PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Không gian cồng chiêng.

Photobucket

Hình chụp trong một buổi "Lễ hội cà phê" ở công viên Tao Đàn

cách nay mấy năm.



Hôm nọ cô bạn nhỏ phonuicao biết tôi khi xưa có ở Pleiku nên nhắn sắp có liên hoan cồng chiêng ở phố núi Pleiku, là quê hương của cô, hỏi tôi có đi xem không? Hôm nay liên hoan cồng chiêng này đã chấm dứt (từ ngày 12 đến 15 tháng 11 năm 2009), tổng kết lại thì nhà tổ chức hài lòng vì đã thu hút được những đoàn cồng chiêng của những nước bạn trong khu vực đến dự, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu, hoạt động về âm nhạc, khoa học... Nhưng qua một vài bài báo thì những nhà chuyên môn đều lắc đầu, khi được hỏi về cảm tưởng của những ngày văn hóa cồng chiêng ấy.

Tôi có được cái may mắn là thời còn trẻ trước năm 75. đã có những thời gian ở Tây nguyên, có khi hàng tháng trời sống trong những ngôi làng Thượng giữa núi rừng, đã cảm và mê nền "văn hóa rừng" đặc sắc của họ, trong đó có tiếng cồng chiêng nói riêng, và những nhạc cụ khác của họ như trống, sáo, những bộ gõ bằng tre nứa...

Sống với họ tôi mới biết những người thiểu số Tây nguyên có một năng khiếu cảm thụ âm nhạc bẩm sinh, họ được sinh ra và lớn lên giữa núi rừng, giữa mênh mông cỏ cây và đồi núi, sông nước... Mới lọt lòng họ đã được nghe tiếng suối reo róc rách, tiếng ầm ào thác đổ, tiếng gió thì thầm qua những rừng cây, tiếng chim chóc, muông thú trong rừng, nhịp chày giã gạo, tiếng hát ru sử thi buồn vời vợi của những bà mẹ, tiếng sáo diều man mác buổi chiều tà, tiếng lốc cốc của mõ trâu (một loại lục lạc đeo ở cổ trâu bò bằng tre nứa), và dĩ nhiên tiếng cồng chiêng trong những lễ hội bản làng, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lúc nhà có người thân qua đời...

Các nhạc cụ khác của người Thượng Tây nguyên như sáo, những bộ gõ, khèn... đa số làm bằng tre nứa bởi đây là nguyên liệu dễ kiếm ở núi rừng. Tôi đã có những buổi chiều ngồi cùng với họ nơi ngưỡng cửa nhà sàn, trời chiều se lạnh, khói lam từ những bếp lửa của những ngôi nhà sàn ven đồi lãng đãng hòa cùng sương chiều, và nghe họ hát những bài hát bằng tiếng Bana, Sê Đăng, Mơ Nông Ê Đê... Những bài hát thường có âm điệu chậm và buồn, kể lể... hòa cùng giọng hát của họ (có khi là già làng, một chàng trai, cô gái trẻ, hay một bà mẹ già), là những âm thanh nhạc cụ của họ... Họ có loại sáo nhỏ réo rắt, nhưng cũng có loại sáo to âm trầm hào hùng, những nhạc cụ gõ (kiểu như đàn T'rưng), hoặc những ống bằng tre nứa dài ngắn khác nhau, khi họ vỗ tay trước những ống tre nứa ấy tạo nên những âm thanh bập bùng khó tả...

Giọng hát của họ, phản ánh chính đời sống nơi núi rừng bao la, và những nhạc cụ luôn làm tôi liên tưởng đến tiếng gió, tiếng suối, tiếng thác đổ, tiếng chim xao xác... Nhưng cái hồn của người dân tộc thiểu số Tây nguyên chính là ở cồng chiêng, một nhạc cụ nhưng không phải là để giải trí hay biểu diễn trên sân khấu, trước đám đông. Đa số nơi các dân tộc Tây nguyên, cồng chiêng chỉ dành cho cánh đàn ông sử dụng, đàn bà, trẻ con không được đụng tới. Cồng chiêng chỉ được mang ra sử dụng trong những dịp lễ của họ như đã nói ở trên. Xưa trong làng Thượng tôi đã được tham dự cùng với họ những buổi lễ như thế, khi tiếng cồng chiêng vang lên, vang vọng giũa núi rừng,  nơi bản làng, hình như tất cả mọi người đều trở thành khác, họ không còn là họ trong cuộc sống thường ngày, họ như những người lên đồng. Tiếng cồng chiêng là nhịp cầu để tâm hồn họ kết nối với trời đất, với thần linh, với tổ tiên, với núi rừng, với muông thú...

Tôi đã được xem một buổi lễ thày Mo cầu cho người mới chết, trong khi trên nhà sàn thày Mo ê a làm lễ cầu cho linh hồn người chết đừng quay trở lại phá con cháu, bản làng, thì những chàng trai lặng lẽ đi thành một vòng tròn quanh ngôi nhà sàn đánh lên những tiếng chiêng chậm rãi, buồn rầu, nghe những chiêng này những người anh em bà con ở bản làng quanh đó biết ngay làng bên có người đã khuất...

Cách nay ít lâu, khi văn hóa cồng chiêng Việt Nam được mang đi cho Unesco xét duyệt là di sản văn hóa, có người lãnh đạo đã hồ hởi đề nghị mang cồng chiêng vào giàn nhạc giao hưởng Tây phương, tôi nhớ lúc ấy GS Trần Văn Khê có nói đại ý "Nếu muốn thử nghiệm thì cứ thử nghiệm, nhưng nơi chốn của cồng chiêng là ở núi rừng, giữa bản làng, chứ không phải là ở giàn nhạc thính phòng...".

Hôm nay cồng chiêng được mang lên sân khấu biểu diễn, cũng những người dân tộc thiểu số, với trang phục truyền thống của họ, nhưng trong thành phố, trước quan khách, trước micro và ampli, giữa những ánh đèn màu chớp tắt... cồng chiêng đã mất đi cái hồn của nó, tiếng cồng chiêng không còn là cầu nối giữa con người và thần linh... Chỉ còn là một buổi trình diễn tạp kỹ không hơn không kém...

24 nhận xét:

  1. Cồng chiêng phố núi không thể nào là cồng chiêng ...hàn lâm , cho dù có cố gắng tô vẽ nó bằng đủ màu sắc của nghệ thuật . Những con người giản dị như cái cây , cái núi, hồn nhiên như ngọn gió, như áng mây khi say sưa với cồng chiêng phải khác với những người ..thợ chơi đàn trên sân khấu . Cảm xúc tự nhiên phải khác với cảm xúc được..uốn nắn.

    Trả lờiXóa
  2. Bu tui mới có dịp dạo qua Tây Nguyên, và biết cồng chiêng Tây Nguyên qua Tivi. Cái thực tế Tây Nguyên của Bu là tất cả những gì nhà văn Nguyên Ngọc viết ra.
    Cồng chiêng bao giờ cũng là của làng, là tiếng nói của làng trong giao tiếp thành kính và thiêng liêng với thần linh. Đem cồng chiêng ra đánh giữa ngã 6 thành phố ồn ào và ngay trong cả các cuộc gọi là "liên hoan văn hoa cồng chiêng" là bứng nó ra khỏi không gian văn hóa của nó, là diễn, là giả. Không hiểu sao Tổng cục Du lịch lại có thể ngồi một chỗ mà ra kế hoạch cho tỉnh này địa phương nọ trong năm nay , sang năm, tổ chức những lễ hội gì, kiểu như thế nào. Ông Ngọc nói nguyên văn "Nhiều khi xem ngượng đến chín người".

    Trả lờiXóa
  3. @ngocthuan1812, đúng như bạn nghĩ, cồng chiêng không hề là cái gì ghê gớm, hàn lâm hay bác học, cồng chiêng là cái hồn của núi rừng, của sông suối, của thần linh, và của những con người thiểu số hiền lành chất phác, tiếng cồng chiêng bị bứt khỏi rừng núi, bản làng, sẽ chỉ còn đơn thuần như khi ta gõ những nắp vung, nắp nồi...
    Mang cồng chiêng lên sân khấu, cũng tựa như vác cái đàn piano vào nhà sàn vậy, hiiii!

    Trả lờiXóa
  4. @bulukhin, người ta có thể liên hoan nhạc rock, rap, cải lương, hát bội (hát bộ), nhạc nhẹ, nhạc thính phòng, giao hưởng, thậm chí là hát quan họ, ca trù..., nhưng không thể liên hoan cồng chiêng, chầu văn... Bởi những loại hình ở trên là loại hình nghệ thuật biểu diễn, có người trình diễn và người thưởng thức, còn những loại hình bên dưới là loại hình nghệ thuật giao tiếp, giữa con người và thần linh. Không gian "sống" của cồng chiêng là núi rừng, buôn làng, cũng như không gian sống của chầu văn là những đình, đền, phủ... mang ra khỏi không gian sống của nó thì cồng chiêng và chầu văn sẽ chết...
    Tôi xem trên tivi thấy trong liên hoan cồng chiêng vừa rồi người ta có làm... mô hình con trâu để diễn lại lễ đâm trâu. Thật là lố bịch, xưa tôi đã được xem lễ đâm trâu trong bản làng, đối với người mình đây là một tập tục dã man, con trâu được cột ngoài trời, sau khi làm lễ mọi người thi nhau xúm vào đâm chém nó tới chết, nhưng với người Thượng, có lẽ là một cách để họ "dợt" lại tay nghề săn bắn, chiến đấu với thú rừng, đấy là kỹ năng sống của họ...

    Trả lờiXóa
  5. Biểu diễn rầm rộ nhiều khi chỉ loè khách du lịch, trong khi ngưòi dân không tha thiết với cồng chiêng nữa. Những bộ chiêng quý bán hết rồi... Làm sao để ngưòi dân gán bó, giũ gìn nó mới la quan trọng, phải không bác H. Chứ các bố dự án giữ gìn thì chỉ... cốt lấy tiền Tây.

    Trả lờiXóa
  6. Nhìn cái hình là em nhìn ra cà phê chim quen thuộc liền hì hì, thấy cô gái trong hình cũng có vẻ "núi rừng" vì tóc xoăn xoăn, da nâu nâu, nhưng nhìn mấy cây dù phía sau phông là mất hứng liền luôn hiiii.

    Thấy cụ Trần văn Khê nói quá chí lý, giáo sư âm nhạc dân tộc mà, gs dạy khắp thế giới rồi đó thì kiến thức bảo đảm đủ và rộng hiiii

    Xâm thực văn hóa bằng nhiều đường, rồi văn hóa tự tiêu vong cũng không thể không tính vào. Nhưng mà anh Hội trưởng ơi ! văn hóa là thứ vô hình hay bán hữu hình, nó mất khó thấy, chứ còn nhiều thứ hữu hình rành rành mất còn không ngăn được nói làm chi.

    Lại xót xa cho hậu bối !

    Trả lờiXóa
  7. @torovn, những loại liên hoan, lễ hội... thường lại do những người ít hiểu biết về văn hóa tổ chức, cho nên ít có khi nào ra hồn, ở xứ mình kêu gọi trùng tu, bảo tồn, mà lại giao cho những người đâu đâu, nên tiền mất mà tật lại mang, chán.

    Trả lờiXóa
  8. @comieng, hehe, cô gái và chàng trai đánh chiêng trong hình đúng là người Ê đê Buôn Mê Thuột, nhưng giữa không gian thành phố như thế này trông họ đánh chiêng trống mà thấy nản.
    Cái khó đâu phải là không có người hiểu biết để giữ gìn bản sắc văn hóa, mà những người biết thì không được làm, còn những người làm lại không hề biết. Cỡ GS Trần văn Khê mà còn chẳng làm gì được nữa là, nói có ai thèm nghe đâu.

    Trả lờiXóa
  9. "tiếng cồng chiêng bị bứt khỏi rừng núi, bản làng, sẽ chỉ còn đơn thuần như khi ta gõ những nắp vung, nắp nồi..."
    Hôm nào em cũng sẽ ngồi gõ vung nồi rồi thử tưởng tượng rằng đó là tiếng cồng chiêng, hàng xóm mà có bị kinh động chạy qua xem thì thanh minh đấy là làm theo lời bác Hiệp viết! :))))))

    Trả lờiXóa
  10. @nguyenthuthuy, hehe thuthuy cứ thử đi, tớ sẵn sàng đứng ra... nhận tội.

    Trả lờiXóa
  11. Ở Tây Nguyên khi có người chết người ta đi vòng quanh nhà đánh cồng chiêng, với âm thanh tiết tấu vô cùng buồn thảm. Bây giờ đưa cái nhạc ấy về thành phố biểu diễn thì biến đêm liên hoan thành tang lễ, hỏi có vô duyên không?

    Trả lờiXóa
  12. Heh, suy nghĩ của bác Bu làm tôi chết cười.

    Trả lờiXóa
  13. Marg nghĩ âm nhạc có khả năng truyền cảm và kết nối rất lớn. M. nhớ trong một bộ phim cổ trang Hàn Quốc ít ỏi mà M. xem, có cảnh một người dân quê ra đứng trên một triền núi cạnh bờ suối, hát một điệu nhạc cổ xưa. Mặc dù không thể hiểu lời bài hát, nhưng M . lại vô cùng cảm xúc, tiếng hát như lời kể lể vừa ta thán vừa cam chịu, lan nhẹ trên mặt nước rồi u uất lẫn khuất vào núi rừng chập chùng xa xa ... Cả một phận đời, một phận người chỉ trong một câu hát ...
    "Tiếng cồng chiêng là nhịp cầu để tâm hồn họ kết nối với trời đất, với thần linh, với tổ tiên, với núi rừng, với muông thú..." Nhưng âm nhạc cũng có khả năng kết nối tâm hồn với tâm hồn . Vậy để có thể hiểu được và hơn thế nữa là muốn hiểu được cái hồn của cồng chiêng thì người như M. đây sẽ phải làm sao ? Bác H giúp chỉ cho M với nhé và đừng nói là M. phải khăn gói lên đó ở vài năm mới cảm được đó nghe, huhu ...

    Trả lờiXóa
  14. @bangtamngt, M. nói "âm nhạc có một khả năng truyền cảm và kết nối rất lớn", đúng là như thế, và cảnh một người dân quê Hàn quốc đứng bên triền núi cạnh bờ suối hát một điệu nhạc cổ xưa của họ, tiếng hát kể lể, u uất..., tuy là trong phim và không hiểu lời nhưng bạn lại vô cùng cảm xúc...
    Vậy thì cái gì khiến M. cảm xúc? Chính là cái "không gian sống" của bài hát. Thử tưởng tượng bài hát ấy được hát lên trong một căn phòng sang trọng ở thành phố (cảnh sang trọng như thường thấy trong phim Hàn quốc), bởi một người đàn ông mặc complet, chắc chắn bạn sẽ không còn cảm xúc như thế nữa.
    Ở những nơi khác cũng vậy. Tôi đã được xem những phim tài liệu của truyền hình, về tận những bản làng quay lại cảnh "thật" của những lễ hội người Thiểu số (tôi muốn nhấn mạnh là khi ấy truyền hình chỉ là "kẻ tham dự" chứ không phải "người đạo diễn"), và tôi vẫn xúc động khi xem những phim ấy. Tôi chưa hề đến miền Tây bắc, thế mà nghe tiếng sáo Mèo thâm trầm lan tỏa qua đồi núi, qua những vách đá cheo leo, những ruộng bậc thang, tôi vẫn có những xúc cảm như bạn đã tả... Chính vì tiếng sáo Mèo đã được đặt đúng trong cái không gian sống của nó...
    Người ta hô hào phải bảo toàn cồng chiêng, ca trù, chầu văn, vọng cổ... bởi những loại hình nghệ thuật độc đáo này theo như GS Trần Văn Khê "Chỉ 20 năm nữa là sẽ biến mất", bằng những dự án đưa vào giảng dạy học đường, đưa vào hàn lâm... Điều này không thể được, khi ấy cồng chiêng, ca trù, chầu văn vọng cổ... chỉ còn lại cái vỏ không hồn, bởi đã mất đi cái "không gian sống"...
    Nếu không đến được những buôn làng nghe cồng chiêng "thật", không phải là cồng chiêng "giả" ở đâu đó trên Đà Lạt, ngành du lịch hợp đồng mỗi tối đưa du khách vào làng Thượng xem họ "biểu diễn", thì đành là phải xem trên truyền hình như M. đã xem thôi.
    Tôi vẫn cứ nhấn mạnh, đối với cồng chiêng thì không phải là cồng chiêng ở những liên hoan như vừa kể...

    Trả lờiXóa
  15. Bạn PNH ơi.
    Unesco rất tinh tường, họ không công nhận cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới mà là công nhận KHÔNG GIAN ÂM NHẠC CỒNG CHIÊNG. Vậy không gian ấy ở đâu? Rõ ràng không phải ở vườn hoa Tao Đàn, Nhà hát lớn thành phố hoặc một nơi nào khác ngoài Tây Nguyên.

    Trả lờiXóa
  16. @bulukhin, bác Bu rất chính xác, họ công nhận cồng chiêng là Di sản văn hóa thế giới chính là công nhận cái KHÔNG GIAN ÂM NHẠC CỒNG CHIÊNG, chứ không phải công nhận cái tiếng boong boong beng beng đôi khi nghe đến chói tai của cồng chiêng. Hãy tưởng tượng có một dàn cồng chiêng của người Thượng ở trong nhà mình và họ gõ một bài lễ nào đó của họ, bảo đảm đến GS Trần Văn Khê cũng phải chạy ra khỏi ngôi nhà. Hi hi!

    Trả lờiXóa
  17. Vậy "Không gian âm nhạc công chiêng" - cái mà được Unesco công nhận là di sản VHTG có mang tính hàn lâm không? hehehe vụ này nói cho ra cũng không dễ dàng gì có phải không??

    Trả lờiXóa
  18. @bulukhin, âm nhạc cồng chiêng (nói thế cho nó dễ hiểu), chắc chắn không phải là "âm nhạc hàn lâm" rồi (chẳng hạn như nhạc giao hưởng tây phương), nhưng đúng, nó có "mang tính hàn lâm" hay không? chắc phải những nhà chuyên môn mới lý giải nổi, chứ cỡ "phang ngang bửa củi" như anh em mình chỉ có nước cười trừ.
    Nhân đây tôi muốn "tán" thêm chút nữa, nhạc Jazz chẳng hạn, là loại nhạc ngẫu hứng bắt nguồn từ những người Mỹ nô lệ da đen, nghĩa là từ những người có thể là thất học, trong những khu nhà ổ chuột. Chắc chắn nó không phải dòng nhạc hàn lâm rồi, nhưng nó đã chinh phục được cả triệu triệu con người (có học) trên khắp thế giới, vậy nó có mang được chút nào "tính hàn lâm" không? Quả là khó lý giải.

    Trả lờiXóa
  19. Bạn PNH
    Nếu nói vài câu về tính hàn lâm trong âm nhạc thì chúng ta ngoại đạo. Có điều bàn đến cái mình còn lơ mơ để mọi người chỉ bảo cho thì cũng nên lắm. Có lẽ phải đi từ định nghĩa Hàn lâm là gì? Cụ Đào Duy Anh bảo: Hàn lâm là rừng bút, chỗ văn học. Sau này Đại từ điển tiếng Việt cho rằng Hàn lâm còn là tính từ chỉ sự khó hiểu, trừu tượng. Thuở xưa VN ta có Hàn lâm viện, gồm các quan Đãi chiếu, Tu soạn, Thị giảng, Thị độc, Học sĩ....Thực ra cái Hàn lâm viện này chẳng phát minh ra được cái gì, trong khi Hàn lâm viên Âu Mỹ người ta làm ra đủ thứ. Khoa phỏng sinh vật (Bionic) bắt chước côn trùng, động vật, làm ra nhiều máy móc. Con dơi bay trong phòng căng nhiều sợ dây không bị vướng gợi ý con người làm Ra đa. Con chó rủ lông cho nước bắn ra, gợi ý con người làm bộ rung trong cánh máy bay làm băng vở trước khi cất cánh...Ấy thế mà cho đến nay chưa có viện sĩ Hàn lâm nào nói cho rốt ráo tại sao con chim bay được. Chưa có hãng nào ở Âu Mỹ chế tao được thiết bị bay có công suất bằng ...chim! Tất cả cá may bay chiến đấu hiện đại nhất cũng không trở tráo nhanh tuyệt vời như chim. Bao nhiêu viện Hàn lâm đau đầu nhức óc vì thua xa động cơ ....chim. Hehehe. Tất nhiên không vì thế mà ta gọi con dơi, con chó, con chim là viện sĩ của Hàn lâm viện. Nhưng các nền âm nhạc do con người làm ra thì có gì khác không? Đương nhiên nền âm nhạc nào cũng có không gian tồn tại cho nó. Vậy cớ sao Unesco không chọn dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca Huế, ca Bài chòi vùng Quảng Nam, Vọng cổ 6 câu của Nam bộ làm di sản văn hóa thế giới mà đi chọn không gian văn hóa công chiềng Tây Nguyên. Phải chăng nó đặc sắc đến mức nhân loại phải nghiêng đầu ngưỡng mộ, phải chăng nó là một thứ Hàn lâm?? Rõ ràng nó có chỗ cho rừng bút nói đến, có chỗ cho văn học khai thác không cùng, và nó trừu tượng lắm. khó hiểu lắm, y như cái định nghĩa mà ở trên Bu đã dẫn ra chứ có thua kém chi. Hihihi
    Nghiên cứu âm nhạc người ta lý giải ra nhiều thứ. Tại sao âm nhạc người Mông thường là quảng 7, quảng 8, nó liên quan đến cái địa thế vừa lượn vòng vừa dốc đứng nơi họ ở. Một số bài dân ca Xá như “mưa rơi cho cây tốt tươi trên cành” gần với âm nhạc châu Âu hơn là âm nhạc châu Á. Điều đó có liên quan gì đến tộc Xá và tộc Mông gọt dưa, gọt khoai đưa lưỡi dao vào phía trong hệt như người châu Âu? . Người ta thấy trong nhạc ngũ cung của cồng chiêng có chồng đỏ và chồng đen. Cái hùng bên cái bi, cái khỏe khoắn bên caid xáo xuyến bồn chồn. Màu đỏ không chói gắt mà như màu đất ba dan, màu đen không tối mò mà vừa phải như màu nhựa cây thầu dầu ve nguộm váy phụ nữ...Bu có được đọc một cái “tổng phổ” âm nhạc cồng chiêng và hoa cả mắt cho dù không đến nỗi mù hòa âm và mù nhạc. Không những phục mà Bu còn sợ. Vậy thì trong cái vô cùng thâm sâu mà mấy ông Tây unesco phát hiện ra có gì là Hàn lâm không nhỉ???

    Trả lờiXóa
  20. Qua đây đọc và ngâm cứu các comment nãy giờ thì em thấy như đang lạc loài trong viện Hàn lâm. Híc híc.
    Chúng ta luôn có những điều lập lại rất mắc cười như nước ngoài có cái gì đó mới nhất thì lập tức ta có cái mới nhất ở VN, dù cái mới nhất đó đã quá cũ với thế giới
    Người ta có cái gì lạ và mới thì ta ráng chạy theo cái đó mà ráng chạy nhanh hơn cho có tiếng nhưng cuối cùng luôn đứng chót về nhận thức cũng như hiệu quả của vấn đề mà ta đang chạy theo như một cái máy.

    Trả lờiXóa
  21. @lanvuive, tán dóc chơi ấy mà, chỉ buồn là đất nước được điều hành như thế này thì khó lòng khá được, kekekeee!

    Trả lờiXóa
  22. Hoi do Chieu Kim co di dalat duoc nhung nguoi mien thuong cho uong ruou can va ho danh cong chien mua hat vui lam rat hay va cung duoc uong qua ruou can rat ngon 1 binh ruou co nhieu cai can de uong va khi uong thi co nguoi rot nuoc lanh che vao may nuoc dau thi uong khong co ngon nhat nheo lam . Nhung cang uong thi nuoc ruou can cang dam da ngon lam va uong say hoi nao se ko hay biet luon. Ruou can nguoi dan mien thuong ho rat qui chi moi nhung nguoi khach nao ho qui trong lam thoi . uong ruou can an trai hong xanh dzon ngon lam trai hong do that la to ca nam tay cam khong het be ngoai vo hong duoc quet lop voi trang xoa khi an khong co rua muh chi chui lau lop voi do thoi can vao rat dzon mem mai chu khong cung ngat va ngot kim uong voi ruou can that la tuyet voi da vay con them tieng nhac dzan toc cua ho nua ko gi bang do la 1 ky niem dep ho song rat chan that va tiep dai khach rat nhiet tinh

    Trả lờiXóa
  23. @chieukim, chieukim giỏi uống rượu cần nhậu với trái hồng quá, hihi, ngày xưa tôi ở Pleiku, Kontum (trước năm 75), thỉnh thoảng đến làng Thượng được họ chiêu đãi rượu cần bò lê bò càng :))))

    Trả lờiXóa
  24. dau co gioi lan dau tien uong do tai vi thay la nen uong thu cho biet chi vay thoi

    Trả lờiXóa