PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Khi bạn nhận thức được hạnh phúc, nó sẽ có mặt ngay lập tức, vào lúc bạn đang thực hiện việc bạn lựa chọn. Đó là món quà tuyệt vời của cuộc sống.

--> Read more..

Một vài nét về tín ngưỡng dân gian xưa (2).

Một bàn thờ gia tiên.

- Tục thờ cúng tổ tiên: tục thờ cúng tổ tiên của người Việt đã có từ rất lâu, bắt nguồn từ nền kinh tế nông nghiệp, trong xã hội phụ quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào nước ta, chữ hiếu được đề cao, đã đặt nền tảng cho tục thờ cúng tổ tiên một triết lý sâu sắc. Đến thế kỷ XV khi Nho giáo chiếm ưu thế, bộ luật Hồng Đức của nhà Lê đã thể chế hoá việc thờ cúng tổ tiên. Luật quy định rõ con cháu phải thờ cúng tổ tiên năm đời: đời mình tính ngược lên bốn đời, cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, ruộng đất hương hoả để dành sinh huê lợi cho việc thờ cúng không được cầm cố mua bán. Đến đời nhà Nguyễn nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách Thọ mai gia lễ.
Người Việt rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, hàng năm vào ngày mất (kỵ nhật), thường tổ chức lễ cúng gọi là ngày giỗ để tưởng nhớ người thân, lễ cúng tuỳ theo gia chủ có thể cúng chay hoặc cúng mặn, và thường mời anh em, bà con, bạn bè, chòm xóm đến dự. Việc thờ cúng cũng thường làm vào ngày sóc và ngày vọng (1 và 15 âm lịch mỗi tháng), thường chỉ đặt lên bàn thờ một vài đĩa trái cây. Ngoài ra vào những dịp như lễ tết, trong nhà có việc dựng vợ gả chồng, làm nhà, thi cử... cũng thường hay làm lễ cúng, cầu xin điều lành, hoặc để báo cáo lên tổ tiên...
Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, trong những gia đình người Việt cũng hay có tục thờ cúng ông Công, ông Táo, nôm na là Thổ địa, Thần tài, Táo quân... với ý nghĩa cầu xin được bình an, may mắn trong gia đình, tài lộc đầy đủ...
Ở nơi một vài tộc người thiểu số, chẳng hạn như người Mường còn có tục thờ cây quả, cây lúa luôn được coi là cây của thần linh mang đến cho con người no ấm, cây mía cũng được người Mường thờ với ý nghĩa là cây trường sinh, ngọn mía dâm xuống đất lại sinh cây mía mới. Trong hôn lễ, khi đón dâu người Mường phải có mấy cây mía vác theo, với ý nghĩa cầu chúc cho đôi trai gái trường thọ, con cái đầy đàn như bụi mía...
Quả bí ngô (bí đỏ, bí rợ), cũng được người Mường thờ, với quan niệm bụng người đàn bà có chửa tròn như quả bí, nên mới có chuyện giải thích con người ban đầu là từ trong quả bí chui ra. Trong lễ dọn về nhà mới của người Mường không thể thiếu quả bí đỏ to đặt cạnh cây cột chính của ngôi nhà. Khi làm lễ, thày Mo cầu khấn cho gia chủ ở ngôi nhà mới gặp nhiều may mắn, sinh con đẻ cháu đầy đàn như con người đã từ quả bí chui ra...

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi. (Ảnh Internet)

- Tục thờ Thành hoàng: Thành hoàng là vị thần linh cai quản một vùng, ngày xưa thường là một đơn vị hành chính như làng, xã, được dân làng thờ phượng như vị thần phù hộ cho dân làng được bình yên, thịnh vượng... Một nhà nghiên cứu người Pháp khi khảo cứu về tín ngưỡng của người dân Việt Nam đã viết: "Sự thờ phụng tổ tiên tượng trưng cho gia đình và việc nối dõi tổ tông, sự thờ phụng Thành hoàng tượng trưng cho sự trường tồn của thôn ấp" (G. Coulet). Thành hoàng có thể là một thiên thần như Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử..., một vị thần danh sơn đại xuyên như Tản Viên Sơn Thần, Tô Lịch Giang Thần..., hoặc một nhân thần có công với đất nước như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... Sau khi mất được người dân nhớ công ơn lập đền thờ... Thành hoàng cũng có khi là người khi còn sống đã có công khai phá lập ra một vùng đất mới, sau được thờ (như Hoàng Cao Khải được thờ ở ấp Thái Hà); cũng có những nơi thờ tà thần, yêu thần, khi chết gặp giờ linh người dân cũng lập đền thờ...
Theo lệ xưa nhà vua sắc phong cho Thành hoàng làm Thượng, Trung, hoặc Hạ đẳng thần tuỳ theo công trạng với dân, với nước, riêng tà thần, yêu thần thì không được sắc phong.
Thành hoàng không được thờ ở gia đình, mà được thờ nơi đình, đền của làng xã...
Trên đây chỉ là một vài nét cơ bản nhất về một vài tín ngưỡng, tục thờ xưa của người dân, những tín ngưỡng, tục thờ này có cái đã không còn, có cái vẫn còn tồn tại, qua thời gian, thời thế có khi cũng đã ít nhiều biến đổi... Ngoài ra cũng còn những tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên chúa giáo..., hoặc những tôn giáo ít phổ biến hơn... vẫn luôn hiện diện trong đời sống của người dân Việt...

Tham khảo:
- Tín ngưỡng Việt Nam, Làng xóm Việt Nam, Toan Ánh.
- Đình miếu & Lễ hội dân gian miền Nam, Sơn Nam.

--> Read more..

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Một vài nét về tín ngưỡng dân gian xưa.

Tượng Pháp Vân. (Internet)

Ở nước ta xưa nay tín ngưỡng, phong tục, là một phần quan trọng không thể thiếu của người dân, từ nông thôn đến thành thị. Xã hội Việt Nam đã hình thành cả ngàn năm nay, từ thời nguyên thuỷ, đến phong kiến và hiện đại, hầu như không một gia đình nào lại không có bàn thờ cúng, không làng xã nào lại không có đình, đền, chùa, miếu... thờ Thần, thờ Mẫu, thờ Phật...
Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có một hay nhiều tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng, cho nên chỉ riêng về tín ngưỡng, ở nước ta đã được kể là thờ đa thần... Cuối tuần, lại được nghỉ lễ dài ngày, tôi viết ít dòng, vài nét về những tín ngưỡng dân gian xưa, để góp vui với bạn bè...
- Tục thờ những hiện tượng tự nhiên: có lẽ tín ngưỡng cổ xưa nhất của con người bắt nguồn từ thiên nhiên, đứng trước thiên nhiên con người cảm thấy quá nhỏ bé, trời, đất... mênh mông khiến con người khiếp sợ, tục thờ trời, đất rất phổ biến ở cư dân Nam Á - Bách Việt (ở Việt Nam có truyền thuyết Lang Liêu bánh giầy bánh chưng từ thời Hùng Vương, bánh giầy tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất). Bên cạnh đó là những hiện tượng tự nhiên như sấm, chớp, gió bão, mây, mưa... luôn chi phối đến con người, nhiều khi gây tai hoạ, ở vào thời nguyên thuỷ ấy không lý giải được những hiện tượng tự nhiên, con người gán cho là do thần thánh, từ lẽ đó hình thành tín ngưỡng Tứ pháp, Tứ pháp là: Pháp Vân (Mây), Pháp Vũ (Mưa), Pháp Lôi (Sấm), Pháp Điện (Chớp). Tứ pháp không thờ trong gia đình, mà được thờ nơi các đền chùa trong dân gian, Pháp Vân tức bà Dâu thờ ở chùa Thiền Định, Pháp Vũ tức bà Đậu thờ ở chùa Thành Đạo, Pháp Lôi tức bà Tướng thờ ở chùa Phi Tướng, Pháp Điện tức bà Dán thờ ở chùa Phương Quan.
- Tục thờ sinh thực khí: nhiều tài liệu về khảo cổ, sử học, ngôn ngữ, nhân chủng... đã cho chúng ta biết từ thời đại của các vua Hùng (2879-258 trước Công nguyên), nước ta đã có một nền văn hoá và sản xuất khá cao, trong đó có việc trồng lúa nước và chăn nuôi, tục thờ sinh thực khí với những nghi lễ phồn thực để cầu cho mùa màng nảy nở bội thu, gia súc đầy đàn đã phản ánh nguyện vọng và tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, việc thờ sinh thực khí được thể hiện qua những nghi lễ thờ cúng Nõ Nường, ông Đùng bà Đà, chày - cối... biểu hiện này còn được tìm thấy trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái), có niên đại 500 năm trước Công nguyên, qua tượng 4 đôi nam nữ trong tư thế tính giao, hoặc những hình khắc chim, cóc, cá sấu đang giao phối trên nắp trống đồng Hoàng Hạ (Hà Sơn Bình).

 Bàn thờ Tam Toà Thánh Mẫu (Internet)               

- Tục thờ Mẫu: cùng với chế độ mẫu hệ xa xưa là tín ngưỡng thờ Mẫu, Mẫu, từ Hán Việt có nghĩa là mẹ, hàm ý tôn xưng, tôn vinh thờ phụng những nữ thần gắn liền với những hiện tượng tự nhiên, hay những thái hậu, hoàng hậu, công chúa... đương thời là người tài giỏi có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho mọi người. Các nữ thần được tôn vinh với các chức vị: Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu...), Quốc Mẫu (Quốc Mẫu Âu Cơ), Vương Mẫu (mẹ Thánh Gióng). Các Thánh Mẫu là nữ thần, được thờ trong đền, chùa, miếu điện. Riêng Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong phủ: phủ Giầy, phủ Tây Hồ.
Do ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển và hình thành tín ngưỡng Tam phủ, hoặc Tứ phủ, bao gồm: Tam phủ: Thiên phủ (miền trời); Nhạc phủ (miền rừng núi); Thuỷ (Thoải) phủ (miền sông nước). Tứ phủ: ba phủ trên cộng thêm Địa phủ (miền đất đai). Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời; Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi; Mẫu Thoải cai quản miền sông nước; Mẫu Địa cai quản miền đất đai. Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành, đó là đạo Mẫu. So với tín ngưỡng thờ Mẫu, đạo Mẫu đã có một bước phát triển, đã hình thành một hệ thống tương đối nhất quán về điện thờ, các phủ (thờ Thần, hàng Cô, Cậu...), quy tụ dưới sự điều khiển của Tam Toà Thánh Mẫu, mà vị thần cao nhất là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được xem là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên. Điển hình của nghi lễ Đạo Mẫu là hầu đồng.

Tham khảo: - Tín ngưỡng, phong tục & những kiêng kị dân gian Việt Nam - Ánh Hồng biên soạn, nhà xuất bản Thanh Hoá 2004. - Nguồn văn hoá truyền thống Việt Nam - GS-TS Lê Văn Quán, nhà xuất bản Lao Động 2007.

(Còn tiếp).
--> Read more..

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Thiền tông.

Thiền tông khởi nguyên từ Ấn Độ, được truyền từ vị Tổ thứ nhất là Ma Ha Ca Diếp (ngài được Đức Thích Ca Mâu Ni truyền tâm ấn, trong tranh tượng Phật giáo, Ma Ha Ca Diếp cùng A Nan Đà thường được thể hiện đứng hai bên Đức Phật) cho đến đời Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), vị chi là 28 đời (Nhị thập bát tổ). Ngày nay không còn tư liệu cụ thể gì về lịch sử của các vị Tổ Thiền tông Ấn Độ.
Thiền tông Trung Hoa là tông phái Phật giáo Đại thừa xuất hiện từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ VI, bởi Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma, ở vào đời nhà Lương. Bồ Đề Đạt Ma thuộc dòng dõi vương quyền Sát Đế Lợi, phụ vương là Hương Chi làm vua nước Nam Ấn, thuở nhỏ đã rất thông minh và có tài hùng biện. Nhân nhà vua Hương Chi thỉnh Tổ Bát - nhã - đa - la vào cung cúng dường, ngài mới có cơ duyên gặp Tổ. Qua cuộc nghiệm vấn Tổ biết ngài là kẻ tài trí sẽ kế thừa Tổ. Sau khi vua cha băng hà, ngài quyết chí xuất gia nên cầu xin Tổ Bát - nhã nhận làm đệ tử. Tổ hoan hỉ làm lễ thế phát (lễ xuất gia), và truyền giới cụ túc (Upasampadà, giới Tỳ kheo), Tổ bảo ngài, với các pháp hoàng tử đã thông suốt nay đổi hiệu là Bồ Đề Đạt Ma. Ngài chính thức theo Tổ học đạo. Một hôm Tổ gọi ngài đến truyền pháp và dặn, ngươi tạm giáo hoá ở nước này, sau sang Trung Hoa mới thật là duyên lớn, song đợi ta diệt độ khoảng 60 năm sau hãy đi, nếu đi sớm e có việc không tốt.
Đến đời nhà Lương, Bồ Đề Đạt Ma lên thuyền vượt biển sang Trung Hoa được vua Lương Võ Đế tiếp, nhưng qua tiếp chuyện vua ngài thấy cơ duyên chưa đến, bèn bỏ sang nước Nguỵ, đến Lạc Dương dừng tại chùa Thiếu Lâm chín năm ngồi quay mặt vào vách im lặng, tăng chúng không hiểu, người đời gọi ngài là "Bích quán Bà la môn". Bồ Đề Đạt Ma được xem như Tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa, gồm 6 đời: 1/- Bồ Đề Đạt Ma (? - 532); 2/- Huệ Khả (487 - 593; 3/- tăng Xán (? - 606); 4/- Đạo Tín (580 - 651); 5/- Hoằng Nhẫn (601 - 674); 6/- Huệ Năng (638 - 713). Sau Tổ Hoằng Nhẫn, thiền tông Trung Hoa được chia thành 2 phái Bắc tông và Nam tông, phía Bắc do Thần Tú lãnh đạo thuộc tiệm ngộ phái, người tu hành muốn thành Phật phải trải qua quá trình tu tập lâu dài, phía Nam do Huệ Năng thuộc đốn ngộ phái, chủ trương có thể trở thành Phật ngay tại nhãn tiền, ngay cả tên đồ tể chỉ cần bỏ dao xuống là có thể trở thành Phật. Thiên hạ thường gọi là Nam Năng, Bắc Tú.
Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma, nhưng người thực sự sáng lập ra Thiền tông Trung Hoa là Huệ Năng, tương truyền Huệ Năng là người không biết chữ, ở chùa chuyên lo việc phục dịch gánh nước, quét nhà, bổ củi, Huệ Năng nhờ người làm cho bài kệ:
"Bồ đề vốn không cây/ Gương sáng cũng không có/ Xưa nay không có vật/ Làm sao có bụi bặm." Bài kệ này để đối lại bài kệ của Thần Tú: "Thân như cây bồ đề/ Tâm như đài gương sáng/ Luôn luôn phải lau quét/ Chớ để nhuốm bụi trần.", và Tổ thứ năm Hoằng Nhẫn đã chọn Huệ Năng để trao y bát, khi ấy Huệ Năng vẫn còn là cư sĩ.
Cơ sở kinh điển của Thiền tông là kinh Lăng già, kinh Kim cương, Đại thừa khởi tín luận, Thiền tông lấy Thiền định làm cơ sở cho sự tu tập.

Ở Việt Nam, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay vào khoảng đầu công nguyên với trung tâm Phật giáo quan trọng ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Phật giáo Việt Nam được du nhập từ Ấn Độ, ban đầu mang màu sắc của Tiểu thừa. Tuy nhiên dòng thiền đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam do nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi lập ra, ông là người Ấn Độ, qua Trung Hoa rồi đến Việt Nam năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu), tổ thứ hai là Pháp Hiền, truyền được 19 đời. Dòng thiền thứ hai do nhà sư Vô Ngôn Thông, một nhà sư Trung Hoa lập ra vào năm 820, tu tại chùa Kiến Sơ, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, truyền được 17 đời. Dòng thiền thứ ba do nhà sư Thảo Đường người Trung Hoa, bị bắt làm tù binh tại Chiêm Thành, được vua Lý Thánh Tông giải thoát khỏi kiếp nô lệ cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069, truyền được 6 đời...
Trên đây là một vài nét về Thiền tông được tham khảo từ nhiều nguồn...
--> Read more..

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Một câu truyện thiền.

Một lần vị quan sát sứ địa phương đến thăm một tự viện. Vị trụ trì dắt ông quan đi xem các nơi. Khi đến một căn phòng trưng bày hình ảnh của các vị trụ trì trước, ông quan chỉ chân dung của một vị và hỏi nhà sư trụ trì, "Ai đây?" Vị trụ trì đáp, "Vị trụ trì quá cố." Câu hỏi thứ nhì của ông quan, "Đây là chân dung, thế con người của ông ta đâu?" Câu hỏi này nhà sư trụ trì không trả lời được. Tuy nhiên ông quan cứ nằng nặc đòi phải trả lời câu hỏi của mình. Vị trụ trì thất vọng, vì ông không tìm ra được ai trong những đệ tử của mình có thể thoả mãn được câu trả lời của ông quan. Cuối cùng ông chợt nhớ ra một nhà sư lạ gần đây đến chùa xin ở trọ, hầu hết những thời giờ rảnh chỉ lo quét dọn giữ sân chùa ngăn nắp. Vị trụ trì nghĩ người lạ này trông giống một Thiền sư, biết đâu có thể trả lời cho câu hỏi của ông quan. Người ta gọi nhà sư ấy vào và giới thiệu cho ông quan. Vị này kính cẩn bạch với nhà sư.
"Thưa thày, rủi thay những vị quanh đây không sẵn lòng đáp câu hỏi. Vậy ngài có sẵn lòng từ bi để đảm nhận câu trả lời?"
Nhà sư nói, "Câu hỏi của ông thế nào?"
Ông quan kể cho sư nghe những gì đã xảy ra và lập lại câu hỏi, "Đây là chân dung của vị cựu trụ trì thế còn con người đâu?"
Nhà sư lập tức kêu lên, "Này quan!"
Vị quan đáp, "Dạ , thưa thày!"
"Ông ta đâu?" Đó là lời giải đáp của nhà sư.
Vị sư trả lời sau này là Hoàng Bá Hi Vận, là một trong những Thiền sư vĩ đại đời Đường.

"Giảng thuyết về Thiền". D. T. Suzuki.
--> Read more..

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Đọc sách.

Tôi có thói quen đọc sách đã lâu lắm, từ hồi còn nhỏ. Ngày xưa thì trẻ con không được nuông chiều như bây giờ, thường nhà nào cũng bét là năm bảy đứa nhóc tì, lắm khi cả chục đứa, cha mẹ cứ sòn sòn năm một, đứa lớn ráng mà tha đứa nhỏ, như con mèo tha con chuột, lê la đất cát, không có nhiều thứ để chơi đùa, cho nên khi biết đọc biết viết thì có thêm được cái thú nữa là đọc sách.
Thật sự là ở vào cái thời xưa ấy, còn nhỏ làm gì mà có tiền mua sách đọc, cho nên người lớn trong nhà có sách gì đọc sách nấy, cũng may cách nay dăm chục năm ở Saigon sách vở cũng rất nghiêm túc, thường thì được đọc ké những quyển sách dịch có giá trị như Tâm hồn cao thượng, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Những người khốn khổ... Còn sách trong nước thì thời đó là sách của nhóm Tự lực văn đoàn, hay chuyện Dế mèn phiêu lưu ký... của nhà văn Tô Hoài mà tôi đã từng mê mẩn.
Lớn hơn chút nữa khi học cấp hai, cấp ba, tôi đã biết chọn cho mình những quyển sách theo ý thích, sách dịch của nước ngoài đủ tác giả của các nước, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Hy Lạp, Nhật Bản, Trung Hoa, châu Mỹ La Tinh... và nhiều tác giả viết rất hay ở miền Nam bấy giờ... Đúng ra còn đi học, cho dù là bậc trung học cũng chẳng mấy đứa có tiền để mua sách, cũng may đã có những tiệm cho mướn sách, những tiệm cho mướn sách bề thế thì có đủ loại sách cho mướn, từ loại tiểu thuyết não tình giới bình dân hay đọc, cho đến những quyển sách của những tác giả đoạt giải Nobel văn chương, và những quyển sách nghiên cứu về Nho giáo, Phật giáo... Thường thì giới học sinh, sinh viên, hoặc công chức ít tiền ham đọc sách hay lui tới mấy chỗ cho mướn sách vì giá cả mướn ngày, hay tuần là khá rẻ so với túi tiền eo hẹp của họ. Tôi suýt quên chuyện này, còn một loại sách cho mướn rất chạy ở vào khoảng nửa cuối thập niên 60, sang đến nửa đầu của thập niên 70 thế kỷ trước, đó là truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, mà người Saigon quen gọi là truyện chưởng, những "Cô gái đồ long", "Ỷ thiên kiếm", "Thiên long bát bộ"... cho đến "Anh hùng xạ điêu", "Thần điêu đại hiệp", "Lộc đỉnh ký"... sau thời gian đọc từng kỳ trên nhật báo, gọi theo tiếng Tây là "phơi ơ tông" (feuilleton), được in thành sách, các tiệm cho mướn sách mua về đóng thành từng quyển và cho thuê lại. Có điều lạ dân mê truyện kiếm hiệp ở Saigon rất nhiều, nhưng ít ai mua sách kiếm hiệp về cất trong tủ sách, mà thường chỉ đi mướn xem, có lẽ đa số coi loại này chỉ là sách thuần tuý giải trí.
Khi bước xuống cuộc đời thì tôi mới có tiền bắt đầu mua sách, và những năm tháng ở những nơi xa tôi đã mua và đọc rất nhiều sách, đủ mọi loại, văn học, triết học, tôn giáo... Thường tôi đọc trong những quán cafe khi về thành phố, những nơi ở cao nguyên hay duyên hải Trung phần lúc bấy giờ có rất nhiều quán cafe, chủ yếu phục vụ cho lính tráng xa nhà, cafe là cafe ngon thứ thiệt, ít có pha phách tầm bậy như bây giờ, nhạc hay (nhạc VN và nhạc ngoại quốc), và chỉ cần vào quán kêu một phin cafe đen là ta có thể ngồi một nửa ngày đọc sách thoải mái, trà nóng ngon có thể uống hết ấm này đến ấm khác mà không hề tính thêm tiền, và cũng không bao giờ chủ quán tỏ ý không bằng lòng.Tôi cũng thường mang theo sách trong ba lô, và đọc ở mọi nơi, trong làng Thượng, trong rừng, dưới hầm trú ẩn nơi một đồn biên giới ở Pleiku, Kontum, hay một vùng biển cát nắng cháy ở Phú Yên, Bình Định...
Và cái tai hoạ nhất của sau tháng 4 năm 1975 khi tôi về Saigon, là toàn bộ khá nhiều sách mà tôi đã có để ở nhà, đã bị chính quyền phường khóm lúc thời  ấy tịch thu sạch, một phong trào "xoá văn hoá phẩm đồi truỵ" bấy giờ, tất cả, tiểu thuyết, sách triết học, kể cả sách viết về Nho giáo và Thiền... đều bị lấy mất.Tiếc và tức, nhưng nghĩ lại cũng còn may cho xã hội, bởi những quyển sách ấy không bị tiêu huỷ, mà lại được tuồn ra thị trường với giá giấy vụn, không ít người lê la nơi những chỗ chuyên bán sách cũ, đã lại tìm thấy quyển sách có chữ ký của mình đã bị tịch thu...
Bây giờ tôi vẫn còn mua và đọc sách, sách bây giờ nhiều vô kể, đủ loại thượng vàng hạ cám (mà cám thì vô số), tôi có cái thú lê la nơi những quày bán sách cũ, ở đấy có khi ta mua được một cuốn sách ưng ý giá lại rẻ bất ngờ. Và cùng với sự phát triển của Internet, sách luôn đem đến cho con người những điều, những thông tin bổ ích. Điều quan trọng, là trong muôn ngàn quyển sách, những gì có trên mạng, giữa cái mớ bòong boong hỗn độn ấy, chúng ta rút ra được điều gì, cho riêng mình?
--> Read more..

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Truyện trò tháng tư.

Photobucket
Truyện trò tháng tư.

Photobucket
Đôi bạn.

Photobucket
Gánh hàng rong.

Photobucket
Quán cóc.

Photobucket
Những bậc thang.

Photobucket
Em bé và chú "Pink".

Photobucket
Chuông chiều.

Photobucket
Trò chơi.

Photobucket
Quả bóng đỏ.


Tháng tư ở Saigon với nắng và nóng, nhưng cũng thật lạ lùng là đã có cơn bão đầu tiên trong năm, và cũng là cơn bão trong rất nhiều năm thổi vào. Những hình ảnh tôi đã chụp đâu đó, trên đường phố, trong một góc công viên, nơi một ngôi chùa...
Cuộc sống vẫn chảy trôi...
--> Read more..

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Quan họ đi kiện.

Thứ Tư, 11/04/2012, 08:10 (GMT+7)

Quan họ đi... kiện

TT - Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh gửi Bộ VH-TT&DL và Bộ Thông tin - truyền thôngkiến nghị về những phản biện của PGS Nguyễn Văn Huy quanh việc Bắc Ninh tổ chức lập kỷ lục nhiều người hát quan họ nhất.


T
rong lá đơn kiến nghị gửi ngày 8-4, hội cho rằng PGS Huy (ủy viên Hội đồng di sản quốc gia) đã có những phát ngôn không đúng về người quan họ, bôi nhọ quan họ, đụng chạm đến nhiều thế hệ người quan họ. Cũng trong đơn này, hội đề nghị Bộ VH-TT&DL phải khiển trách ông Huy và ông Huy phải công khai xin lỗi người quan họ.
Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Trọng (chủ tịch Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh) chỉ ra bốn điểm sai của PGS Nguyễn Văn Huy. “Thứ nhất, PGS Huy không tìm hiểu để biết sự thật của quan họ mà chỉ tay năm ngón gọi đó là việc khôi hài. Việc tổ chức kỷ lục là chủ trương đã được Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh đồng ý. Thậm chí Bộ VH-TT&DL cũng khuyến khích chúng tôi quảng bá quan họ. Thứ hai, chúng tôi thực hiện kỷ lục là để biểu dương lực lượng của người quan họ, đó là cái tài tình trong tổ chức của hội, PGS Nguyễn Văn Huy không những không khen mà còn phát biểu là chen vai thích cánh hát quan họ. Thứ ba, ông Huy ví sự kiện lập kỷ lục như việc làm bánh chưng bánh giầy có độn xốp, như thế là nói quan họ chúng tôi giả dối. Thứ tư, với phát biểu của mình, PGS đã coi thường toàn bộ hệ thống quản lý của Nhà nước”.
Trong một bài phỏng vấn trên báo chí, PGS Nguyễn Văn Huy đã gọi lập kỷ lục quan họ là một chuyện khôi hài. Bên cạnh đó PGS Huy cũng chỉ ra những bất cập trong hội Lim, cũng như chỉ ra những lỗ hổng trong việc quản lý văn hóa hiện nay.
 Song song với việc gửi lên Bộ VH-TT&DL và Bộ Thông tin - truyền thông, lá đơn này cũng được chuyển đến các cơ quan thuộc Tỉnh ủy Bắc Ninh và Sở VH-TT&DL Bắc Ninh.
Theo thông tin từ Bộ VH-TT&DL chiều 10-4, Cục Di sản văn hóa đã tiếp nhận lá đơn này nhưng chưa đưa ra kết luận. Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL Tô Văn Động cho rằng: “Đây là chuyện riêng của hội và cá nhân PGS Nguyễn Văn Huy, bộ sẽ chuyển về cho phía Bắc Ninh giải quyết”.
 Thực tế đây không phải lần đầu tiên những người được gọi là “chủ thể văn hóa” của quan họ Bắc Ninh phát đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng về những phản biện của giới nghiên cứu. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN) từng bị kiện xúc phạm người quan họ, xúc phạm di sản thế giới khi trả lời phỏng vấn về thực trạng quan họ sau khi được Unesco vinh danh.
Phát biểu về vấn đề này, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh tỏ ra khá bức xúc: “Xưa nay các nhà khoa học nói thì cứ nói, còn người ta làm vẫn cứ làm. Tôi cho rằng đang có sự tụt hậu về nhận thức văn hóa. Dù các nhà nghiên cứu nói rất nhiều nhưng mọi việc vẫn chẳng có gì thay đổi cả. Không chỉ quan họ, ngay cả hát xoan, vừa được vinh danh đã đòi làm xoan mới, mắt xanh môi đỏ trên sân khấu. Chẳng lẽ chúng tôi lại đi kiến nghị Unesco tước bỏ danh hiệu khi trong nhà không thể đóng cửa bảo nhau?”.
Đây cũng là bức xúc của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong thời điểm hiện nay. Việc quan họ xuống cấp đang ở mức báo động nhưng mọi góp ý, phản biện của các nhà khoa học dường như là chuyện “nước đổ lá khoai”
.

* PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi sẽ tiếp tục lên tiếng Việc các nhà chuyên môn có ý kiến phản biện về các hoạt động mang tính xã hội là một sinh hoạt văn hóa bình thường và cần trở thành một việc đương nhiên trong một xã hội văn minh. Tôi sẽ không nói thêm gì về vụ việc này, vì là người trong cuộc, tiếp tục lên tiếng sẽ thành đôi co, mất hay và cũng không khách quan.
Các bạn hoàn toàn có thể tham khảo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn khác để đảm bảo tính khách quan của vấn đề. Tuy nhiên, có một điều tôi không bao giờ thay đổi: là một nhà chuyên môn, tôi sẽ tiếp tục lên tiếng từ trách nhiệm chuyên môn và trách nhiệm công dân của mình, trước tất cả hiện tượng văn hóa - xã hội tương tự.
 
* GS Ngô Đức Thịnh (ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, ủy viên Hội đồng di sản phi vật thể của UNESCO):

Không phải muốn yêu theo cách nào cũng được.

 Không chỉ mình PGS Nguyễn Văn Huy lên tiếng về vụ kỷ lục quan họ này mà có rất nhiều chuyên gia đã cùng lên tiếng: nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, TS Nguyễn Thị Minh Lý, tôi cũng lên tiếng khá gay gắt về chuyện này.
Tôi được biết Hội những người yêu quan họ đang có đơn kiện PGS Nguyễn Văn Huy, và tôi thấy rất... buồn cười. Đây là câu chuyện chuyên môn và cần được tranh luận để làm sáng rõ các vấn đề cần khúc mắc, chứ không phải đi kiện.
 Là các chuyên gia về di sản, chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng về những hiện tượng làm sai lệch di sản. Kỷ lục không phải là cách bảo tồn di sản theo tiêu chí của UNESCO.
Văn hóa quan họ là văn hóa gia đình, dòng họ, làng xã, là thủ thỉ tình cảm chứ không phải mang ra quảng truờng, bắc loa thùng mà hát oang oang như thế. Quan họ đã được tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, cái gì làm trái với tôn chỉ của UNESCO chúng tôi sẽ nhắc nhở, và khi nhắc nhở không nghe thì UNESCO sẽ rút lại danh hiệu.
 Đó mới là vấn đề mà họ nên lưu tâm. Không phải cứ có tình yêu và có tiền là muốn yêu theo cách nào cũng được.


THU HÀ - HÀ HƯƠNG

Photobucket

Hơn 3.000 người hát quan họ để lập kỷ lục - Ảnh: An Phú.

Bài đọc được trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay (11/4/2012) trên trang Văn Hoá, có một cái vẻ gì đó khá ngộ nghĩnh, xin miễn bình... lựng. Bài viết làm tôi nhớ đến năm 2009, tôi đã đến Ninh Thuận xem buổi lễ Ka Tê nơi cụm tháp Chăm của họ. Hôm trước ngày lễ chính tôi đã ghé chơi nhà ông Sử Văn Ngọc, một nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, ông cũng là người Chăm chính gốc ở trong làng gốm Bàu Trúc.
Buổi trưa hôm đó được ông mời ăn cơm và trong bữa cơm đã được nghe ông nói nhiều chuyện về nền văn hoá Chăm rất thú vị. Trước khi ra về tôi ngỏ ý muốn được sáng mai quay trở lại, để mời ông đi cùng dự lễ Ka Tê ở tháp Chăm, và tôi rất ngạc nhiên khi ông đã từ chối, ông giải thích ngay, đại ý: mấy năm nay ông không đến dự lễ ở tháp nữa, lý do là ngày trước buổi lễ chính ở tháp diễn ra rất long trọng, trang nghiêm, bây giờ không biết sao người ta đã mang loa, ampli... kèn trống đến phát thanh ồn ào như một cáí hội chợ, như vậy buổi lễ không còn linh thiêng nữa rồi...", và ông rất buồn vì chuyện đó.
Tôi không có ý muốn so sánh 2 chuyện kể trên, bởi tính chất của mỗi câu chuyện một khác, nhưng hình như có một cái chung, đó là chuyện thích phô trương, nổi đình nổi đám, quan trọng cái hình thức hơn là chất lượng, trong xã hội ngày nay, thậm chí vì điều này mà nhiều thứ trong xã hội đã bị làm cho sai lạc, đảo lộn... ở mọi nơi, mọi lãnh vực của cộng đồng.
--> Read more..

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Trời đất - Âm dương.

Bên nhà hai ông bạn Bulukhin và Toro có mấy bài viết nói về Trời đất, Âm dương... rất hay. Trong Entry "Bánh chưng hình sinh thực khí", anh bạn Toro nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, có nhắc đến sự tích bánh dày bánh chưng thời vua Hùng với truyền thuyết Lang Liêu. Bánh chưng được gói hình vuông tượng trưng cho Đất, bánh dày làm hình tròn tượng trưng cho Trời, Trời tròn Đất vuông, Âm Dương hài hoà. Toro có đưa ra một nhận xét của GS Trần Quốc Vượng về chuyện bánh dày (giầy) bánh chưng, tôi copy lại dưới đây:
"
Tôi xin đưa ra một minh giải văn chương: Bà con cô bác miền nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét này là tiếng đọc chạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một "ngộ nhận văn hóa". Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một "ngộ sự văn hóa". Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).

Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày, cái nõ. Bánh dầy tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường.

Đó là tín ngưỡng và triết lý nõ-nường-chày-cối-chưng-dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đấy bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu). Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên ủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực."
Các bạn có thể xem trọn bài của GS TQV tại địa chỉ:                      
http://www.danangpt.vnn.vn/vanhoa/detail.php?id=42&a=76


Theo như comment của ông bạn Bulukhin cho biết nội dung của đoạn văn trên GS TQV đã viết trong bài viết "Triết lý về bánh chưng bánh dày" và đăng trên báo Người Hà Nội từ năm 1985, đến năm 2000 GS TQV nhắc lại luận điểm đó ở sách "Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm" (nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, tạp chí VHNT). Đọc những điều ghi trên khá thú vị, nhân đây tôi cũng xin có một vài thiển ý:
Trước hết xin nói về chuyện bánh dày bánh chưng trong sách vở, 
truyền thuyết Lang Liêu thời vua Hùng về bánh dày bánh chưng đã được chép trong sách Lĩnh nam chích quái (Vũ Quỳnh - Kiều Phú) từ thế kỷ thứ XV, cuốn sách góp nhặt những truyện kỳ lạ ở cõi Lĩnh Nam (bao gồm một phần Hoa Nam và nước ta thời bấy giờ, ở đây Lĩnh Nam hiểu theo nghĩa hẹp chỉ gồm nước ta mà thôi - Ghi chú của sách LNCQ), sách chép nhiều truyện như sự tích Bánh dày bánh chưng, truyện Dưa hấu An Tiêm, truyện Chử Đồng Tử, truyện Nỏ thần Kim quy... và những chuyện này đã được nhiều sách vở chép lại...

Như chúng ta đã biết, chuyện Bánh dày bánh chưng là truyển thuyết dân gian, những chuyện được coi là truyền thuyết, sự tích, hoặc thuộc về tín ngưỡng, tôn giáo thường nhuốm màu thần bí, hoang đường, nhiều khi vô lý... ai cũng nhìn thấy, chẳng hạn chuyện Thánh Gióng, Con Rồng cháu Tiên, thần Kim quy giúp làm nỏ thần, hay như sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra 100 cái trứng nở ra 100 người con, hay như người Nhật truyền thuyết của họ là con cháu Thần mặt trời... Nhưng những gì đã được coi là truyền thuyết, sự tích, niềm tin tôn giáo... cho dù thần bí, hoang đường, hoặc vô lý vẫn được sách vở ghi chép, và được mọi người thừa nhận, coi như là sự hiển nhiên, không phải bàn cãi... Truyền thuyết Bánh dày bánh chưng là như thế...
Còn chuyện GS TQV viết bên trên, bánh dày bánh chưng tượng trưng cho sinh thực khí, như Linga và Yoni, qua hình ảnh bánh tét ở miền Nam, GS chứng minh hiện nay ở Hà Nội, vùng Cổ Loa, Đông Anh, người ta vẫn còn gói bánh chưng hình ống dài như kiểu bánh tét miền Nam, GS viết bánh chưng tròn dài tượng trưng cho Dương vật, như cái chày, cái nõ. Bánh dày tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường. Và GS muốn dùng hình ảnh này để bác truyền thuyết về bánh dày bánh chưng đã được hiểu như lâu nay.
Thiết nghĩ những điều GS TQV đưa ra là một "Thuyết", hay đúng hơn là một "Giả thuyết" về bánh dày bánh chưng, nếu chỉ qua bài viết với nhận xét vẫn còn có nơi gói bánh chưng dài và vẫn gọi là bánh chưng, mà suy ngay ra bánh chưng này tượng trưng Dương vật như cái chày, cái nõ thì có lẽ hơi vội vàng, tôi cũng chưa được đọc nhiều hơn những gì GS TQV viết bên trên về chuyện này, không biết GS có đưa ra thêm những chứng minh gì thêm không, chẳng hạn ở đâu đó vẫn còn có những tục lệ, hay lễ hội mang ý nghĩa phồn thực, trong nghi thức thay vì dùng chày, cối, nõ, nường, thay vào đó họ dùng bánh chưng gói theo hình ống dài... Đọc qua nhiều sách vở xưa nay, hình như tôi chưa bao giờ thấy nơi nào chép người dân đã dùng bánh chưng hình ống dài, và bánh dày tròn tượng trưng Dương vật - Âm vật trong nghi lễ phồn thực, như đã dùng chày cối, nõ nường...
Và sau nữa tôi có nhận xét nhỏ, như đã trình bày, truyền thuyết, sự tích, những gì thuộc niềm tin tôn giáo, là điều được con người thừa nhận, cho dù vô lý, hoang đường... không thể phân tích nói đúng sai. Trong một comment bác Bu đã viết cho tôi, Darwin, cha đẻ thuyết tiến hoá lại là người theo đạo Công giáo, điều này tôi nghĩ không hề ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo của ông, cho dù truyền thuyết về hình thành muôn loài của kinh thánh khác xa với thuyết tiến hoá ông đưa ra. Hay như có người hỏi nhà bác học Einstein, "Ông có tin Chúa không?" Einstein đáp "Có", "Thế Chúa ở đâu?" Einstein chỉ vào đầu mình.
GS TQV không thể dùng "Giả thuyết" về bánh dày bánh chưng của ông để bác bỏ "Truyền thuyết" bánh dày bánh chưng của sách vở, cũng như không thể dùng "Truyền thuyết" bánh dày bánh chưng  trong sách vở để bác bỏ "Giả thuyết" bánh dày bánh chưng của GS TQV, vì đó thuộc hai lãnh vực, hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu GS TQV, chứng minh được là giả thuyết bánh dày bánh chưng của ông là đúng và được mọi người công nhận, tôi nghĩ truyền thuyết bánh dày bánh chưng thời Lang Liêu vua Hùng, vẫn còn nguyên giá trị.

Hình ảnh trong trang này được copy trên Internet.

--> Read more..

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Khổng Tử dạy chúng.

Khổng Tử (孔子) người nước Lỗ, tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni (仲尼), còn gọi là Khổng Phu Tử (孔夫子), sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, mất nhằm tháng 4 năm 479 TCN, thọ 73 tuổi, vào thời Xuân Thu, tại Ấp Trâu, làng Xương Bình (nay là huyện Khúc Phụ, huyện Sơn Đông Trung Quốc). Cha của Khổng Khâu là Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn anh vua Trụ đời nhà Thương). Ông là một quan võ thuộc ấp Trâu, đến năm 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra Khổng Tử.
Năm 19 tuổi Khổng Tử lấy vợ, làm một chức quan nhỏ coi kho, quản lý kho tàng, nổi tiếng cân đong đo đếm chuẩn xác. Khổng Tử cũng từng làm một chức quan nhỏ quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật được cho ăn đầy đủ tăng trọng ngon lành, nhờ vậy mà được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình, thời nay nôm na gọi là Giám sát thi công, kiêm luôn cung cấp vật tư xây dựng.
Như chúng ta đã biết, thời nào cũng thế, xây dựng là khâu "có ăn" trong cuộc sống, kèm theo là những cuộc ăn nhậu giữa bên A và bên B, tăng hai tăng ba vui vẻ... Nhưng Khổng Tử là người tính tình ngay thẳng, trọng đạo đức nên làm được ít lâu, chịu không được ông bỏ quan về mở trường dạy học, năm đó ông mới 22 tuổi. Nhờ chút ít tiếng tăm mấy năm làm quan nên học trò theo học khá đông, gọi ông là Khổng Phu Tử hay gọn hơn là Khổng Tử. Chữ Tử
(
子) ngoài ý nghĩa là Con, còn có ý nghĩa là Thày, nên KhổngTử có nghĩa là thày Khổng.
Khổng Tử là người tư chất thông minh, học một hiểu mười, ông vừa dạy học vừa soạn ra nhiều bộ sách kinh điển nổi tiếng, còn truyền tụng cho đến ngày nay... Dưới thời của KhổngTừ đất nước Trung Hoa thời bấy giờ loạn lạc, chư hầu cát cứ muốn làm gì thì làm, sưu cao thuế nặng, dân tình khổ sở oán thán... Từ năm 34 tuổi, trong suốt gần 20 năm, Khổng Tử dẫn học trò bôn ba khắp các xứ mong tìm minh quân biết nhìn người để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân của ngài, mong giúp đời sống nhân dân bớt khổ, ấm no hạnh phúc. Nhưng đi đến đâu hết thảy những người cầm quyền thời đó cũng đều lắc đầu nguây nguẩy, bởi ngài là người ngay thẳng đạo đức quá, chẳng ai dám dùng ngài...
Lúc ấy nước Lỗ có một vị quan Thượng Thơ Bộ Xa, có nghĩa là Bộ  xe, nôm na là Bộ quản lý chuyện đường xá, xe cộ, từ nông thôn cho đến thành thị, từ đường xá kinh thành, đường làng vùng sâu vùng xa, cho đến đường núi vắt vẻo tuốt trên cao... từ cái xe ngựa, xe bò, xe trâu, cho đến cỡi lạc đà... chẳng chỗ nào chừa... Quan Thượng Thơ một hôm hứng chí ngồi kiệu vi hành thấy tình hình đường xá của nước Lỗ hỗn độn quá, đường xá mới làm xong chưa hết bảo hành đã hư hỏng, ổ trâu ổ voi kể cả cái mà nhân dân cùng mấy tờ nhựt trình lắm chuyện gọi là hố tử thần cùng khắp... Quan Thượng Thơ trở về Phủ, tức tốc truyền lệnh các nơi phải báo cáo khẩn cấp tình hình, vài ngày sau quan nhận được báo cáo các nơi gởi về... Có thế chứ! Quan vỗ đùi đánh đét sau khi đọc xong những báo cáo. Tất cả các báo cáo đều nêu rõ rằng, tình trạng đường xá lộn xộn hư hỏng là do chính cái vô ý thức của đám thảo dân, ai đời đường xá như vậy mà các loại xe bò, xe trâu, xe ngựa, lạc đà... của đám thảo dân chạy tới lui nhiều quá, móng vuốt chúng như thế mà đường xá không ổ trâu, ổ voi, hố tử thần mới là chuyện lạ... Và các nơi đều hiến kế, để hạn chế tình trạng ổ trâu ổ voi, đường xá trở nên phẳng phiu đẹp đẽ lịch sự... thì phải đánh thuế và thu phí thật nặng trên tất cả mọi xe cộ chạy trên đường, bất kể loại xe do con gì kéo... Chứ ngồi kiệu như quan thì đường xá lấy gì mà hỏng. Hạn chế xe cộ chạy trên đường thì đương nhiên đường xá sẽ quang đãng, bớt hư hỏng, mà ngân sách của nước Lỗ sẽ bội thu, thêm rủng rỉnh... Thật là thượng sách. Thế là chính sách tận thu phí được tức tốc thảo ra, mặc cho đám thảo dân ta thán, mấy tờ nhựt trình cùng đám sĩ phu có chút hiểu biết nói rằng, tận thu phí như vậy là bất hợp lý, thậm chí là bất hợp hiến... Không những thế quan Thượng Thơ còn đăng đường nói rõ, đóng phí là yêu nước, là hạnh phúc của thảo dân...
Khổng Tử đọc nhựt trình được câu này đứng trước đám học trò, ngửa mặt lên trời than, "Ta xưa nay mấy mươi năm chỉ chạy theo chữ nghĩa thánh hiền, soạn ra cả Ngũ kinh, cũng chỉ lo mưu cầu người dân biết yêu nước, hạnh phúc cho thiên hạ, cũng chưa xong, thế mà nay chỉ một việc thu phí, mà thiên hạ đã được tiếng yêu nước, và hạnh phúc, thì thiết nghĩ ta còn kém xa vậy. Thế mới hay việc dạy học của ta có khi chẳng giúp ích được gì cho đời bằng việc làm quan...". Nghe đâu từ đấy Khổng Tử bắt đầu lơi lỏng trong việc dạy dỗ học trò...
Sử sách chép rằng năm 51 tuổi Khổng Tử được vua nước Lỗ giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư Khấu coi việc hình pháp, kiêm quyền Tể tướng, nhưng không thấy sách chép khi trở lại làm quan ông có nghĩ ra được cách thu phí gì khiến dân chúng yêu nước và hạnh phúc hơn không...?
 
--> Read more..

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Phí.

Tam đoạn luận” của Bộ trưởng Đinh La Thăng

“Hiện nay đường bộ VN có khoảng 280.000km, nhưng mới thu được qua trạm thu khoảng 2.500km, bằng 0,7%. Do đó phần lớn đường Nhà nước bỏ ra đầu tư thì chưa thu phí”. Sở dĩ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói như thế là vì cái tam đoạn luận sau:

1- Hiện có 280.000km đường bộ, Nhà nước là chủ đầu tư tất cả.

2- Hiện mới chỉ thu phí được 2.500km, còn những 277.500km đường chưa thu phí gì cả.

3- Vậy, nay phải thu mà thôi...

Ông bộ trưởng quên hẳn định nghĩa phổ quát nhất của đường sá là:

1/ đường có thu phí (toll) tức đường (cầu, đường hầm) do tư nhân hay nhà nước xây mà người lái xe khi sử dụng phải đóng phí;

2/ đường không thu phí (non-toll road) được xây từ nguồn tài chính sử dụng những nguồn thu khác, mà tiêu biểu nhất là thuế nhiên liệu hoặc nguồn thuế nói chung - những sắc thuế này ở VN đã thu đầy đủ.

Định nghĩa trên không có gì mới hoặc xa lạ ở VN, nhất là vế thứ nhì, đường không thu phí. Từ hơn trăm năm qua tính từ thời Pháp thuộc, “cha đẻ” hệ thống đường sá này, cho đến ngày nay hệ thống đường bộ ở VN đã được hình thành, xây dựng, sử dụng, duy trì trên cơ sở đường của Nhà nước và miễn phí, do lẽ Nhà nước đã thu thuế rồi.

Một trăm mấy mươi năm qua, ở VN đường sá được định nghĩa và sử dụng như thế, thu chi ngân sách quốc gia cũng vận hành trên cơ sở này. Đó không phải là một “độc đáo VN” mà là phổ quát toàn cầu qua hai thực thể đường không thu phí (Nhà nước đã thu thuế rồi) và đường thu phí (cung cấp lợi ích và tiện nghi bổ sung cần phải trả tiền).

THIÊN DI

--> Read more..

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Ăn giỗ.

Photobucket
Gỏi củ hũ dừa tôm thịt.

Photobucket
Mực lăn bột chiên giòn.

Photobucket
Bò sốt tiêu.

Photobucket

Photobucket
Cá tai tượng chiên xù.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Lẩu riêu cua có kèm các loại hoa.

Photobucket
Hai anh cẩu "Chi Wà Wà" nhốt trong cũi.


Mấy ngày được nghỉ có một đám cưới và một đám giỗ phải đi dự. Đám cưới thì tuốt Biên Hoà phải dông đi giữa buổi sáng chủ nhật mưa bão, tôi có đưa hình hai cây kèn Soprano và Saxo giúp vui bên mục photos, may mà chiều trời bão mưa gió ào ào thì cũng kịp về tới nhà chứ không cũng mệt. Trưa nay có một cái giỗ ở ngay Saigon, không phải đi đâu xa.
Mấy hôm trước bên nhà bạn Marg. cũng đưa lên những tấm hình bạn về quê ăn giỗ, có chụp hình vườn tược, hoa trái, đờn ca tài tử giúp vui, món ăn, và cả hình một chú cẩu ngồi chóc ngóc trong chuồng. Có chị Phungchau bên Pháp hỏi về mấy món ăn. Ở ngoại quốc tôi thấy thỉnh thoảng người Việt mình họp mặt cũng hay bày làm những món ăn, để vui và có lẽ cũng để nhớ quê nhà. Tôi có nói vài hôm nữa đi ăn giỗ sẽ chụp hình món ăn đưa lên cho chị Phụng và các bạn xem chơi.
Bây giờ thường ở thành phố ít ai tự nấu cỗ bàn nữa, có những nơi nhận nấu cho mình, và phục vụ tận nhà, một hai bàn cũng nhận. Một vài nơi như thế nấu ăn cũng rất ngon, giá cả phải chăng, và món ăn nhiều khi không khác gì đi dự đám cưới ở nhà hàng.
Bắt chước bạn Marguerite đưa hình lên, nhất là hình chú cẩu nhốt trong chuồng .
--> Read more..