PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Khổng Tử dạy chúng.

Khổng Tử (孔子) người nước Lỗ, tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni (仲尼), còn gọi là Khổng Phu Tử (孔夫子), sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, mất nhằm tháng 4 năm 479 TCN, thọ 73 tuổi, vào thời Xuân Thu, tại Ấp Trâu, làng Xương Bình (nay là huyện Khúc Phụ, huyện Sơn Đông Trung Quốc). Cha của Khổng Khâu là Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn anh vua Trụ đời nhà Thương). Ông là một quan võ thuộc ấp Trâu, đến năm 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra Khổng Tử.
Năm 19 tuổi Khổng Tử lấy vợ, làm một chức quan nhỏ coi kho, quản lý kho tàng, nổi tiếng cân đong đo đếm chuẩn xác. Khổng Tử cũng từng làm một chức quan nhỏ quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật được cho ăn đầy đủ tăng trọng ngon lành, nhờ vậy mà được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình, thời nay nôm na gọi là Giám sát thi công, kiêm luôn cung cấp vật tư xây dựng.
Như chúng ta đã biết, thời nào cũng thế, xây dựng là khâu "có ăn" trong cuộc sống, kèm theo là những cuộc ăn nhậu giữa bên A và bên B, tăng hai tăng ba vui vẻ... Nhưng Khổng Tử là người tính tình ngay thẳng, trọng đạo đức nên làm được ít lâu, chịu không được ông bỏ quan về mở trường dạy học, năm đó ông mới 22 tuổi. Nhờ chút ít tiếng tăm mấy năm làm quan nên học trò theo học khá đông, gọi ông là Khổng Phu Tử hay gọn hơn là Khổng Tử. Chữ Tử
(
子) ngoài ý nghĩa là Con, còn có ý nghĩa là Thày, nên KhổngTử có nghĩa là thày Khổng.
Khổng Tử là người tư chất thông minh, học một hiểu mười, ông vừa dạy học vừa soạn ra nhiều bộ sách kinh điển nổi tiếng, còn truyền tụng cho đến ngày nay... Dưới thời của KhổngTừ đất nước Trung Hoa thời bấy giờ loạn lạc, chư hầu cát cứ muốn làm gì thì làm, sưu cao thuế nặng, dân tình khổ sở oán thán... Từ năm 34 tuổi, trong suốt gần 20 năm, Khổng Tử dẫn học trò bôn ba khắp các xứ mong tìm minh quân biết nhìn người để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân của ngài, mong giúp đời sống nhân dân bớt khổ, ấm no hạnh phúc. Nhưng đi đến đâu hết thảy những người cầm quyền thời đó cũng đều lắc đầu nguây nguẩy, bởi ngài là người ngay thẳng đạo đức quá, chẳng ai dám dùng ngài...
Lúc ấy nước Lỗ có một vị quan Thượng Thơ Bộ Xa, có nghĩa là Bộ  xe, nôm na là Bộ quản lý chuyện đường xá, xe cộ, từ nông thôn cho đến thành thị, từ đường xá kinh thành, đường làng vùng sâu vùng xa, cho đến đường núi vắt vẻo tuốt trên cao... từ cái xe ngựa, xe bò, xe trâu, cho đến cỡi lạc đà... chẳng chỗ nào chừa... Quan Thượng Thơ một hôm hứng chí ngồi kiệu vi hành thấy tình hình đường xá của nước Lỗ hỗn độn quá, đường xá mới làm xong chưa hết bảo hành đã hư hỏng, ổ trâu ổ voi kể cả cái mà nhân dân cùng mấy tờ nhựt trình lắm chuyện gọi là hố tử thần cùng khắp... Quan Thượng Thơ trở về Phủ, tức tốc truyền lệnh các nơi phải báo cáo khẩn cấp tình hình, vài ngày sau quan nhận được báo cáo các nơi gởi về... Có thế chứ! Quan vỗ đùi đánh đét sau khi đọc xong những báo cáo. Tất cả các báo cáo đều nêu rõ rằng, tình trạng đường xá lộn xộn hư hỏng là do chính cái vô ý thức của đám thảo dân, ai đời đường xá như vậy mà các loại xe bò, xe trâu, xe ngựa, lạc đà... của đám thảo dân chạy tới lui nhiều quá, móng vuốt chúng như thế mà đường xá không ổ trâu, ổ voi, hố tử thần mới là chuyện lạ... Và các nơi đều hiến kế, để hạn chế tình trạng ổ trâu ổ voi, đường xá trở nên phẳng phiu đẹp đẽ lịch sự... thì phải đánh thuế và thu phí thật nặng trên tất cả mọi xe cộ chạy trên đường, bất kể loại xe do con gì kéo... Chứ ngồi kiệu như quan thì đường xá lấy gì mà hỏng. Hạn chế xe cộ chạy trên đường thì đương nhiên đường xá sẽ quang đãng, bớt hư hỏng, mà ngân sách của nước Lỗ sẽ bội thu, thêm rủng rỉnh... Thật là thượng sách. Thế là chính sách tận thu phí được tức tốc thảo ra, mặc cho đám thảo dân ta thán, mấy tờ nhựt trình cùng đám sĩ phu có chút hiểu biết nói rằng, tận thu phí như vậy là bất hợp lý, thậm chí là bất hợp hiến... Không những thế quan Thượng Thơ còn đăng đường nói rõ, đóng phí là yêu nước, là hạnh phúc của thảo dân...
Khổng Tử đọc nhựt trình được câu này đứng trước đám học trò, ngửa mặt lên trời than, "Ta xưa nay mấy mươi năm chỉ chạy theo chữ nghĩa thánh hiền, soạn ra cả Ngũ kinh, cũng chỉ lo mưu cầu người dân biết yêu nước, hạnh phúc cho thiên hạ, cũng chưa xong, thế mà nay chỉ một việc thu phí, mà thiên hạ đã được tiếng yêu nước, và hạnh phúc, thì thiết nghĩ ta còn kém xa vậy. Thế mới hay việc dạy học của ta có khi chẳng giúp ích được gì cho đời bằng việc làm quan...". Nghe đâu từ đấy Khổng Tử bắt đầu lơi lỏng trong việc dạy dỗ học trò...
Sử sách chép rằng năm 51 tuổi Khổng Tử được vua nước Lỗ giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư Khấu coi việc hình pháp, kiêm quyền Tể tướng, nhưng không thấy sách chép khi trở lại làm quan ông có nghĩ ra được cách thu phí gì khiến dân chúng yêu nước và hạnh phúc hơn không...?
 

15 nhận xét:

  1. " Như chúng ta đã biết, thời nào cũng thế, xây dựng là khâu "có ăn" trong cuộc sống, kèm theo là những cuộc ăn nhậu giữa bên A và bên B, tăng hai tăng ba vui vẻ... "
    Thời Khổng Tử cũng đã có bên A , bên B ăn nhậu ha bác ? Rồi thời nay hễ làm xây dựng là " có ăn" ha bác ? Ai cũng vậy ha bác H ?

    Trả lờiXóa
  2. "bởi ngài là người ngay thẳng đạo đức quá, chẳng ai dám dùng ngài..."
    Vậy những người được dùng là những người thiếu ngay thẳng , vô đạo đức ha bác ? Thiện tai , thiện tai !

    Trả lờiXóa
  3. @bangtamngt, Thiện tai, thiện tai (((-:

    Trả lờiXóa
  4. Haha , thì cái ông " quan Thượng thơ bộ xa" nào đó đã đem đổ chữ nghĩa Thánh hiền Khổng Phu xuống mấy cái ổ voi , ổ gà từ lâu rồi mà ... Chả trách ...

    Trả lờiXóa
  5. Haha.. anh Hiệp đem chuyện người đời xưa ra nói trong lúc này thật là hay!!
    Thấy anh mô tả đường ổ voi ổ chuột.. chắc cũng tệ chẳng thua gi đường bây giờ nhỉ? Chứ đường lớn nhà mình bây giờ đang cỡi xe đi bon bon.. tưởng bằng phẳng lắm, nhưng nhiều khi tự nhiên nhún xuống rồi tung lên .. chịu hổng nổi luôn.!

    Trả lờiXóa
  6. @bangtamngt, thì hẳn cái ông quan Thượng thơ mang chữ nghĩa Thánh hiền lấp mấy cái ổ gà ổ trâu rồi, hìhì!

    Trả lờiXóa
  7. @huynhtran, chị M. phải xem lại cái nhún ở xe, có lẽ cái nhún xe có vấn đề :-))

    Trả lờiXóa
  8. Có lẽ thế, xe mới tinh cũng phải xem lại chứ đừng đổ thừa cho con đường huhu..

    Trả lờiXóa
  9. @huynhtran, chị M. thấy không, xe Lexus hay SH mới tinh cũng cháy ào ào, vậy mà mấy xe ô tô "xập ký nình", và mấy cái xe Honda 67 làm xe lôi dưới miền Tây xăng nhớt chảy tèm lem có cháy đâu, chắc ăn phải coi lại xe, hoặc chính... người lái xe, haha!

    Trả lờiXóa
  10. Ông ấy day vua nhưng chỉ được làm chức quan nhỏ, cũng may mà chưa bị chu di tam tộc như Nguyễn Trãi bên xứ ta.... huhuhu.

    Trả lờiXóa
  11. @bulukhin, bác Bu thấy đấy, Nguyễn Trãi là người ngay thẳng, bề tôi trung, dâng cả thê thiếp của mình hầu vua, thế mà còn bị tru di tam tộc. Tả quân Lê văn Duyệt cũng thế, chỉ vì chém đầu cha của bà ái phi lộng hành mà sau đó chết rồi còn bị giày xéo mồ mả không yên... bác huhuhu là phải :-(((

    Trả lờiXóa
  12. Em lại nghe thuyết khác, Khổng Tử nghe dân ta thán, đọc sách, coi mạng rồi thở dài: Đạo ta cùng rồi. Hậu sinh khả ố... Nói rồi ngài thở dài, quy mặt vô vách, không thèm nói chuyện thế sự nữa.

    Trả lờiXóa
  13. @torovn, hìhì, chuyện này cũng đúng đó :-)

    Trả lờiXóa
  14. Người ta còn quy cho ông Duyệt cái tội để thằng con nuôi khởi binh chống lại triều đình Minh Mạng nữa... Đến đời sau thì cái xích sắt trên mộ ông mới được dở bỏ.

    Trả lờiXóa
  15. @bulukhin, nhưng cũng còn may, Nguyễn Trãi và Lê văn Duyệt sau được minh oan, tức là vẫn còn người hiểu biết.

    Trả lờiXóa