUẤT SANH CỦA MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI CHƯ PHẬT". Dù chỉ với hơn 260 từ nhưng nghĩa lý trong Kinh thâm mầu vi diệu, gom trọn Tông chỉ Không huệ của thời Kinh Bát Nhã được ghi lại đến 600 quyển kia. Nội dung chính của Kinh là phá chấp trước, để từ đó hiển lộ Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế, tức là giúp người trực nhận Chân tâm Phật tánh vậy.


    Kinh này tương truyền ban đầu có tên là "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh", không có chữ "TÂM", về sau Tổ sư thêm vào, ý muốn nhấn mạnh đến tông chỉ của Kinh tương tự như Tông chỉ Thiền tông Đốn ngộ là TRỰC CHỈ NHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT.

    Trả lờiXóa
  46. Theo trang Thư viện Hoa Sen: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-73_4-10314_5-50_6-1_17-114_14-1_15-1/

    BÁT NHÃ TÂM KINH GIẢNG GIẢI
    Lê Sỹ Minh Tùng


    Bộ tâm kinh với 260 chữ nầy đã bao trùm toàn bộ chân lý của Đức Phật. Ngài đã thuyết minh về cái Lý Không và cái Thật Tướng của vạn pháp để con người có cái nhìn sâu xa về cái “Có’ với cái ”Không” và cái “Thật” đối cái “Giả”. Trong 49 năm hành đạo Đức Phật đã thuyết giảng qua 12 bộ kinh thì giáo lý của Đức Phật rộng rãi bao la vô tận. Để dễ hiểu chúng ta cứ tưởng tượng những lời Phật dạy thì vô cùng vô tận như bao ngàn mẫu cây mía. Khi các vị thánh tăng đem gom góp chúng thành 12 bộ đại tạng kinh cũng như là đem ép mấy ngàn mẫu cây mía kia thành ra 12 thùng nước mía nguyên chất. Sau cùng Bộ Tâm Kinh nầy chính là chất mật tinh túy được rút ra từ 12 cái thùng nước mía kia. Vậy Bộ Tâm Kinh nầy là cốt tủy, là phần tinh túy của giáo lý Đức Phật. Chính Ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang đã qua tận Ấn Độ để tham khảo, thỉnh kinh và phiên dịch bộ kinh “Đại Bát Nhã” dày 600 quyển và Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh chính là tinh yếu, là cốt tủy của bộ Đại Bát Nhã nầy.

    Bộ Bát Nhã Tâm Kinh được dịch như sau:


    “Khi Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Ba La mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.

    “Này Ông Xá Lợi Phất! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.

    “Này Ông Xá Lợi Phất! Tướng “Không” của mọi pháp, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt.

    “Vì vậy này Ông Xá Lợi Phất! trong “tướng không” không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn-giới cho đến không có ý-thức giới; không có minh, không có vô minh; cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có tuổi già sự chết và cũng không có cái hết của tuổi già sự chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí huệ cũng không có chứng đắc.

    “Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ tát y theo Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa lìa điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn. Chư Phật trong ba đời cũng y vào Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa mà được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

    “Vì vậy, nên biết Bát Nhã Ba-La-Mật là đại thần chú, là chú của đại minh huệ và cũng là thần chú cao tuyệt, thần chú vô giá có thể trừ diệt hết mọi khổ đau; đó là chân lý vì không sai lầm.

    “Đây là thần chú được công bố trong kinh Bát Nhã Ba-La-Mật: Này Bồ-đề, đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia."


    Tâm kinh là kinh tinh yếu của toàn bộ Đại Bát Nhã. Tuy bộ tâm kinh chỉ vỏn vẹn có 260 chữ mà ý nghĩa của nó bao hàm cả 600 quyển Đại Bát Nhã. Ma Ha là lớn, là đại. Lý do Ngải Trần Huyền Trang gọi nó là tâm kinh bởi vì Ngài ám chỉ kinh nầy là chủ tể của tất cả kinh thuộc loại Bát Nhã, tức là trí tuệ, cũng như chúng ta lấy tâm làm chủ tể cho con người của mình vậy.

    Bát Nhã tức là trí tuệ còn Ba-La-Mật là tới bờ bên kia. Bờ bên nầy là thế gian còn bờ bên kia là Niết bàn. Hoặc là bờ bên nầy là dẫy đầy tham lam còn bờ bên kia là Phật đạo. Cũng có thể hiểu là thấy Có, thấy Không là bờ bên nầy còn có đủ sáng suốt để phá cái Có, cái Không là đến bờ bên kia.

    Do đó Ma-ha Bát-Nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh có nghĩa là bài kinh nằm lòng nói về Đại Trí tuệ. Vậy Bát Nhã Ba-La-Mật là cái sáng suốt có thể đưa người tới bờ bên kia, tức là được giác ngộ.

    Cái sáng suốt nầy được gọi là cái sáng suốt triệt để vì nó không hình, không tướng. Mặc dù chúng ta không thấy được

    Trả lờiXóa
  47. Vì bản kinh này M đọc đã lâu và đọc "Nghĩ về trái tim" của Bs ĐHN, nhớ là Tâm Kinh do đức Phật thuyết giảng, hôm qua nghe mấy anh bàn luận về ai đã thuyết giảng kinh, nên M đi tìm, nhưng tìm chữ Hán lại mất công dịch lại, nên tìm trong trang Thư viện Hoa sen xem lại bài giảng thì đúng như thế.

    Do đó Bát Nhã Tâm kinh chính là lời đức Phật dạy, được tinh túy lại trong 260 chữ, chứ không phải do ngài Quán Tự Tại thuyết đâu anh. Mà do đức Phật thuyết rằng: "Quán tự tại hành thâm bát nhã ba la mật đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách"..

    Ngài Lê Sỹ Minh Tùng dịch:
    “Khi Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Ba La mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách."

    Trả lờiXóa
  48. @huynhtran, những gì đưa lên đây là mình xét theo sách vở đã dẫn, mà như tôi đã nói những gì sách vở viết về PG mênh mông lắm, vì do quá nhiều đời, quá nhiều người, quá nhiều tông phái PG viết, chú giải... nên chuyện dị biệt, tam sao thất bổn là không tránh khỏi. Như tôi đã nói đấy là những thông tin, không phải là chân lý xác quyết, qua nhiều nguồn, biết được nhiều thông tin như thế cũng là điều rất hay.
    Còn chuyện "chính xác" của "kinh" nói chung là do ai thuyết tôi nghĩ không quan trọng, Đức Phật hay Quán Thế Âm, hoặc ai khác nữa, cũng chỉ là chuyện "Ngón tay", quan trọng là qua nội dung của kinh (Mặt trăng), mỗi người chúng ta cảm nhận được gì, :-)))

    Trả lờiXóa
  49. Vâng, Quí cao tăng thì ta không nói, chỉ nói về cư sĩ lơ mơ như mình đọc và nghiên cứu kinh, chủ yếu là ta ngộ được điều gì là chính! để giúp ta tĩnh tịch an nhiên trong mọi gập ghềnh của cõi ta bà này. Nên M thường chỉ nhớ ý chính chứ không như mấy anh nhớ được là bài thơ ấy từ thời nào, bài văn ấy do ai viết.. Cần thì M mới mở sách ra xem lại, M dở là ở chỗ đó anh H ạ.

    Trả lờiXóa
  50. Không phải là người xuất gia, nhưng các bạn là những nhà nghiên cứu quá tuyệt về Bát nhã tâm kinh,như vậy là quá giỏi rồi,nhất là HT,còn đưa cả bảng tiếng Hán vào nữa.Phục các bạn lắm,thế là ngộ rồi đấy.Không lẽ anh Hiệp là người TCG mà tôi bảo anh ngộ thì nghe nó kỳ,hi hi...

    Trả lờiXóa
  51. @huynhtran, hìhì, những gì tôi viết đưa lên hoàn toàn là do tra cứu trên sách vở, những thông tin trên mạng. Bây giờ sách vở, thông tin mạng quá nhiều, thật giả vàng thau lẫn lộn, quan trọng là phải có "đủ bản lĩnh" để phân biệt được điều ấy. Cho nên tôi ít đi sâu vào những chi tiết của kinh sách bởi như đã nói, có quá nhiều dị bản, khác biệt, tông phái, qua hơn 2000 năm nay biết bao nhiêu người chép, thuyết... lấy đâu ra cái chính xác.
    Thật sự tôi cũng không quan tâm tới cái gọi là "cao siêu, uyên bác" của kinh Bát Nhã nói riêng hay của tất cả các kinh khác, nó mang đến cho ta cái "rối" nhiều hơn là cái "sáng". Tất cả chỉ là từ ngữ thôi mà chị M., ai nghĩ ra cũng vậy, sa đà vào từ ngữ mệt lắm.
    Sống thanh thản an lạc được thì tốt quá, bằng không chủ yếu là vui, vui với những gì mình có, với gia đình, anh em, bè bạn... Hìhì!

    Trả lờiXóa
  52. @tuyetmai, cám ơn chị Mai đã quá khen, như đã nói bên trên với chị M. vui thôi chị Mai ơi, nếu những điều vui chơi này thêm được chút kiến thức cho mình hay cho bạn bè lại càng hay, phải không chị Mai?

    Trả lờiXóa
  53. Haha, bác H nói đúng quá . Lúc này M có một người bạn trẻ đang chỉ cho thưởng thức thú ẩm thực , và M đã ngộ được nhiều thứ ngon : thí dụ xoài chín hườm hườm chấm nước mắm đường dầm ớt , dưa gang chấm sữa , mít vừa chín tới nấu canh sườn v.v ,,, Hấp dẫn lắm ((((-:

    Trả lờiXóa
  54. @bangtamngt, hihi, hap dan qua xa, vay la se "lien tuc phat trien" roi ((-:

    Trả lờiXóa
  55. @tuyetmai, à mà chị Mai, tôi có tên thánh chứ không phải pháp danh mà đi đọc lan man về đạo Phật cũng là "ngộ" rồi ấy chứ :-))

    Trả lờiXóa
  56. Chẳng những ngộ được... thú ẩm thực mà còn thực hành ăn trong chánh niệm nữa . Tuyệt ! (((-:

    Trả lờiXóa
  57. @bangtamngt, "Chẳng những ngộ được... thú ẩm thực mà còn thực hành ăn trong chánh niệm nữa . Tuyệt ! (((-: ", "Ăn trong chánh niệm", đúng là bạn Marg. đắc đạo rồi (((-:

    Trả lờiXóa
  58. Ha ha...anh Hiệp ơi tôi định nói BT là người " quán đủ thứ ", nhưng rồi thấy nàng dùng từ ăn trong chánh niệm là thấy nàng cũng ngộ rồi đó chứ. Anh Hiệp cũng thế,đâu cần cứ phải mang danh là Phật tử mới ngộ được đâu.

    Trả lờiXóa
  59. Aha , chị Mai đừng có cười M nha , M cũng có pháp danh rồi đó nha ( nhưng phải qua nhà cái ông có tên thánh để tìm hiểu chút chút về đạo Phật , hehe )

    Trả lờiXóa
  60. @tuyetmai, @bangtamngt, hìhì, vậy là ai cũng ngộ hết ha chị Mai, cô bạn Marg. ăn trong chánh niệm là gút rồi, số một, chắc chắn sẽ Ngộ đạo, còn mình xực trong tà... niệm cũng ngộ vậy, mà ngộ... độc chị Mai ơi, hihi!
    Xin mời đọc tiếp, đến hoà đồng tôn giáo rồi, đạo Chúa đạo phật lung tung (((-:

    Trả lờiXóa