PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Chuyện xưa.



Chuyện xưa kể rằng cách nay cả ngàn năm, thời Đường tăng còn đang vất vả dắt đám đồ đệ đi thỉnh kinh bên xứ Phật, có một nước kia có nhiều chuyện rất lạ kỳ, đó là xứ Ky Wa. Con người ở xứ Ky Wa này khá vui tính tuy cũng còn có nhiều lúc hay gây gổ và càu nhàu, đặc biệt người ở xứ Ky Wa từ quan đến dân có một đức tính rất độc đáo là chuộng hình thức, nói nôm na là thích cái vẻ bề ngoài, đừng tưởng là họ chỉ có câu ca dao "Cái nết đánh chết cái đẹp" nghĩa là chỉ quan tâm đến nội dung mà bỏ quên hình thức là lầm, bên cạnh đó họ còn có những câu đại loại như "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Giấy rách phải giữ lấy lề"... nghĩa là làm gì thì làm, có đói có rách thì cái bề ngoài lúc nào cũng phải giữ cho sạch sẽ, thơm tho, ngay thẳng... như vậy chẳng chú ý tới cái bề ngoài thì là gì?

Quả là người dân ở xứ Ky Wa này rất thích cái vẻ bề ngoài, từ gia đình, cho đến chòm xóm, xã hội... Nhà này năm nay trúng mùa lúa hay trúng được cái hầm cá Vồ, xây lên cái nhà ngói ba gian, thể nào năm sau nhà bên cạnh cũng phải tìm cách đổi cái nhà tranh vách đất thành nhà ngói ba gian hai chái, nghĩa là phải thêm hai chái nữa cho nó oai, cái nhà cách mấy căn nữa đâu có chịu thua, quyết tâm năm tới sẽ vay mượn cho dù có "xanh sít đít đui" cũng phải chuyển cái nhà gỗ của mình thành nhà ngói ba gian hai chái, trước nhà có thêm cái bồ lúa với cái sân phơi láng o mới chịu. Của đáng tội, nếu chỉ như thế không thì tốt quá, xã hội tiến triển, con người tiếp cận với cái mới tốt đẹp hơn. Chả là có chuyện đáng nói như thế này, một hôm trong thôn nhà ông Tư có chuyện buồn, nghĩa là nhà chẳng may nhà có đám, để tỏ lòng hiếu thảo cái đám thật linh đình, ông Tư cho vật bò, lợn, gà đãi đằng suốt mấy ngày đêm, trống kèn ầm ĩ, tụng niệm vang trời, lại còn mướn cả đám hát Hồ Quảng đến dựng sạp biểu diễn văn nghệ giúp vui... Ông Năm kế bên đi ra đi vào nhìn sang mà... tức muốn lộn ruột, cuối cùng thì ông Năm nghiến răng lầm bầm "đừng có mà vênh mặt lên như thế, để coi, nhà tao mà có... đám thì biết mặt...".

Đấy là chuyện gia đình, chòm xóm, còn chuyện làng chuyện nước cũng đại loại như thế. Xóm này nhà cửa khá giả bèn đăng ký với làng nước là xóm sạch đẹp văn minh, thì xóm kia nghèo hơn nhà cửa úi xùi, đường đất nhếch nhác, chiều chiều người lớn trẻ con cùng cả gà lợn đổ ra đường hóng mát, có khi trẻ con thụi nhau, người lớn cãi cọ... thì tận dụng ngay cái thế mạnh ấy của mình mà đi đăng ký với làng nước là xóm thân tình, dĩ nhiên làng nước công nhận ngay tức khắc, cuối năm họp tổng kết cấp làng cấp bằng khen đàng hoàng, và báo cáo tiếp lên Tổng lên Huyện thành tích của làng mình... bằng vào những báo cáo từ dưới lên như thế, Tổng, Huyện lại báo cáo lên Tỉnh lên Phủ những thành tích to lớn ấy, và cũng dĩ nhiên phải thêm vào những cái khác nữa, chẳng hạn như Huyện năm nay đã tổ chức được bao nhiêu cái lễ hội, từ cái lễ hội cặp bưởi Năm roi to nhất, để vinh danh nền nông nghiệp ở Huyện nhà, cho đến cái lễ hội Cầu mưa, chẳng là năm nay trời đất ghét bỏ chi mà đến tháng sáu tây rồi mà chẳng thấy mưa đâu cả, trời cứ nắng hừng hực, đất thì khô queo nứt nẻ, mà nhờ những quan Tổng quan Huyện ăn ở có đạo đức biết thương xót con dân hay sao ấy, sau lễ Cầu mưa thành khẩn thì trời đổ cho một trận mưa ngập đường, thật là mát mày mát mặt.

Mà không phải chỉ có dân và quan mới chuộng hình thức bề ngoài, cả bên lo về tâm linh cho con dân cũng thế, chùa chiền, đền thánh bây giờ ở đâu cũng thế, đập đi xây lại, tất cả to cao ngất ngưởng, những cột những đài, rồng phượng uốn khúc sơn son thếp vàng, thày cố xênh xang, thế mới xứng đáng nói chuyện tâm linh, chùa chiền đền thánh mà thấp bé thì trông chẳng ra làm sao cả...

Các quan lại của đất nước Ky Wa này có những tầm nhìn thật vĩ đại, đúng thế thôi, bởi họ bằng cấp đầy mình, dự định vài năm nữa không riêng gì các Thượng Thơ, mà tất cả các quan lại dưới quyền đều phải có bằng Tấn Sĩ và được tạc tên vào bia đá ở Văn Miếu. Nghe nói kinh đô của xứ Ky Wa kỳ này cũng đang tính mở rộng gấp mấy lần, tất cả những đường phố được đào lên làm lại, hết đá chẻ rồi đến gạch con sâu, hết gạch con sâu rồi đến gạch men cao cấp, không phải kinh đô là chỉ lớn nhất nước, mà còn lớn nhất của cả một góc địa cầu, là trung tâm về văn hóa nghệ thuật thể thao giải trí ăn chơi của cả một Châu lục, thật là vinh quang, và nghe đâu người ta cũng đang bàn đến chuyện làm một con đường xe ngựa siêu tốc để nối kinh thành đi các tỉnh...

 

11 nhận xét:

  1. ...Ngày xưa, ở nước Ky Wa có một nàng Xun Wa rất bốc ! hìhì...

    Ở kinh đô của nước Ky Wa, người ta đang dựng những hàng bia Tấn sĩ dọc hai bên đường...Trên bia đã có tên nàng GR bạn của chúng mình đó bác Hiệp à !
    :)

    Trả lờiXóa
  2. @vuonghung51, aa, cô nàng Xun wa rất bốc nào đó chắc chỉ có bác vuonghung nhà ta mới... xử nổi. Còn cái hàng bia Tấn sĩ ở kinh đô có tên cô nàng GR. nhà chúng mình thì tôi được nhìn thấy rồi, hì hì!

    Trả lờiXóa
  3. Dạ, để hôm nào họp hội nghị Diên sinh, GR tâu Triều đình lấy cái Ngũ Quận nhập vô Kinh kì cho hai bô lão ấy biết tay.

    Trả lờiXóa
  4. Chưa hết: Sẽ xúi sai nha đến giải tán cái Chim cà phê Quán nữa.
    :D hà hà, ai bẩu chọc ghẹo GR.

    Trả lờiXóa
  5. Xem ra con cháu nước Đại Ngu còn siêu hơn chủng tộc Ky Wa bạn kể về mọi phương diện, thế mới ghê..

    Trả lờiXóa
  6. Chuyện ...bây giờ mới kể ...! Hú hồn, ko có mở đầu " Chuyện xưa" lại tưởng duoc nghe chuyện ...hàng xóm !

    Trả lờiXóa
  7. @hanggraphic, haha, quả là không hổ danh con gái... Bắc! Giời, giải tán Chim cà phê quán thì lấy đâu chỗ để bác hongdang treo đèn đỏ? hà hà!

    Trả lờiXóa
  8. @bulukhin, Hôm nào bác Bu cho bà con nghe chuyện nước Đại Ngu hỉ?

    Trả lờiXóa
  9. @xuyenmai, ừ nghe giống chuyện ngày nay thật, hihi!

    Trả lờiXóa
  10. Anh NH kể chuyện duyên quá! Chuyện ngày xửa, ngày xưa giống in chuyện hôm nảy, hôm nay. Cười buồn!

    Trả lờiXóa
  11. Chuyện ở tận nước KyWa mà giống chuyện làng tớ thế

    Trả lờiXóa