Cổng chào bên trên đặt trên đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, sẽ do
Cty Vincom thực hiện với biểu tượng hai dãy song song năm
cánh chim Lạc Việt (cổng chào thứ nhất).
Cổng chào bên dưới đặt trên quốc lộ 5 tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm
do Tổng Cty Đầu Tư Phát Triển Hạ Tầng Đô Thị UDIC thực hiện, với 2
hàng cột gỗ buồm, cọc gỗ Bạch Đằng (cổng chào thứ tư).
Cổng chào trên tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài, thuộc xã Thanh Sơn,
huyện Sóc Sơn do Tổng Cty Đầu Tư và Phát Triển Nhà Hà Nội thực
hiện, với hình trống đồng cách điệu (Cổng chào thứ hai).
(Ảnh chôm trên mạng).
Tháng 10 này nước ta kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, một cột mốc lịch sử khá quan trọng trên con đường dựng nước, giữ nước, và phát triển. Một ngàn năm kể từ khi Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La (1.010), thấy rồng bay lên nên đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Sau nhiều lần thay đổi tên gọi, và một lần dời đô vào Phú Xuân-Huế dưới triều nhà Nguyễn. Thăng Long của ngàn năm trước bây giờ là Hà Nội, và năm 2010 là năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Tôi sinh ra ở miền Bắc (Nam Định), chỉ có đâu khoảng thời gian gần 2 năm đầu đời được cha mẹ bế lên ở Hà Nội, thời ấy nghe cha mẹ dùng từ "tản cư", rồi sau đó cha mẹ lại bế tuốt vào Saigon theo Hiệp định Genève. Dăm năm trước năm 75 trong chiến tranh tôi sống ở Tây nguyên, vùng duyên hải miền Trung, rồi lại trở về Saigon từ đó đến giờ, cho nên đối với Hà Nội thì tôi mù tịt, chẳng có một ký ức gì tuy vẫn còn nói tiếng Bắc như một tên Bắc Kỳ... thứ thiệt. Thậm chí sau năm 75 đến giờ tôi còn chưa hề đặt chân đến Hà Nội, những gì tôi biết về Hà Nội là qua hình ảnh, sách vở, văn học, thơ ca, và bạn bè...
Ở Saigon cho nên tôi cũng không quan tâm lắm đến "Đại lễ ngàn năm Thăng Long", cho đến khi thấy bạn bè, những phương tiện thông tin đại chúng nói về những bất cập trong việc chuẩn bị cho buổi đại lễ sẽ diễn ra trong tháng 10 này. Nghe đâu để kỷ niệm một ngàn năm thì trong nhiều tháng nay người ta đã biến Hà Nội thành một đại công trường bụi đất mù mịt... Cái chuyện chuẩn bị đón đại lễ thì là lẽ đương nhiên, nhưng cái cách người ta gọi là bảo tồn, chỉnh trang... có lẽ có gì đó không ổn. Để kỷ niệm một ngàn năm, tức là một cái xưa, thì người ta cố gắng làm mới tất cả. Dẫu biết rằng thời gian làm biến đổi nhiều thứ, nhưng "bảo tồn, chỉnh trang" không có nghĩa là làm mới, có lẽ nhiều người, trong đó có cả những người có trách nhiệm, thẩm quyền... đều không phân biệt được cái cổ, có giá trị, và là nét đặc trưng của Thăng Long (hay Hà Nội) ngàn năm văn vật, cần phải giữ gìn như nó đang hiện hữu, và cái cũ, xấu, không có giá trị, cần phải phá bỏ. Vừa rồi Unesco đã không công nhận Phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa thế giới cũng vì những lý lẽ này.
Nhiều năm trước, tôi đã có lần được về quê ở miền Tây Nam Bộ theo một đám cưới của người bạn. Bạn tôi lấy vợ dưới quê, nhà cô dâu thuộc loại khá giả, có ruộng, ngôi nhà ngói 3 gian có sân vườn rộng rãi rất đẹp, tôi rất thích ngôi nhà ngói, những cây cột nhà tròn to lên nước đen bóng kê trên những tảng đá có chạm trổ, bộ ván dày phía trước nhà, tranh ảnh treo trong nhà đặc trưng cho những ngôi nhà thôn quê. Nhưng hôm xuống rước dâu thì ngôi nhà kiểu quê đẹp đẽ ấy đã bị biến đổi, có lẽ vì bạn tôi đàng trai là người thành phố đến, nên bên nhà gái đã cố gắng sơn phết, trang trí ngôi nhà theo kiểu cách và những vật dụng của nhà phố. Đành rằng họ có ý tốt là muốn làm đẹp cho ngôi nhà của mình trong ngày trọng đại của gia đình, nhưng khi sơn phết, trang trí một ngôi nhà xưa kiểu quê như thế bằng những vật dụng, vật liệu mới bây giờ, nó lại đâm ra kệch cỡm và khôi hài...
Mới đây trên các trang báo và trang mạng, tôi được biết thêm công trình 5 cổng chào ở Hà Nội để đón mừng lễ ngàn năm. Cổng chào thứ nhất đặt trên đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, do Cty Vincom xây dựng với biểu tượng là hai dãy song song năm cánh chim Lạc Việt. Cổng chào thứ hai trên tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài do Cty Đầu Tư và Phát Triển Nhà Hà Nội xây dựng, với mô hình là trống đồng cách điệu. Cổng chào thứ ba đặt trên đường Láng-Hòa Lạc, do Tổng CTy Xuất Nhập Khẩu VN (Vinaconex) đầu tư với mô hình trống đồng (một nửa cái trống đồng từ dưới đất chui lên). Cổng chào thứ tư đặt trên quốc lộ 5 tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, do Tổng Cty Đầu Tư Phát Triển Hạ Tầng Đô Thị (UDIC) xây ưựng, với 2 hàng cột gỗ buồm, cọc gỗ Bạch Đằng. Cổng chào thứ năm đặt tại quốc lộ 1 đi Lạng Sơn-Bắc Ninh, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, với biểu tượng 8 con rồng trên mặt trống đồng, do Cty cổ phần Him Lam xây dựng. Toàn bộ 5 cổng chào có giá trị khoảng 50 tỷ đồng, và phần lớn là do các doanh nghiệp trên tài trợ.
Năm cổng chào này được cho biết là lấy từ ý tưởng năm Cửa Ô của Hà Nội xưa. Đọc trên báo và trên mạng, thấy nhiều người, nhiều nhà chuyên môn về kiến trúc có ý kiến, phần nhiều là... bàn ra, tựu trung là thời gian quá gấp gáp, quá nhiều cổng chào (chẳng hạn ở Paris-Pháp cũng chỉ có một cổng chào là Khải Hoàn Môn), những cổng chào không nói lên được nét đặc trưng của 1.000 năm Thăng Long... vân vân và vân vân... Riêng tôi, một kẻ chẳng có chuyên môn nghề nghiệp gì về kiến trúc, lại cũng không phải là người Hà Nội, không biết gì về Hà Nội, nhưng nhìn những hình vẽ của 3 cổng chào trên tôi lại nghĩ ngay đến những hàng cột của đền... Parthenon Hy Lạp. Để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại sao người ta không lấy ý tưởng ngay từ cái chữ Thăng Long - Hà Nội, những ý tưởng chẳng hạn như "thăng long", trả lại kiếm của thần Kim qui, hay bao nhiêu những câu chuyện, những truyền thuyết về một Thăng Long - Hà Nội, và cũng có cần thiết không khi xây dựng đến 5 cổng chào hình dạng hoặc ý nghĩa na ná nhau như thế. Chẳng hạn nói đến Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch là người ta nghĩ ngay đến bức tượng đồng Nàng tiên cá chứ không phải một công trình to lớn gì khác. Paris, thủ đô của nước Pháp hoa lệ như thế cũng chỉ có một Khải Hoàn Môn...
Có lẽ người ta lại rơi vào việc thích... lập kỷ lục Guinness về cổng chào mất rồi!!!