PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Bối diệp.

                                                  Lá buôn (lá buông) tươi.


                                                         Phơi lá buôn.


                                                 Làm kinh sách từ lá buôn.


                                                 Kinh sách làm bằng lá buôn.


Bối diệp là từ Hán - Việt có nghĩa là "lá bối", một loại lá mà ngày xưa người ta dùng để viết kinh sách thay cho giấy, xưa nữa thì con người dùng thân tre để khắc chữ trên đó, cho nên gọi là "thanh sử", sử xanh, như ta đã thấy viết trong truyện Kiều của Nguyễn Du "Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyển sử xanh". 

Nói đến "lá bối", tôi chợt nhớ đến nhà xuất bản Lá Bối khi xưa tại Sài Gòn, một nhà xuất bản chuyên in những quyển sách hay của những người viết hay dịch giả có uy tín. Ngày xưa trước năm 1975 tại Sài Gòn có những nhà xuất bản như Lá Bối của nhà sư Từ Mẫn, Nhất Hạnh, An Tiêm của nhà sư Thanh Tuệ, hoặc Cảo Thơm, Kinh Thi... đều là những nhà xuất bản chuyên xuất bản những quyển sách có chất lượng, được đông đảo giới trí thức yêu thích tìm đọc.

Trong sách vở tôi thấy nói ngày xưa bên Ấn Độ kinh sách nhà Phật được viết trên lá bối, ở Việt Nam và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á lá bối cũng được chép kinh sách, và ở Việt Nam được gọi bằng cái tên khác là lá buôn, lá buông. Trước năm 1975 thì lá buôn có rất nhiều ở Rừng lá, là một khu vực rộng lớn kéo dài từ Long Khánh đến tận Bình Tuy, bạn nào mà thời trước năm 75 có dịp đi xe đò (bây giờ thì gọi là xe khách), từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung qua khu vực Rừng lá này thì biết, chỗ nào có nhà dân đều thấy phơi dọc theo quốc lộ loại lá buôn, lá dùng để chằm nón, giỏ xách..., xưa nữa thì để viết kinh sách, kết thành buồm dùng cho thuyền bè, làm áo tơi, giỏ đệm... Lá buôn có người gọi là lá kè, lá cọ... thuộc họ Cau.

Ngày xưa thời chiến tranh đi qua khu vực Rừng lá này rất sợ, vì thuở đó rừng còn rất um tùm, ra tận tới quốc lộ, thời ấy thỉnh thoảng tôi có dịp phải ngồi xe đò, hay xe quân sự đi ngang Rừng lá là... nín thở, qua khỏi rồi mới thở phào...

Bây giờ tôi muốn nói tới từ lá buôn, hoặc lá buông mà người dân hay gọi, theo sách "Sổ tay địa danh thành phố Hồ chí Minh" của nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản năm 2012 tại Sài Gòn, thì từ "Lá Buôn" để gọi tên một con rạch nhỏ ở xã Long Hòa huyện Cần Giờ dài khoảng độ 2000m, đổ vào sông Hà Thanh. Lá buôn là loại cây rừng rất to lá hình rẻ quạt, dùng làm buồm, nón, quạt... tên chữ Hán là Bối diệp. Trước đây tôi cũng đã đọc được ở đâu đó giải thích về tên gọi lá buôn, lá buôn như chúng ta đã thấy được dùng buôn bán để làm buồm cho ghe thuyền (bây giờ ghe thuyền đã có máy đuôi tôm chạy bằng xăng dầu, không còn dùng buồm nữa), làm quạt, làm nón... cho nên mới được gọi là lá buôn (buôn bán), người miền Nam gọi thành lá buông, thêm chữ g phía sau. Về ngữ âm thì người dân Nam bộ hay lẫn lộn như thế, chẳng hạn cầu Long Kiểng được gọi thành Long Kiển (bỏ mất chữ g), gốc của từ là Long Cảnh, chữ Cảnh vì kỵ húy hoàng tử Cảnh mà đổi thành Kiểng, rồi lại đọc trại thành Kiển.

Nói về nói sai ngữ âm, hoặc viết sai chính tả thì người Nam bộ có cái rất... dễ thương là hay mắc phải, và ở mọi người, mọi tầng lớp chứ không riêng ai. Chẳng hạn chữ "giồng", chỉ vùng đất nổi cao thường ở ven sông, âm gốc là "vồng", hoặc ở ranh giới quận 7 và quận 8, từ rạch Bến Nghé đến rạch Bà Lào, có rạch Ông Lớn và rạch Ông Bé, thực ra tên của 2 con rạch này là Ong Lớn và Ong Bé, Ong ở đây là con ong, khu vực này ngày xưa là rừng có nhiều ong, dân vào lấy mật ong đem ra bán ở cây cầu gần đó, nên cầu có tên là cầu Mật. Ở huyện Cần Giờ có lẽ các bạn còn nhớ tên cây cầu Dần Xây, nguyên là một bến phà, sau được xây cầu, thời gian xây cứ ạch đụi kéo dài mãi, người dân đùa nói đúng là cầu "dần xây", tức là xây dần dần, từ từ, nhưng thực ra tên gốc của cầu là Giằng Xay, đây là tên của một loại cây gỗ tạp có nhiều ở vùng này, được dùng làm vị thuốc... 

Một vài tên gọi nữa chẳng hạn địa danh Cát Lái (bến phà) ở quận 2, theo sách địa danh thành phố HCM đã dẫn thì nguyên gốc là "Các Lái", nơi trước đây các (những) lái buôn đi buôn bán hay tập trung qua phà, hoặc con rạch ở Bình Chánh có tên gọi là rạch Cái Tắc, thì tên gọi gốc là rạch Cái Tắt, "tắt" có nghĩa là "đường tắt"...

Sách đã dẫn:

- Sổ tay Địa danh Thành phố Hồ Chí Minh, PGS. TS Lê Trung Hoa, Nguyễn Đình Tư, NXB Văn hóa - Văn nghệ, xuất bản năm 2012.
- Ảnh Internet.



9 nhận xét:

  1. em biết lá buông dùng làm nón lá , tới giờ em cũng vẫn còn dùng để đi bộ ra khỏi nhà khi trời mưa , nhưn gkho6ng biết là lá buông còn dùng để viết thay cho giấy :)

    hôm nọ có việc đi ra cầu Giồng Ông Tố , bạn em hắn bảo là cầu Giông Tố , hahahah.....

    cây giằng xay mà anh nói , em có biết , ở nhà em gọi là cây giàn xay , bây giờ ít thấy cây này ....

    Trả lờiXóa
  2. Vậy là vẫn nón lá che nghiêng làm duyên ha bạn Phúc? Lá buôn này có nhiều công dụng thiệt nha.
    Qua cầu này chắc vất vả lắm ha, vì... giông tố quá xá, hihi.
    Bạn Phúc biết cây Giàn xay là giỏi lắm, tôi chẳng biết tí gì về cấy ấy :-))

    Trả lờiXóa
  3. tại anh không biết đó thôi, chị P là Thích đủ thứ và Biết đủ thứ :))

    Trả lờiXóa
  4. Aaa, cái này là biết rồi TV, nhìn bạn Phúc là biết ngay đó, hihi! Hồi này thấy TV ít vào mạng?

    Trả lờiXóa
  5. dạ em có vô mà ít đi dạo xóm thôi anh H :)

    Trả lờiXóa
  6. cây giàn xay nè anh , trái nó rất ngộ , nhìn như cái cối xay nên còn gọi là cây cối xay , hồi nhỏ bên nhà hàng xóm có trồng nên biết chứ đâu có biết hết như bé Tiến nói đâu nà , hehehhehe.....( hôm nào mời Tiến uống cafe nha , ai khen chị là chị khoái hà , hahahahah.....)

    Trả lờiXóa
  7. nhưng vẫn viết là Long Kiểng phải không anh ?

    Trả lờiXóa
  8. Hôm nọ tôi xem trên báo về cầu sắp sập thì thấy chụp tấm hình tấm bảng để ở thành cầu ghi là Long Kiển, khá vô tư, hihi!

    Trả lờiXóa
  9. Trông nó giống cây gì nhỉ? Tên cây Cối xay nghe ngộ thiệt :-))

    Trả lờiXóa