PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Khế ấn.

                             Định Ấn (DHYANA MUDRA / SAMADHI MUDRA)

Ở entry trước, trong comment của ông bạn Bulukhin có nhắc đến từ "Khế ấn", một từ ngữ Phật giáo có lẽ hơi khó hiểu ngay cả với nhiều Phật tử. Để tiện cho chính bản thân và các bạn nào muốn tìm hiểu đôi chút về Phật giáo, tôi thử sắp xếp viết ra đây về từ "Khế ấn" theo như cách hiểu biết lâu nay của mình.

Trước hết là về từ "Khế", thỉnh thoảng chúng ta có thể bắt gặp nơi sách vở viết về Phật giáo những từ ngữ như "Khế lý, Khế cơ". "Khế" có nghĩa là phù hợp, "Khế lý" là phù hợp với nguyên lý, chân lý. Khế cơ là phù hợp với khả năng, trình độ, hoàn cảnh (cơ) của mỗi người. Từ "Ấn", hay "Thủ ấn", là những tư thế của hai bàn tay và những ngón tay được nhìn thấy trong điêu khắc và hội họa Phật giáo ở khắp nơi trên thế giới, như Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Đại Hàn, Lào, Thái Lan, Cambodia, Myanmar, hay Việt Nam... Thủ ấn, là những cử chỉ hay những tư thế tượng trưng cho những huyền lực hoặc những biểu thị có tính cách linh thiêng, được thực hành bởi những bậc Đạo sư trong những lúc trì giới hay nghi lễ. Những Thủ ấn được tin là có khả năng tạo ra huyền lực và kêu cầu thần linh. Như vậy, "Khế ấn" là một Thủ ấn phù hợp với hoàn cảnh mà một Đạo sư đang sư đang thực hiện trong trì giới hay nghi lễ. Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Đại thừa, có rất nhiều Thủ ấn được ghi nhận, chẳng hạn 31 thủ ấn của các Đại Phật, 57 thủ ấn của các Thượng đẳng thần, 45 thủ ấn dành cho các vị thần khác. Ở đây tôi chỉ đưa ra một số Thủ ấn chúng ta thường hay nhìn thấy nơi những tranh, tượng Phật giáo của những Đại Phật tại các chùa chiền, hay sách vở...

Một trong những Thủ ấn chúng ta hay bắt gặp nhất đó là Định ấn (Thiền định ấn) - DHYANA MUDRA / SAMADHI MUDRA (Tiếng Nhật Jo - in, Jokai Jo - in, tiếng Hoa Ding Yin) ở nơi tấm hình phía trên. Đây là Thủ ấn khi Thiền định, tập trung tư tưởng về Thiện Pháp, đạt đến Giác ngộ tâm linh. Hai bàn tay của Đạo sư thường đặt trong lòng xếp chồng lên nhau, lòng bàn tay hướng lên trên. Thủ ấn này chúng ta thường hay bắt gặp nơi tranh, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà...

                                                 Xúc Địa Ấn (BHUMISPARSA)

Thủ ấn chúng ta cũng hay nhìn thấy như trên bức hình thứ 2 tôi chụp bức tượng Phật vàng bằng vàng thật nặng 5,5 tấn tại chùa Vàng (Bangkok - Thái Lan). Thủ ấn nơi bàn tay phải được gọi là Xúc địa ấn - BHUMISPARSA ( tiếng Nhật Goma - in Anzan - in, Anchi - in, Sokuchi - in, tiếng Hoa Chudi Yin), nghĩa đen của Thủ ấn này là "chạm vào đất", diễn tả lại thời điểm Đức Phật Thiền định dưới gốc cây Bồ đề trước khi đạt được Giác ngộ, Phật đã lấy đất làm chứng, đây là biểu tượng của lòng kiên tín, quyết tâm, không gì lay chuyển nổi. Thủ ấn này là điển hình cho Đức Phật Cồ Đàm, nhưng cũng tượng trung cho Đức Phật A Di Đà, cũng có những kinh văn nói về truyền thuyết Phật đã dùng Xúc địa ấn, để yêu cầu Thần đất gởi đạo binh chống lại Ma vương, khi Ma vương đến quấy rối ngăn cản việc Giác ngộ của Đức Phật.


                                Vô Úy Ấn (ABHAYA) - Giáo Hóa Ấn (VITARKA)

Một Thủ ấn khác kết hợp giữa hai tay của Đức Phật ở nơi tấm hình thứ 3 bên trên với bàn tay phải được đưa lên ngang vai, lòng bàn tay hướng ra phía trước, Thủ ấn này được gọi là Vô úy ấn - ABHAYA (tiếng Nhật Semui - in, tiếng Hoa Shiwuwei Yin), tượng trưng cho sự che chở, độ lượng và khoan hòa, xua tan sợ hãi, có vẻ như là một tư thế tự nhiên, có lẽ từ thời xa xưa đã được dùng như một dấu hiệu thiện chí, với bàn tay phải đưa lên, không vũ trang, kêu gọi hòa bình và tình hữu nghị. Bàn tay trái của Đức Phật được đặt trên đùi với lòng bàn tay ngửa lên trời, những ngón tay duỗi thẳng hoặc có khi đầu ngón cái chạm vào đầu ngón trỏ (nơi bàn tay phải đưa lên cũng thế), được gọi là Giáo hóa ấn - VITAKA (tiếng Nhật Seppo - in, An - i- in, tiếng Hoa Anwei Yin). Thủ ấn này biểu thị cho các Đại Phật trong những giai đoạn giảng pháp, luận pháp, thuyết phục người nghe.


                                     Chuyển Pháp Luân Ấn (DHARMACAKRA)

Thủ ấn nơi tấm hình thứ 5 bên trên được gọi là Chuyển pháp luân ấn - DHARMACAKRA (tiếng Nhật Tenborin - in, Chikichi - jo, Hoshin - seppo - in, tiếng Hoa Juanfalun Yin). Thủ ấn thường được biểu thị với bàn tay đưa lên để trước ngực (một bàn tay hoặc cả hai bàn tay), lòng bàn tay hướng ra phía trước, đầu ngón cái chạm vào đầu ngón tay áp út, đây là tư thế "Chuyển pháp luân". Thủ ấn này được thực hiện bởi Đức Phật Thích Ca trong một thời điểm rất quan trọng sau khi Giác ngộ, giảng pháp lần đầu tiên cho 5 người bạn đồng tu trước đây (nhóm Kiều Trần Như), nơi vườn Lộc Uyển ở Sarnath. Vì vậy thủ ấn Chuyển pháp luân thường được dành riêng cho Phật Thích Ca.

                                                 Chỉ Quán Ấn (CHIKEN - IN)

Một Thủ ấn điển hình nơi tượng Phật tại Nhật Bản và Triều Tiên như trên bức hình thứ 6, nhưng không thường thấy tại Trung Hoa hay Việt Nam, đó là Chỉ quán ấn - CHIKEN - IN (tiếng Nhật Kakusho - in, Daichi - in, tiếng Hoa Zhiquan Yin). Thủ ấn được tạo ra bằng bàn tay phải đưa lên ngang ngực nắm lấy ngón tay trỏ dựng thẳng của bàn tay trái như trong hình, thủ ấn này nhấn mạnh tầm quan trọng  của Trí tuệ trong thế giới tâm linh, năm ngón tay phải biểu thị Ngũ hành, bảo vệ hành thứ sáu là người (ngón trỏ tay trái). Một cách giải thích khác là ngón trỏ dựng đứng biểu thị cho Trí tuệ, bị che lấp bởi hình danh sắc tướng (nắm tay phải).

Ở Tây Tạng, Chỉ quán ấn biểu thị cho sự hòa hợp hoàn hảo, là hình thức tương đương hình ảnh tính dục Linga và Yoni trong Bà La Môn...

Theo Tranh Tượng & Thần Phổ Phật giáo, Louis Frédéric, Phan Quang Định dịch, NXB Mỹ Thuật xuất bản năm 2005.
                                      


--> Read more..

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Tư thế, Thủ ấn (MUDRAS) nơi tượng Phật giáo.


Lâu nay đến chùa tôi thường chú ý đến những tượng Phật, và trong lần đi Thái Lan vào tháng 5 vừa qua, nơi Phật giáo là quốc giáo của họ, được đến thăm 2 ngôi chùa nổi tiếng của người Thái ở Bangkok, là chùa Phật ngọc thuộc Hoàng cung Thái Lan, và Chùa Vàng, nơi có pho tượng Phật bằng vàng nặng 5,5 tấn, tôi cũng có chụp vài tấm hình. Từ trước đến nay tuy chú ý đến những tượng Phật nhưng tôi ít để ý đến tư thế của tượng, và cũng chỉ biết phân biệt đại khái như mọi người, là tượng Phật nói chung, tượng Di Lặc, hay tượng Quán Thế Âm.

Thời gian vừa qua, nhân có dịp trao đổi với bạn bè về Phật giáo, tôi cũng thử tìm kiếm qua sách vở, những thông tin trên mạng, và rồi tôi vỡ ra được vài điều...


Chú ý đôi chút các bạn sẽ thấy nơi 2 tấm hình tôi đưa lên bên trên tuy cùng là tượng Phật ngồi xếp bằng, nhưng bàn tay của Phật để khác nhau. Trước hết tôi xin nói về thế ngồi, ở 2 tấm hình bên trên đức Phật đều ngồi trong tư thế Thiền định, trong tiếng Phạn và tiếng Pali đều gọi là Bhàvanà. Hai Bàn tay của đức Phật ở tấm hình thứ nhất đặt ngửa lên nhau để trong lòng, tư thế của 2 bàn tay như thế được gọi là Thiền định ấn. Nơi tấm hình thứ hai bàn tay trái của Phật đặt ngửa để trong lòng, bàn tay phải để xuôi úp khoảng gần đầu gối, những đầu ngón tay khẽ chạm xuống đất, Thủ ấn ở thế này được gọi là Xúc địa ấn. Thủ ấn này theo truyền thuyết, là khi đức Cồ Đàm thiền định 6 ngày đêm dưới gốc cây Bồ đề trước khi đạt được Giác ngộ, ngồi thiền trong tư thế này, ngài đã lấy Đất làm chứng cho quyết tâm của mình, và khi Ma vương kéo đến ngăn cản ý việc Thiền định của Phật, thì Thần đất đã gửi đến một đạo binh để chống lại ý định của Ma vương. Cả 2 Thủ ấn Thiền định ấn và Xúc địa ấn kể trên hay được nhìn thấy nơi tranh tượng của đức Phật Thích Ca (Phật hiện tại hay còn gọi là Phật lịch sử), và tranh tượng của đức Phật A Di Đà (Phật quá khứ), không phân biệt, những bức tượng Phật chúng ta hay thấy trong những ngôi chùa thường ở trong tư thế Thiền định và hai bàn tay đặt ở những Thủ ấn tôi vừa kể.


Ngoài hai Thủ ấn thông thường trên chúng ta cũng thường thấy những tranh tượng Phật 2 bàn tay đặt trong những tư thế khác, chẳng hạn bức tượng tôi chụp nơi chùa Phật vàng bên trên, tượng cũng ngồi xếp bằng trong tư thế thiền định, tuy nhiên 2 tay  chắp trước ngực đảnh lễ cung kính. Đây là một Thủ ấn có tên gọi
Hợp chưởng ấn (Anjali), biểu lộ sự hiến dâng và kính lễ, thủ ấn này hiếm khi được thực hiên bởi các vị Đại Phật, bởi vì họ đã ở thượng đỉnh trong hệ thống tín ngưỡng Phật giáo, cũng không thể hiện nơi Phật lịch sử Thích Ca. Tuy nhiên thủ ấn này được sử dụng một cách ngoại lệ bởi Phật A Di Đà, khi vị Đại Phật đảm đương chức năng của một Bồ tát, đặc biệt nơi hình thức Phật giáo Nhật Bản Gokoshiyu Amida, cũng được dùng phổ quát bởi dân chúng Ấn Độ, Đông Nam Á để chào kính. Thủ ấn gợi ra sự hiến dâng và thiện ý... Chúng ta đã thấy, tại Thái Lan, hay Lào, người dân thường chắp tay vái chào như thế.


Chúng ta cũng thường thấy những tư thế khác tư thế Thiền định nơi những tượng Phật, chẳng hạn bức tượng Phật nằm nghiêng về phía bên tay phải bên trên. Đây là bức tượng biểu thị khi Phật nhập niết bàn (tịch diệt), tư thế này được gọi là Đại niết bàn tọa. Tấm hình bên trên các bạn cũng nhìn thấy tượng Phật đang ngồi buông  2 chân phía sau tượng Phật nhập niết bàn tựa như đang ngồi trên ghế, tư thế ngồi này được gọi là Hiền tọa (Bhadrasan).


Một bức tượng Phật khác tôi cũng chụp được nơi chùa Phật vàng, đó là một tượng Phật đang trong tư thế bước đi, bức tượng này được gọi là Kinh hành. Những tư thế, Thủ ấn trên những bức tượng tôi đã chụp tại Thái Lan kể trên là khá phổ biến nơi các tranh tượng Phật giáo, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những tranh, tượng, hoặc những Thủ ấn Phật giáo khác ít thấy tại các chùa chiền hơn, có một dịp nào khác tôi sẽ trở lại... Trong những tấm hình tôi chụp tượng Phật nơi 2 ngôi chùa Phật ngọc và Chùa Vàng tại thủ đô Bangkok Thái Lan, đặc biệt có một tượng khá kỳ lạ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy, có đưa hình lên, tôi sẽ post lên dưới đây, chị Huynhtran có nói đến và tôi đoán là tượng Phật Di Lặc bởi hình dáng, nhưng bây giờ có tài liệu trong tay, mọi việc có vẻ rõ ràng hơn một chút xíu, nhưng thật ra cũng chưa thể xác định được tượng Phật này là ai trong các vị Phật?


Nhìn bức tượng trên, nếu xét theo cách ăn mặc (không mặc áo, hở ngực và bụng), và hình dáng thân mình mập mạp, bụng phệ, cùng tư thế ngồi thoải mái, kể cả nụ cười trên khuôn mặt thì có lẽ chúng ta liên tưởng ngay đến Di Lặc theo phong cách Trung Hoa, là vị Phật tương lai trong Phật giáo Đại thừa Bắc truyền. Tuy nhiên đầu của tượng không phải là đầu tượng Di Lặc như chúng ta vẫn thường thấy, mà giống như đầu của tượng Phật quá khứ (Phật A Di Đà) hoặc Phật lịch sử (Phật Thích Ca) hơn. Tay của tượng một bên cầm một cái bình, một bên cầm Tích trượng. Sách vở Phật giáo có giải thích, Dược sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai (Bhaisaijya-guru-Vaidurya- prabha-Tathagata), mà ta hay gọi đơn giản là Dược sư Phật trên hai tay có cầm bình và tích trượng như thế, bình là bình thuốc chữa khỏi bệnh tật cho chúng sinh. Dược sư Phật là Giáo chủ của Thế giới Tịnh Lưu Ly (Vaidurya-prabhasa) ở Phương Đông. Với những ý nghĩa sách vở như thế và hình thể của tượng thật tôi cũng không sao đoán được tượng này tượng trưng cho Phật nào, hoặc vị thần Phật giáo nào?

Tham khảo:
- Tranh tượng & Thần Phổ Phật giáo, tác giả Louis Frédéric, Phan Quang Định dịch, NX Mỹ Thuật xuất bản năm 2005.
- Dược sư kinh pháp, Huyền Thanh biên dịch, NXB Phương Đông xuất bản năm 2010.

--> Read more..

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Lại lan man chuyện đọc sách.




Lâu lâu rồi tôi cũng đã lan man về chuyện đọc sách, cũng như đã lan man về chuyện cà phê, hôm nay cuối tuần rảnh rỗi lại muốn trở lại câu chuyện này.

Đọc sách đối với tôi là một thói quen và cũng là một cái thú từ thời còn nhỏ, may mắn ở Saigon trước đây (trước năm 75), và sau này thì sách vở không thiếu, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều sách vở đủ mọi thể loại, từ tiểu thuyết viết bởi tác giả trong nước, sách dịch Đông, Tây, kim, cổ... cho đến sách nghiên cứu về đủ mọi đề tài, xã hội có gì đều có sách viết về những đề tài đấy cho chúng ta tha hồ tìm hiểu, nghiên cứu... Học hành trên ghế nhà trường thường chỉ là cái cơ bản, để người ta tiếp tục tự đọc thêm sách, bổ sung cho cái kiến thức của mình, và nguồn sách thường luôn luôn không thiếu, sách mua, sách mượn tại các thư viện, hoặc mượn, trao đổi với bạn bè... Trước đây cũng phổ biến loại sách cho mướn, thường chỉ là sách truyện giải trí, loại sách này thường gặp là tiểu thuyết các loại, trước năm 75 ở Saigon là tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, những Cô gái đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc đỉnh ký... là những ví dụ...

Như tôi cũng đã kể, thời trẻ xa nhà trong "hành trang" (ba lô) của tôi luôn có những quyển sách. Tiểu thuyết thường có những sách dịch thời bấy giờ (trước năm 75 ở miền Nam), những Hemingway, Salinger, Remarque, Hermann Hesse, Victor Hugo, Albert Camus, Andre Gide, Saint Exupery, Lỗ Tấn, Kawabata, Suzuki, Maxime Gorky, Leon Tolstoy, Dostoievsky... Thêm một số sách viết về Phật giáo, kinh thánh, và những quyển sách tự học chữ Nho, hay sách hàm thụ học chữ Hán... Tôi nhớ khi ở Pleiku, trong doanh trại tôi đóng quân, tôi ở trong một cái conex (container) của Mỹ bằng sắt (mỗi bề chừng độ 3m), luôn có cà phê và sách, đến nỗi nhiều  bạn bè đồng đội gọi cái conex của tôi là "cốc", và coi tôi như một "đạo sỹ" vậy...

Những năm tháng ấy tôi đã đọc khá nhiều sách mang theo, khi theo hành quân thì tôi đọc trong rừng, nơi lô cốt trú ẩn của một đồn biên giới, hay trong những nhà sàn nơi làng Thượng..., khi về phố rảnh rỗi thì thường đọc trong những quán cà phê, có khi đọc trong sân chùa... như tôi đã viết, quán cà phê là nơi ta có thể chỉ gọi một ly cà phê là có thể ngồi mấy tiếng đồng hồ thoải mái đọc sách, đến nỗi có nơi ở mấy tháng trời như thị xã Tuy Hòa ngày xưa, quán cà phê có tên rất dễ nhớ là quán... Nhớ (nghe một người bạn mới đến Tuy Hòa năm ngoái nói quán vẫn còn), đã dành hẳn cho tôi một bàn nhỏ nơi một góc sân dưới bóng cây mát mẻ, chỉ khi nào tôi ghé mới dọn bàn ấy ra, và một tiệm sách lớn nhất Tuy Hòa thời bấy giờ (ở đường Trần Hưng Đạo), nơi một anh chủ tiệm sách hơn tôi một vài tuổi, ở trong quân đội địa phương (tôi quên mất tên tiệm sách), tôi ghé xem và mua sách có dịp chuyện trò nên quen (tôi có nói trong một entry lâu rồi), anh bạn chủ tiệm sách này nghe nói sau 75 đi học tập về đã đi ra nước ngoài... Ở Tuy Hòa cũng có một tiệm cho thuê sách tôi cũng hay ghé mướn sách nên quen, tôi cũng đã kể...

Sau năm 75 thì như các bạn nào ở Saigon đã biết, qua vài đợt "truy quét văn hóa phẩm đồi trụy" sách vở bị tịch thu sạch, lúc bấy giờ sách về tôn giáo cũng phải giao nộp tuốt, tất cả sách vở của tôi có đều chịu chung số phận ấy, không hiểu sao sau này tôi còn giữ được vài quyển, chẳng hạn bộ sách Tự học chữ nho của GS Đào Mộng Nam, Chiến quốc sách, Sử ký Tư Mã Thiên, Thiền và tâm phân học, Dục tính và văn minh... Tôi cũng đã viết ở một entry cũ, sau này vào khoảng những năm 80, 90 sách ở Saigon bắt đầu cho in nhiều trở lại, tôi cũng đã mua được kha khá, một tủ sách gồm những tiểu thuyết dịch, sách tìm hiểu..., nhưng thời ấy sách được in trên giấy xấu quá, đen thui thùi lùi, có khi trên trang giấy có... độn cả rơm rác, mực in lem nhem, sách mới mua đọc còn nhức mắt, cho nên bây giờ tủ sách còn đó mà ít khi dám lấy ra xem, được cái thời đó sách bán khá rẻ so với thời nay...

Bây giờ sách đã in đẹp, màu sắc tươi tắn, chữ nghĩa rõ ràng và tôi vẫn thường hay "lượn" qua những nhà sách, nhất là những cửa hàng sách bán giảm giá, hoặc bán sách cũ. Sách bây giờ in khá nhiều, đẹp, nhưng chất lượng cũng rất... trời ơi, sách dịch đủ loại, sách trong nước viết, cũng đủ loại, về đủ mọi đề tài, thể loại, đủ tên tuổi... nhưng muốn mua một quyển sách "đọc được" (dĩ nhiên chữ "được" ở đây là theo chủ quan của mình) cũng khá khó... Chẳng hạn chỉ riêng loại sách viết về Phật giáo, vào một nhà sách chuyên bán loại sách này, có cả ngàn đầu sách, vậy mà thỉnh thoảng tôi mới lựa được cho mình một quyển, thường là phải lật đọc lướt nhanh sơ qua, rồi theo "kinh nghiêm đọc sách" bấy lâu đánh giá nội dung, cách viết, nếu thấy "hợp" mới "OK" bỏ tiền mua. Tôi biết những nhà sách ở Saigon có những quyển sách mới bán giảm giá khoảng 20% đến 30%, hoặc những tiệm sách chuyên bán những loại sách cũ (sách cũ trước năm 75 và sau năm 75), có những nơi như thế tôi đã tìm được những quyển sách giá trị, giá khá rẻ... Ở Saigon bây giờ thỉnh thoảng cũng có những "Hội sách", là một dịp để những nhà xuất bản, nhà sách giới thiệu sách của mình in, và bán sách. Những hội sách này thường tung những sách bán không chạy ra bán giảm giá, có loại giảm đến 50%, nếu chịu khó tìm kiếm lục lọi nơi những hội sách như thế bạn cũng sẽ tìm được những quyển sách thích hợp, với giá rẻ bất ngờ...

Tôi cũng vẫn còn thói quen đọc sách nơi một quán cà phê, hay tôi cũng thường mang theo trong người một hai quyển sách mình ưa thích, có chút thời giờ rảnh rỗi là mang ra đọc, sách luôn mang lại cho chúng ta những kiến thức, hiểu biết, cũng là một cách "giết thời giờ" có ích...

--> Read more..

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Lan man về Café.



Café tuy không phải là một thức uống khoái khẩu như rượu bia hay các loại nước ép trái cây, sinh tố (trái cây xay)..., nhưng lại rất phổ biến xưa nay, không thể thiếu đối với rất nhiều người trong đó có tôi. Về công dụng của café thì chắc chắn các bạn đã biết, nó giúp người ta tỉnh táo bởi chất caféine có trong hạt café, chất này không những chỉ có ở café mà còn có ở trong lá trà mà người Bắc gọi là chè. Đối với tôi, một người đã uống café dễ đến cả gần nửa thế kỷ nay, thì trung bình một ngày tôi phải uống khoảng 2 tách café chia làm 2 "cữ", một cữ vào sáng sớm, và một cữ vào đầu giờ chiều, nếu thiếu cữ nào là ôi thôi, cứ như "con nghiện" đến cơn ấy, ngáp ngắn ngáp dài... .

Café ở mình uống ngon nhất là khi ở trên cao nguyên, là bởi những vùng cao nguyên như Buôn Mê Thuột, Lâm Đồng, Pleiku... là nơi trồng café (café Buôn Mê Thuột có tiếng xưa nay) và khí hậu những nơi này mát mẻ uống café ít bị "nóng". Café tuy không đến nỗi gây nghiện và tác hại như rượu hay ma túy, nhưng nếu ai đã uống lâu chắc biết, một khi đã uống quen và thiếu nó cũng khó chịu. Tôi "ghiền" café cũng bởi xưa kia đã có thời gian ở trên những vùng cao nguyên, không gì bằng những hôm về phố thảnh thơi, lang thang ghé một quán café quen ngồi kêu một "phin" café đen bốc khói, trời lạnh nhâm nhi tách café thơm lừng thì đúng là "tuyệt cú mèo". Dân ghiền café ở Saigon từ trước năm 75 như tôi hiếm bao giờ uống café đá, hoặc café sữa, chỉ café đen mà người Pháp hồi xưa gọi là "Café du sucre", còn đường cho vào café thì tùy nhiều ít theo khẩu vị của từng người, nhưng đã là dân ghiền café thì chẳng ai uống café cho nhiều đường ngọt như chè cả, vừa đủ hoặc ít nếu thích uống hơi đắng, có người còn không cho cả đường, cũng chẳng hẳn là vì phải kiêng đường mà họ đã quen uống đắng như thế.  Miền Nam khí hậu nóng quanh năm, cho nên dân Saigon cũng có những người thích uống café đá, và dân miền Nam cũng khá "hảo ngọt", nên cũng hay uống café sữa, café sữa đá, hoặc "bạt xỉu" gọi theo người Hoa, là sữa nước sôi cho một ít café...

Uống café có thể là ở nhà hoặc ra quán, tôi thường uống café ở nhà hơn là ở quán tuy cũng hay ngồi quán xá cùng bạn bè. Uống café ở nhà dĩ nhiên là ta phải tự pha lấy, pha như thế mình chọn được loại café thích hợp, café pha đậm hay nhạt tùy ý, tùy lúc. Đối với tôi thì mua café về tự pha lấy, dĩ nhiên phải là café thứ thiệt, không tẩm hương vị nhiều quá mất đi mùi và vị của café, 
một phin café cho đầy bột café cũng chỉ cho một tách nhỏ thứ nước màu nâu sẫm, không đen... thui đặc quánh như café ở tiệm, và nhất là có đánh lên thế nào đi nữa cũng không thể nổi bọt. Loại café mà nước màu đen thui và nổi bọt như ta vẫn thường thấy nơi những quán xá, kể cả những quán mắc tiền sang trọng, cho đến những quán bình dân, quán cóc... là loại café... dỏm bằng đậu nành, hạt bắp, hoặc pha tẩm thêm nhiều thứ hóa chất độc hại khác mà mấy hôm nay báo chí đã phanh phui mà các bạn chắc cũng đã đọc. Đấy cũng là một trong vài lý do tôi ít uống café ngoài quán, tôi không chịu được "hương, vị" của những loại café dỏm đó, cũng như các bạn cũng đã biết trà mà ở các quán café pha cho khách uống, đa phần cũng là ướp từ hương liệu, hóa chất (trà sen, trà lài...), uống vào là biết ngay, tuy nhiên cũng hơi lạ là những loại café dỏm đó lại được nhiều người uống, thậm chí mỗi ngày uống đến mấy ly...

Ngày trước ra quán uống café bao giờ các bạn cũng được bưng thêm ra một ấm trà nóng bốc khói, cho dù bạn uống café đá, hay nước cam... có những quán café ngon, trà ngon, nhạc hay, thêm cô chủ quán xinh xắn dễ thương nữa là nhất, chắc chắn quán sẽ đông khách . Ít năm gần đây không hiểu sao bình trà nóng được thay bằng một ly trà đá nhỏ nhỏ, mới đầu thấy cũng kỳ kỳ, nhưng riết cũng quen... Thời tôi còn trẻ ở những nơi xa, thì quán café là nơi tôi thường ngồi đọc sách, cái đặc điểm của quán café là bạn có thể ngồi cả nửa ngày với chỉ một tách café mà không ai cằn nhằn bạn, những năm trẻ tuổi xa nhà tôi đã đọc được rất nhiều sách thường là trong những quán café như thế, ở Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức, Quy Nhơn, Tuy Hòa... Một không gian với nhạc nhè nhẹ, một quyển sách hay, và một tách café ngon nữa thì còn gì bằng, phải không các bạn...?

--> Read more..

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Đi ăn đám cưới ở xa.



Sáng nay tôi có dịp đi ăn một cái đám cưới tuốt Biên Hòa, Biên Hòa cách Saigon khoảng 30 cây số, nếu đi một mình tôi sẽ phóng xe gắn máy, chạy xe máy cở... rùa bò như tôi cũng chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ là tới, nhưng vì đi mấy người nên đành phải ngồi cùng xe hơi, kể ra mùa này mưa nắng bất thường ngồi xe hơi cũng khỏe, đường xá bây giờ bụi bặm và người ta chạy ẩu quá, cũng ngán .

Đám cưới được tổ chức tại nhà, cũng không phải nhà quê có vườn tược, cây cối hay ao cá, đàn gà chạy tung tăng ngoài vườn, hay trâu bò thảnh thơi gặm cỏ, cũng nhà phố ngõ hẻm chật chội, không có chỗ ngồi phải trưng dụng nguyên một con hẻm che rạp làm nơi tổ chức đám cưới. Sáng hôm nay con hẻm này nội bất xuất ngoại bất nhập, để bày mấy chục bàn tiệc, được cái nghe nói chòm xóm sống với nhau mấy chục năm tình nghĩa, nhà ai có đình đám gì cũng đều sử dụng con hẻm như thế, hàng xóm còn xúm nhau giúp đỡ dựng rạp, bày biện... Nghĩa là cũng đủ cả lệ bộ, cũng cổng cưới, bàn tiếp tân, sân khấu với bánh cưới mấy tầng, ly rượu chồng lên nhau để làm lễ... và không thể thiếu được là một giàn nhạc sống đàng hoàng, với đầy đủ trống, đàn, organ, ca sỹ nam, nữ trẻ trung, cùng đội ngũ ca sỹ cây nhà lá vườn từ U 10 đến U 70 hùng hậu, sẵn sàng ca hát giúp vui nhiệt tình...


Đám cưới bà con này tôi có họ hàng với bên đàng trai, tính vai vế thì bằng vai với... ông nội của chú rể (ông nội chú rể còn kêu tôi bằng anh ), bố mẹ chú rể gọi bằng bác, và dĩ nhiên cô dâu chú rể thì phải gọi bằng ông, cho nên được bố trí ngồi bàn danh dự số 1 sát sân khấu, và đây thực sự là nỗi kinh hoàng khi tiệc cưới bắt đầu... khi giàn âm thanh khủng cùng ban nhạc, các ca sỹ thi nhau biểu diễn... Nếu tiếng một chiếc máy bay phản lực bắt đầu khởi động là 115 db (décibel) thì giàn âm thanh với những chiếc loa to bằng cái... bàn làm việc này âm thanh phát ra phải lên tới cỡ... 150 db là ít.  Đúng là một cuộc tra tấn bằng âm thanh, khi cái bàn số 1 của tôi ngồi được kê sát 2 cái loa Tiến Đạt to đùng như thế, trời đất như quay cuồng, ráng ngồi chịu trận đến khi bưng món thứ ba ra là hết nổi, thế là mấy người ông bà đành phải chạy ra tuốt sau nhà ngồi, nghỉ một lúc định thần lại xong lựa lời cáo từ ra về, trong khi cuộc vui vẫn tiếp diễn, chẳng mấy khi trong xóm nhất là đám thanh niên nam nữ bạn bè cô dâu chú rể, có được một ngày vui tưng bừng như thế...

Về tới Saigon đúng 2 giờ trưa, lục mì gói ăn đỡ đói, và tới giờ đầu óc tôi vẫn còn ong ong tiếng đàn trống... .
--> Read more..

Người Ấn Độ giáo nói: Trâu bò có nhiều màu sắc, nhưng tất cả sữa của chúng giống nhau... Hệ thống tín ngưỡng khác nhau, nhưng Thượng đế chỉ là một.

--> Read more..

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Ăn uống.


Ít lâu nay lan man chuyện đạo miết hôm nay cuối tuần rảnh rỗi quay lại với chuyện đời, mà chuyện đời có lẽ tiên phong là cái chuyện ăn với uống. Phải nói ngay tôi là người rất dở trong vấn đề ăn uống, điều này bạn bè quen biết có dịp nào ngồi cùng bàn ăn chắc đã biết. Ăn uống, chắc chắn là môt trong những vấn đề hệ trọng nhất của con người, chẳng thế mà con người đã xem nó là hàng thứ nhất của mọi vấn đề, "Có thực mới vực được đạo", trong văn học cũng có biết bao nhiêu tác phẩm nói về chuyện ăn uống, và chỉ dẫn làm các món ăn ngon. Tôi có một người bạn quen, có cậu con trai hơi chậm trong việc học chữ, ra nước ngoài học cũng không được, may thay cậu con trai này có sức khỏe, lại rất có tâm hồn ăn uống, ở nhà hay lăn vào bếp làm món này món nọ phục vụ cho cả nhà, có người bày hay thử cho thi vào trường dạy nấu ăn, đạt, mấy năm học xong bây giờ đi làm đầu bếp lương tháng lĩnh bằng đô la, kể cũng hay .


Quay trở lại chuyện ăn uống của tôi, không phải tôi kén ăn hay chán ăn gì hết, trái lại ăn rất dễ dàng, không cầu kỳ, hay món ngon vật lạ, có điều tôi hơi ít ăn, từ hồi nào tới giờ, cho nên nói theo từ ngữ âm nhạc của Trịnh Công Sơn có thể dùng câu "Thân nhẹ nhàng như mây...". Tiệc tùng bây giờ như đám cưới chẳng hạn thường có tới năm, bảy món ăn và dọn lên từng món, mà cái món đầu tiên có khi là bốn món ăn chơi (4 trong 1 cơ đấy), tôi mà ăn đủ cả bốn món ấy là đã thấy no rồi, chán thế! Tôi khá ngại đi ăn tiệc kiểu buffet, bởi vì... lỗ chết, ai đời mấy chục món ăn, chỉ thưởng thức qua vài món là đã muốn buông đũa. Mấy tháng trước tôi có người bạn ở ngoại quốc về rủ đám bạn bè cũ đi uống café, bạn nói nghe ở đâu đó có buffet ngon lắm, giá cả đâu 50, hay 100 đô la một người, tính mai mốt rủ đi ăn. Tôi nói dứt khoát là tôi không đi ăn mấy nơi đó cho dù có được mời, nghĩa là được bao ăn miễn phí, bởi uổng, trong khi mình chỉ xơi được có 5 - 3 đô mà phải trả đến 50 hay 100 đô thì vô lý quá...


Tôi khoái đi chơi về mấy vùng quê xa xa, bởi cảnh vật thay đổi, có sông nước, đồi núi, tôi thích chụp hình và ở những nơi ấy có nhiều thứ cho mình ngắm nghía chụp, nhưng có hơi ngại chuyện ăn uống, xuống Đồng Tháp chẳng hạn, vào quán ăn bạn bè mời món đặc sản chuột đồng Hồng Ngự mà mình cứ lắc đầu quầy quậy thì cũng ngại quá, hay hôm nọ cùng cơ quan có việc xuống Bến Tre đến một đồn Biên phòng ngay cửa Đại, buổi trưa những anh bộ đội biên phòng đãi cơm trưa với những món ăn biển tươi rói mới mang từ ghe đánh cá lên, có sò, nghêu hấp lá sả, mực xào thơm... canh chua cá Xương xanh (Xương xanh là tên cá, bởi cá có cái xương sống màu xanh rất ngộ)... Ở thành phố đi xa buổi trưa đã đói, cá tôm lại tươi, ai ăn cũng khen ngon, vậy mà tôi cũng chỉ ăn cầm chừng... đủ sống rồi xách cái máy hình dọt ra mé sông chụp mấy ghe đánh cá. Mấy tấm hình tôi post bên trên là chụp ở đó, sò, nghêu rất tươi vì vừa mới lấy ở ghe đánh cá lên, nhưng trời ạ, bên trong vẫn còn nguyên cát với... đất bùn, các bạn cứ nhìn những con sò thì biết, vỏ bên ngoài còn bám đất... Còn món xào, canh chua, cá kho thì món nào cũng... ngọt lịm, có lẽ do khẩu vị của từng nơi...

Mai lại phải dông đi Biên Hòa ăn một cái đám cưới đây....

--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Trò chơi trẻ con.

                                                                        


                                                                        


Bên nhà bạn Caonguyenbui thấy có treo cái notes nói tới bèo, thế là vào định xin một ít. Chả là tôi có nuôi mấy con cá lia thia, định thả vào chậu nuôi cá, bèo với cá thì rất hợp. Tôi đã nói tới mấy con cá lia thia ít ra là hơn một lần trên blog, những con cá xanh đỏ đủ màu sắc dài bằng cỡ non ngón tay trỏ của người lớn. Các bạn nào đã đọc cuốn Phong lưu cũ mới của học giả Vương Hồng Sển hẳn đã thấy học giả họ Vương thuở nhỏ cũng đã mê mẩn thế nào với cái thú đá cá lia thia. Ngày tôi còn là chú bé học tiểu học cũng thế, tôi cũng đã kể, trong một lần theo đám lâu la (từ của người lớn thuở xưa chỉ đám con nít ranh) đi mua cá lia thia về chơi, lúc băng ngang qua đường tôi bị một ông tôi còn nhớ rõ đi cái xe gắn máy Gobel tông phải (xe Gobel là một loại xe gắn máy 50 phân khối của Đức, máy hiệu Sash chạy xăng 2 thì, nổi tiếng một thời vào khoảng giữa thập niên năm mươi cho đến giữa thập niên sáu mươi, cùng với hiệu xe Mobylette và Solex của Pháp ở Saigon, trước khi xe hiệu Honda, Yamaha, Suzuki... của Nhật tràn vào đánh bại). Cú tông khá mạnh làm tôi té bò lê bò càng, người ngợm tay chân te tua, vậy mà chẳng khóc, cũng chẳng dám bắt thường gì, lúc về nhà còn bị thêm một trận đòn nữa...



Cái thời nhãi ranh của tôi không như trẻ con bây giờ, tha hồ mà lê la đất cát với các trò chơi đá cá, đá dế, tạt lon, chơi u, đánh khăng, đá cầu... vui lắm... Những con cá lia thia màu hồng đỏ là cá phướn, phướn có nghĩa là cái cờ phướn, các bạn nhìn hình con cá  ở trên thì thấy, vây, đuôi của nó dài như cái cờ phướn, nuôi làm kiểng trông đẹp nhưng đá hơi dở, vì bộ vây dài khó xoay trở dễ bị địch thủ cắn đau. Còn con cá màu xanh như hình bên dưới là cá Xiêm, Xiêm là Xiêm La (Siam) tức là Thái Lan, con cá này có nguồn gốc từ Thái Lan, nước ta có nhiều thứ có nguồn gốc Thái, mãng cầu xiêm, hồng xiêm (miền Nam kêu trái Sa bô chê), hay vịt xiêm (miền Bắc gọi con Ngan)... Trong Phong lưu cũ mới học giả Vương Hồng Sển có nói hồi đó có người đi Vọng Các (Bangkok) thủ đô của Thái Lan về có lén đem theo được một con cá lia thia giống của Hoàng gia Thái Lan tặng ông cụ thân sinh học giả Vương Hồng Sển, khỏi phải nói, đó là con cá lia thia bách chiến bách thắng... Nói như vậy đủ biết ngày xưa các ông vua Xiêm, vua Cao Mên là những người cũng rất thích những trò chơi dân dã như đá cá, đá gà, thậm chí là cả đá dế... những trò vui của đám nhãi ranh...


Cá lia thia trông nhỏ nhỏ vậy mà lại hiếu chiến lạ kỳ, chỉ cần các bạn đặt 2 cái keo (lọ thủy tinh) trong suốt dựng 2 con cá cạnh nhau thấy bóng dáng là chúng đã phùng mang trợn mỏ đe dọa đối phương, và khi 2 con được thả chung trong một cái chậu hay một cái keo là phải biết, chúng sẽ lăn sả vào nhau, uốn éo, lừa thế đớp nhau những cú ra trò, có những con thuộc loại cá "chiến" sẽ chiến đấu đến chết chứ không chịu bỏ chạy, thường sau một trận đấu chí tử như thế thì cả 2 con cá lia thia đều tơi tả, vây đuôi xơ xác...



Dĩ nhiên bây giờ tôi nuôi mấy con cá lia thia không phải là để cho đá như hồi nhỏ, mà chỉ để thỉnh thoảng nhìn chúng bơi lội coi chơi, hồi nhãi ranh nuôi cá hơi cực, phải đi hớt lăng quăng ở mấy cống rãnh cho chúng ăn, mà chúng ăn không hết lăng quăng nở thành muỗi bay đầy nhà bị người lớn la cũng khổ, bây giờ có bán sẵn thức ăn viên nhỏ xíu dành cho cá cũng tiện và sạch sẽ... cá lia thia là loại cá bình dân, khá đẹp, rẻ tiền, bây giờ hình như người ta lai tạo sao ấy mà cho ra những con cá lia thia có bộ mã và màu sắc rất đẹp,  chúng cũng rất dễ nuôi, không như những loài cá khác như cá dĩa, cá la hán..., có khi đi đâu hay quên cả tuần cho chúng ăn một lần cũng được... Chỉ cần một cái lọ thủy tinh nhỏ, đặt lên kệ hay trên bàn trong nhà, lâu lâu thay nước một lần, rảnh rảnh nhìn chúng bơi lội cũng vui...

Bạn nào thích cứ gặp tôi nhá, sẵn sàng tặng một con về nuôi chơi... .

--> Read more..

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Cuộc sống vốn như thế.

Ảnh chụp của bạn Marguerite.


Hôm nọ có dịp ngồi cafe với mấy người bạn, nói chuyện lan man trên trời dưới biển, những chuyện tầm phào chẳng có đầu đũa, ngày xưa gọi là tán gẫu, tán dóc... nhân có chuyện nói về xã hội bây giờ sao người ta dữ quá, tranh dành, sẵn sàng dương đao múa mỏ ngay cả với những chuyện nhỏ nhặt, không đâu... Bạn nói theo bạn thì con người vốn tính bổn... ác chứ không phải bổn thiện như sách vở ông bà mình đã từng khẳng định... Aha, chuyện này thì không hề mới, thiện hay ác là cái câu chuyện muôn thuở của con người...

Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ một quyển sách xưa lắm rồi, soạn từ tận đời Tống đời Minh gì đó, sách gọi là Tam tự kinh, kinh ba chữ, gọi là kinh, nhưng không phải là kinh Phật, kinh thánh... cũng không phải kinh chỉ có ba chữ, mà là sách để dạy đạo lý cho học trò xưa mới đi học chữ nghĩa thánh hiền, sách bố trí ba chữ một câu, có vần điệu, dễ học, dễ thuộc. Câu đầu tiên của sách có liên quan đến câu chuyện tán gẫu kể trên, "Nhân chi sơ/ Tính bổn thiện/ Tính tương cận/ Tập tương viễn/ Cẩu bất giáo/ Tính nãi thiên/ Giáo chi đạo/ Quí dĩ chuyên...". Đại khái sách là như thế, người mới sinh ra bản tánh vốn hiền lành, tánh ban sơ vốn giống nhau, nhưng do những thói quen dần sẽ khác nhau, nếu không được dạy dỗ bản tính sẽ thay đổi, đường lối ở giáo dục quý ở sự chuyên cần...

Như vậy những câu đầu tiên của Tam tự kinh đã chỉ cho chúng ta biết lúc mới ra đời bản tính con người vốn hiền lành, ai cũng giống ai, chỉ do những thói quen tức là những ảnh hưởng của môi trường sống (trong gia đình, học đường, xã hội...) bản tánh con người sẽ thay đổi khác nhau, nếu không được dạy dỗ thì bản tính con người sẽ lại càng thay đổi (theo chiều hướng xấu hơn), và đường lối ở giáo dục dạy dỗ con người thì quý ở chuyện chuyên cần... Ngày xưa ông bà ta nghĩ như thế...

Đọc sách Phật giáo, tôi cũng hay thấy dùng chữ "Vô minh"  (P:avidya) để chỉ cho cái u mê không hiểu biết của chúng sinh, và đây cũng được coi là một "thuộc tính gốc" của con người. Vô minh là yếu tố đầu tiên của Thập nhị nhân duyên (mười hai nhân duyên khiến con người vướng mắc trong luân hồi). Vô minh được xem như là gốc của mọi bất thiện trong cõi nhân gian, từ đó phát sinh ra khổ... Tôi cũng không có ý muốn giải thích gì kinh điển của Phật giáo vì thật sự không có khả năng ấy, và cũng không muốn "rơi" vào cái rắc rối, cái bẫy của chữ nghĩa, tôi chỉ muốn nêu ra đây để chúng ta có thể thấy rằng, theo kinh sách Phật giáo thì có lẽ bổn tính của con người là bất thiện (vô minh), hay chúng ta có thể hiểu cách khác vô minh là cái gì đó hỗn mang u u minh minh, tối mờ mờ, có thể chưa phải là ác, nhưng đã ẩn chứa cái ác, cái bất thiện, và để thoát khỏi vô minh kinh sách nhà Phật cũng đã chỉ cho chúng ta những nẻo đường mà đấng Giác ngộ đã trải qua, là phải tu tập tinh tấn những Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên... đồng thời phải hiểu rõ những Ngũ uẩn, Lục căn... vân vân... Cũng có những nẻo đường khác mà Phật giáo cũng chỉ cho chúng ta để thoát khỏi vô minh, chẳng hạn theo Tông phái Tịnh độ, phải năng tụng niệm cầu khẩn Phật A di đà, là vị Phật theo kinh sách nói thuộc về quá khứ, là Giáo chủ của một cõi Cực lạc ở phương Tây, mà kinh sách có nói cách chúng ta ngoài mười vạn ức quốc độ... Chỉ bằng tinh tấn tụng niệm danh hiệu Phật A di đà là khi thác chúng ta có thể xóa được mọi tội lỗi, thoát được cái vô minh mà vãng sanh vào cõi Tây phương Cực lạc hưởng hạnh phúc muôn đời...

Bên kinh sách Thiên chúa giáo mà tôi cũng đã có dịp xem, thì thấy có nói về chuyện bổn tính con người như thế này, con người ngay từ lúc mới sinh ra đã mắc tội, gọi là tội Tổ tông, nghĩa là do ông cố ông sơ từ thời Adam và Eve truyền lại, cái tội cãi lời xơi trái cấm để được thông minh như Chúa trời trong vườn Địa đàng xưa kia... Tội này truyền lại cho đến tận con cháu ngàn đời sau... Mới sinh ra đã mắc tội, như thế bản chất của con người không thể là thiện, theo cái nghĩa thông thường nhất của chữ thiện. Cái tội lỗi "cha truyền con nối" theo đuổi kiếp người từ ngay lúc mới sinh, kinh sách cũng chép tiếp, cho đến khi Jesus, đấng Cứu thế được phái xuống thế gian để mưu cầu cứu chuộc tội lỗi của loài người, thì con người lại phạm thêm một tỗi lỗi tày trời nữa, là đã đưa đấng Cứu thế lên cây Thập tự... Cho nên người Thiên chúa giáo luôn nghĩ và bị dằn vặt bởi tội lỗi của mình, luôn phải cầu nguyện để mong được tha thứ mọi tội lỗi...

Qua những kinh sách của hai tôn giáo lớn của thế giới đã cho chúng ta thấy, rõ ràng là Bổn tính của con người không phải là Thiện...

Nhưng rồi lan man đọc trong sách vở, tôi lại thấy Ấn độ giáo (đạo Hindu), cũng là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại, người Ấn độ giáo tin như thế này, trong con người có ba mức tính khí thông thường. Mức thấp nhất là tính trì trệ, không muốn thay đổi, lười biếng. Mức thứ hai là tính hung hăng, hay bị kích động bởi sức mạnh bên ngoài. Mức thứ ba, mức tốt nhất nơi mỗi người là tính trầm tĩnh, có khả năng giữ được an nhiên, không bị tác động bởi sức mạnh bên ngoài. Và trong Mỗi người đều có đủ cả ba tính ấy, mỗi thứ một ít. Con người muốn loại trừ hai cái tính xấu kể trên thì phải năng tu hành, tuân theo những chỉ dẫn của kinh sách (kinh Vệ đà), và của các bậc Đạo sư... như vậy, theo Ấn Độ giáo, bản chất của con người không hẳn Thiện, cũng không hẳn Bất thiện, nó đầy đủ điều tốt lẫn điều xấu, và qua tu tập, điều xấu sẽ bị loại trừ...

Và rồi lại lan man theo sách vở, tôi lại thấy có một tôn giáo xưa ở Nhật Bản, đó là Thần đạo (Con đường của các vị thần). Những người theo Thần đạo thấy đời sống rất tốt đẹp, và họ sung sướng chấp nhận nó như thế. Những người theo Thần giáo luôn cảm thấy thế giới này là Ngôi nhà của mình, họ tin rằng các vị Thần mong muốn họ được hạnh phúc, rằng Đời sống tốt đẹp và Con người cũng tốt đẹp.Thần giáo không có bản liệt kê hay "luận tội" các tín đồ, cũng không có những điều răn buộc tín đồ phải theo. Họ cũng không quan tâm đến khái niệm kiếp trước, kiếp sau, đến luân hồi hay sự cứu rỗi. Không có lời dạy nào ở phía bên kia ngôi mộ, bên kia của cuộc sống, và người Thần giáo cũng không cầu nguyện cho hạnh phúc tương lai...

Nhưng những người Thần giáo, hay những người Nhật theo truyền thống trân trọng với tất cả những gì xảy đến với họ hàng ngày, thay vì quan tâm đến những cái siêu nhiên hay vô hình, họ quan tâm đến bản thân và những người khác, đến những bình hoa đặt
nơi góc nhà, đến khu vườn nhỏ, đến một tiếng dế, tiếng côn trùng mùa hè, đến những cánh hoa đào vào mùa hoa anh đào nở... Họ quan tâm đến danh dự bản thân, dòng tộc và đất nước, quan tâm đến sự tinh khiết, trước khi vào một đền thờ luôn có những nơi để họ súc miệng, rửa tay... Như vậy những người Thần giáo không sống bằng tội lỗi hay vinh quang của quá khứ, họ cũng không lo sợ cho tương lai, chúng ta đã thấy họ không hề hoảng sợ, rối loạn hay tuyệt vọng khi thiên tai xảy đến với họ, họ sống, đơn giản là như thế...

Và cuộc sống, theo thiển ý của tôi, cũng vốn là như thế...
--> Read more..

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Nhà sư thi đấu ở Olympic London.

Sư thày Kenki Sato vui mừng khi đoạt HCV môn đua ngựa tại Asian Games Quảng Châu 2010 - Ảnh Getty Images.

Sư thầy Sato, VĐV đua ngựa Nhật Bản:

“Tôi sẽ học được nhiều điều từ Olympic London”

TT - Tuy coi trọng sự khai sáng hơn vinh quang cá nhân nhưng sư thầy Kenki Sato là niềm hi vọng lớn của Nhật tại Olympic 2012 ở London trong nỗ lực chấm dứt cơn khát HCV Olympic môn đua ngựa suốt 80 năm qua.

Theo AFP, sư thầy Sato (28 tuổi) đang tạm ngừng tu hành ở chùa Myoshoji, nằm trên đỉnh núi gần thành phố Nagano, để luyện tập cùng đội tuyển đua ngựa Nhật chuẩn bị cho Olympic London.

Tại London, Sato sẽ thi đấu các môn điều khiển ngựa, đua ngựa và cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật. Cao 1,63m, Sato đang luyện tập dưới sự hướng dẫn của nhà vô địch đua ngựa châu Âu và thế giới Michael Jung ở Stuttgard (Đức).


Những dòng trên được trích trên trang Thể Thao báo Tuổi Trẻ ngày 11/7/2012, viết về một nhà sư Nhật Bản có mặt trong đoàn vận động viên của nước Nhật tham dự Olympic London 2012, nhà sư vận động viên này tham dự tranh tài trong môn điều khiển ngựa, đua ngựa và cưỡi ngựa vượt qua chướng ngại vật. Có lẽ đây là nhà tu hành duy nhất thi đấu tại Olympic London 2012.

Kể cũng khá thú vị khi một nhà sư thi đấu tranh tài thể thao, trong một cuộc so tài toàn cầu như Olympic, nhưng như chúng ta đã biết, tôn giáo ngày nay không chỉ đơn thuần trong bốn bức tường của tu viện, nhà thờ, hay chùa chiền... tôn giáo phải hòa nhập vào dòng đời, hay nói một cách khác, tôn giáo chính là đời sống. Ở Nhật Bản, khi Phật giáo được truyền vào khoảng thế kỷ thứ 6 từ Trung Hoa và Triều Tiên, đã kết hợp với Thần đạo là tôn giáo bản địa, và nhất là tinh thần Võ sĩ đạo đã tạo nên một bản sắc riêng biệt cho Phật giáo Nhật Bản. Có một câu chuyện kể về một đạo sư Thiền Phật giáo bước vào một lớp học để giảng một bài Pháp (Dharma), nghe thấy tiếng chim hót ngoài cửa sổ, đạo sư dừng lại lắng nghe, và rồi giải tán lớp học...

Người Nhật lúc nào cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi không gian thiên nhiên, tinh tú, gió, cát, tiếng sóng biển, tiếng hòa âm của những con côn trùng, hay bản nhạc của một thác nước... Vào thời điểm cây anh đào trổ hoa trong năm, rất nhiều người Nhật ngưng công việc của họ để đi đến những công viên, những vùng quê, để thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào nở trước khi hoa tàn úa. Cũng có khi họ dành hàng giờ vào một đêm trăng sáng chỉ để ngắm trăng, hay ngồi tĩnh lặng để thưởng thức cái yên lặng của một mảnh vườn, một nhánh cây khô, một chiếc lá úa... Cho nên thế giới cũng không ngạc nhiên khi thấy nhiều môn nghệ thuật chẳng hạn như cắm hoa, uống trà.... đã được người Nhật nâng lên thành đạo, Hoa đạo, Trà đạo, Cung đạo (bắn cung)... Ngay cả những môn võ cũng trở thành đạo, Nhu đạo (Judo), Hiệp khí đạo (Akido), hay Không thủ đạo (Karatedo)... và tinh thần Võ sĩ đạo luôn bàng bạc nơi người Nhật.

Nhưng có lẽ hơn hết, mỗi một người dân Nhật, đều quan tâm đến tất cả người Nhật, đến sự hưng thịnh của đất nước của họ, đến danh dự cá nhân, gia đình, dòng tộc, và đất nước. Cái gì tốt nhất cho mình, họ cũng muốn cho người khác, và cho cộng đồng. Chắc chúng ta cũng chưa quên hình ảnh một đứa bé xếp hàng nhận phần cứu trợ trong thảm họa sóng thần, đứa bé kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt, và nhận đúng một phần như bao người khác, cho dù những người lớn khác muốn nhường ưu tiên và phần hơn cho chú bé...

Trở lại việc sư thày Kenki Sato thi đấu trong đoàn thể thao Nhật Bản, sư thày nói: "Tôi sẽ học được nhiều điều từ Olympic London", được đến với một đại hội thể thao mang tầm thế giới như Olympic, chắc chắn trên cương vị vận động viên bất cứ ai, kể cả sư thày cũng đều muốn chiến thắng, và sẽ vui mừng với chiến thắng. Nhưng với một nhà sư Nhật Bản có lẽ câu "Tôi sẽ học được nhiều điều từ Olympic London", không phải là câu xã giao, lịch sự hay khiêm nhường khi được phỏng vấn, mà là một câu thật lòng của một nhà sư, đúng với tinh thần thượng võ "Nhanh hơn, xa hơn, cao hơn" của Olympic.
--> Read more..

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Tranh chăn trâu.

               


                 Tranh Thiền tông số 1         Tìm trâu.


                 Tranh Thiền tông số 2               Thấy dấu


                Tranh Thiền tông số 3          Thấy trâu


              Tranh Thiền tông số 4            Được trâu


             Tranh Thiền tông số 5               Chăn trâu


             Tranh Thiền tông số 6          Cỡi trâu về nhà


         Tranh Thiền tông số 7        Quên trâu còn người


           Tranh Thiền tông số 8      Người trâu đều quên


          Tranh Thiền tông số 9        Trở về nguồn cội



            Tranh Thiền tông số 10    Thõng tay vào chợ



Tranh chăn trâu, hay Thập mục ngưu đồ là 10 bức tranh nổi tiếng của Phật giáo Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của người phát nguyện Giác ngộ, là những gì cô đọng và tinh hoa nhất của Phật giáo Đại thừa.

Tranh chăn trâu tương truyền đã có từ rất xa xưa, ban đầu chỉ có sáu bức đã thất lạc. Đến đời nhà Tống (960-1279), nhiều bộ tranh chăn trâu đã xuất hiện, và đã được xem như những bức họa tiêu biểu tinh hoa của Thiền tông Trung Hoa. Có nhiều bộ tranh chăn trâu  khác nhau, nhưng có lẽ nổi danh nhất, ý nghĩa nhất là bộ 10 bức tranh của thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (? - 1150), được lưu lại trong bản sao của họa sĩ người Nhật tên Châu Văn (? - 1460).

Vào một nhà thờ Thiên chúa giáo, để ý một chút chúng ta hay thấy những bức tranh treo trên tường, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh "Tiệc ly" của nhà đại danh họa Leonardo da Vinci, bức tranh diễn tả lại bữa tiệc cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đệ ngày hôm trước khi Chúa bị đóng đinh, và những bức tranh Ngài bị hành hình trên cây Thập giá, với ý nghĩa cứu chuộc nhân loại.

Đến những ngôi chùa, chúng ta cũng hay nhìn thấy những bức tranh chăn trâu treo trên tường, hành trình đi tìm Giác ngộ của hành giả. Tôi thích những bức tranh chăn trâu của ngài Khuếch Am Sư Viễn bên trên hơn những bức tranh chăn trâu khác, bởi nét vẽ mộc mạc, đơn giản mà mạnh mẽ. Cuối cùng của một con người đã đạt đến "Vô sự", là "Thõng tay vào chợ" không còn bị ba cõi chi phối...


Những bức tranh được copy từ trang mạng Wikipedia.
--> Read more..

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

"Khi mê thì người theo pháp, khi ngộ thì pháp theo người". Huệ Khả (Tổ thứ nhì của thiền tông Trung Hoa, sau Bồ Đề Đạt Ma).

--> Read more..

Duyên.

                                     Hình trên mạng.


Giở từ đển Thiều Chửu mục từ chữ Duyên, có đến sáu chữ Duyên với nhiều ý nghĩa khác nhau, có ý nghĩa đáng chú ý, chẳng hạn nghĩa là Duyên dáng, điều này thì để nói về quý bà quý cô, quý chị quý em chứ chẳng có dây dưa rễ má gì đến quý ông cả. Cái Duyên thật sự cũng là cái gì đó khó diễn tả, có những người rất đẹp, là hoa hậu áo dài áo tắm, hoàn vũ hay bãi biển... chẳng hạn, nhìn rõ là đẹp đẽ, nhưng có khi nhìn họ kỹ kỹ một chút, hoặc nghe họ trả lời phỏng vấn trên báo chí, hay tivi... lại thấy... chán ngắt, người ta nói ấy là người không có duyên... Cũng có khi ngược lại, một người nhìn thoáng qua không thấy gì xuất sắc, nhưng khi tiếp xúc, hoặc nghe họ nói chuyện, trả lời phỏng vấn, lại thấy họ có cái gì đó cuốn hút người khác, ấy là người có duyên... Nhưng mà ở đây tôi cũng không muốn nói đến chữ Duyên này, bởi vì tôi cũng chỉ nghe nói như thế, chứ cũng không có nhiều kinh nghiệm gì cho lắm .

Vậy thì tôi muốn nói đến chữ Duyên nào trong nhiều ý nghĩa của chữ Duyên?, Có thể là chữ Duyên mà ngôn ngữ nhà Phật hay nhắc đến, chữ "Duyên khởi". Từ điển Phật học của nhóm Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu, giải nghĩa về từ ngữ Duyên khởi như sau: Duyên khởi = Thập nhị nhân duyên: Một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật. Nguyên lý này chỉ rõ, mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ vói nhau. Chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi (samsara). Tôi không kể ra đây Thập nhị nhân duyên, chắc các bạn đã biết, nếu chưa rõ lắm các bạn cứ vào Google gõ Thập nhị nhân duyên là sẽ có hàng muôn ức kết quả tham khảo (người ta còn nói Google là Thượng đế nữa cơ đấy, cái gì không biết cứ hỏi Google) .

Cũng có thể là tôi muốn nói đến chữ Duyên trong Duyên số, cái chữ duyên này cũng hay đáo để, trong tình yêu, hôn nhân chẳng hạn người ta hay nói đến Duyên số, tại sao trong hàng triệu người trong xã hội, trong cuộc sống, ta không sống với người này mà lại sống với người khác? Không gặp người này mà lại gặp nguời kia, có khi lạ hoắc lạ huơ ở những đâu đâu... Điều này là chính câu chuyện của các cụ thân sinh ra tôi mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe, chuyện là như thế này, dĩ nhiên là do ông bà cụ kể lại. Ngày xưa cách đây dăm bảy chục năm, các cụ ít có dịp gặp gỡ hẹn hò, bồ bịch thoải mái như bây giờ, đám cưới thường là do mai mối, các cụ đến tuổi trưởng thành nếu nhà cửa không quá khó khăn, tự khắc sẽ có người mai mối, thường ông mai bà mối cũng là người quen trong dòng họ. Ông cụ tôi người Nam Định được mai mối cho người bên Ninh Bình, xe cộ ngày đó cũng khá khó khăn chứ không dễ dàng mười lăm, mười bảy chỗ ngồi cho mướn như bây giờ. Người định làm mai mối đã có (cô dâu tương lai), thế là đoàn người kéo nhau đi, chẳng may xe cộ trục trặc sao đó mà đến trưa cũng chưa đến được nhà gái, rồi xưa cũng không phải chỗ nào cũng có nhà hàng, quán xá để ghé lại ăn uống, nghỉ ngơi, thế là đành phải tấp vào nhà một người quen nghỉ đỡ... và đúng là... duyên số, trời xui đất khiến, ở nhà người quen nghỉ chân này lại có một cô cũng đang tuổi... cập kê, qua chuyện trò thì nhà cho nghỉ chân đề nghị luôn nếu không... chê thì xin dừng lại đặt trầu cau chẳng phải đi thêm đâu xa, và ông cụ tôi cũng... ưng luôn, thế là thay vì tính đi hỏi cô kia thì Duyên số lại khiến ông bà cụ tôi gặp nhau mà chẳng hề hẹn trước... Đấy cái duyên số nó là như thế, cũng có người nói là Duyên nợ, Duyên kiếp, có Duyên rồi cũng phải có nợ nữa thì mới đến với nhau và ăn đời ở kiếp được... .

Có lẽ cũng có một cái Duyên khác nữa, đó là cái duyên mà chúng ta đôi khi gặp trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ chẳng phải Duyên số, hay Duyên nợ, hay Duyên kiếp... như đã nói ở trên, đây có lẽ chỉ là cái Duyên thuần túy, cái Duyên bè bạn, cái duyên gặp gỡ, cái Duyên trong cuộc đời... Tại sao trong muôn ngàn người ta lại quen người này, gặp người kia, thân người nọ, mà có khi lại tuốt ở đâu đó, chẳng phải hàng xóm gần nhà, chẳng phải làm chung cơ quan... mà ở tuốt đâu đó, cách xa cả ngàn, cả vạn cây số, chỉ một vài lời chào hỏi trên mạng, một cái giới thiệu bạn bè, thế là quen, là thân... Thật đúng là duyên, nhưng mà cuộc đời cũng rất lạ kỳ, duyên khởi thì duyên cũng có thể tàn, có cái này thì cũng có cái kia, nếu ta tin có Phật ắt cũng phải có ma, có những tình nghĩa, những tình bạn, những tình thân... có duyên thì hợp, nhưng khi đã hết duyên thì tan... Âu cũng là cái thường tình, của lẽ đời... .

--> Read more..