PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Cuộc sống vốn như thế.

Ảnh chụp của bạn Marguerite.


Hôm nọ có dịp ngồi cafe với mấy người bạn, nói chuyện lan man trên trời dưới biển, những chuyện tầm phào chẳng có đầu đũa, ngày xưa gọi là tán gẫu, tán dóc... nhân có chuyện nói về xã hội bây giờ sao người ta dữ quá, tranh dành, sẵn sàng dương đao múa mỏ ngay cả với những chuyện nhỏ nhặt, không đâu... Bạn nói theo bạn thì con người vốn tính bổn... ác chứ không phải bổn thiện như sách vở ông bà mình đã từng khẳng định... Aha, chuyện này thì không hề mới, thiện hay ác là cái câu chuyện muôn thuở của con người...

Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ một quyển sách xưa lắm rồi, soạn từ tận đời Tống đời Minh gì đó, sách gọi là Tam tự kinh, kinh ba chữ, gọi là kinh, nhưng không phải là kinh Phật, kinh thánh... cũng không phải kinh chỉ có ba chữ, mà là sách để dạy đạo lý cho học trò xưa mới đi học chữ nghĩa thánh hiền, sách bố trí ba chữ một câu, có vần điệu, dễ học, dễ thuộc. Câu đầu tiên của sách có liên quan đến câu chuyện tán gẫu kể trên, "Nhân chi sơ/ Tính bổn thiện/ Tính tương cận/ Tập tương viễn/ Cẩu bất giáo/ Tính nãi thiên/ Giáo chi đạo/ Quí dĩ chuyên...". Đại khái sách là như thế, người mới sinh ra bản tánh vốn hiền lành, tánh ban sơ vốn giống nhau, nhưng do những thói quen dần sẽ khác nhau, nếu không được dạy dỗ bản tính sẽ thay đổi, đường lối ở giáo dục quý ở sự chuyên cần...

Như vậy những câu đầu tiên của Tam tự kinh đã chỉ cho chúng ta biết lúc mới ra đời bản tính con người vốn hiền lành, ai cũng giống ai, chỉ do những thói quen tức là những ảnh hưởng của môi trường sống (trong gia đình, học đường, xã hội...) bản tánh con người sẽ thay đổi khác nhau, nếu không được dạy dỗ thì bản tính con người sẽ lại càng thay đổi (theo chiều hướng xấu hơn), và đường lối ở giáo dục dạy dỗ con người thì quý ở chuyện chuyên cần... Ngày xưa ông bà ta nghĩ như thế...

Đọc sách Phật giáo, tôi cũng hay thấy dùng chữ "Vô minh"  (P:avidya) để chỉ cho cái u mê không hiểu biết của chúng sinh, và đây cũng được coi là một "thuộc tính gốc" của con người. Vô minh là yếu tố đầu tiên của Thập nhị nhân duyên (mười hai nhân duyên khiến con người vướng mắc trong luân hồi). Vô minh được xem như là gốc của mọi bất thiện trong cõi nhân gian, từ đó phát sinh ra khổ... Tôi cũng không có ý muốn giải thích gì kinh điển của Phật giáo vì thật sự không có khả năng ấy, và cũng không muốn "rơi" vào cái rắc rối, cái bẫy của chữ nghĩa, tôi chỉ muốn nêu ra đây để chúng ta có thể thấy rằng, theo kinh sách Phật giáo thì có lẽ bổn tính của con người là bất thiện (vô minh), hay chúng ta có thể hiểu cách khác vô minh là cái gì đó hỗn mang u u minh minh, tối mờ mờ, có thể chưa phải là ác, nhưng đã ẩn chứa cái ác, cái bất thiện, và để thoát khỏi vô minh kinh sách nhà Phật cũng đã chỉ cho chúng ta những nẻo đường mà đấng Giác ngộ đã trải qua, là phải tu tập tinh tấn những Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên... đồng thời phải hiểu rõ những Ngũ uẩn, Lục căn... vân vân... Cũng có những nẻo đường khác mà Phật giáo cũng chỉ cho chúng ta để thoát khỏi vô minh, chẳng hạn theo Tông phái Tịnh độ, phải năng tụng niệm cầu khẩn Phật A di đà, là vị Phật theo kinh sách nói thuộc về quá khứ, là Giáo chủ của một cõi Cực lạc ở phương Tây, mà kinh sách có nói cách chúng ta ngoài mười vạn ức quốc độ... Chỉ bằng tinh tấn tụng niệm danh hiệu Phật A di đà là khi thác chúng ta có thể xóa được mọi tội lỗi, thoát được cái vô minh mà vãng sanh vào cõi Tây phương Cực lạc hưởng hạnh phúc muôn đời...

Bên kinh sách Thiên chúa giáo mà tôi cũng đã có dịp xem, thì thấy có nói về chuyện bổn tính con người như thế này, con người ngay từ lúc mới sinh ra đã mắc tội, gọi là tội Tổ tông, nghĩa là do ông cố ông sơ từ thời Adam và Eve truyền lại, cái tội cãi lời xơi trái cấm để được thông minh như Chúa trời trong vườn Địa đàng xưa kia... Tội này truyền lại cho đến tận con cháu ngàn đời sau... Mới sinh ra đã mắc tội, như thế bản chất của con người không thể là thiện, theo cái nghĩa thông thường nhất của chữ thiện. Cái tội lỗi "cha truyền con nối" theo đuổi kiếp người từ ngay lúc mới sinh, kinh sách cũng chép tiếp, cho đến khi Jesus, đấng Cứu thế được phái xuống thế gian để mưu cầu cứu chuộc tội lỗi của loài người, thì con người lại phạm thêm một tỗi lỗi tày trời nữa, là đã đưa đấng Cứu thế lên cây Thập tự... Cho nên người Thiên chúa giáo luôn nghĩ và bị dằn vặt bởi tội lỗi của mình, luôn phải cầu nguyện để mong được tha thứ mọi tội lỗi...

Qua những kinh sách của hai tôn giáo lớn của thế giới đã cho chúng ta thấy, rõ ràng là Bổn tính của con người không phải là Thiện...

Nhưng rồi lan man đọc trong sách vở, tôi lại thấy Ấn độ giáo (đạo Hindu), cũng là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại, người Ấn độ giáo tin như thế này, trong con người có ba mức tính khí thông thường. Mức thấp nhất là tính trì trệ, không muốn thay đổi, lười biếng. Mức thứ hai là tính hung hăng, hay bị kích động bởi sức mạnh bên ngoài. Mức thứ ba, mức tốt nhất nơi mỗi người là tính trầm tĩnh, có khả năng giữ được an nhiên, không bị tác động bởi sức mạnh bên ngoài. Và trong Mỗi người đều có đủ cả ba tính ấy, mỗi thứ một ít. Con người muốn loại trừ hai cái tính xấu kể trên thì phải năng tu hành, tuân theo những chỉ dẫn của kinh sách (kinh Vệ đà), và của các bậc Đạo sư... như vậy, theo Ấn Độ giáo, bản chất của con người không hẳn Thiện, cũng không hẳn Bất thiện, nó đầy đủ điều tốt lẫn điều xấu, và qua tu tập, điều xấu sẽ bị loại trừ...

Và rồi lại lan man theo sách vở, tôi lại thấy có một tôn giáo xưa ở Nhật Bản, đó là Thần đạo (Con đường của các vị thần). Những người theo Thần đạo thấy đời sống rất tốt đẹp, và họ sung sướng chấp nhận nó như thế. Những người theo Thần giáo luôn cảm thấy thế giới này là Ngôi nhà của mình, họ tin rằng các vị Thần mong muốn họ được hạnh phúc, rằng Đời sống tốt đẹp và Con người cũng tốt đẹp.Thần giáo không có bản liệt kê hay "luận tội" các tín đồ, cũng không có những điều răn buộc tín đồ phải theo. Họ cũng không quan tâm đến khái niệm kiếp trước, kiếp sau, đến luân hồi hay sự cứu rỗi. Không có lời dạy nào ở phía bên kia ngôi mộ, bên kia của cuộc sống, và người Thần giáo cũng không cầu nguyện cho hạnh phúc tương lai...

Nhưng những người Thần giáo, hay những người Nhật theo truyền thống trân trọng với tất cả những gì xảy đến với họ hàng ngày, thay vì quan tâm đến những cái siêu nhiên hay vô hình, họ quan tâm đến bản thân và những người khác, đến những bình hoa đặt
nơi góc nhà, đến khu vườn nhỏ, đến một tiếng dế, tiếng côn trùng mùa hè, đến những cánh hoa đào vào mùa hoa anh đào nở... Họ quan tâm đến danh dự bản thân, dòng tộc và đất nước, quan tâm đến sự tinh khiết, trước khi vào một đền thờ luôn có những nơi để họ súc miệng, rửa tay... Như vậy những người Thần giáo không sống bằng tội lỗi hay vinh quang của quá khứ, họ cũng không lo sợ cho tương lai, chúng ta đã thấy họ không hề hoảng sợ, rối loạn hay tuyệt vọng khi thiên tai xảy đến với họ, họ sống, đơn giản là như thế...

Và cuộc sống, theo thiển ý của tôi, cũng vốn là như thế...

36 nhận xét:

  1. Anh Hiệp thật là chịu khó tìm hiểu về các tôn giáo.Theo tôi thì nên theo thuyết trung dung, bản chất của con người không hẳn thiện cũng không hẳn bất thiện,nó đầy đủ điều tốt lẫn điều xấu,và qua giáo dục ,tu tập, điều xấu sẽ loại trừ....
    Bên Phật giáo cũng có câu : " không truy tìm quá khứ,không ước vọng tương lai,hiện tại chính là đây " đó anh Hiệp,tức là đạo cũng khuyên con người hãy sống với hiện tại.

    Trả lờiXóa
  2. Em đọc entrry của anh Hiệp thấy nhiều điều về bản tính con người trong các đạo giáo, mỗi đạo lý có cái hay riêng nhưng em thích nhất cái nhìn thực tế của Thần Giáo.
    Và chị Tuyết Mai có cái comment rất hay cùng câu nói trong Phật Giáo: "không truy tìm quá khứ,không ước vọng tương lai,hiện tại chính là đây".
    Có hiều khi em nghĩ sao bây giờ con người ta hình như dữ hơn, tàn khốc hơn ngày xưa rất nhiều, ham tranh đoạt và thể cái tôi quá mức cần thiết, có lẽ do những gì đang có ở hiện tại mà chúng ta ai cũng thấy, cũng biết nhưng không thể nói ra được đã làm cho những bản chất xấu của con người hoạt đọng mạnh hơn phần tốt của mình.
    Em thì nghĩ vậy, không biết có đúng hơn nữa vì nhiều khi em nổi giận lên là nhìn cũng khủng hoảng lắm đó.

    Trả lờiXóa
  3. Hình như bây giờ cuộc sống tạo nên con người....em đi qua mổi chặng đường đời em thấy như vậy ,,,,nhưng nói chung củng tùy vào suy nghỉ của mổi người hihi....

    Trả lờiXóa
  4. Như vậy sự an nhiên của người Nhật có căn cốt từ Thần đạo, hay quá. Thần đạo không dọa dẫm tín đồ.
    Nói về Thiện, Ác thì theo em, con người có cả bản tính Thiện lẫn bản tính Ác. Khi xã hội tốt đẹp, vua sáng tôi hiền thì cái Thiện được phát huy, bộc lộ và ngược lại. Biện chứng đấy chứ, bác?!

    Trả lờiXóa
  5. Người ta buộc phải thích nghi với xã hội hiện thời hay như các cụ nói ở bầu thì tròn ở ống thì dài cũng là nương theo cái bản chất thiện hay ác của con người phải không ạ?

    Trả lờiXóa
  6. Hihi, sắp thành đạo... Dừa rồi chị Mai. Thuyết Trung đạo (trung dung) của nhà Phật hay lắm, nó không khổ hạnh cực đoan, cũng không sa đà vào cái tiện nghi vật chất.
    Tôi cũng rất đồng ý với chị Mai là cái hiện tại của con người là quan trọng nhất, thực ra quá khứ hay tương lai chỉ là ảo tưởng, con người chỉ có một cái duy nhất là hiện tại, luôn luôn là hiện tại...

    Trả lờiXóa
  7. Gần như không có một tôn giáo nào là hoàn chỉnh, nó tựa như một bức tranh lắp ghép, mỗi tôn giáo lắp ghép một mảng, và thành ra đời sống...
    Chị TuyetMai hay lắm đấy cô Lan, chị ấy hiểu rất sâu về Phật giáo.
    Con người luôn bị tác động bởi hoàn cảnh, môi trường sống... Cô lan cứ nhìn xã hội bây giờ thì ắt thấy con người như thế nào...
    Chưa nhìn thấy cô Lan giận nên không biết sao, hihi!

    Trả lờiXóa
  8. Con người là sản phẩm của môi trường mà Phuongvu, có những trường hợp từ nhỏ lạc vào bầy sói và sau đó trở thành y hệt chó sói..., còn tôn giáo thì đúng là tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người, hì hì!

    Trả lờiXóa
  9. Từ cổ chí kim, con người đi tìm và tốn bao nhiêu sách vở bút mực cuối cùng chỉ là bản thể nhất như! đúng là cuộc sống vốn thế thật!

    Trả lờiXóa
  10. Đúng đó Toro, "hay quá. Thần đạo không dọa dẫm tín đồ.", cái tôi không thích nhất nơi các tôn giáo, kể cả Phật giáo là điều này, nói hơi nặng, đây là một hình thức "khủng bố tinh thần", để hòng điều khiển người khác.
    Dĩ nhiên là Biện chứng đó Toro, trong mỗi con người hẳn nhiên là có cả điều thiện lẫn điều ác chứ, thời Nghiêu Thuấn đó, thiên hạ thái bình...

    Trả lờiXóa
  11. Để tồn tại và phát triển hơn hết thẩy các loài "chúng sinh" khác, con người đã thích nghi nhất với môi trường, như TT nói các cụ ta bảo ở bầu thì tròn ở ống thì dài, các loài khác đã bị tuyệt diệt (chẳng hạn như khủng long) chẳng qua đã không thích nghi được với những thay đổi, tôi nghĩ nó không liên quan gì đến chuyện thiện hay ác đâu TT :-))

    Trả lờiXóa
  12. Hoàn toàn đồng ý với chị M. bao nhiêu kinh sách, bao nhiêu sách vở, bao nhiêu triết thuyết, rồi cuối cùng cũng chỉ là cuộc sống vốn như thế thật, phải không chị M.? Thiên nhiên đã sắp đặt tất cả, con người chỉ cố gắng giải thích bằng những gì chính bản thân con người muốn :-)))

    Trả lờiXóa
  13. ua, cai bong hong thi co lien quan gi toi nhan chi so tinh bon vua thien vua ac nhi?

    Trả lờiXóa
  14. Cái bông hồng bạn Marg. chụp đẹp biết bao :-)))

    Trả lờiXóa
  15. lạm bàn chút xíu, tôi đã nghe và đồng ý rằng nhân chi sơ...là ích kỷ, và sự ích kỷ mang đến những điều thiện, ác...

    Trả lờiXóa
  16. Hihi,đạo " Vừa " chứ không phải đạo " Dừa ".

    Trả lờiXóa
  17. Bông Hồng tượng trưng cho tính bổn thiện, còn gai của hoa Hồng là tính bổn ác.
    Chịu chưa nàng?

    Trả lờiXóa
  18. Chị đã vượt qua được cả cái "bất khả" của chữ nghĩa, hì hì :-))

    Trả lờiXóa
  19. Một câu trả lời của bậc đại sư chứ chẳng phải chơi :-))

    Trả lờiXóa
  20. chị M là đại sư... tỉ yêu dấu của em :))

    Trả lờiXóa
  21. Vậy là TV cứ theo chị Mai mà học hỏi :-))

    Trả lờiXóa
  22. Hihi, không dám nhận những từ vĩ đại như thế đâu.
    TV ơi,chĩ nhận là chị yêu dấu của em được rồi.

    Trả lờiXóa
  23. Nhận đại đi chị Mai, Đại phú thì chính phủ mới đánh thuế, còn Đại sư chẳng ai đánh thuế đâu, hì hì!

    Trả lờiXóa
  24. Anh hiệp ơi,không dám làm sư của ai hết. Chĩ làm sư cho chính mình không biết đã được chưa.

    Trả lờiXóa
  25. "Ai biết được chính mình sẽ biết được Thượng đế", người Ấn Độ nói như thế đấy chị Mai, hihi!

    Trả lờiXóa
  26. Em xem 1 bộ phim của Nhật "Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân" trong đó nêu bật lên là con người sinh ra vốn đã ác chứ ko phải là thiện. Trong phim kể chuyện hành vi ác độc của mấy cậu bé (được nuôi nơi của Phật, ở những thời điểm khác nhau) như buộc đá nặng vào cá con, ếch... rồi thả xuống nước và vỗ tay cười khoái trá khi thấy những con vật đáng thương bị mắc nạn và chìm rồi chết.Cậu bé sau còn độc ác hơn cậu bé trước...Con người hoàn thiện mình qua quá trình được giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng chứ ko phải là cứ tự nhiên trở thành người tốt, người tử tế, người nhân đức.
    Vậy nên :"Nhân chi sơ tính bản thiện" ko hoàn toàn đúng.

    Trả lờiXóa
  27. Xét trên một khía cạnh thì bộ phim mà VA nêu ra là đúng, cho nên như VA đã thấy, mỗi một nền văn minh, văn hóa, một thời điểm, một dân tộc, hay một tôn giáo luôn có cái nhìn khác nhau về điều tưởng như rất đơn giản và cơ bản này...
    Đọc nhiều và suy nghĩ, mình cũng rút ra được cái gì đó ha VA? Hồi này khỏe không? :-))

    Trả lờiXóa
  28. Em cám ơn anh, em vẫn khỏe ạ:-)
    Theo em thì trong mỗi con người đều tồn tại tính thiện và tính ác. Tùy từng thời điểm, hoàn cảnh mà cái nào là tính trội thôi ạ. Xã hội tốt đẹp là xã hội mà mỗi thành viên kìm hãm bớt tính ác, phát huy tính thiện, cái thiện được đề cao đúng ko anh?

    Trả lờiXóa
  29. VA nghĩ đúng quá chứ, ông bà mình cũng nói "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", sống giữa bầy sói, con người sẽ trở thành sói... cho nên ngày xưa mẹ Mạnh Tử phải dời nhà hoài, :-)))

    Trả lờiXóa
  30. giang hồ cũng có câu : bản chất tốt nhưng dòng đời xô đẩy đó anh , heheheh.....

    em nghĩ đơn giản thôi , con người ta tính bổn ác vì chỉ thấy được dạy làm điều thiện , nếu tính bổn thiện rồi thì đâu cần phải dạy nữa , heheheheh.....

    giới khoa học thì có công thức B = f ( PE ) trong đó B : hành vi ; P : nhu cầu tâm lý cá nhân ; E : hoàn cảnh ngoại giới khách quan ; f : ký hiệu hàm số .

    như vậy thì hành vi của con người , nếu cứ nói là do môi trường thì chỉ là đổ thừa hoàn cảnh , vụ thảm sát ở Na Uy là thí dụ cho thấy mặc dù ở môi trường tốt đẹp con người ta vẫn có tính ác như thường ...

    bài viết của anh thật công phu , lâu nay em cứ thắc mắc sao mà con nít bên Công giáo lại làm lễ rửa tội , bây giờ thì đã hiểu , cám ơn anh :)

    còn hình hoa hồng thì em lại nhớ tới câu hát :
    dù rằng đời ta thích hoa hồng
    kẻ thù buộc ta ôm cây súng ....

    Trả lờiXóa
  31. @nguoidan147, nói như chị Tuyetmai, giang hồ bỏ đao là có thể thành Phật. :-))
    Điều thiện có khi học mãi không được, thế mà điều ác lại chẳng phải học hành chi cả, hihi!
    Giống như công thức... nguyên tử của Einstein :-))
    Đích thị nhân chi sơ tính bổn... ác )))-:
    Một khi ý tưởng có trong đầu, thế là cứ việc gõ :-)) Cái tội truyền kiếp, chán thật.
    Hoa hồng và cây súng, chà chà!

    Trả lờiXóa
  32. 1-Các tôn giáo có tên gọi khác nhau nhưng nội dung nhiều chỗ giống nhau, mà rõ nhất là tất cả đều khuyên con người sống lương thiện. không làm khổ mình không làm khổ người, sống vì mình và còn vì người khác.
    2- Nhân chi sơ... là nói người mới sinh ra, chưa có nhận thức, chưa biết suy nghĩ thì không làm điều gì ác. Phật giáo nói vô minh là chỉ những hành động có tác ý gây ra nghiệp (xấu và cả tốt). Còn hành động không có chủ ý thì không gây ra nghiệp xấu. Với Thiên chúa giáo, con người sinh ra đã mang tội tổ tông nhưng nhà phật thì cho rằng người ta chỉ có tội khi hành đông không lương thiện. Vô minh với phật giáo là không hiểu được chư hành vô thường chư pháp vô ngã.
    3- Thần giáo và Phật giáo có chỗ giống nhau là không truy tìm quá khứ không luận về tương lại hiện tại chính là đây. Chỉ khác nhau là Phật giáo tu để giải thoát còn thần giáo không bàn đến giải thoát ? Osho cũng nói hạnh phúc là ngay bây giờ và ở tại đây. Hình như các lý thuyết vừa nói phảng phât chủ nghĩa hiện sinh...chỉ biết đến cuộc sống hiện tại, thiên đường ở ngay trên quả đất này.
    4- So với xưa thì đạo đức xã hội xuống cấp nhiều . Tại sao vậy? Thiếu giáo dục chăng? Đảng và đoàn cùng nhà trường toàn nói chuyện đạo đức, nhưng là thứ đạo đức không nhân bản. Dạy trẻ con 5 tuổi yêu tổ quốc yêu đồng bào mà không dạy yêu cha mẹ làng xóm. Một xã hội nêu đấu tranh giai cấp lên hàng đầu đến độ tuyệt đối hóa giai cấp trong cách đánh giá về con người. Nói đến yêu là phải yêu giai cấp, yêu nước phải là nước XHCN, mà XHCN là gì chưa ai nói ra được...Một xã hội phân hóa giàu nghèo cao độ thì đồng tiền chi phối mọi mặt của cuộc sống kể cả đạo đức và nhân cách ....

    Trả lờiXóa
  33. @bulukhin, tìm hiểu những tôn giáo, những triết thuyết của nhân loại thấy những bậc Đại sư, những nhà hiền triết đều có chung một lý tưởng là mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, nhưng những tôn giáo sau này có vẻ khác biệt nhau quá là do những người đời sau, không phải ý muốn của các bậc Đạo sư sáng lập ra những tôn giáo, hay triết thuyết...
    Cõi Trời (một trong 6 cõi luân hồi) mà còn chia thành nhiều tầng, thì làm sao cõi người xóa bỏ giai cấp được... Cho nên lẽ ra cần phải làm cho các giai cấp được hạnh phúc thì người ta lại đề cao một giai cấp nào đó, đương nhiên là bất hòa sẽ xảy đến... hù hù!

    Trả lờiXóa
  34. hay! Bac Bu đa nhan ra mot " thu dao duc khong nhan ban" . Co le do la su khac biet voi nen giao duc o mien Nam truoc 75 va o mot so nuoc phuong Tay

    Trả lờiXóa
  35. Và hậu quả là cái rối loạn của xã hội bây giờ, hichic!

    Trả lờiXóa