PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Đọc sách.

Tôi có thói quen đọc sách đã lâu lắm, từ hồi còn nhỏ. Ngày xưa thì trẻ con không được nuông chiều như bây giờ, thường nhà nào cũng bét là năm bảy đứa nhóc tì, lắm khi cả chục đứa, cha mẹ cứ sòn sòn năm một, đứa lớn ráng mà tha đứa nhỏ, như con mèo tha con chuột, lê la đất cát, không có nhiều thứ để chơi đùa, cho nên khi biết đọc biết viết thì có thêm được cái thú nữa là đọc sách.
Thật sự là ở vào cái thời xưa ấy, còn nhỏ làm gì mà có tiền mua sách đọc, cho nên người lớn trong nhà có sách gì đọc sách nấy, cũng may cách nay dăm chục năm ở Saigon sách vở cũng rất nghiêm túc, thường thì được đọc ké những quyển sách dịch có giá trị như Tâm hồn cao thượng, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Những người khốn khổ... Còn sách trong nước thì thời đó là sách của nhóm Tự lực văn đoàn, hay chuyện Dế mèn phiêu lưu ký... của nhà văn Tô Hoài mà tôi đã từng mê mẩn.
Lớn hơn chút nữa khi học cấp hai, cấp ba, tôi đã biết chọn cho mình những quyển sách theo ý thích, sách dịch của nước ngoài đủ tác giả của các nước, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Hy Lạp, Nhật Bản, Trung Hoa, châu Mỹ La Tinh... và nhiều tác giả viết rất hay ở miền Nam bấy giờ... Đúng ra còn đi học, cho dù là bậc trung học cũng chẳng mấy đứa có tiền để mua sách, cũng may đã có những tiệm cho mướn sách, những tiệm cho mướn sách bề thế thì có đủ loại sách cho mướn, từ loại tiểu thuyết não tình giới bình dân hay đọc, cho đến những quyển sách của những tác giả đoạt giải Nobel văn chương, và những quyển sách nghiên cứu về Nho giáo, Phật giáo... Thường thì giới học sinh, sinh viên, hoặc công chức ít tiền ham đọc sách hay lui tới mấy chỗ cho mướn sách vì giá cả mướn ngày, hay tuần là khá rẻ so với túi tiền eo hẹp của họ. Tôi suýt quên chuyện này, còn một loại sách cho mướn rất chạy ở vào khoảng nửa cuối thập niên 60, sang đến nửa đầu của thập niên 70 thế kỷ trước, đó là truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, mà người Saigon quen gọi là truyện chưởng, những "Cô gái đồ long", "Ỷ thiên kiếm", "Thiên long bát bộ"... cho đến "Anh hùng xạ điêu", "Thần điêu đại hiệp", "Lộc đỉnh ký"... sau thời gian đọc từng kỳ trên nhật báo, gọi theo tiếng Tây là "phơi ơ tông" (feuilleton), được in thành sách, các tiệm cho mướn sách mua về đóng thành từng quyển và cho thuê lại. Có điều lạ dân mê truyện kiếm hiệp ở Saigon rất nhiều, nhưng ít ai mua sách kiếm hiệp về cất trong tủ sách, mà thường chỉ đi mướn xem, có lẽ đa số coi loại này chỉ là sách thuần tuý giải trí.
Khi bước xuống cuộc đời thì tôi mới có tiền bắt đầu mua sách, và những năm tháng ở những nơi xa tôi đã mua và đọc rất nhiều sách, đủ mọi loại, văn học, triết học, tôn giáo... Thường tôi đọc trong những quán cafe khi về thành phố, những nơi ở cao nguyên hay duyên hải Trung phần lúc bấy giờ có rất nhiều quán cafe, chủ yếu phục vụ cho lính tráng xa nhà, cafe là cafe ngon thứ thiệt, ít có pha phách tầm bậy như bây giờ, nhạc hay (nhạc VN và nhạc ngoại quốc), và chỉ cần vào quán kêu một phin cafe đen là ta có thể ngồi một nửa ngày đọc sách thoải mái, trà nóng ngon có thể uống hết ấm này đến ấm khác mà không hề tính thêm tiền, và cũng không bao giờ chủ quán tỏ ý không bằng lòng.Tôi cũng thường mang theo sách trong ba lô, và đọc ở mọi nơi, trong làng Thượng, trong rừng, dưới hầm trú ẩn nơi một đồn biên giới ở Pleiku, Kontum, hay một vùng biển cát nắng cháy ở Phú Yên, Bình Định...
Và cái tai hoạ nhất của sau tháng 4 năm 1975 khi tôi về Saigon, là toàn bộ khá nhiều sách mà tôi đã có để ở nhà, đã bị chính quyền phường khóm lúc thời  ấy tịch thu sạch, một phong trào "xoá văn hoá phẩm đồi truỵ" bấy giờ, tất cả, tiểu thuyết, sách triết học, kể cả sách viết về Nho giáo và Thiền... đều bị lấy mất.Tiếc và tức, nhưng nghĩ lại cũng còn may cho xã hội, bởi những quyển sách ấy không bị tiêu huỷ, mà lại được tuồn ra thị trường với giá giấy vụn, không ít người lê la nơi những chỗ chuyên bán sách cũ, đã lại tìm thấy quyển sách có chữ ký của mình đã bị tịch thu...
Bây giờ tôi vẫn còn mua và đọc sách, sách bây giờ nhiều vô kể, đủ loại thượng vàng hạ cám (mà cám thì vô số), tôi có cái thú lê la nơi những quày bán sách cũ, ở đấy có khi ta mua được một cuốn sách ưng ý giá lại rẻ bất ngờ. Và cùng với sự phát triển của Internet, sách luôn đem đến cho con người những điều, những thông tin bổ ích. Điều quan trọng, là trong muôn ngàn quyển sách, những gì có trên mạng, giữa cái mớ bòong boong hỗn độn ấy, chúng ta rút ra được điều gì, cho riêng mình?

20 nhận xét:

  1. em cũng ghiền đọc, nhưng truyện chưởng thì không hiểu sao em không thấy hay tí teo nào :)

    Trả lờiXóa
  2. @noname, hìhì, truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung thật ra không hẳn là "truyện chưởng" kiểu "chính" luôn là "chính" và luôn luôn phải thắng "tà", cũng như phim "cao bồi Mỹ" ngày xưa luôn luôn phải thắng "mọi da đỏ". Truyện của Kim Dung ẩn chứa một triết lý rất hay, nhiều người mê, đã có những cuốn sách viết nghiêm túc về truyện kiếm hiệp của Kim Dung :-)

    Trả lờiXóa
  3. hoi xua thu vien cua truong Trung hoc cung day sach hay va gia tri, ke ca sach ngoai ngu. Co the muon o thu vien moi quyen sach doc trong hai tuan roi mang den doi cuon khac.

    Trả lờiXóa
  4. @bangtamngt, đúng rồi, hồi xưa còn có hệ thống thư viện nữa, bất cứ một công dân nào cũng có thể mượn sách ở một thư viện công cộng.

    Trả lờiXóa
  5. Em may man thời thơ ấu có cả giá sách truyện của bố em....tha hồ gặm.Được lang thang hàng sách cũ là sướng nhất anh nhỉ.Đôi khi có cảm giác giá sách nhà ta cao quá, người muốn đọc lại chả có tiền mua ...

    Trả lờiXóa
  6. Ngày xưa em cũng mê đọc sách lắm, giờ tâm hồn cằn cỗi chẳng đọc thẩm thấu được quyển sách nào tâm đắc cả, gay quá bác Hiệp à

    Trả lờiXóa
  7. Ngày xưa nhà em có tủ sách như anh, quyển nào tụi em cũng đóng dấu " tủ sách gđ AS"... sau giải phóng về ông bà già sợ quá đem hủy. Đúng vậy hồi đó toàn thuê truyện chưởng ít có ai mua.

    Trả lờiXóa
  8. Các cụ nhà em vô trỏng sau 1975 mang về nhiều sách, Kinh Thi, Kim Binh Mai, Thơ Nguyên Sa, sách in đẹp, có nhiều bản giấy tốt có chữ ký tác giả, bìa bọc nilon... trong khi đó sách ngoài Bắc in giấy đen, lem nhem lắm...
    Cả tủ sách nhà em xưa bây giờ phải bỏ hết vì giấy mủn, bẩn lắm anh ạ. Mà đa số những cuốn sách đó giờ đã in lại, sạch đẹp hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  9. - Không gì vui bằng mua được quyển sách ưng ý, không gì thú bằng đọc được quyển sách hay.
    - Cũng do "cám" nhiều hơn "vàng" nên vào nhà sách bây giờ phải mất rất nhiều công lựa chọn.

    Trả lờiXóa
  10. @noname, ở nhà có được tủ sách gia đình là hay lắm, lan man tiệm sách cũ cũng hay, có thể kiếm được những quyển sách bây giờ không còn nữa. Giá sách bây giờ là cao so với thu nhập của những người thích đọc sách, còn những ai có tiền rất nhiều lại thường không đọc gì cả. Nhưng điều rất quan trọng là sách hay, đáng để ta mua lại ít :-))

    Trả lờiXóa
  11. @nguyenthuthuy, hehe, bây giờ thì TT mắc lo chuyện khác rồi, đọc sách tâm phải "tĩnh" đôi chút mới thẩm thấu được như TT nói, không sao đâu, rồi cũng có lúc TT quay trở về với sách. Đó là người bạn thực sự tốt :-))

    Trả lờiXóa
  12. @haquang, chào bạn ghé thăm, cái thời "Cách mạng văn hoá tự phát" ấy nhiều người phải tự huỷ bỏ những quyển sách của mình vì không muốn giao nộp. Truyện chưởng dân đọc sách Saigon xưa quan niệm là loại đọc để giải trí nên ít ai muốn mua, vả lại một bộ truyện chưởng rất nhiều cuốn thành ra mắc tiền, không dễ gì mua được, dân đọc sách đành phải để dành mua những sách cần thiết hơn :-))

    Trả lờiXóa
  13. @torovn, trước năm 75 ở Saigon đã in những quyển sách có giá trị trên giấy trắng tốt, sau năm 75 tôi còn giữ lại được khá nhiều sách hay in lúc bấy giờ trên giấy có cả rác, nhưng lúc đó mua khá rẻ, bây giờ cần lắm mới dám mang ra đọc hay tra cứu, giấy đen, để lâu năm, chữ có khi in rất nhỏ nên cất giữ đấy như là một kỷ niệm :-))
    Bây giờ sách in đẹp hơn nhưng giá lại mắc quá, mấy trăm ngàn một quyển, mà sách đáng để đọc lại quá ít. Đọc báo mấy hôm nay thấy sách bây giờ in cẩu thả quá, đủ mọi thứ lỗi trong đó.

    Trả lờiXóa
  14. @bulukhin, hìhì, chuyện sách vở thì bác bu là siêu hạng rồi. Đúng bây giờ kiếm được một quyển sách ưng ý trong nhà sách có khi mất rất nhiều thời gian. :-))

    Trả lờiXóa
  15. Nói chuyện sách bu tui nhớ hồi còn tuổi học trò vào thư viện thấy cái khẩu hiệu to tướng : "Không có sách không có trí thức, không có trí thức không có chủ nhĩa cộng sản" liền hỏi ông quản thủ thư viện :"Bác ơi, dân mấy nước tư bản đọc sách nhiều hơn mình mà mấy thế kỉ nay họ cứ tư bản đấy thôi, có thành ra cái gì đâu" Ông quản thủ trợn mắt hỏi lại :"Em học trường mô? Ai mần hiệu rưởng"...sợ quá chạy mất dép hihihi

    Trả lờiXóa
  16. @bulukhin, chắc cũng giống như hồi còn đi học, giờ học giáo lý tôi thắc mắc về kinh thánh ấy, hỏi những câu như thế là phạm thượng, hìhì!

    Trả lờiXóa
  17. Trước em cũng mê đọc sách, báo, truyện... Bây giờ chỉ đọc trên mạng là chính mà cũng đọc những baì ngắn thôi, dài 1 chút là ngại lắm. Đọc phải báo lá cải nữa nên lắm lúc "rối" lắm. Hồi xưa trẻ con mê đọc sách báo, trẻ con bây giờ mê chơi game và đọc nhiều thứ nhảm nhí. Hồi xưa em hay mua lại sách báo cũ của mấy bà đồng nát vừa rẻ, vừa có nhiều cuốn hay bất ngờ...

    Trả lờiXóa
  18. @muathuvang, cung nen thinh thoang doc sach cho cai dau con lam viec, bay gio tren mang nhieu cai de doc nhung "rac" cung nhieu lam, sach thi minh lua chon duoc. Muathuvang khoe ha?

    Trả lờiXóa
  19. Sach càng doc nhieu càng tot thoi ...
    nhung toi luc nào do khong doc nhieu duoc nua ....do là hien tuong lon tuoi roi do ....
    luat tao hoa do mà ...!

    Trả lờiXóa
  20. @phungchau, lớn tuổi mắt mũi nó mờ nên ít đọc, tôi cũng thế đấy, không đọc lâu được nữa :-)

    Trả lờiXóa