PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Xe thổ mộ.





Nhìn những tấm ảnh chụp xe ngựa năm xưa ở Sài Gòn, tôi lại nhớ về một thời tuổi nhỏ. Xe ngựa là từ dân dã, người bình dân gọi loại xe chuyên chở một thời này là xe ngựa, thường là chuyên chở người và nông thổ sản, tên "chữ" gọi là xe thổ mộ, cũng như Bến Nghé là tên gọi xưa vùng Sài Gòn, còn tên chữ trên sách vở là Ngưu Chử.

Thời ấy xe tải chạy bằng máy chưa nhiều như bây giờ, xe ngựa đương nhiên là xe do ngựa kéo, nhưng tên xe thổ mộ với chữ thổ mộ nôm na theo như nghĩa là cái mộ (mả) đất. Sở dĩ có tên gọi như thế là vì hình dáng của chiếc mui xe, cong cong lùm lùm trông như cái mộ đất, nhìn thấy sao thì gọi tên như vậy. Hình như người Pháp gọi xe thổ mộ là Boite d'allumettes, cái hộp quẹt, hộp diêm, có lẽ là vì họ nhìn thấy những chuyến xe thổ mộ thường chở đầy nhóc người ngồi bên trong thùng xe, trông như những que diêm trong hộp diêm chăng? Xe ngựa có đặc điểm rất hay, người điều khiển xe ngồi phía trước, tôi nhớ ngày xưa có khi là một ông già Nam bộ mặc bộ bà ba đen đã đứng tuồi, tóc búi tó trên miệng thường ngậm điếu thuốc rê Gò Vấp, một tay cầm dây cương còn tay kia cầm ngọn roi thỉnh thoảng vung lên quất vào không khí, hoặc con ngựa nghe "tróc, tróc". Nếu xe đã chở chật khách bên trong thùng xe, thì bác "xà ích", để gọi người điều khiển xe ngựa ngồi hẳn ra phía trước, vắt vẻo trên càng xe mà điều khiển xe ngựa. Và những hàng hóa, thường là đôi quang gánh hàng rong của khách, những gánh hàng hoa, hay những sọt tre đựng rau, củ của vùng ven Sài Gòn ở Hóc Môn, Bà Điểm... được cột, treo lủng lẳng hai bên hông xe hay cả trên mui xe mà chạy.

Nhìn những tấm hình trên thì chúng ta cũng nhận ra, khi đường phố Sài Gòn đã hình thành, nghĩa là vào khoảng thập niên 60, 70 của thế kỷ trước thì vẫn còn xe thổ mộ chạy trên đường phố trung tâm Sài Gòn. Bên hông chợ Tân Định nơi vùng Tân Định quận 1 vẫn còn một con đường nhỏ mang tên Mã Lộ, ngày xưa là bến xe ngựa đậu để chuyên chở hàng nông thổ sản từ vùng ngoại ô cung cấp cho chợ Tân Định, ở ngay khu bờ sông trên kênh Nhiêu Lộc chỗ chùa Miên, gần cầu xưa tên là cầu Trương Minh Giảng nơi quận 3 còn một địa danh mà những ai khoảng ngoài 50 tuổi sống gần đó hẳn còn nhớ, đó là Bến tắm ngựa, những con ngựa kéo xe thường hay được các bác xà ích mang đến đó tắm rửa sau những chặng đường xa bụi bặm...

Ngoài xe ngựa trên đường phố Sài Gòn khoảng thời gian những năm 60, 70 còn có thêm xe bò, là do xe bò kéo, nếu xe ngựa chỉ do một con kéo thì xe bò thường do hai con, xe bò thì đi chậm hơn xe ngựa, cứ nhẩn nha mà đi, xe bò chỉ chở hàng hóa chứ không chở người, và thuở nhỏ vì học tiểu học gần đó, tôi thường thấy những chiếc xe bò chở đầy những thân tre, lồ ô, dài thượt, cung cấp cho khu vực "Nhị tì Quảng Đông" (khu nghĩa trang của người Hoa gốc Quảng Đông), Tôn Thọ Tường nơi quận 11 bây giờ (xưa là quận 5), xưa nơi này chuyên đan lát bán những vật dụng bằng tre nứa...

Theo thời gian, chiếc xe thổ mộ và xe bò giờ đã đi vào dĩ vãng. Hình ảnh chiếc xe ngựa với những người khách bình dân ngồi nêm kín trong thùng xe, gánh hàng buộc quanh xe. Tiếng xe ngựa, xe thổ mộ xưa chạy trên đường nghe "lóc cóc, lóc cóc", do tiếng móng sắt của ngựa gõ xuống mặt đường nhựa, còn xe bò chất đầy hàng hóa, với tiếng xe nghe "lộc cộc, lộc cộc", là do tiếng trục bánh xe quay khi di chuyển... có lẽ vẫn còn mãi trong tâm tưởng của những ai đã từng gắn bó với một Sài Gòn năm xưa...


Ảnh: Internet.

12 nhận xét:

  1. Gió đặc biệt yêu những chiếc xe thổ mộ này anh H ơi ...Hồi bé đôi lần được ngồi trên xe với mẹ, nhớ hoài . Gió có một bài viết về chiếc xe này... Hôm nay đọc bài viết của anh bỗng thèm nghe tiếng "lộc cộc lộc cộc" và nhớ đôi mắt buồn của những chú ngựa già đến lạ

    http://gioheomay.multiply.com/journal/item/91/91

    Trả lờiXóa
  2. Nhà tôi xưa từ 1954 đến 1990 ở ngay trước mặt Trường đua Phú Thọ, thời xưa là khu vực ngoại ô là đường xe ngựa chạy hàng ngày chở hàng hóa và người từ Hóc Môn Bà Điểm cung cấp cho khu Chợ Lớn, nên rành về xe thổ mộ.
    Những con ngựa kéo xe thường là ngựa già như bạn Gió nói, thải hồi sau khi không còn đua được nữa kéo cái xe nặng trĩu đến tội nghiêp.

    Trả lờiXóa
  3. Gió yêu những chuyến xe ngựa những ngày giáp tết ..lúng liếng hoa anh H ạ !

    Trả lờiXóa
  4. hihi...em còn nhớ em có đc đi xe ngựa rồi nha ...Saigon xưa thuở ấy sao đẹp thật ......

    Trả lờiXóa
  5. Vùng Gò Vấp, Hóc Môn Bà Điểm ngày nay, thậm chí là ngay ở quận Tân Bình xưa là vùng trồng rau, hoa... cung cấp cho Sài gòn Chợ Lớn, gọi là "hàng bông".
    Mỗi dịp tết về thì xe thổ mộ lại dập dìu chở những gánh hàng hoa, chủ yếu là vạn thọ, cúc... lên cung cấp cho Sài Gòn...

    Trả lờiXóa
  6. Xe ngựa vẫn còn chạy lọc cọc ngay bùng binh chợ Bến Thành ha. Sau chắc tại con ngựa "khó dạy" phóng uế bừa bãi quá nên xe ngựa bị cấm :-)))

    Trả lờiXóa
  7. Chắc mẹ dắt đi chợ hả Phuongvu? Sướng nha :-))

    Trả lờiXóa
  8. nhớ hồi xưa học tiểu học ,M có làm một bài Tập làm văn tả cảnh đi xe ngựa hay sao đó , M có dùng từ "ngựa phi' , bị cô giáo gạch với lời phê : "ngựa không thể phi trong thành phố" , hihi ...

    Trả lờiXóa
  9. Hihi, cô giáo ngày xưa xem thế mà giỏi, không như cô giáo "Thọ Xương" bây giờ, ít ra cũng còn hiểu "phi" có nghĩa là phóng chạy nhanh, mà xe ngựa kéo chạy trong thành phố thì chẳng thể phóng nhanh được. Mà ngộ cái xe ngựa hồi đó đâu có cái thắng nào, vậy mà hiếm khi nào thấy xe ngựa đụng xe khác, hay thời đó đường phố ít xe hơn bây giờ, nhìn hình thì thấy :-)))

    Trả lờiXóa
  10. Em đăng ký cái xe thổ mộ để chút chiều ngồi coi blog của anh Hiệp. :)

    Trả lờiXóa
  11. Nói Cốm chừng nào rước dâu kiếm cái xe thổ mộ đi cho độc chiêu, kekekeeee!

    Trả lờiXóa