Mấy ngày hôm nay báo chí có đưa tin về việc cựu quốc vương Cambodia là ông hoàng Norodom Sihanouk đã qua đời ở tuổi 90. Cựu hoàng Norodom Sihanouk sinh năm 1922, lên ngôi vua vào năm 1941 lúc mới 19 tuổi, là một tên tuổi khá nổi tiếng, gắn liền với đất nước Cambodia, và ít nhiều với cả Việt Nam.
Theo trang Bách khoa toàn thư Wikipedia, cựu hoàng học trung học tại Sài Gòn, trường Lycée Chasseloup Laubat, nay là trường Trung học Lê Quý Đôn cho đến khi lên ngôi vua. Nhân việc ông qua đời, tôi muốn lan man một vài điều có liên quan đến đất nước Cambodia của ông với Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, đất nước Cambodia, mà trước đây là vương quốc Khmer, Campuchia, người Việt gọi là Chân Lạp, Chân La, nước Phiên, Cao Miên, Cao Mên, Cao Man... Về mặt ngoại giao có lẽ nước Việt Nam chỉ mới có những quan hệ mật thiết với Cambodia từ thời nhà Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, là đất xưa của người Chân Lạp dưới tên Thủy Chân Lạp.
Theo lời văn của Gia Định Thành Thông Chí do Trịnh Hoài Đức viết, thì di dân Việt Nam, đã vào Mô Xoài (vùng Đồng Nai - Bà Rịa bây giờ) từ thời các "tiên hoàng đế" Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), Nguyễn Phước Lan (1635-1648), tức là vào khoảng giữa thế kỷ thứ 16. Theo Trương Vĩnh Ký có lẽ tên gọi Sài Gòn là do người Cao Miên đặt, bắt nguồn từ tên tiếng Miên PREI NOKOR, cũng như nhiều địa danh khác tại Việt Nam cũng có nguồn gốc từ tiếng Cao Miên như Bến Nghé (Kompong Krabei), Cần Giờ (Srock Kanco), Gò Vấp (Kompăp), Cần Giuộc (Kantuoc), Cần Đước (Anơơk), Sóc Trăng (Srock Khăn), Bến Tre (Prek Rusei)...
Đọc sử Việt Nam, những bộ sách sử viết dưới triều Nguyễn, như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Triều Chỉnh Biên Toát Yếu, Gia Định Thành Thông Chí... chúng ta sẽ thấy đất nước Cao Miên thời nhà Nguyễn đặt dưới sự bảo hộ của Việt Nam, khi Đại hành hoàng hậu mất, thì quốc vương Chân Lạp là Nặc Chăn cũng xin chịu tang, và sai sứ đến kinh đô Phú Xuân dâng hương, khi nước Chân Lạp bị người Xiêm xâm lấn cũng cầu cứu nhà Nguyễn đem quân sang giúp...
Cầu Bông ở Sài Gòn, trước đây có tên là cầu Hoa, nhưng sau kị húy tên Hồ Thị Hoa vợ vua Minh Mạng nên đổi thành cầu Bông, nhưng trước đó cầu Hoa có tên là cầu Cao Man, sở dĩ có tên gọi là cầu Cao Man là hồi đầu dựng nước (1611), vua nước Cao Man là Nặc Tha bị Nặc Sô đánh đuổi, phải chạy qua Gia Định tá túc, chỗ đất thoáng đãng nơi thượng du con sông, mà chỗ đó lại cách sông phải làm cầu ván qua lại, nên gọi là cầu Cao Man (Đại Nam Nhất Thống Chí). Tên gọi tỉnh Thanh Hóa bây giờ cũng thế, trước thời vua Minh Mạng có tên là Thanh Hoa, sau cũng vì kỵ húy bà Hồ Thị Hoa mà đổi là Thanh Hóa, cũng giống như trường hợp chợ Đông Ba (tên cũ là Đông Hoa) ở Huế vậy...
Bài "Gia Định phú", một bài thơ khuyết danh thất ngôn bát cú tại miền Nam xưa kia, chủ yếu nói về đất Sài Gòn với rất nhiều địa danh, cũng có câu nhắc đến cầu Cao Miên "Chợ Cây Da thằng Mọi, coi bán đủ thuốc Xiêm, cau mứt/ Cái rạch cầu Cao Miên thấy làm nguyên cột vắp, ván trai". Trong câu cũng có nhắc đến cột vắp, ván trai, cột vắp là cột làm bằng gỗ cây vắp, một loại cây gỗ cứng trồng nhiều ở vùng Gò Vấp, chữ "vắp" là do từ chữ "vắp", phiên âm từ tiếng Cao Miên "Kompăp" mà ra.
Còn về tên nước Cao Miên, tại sao sách sử Việt Nam có khi viết là Cao Miên, rồi Cao Mên, hay Cao Man... Trong Tạp chí Xưa & Nay cơ quan Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam số 53B tháng 7-1998, bài viết của Dương Bảo Vận, một nhà nghiên cứu trẻ Trung quốc tốt nghiệp tiến sĩ sử học ở Pháp, nghiên cứu sử Việt Nam, đưa ra những ý kiến cho biết, cũng chính là do tục kỵ húy mà chữ Miên trong Cao Miên, đọc thành Mên, hoặc Man. Những sách sử chép từ thời vua Minh Mạng trở về trước đều viết là Cao Miên, chỉ từ sau khi Hiến Tổ Chương Hoàng Đế Nguyễn Miên Tôn (Tông) lên ngôi năm 1841 (kỷ nguyên Thiệu Trị), năm 1847 triều đình Huế cử sứ thần đến Oudong phong vua cho vua Cao Miên và tặng cho vua "Vương miện của vương quốc Cao Man", tên gọi Cao Man, Cao Mên bắt đầu từ đó...
Một vài dòng nhân cựu hoàng Cambodia qua đời...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét