Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012
"Tiếu lâm bách nghệ"
Ảnh: Internet.
Thỉnh thoảng xem truyền hình tôi khá thích một chương trình do Hoài Linh phụ trách, có cái tên khá ngộ nghĩnh "Tiếu lâm bách nghệ". Tiếu lâm bách nghệ, nôm na đại khái là "chuyện cười trăm nghề", chương trình của danh hài này nói về những nghề nghiệp phổ thông trong xã hội, chủ yếu của những người lao động nghèo, tay làm hàm nhai, chạy ăn từng bữa, mà ở đất Sài Gòn này hình như đa phần là nghề nghiệp của những người lao động nhập cư.
Có lẽ vì là danh hài, cho nên Hoài Linh đã lấy tên chương trình là "Tiếu lâm bách nghệ", chứ thật ra nghề nghiệp của họ chẳng có gì là buồn cười cả, họ đã làm đủ mọi nghề để kiếm sống, để có tiền chi dùng cho gia đình, nuôi con ăn học một cách đàng hoàng, như tất cả mọi người khác trong xã hội. Và có lẽ trong công việc kiếm sống của họ, cái vất vả, cái buồn nhiều hơn là cái vui.
Những nghề nghiệp mà chương trình Tiếu lâm bách nghệ giới thiệu tôi đã xem được, chẳng hạn như nghề bán hủ tiếu gõ, nghề hớt tóc dạo, bán kẹo kéo, làm tò he bán trên đường phố, làm lồng đèn bán mùa Trung thu, mua bán ve chai... rất hay. Hoài Linh là một nghệ sĩ hài khá nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến, và thích xem khi anh diễn trên sân khấu hài. Tôi lại không thích lắm, cũng như đa số cái hài trên sân khấu Việt Nam bây giờ, nhưng chương trình Tiếu lâm bách nghệ của anh tôi lại cảm thấy thích thú khi xem, nghệ sĩ đã khéo léo đưa người xem vào những đặc trưng của những nghề nghiệp tưởng chừng "không là gì" trong xã hội bây giờ. Khi giới thiệu một nghề nghiệp gì, anh đã tìm đến với những người làm nghề, "hóa thân" vào vai của chính người làm nghề nghiệp đó, đem đến cho người xem những cảm xúc rất thật về những nghề chương trình muốn giới thiệu.
Sáng hôm qua, có một câu chuyện nhỏ mà tôi tình cờ nhìn thấy trên đường phố. Ấy là khi đang đứng ở lề đường trước một ngôi chợ, chờ bà xã tôi đi chợ, có một cậu thanh niên chừng hai mươi tuổi, ăn mặc rất tươm tất, quần áo mới, áo sơ mi bỏ trong quần đàng hoàng, chân đi dép da, mặt mũi tròn trịa sáng sủa, trông như một sinh viên đại học. Một tay cậu ta cắp cái thúng tre đựng đầy đậu phộng (lạc) luộc, có cái lon sữa bò để đong, một tay cầm một xấp vé số. Cậu ta ghé chổ tôi đang đứng mời mua, vì quá bất ngờ cho nên tôi không có phản ứng gì cả, chỉ nhìn cậu ta, cách ăn mặc của cậu thanh niên, và ngay cả con người, mặt mũi của cậu ta hoàn toàn không phải là của người lao động, thậm chí cậu ta trông như con cái nhà khá giả.
Không thấy tôi có phản ứng gì cậu ấy bỏ đi. Lúc ấy tôi mới nhìn quanh vì nghĩ có thể đây là một chương trình gì đó kiểu của Hoài Linh trong Tiếu lâm bách nghệ, và người ta đang quay truyền hình. Hoặc đây là một cái chương trình học đường, đoàn đội gì đó, để giáo dục thanh thiếu niên quen với lao động...
Chẳng có ai quay phim hay làm gì chung quanh cả, chỉ có cậu thanh niên kia tiếp tục đi mời chào mọi người trên đường phố, tôi thấy cũng có người mua cho cậu tờ vé số, hay lon đậu phộng, có lẽ cũng vì tò mò hay ngạc nhiên... Hay đấy là một cách làm ăn, nhỏ thôi theo một phong cách năng động mới?
Thú vị thật anh H ạ, Gió cũng thích quan sát những người lao động trên đường phố Saigon, quan sát một cách trân trọng và cảm kích . Rất nhiều con người ngay giữa những trầy trụa cuộc sống này họ đứng lên bằng giọt mồ hôi tự trọng đến kính phục .
Trả lờiXóaCái thành phố sấp sỉ 10 triệu dân này cũng đã nuôi sống những con người chọn nó là nơi đất lành ...Trong "bách nghệ" đó đâu chỉ có "tiếu lâm" anh H nhỉ ?
Gió ít xem truyền hình nên chẳng biết có chương trình này.
Xem chương trình này chúng ta thấy đời sống đáng sống hơn...
Trả lờiXóaEm bây giờ cũng thích nhìn cuộc sống đi qua mỗi ngày, bắt đầu từ những bước chân đi đến trạm xe buýt cho đến lúc về nhà. :)
Trả lờiXóaÔng Hoài Linh này quê ở Quảng Nam đó cô Lan, chị giúp việc nhà tôi cũng quê QN nói có quen biết người bà con với HL, ông ấy về quê giúp đỡ bà con dữ lắm. :-))
Trả lờiXóa